watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nắng sớm mưa chiều - tác giả Đặng Hoàng Thám Đặng Hoàng Thám

Nắng sớm mưa chiều

Tác giả: Đặng Hoàng Thám

Cuộc đời có buồn, có vui. Có hạnh phúc và đau khổ. Cũng có khi chuyện vui nhiều hơn chuyện buồn. Giữa bất hạnh và hạnh phúc chỉ cách nhau gang tấc, hoặc dài ra cả đời người. Phút chung cuộc giống như chuyện cuối, chuyện về sau của một đám cưới, có niềm vui hạnh phúc ngập tràn và cũng lắm khi là nước mắt não nề, cay đắng!
- Em có thấy mây trắng trên trời trôi không? Nó bay mãi đến ngàn năm nữa không thôi, dù anh và em... trăm năm sau không còn nữa!
- Anh lại nổi máu lãng mạn lên nữa rồi! - Phương Liên cấu vào vai tôi khiến tôi sực tỉnh:
- À... xin lỗi em! Anh hay méo mó nghề nghiệp. Anh viết văn, làm thơ riết rồi nhiều khi sinh lẩn thẩn!
- Hôm qua, đi đám cưới nhỏ Nguyên, anh có để ý gì không? – Phương Liên hỏi.
- Có thấy gì đâu.
- Con Nguyên nó khóc, lúc quay phim, chụp ảnh.
Tôi cười khà, đùa:
- Sao lại khóc? Nghe nói mấy cô... mê có chồng lắm mà!
- Anh lại “đâm hơi” nữa rồi... Vậy mấy ông có thèm cưới vợ không? Người ta khóc cũng là có chuyện chớ!
- À... à. Vui cũng khóc. Buồn cũng khóc! Có cả kiểu khóc... “vui sao nước mắt lại trào...”!
- Nó cắn răng bỏ thằng Toàn để lấy chồng Việt kiều Mỹ.
- Có chuyện đó sao? Anh cứ ngỡ Nguyên và Toàn chỉ là bạn bè. Nguyên có nhiều bạn lắm mà?
- Tụi nó yêu nhau từ lúc chưa ra trường. Tội nghiệp!
- Nhưng tại sao lại xảy ra chuyện đó? Nhà Nguyên cũng thuộc hàng khá giả mà!
- Ờ, ba nó làm giám đốc... Không biết sao vỡ nợ, có nguy cơ ra tòa!
Tôi hiểu ra:
- Nguyên ưng tay Việt kiều đáng tuổi cha chú mình nhằm mục đích cứu vãn tình thế phải không?
- Nhưng tội nghiệp con Nguyên quá! Ai làm nó lãnh! Nghe nói ba nó là tay phóng đãng, cặp bồ với ca sĩ phòng trà và mấy cô người mẫu thì tiền bạc chịu sao xiết!
- Anh có gặp ông ấy một vài lần đi chung với Khánh Vân ở khách sạn New Gold...
Phương Liên véo tôi:
- Anh đi đâu vào đó mà gặp ba con Nguyên?
- Ai da... Đi hội thảo!
***
Dòng đời lặng lẽ trôi như mây trắng ngàn năm bay mãi trên bầu trời. Những áng mây ấy trôi về đâu chẳng ai biết, còn người yêu tôi có chồng! Bạn tôi đi dự tiệc về nói với tôi, hôm ấy thấy mắt Phương Liên đo đỏ. Chắc nàng khóc! Phương Liên khóc cho cuộc tình với tôi dang dở chăng? Tôi cố tin như vậy để an ủi trái tim cô đơn, tan nát của mình. Rồi có phút nghi ngờ, tôi chợt nghĩ: “Biết đâu cô ấy khóc vì phải xa cha mẹ, người thân, hoặc có thể khóc vì được hạnh phúc! Vui cũng khóc. Buồn cũng khóc kia mà!”.
***
- Chú mua giúp tôi vài tờ vé số!
- Tôi không mua... Tôi không có chơi số!
- Chú mua thử một lần đi. Có khi chú sẽ trúng độc đắc cũng nên!
Tôi vất mẩu thuốc nhìn người bán vé số. Ông ta cao ráo, mặt vuông, càm bạnh, chiếc áo bạc màu, đội cái nón lưỡi trai cũ mèm. Đôi mắt ông tôi tối, có chút gì khá lạ lùng. “Thằng cha nầy bán vé số mà tướng giống mấy tay giám đốc quá vậy?” - tôi nhủ thầm.
- Ông đưa đây, tôi cũng đang khủng hoảng tài chánh, mua thử xem sao?
- Có khi trúng thì sao? Tôi đã từng trúng số, thú vị lắm!
- Ông trúng số sao bây giờ lại đi bán chi cho cực?
- Ấy, tại cái số tôi nó vậy. Đời mà, chuyện tôi lằng nhằng lắm.
Tôi bỗng muốn nghe một câu chuyện lạ. Biết đâu mình sẽ hư cấu thành một truyện ngắn cũng nên, kiếm vài trăm chữa cháy cái khoản cà phê, thuốc lá với nhậu bình dân!
- Ông còn bao nhiêu tờ? - Tôi nhìn xấp vé mỏng trên tay ông ta.
- Dạ, chín tờ, mới bán một tờ đây. Số chín là số hên!
- Được – tự nhiên tôi nổi hứng - tôi mua hết với điều kiện ông phải nhậu với tôi đứt hai xị rượu nầy.
Người bán vé số có vẻ vui khi gặp một khách hàng cởi mở như tôi. Ông ta nói:
- Nếu chú cho phép, tôi sẽ nán lại chơi với chú một chút cho vui. Mà sao chú lại nhậu một mình?
- Tôi uống với một thằng bạn. Vợ nó mới điện kêu nó về nhà có chuyện gấp.
Cuộc nhậu tiếp diễn. Người đàn ông bán vé số sau khi đã cưa với tôi vài ly rượu thuốc. “Rượu vào lời ra”, ông bắt đầu thố lộ:
- Cách đây chừng hai mươi năm, tôi là giám đốc một doanh nghiệp của Nhà nước.
- Giám đốc mà sao lại đến nông nỗi nầy. Mấy tay giám đốc thường khi về hưu giàu lắm kia mà?
- Tôi khác, tôi có vợ bé... tới những ba bà, không, ba cô thì đúng hơn. Cô nào cũng trẻ đẹp như tiên.
- Trời đất! Ông dữ thật!
Tôi nhìn kỹ người đàn ông, ngờ ngợ như có gặp ở đâu đó. Khá lâu, tôi mới đoán:
- Có phải ông tên Khanh không?
Người đàn ông giật mình, nhìn tôi:
- Sao chú biết tên tôi?
- Hồi đó tôi có làm báo, thường được cử đi dự hội thảo. Tôi còn biết ông có một người con gái tên là Thanh Nguyên, phải không?
- Đúng vậy. Nó bây giờ ở Mỹ.
- Sao cổ không nuôi ông?
- Nuôi gì! Tôi ép nó lấy chồng. Tôi bỏ mẹ nó. Mẹ nó buồn, rồi bịnh đến chết luôn. Tôi thật là tàn nhẫn! Con gái tôi nó oán hận tôi cũng phải.
- Thôi, vô một cái đi. Chuyện của ông cũng gay cấn đó!
- Lúc vợ tôi chưa mất, con tôi cũng có gởi tiền về cho tôi nộp trả Nhà nước. Tôi bị bốn năm tù vì tội tham nhũng, thâm lạm ngân quỹ. Thời gian tôi ở trong trại, bà xã tôi thăm nuôi tôi rất tử tế. Chết một cái là cô vợ bé thứ ba của tôi ở dưới Châu Thành cũng thăm nuôi tôi. Nếu cô ấy bỏ tôi như các cô vợ kia thì chuyện đã đơn giản lắm rồi - Người đàn ông bán vé số thở dài, rồi tiếp nối câu chuyện: Ra tù. Tôi về với vợ. Thỉnh thoảng tôi trốn xuống Châu Thành thăm cô vợ thứ ba cùng đứa con trai. Về sau, vợ tôi biết được chuyện nầy nên nhất quyết ly dị tôi.
- Còn chuyện ông trúng số?
- Cô vợ bé thứ ba của tôi bán cháo lòng, bún riêu ở chợ huyện. Buổi sáng tôi phụ cô ấy dọn bàn, rửa chén. Khoảng chín giờ, tôi đi vòng vòng chợ bán vé số kiếm thêm thu nhập. Hôm ấy, còn mười vé, năn nỉ không ai mua. Tôi “ôm” đại. May sao buổi chiều trúng ngay bóc độc đắc. Chú hiểu là tôi mừng như thế nào.
Người đàn ông nhấp ly rượu tôi đưa, rồi ông ta để cái ly xuống bàn, buồn bã:
- Chuyện đời của tôi nó giông giống như chuyện “Tái ông mất ngựa”. Nhưng Tái ông là chuyện có hậu, còn tôi thì kết cuộc đoản hậu! Có tiền rồi, vợ tôi không bán cháo lòng, bún riêu nữa. Không biết có ai xúi không mà cô ấy nhất quyết mở quán bia! Dần dần tôi cũng quen lại với cái môi trường ăn chơi ấy...
Ông Khanh cho biết thêm: sau khi thôi vợ bé, ông ta buồn quá, chơi số rất dữ rồi khánh kiệt, đi bán vé số với hy vọng trúng thêm lần nữa. “Nhưng lần nầy... tôi sẽ làm từ thiện rồi lên núi lập một cái am nhỏ để tu”. Ông Khanh nói với đôi mắt đo đỏ, bắt tay tôi, lặng lẽ bước đi. Tôi nhìn ông với mái tóc bạc trắng, liêu xiêu đi về phía cuối con đường đất trong nắng chiều sắp tắt.
***
Hôm nay là ngày cưới của con gái tôi. Lúc bé Vân - tôi thường gọi con gái rượu của tôi như vậy - thay đồ để ra quay phim, chụp ảnh, tôi hỏi vợ tôi:
- Em thấy con mình nó có... khóc không?
Bà xã tôi nhìn tôi:
- Anh hỏi lạ thật! Có chồng xứng đôi vừa lứa, thuận tình vừa ý, lại ở gần cha mẹ, vui không hết, sao lại khóc?
- Anh chỉ hỏi vậy thôi... Có nhiều khi vui, người ta cũng... khóc.
Tôi bỗng nói vu vơ:
- Hôm trước, anh có gặp ba của con Nguyên!
- Ba con Nguyên nào?... Em đâu có biết! - Vợ tôi hối hả bước ra phòng khách, khi nghe có ai đó, báo đàng trai sắp đến. Tôi cũng kịp tỉnh táo: “Chậc, không có gì”. Tôi lộn rồi, vợ tôi bây giờ là Thanh Thảo chứ không phải là Phương Liên của tôi ngày trước!

Các tác phẩm khác của Đặng Hoàng Thám

Song hổ quyết đấu

Mùa lũ

Mặt nạ người chết