Chương 6
Tác giả: Cung Thị Lan
Bước sang phòng bên, Phát giới thiệu:
- Đây là phòng của con gái đầu tôi trước đây. Bây giờ phòng này là của con trai riêng của vợ tôi.
- Tôi không hiểu anh muốn nói gì? Đây chỉ là phòng chứa đồ vật chứ không có người. Davis nói.
- Đúng vậy. Bởi vì con gái đầu của tôi chỉ ở đây trước khi lấy chồng, bây giờ nó đã ra ở riêng với chồng của nó. Còn đứa con trai riêng của vợ tôi chỉ sinh hoạt trong phòng này vào lúc ban ban ngày. Ban đêm nó ngủ cùng phòng với vợ của tôi ở đàng kia. Phát nói trong khi hất mặt về phía căn phòng đối diện
- Vì sao? Davis hỏi vớ giọng kinh ngạc.
- Chẳng có gì đặc biệt. Nó chỉ mới năm tuổi và vì nó bệnh suyễn nên vợ tôi đặt giường nó cạnh giường của cô ta để dễ chăm sóc vậy mà.
- Họ đang ở trong căn phòng đó? Davis hỏi trong khi cùng Phát hướng ánh nhìn sang căn phòng có cánh cửa khép kín.
- Phải, nhưng chúng ta sẽ không vào đó đâu!
- Thôi đi, đừng làm bộ. Tôi hứa sẽ không nhìn vợ anh ngay cả lúc cô ta đáng được lưu ý.
- Tôi không ngại anh nhìn cô ấy vì nếu anh ở ngoài phòng này cũng có thể nhìn xuyên qua bức tường ấy thôi! Cái mà tôi ngại là thấy người đàn ông khác cùng nằm trên giường với cô ta.
- Ôi dào! Anh là con ma ghen tệ hại nhất! Được gì nào? Hãy vào thăm cô ta một chút đi rồi đi! Cái thú của bọn ma như tụi mình là lẩn quẩn trong các phòng ốc và những nơi đã từng hiện diện khi còn trên đời vào lúc tối trời như thế này thôi. Đừng bỏ mất phút hiếm hoi này để rồi phải tiếc nuối khi bình minh ló dạng.
- Không. Hãy xuống nhà với tôi đi! tôi không muốn làm rộn họ.
- Họ? Ai vậy? Anh nghĩ là thằng con riêng của vợ anh đang nằm ngủ trong phòng với vợ anh và ba của nó đó hả? Ôi! Tôi còn không tưởng tượng được cảnh họ âu yếm nhau trong những tiếng ho khủng khiếp như thế!
Phát khựng bước sau khi nghe lời cảnh báo của Davis . Những tiếng ho khan dữ dội cảnh tỉnh ý nghĩ nghi ngờ trước đó của chàng.
Thế rồi chàng đã đưa lối cho Davis vào căn phòng lớn được sơn hồng nơi có hai chiếc giường lớn nhỏ cận kề nhau. Cái giường khổ lớn bậc nhất của các loại giường ở các khách sạn sang của nước Mỹ làm Davis không hiểu chủ nhân của nó tậu được do sự phế thải của một khách sạn lớn sau đợt cải tân đồ đạc mới không; nhưng anh biết chắc là chồng nệm dày và cao ngút ấy đã không làm cho người đàn bà có mái tóc ngắn màu nâu nhạt đang nằm trên được yên giấc vì những cơn ho dữ dội. Cũng may là cái đầu nhỏ màu đen nhô ra từ tấm nệm dày của cái giường đơn bên cạnh vẫn yên bình vớI giấc ngủ. Thằng bé đang nằm hướng mặt vào tường như tránh những tia sáng của chiếc đèn ngủ trên chiếc bàn nhỏ cạnh đầu giường của mẹ nó. Chợt, người đàn bà ngẩng đầu lên, quay mặt về phía cái bàn ngủ vói lấy giấy chùi miệng. Ánh sáng của chiếc đèn chiếu rõ khuôn mặt trẻ trung của bà chẳng khác gì người con gái đang đứng cạnh người đàn ông khoảng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi trong tấm hình trắng đen trên tủ đựng áo quần.
- Tôi đoán anh là người trong bức hình trắng den này bởi vì vợ anh chẳng thấy khác gì xưa mấy. Rõ là một cặp xứng đôi vừa lứa. Còn đây cũng là anh, phải không? Trong tấm hình này anh trông già dặn và nghiêm nghị hơn nhưng vẫn đẹp trai chẳng khác gì khi trẻ. Khuôn mặt đăm đăm của anh trong tấm hình màu cạnh chú rể, cô dâu và mấy người này làm tôi ngại quá. Nếu biết anh nghiêm như thế tôi đã không nói nhiều với anh như thế đâu.
Davis vừa nói vừa mon men theo những tấm hình trưng bày trên bàn ngủ, tủ đựng quần áo và trên tường. Dừng lại trước một tấm hình trên bức tường nơi thằng bé đang nằm quay mặt vào, anh hỏi Phát:
- Người đàn ông nào chụp với vợ anh đây? Họ trông tình tứ và đẹp đôi chẳng khác gì vợ chồng. Ý tôi muốn nói là chẳng khác gì anh và cô ấy trong tấm hình đen trắng kia.
- Đó là chồng sau của vợ tôi. Phát trả lời xong rồi im lặng.
Chàng hiểu là chàng chẳng cần tâm sự gì thêm, Davis cũng hiểu thấu những gì đang chất chứa trong hồn chàng lúc bấy giờ.
Người đàn ông trong tấm hình ở trong căn phòng này đã ám ảnh chàng ngay trong ngày tái hợp hôn. Mặc dù đã nhiều lần tự bảo là vợ chàng không phải là người vợ tệ bạc khi mà nàng đã trọn tình trọn nghĩa làm cho chàng bao nhiêu thứ mà chính chàng không thể thực hiện như vậy đối với nàng, hình ảnh người đàn ông cao ráo, mạnh khỏe đẹp trai với cái cười duyên dáng luôn luôn nhắc nhở sự thất bại của chàng trong vai trò của người đàn ông. Ngay từ sau cái phút luyến ái trong đêm tái hợp, chàng hiểu rõ là mình chẳng còn có thể đem cho nàng hạnh phúc như xưa, là nàng đã hết lòng yêu mến người chồng thứ hai của nàng và là mình không thể nào xoa dịu nỗi trống trải trong tâm hồn nàng kể từ sau phút chia tay với ông ta. Đứa con riêng của nàng giống tạc người đàn ông đẹp trai ấy là bằng chứng hung hồn cho tình yêu say đắm của họ. Rồi những lúc nàng gọi tên chàng là “anh Phan” ,tên người đàn ông ấy, thay vì “anh Phát” thì chàng hiểu rằng việc nàng bảo lãnh chàng đến Mỹ không phải vì tái hợp duyên vợ chồng mà là để lấp cái chỗ trống vắng trong tâm hồn của nàng do người đàn ông có tên Phan gây nên.
Mang riêng nỗi sầu não trong tâm trí, tinh thần của chàng thường chao đảo và rắm rối đến độ chàng đã cảm thấy không còn thiết tha với bất cứ thứ gì trên đời. Chàng đã thờ ơ với tất cả các món áo quần, cà vạt, thắt lưng, ví da, giày vớ mà vợ và hai đứa con gái chàng dành cho, kể cả chiếc xe hơi mới, món quà bất ngờ trong ngày lễ Cha. Chàng đã làm vợ chàng điên tiết khi chàng từ chối diện đẹp đi đến các khu thương xá người Việt vào những ngày cuối tuần để mua sắm, ăn uống, chào hỏi và ngắm nhìn mọi người hay để mọi người ngắm lại. Sở dĩ chàng kiên quyết từ chối sở thích của vợ chàng bởi vì sau một năm chung sống chàng hiểu vai trò của mình trong đời sống của vợ mình như thế nào. Chàng biết chàng chỉ là một diễn viên trong diễn tuồng tạo cho mọi người quen biết vợ chàng trong vùng Hoa Thịnh Đốn thấy rằng nàng đang sống hạnh phúc trong cảnh đầy đủ chồng con. Chàng còn biết thêm là sự đoàn tụ của vợ chồng nàng xảy ran gay sau khi người chồng thứ hai của nàng chia tay với nàng. Ông ta đã phải đoạn tuyệt với mối quan hệ tình cảm với nàng và con riêng của ông do áp lức của người vợ chính thức của ông. Mối quan hệ chấm dứt ngay sau khi bà vợ chính của ông ta đến Mỹ. Lúc đầu, người đàn bà này không hề có ý định đưa con đi vượt biển vì sợ tai họa có thể xảy ra trong chuyến mạo hiểm; nhưng sau khi nghe tin ông có vợ bé, bà nhất quyết liều thân đem con mạo hiểm tìm chồng. Bà và ba đứa con đã đến đảo Thái Lan và ở đó một thời gian trước khi được ông bảo lãnh đến Mỹ. Sau khi đoàn tụ với chồng, bà nhất quyết chấm dứt sự qua lại của chồng bà và người đàn bà mà theo bà, cô ta chỉ là nhân tình không đáng kể của ông ta. Sự cắt đứt và tuyệt giao không dừng ở chỗ không giao tiếp, không quan hệ cả mẹ lẫn con mà còn cả việc chu cấp tài chính cho thằng bé Trung, con riêng của ông ta và nàng. Oái ăm thay, “nhân tình không đáng kể” của chồng người đàn bà kia lại là vợ của chàng. Một người đàn bà đẹp mà chàng yêu mến và quý trọng đến muôn đời. Cũng oái ăm thêm là mọi điều chàng biết đều do nghe được từ miệng của vợ chàng. Chàng đã nghe nhiều lần và nghe rõ ràng trong những lúc nàng tranh cãi dữ dội với người ở đầu dây bên kia. Rồi đồng với cảnh nàng buồn bực, cáu gắt sau khi cúp điện thoại, chàng đã đau khổ không kém.
Từ những điều phát hiện, chàng thấu hiểu là vợ chàng đã từng có một mối tình rất nồng thắm với người chồng thứ hai của nàng, là họ đã chia tay bới áp bức của người vợ lớn cuả ông ta và là vợ chàng đã dùng chàng làm tấm bình phong trả thù cho sự phản bội của người chồng sau của nàng. Thấu hiểu ngày đoàn tụ với gia đình của mình trước đây không có ý nghĩa thơ mộng như từng mơ ước; cho nên, vốn ít nói, chàng đã trở nên ù lì và nín lặng thêm hơn. Và như thế, đã không là niềm an ủi cho nàng trong lúc cơn hờn ghen sôi sục
Với tình yêu tay ba ngang trái, thái độ lầm lầm lì lì khó hiểu của chàng đã tăng thêm sự buồn chán và làm nặng tâm hồn của vợ chàng hơn. Cũng từ đó, nàng đã trút hết bao nhiêu nỗi tức giận lên chàng bằng những câu chì chiết và oán trách “Yếu thế! Bạc nhược! Thử xem trên đời này có người đàn ông nào đã lập gia đình rồi mà sống kiểu tu hành như thế không?”, “Hỏi khắp thế gian thử có người đàn bà nào chịiu cảnh như tôi không?” và “ Muốn sống kiểu bi quan như vậy thì đừng lấy vợ! Ở riêng một mình mà tu đi!” là những điệp khúc được nhắc đi nhắc lại hàng ngày từ miệng giận dữ của nàng. Thế nhưng, mặc cho nàng đay nghiến bao nhiêu lần, chàng không hề thay đổi. Đối phó với khúc gỗ vô tri vô giác ấy, nàng đã cương quyết đòi chàng ly thân. Lời đề nghị vừa thốt ra chỉ một lần, chàng đã chấp thuận ngay. Tuy nhiên, để che mắt những người quen biết và để chứng minh với họ rằng gia đình mình là gia đình êm ấm, chàng đã không dọn ra khỏi nhà mà tình nguyện ở một mình dưới hầm nhà. Ý thức bảo vệ danh dự gia đình của chàng hoàn hảo đến độ chẳng ai có thể biết sự việc bên trong của gia đình chàng ra sao. Những người thân quen đều đinh ninh gia đình của chàng là gia đình vừa hạnh phúc, vừa thành đạt bởi vì họ thường thấy hai cô con gái con chàng lái xe đưa nhau đến trường Đại Học mỗi buổi sáng, vợ chàng đưa bé Trung đến nhà giữ trẻ và chàng cắp cặp đến bệnh viện C. tại Hoa Thịnh Đốn. Chàng được công việc thông dịch này do vợ chàng ra công tìm kiếm cho chàng qua bạn của nàng sau một năm chàng định cư tại Mỹ, Qua các tấm ngân phiếu trao cho nàng, chàng cảm thấy vui vẻ hơn vì có được cơ hội giúp đỡ gia đình sau một thời gian dài xa cách. Oái ăm thay, ước mơ làm người có ích cho gia đình của chàng bị vỡ tan sau năm tháng làm việc tại bệnh viện nhi đồng C. Do ngăn ngừa sự nhiễm các chứng bệnh lây lan khi tiếp xúc với bệnh nhân, bệnh viện đã yêu cầu chàng đi thử nghiệm và chích ngừa một vài loại thuốc như yết hầu, uốn ván, lao, và viêm gan siêu vi trùng. Sau ngày nhận mũi chích ngừa viêm gan siêu vi, toàn thân chàng trở nên vàng khè như bị bôi nghệ. Từ cái kết quả không ngờ ấy, bác sĩ của bệnh viện C. tức tốc giới thiệu chàng đến bác sĩ chuyên môn. Sau khi phát hiện chàng bị chứng ung thư gan, bệnh viện C. đã cho chàng nghỉ việc ngay. Từ đó, thay vì đến bệnh viện C. để làm thông dịch, chàng đến khu nội khoa của bệnh viện W, để khám bệnh và điều trị. Trong suốt thời gian được chữa trị bởi bác sĩ chuyên môn của bệnh viện W. chàng rất biết ơn vợ chàng. Chính nàng đã đưa rước chàng khám bệnh bằng mảnh bằng lái xe mới toanh của nàng. Mảnh bằng này nàng đạt được sau hai mươi năm ở Mỹ do giận dỗi vì ly thân. Ơn tình nặng nghĩa luôn luôn hiện hữu trong tâm hồn của chàng mỗi khi chàng ngồi trong chiếc xe do vợ chàng lái. Tuy nhiên, sự biết ơn của chàng luôn luôn bị đe dọa bởi sự tách biệt ngày càng rõ rệt và những câu nói gần xa của nàng về sự lây lan của người có bệnh. Vợ chằng đã yêu cầu chàng tách biệt vật dụng và thức ăn nước uống của chàng với những thứ của người khỏe mạnh trong gia đình cho dù bác sĩ đã hết lòng giải thích kỹ càng về sự vô nhiễm của chứng ung thư gan. Sự sợ hãi của nàng mỗi lúc một nhiều hơn khi bác sĩ thành thật báo cho nàng hay là chàng chỉ còn sống tối đa sáu tháng bởi chứng bệnh đang hoành hành trong giai đoạn cuối và lá gan của chàng hoàn toàn ngưng hoạt động. Nàng đã ưng thuận ngay lời đề nghị của bác sĩ đối với việc lưu chàng ở lại bệnh viện với lý do chàng sẽ nhận phục vụ thuốc men, trợ cấp hô hấp, truyền dịch nước biển, ghép y cụ đào thải chất tiêu hóa và sự chăm sóc của bác sĩ lẫn y tá một cách dễ dàng. Cả quyết định của nàng và cả sự đồng ý của chàng đều bị phản kháng bởi Hồng Nhung. Cô con gái út của chàng nhất quyết làm đơn thỉnh nguyện với bệnh viện đem chàng về nhà chăm sóc. Với giấy chứng nhận là sinh viên ngành Y của trường đại học U. của Hoa Thịnh Đốn, cô đã được Hội Đồng Y Khoa chấp thuận lời cầu xin. Chính cô là người đổi chỗ ở của chàng từ căn hầm tầng dưới cùng của căn nhà lên đến căn phòng riêng của cô và đồng thời sửa soạn cho chàng nằm tử tế trên chiếc giường hồng của cô. Cử chỉ trái ngược của vợ chàng và cô con gái út đã làm cho tim chàng nhức nhối hơn và nỗi sầu muộn trong trí chàng ngày càng nặng nề hơn. Đau buồn với tình trạng của mình, đau xót cảnh nằm ngủ khó khăn của cô con gái hiếu thảo trên chiếc ván kê cạnh, chẹt giữa cái giuờng mình đang nằm và vách tường cạnh đó, chàng càng buồn khổ hơn khi nghe những lời trách móc xa gần của vợ chàng về các bóng ma lẩn quẩn nơi mà hồn lìa khỏi xác trong giây phút cuối cùng. Bất an với sự lởn vởn và phá rối của vong hồn ở trong nhà sau khi chết, Mỹ Ngọc rất ít khi thăm viếng chàng cho dù căn phòng của Hồng Nhung cách phòng của nàng chỉ một hàng lang ngắn. Không gặp vợ mình thường xuyên trong thực tế nhưng phát thường xuyên gặp nàng trong tưởng tượng. Các hình ảnh tưởng tượng ấy, đáng buồn thay, thường là những hình ảnh không đẹp đẽ khi chàng nghe tiếng đàn ông văng vẳng đâu đó trong nhà.
- Chúng ta hãy đi thôi! Tiếng Davis làm Phát trở lại thực tế. Chàng khẩn khoản nói:
- Hãy chờ tôi thêm một ngày nữa rồi tối mai tôi sẽ đi về nhà anh với anh.
- Bây giờ cũng sáng rồi. Thôi thì tôi cũng ráng đợi anh cho đến tối vậy. Bây giờ mình xuống nhà chứ? Tôi thấy vợ anh đã đi xuống nhà từ lâu rồi.