Chương 4
Tác giả: Dạ Thương
Sau chuyến đi chơi suối về hôm đấy. Quỳnh đã bị cảm vì không quen dãi nắng. Người cô lên cơn sốt phải cặp nhiệt liên tục để theo dõi khiến bà Năm lo lắng không yên. Bà bảo với con gái:
- Con nên đánh điện cho gia đình của Quỳnh hay là nó đang bị bệnh.
Nhưng Lụa gạt đi:
- Không cần đâu má à. Nhà mình cũng có thể lo được cho nó mà…
Sợ con hiểu lầm mình nên bà Năm vội giải thích:
- Không phải má sợ tốn kém, nhưng chỉ lo lỡ bạn con có nguy hiểm gì thì chúng ta sẽ bị rắc rối đó Lụa à.
Ngẫn ra trước lời nói của má trong giây lát, Lụa bỏ vô phòng, cô khẽ lay bạn:
- Quỳnh ơi! Mày thấy trong người có khó chịu lắm không? Tao mời bác sĩ tới đây tiêm chích cho mày nhé.
Nằm mê man vì cơn sốt nóng nhưng Quỳnh vẫn cố phẩy bàn tay:
- Khỏi cần đi Lụa. Tao chỉ uống vài viên thuốc cảm là sẽ hết bệnh thôi mà.
- Không đơn giản như thế đâu khỉ con ạ. Coi chừng mày bị cảm thương hàn là nguy hiểm lắm nghe.
Tự nhiên Quỳnh bật lên câu nói đùa:
- Cảm “thương chàng” thì có chứ sức mấy mà cảm thương hàn.
Đang lo lắng, Lụa cũng phải khựng lai rồi trố mắt:
- Mày vừa nói gì thế nhỏ ơi!
Quỳnh ngúng nguẩy trên giường nằm quay vô trong vách:
- Mày không nghe kịp thì thôi, tao đâu có hơi sức đâu mà lặp lại.
- Sao mày khó tính vậy? Mới bệnh có tí xíu mà làm tàng ghê, nè ở đây ngoài ta ra không có ai chìu chuộng mày đâu nghe. Má tao còn bận bịu với lũ gia súc tối ngày, còn anh Nhân thì mắc phải lo làm vườn không có thời gian rảnh. Chỉ mình tao là sát cạnh với mày được thôi…
Thấy bạn không chịu động đậy, Lụa nói tiếp:
- Ê! Hay là để tao gọi điện về thành phố báo tin cho ba má mày biết mày đang bị bệnh nằm ở đây.
Quỳnh lật phắt người trở lại:
- Không được! Mày mà làm thế tao sẽ không thèm nhìn mặt mày nữa đâu.
Nói rồi Quỳnh tỏ thái độ giận thật sự làm Lụa phải năn nỉ một hồi. Bà Năm từ bên ngoài bước vô cười hiền lành với cô:
- Cháu đã thấy khoẻ chưa? Bác sai thằng Nhân đi mời bác sĩ nãy giờ chắc cũng sắp tới nơi rồi đó.
- Ôi, làm phiền bác quá. Cháu chỉ bị cảm xoàng thôi không hề hấn gì đâu.
Quỳnh định ngồi dậy nhưng đã bị bàn tay ê dịu của bà Năm giữ lại nằm trên giường:
- Cháu cứ việc nghỉ đi đừng ngại ngùng điều chi cả. Hãy coi đây như nhà của cháu.
Nghe mẹ nói thế Lụa liền láu lỉnh:
- À, má ơi! Con vừa nghĩ ra một sáng kiến này rất hay… là má hãy cho nhỏ Quỳnh ở luôn đây rồi chịu khó nuôi nó thêm vài năm nữa rồi nhận làm con dâu cho tiện thể. Chắc anh Nhân không phản đối chuyện này đâu.
Nhưng bà Năm đã la con:
- Đùa chơi thì được chứ nói thật thì không nên đâu. Bộ con không biết thằng Nhân nó bị bệnh hay sao mà ghép đôi kiểu đấy? Quỳnh nghe chắc nó cũng không thích lắm đâu.
Quỳnh cố nằm yên để không ngắt ngang lời Lụa đang chuyện trò với mẹ:
- Thì tại con thấy mến nhỏ Quỳnh nên mới nghĩ vậy mà…
Ở bên ngoài có tiếng xe máy nổ giòn, bà Năm sai con chạy ra coi và lát sau thì Lụa dẫn vào người đàn ông lạ. Cô gái lếu láo nói:
- Thầy thuốc của mày đây nè Quỳnh! Nào, ngoan ngoãn ngồi dậy đi nếu như còn muốn ở lại đây.
Bất đắc dĩ Quỳnh mới phải để cho bác sĩ khám bệnh và cho uống thuốc vì sợ làm phật ý gia đình bạn. Chờ cho mọi người rút ra khỏi phòng rồi Quỳnh mới khẽ thở phào khi biết mình chỉ bị cảm thường không có gì đáng làm phiền người khác. Quỳnh mặc thêm vào chiếc áo dài tay để tránh gió rồi nhích tới bên cửa sổ nhìn ra vườn. Cây bơ cạnh đó sai oằn trái đang sao động lá bởi một cơn gió thoảng qua. Quỳnh nhìn thấy Nhân ngồi vắt vẻo trên cành cây cao tít với nét mặt đăm chiêu, tự lự. Thỉnh thoảng anh ném xuống một trái bơ xanh như để trút đi cái khó chịu gì đó trong lòng. Nhân không biết nơi cửa sổ Quỳnh đang theo dõi từng cử chỉ hành động của mình với cõi tâm tư rộn ràng, kỳ lạ. Và thế là suốt hằng giờ, người ngồi trên cây, kẻ ở bên khung cửa không ai cất lên tiếng nói nào cho tới khi Lụa ào tới làm kinh động:
- Ôi… nàng công chúa “ngàn lẻ một đêm” sao không nằm nghỉ mà ngồi đây suy tư vậy hả?
Quỳnh tỏ thái độ bực mình vì sự xuất hiện không phải lúc của bạn:
- Tao không thích là công chúa mà chỉ thích làm cánh chim tung bay giữa bầu trời, rồi đáp xuống khu vườn đầy trái ngọt của nhà mày cất lên tiếng hót.
- Chà! Lãng mạng dữ, mày có ý nghĩ giống hệt anh trai tao.
- Sao? Anh Nhân cũng thốt với mày như thế ư?
Lụa ngồi trên thành cửa rồi khẽ gật:
- Ừ! Nhưng anh ấy là người không bình thường, còn mày… có bị “man” giống ảnh đâu mà cũng thích sống trong ảo tưởng. Bị lây bệnh rồi chăng?
Quỳnh chưa kịp giận thì từ trên cao Nhân đã nhảy xuống mặt đất, có lẽ đã nghe hết mọi lời nói của em nên sắc mặt anh bỗng trở nên lầm lỳ. Nhân phóng tia nhìn từ bên ngoài xuyên thẳng vô buồng tới chỗ ngồi của Lụa:
- Đây là lần thứ bao nhiêu em cho rằng anh bị “điên”?
Thấy anh gằn giọng lên với mình Lụa chợt nghe khớp nên không dám trả lời lại. Tiếng Nhân vang lên ẩn chứa sự bi thương:
- Phải chi anh đừng sống sót sau cái tai nạn ngày hôm đó! Thì hôm nay… anh đâu bị mọi người coi là một thằng khùng.
Lụa bối rối không biết phải xử trí ra sao trước cái lỗi vô tình của mình thì bà Năm từ bên ngoài bước vô buồng nhìn con trai qua cửa sổ:
- Nhân à! Em nó lỡ miệng chứ không có ý nghĩ vậy đâu.
Rồi day mặt sang con gái, bà liền mắng:
- Con nhỏ này cũng có cái tật lanh chanh nói mãi cũng chẳng chừa. Lần sau phải giữ ý kẻo anh con buồn tội nghiệp nó.
Không bằng lòng với cách đối xử có vẻ thương hại của người thân. Nhân lộ vẻ buồn bực bỏ đi mặc cho mẹ và em gái gọi lại. Suốt ngày hôm đó trong nhà bà Năm không ai có thể cười vì Nhân nhất quyết ở lỳ luôn ngoài vườn mà chẳng thiết gì ăn uống. Trời gần sụp tối mà không người nào địu được chàng trai đang nổi loạn xuống khỏi ngọn cây để về nhà dù Lụa đã ra tới tận nơi để xin lỗi. Thấy cảnh xào xáo của gia đình bạn, Quỳnh chẳng thể nằm yên trong buồng được nên tự mình lần mò đi tìm Nhân với ý định sẽ thuyết phục. Giữa hoàng hôn đang lờ mờ đổ ập xuống khu vườn, Quỳnh dò dẫm bước nhưng trong lòng đầy sợ hãi. Cô bắt tay lên miệng làm loa gọi:
- Anh Nhân, anh đâu rồi?
Không có tiếng đáp lại mà chỉ có tiếng gió thổi xào xạc nghe rờn rợn. Quỳnh thấy run thầm trong bụng nhưng cố tình làm gan đi xa tận cuối vườn. Trái mít chín mùi rơi xuống từ trên cao làm dội lên tiếng động thật mạnh khiến Quỳnh muốn rớt tim ra ngoài. Cô sợ gần sắp khóc:
- Anh Nhân ơi! Em là Quỳnh đây nè. Anh đang ở chỗ nào? Hãy ra đây ngay đi, em… sợ… quá…
Nhân xuất hiện ngay sau lưng Quỳnh làm cô hoảng hồn súyt ngất:
- Á… í…!
Dùng một cánh tay đỡ bạn của em gái khỏi té. Nhân hỏi ngay:
- Cô bé ra đây để làm chi?
Quỳnh nói trong tiếng thở gấp vì chưa kịp hoàn hồn lại:
- Em đi tìm anh về.
- Bộ má anh và nhỏ Lụa nhờ em hả?
- Đâu có, em tự ý thôi.
Nhân chợt kéo Quỳnh ngồi xuống chỗ gốc cây dâu da, giọng anh buồn như tiếng gió:
- Anh không muốn về nhà để bị coi như là một người điên đâu. Cô bé có biết là anh đã buồn tới mức độ nào khi mà chung quanh chẳng ai hiểu được mình. Đã một lần anh bị bạn gái bỏ rơi khi cho là anh không bình thường như những người khác. Ôi… anh muốn điên lên thật sự như mọi người đang nghĩ, và mắng nhiếc số phận mình sao lại đẩy anh vào tình huống làm chi. Giá mà được chết quách thì còn hay hơn là phải sống trong mặc cảm tự ti. Em cũng đừng nên gần gũi một thằng khùng như anh.
Trong ráng chiều sẫm màu Quỳnh không thấy đôi mắt đỏ hằn lên của Nhân, nhưng cô đoán biết chàng trai đứng bên cạnh mình đang giận lắm! Qua lời nói tâm sự thì trí giác của Nhân vẫn còn tỉnh táo để nhận ra rằng mình chẳng bao giờ muốn làm kẻ rồ dại dù đôi lúc có gây chút không bình thường do ảnh hưởng thần kinh. Nhưng đó là di chứng của tai nạn mà lẽ ra những người thân của anh phải hiểu ra để giúp Nhân thoát khỏi cơn chấn động về mặt tâm lý. Đằng này, nhỏ Lụa và bà Năm cứ luôn bảo với mọi người là Nhân “man” nên càng gây cho anh nỗi mặc cảm trong lòng.
Phần Quỳnh, tuy chưa tiếp xúc lâu với người anh trai của bạn nhưng cô thấy mình như hiểu anh ta hơn là những người thân của anh. Lần đầu tiên trong đời Quỳnh nhìn người khác bằng một ánh mắt trìu mến.
- Anh Nhân. Anh đừng làm em sợ…
Nhân ngó sững vào mặt Quỳnh một lúc rồi cay cú thốt lên:
- Cô sợ gì? Sợ thằng này sẽ nổi cơn điên làm điều xấu với cô à?
Quỳnh chẳng hiểu sao lúc này mình lại gan dạ đến vậy, cô dám đặt bàn tay của mình lên cánh tay rắn rỏi của Nhân:
- Không phải vậy đâu anh Nhân. Em không sợ anh điên mà em chỉ sợ anh ở đêm ngoài này sẽ bị cảm lạnh mất, giống em đây này… bị bác sĩ chích hai mũi đau quá trời.
Giọng nói êm êm pha chút nũng nịu của Quỳnh làm cơn bực dọc trong lòng Nhân tiêu tan hết. Tuy nhiên, anh con trai vẫn còn hờn:
- Cô bé vào nhà đi! Đừng bận tâm chi tới thằng khùng đáng sợ này.
Quỳnh cố kiên nhẫn thuyết phục:
- Nếu anh không chịu về thì em cũng ở lại đây luôn để được lây cái bệnh điên của anh.
Thốt nhiên, Nhân buộc miệng:
- Ôi… cô bé quả là dại, sự điên khùng đấy nó đang giết dần mòn anh chết mà cô bé lại muốn tự nguyện hay sao? Nếu thế em đích thị cũng bị “mát dây” như anh rồi.
Không chủ định, nhưng cả hai cùng bật cười. Tiếng cười hòa lẫn với tiếng lá cây lao xao và mùi trái cây vừa chín tới. Nhân bằng lòng theo Quỳnh về nhà với tâm trạng rất vui. Đi ngang qua chỗ trồng sầu riêng ngửi thấy mùi trái chín. Nhân bèn tấp vào tìm kiếm rồi đưa cho Quỳnh hai trái thật lớn. Vốn ưa loại quả có mùi thơm ngát mũi này, nên Quỳnh rối rít cùng Nhân ngồi thụp xuống ăn ngay. Vị ngọt béo tan dần trên đầu lưỡi cả hai và quấn quít theo họ mãi. Anh con trai chợt hỏi khi ngẩng lên thấy gương mặt Quỳnh rạng rỡ dưới bóng tối của khu vườn:
- Tại sao cô bé lại có tên là Quỳnh mà không phải là một cái tên nào khác?
Quỳnh chợt hồn nhiên:
- Việc đó tất phải có nguyên do, nhưng để khi nào sắp về thành phố em sẽ kể.
- Còn bây giờ?
- Anh phải đưa em về nhà vì em rất sợ ma.
Bất giác Nhân nắm lấy bàn tay nhỏ của Quỳnh rồi giữ chặt khiến cho cô muốn rút ra cũng không được. Gió mơn man nhè nhẹ làm cho Quỳnh cảm thấy lạnh, một cái lạnh của cơ thể chưa được khỏe gây đến cho cô một cơn choáng phải ngã vào người Nhân.
Ngỡ Quỳnh vấp phải rễ cây nên anh con trai vội choàng tay đỡ lấy, nhưng khi thấy cô gái mềm nhũn trên tay mình thì Nhân mới thật sự hoảng hốt vội bế thốc Quỳnh lên chạy vô nhà. Anh chạm phải những cái nhìn thảng thốt của mẹ và em. Lụa lao tới đỡ bạn trong tay anh, miệng đặt nghi vấn.
- Anh Nhân, anh vừa làm gì con Quỳnh vậy?
Trong khi Nhân chưa kịp giải thích thì bà Năm tái mặt khi nhìn vào một chiếc cúc bị xổ tung nơi ngực áo Quỳnh mà sợ hãi kêu lên:
- Nhân ơi, con vừa gây nên tội gì?
Với vẻ mặt ngơ ngác, Nhân đứng chôn chân giữa nhà chịu tiếng sỉ vả của em:
- Anh có điên thì làm ơn thương cho danh dự của gia đình này một chút. Con Quỳnh nó là bạn của em mà sao anh lại nỡ…
Rồi Lụa bật khóc thút thít, nhưng rất may là Quỳnh đã cựa quậy rồi mở mắt nhìn mọi người:
- Ồ, trong nhà đã xảy ra chuyện chi vậy Lụa?
Che tay lên trước trán cho khỏi bị chói ánh đèn, Quỳnh nhổm dậy ngó bạn và nghe được câu trả lời ngượng miệng:
- Mày hổng sao chứ Quỳnh?
- Thì mày thấy đấy nè, tao có bị gì đâu mà mày khóc. – Quỳnh chớp bờ mi.
Bà Năm xúm xít lại:
- Ôi… lạy trời! Thế mà bác cứ ngỡ…
Quỳnh thoáng vẻ ngạc nhiên:
- Sao cơ… thưa bác?
Lụa vội lấp liếm thay cho mẹ:
- À, hổng có chi đâu. Tại hồi nãy thấy anh Nhân đưa mày về trong trạng thái ngất xỉu má tao lo vậy mà.
Nghe qua Quỳnh vội thuật lại chuyện mình đã dám ra tận ngoài vườn để tìm anh Nhân trong lúc trời đang sụp tối và khi trở về thì bị một cơn gió làm cho xoay xẩm mặt mày. Đôi má Quỳnh chợt ửng hồng khi liếc nhìn sang Nhân, thấy anh con trai này cũng đang để mắt ngó. Bà Năm bước tới bên Lụa nói nhỏ:
- Con mau lại xin lỗi anh mày lần nữa kẻo nó lại giận bỏ đi nữa bây giờ.
Ngập ngừng một chút để đè nén nỗi ngượng nghịu vì đã hiểu lầm anh, Lụa làm theo lời mẹ nhưng phải kéo Nhân ra tận ngoài hiên tránh không cho bạn nghe thấy.
- Lúc nãy em và má đã nghĩ xấu về anh, bởi tại vì…
Nhân ngắt ngang lời em gái:
- Bởi em và má luôn nghĩ anh là một thằng khùng có thể làm bất cứ điều gì xấu mà không lường hậu quả chứ gì? Nhưng may là cái đầu này chưa đến nỗi không điều khiển được hành động nha.
Lụa tỏ ra biết lỗi:
- Anh Hai bỏ qua cho em và đừng nói lại cho nhỏ Quỳnh nghe kẻo nó cười.
Như vẫn còn hậm hực, Nhân khẽ gắt:
- Kẻ sợ bị cười là anh chứ không phải em đâu. Rất có thể Quỳnh đã nghĩ anh đã từng là người xấu.
- Thôi mà anh Hai, em gái biết lỗi rồi, cố chấp mà chi!
Nhân không nói gì thêm dù trong lòng còn chất chứa nỗi giận mẹ và em. Bữa cơm tối hôm ấy Nhân toan không ăn, Quỳnh phải phụ năn nỉ anh mới chịu ngồi vào bàn nhưng chỉ ăn cho khỏi đói. Và sau đó, khi mọi người còn đang chuyện trò vui vẻ thì Nhân đã rút vào buồng riêng của mình nằm vắt tay lên trán hình dung đến một loài hoa. Thời gian bắt đầu trôi qua để đưa không gian chìm vào trong tĩnh lặng. Nhưng Nhân cũng không sao ngủ được, anh vẫn nằm thao thức với những dòng suy tư kỳ diệu. Đêm rất dài và anh lại mong trời đừng vội sáng để mong tất cả điều đang ẩn chứa trong lòng không vụt bay theo tiếng gà gáy gọi bình minh. Quỳnh… Quỳnh ơi! Em có phải là điểm sáng đang hiện diện trong cái đầu tăm tối của anh không? Chỉ có em mới là người hiểu được anh, đưa anh thoát ra khỏi cái vòng vây mặc cảm mình thua kém mọi người.