Dạ Thương
Chương 7
Tác giả: Dạ Thương
Nhắc tới Quỳnh, khi cô gái về nhà vừa đúng năm giờ chiều. Trả tiền xích lô xong, Quỳnh bấm chuông gọi cửa và phải đứng chờ một lúc lâu mới có người ra mở cửa. Bà vú già vừa đẩy cổng kêu lên mừng rỡ:
- Ôi… Quỳnh đã về.
Với đôi tay xách nặng, Quỳnh bước nhanh vào bên trong rồi quay lại hỏi:
- Vú ơi! Ba má con có nhà không?
Bà vú tíu tít bên tay cô chủ nhỏ:
- Có… có… cậu mợ vừa mới về. Ôi từ bữa hổm tới nay Quỳnh đi đâu mà để mọi người phải mất thời gian tìm kiếm vậy?
Quỳnh chưa kịp nói thì nghe tiếng gọi tên mình:
- Trời hỡi… Quỳnh. Con gái yêu của má về rồi đấy ư?
Nơi bậc thềm tam cấp dẫn vào phòng khách, Quỳnh trông thấy mẹ đang đứng đó dang rộng đôi tay như để đón cô nhưng lại không nhấc nổi bước chân. Quỳnh buông rơi mọi thứ trên tay xuống để nhào tới ngã vào lòng mẹ:
- Má.
Nước mắt của hai mẹ con Quỳnh hòa quyện vào nhau gây xúc động cho bà vú đang đứng đó! Phải mất một hồi lâu họ mới đem nhau vào trong nhà để rồi xúm xít lại nghe Quỳnh kể chuyện về chuyến đi bất chợt của mình báo hại cho moi người bị một phen tá hỏa. Cô kết thúc bằng tiếng nói còn ướt sũng nhưng gợn đầy hờn trách:
- Lẽ ra con chưa có ý định quay về để tránh cảnh đứng trước tòa nhìn ba má chia tay. Má… má có biết rằng con buồn lắm hay không? Bạn bè con chúng ước ao có cuộc sống giàu sang như con, còn con lại khao khát muốn được đánh đổi cái hạnh phúc ấm êm từ gia đình chúng. Má ơi, con biết phải theo ai khi người nào con cũng thương yêu như nhau?
Má Quỳnh vừa vỗ về, vừa siết chặt con trong tay:
- Quỳnh ơi… con sẽ ở mãi với má. Má thừa sức lo cho con có cuộc đời thật sung sướng mà không cần phải có ba con.
Nhưng Quỳnh vùng vẫy lên trong lòng mẹ:
- Con không chịu! Con muốn được ở chung với cả hai người.
- Chuyện đó thì không thể được đâu con à. Bởi lẽ khi ba má đã ly hôn rồi thì cuộc sống phải được tách riêng ra từ vật chất tới tinh thần.
Quỳnh rời khỏi mẹ rồi nấc lên từng chập:
- Nhưng sao má nhất quyết phải chia tay khi chuyện xảy ra chẳng có gì là nghiêm trọng?
Mẹ Quỳnh dùng khăn chấm khô những giọt lệ còn đọng nơi má mình, giọng sầu thảm:
- Con còn nhỏ, chưa biết hết chuyện của người lớn đâu. Ba con đã quá khinh thường má.
Ngay lúc đó thì ba Quỳnh xuất hiện bên cạnh mẹ con cô. Khuôn mặt ông chẳng lấy gì làm vui.
- Mình đừng viện cớ ra một chuyện hết sức nhỏ nhặt để làm khổ con. Trong những ngày qua đi tìm kiếm nó khắp nơi anh đã suy ngẫm lại và quyết định sẽ không ly hôn nữa.
Quỳnh gần như reo lên trước ý kiến của cha, nhưng mẹ cô lại bối rôí ra mặt:
- Anh đừng có nói đùa. Đơn xin ly dị chúng ta đã gởi lên tòa án rồi, chẳng còn bao lâu nữa chúng ta sẽ trả lại tự do cho nhau.
Ba của Quỳnh bước lại chiếc ghế đối diện ngồi xuống rồi đưa mắt nhìn má Quỳnh:
- Việc ly hôn chẳng có gì là khó. Nhưng vấn đề gầy dựng lại tình cảm gia đình mới là điều nan giải đấy mình à. Mình không thấy sự đau buồn của con gái chúng ta sao?
Mẹ Quỳnh ngoảnh mặt đi nơi khác:
- Có thấy, nhưng bắt buộc phải vậy thôi.
Nghe mẹ nói thế, Quỳnh vội lao vụt khỏi lòng bà khóc sướt mướt:
- Nếu không ai thương con cả thì con sẽ bỏ học tự lao vào xã hội kiếm sống chứ nhất quyết không cần tới sự nuôi dưỡng của người nào.
Ba má Quỳnh đều hoảng hốt, mẹ cô chồm tới giữ chặt con:
- Đừng… Quỳnh ơi!
Quỳnh hất tay mẹ ra:
- Giây phút này con mới thấy người nào cũng đều ích kỉ cả. Hãy cứ để mặc con.
Ba Quỳnh quay sang trách má:
- Đó. Mình thấy chưa… con bé mà hư hỏng là lỗi nơi mình chứ không phải nơi anh đâu.
Mẹ Quỳnh cũng hét lớn:
- Thôi đi… Mình đừng có đổ thừa…
- Tại sao mình cứ cố chấp để gây ra cảnh gia đình xào xáo chứ?
- Tại mình… mình ỷ làm chồng rồi lấn lướt vợ con.
- Lúc đó anh đang nóng! Hơn nữa, mình cũng nói dai quá đáng, chuyện chỉ nhỏ bằng ngón tay mà xé toạt ra cho lớn chuyện.
Lúc này Quỳnh chợt xen vào đứng giữa mẹ và cha. Cô lại để những giọt nước mắt rơi lã chã:
- Thôi ba má đừng nói nữa. Con chỉ xin hai người hãy hình dung lại những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc trong suốt mười mấy năm qua, ba má không cảm thấy luyến tiếc nó sao khi lý do chia tay chỉ là trò hờn dỗi? Con còn nhớ đã có lần má kể cho con nghe về chuyện tình cảm của ba má lúc thiếu thời, ôi nó mới đẹp làm sao. Vậy mà… hôm nay… nó lại đổ vỡ sau nhiều năm hạnh phúc. Bá má ơi! Con không còn nhỏ nữa mà đã biết nhận định được rõ ràng những vấn đề của người lớn và cảm thấy chua xót quá. Con chỉ là một bông Quỳnh nhỏ nhoi không đủ sức buộc chặt đời ba má với nhau.
Sự im lặng của mọi người kéo dài và trong khoảng thời gian đó niềm vui của Quỳnh đã vụt đến khi mẹ cô ngẩn nhìn ba cô xúc động:
- Ngày mai đi làm ngang qua tòa án mình nhớ ghé vô… xin rút lại đơn nha.
Ba Quỳnh nghe rất rõ lời mẹ nhưng vẫn không tin hỏi lại:
- Mình đang nói thật hay nói đùa?
Mẹ Quỳnh khẽ cúi đầu.
- Tùy mình. Mình muốn nghĩ sao thì nó là như vậy.
Môi ba Quỳnh nở nụ cười:
- Thế là mình vẫn còn muốn làm vợ anh?
Câu nói đùa của ba Quỳnh làm cho mẹ cô phải đỏ mặt. Bà nguýt yêu ông trước gương mặt rạng rỡ của con:
- Hứ, chưa chi mà bày đặt nhạo người ta. Nếu lần này mà giận thì sẽ khó lòng làm hòa đấy.
- Nhưng anh biết mình sẽ không thay đổi ý định nữa.
- Đừng có chủ quan như vậy. Biết đâu sau cơn mưa trời sẽ chẳng sáng lên được chút nào.
Ba Quỳnh rời khỏi chỗ mình đang ngồi lấn sang chỗ vợ con:
- Việc đó là do trời chứ không phải tại chúng ta.
Quỳnh cầm lấy bàn tay của cha và mẹ đặt lên nhau, cô hân hoan tuyên bố:
- Con sẽ đứng “chủ hôn” kết hợp lại mối tình của ba má vĩnh viễn không bao giờ được chia xa.
Mẹ Quỳnh tát yêu cô:
- Con nhỏ này lém lỉnh quá. Giống ba mày như lột.
Ba Quỳnh vội chấn chỉnh lại lời mẹ:
- Phải nói là nó giống mình ngày xưa mới đúng. Anh nhớ có lần đứng bên cạnh chậu Quỳnh, mình đã từng biểu với anh sau này là con gái chúng ta sẽ giống em.
Quỳnh chen vào câu chuyện của ba mẹ bằng nụ cười hớn hở:
- Thế nếu lỡ con có em trai thì nó sẽ giống ai?
Ba Quỳnh giành phần:
- Tất nhiên là phải giống ba rồi chứ má con đâu thể nào giành hết phần được. Nhưng rất tiếc chỉ có mỗi đóa Quỳnh thôi.
Thấy cha mẹ đã hòa hợp với nhau, Quỳnh tưởng chừng không có niềm vui nào sánh được. Cô ôm luôn cả cha lẫn mẹ rồi tíu tít như một chú chim non, bao nỗi buồn vui trong tâm trạng vụt tan nhanh như một cơn gió đến rồi đi không lưu lại chút gì của những giờ phút trước. Chừng nhìn thấy giỏ trái cây của mình mang về hồi nãy còn đang để nơi bàn, Quỳnh mới sực nhớ quay lại bảo mẹ:
- Của bạn con gởi làm quà. Vài hôm nữa ba má cho con về quê nó chơi hè tới khi nào vào năm học mới nha.
Nhưng ba Quỳnh đã lắc đầu:
- Không được! Con đi chơi như thế là đủ rồi, cần phải ở nhà ôn luyện thêm để không ngỡ ngàng trong năm học mới. Hơn nữa con gái đi xa nhà có một mình, không tốt lắm đâu con.
Quỳnh phụng phịu nhìn qua mẹ và thấy bà cũng âu yếm cười:
- Ba con nói phải đó Quỳnh à. Con nên ở nhà, vì vắng con ba má lại đến cãi nhau mất.
Ba Quỳnh tiếp lời mẹ bằng giọng nói thật vui:
- Đúng đấy, má con lại ăn hiếp ba thêm lần nữa.
- Nè, có nói lộn không đấy? Mình ăn hiếp em thì có.
- Thôi… thôi… anh đề nghị thế này, để ăn mừng ngày “chiến tranh thế giới” không còn, chúng ta đi nhà hàng ăn cơm chiều này nhé!
Quỳnh đưa cả hai tay lên miệng la thật lớn:
- Hoan hô ba.
Thấy vậy me Quỳnh làm bộ ganh tỵ:
- Thì ra con gái chỉ biết có ba thôi.
Quỳnh vòng tay ôm cổ mẹ:
- Con cũng hoan hô luôn cả má.
Tiếng cười giòn tan nơi phòng khách vọng ra xa khiến bà vú từ nhà bếp ngạc nhiên phải bước mò lên. Bà đụng phải Quỳnh khi cô nhỏ định về phòng thay áo:
- Bộ cậu mợ làm lành lại với nhau rồi sao Quỳnh?
Quỳnh hứng hở khoe liền:
- Vâng con mừng quá vú ạ. Ba má con đã bỏ ý định ly dị rồi.
Bà vú cùng có chung niềm vui với gia đình chủ nên để lộ tiếng cười:
- Phải vậy chứ. Chuyện vợ chồng giống như rổ chén bát, tránh sao không va chạm thường ngày, nhưng rồi đâu lại vào đấy ngay thôi.
Quỳnh ríu rít lay mạnh tay bà vú:
- Vú mau sửa soạn đi. Hôm nay ba con khao tất cả đi ăn nhà hàng.
- Trời. Vậy là bữa cơm chiều nay của vú bị ế rồi.
Ba má Quỳnh theo sau con gái nghe thấy bà vú nói thế cùng thốt lên một lượt:
- Không sao. Ngày mai chúng ta sẽ chiếu cố hết mọi bữa cơm của bà vú mà.
Chiều hôm đó, với Quỳnh là một ngày vui nhất trong đời. Cô đã cười nói thật nhiều để mừng cho hạnh phúc tưởng chừng không thể cứu vãn được của cha mẹ còn nguyên vẹn. Quỳnh sung sướng khi nhìn thấy cha mẹ âu yếm nhau, và đêm đó cô đã đặt bút viết cho bạn để cùng chia xẻ với mình niềm vui lớn lao. Quỳnh chợt cảm thấy nhớ Lụa, nhớ Nhân và nhớ cả vườn cây ăn trái của nhà bạn, nhưng phải hẹn đến mùa hè năm sau mới có thể trở lại được. Trong giấc ngủ đêm đó, Quỳnh mơ thấy nhiều điều kỳ diệu. Cô ngửi thấy mùi sầu riêng đang chín tới ở quanh chỗ mình nằm và cả đôi mắt của ai đang ngóng trông với nét buồn vời vợi…