Nhật Ký Hội Ngộ
Tác giả: Cung Thị Lan
Vào lúc mười hai giờ trưa thứ năm ngày 19 tháng 8 năm 2010, Tuyết Lan, Tuyết Mai, Bạch Mai Anh và tôi co ro kéo kín cổ áo than lạnh khi bước ra khỏi phi trường San Jose. Cũng may là Bích Lan trờ xe tới điểm hẹn ngay như đã thỏa thuận khi nói qua điện thoại cầm tay. Nhanh nhẩu bước xuống xe, con nhỏ nói:
“Trời Cali đang nóng tự dưng mát dịu. Mấy mợ đem cái lạnh từ miền Đông qua đây đó nhen!”
Tuyết Mai lắc đầu:
“Đem lạnh gì đâu. Bên bờ Đông đang nóng thấy mồ. Đâu có ngờ trời hè mà Cali lạnh dữ vầy nè?”
Bạch Mai Anh và Tuyết Lan phụ nhau chất va ly vào xe, đều gật gù:
“Trời lạnh thiệt!”
Tôi thầm nghĩ “Mấy con nhỏ này sang Cali hoài mà không kinh nghiệm gì cả! May hồn là mình được người quen báo San Jose đang lạnh nên vớ theo chiếc áo khoác mỏng, nếu không, thì không kham nổi cái lạnh này.”
Yên vị trên xe, chúng tôi ba hoa đủ điều về chuyến bay của bốn đứa. Nhiều nhất là chuyện Bạch Mai Anh chạy hụt hơi đến phi trường, suýt lỡ máy bay. Bích Lan nói chúng tôi biết sơ về lịch trình của nhóm trong Hội Ngộ Võ Tánh và Nữ Trung Học lần này và những việc đã chuẩn bị.
Đầu tiên, Bích Lan chở chúng tôi đến quán ăn Mỹ Khê, nơi mà Bích Lan nói là có nhiều món ăn Huế đặc biệt nhất. Tại đây chúng tôi ăn bánh bèo trong chén nhỏ, bánh quai vạt gói lá và bún bò. Nhỏ Tuyết Mai khen thức ăn ngon nhưng chê giá đắt hơn các tiệm ăn ở Eden bên miền Đông. Tôi không hiểu đắt là đắt bao nhiêu nhưng ăn rất ngon miệng vì bồi hồi nhớ lại những cái chén bánh bèo nho nhỏ ở đường Trần Quý Cáp và tô bún bò ở trước mặt bưu điện Nha Trang của thời học sinh năm nào. Tiếng nói tíu tít của bạn bè làm tôi tưởng như chúng tôi đang là những cô gái trung học đang vén áo dài trắng ngồi ăn với nhau. Như thế cũng phải thôi vì chúng tôi vẫn còn đang xưng tên với nhau và chỉ nhắc lại những gì thuộc về mình chứ không quá lịch sự và khách sáo như những người lớn ở những thế hệ trước.Tôi mỉm cười khi nhớ lại cung cách của những người ở độ tuổi như chúng tôi ngày xưa. Lúc ấy, các vị ấy chào hỏi và nói với nhau rằng: “Chào chị, chị khỏe chứ ạ?”, “Anh nhà và các cháu ra sao ạ?”, “Anh chị vẫn làm ăn khấm khá chứ ạ?”, “ Mời chị ăn cái này.”, “Mời chị xơi cái kia.” vân vân và vân vân...
Còn bây giờ, chúng tôi mạnh ai nấy ăn và lao xao với những gì thuộc về hiện tại của mình. Ăn xong, Bích Lan nói:
“Tụi mình sẽ đến thăm mẹ Bích Lan như lời yêu cầu của Tuyết Lan nhé.”
“Tuyết Mai cũng muốn thăm mẹ Bích Lan nữa! Hơn ba mươi lăm năm chưa gặp lại bác!” Tuyết Mai nói thật nhanh.
Bích Lan gật đầu:
“Ừ, sau đó thì các bạn sẽ về nhà Bích Lan nghỉ ngơi và chuẩn bị dự tiệc do anh Tín và Mai Minh Trang tổ chức. Anh Hòe sẽ chở các bạn đến nhà cháu của Minh Trang chứ Bích Lan không đi chung được. Bích Lan phải dự họp của ban tổ chức Hội Ngộ VT-NTH. Sau khi họp xong, Bích Lan sẽ đi thẳng đến đó với Út Trâm.”
“Không sao đâu Bích Lan. Bích Lan cứ lo chuyện của trường trước đi rồi họp nhau sau cũng được mà. Còn giờ mình đi thăm bố mẹ Bích Lan được rồi chứ?” Tuyết Lan nói khi trả tiền cho người bồi bàn.
Bích Lan gật đầu:
“Ừ, nhưng Bích Lan phải chở các bạn về nhà để các bạn cất hành lý và lấy hoa cho Tuyết Lan luôn. Bích Lan đã order loại lan cho mẹ như Tuyết Lan dặn.”
“Hai con nhỏ Bích Lan, Tuyết Lan này lúc nào cũng tế nhị và kín đáo. Thì ra hai nàng đã bàn tính mọi chuyện với nhau mà mình có hay biết gì đâu!” Ngẫm lại tôi thấy mình luôn luôn là người lơ đễnh vì hầu như lúc nào tôi cũng được những người thân quen lo lắng và chuẩn bị mọi thứ cho mình. “Dầu sao mình vốn dĩ là người hay thờ ơ rồi... nên đành tiếp tục tháp tùng những sự chuẩn bị chu đáo của bạn mình vậy!”
Chúng tôi lục tục kéo ra xe, đến nhà Bích Lan, lên những căn phòng mà Bích Lan đã sửa soạn cho, theo Bích Lan xuống nhà, đi ra xe lại và đến nhà của Bích Nga, em gái của Bích Lan, để thăm mẹ Bích Lan. Mẹ Bích Lan có khuôn mặt đẹp hiền dịu và nụ cười dễ mến. Bà đã cho chúng tôi những vòng tay ôm thân tình trước khi bảo chúng tôi vào ngồi trong phòng khách. Nhỏ Tuyết Mai hỏi, nói, kể rồi lại hỏi không ngừng:
“Bác! Bác có nhớ con không? Con là hàng xóm của bác nè. Con là con của ông bà ... Ngày xưa bố con khen bác đẹp và hiền dịu hoài đến mẹ con phải ghen. Con thì không được cái đẹp như bác nhưng con giống bác là con rất trung thành với chồng con. Bác có nhớ hồi nhỏ con hay chạy sang nhà bác chơi trốn tìm với Nga rồi ở nhà bác ăn cơm và ngủ luôn không? Bữa trước con gặp anh Phi mà ảnh đâu có nhận ra con. Đến khi con gặp anh Huỳnh, hai anh em nói chuyện mới nhận ra là hàng xóm... A, mà bác trai đâu rồi hả bác?”
“Bố của Bích Lan đang nghỉ trưa rồi Tuyết Mai . Mà bố Bích Lan ít muốn tiếp xúc với ai lắm. Từ khi bạn bè của bố mất hết bố trở nên cô đơn và ít nói hơn...”
Câu nói này của Bích Lan vương mãi trong đầu tôi tận đến khi chúng tôi chào mẹ nàng ra về và làm tôi suy nghĩ miên man khi ngồi lại trong chiếc xe của nàng. Thì ra con người, bất cứ đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, dù có một gia đình hạnh phúc đến đâu cũng cần có bạn. Giờ đây chúng tôi đang lao xao cười nói trên xe. Giờ đây chúng tôi đang hạnh phúc với bạn bè những cuộc họp mặt lớn nhỏ. Tôi thầm cảm ơn ban tổ chức Hội Ngộ Võ Tánh -Nữ Trung Học đầu tiên vào năm 2004 cũng tại thung lũng Hoa Vàng này. Nhờ Hội Ngộ đầu tiên này mà chúng tôi được gặp lại thầy cô bạn bè cũ và còn có những hội ngộ nhỏ tiếp theo. Lần ấy, với sự hiếu khách của Bích Lan, nhóm Nữ Trung Học Nha Trang niên khóa năm 1975 của chúng tôi tìm lại nhau và tìm cả những cuộc đối thoại dễ thương của ngày xưa. Chúng đã làm cho chúng tôi cảm thấy ngày càng gần gũi hơn và trẻ trung hơn. Nhóm của chúng tôi thường liên lạc với nhau qua các điện thư. Vì nhóm được mở rộng với những thành viên không phải học năm 1975 như anh Phi, anh Huỳnh, anh An ra trường Võ Tánh trước năm 1975 và em Bùi Ngọc Trâm ra trường Nữ Trung Học sau năm 1975 , nhóm được có tên mới là CCH. Thấy ba chữ tắt này, có lẽ mọi người nghĩ là một nhóm, đoàn thể hay công ty gì đó “to lớn và cừ khôi” lắm. Thực ra đây chỉ là tên tắt của chữ “Chợ Chồm Hỗm” mà thôi. Nghe giải thích ba chữ này, ắt hẳn mọi người liên tưởng đến một cái chợ không có sạp hay bàn bày hàng hóa mà chỉ là những cái thúng, mẹt, rổ... với những người bán ngồi chồm hỗm ở ven vệ đường của các vùng quê Việt Nam. Nhưng nghĩa bóng của những chữ này chỉ là sự xôm tụ, lao nhao hay xôn xao. Ba chữ này do Tuyết Lan đặt sau khi nhóm điện thư của chúng tôi nhận hàng chục, hàng trăm điện thư trao đổi mỗi ngày. Chúng cho chúng tôi liên tưởng đến không khí tươi vui, nhộn nhịp và dễ thương khi đọc những lời đối đáp ngộ nghĩnh, những câu nói ý nhị và những câu chuyện cười duyên dáng. Nhờ sự chịu khó tìm tòi của Bích Lan, sau này được mọi người trong nhóm bầu thành hội trưởng, chúng tôi đã có nhiều tin tức cập nhật, nhiều câu ngụ ngôn thâm thúy, và nhiều hình ảnh đặc biệt từ khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng tôi đã gửi những tấm hình của gia đình mình và những tấm hình của những lần họp mặt để chia cho nhau những niềm vui. Và chúng tôi đã thường hẹn với nhau những cuộc hội ngộ nhỏ như hội ngộ CCH miền Đông, hội ngộ CCH bắc Cali, hội ngộ CCH nam Cali khi chúng tôi có dịp thăm nhau hay khi có các hội ngộ lớn của trường Võ Tánh và Nữ Trung Học.
Anh Hòe, chồng Bích Lan, đã chở chúng tôi đến nhà cháu của Minh Trang dự tiệc như “lịch”. Khổ thân cho phu quân của hội trưởng phải chịu đựng những cuộc đối thoại ồn ào không dứt của đám đàn bà chúng tôi và còn thêm giọng nói chỉ đường của cô gái trong máy GPS. Nếu lần hội ngộ ở Texas năm 2005 anh Phi khốn khổ nghe theo lời những người chỉ đường ở các trạm xăng và các cửa tiệm ở hai bên đường mà lái xe chở chúng tôi đi lên rồi trở ngược xuống không biết bao nhiêu lần để tìm đúng đường, thì lần này anh Hòe đau khổ nghe theo lời hướng dẫn của cô gái chỉ đường trong máy GPS hết quẹo trái rồi quẹo phải, hết quẹo phải rồi trái...và trở về điểm cũ đã từng lạc nhiều lần. Anh Hòe còn xui hơn là khi vừa tìm được đến nơi thì được báo là Minh Tuyết và Bé Ry(Thục An), con gái Minh Tuyết, đã đến phi trường. Nghĩa là anh phải lái xe đến phi trường đón mẹ con Minh Tuyết rồi đưa mẹ con Minh Tuyết về nhà cất hành lý và sửa soạn rồi lại đưa mẹ con Minh Tuyết đến nhà cháu Minh Trang để dự tiệc.
Chúng tôi, bốn đứa bên bờ Đông cộng thêm Chế Hồng Loan đến nhà Bích Lan để đi ké xe anh Hòe, “đạp đất” nhà cháu Minh Trang đầu tiên. Bất kể tiệc khai mạc lúc mấy giờ, đứa nào đứa nấy thi nhau đưa tay bốc và bỏ vào miệng các món “Tây” do Minh Trang làm. Chả trách chúng tôi được vì các món khai vị trình bày hấp dẫn quá. Bánh mì nướng nâu dòn được trét paté của vương quốc Bỉ kèm theo dưa chuột xanh và cà chua đỏ làm chúng tôi không kềm được cái đói “bất chợt”.
Có lẽ hiểu được ý nghĩ của bạn mình mà Minh Trang đã mời thử và chúng tôi thiệt tình ăn chứ không thử như lời mời. Đến tám giờ thì trong nhà lẫn ngoài vườn của nhà cháu Minh Trang đầy người. Ngoài các em , các cháu của Minh Trang, anh Tín, chồng của Minh Trang, chúng tôi có thêm Lộc, anh Quí, chồng của Lộc, anh An, anh Hòe, anh thầy Hiền, Minh Tuyết, Bé Ry,Út Trâm, Bích Lan, Tố Nga, anh Trung chồng Tố nga, Ngọc Hoa, Thùy Mỵ, anh Liêm, chồng Thùy Mỵ, Phương, em họ của Thùy Mỵ, và Tim, bạn trai của Phương. Cháu của Minh Trang còn mời thêm cả bạn đến nhà để chơi nhạc cho chúng tôi hát và khiêu vũ. Trời khá lạnh nên chúng tôi đều rúc vào phòng khách nơi có ban nhạc sống. Lộc, Hồng Loan, Tuyết Lan, anh An và anh Quí thay nhau hát để chúng tôi khiêu vũ. Chúng tôi, già trẻ lớn bé, cùng nhau biểu diễn những bước nhảy vui tươi và thân thiện. Khi thiếu nam, chúng tôi cùng nhảy với nhau như múa đôi. Không khí vui tuơi và nhộn nhịp đến độ những người không biết nhảy cũng ra sàn nhảy. Thùy Mỵ vừa nhảy với Tim vừa nói “You do like this, you go like this” rồi đếm “One, two three...” cho anh chàng Mỹ trắng này bước đúng theo nhịp. Tố Nga luôn miệng nói “Dô anh! Hai, ba...dô!” khi nhảy với anh Trung. Nhỏ Tuyết Mai cũng đi tới đi lui với tôi theo điệu cha cha cha. Anh thầy Hiền cũng bị mấy đứa học trò kéo ra sàn với các bước qua lại và tới lui. Để chắc ăn, mấy người không biết nhảy được mời sang phòng ngoài để học “lớp nhảy cấp tốc”. Những học trò gồm có Tuyết Mai, và Tim. Thầy dạy gồm Bích Lan và Thùy Mỵ. Những người trong nhà, em và cháu Minh Trang, cười tủm tỉm hoài khi nghe những lời đối thoại ngộ nghĩnh và têu tếu của chúng tôi.
Hồng Loan, Bạch Mai Anh, Ngô Minh Trang, Thùy My, Cung Lan, Tuyết Lan, Phương và Tuyết Mai
Khi chúng tôi nhao nhao yêu cầu Chế Hồng Loan hát bài giựt gân và sống động, con nhỏ điểm mặt chúng tôi bảo giữ trật tự rồi hét to:
“Tụi mày im! Nghe tao hát bài này đã rồi tao hát bài Ô Mê Ly cho tụi mày nhảy!”
Tôi không nhảy khi nghe nhạc trầm buồn nhưng thích nghe nhạc. Tiếng nhạc du dương với những thanh âm điêu luyện của người chơi đàn thành thạo trong căn phòng nhỏ gọn và ấm cúng này cho tôi một cảm giác dễ chịu và thích thú. Bạn bè tôi đứa nào đứa nấy lả lướt trong những chiếc áo đầm thật nhã nhặn, thật đẹp và thật kiêu sa làm sao. Tôi cảm thấy tự hào về chúng biết bao khi nghĩ đến số tuổi của chúng tôi. Chỉ cần ngồi ngắm tụi nó khỏe mạnh và đẹp đẽ như vậy là tôi cảm thấy vui rồi. Nhỏ Lộc không để tôi yên. Nó kéo tôi hát chung với nó.
Rồi Bích Lan nói tôi nhảy cùng. Ca hát và nhảy nhót chán chê, Tuyết Mai và Lộc thay nhau lấy microphone kể chuyện tếu lâm và pha trò. Mọi người cười nghiêng ngã với câu chuyện I Did của Tuyết Mai và chuyện Sky Horse của Lộc. Tếu nhất là đối đáp của Tim đối với chuyện Sky Horse của Lộc. Mặc dù chuyện Sky Horse này kể về ông chồng Việt tường thuật với cảnh sát Mỹ lý do ông đánh vợ bằng nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh mà anh chàng người Mỹ này cũng đoán ra chữ sky horse dành cho chữ đĩ ngựa. Câu trả lời thông minh của Tim làm chúng tôi cùng cười ồ như đồng bị thọc lét.
Sáng hôm sau, (thứ sáu 20 tháng 8 năm 2010) khi gặp nhau tại nhà hàng Paloma, chúng tôi, đứa nào đứa nấy, nói chuyện với nhau bằng một giọng trầm khàn như những người bị mới khỏi cơn ho kéo dài. Trước khi vào nhà hàng này, anh thầy Hiền đã chụp hình chung với đám con gái đầy màu sắc xanh đỏ trắng vàng của chúng tôi trước khu thương mại Grand Century Mall. Trong lúc chúng tôi đùa với thầy là “ Gươm lạc giữa rừng hoa” thì có một ông nào trong quán cà phê thốt lên rằng “Không biết 'thằng nào' mà tốt số vậy!”
Tối hôm đó là buổi Hội Ngộ lớn và chính của hai trường Võ Tánh và Nữ Trung
Học của chúng tôi. Bích Lan phải mặc áo dài màu vì làm MC, còn bọn con gái trong nhóm CCH chúng tôi đều mặc áo dài trắng và gắn bảng tên do Bích Lan chuẩn bị cho. Các tà áo trắng cho chúng tôi hình ảnh rất dễ thương khi tiếp tân và phụ bán Đặc San của trường.
Hội ngộ lần này có khá nhiều thầy cô và các anh chị học sinh hai trường Nữ Trung Học và Võ Tánh Nha Trang về tham dự nên chúng tôi lăng xăng hết chỗ này đến chỗ khác để chụp hình làm kỷ niệm. Ngoài những tấm hình chụp chung với nhóm CCH, chúng tôi còn chụp chung với thầy cô hiệu trưởng Bùi Ngoạn Lạc, cô Cung, cô Thanh Trí, cô Tuất, cô Ngọc Dung và các bạn ở các lớp khác và các niên khóa khác. Chúng tôi gặp thêm các bạn trong nhóm CCH là Như Nguyện (Ti), Kim Phượng, ñ‡ Minh Thäo, Phåm ThÎ MÆn, TrÀn Mai Anh, Kim Lệ và Tố Nga.Chúng tôi đã thay áo khi tiệc dạ vũ bắt đầu nhưng không ra sàn nhảy nhiều như trong buổi tiệc của anh Tín và Minh Trang tổ chức.
Sau tiệc Hội Ngộ VT-NTH, chúng tôi vẫn còn nấn ná chụp hình với nhau rồi với cô Ngọc Dung và với thầy Hiền. Mấy chị học các lớp khác cũng tranh nhau đứng vào chụp hình chung với chúng tôi. Người nào cũng mong được đứng gần thầy Hiền cho nên người đứng gần bị người mới vào chen vô thành ra người đứng xa, rồi cứ thế thành xa nữa và người mới chen vào được là người gần nhất. Tội nghiệp nhất là anh Phạm Đan Quế, bạn thân của thầy Hiền cũng là anh họ của chồng tôi, đang cặp kè đứng bên thầy Hiền cũng bị đám học sinh nữ gạt dạt xa ra phía ngoài cùng đến thầy phải la lên “Ơ! Ông bạn của tôi đâu rồi? Ơ mấy cô này!Ông bạn của tôi đâu?” Thấy cảnh tượng ấy, mấy anh học sinh Võ Tánh chép miệng “Chắc kiếp này mình phải tu để kiếp sau được làm thầy như vậy!”
Thầy Hiền (còn gọi là anh thầy Hiền), được nhóm CCH chúng tôi quý mến, không phải vì kiếp trước có tu mà vì thầy rất gần gũi và thông cảm tính quậy phá của học sinh mình. Ngày hôm sau (thứ bảy 21 tháng 8 năm 2010), trời lạnh như cắt mà thầy cũng cố gắng đi biển Half Moon Bay cùng với nhóm CCH của chúng tôi. Trước khi đi, hội trưởng Bích Lan căn dặn chúng tôi nhớ mang theo áo tắm để ra biển chụp hình tạo dáng sau này “ hù” con cháu...thế nhưng chẳng ma nào dám cởi áo quần ra khi thấy thời tiết lạnh như vậy. Thế rồi một cuộc đánh cá được neo lên: “Em nào dám mặc áo tắm bước xuống biển sẽ được một anh bế lên!” Bích Nga, em của Bích Lan, “ xung phong” tham dự cuộc thi đã đành, Tuyết Lan không muốn tranh tài cũng bị lũ quỷ chúng tôi lột áo ra, khóc la um sùm. Thầy Hiền thấy vậy, phải chen vào, can ngăn, kéo áo xuống dùm cho Tuyết Lan. Nhưng, nếu ai nhìn từ xa lại chắc hiểu lầm thầy đang tham gia cùng nhóm lột trần kia! Mọi chuyện rồi cũng êm xuôi khi thức ăn được trưng bày ra trên cái bàn gỗ. Người nào, người nấy chia nhau bánh mì kẹp thịt, bánh bột lọc gói lá,... và mít cho bớt lạnh và bớt đói. Chúng tôi leo núi đi xa hơn để tìm cảnh chụp hình. Những mô đá gần biển Half Moon Bay chẳng khác nào những khối đá trên đảo Hòn Chồng của Nha Trang. Tôi không hiểu Bích Lan có chủ ý khi đưa chúng tôi đến thăm nơi này không; nhưng cảnh vật xung quanh đã khích lệ tôi tham gia trong chuyện mặc đồ tắm chụp hình cùng bạn để làm kỷ niệm.
“Lịch” của chúng tôi đầy đặc những buổi họp mặt ăn uống và vui chơi. Mỗi lần có cuộc họp mặt CCH chúng tôi lại có thêm thành viên mới. Ai cũng nói là thích nhóm dễ thương của chúng tôi. Bé Ry luôn luôn nói rằng “Con thích các bạn của mẹ! Con yêu nhóm bạn của mẹ con thôi!” Không ngoài Bé Ry, Bích Nga, em gái của Bích Lan, Hoàng Mơ, em gái của Thùy Mỵ, chị Tuyết Ba, bạn của Hồng Loan, cũng thích tham dự các cuộc họp mặt vui nhộn của nhóm chúng tôi. Nghĩa là CCH thích hợp cho cả trẻ lẫn không trẻ. Tối hôm ấy, sau buổi tiệc thân mật của anh Liêm và Thùy Mỵ tổ chức tại nhà hàng Lemon Grass, chúng tôi được đưa tới Milano club để nghe nhạc và khiêu vũ. Tại đây, chúng tôi phải năn nỉ lắm Chế Hồng Loan mới hát cho nghe vì con nhỏ than giọng của nó đã khan quá rồi.
Trưa ngày hôm sau (chủ nhật 22 tháng 8 năm 2010), khi Tố Nga đãi mì chay La Cay và bún bò tại nhà, chúng tôi được gặp lại anh Trung, ngoài ra còn hai con của Tố Nga nữa. Theo lịch, chúng tôi được thăm bà con và người thân riêng của mình trong buổi sáng chủ nhật hôm ấy. Không có bà con, tôi gọi hẹn với Hàn Liên Hoa và Nguyễn Thanh Ngọc, hai cô bạn thân của tôi trước học ở trường nữ trung học Thánh Tâm Nha Trang. Liên Hoa, anh Lâm, chồng của Liên Hoa và Thanh Ngọc, đã gặp tôi tại khu thương mại Grand Century Mall. Chúng tôi đi ăn ở các tiệm rồi đi chùa San José. Thanh Ngọc là công giáo nên chỉ ngồi ngoài cổng chùa chờ Liên Hoa, anh Lâm và tôi lạy phật. Chúng tôi rời chùa xong, kéo nhau đi dạo các khu phố bán hàng cho hết giờ rồi chia tay. Thanh Ngọc chở tôi về nhà Bích Lan.Tối hôm đó, Ngọc Hoa đãi tiệc chia tay nhóm CCH với món đồ biển và thịt gà nướng tại nhà của em gái Ngọc Hoa, chúng tôi được gặp Diệu Phương và anh Hùng, chồng của Diệu Phương. Vì cùng cư ngụ tại Virginia, Ngọc Hoa, Diệu Phương và anh Hùng hẹn với bốn đứa chúng tôi là sẽ họp với nhóm CCH miền Đông trong những ngày lễ sắp đến.
Năm ngày (19/08/10- 23/08/2010) tham dự những Hội Ngộ lớn và nhỏ đã cho tôi một khoảng thời gian khá ngắn nhưng khá đẹp. Trước khi chia tay chúng tôi còn dặn nhau là sang năm có tham dự Hội Ngộ VT-NTH nữa thì nhớ chuẩn bị giá xay thành nước uống cho khỏi khan tiếng. Tôi chỉ tiếc là không được gặp lại cô bạn Hoàng Hà Huyền Hương như đã dự định. Ngoài ra, tôi đang mang về nhà đầy ắp những kỷ niệm và những niềm vui. Ngồi trên máy bay tôi nhắm mắt giả vờ ngủ trong khi tủm tỉm cười một mình. Không đáng cười làm sao được khi nhớ lại cảnh Tuyết Lan khóc lóc khi bị lột áo, rồi cảnh khác thì nàng ta ra oai hỏi đố chúng tôi sau khi cất giọng thăng trầm ngâm thơ:
Anh là nhạc sĩ phòng trà
Mưa buồn đưa tiễn em ra ga
Mưa buồn, mưa buồn
Mưa nhẹ, mưa nhẹ
Anh yêu em hơn tất cả trên đời
Anh thương em hơn tất cả người ta
Nhưng anh khóc em bằng nửa người ta
Không đáng cười sao được khi nhớ lại những khuôn mặt đăm chiêu và những lời bàn tán của mấy đứa bạn: “Ê mày! Là cái quái gì vậy mày?”, “Nghĩa là người con trai yêu người con gái đó nhưng người ta khóc một trăm phần trăm thì ông này chỉ khóc có năm mươi phần trăm thôi!”, “Ủa ?Kỳ vậy? Yêu kiểu gì mà người ta khóc mười phần, ổng khóc có nửa phần vậy?”, “Vậy mới gọi là đố!”, “Thôi thua đi tụi bay! Để nó nói lời giải cho rồi đoán mệt óc lắm!”, “Rồi!Thua rồi đó! Là gì nói đi!”, “Vì anh đó có một con mắt thôi!”(Tuyết Lan ngâm nga như ca cải lương), “Ổng bị hư một mắt hả? Có vậy mà cũng đố!” và “Bởi vậy mới gọi là đố mẹo!” (Tuyết Lan nghênh mặt đáp)
Và không đáng cười sao được khi nhớ lại những câu đố về ca dao tục ngữ mà nàng Tuyết Lan “tha” về từ hôm gặp bà con sáng chủ nhật và tính cương quyết không chào thua của Tuyết Mai. Sau một hồi năn nỉ nàng Tuyết Mai chịu thua, chúng tôi đã có những câu trả lời cho những câu hỏi đố sau:
“Người đàn ông ở truồng nhảy xuống sông có câu ca dao tục ngữ là gì?”
Chim sa cá lặn
“Người đàn ông ở truồng ngồi trên tảng đá có câu ca dao tục ngữ là gì?”
Trứng chọi đá
“Người đàn ông ở truồng cõng người đàn ông cũng ở truồng có câu ca dao tục ngữ là gì?”
Gậy ông đập lưng ông
“Người đàn bà ở truồng cõng người đàn bà ở truồng có câu ca dao tục ngữ là gì?”
Lá lành đùm lá rách
“Người đàn bà ở truồng cõng trên lưng người đàn ông ở truồng có câu ca dao tục ngữ là gì?”
Đất lành chim đậu
Nếu tôi kể những chuyện này cho chồng tôi nghe, chắc thể nào anh ta cũng chọc là mấy “mợ” họp nhau lại để nói tục. Vậy thì tôi có thể hoán những từ “ ở truồng” thành “không mặc quần áo” khi đọc mấy câu đố này hay là lấy lý luận của Kim Lệ ra biện minh “Nói xấu thì mới sợ người ta buồn.Còn nói tục chút đỉnh sẽ làm người ta cười chứ không làm người ta buồn.”
Nhỏ Kim Lệ nói câu này khi đố chúng tôi “Khi yêu, người ta thích màu gì?” Lúc đó, sau khi lắc đầu từ chối các màu xanh da trời, hồng phấn, tím hoa cà... của chúng tôi, Kim Lệ cho lời giải là “Màu nho”, rồi nói chúng tôi lái hai chữ này lại và cho một câu lý luận xanh rờn kia!
Thể nào thì thể, tôi chân thành cảm ơn ban tổ chức Hội Ngộ VT-NTH 2010 đã cho tôi có dịp gặp lại thầy cô và bạn bè và cho tôi có một thời gian vui vẻ đáng yêu trong năm nay.
Cung Thị Lan