watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mặt nạ người chết - tác giả Đặng Hoàng Thám Đặng Hoàng Thám

Mặt nạ người chết

Tác giả: Đặng Hoàng Thám

K im Thư nằm, hai cánh tay xuôi đều. Nước da cô bây giờ xanh tái với đôi môi thâm tím. Mắt cô nhắm nghiền như người ngủ với hai hàng mi khép lại. Thư đã chết. Cái chết của cô làm chúng tôi bàng hoàng! Mới mấy hôm trước, cả bọn đi dự tiệc sinh nhật ở nhà Tiến rất vui vẻ...

Kim Thư là một cô gái hiền lành, dáng dấp quý phái. Cô hình như không có bạn trai. Một vài chàng khá phong độ, tán tỉnh làm quen với cô một thời gian, rồi không hiểu sao, các chàng ấy lại rút lui. Tôi cũng có nghe những tay ấy phát biểu về cô những lúc trà dư tửu hậu. Có cậu nói: “Con bé chẳng có gì chê được. Nhưng nàng hình như bị lãnh cảm!”. “Có thể cô nàng làm cao. Đợi gặp hoàng tử rồi mới yêu! Dân trí thức mà. Có yêu nhau cũng văn vẻ, lý tưởng chứ đâu xô bồ, lộn xộn như bọn mình!” - một cậu khác cảm thán nói.

Khi lão Sùi - chuyên gia tẩm liệm - vạch miệng Thư, cho vào mồm cô một miếng vàng y, tôi thấy được lần cuối cái răng khểnh của Thư. Tôi thoáng bồi hồi, đau đớn trong lòng: “Trời ơi! Thư! Cái răng khểnh của em đã làm nên mấy bài thơ đăng báo cho anh!”.

Tôi không phải là người yêu của Thư. Nhưng chính cái vẻ đẹp mỏng manh, có lúc tựa hồ như khói, như sương ấy đã tạo nên nhiều cảm xúc trong tôi. Tôi thường có thói quen đi tìm sự sáng tạo trong vẻ đẹp đa dạng của những cô gái. Bây giờ một trong những người mẫu trong tâm hồn tôi đã ra đi. Thư ơi! Chẳng biết ngày mai em sẽ về đâu? Ôi thật là đau xót! Sao em lại dại dột chết trẻ như thế khi chưa biết tình yêu, chưa rành rẽ về cuộc đời này. Dẫu cuộc sống có những buồn vui, đau khổ... nhưng biết bao nhiêu người vẫn thiết tha yêu nó, chẳng bao giờ có ý nghĩ muốn rời xa nó như em. Có người gặp trăm ngàn bất hạnh hơn em nữa kia! Có thể biết đâu chừng, ngày sau có anh trong đó! Nhưng anh quyết sẽ sống. Chỉ khi nào thật sự không còn khả năng để sống! Mà tại sao em lại quyên sinh? Em buồn chuyện gì? Em khổ chuyện gì? Em là cô gái được cha mẹ cưng chiều! Nhà em cũng chẳng phải nghèo túng mà còn khá giả hơn nhiều người khác!

Lão Sùi nhìn mọi người nói: “Nào! Có ai muốn nhìn mặt cô Thư lần cuối không? Lại đây, tôi đắp khăn lên mặt cô ấy thì sẽ không giở ra nữa nhé. Giở ra không nên!”. Bọn chúng tôi e dè xúm lại. Có một giọng khóc rấm rứt: “Thư! Thư ơi! Sao bạn lại bỏ mình đi sớm vậy? Biết bao giờ gặp lại nhau đây Thư? Biết bao giờ...”. Đó là Quỳnh Dao. Cô này là bạn rất thân của Thư, sắp có chồng về Sài Gòn. Nghe Quỳnh Dao khóc, chúng tôi cũng mủi lòng. Một vài bạn gái của Thư cũng khóc theo. Bọn đàn ông, con trai chúng tôi có một vài cậu đỏ mắt, quay mặt đi chỗ khác.

Tôi ngồi chung với lão Sùi ở bàn nước góc nhà lúc các vị sư cô tụng kinh, gõ mõ cầu siêu cho Kim Thư. “Chú Sùi! Ông làm nghề tẩm liệm biết bao nhiêu người rồi. Ông có thấy chuyện gì huyền bí thuộc về tâm linh không?”. “Khối chuyện...”. Thấy tôi có vẻ tin chuyện âm dương, lão Sùi xem bộ thích. Lão cũng đã có vô vài cốc rượu cúng ban chiều nên có vẻ hăng hái: Này nhé... Cậu có biết chuyện “hồn thư” chưa? “Là thế nào? Nghe bí ẩn quá!” - tôi chăm chú nghe lão Sùi. Lão nói giọng đều như kể chuyện đêm khuya:
- Sau khi người chết vừa chôn rồi, đêm ấy, vào lúc nửa khuya chỗ họ nằm lúc liệm, từ dưới đất sẽ bật lên một đốm lửa xanh bằng đầu ngón tay út, bay vòng vòng một hồi rồi sẽ nhập vào di ảnh hay bài vị. Vào giờ đó nếu ai chẳng may bị “hồn thư” chạm vào sẽ bị nguy hiểm. Nhẹ thì bị bệnh cũng vài hôm. Nặng có khi hóa rồ, có thể điên luôn!... Cậu không để ý đó thôi. Sau đám ma người thân, có người phải nằm bệnh. Đôi lúc có người còn mang chứng tâm thần dai dẳng!... Vì quá đau xót, không để ý chạm phải “hồn thư” đó thôi!
- Có cách gì tránh được cái vụ “hồn thư” đó hay không?

Lão Sùi bập bè điếu thuốc: Cũng dễ thôi. Các cụ xưa tìm dao phay đâm họng heo, hoặc dao yếm cắt cổ vịt cắm ngay chỗ giường người chết là xong ngay! “Hồn thư” dậy không nổi, và sau đó, qua ngày mở cửa mả, hồn thư sẽ tiêu tan vào đất thôi!
- Còn... chuyện quỷ nhập tràng thì sao? - tôi hỏi lão Sùi nhưng trong lòng cũng hơi gờn gợn.
- Lúc chưa cho vào hòm, nhất thiết phải đốt đèn canh chừng và nhốt hết mèo lại. Vì trong số vài chục con mèo đen sẽ có một con linh miêu. Con linh miêu này do mèo mun cái giao cấu với rắn mà sinh ra. Khi nó phóng ngang mình người chết, sẽ tạo ra một lực hút vô hình rất mạnh mẽ. Người chết sẽ bật dậy và thành quỷ nhập tràng. Quỷ nhập tràng đưa hai tay về phía trước đi thẳng, và khi chạm vào ai thì người đó vong mạng, bởi luồng tử khí trong người nó rất lớn!

Nghe lão Sùi kể về quỷ nhập tràng, tôi cảm thấy ớn thật. Sống lưng dờn dợn...
- Còn chuyện mở cửa mả thì sao? Chuyện này thường nghe nói, nhưng chẳng biết ý nghĩa ra sao? - tôi sẵn dịp hỏi tới.
- Này nhé! Khi người ta mới chết, người ta chưa biết mình đã chết, nên hồn phách đi chu du, rong chơi bờ này bãi nọ. Ba ngày sau khi chết, người nhà cúng mở cửa mả bằng cách kéo con gà trống tơ đi quanh vòng mả. Con gà bị kéo sẽ kêu quang quác, báo hiệu cho người chết biết rằng phải trở về nhà của anh là nấm mồ mới đắp. Và người chết, sau ngày mở cửa mả, đêm đêm sẽ ngồi khóc tại nấm mộ của mình, vì khi ấy mới biết mình đã chết thật rồi! Đã vĩnh viễn lìa xa trần thế. Vĩnh viễn rời xa những người thân...
- Có bao giờ chú gặp người của thế giới bên kia không?
- Tôi có gặp rồi. Thậm chí gặp nhiều lần... - Bỗng lão Sùi nhìn tôi như dò xét. Rồi lão nói nhỏ có vẻ nghiêm túc: “Ba ngày nữa, cậu có muốn gặp cô Thư không?” - “Gặp Thư... Cô ấy lúc đó đã chôn xuống đất rồi mà! Làm sao gặp được” - “Có cách!... Đây là chuyện thuộc về thế giới huyền bí. Sau nhiều năm tiếp xúc với người chết, bọn như chúng tôi đã nắm được vài bí quyết để có thể thấy được người của thế giới bên kia!” - “Có chuyện đó thật sao?”

Tôi ngờ ngợ nhìn lão Sùi. Lão vểnh râu phun khói thuốc lên trần nhà. Trông lão cũng hơi có vẻ “tiên phong đạo cốt”, và cũng thoang thoáng chút âm u như phù thủy. Đây có lẽ là chuyện thuộc về bí quyết pháp thuật giống như chuyện người ta đồn đại về sự kỳ lạ của bùa Lỗ Ban! Tôi vốn có máu tò mò chuyện lạ. Nhất là những chuyện về thế giới vô hình mà các phim truyện kinh dị của Mỹ và liêu trai Tàu thường chiếu trên màn hình. Có ma hay không? Có hồn người hay không? Những câu hỏi luôn ám ảnh tôi và cả người đời cũng như giới nghiên cứu khoa học. Quả đây là một dịp có một không hai để tôi khám phá nhằm khẳng định quan điểm của mình.
- Vài hôm nữa. Tôi muốn gặp cô Thư như chú đã nói. Chú có thể giúp tôi? Chú có cần gì không? - Tôi thăm dò lão Sùi và cố giấu sự nghi ngờ.
- Không... Tôi sẽ chỉ cho cậu phương pháp. Với điều kiện cậu phải tin tưởng và chút xíu gan dạ!

- Tôi sẽ cố gắng...
- Tôi mong rằng cậu sẽ gặp cô ấy. Nếu không gặp được là tại cậu không hạp đó thôi. Chứ tôi đã từng có gặp vài người đã chết trong trường hợp làm như thế.

Lão Sùi kéo tôi ra hông nhà của Thư, sau đám chuối khá vắng vẻ. Lão kề tai tôi nói nhỏ trong tiếng rỉ rả tụng kinh siêu độ phía nhà trên. Tôi hơi nhăn mặt: “Thôi, chú giúp tôi luôn cái vụ đó đi”. Tôi móc bóp đưa cho lão Sùi hai tờ giấy năm chục ngàn. Lão lắc đầu nguầy nguậy, bảo chỉ nhận tiền công lấy bửu bối chừng mươi ngàn, để cúng tổ và mua rượu.

* * *
Màn đêm bao trùm trên nghĩa trang vắng vẻ. Tôi nhìn vầng trăng mọc muộn để có thể đoán đúng tương đối giờ giấc. Lão Sùi dặn tôi không được đem trong người những gì có liên quan tới máy móc như điện thoại di động, đồng hồ, đèn pin. Tôi phải mặc áo vải mùng trắng, đi chân không và ngồi cạnh một ngôi mộ không gần quá, cũng không xa quá mồ Kim Thư để có thể quan sát cô ấy mà không làm cô nghi ngờ vì tưởng tôi cũng là một hồn ma như cô. Bửu bối “tuyệt chiêu” mà lão Sùi đã đánh cắp cho tôi, đó là tấm khăn được xếp nhiều lớp bằng giấy quyến đắp trên mặt Kim Thư trước khi đưa cô ấy vào quan tài. Lão Sùi đã đánh tráo nó bằng một tấm giấy khác có sự theo dõi và chứng kiến của tôi. Đây là tấm giấy đắp mặt cho người chết! Lão đưa cho tôi đem về nhà, khoét hai lỗ trên tấm giấy quyến ấy và cột dây làm một cái mặt nạ, để giả làm ma, lừa bọn ma thiệt! Sau đó phải bỏ trong gối ôm và để trong mùng và không được cuốn mùng lên trong suốt thời gian chưa sử dụng. Tôi ngủ xưa nay vốn không có gối ôm nên phải bươn bả ra chợ mua về. Trong phòng tôi ít có ai vào nên cũng tiện cho việc bỏ mùng sùm sụp tối ngày sáng đêm. Thoạt đầu, tôi suy nghĩ: “Chuyện thật nhảm nhí, hoang đường! Nhưng biết đâu mình cũng có dịp kiểm chứng, có dịp rút ra cái gì đó. Cũng chẳng thiệt cho mình và cho ai. Có thể như một trò chơi ảo... game online!”.

Tôi hồi hộp chờ đợi giây phút được thấy Thư xuất hiện. Vầng trăng khuyết mờ mờ xanh lét treo trên bầu trời nghĩa trang hoang vắng. Lô xô, chập chùng những ngôi mộ lớn nhỏ; mới có, cũ có. Thỉnh thoảng, có ngọn gió lạnh lẽo lùa qua làm những đám lau sậy bông trắng, phất phơ như những bàn tay vẫy. Đôi khi có tiếng con chim lạ đi ăn đêm kêu lên làm tôi giật mình. Tôi căng mắt nhìn vào ngôi mộ của Thư. Thời gian chầm chậm, nặng nề trôi qua. Chẳng thấy gì cả, ngoài nấm đất đen sì mới đắp. Tôi hơi nản chí: “Mẹ kiếp, mình dễ tin quá. Bị lão Sùi lừa cho muỗi cắn!”. Bỗng tôi giật mình, dựng tóc gáy khi thấy một bóng đen ngồi cạnh mộ Thư khóc hu hu vừa đủ nghe. Trời ơi! Hồn Thư đã trở về thật rồi! Cô đang ngồi khóc vì mới hay mình đã chết! Ôi, tội nghiệp cho Thư quá! Tôi bỗng dưng không còn sợ hãi nữa. Tôi định chạy qua bên mộ của Thư, nắm tay cô mà an ủi. Nhưng tôi nhớ lời dặn của lão Sùi: “Chỉ xem thôi! Không được manh động gì khác. Nếu trái lời sẽ nhận hậu quả không lường được. Có thể mất mạng hoặc điên khùng như chơi!”.

... Tôi đem chuyện gặp hồn ma của Thư nói lại với Tiến. Tiến ban đầu không tin. Cho là tôi đặt chuyện trêu anh. “Sao cậu không nói đã thấy cái răng khểnh của Kim Thư dài ra khi lão Sùi vạch miệng cô ấy? Tôi buồn mà cậu cứ đùa dai...” - Tiến có ý trách cứ và mỉa mai nhẹ tôi. Nhưng tôi kể lại quy trình được gặp Thư, với những lời lẽ chân thật, nghiêm túc. Tiến vốn biết tính tình của tôi. Anh ta xin tham gia đêm nay. Đó là đêm thứ ba sau ngày mở cửa mả của Kim Thư. Theo lời của lão Sùi, Kim Thư sẽ xuất hiện ngày một thưa đi, và đến khi làm tuần 49 ngày thì cô ấy sẽ về âm cảnh. Tiến là người thiết tha thầm yêu, trộm nhớ Kim Thư. Từ khi Thư mất, Tiến xuống sắc thấy rõ. Trong thâm tâm, anh vẫn còn tiếc thương, luyến nhớ người con gái ấy!

Tôi và Tiến lại núp nơi ngôi mộ cũ. Chúng tôi chờ đợi. Tôi trao mặt nạ người chết cho Tiến đeo. Tôi nhường cho anh ta vì tôi đã thấy Thư rồi. Và Thư đã xuất hiện! Thư khóc rấm rứt, đau đớn đến nao lòng. Bỗng một sự việc xảy ra ngoài trí tưởng tượng của tôi. Tiến bất ngờ phóng qua ngôi mộ của Thư. Tôi không kịp giữ anh ta lại. Tiến nắm chặt tay Thư. Anh ta nói như khóc: “Kim Thư! Em đã trở về... Em đã trở về! Em đừng đi nữa nghe em. Anh đau khổ lắm! Anh nhớ em quá! Thư ơi... Thư ơi!”. “Trời đất ơi! Người và ma làm sao tái hợp được!” - Tôi đau đáu trong lòng. Bên kia mộ Thư bỗng yên lặng lạ kỳ. Tôi lo sợ thật sự: “Phải qua bên ấy cứu Tiến. Có thể Tiến bị Thư hớp hồn. Anh ta có thể chết hoặc điên khùng như lời lão Sùi đã cảnh báo!”.

Bóng ma Thư ngồi cúi mặt bên cạnh Tiến. Tôi thật hoang mang không hiểu nổi đây là thực hay hư!? Khi cô ấy ngước lên, tôi giật mình, kinh ngạc vô cùng. “Quỳnh Dao! Trời ơi! Sao em có mặt nơi đây!?”. Quỳnh Dao thở dài sườn sượt: “Em sẽ kể cho mấy anh nghe...” - Cô dừng lại, nấc lên nghẹn ngào: “Em và Kim Thư yêu nhau!... Chúng em muốn thành vợ chồng và chung sống suốt đời với nhau!” - “Các cô là người đồng tính?" - Tôi buột miệng vì không ngăn được sự ngạc nhiên quá đỗi! Quỳnh Dao tiếp: “Ba má em chỉ có một mình em là con gái. Ba má em biết chuyện này và không muốn như vậy. Em bị gia đình ép phải có chồng, vì thực ra chúng em vẫn đầy đủ chức năng của một người phụ nữ. Chỉ khác là yêu người đồng tính mà thôi!”. Tôi và Tiến chợt hiểu ra vì sao mà Kim Thư đã uống hơn hai chục viên thuốc sốt rét để tự tử khi biết Quỳnh Dao sắp có chồng!

Quỳnh Dao cho chúng tôi biết cô ra đây cũng với hy vọng là được gặp mặt Kim Thư, bởi cũng có người làm nghề đồng bóng bên xứ cô chỉ vẽ cho cô cách gặp mặt người đã khuất.

Trên đường về, tôi nói với Tiến:
- Cậu chăm sóc cho Quỳnh Dao. Cô ấy đẹp không thua kém gì Kim Thư và xem chừng cũng là người cũng có tình, có nghĩa!
- Nhưng cô ấy sắp có chồng kia mà?
- Cậu ngốc quá! Gia đình Quỳnh Dao ép cô ta lấy chồng là vì muốn cắt đứt mối quan hệ không bình thường này! Cậu thay vào chỗ Kim Thư thì hay quá!” - Tiến nghe tôi nói, chỉ thở dài và im lặng. Tôi còn nói thêm: Tình yêu thật diệu kỳ! Con người đã thắng được nỗi sợ hãi để tìm đến với nhau. Người như Quỳnh Dao cũng đáng trân trọng!

* * *
Chuyện tôi bày cho Tiến thế mà hóa ra hay! Sau một thời gian, với những tình cảm chân thật của hai người với nhau - có lẽ Tiến và Quỳnh Dao cũng vì Kim Thư một phần - họ đã thành vợ chồng và sống rất hạnh phúc.

Các tác phẩm khác của Đặng Hoàng Thám

Song hổ quyết đấu

Nắng sớm mưa chiều

Mùa lũ