Phần III
Tác giả: Đặng Quang Tình
Thằng bé giống Đồng Văn Tu làm sao.
Hừ, thế mà hay! Không có cái phút buông thả ấy thì không còn cái dòng Đồng Văn Tu này. Ngày ấy, Trần Bính đã có văn bản đề nghị truy nạp Tu vào Đảng. Bên cái ý Tu xứng đáng là đảng viên còn có cái ý lưu lại di tích của một chiến sỹ chẳng còn gì để lại. Chuyện đảng viên không thành,
Trần Bính dành hẳn hai ngày đi Mường Khoa trước khi ra thị trấn làm giấy khai sinh cho Nọi. Lần tìm qua vài người anh cũng gặp được chị hội trưởng Phụ nữ cứu quốc ngày trước. Chị cho biết đội xoè ngày ấy từ nhiều nơi tập hợp lại: người ở Mường Vạt, Mường Sang xuống; người ở Mường Tấc, bản Vạn sang; người ở Khủa, Sại lên… Họ bị các tạo, phìa cống nạp tổ chức thành các đội xoè chuyên đi phục vụ các đồn binh. Đội xoè đồn Bản Hoa đã giải tán ngay sau đó, nên chị không biết giờ ai ở đâu, sinh sống thế nào? Trường hợp bé Nọi có thể là con một nàng xoè gặp khó không thể nuôi. Có thể nàng đã có chồng, hoặc sắp lấy chồng mà người đàn ông không chấp nhận đứa trẻ. Nàng này nhất định khổ lắm, đứt ruột ấy chứ! đặt tên con là Nọi cơ mà! Người Thái đặt tên con là Nọi là bé là hết sức thương xót con.
Họ thằng bé thì được rồi, còn chữ lót? Anh muốn ghi dấu ấn của người mẹ. Anh không muốn nó đứt khỏi gốc. Cũng như con bé Đào, anh đã lấy họ Sùng cho nó. Sùng là dòng họ phổ biến của người Mông đỏ Vân Hồ.
Chắc mẹ Nọi là người Thái trắng… Phải rồi, áo phụ nữ Mường buông lửng chứ không chẽn như ngời Thái; đầu phụ nữ Thái đen là piêu đen chứ không phải khăn trắng. Người Thái trắng có hai dòng họ lớn là Sa và Điêu hay Đèo. Ở Mộc Châu họ Sa phổ biến hơn cả.
Chủ tịch thị trấn Nông trường là chiến hữu cũ nên việc khai sinh chẳng khó khăn gì, chỉ dặn: khai thế nào thì khai nhưng phải nhất quán không có sau này khổ cho chúng, rồi ông cười:
- Ông họ Trần, con gái là Sùng Thị Đào, con trai là Đồng Sa Nọi. Đúng là một ông bố nuôi rạch ròi.
- Mình chỉ muốn chúng không quên gốc gác.
Hai trẻ cả ngày quấn quýt nhau nhưng chiều chiều lại thẫn thờ. Một đứa nhìn núi hỏi nả [1] đâu? Một đứa nhìn rừng hỏi êm [2] đâu?
Để các con bớt thẫn thờ, anh bày ra các trò chơi: lò cò, nhảy dây, đá bóng…, có khi đi loăng quăng; đành bỏ thói quen chiều chiều cùng Thục ngồi bên gốc đào nhìn về xuôi.
Hai vợ chồng đã nhiều lần bàn chuyện vài năm nữa rồi xuôi và bao giờ cũng là về vùng chiêm trũng Bình Lục. Thục là người Hà Nội nhưng chẳng bao giờ nhắc đến chuyện về Hà Nội.
Cô gái Mã Mây, tài sắc chẳng thể nói có mà cũng chẳng thể nói không, đã trúng tuyển vào một đội văn công mà ngày đó các đơn vị bộ độí thi nhau xây dựng. Rồi khi vỡ lẽ tài năng và nhất là thấy rõ chân tướng Sở Khanh, cô nhận quyết định lên thảo nguyên Châu Mộc làm hạt nhân văn nghệ chứ không về nhà làm phiền cha mẹ.
Rồi đội văn nghệ chẳng thấy đâu, cô được phân công về đội bò sữa mới có vài con và ngày ngày xách bình sữa đi bán rong khắp các đội sản xuất và cả thao trường quân đội.
Chiều hôm ấy, cô hụt chân ngã xuống giao thông hào. Trần Bính đang đánh bóng chuyền gần đó vội nhảy xuống đỡ cô lên và mặc máu me dính cả vào áo quần, bế cô chạy một mạch đến trạm xá. Những ngày sau đó anh thường đến thăm vì biết cô không có ai thân thích ở đây… Rồi anh thấy người ốm ngày một đẹp ra. Đẹp một cách kỳ lạ, không phải bởi sắc mặt hồng, đôi môi tươi mà bởi cái ngước nhìn đăm đắm. Hôm anh mang đến mấy quả đào, cô tràn nước mắt:
- Anh đừng đến thăm em nữa… Em xấu xa, chỉ muốn chết.
- Sao Thục nói vậy? Cả cuộc đời còn trước mặt mà…
Anh dật mình. Sao ta lại nói cái câu của Pie Bêdukhốp với Natasa Roscôva trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hoà bình của đại văn hào Nga Lep Tôntôi?
Thế rồi, bẵng một thời gian theo những trận đánh ở Sầm Na, Luông Prabăng, rồi về phụ trách cái đội cừu Tân Cương thì Thục đeo ba lô đến. Cô vứt tung đồ đạc, chạy đến trước mặt anh:
- Anh Bính! Anh có nhận em không? Em bây giờ là quân của anh đấy.
Rồi anh hỏi cưới cô. Cô cúi đầu, nước mắt chan hoà:
- Em chẳng có con được đâu.
- Chúng ta đã có một đứa đây này! Anh chỉ bé Đào-Rồi biết đâu sẽ còn nữa…
Cái sự vống lên cho khuây khoả lại thành thật. Bây giờ họ đã có hai con “muôn ngàn yêu dấu” như thường nói với nhau.
Hai đứa bé được chăm sóc đến mức những trẻ có tiếng được cưng chiều vẫn tỵ với cha mẹ. Anh lên tận huyện lỵ tìm mua cho Đào bộ váy áo Mông có cả đảy xế [3] . Chị cầu kỳ tết cho Nọi những cái nút vải trên cái áo vải mộc khâu tay theo kiểu con trai Thái. Hai đứa lớn vổng lên và “đẹp như tranh”, người ta nói vậy. Nọi thừa hưởng được tất cả ưu thế của bố mẹ: da trắng, dáng cao, mắt to, miệng lúc nào cũng như cười. Còn Đào thì có cái mũi “Đức mẹ”, đôi mắt càng “Đức mẹ” và môi thì trái tim hồng.
Trần Bính đặc biệt chăm chút rèn luyện các con. Anh bảo: cây phải uốn từ non, người phải rèn từ nhỏ. Anh đóng cho mỗi đứa một cái bàn học xinh xinh để đến giờ là ngồi vào học. Giờ chơi thì ra sân. Và buổi chiều, rứt khoát ra vườn làm cỏ, tưới rau. Cơm ngày ba bữa, không quà vặt. Thấy anh quá chặt chẽ với các con, chị phải kêu lên:
- Quá là thiếu sinh quân.
- Con người phải có kỷ cương - Anh nói - Mà kỷ cương phải rèn từ nhỏ.
Không hẳn nhất trí nhưng chị tin anh. Con người từng trải, có lòng vị tha thì cái sự chưa hoàn hảo cũng đáng yêu. Chị cám ơn số phận đã đưa chị đến với anh. Thoát Sở Khanh càng quý Kim Trọng. Với mọi người, bao giờ chị cũng “nhà em”, với cha mẹ bao giờ cũng “nhà con”. Chị hết lòng thương yêu anh còn là để bù đắp lại cái sự không được toàn vẹn với anh. Một lần chị nói với anh:
- Em phải nói với anh chuyện này, rồi tuỳ anh. Em không chịu được khuất tất với anh.
Anh ôm chị vào lòng, tay bịt miệng chị:
- Chẳng có gì khuất tất… Bây giờ chúng ta là một khối quánh, búa chẻ chẳng toạc, rìu vạc chẳng xước.
Chị đã thổn thức khóc khi đọc hai câu thơ của Hồ Dếnh trong sổ chép thơ của anh: “Mình vừa là chị là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời” . Không trả lời “sao bỗng dưng lại khóc?” mà càng ôm chặt lấy anh mà thổn thức.
Hai đứa càng lớn càng ngoan, càng chăm học và càng quấn quýt nhau. Anh đã nói rõ và mừng khi thấy chúng quan tâm đến nguồn gốc. Chị có ý kiến về việc này, anh bảo:
- Cuộc đời cần phải minh bạch để tự đứng trên đôi chân của mình. Thuyết chính danh của Khổng Tử chính là danh có rõ ngôn mới thuận.
- Thế thì anh phải để em chính danh. Thục bật ra.
- Em đã chính danh rồi! Anh ôm lấy chị-Em có im ngay không? Không có anh đánh cho một trận bây giờ.
- Thì anh đánh em đi! Anh đánh em đi! Chị ôm ghì lấy anh
Lên cấp hai, Nọi phải đi năm cây số ra nông trường bộ học. Trưa nào Đào cũng đợi anh về mới ăn cơm. Tan học là nó ra gốc đào ngóng, rồi phóng một mạch qua mấy sườn đồi khi thấy cái đầu nhấp nhô của Nọi và tót lên gác ba ga xe đạp để được đèo một quãng. Có hôm nhầm, nó cũng dứt khoát không lên xe của các cô các chú, đợi anh bằng được. Chiều chiều hai đứa vẫn đơị nhau ra suối tằm nhưng không còn kỳ lưng cho nhau mà mỗi đứa một dòng. Buổi tối, Đào thích được anh giảng bài hơn bố mẹ.
Lên cấp ba, Nọi phải lên Mộc lỵ trọ học, cuối tuần mới về. Trưa thứ bảy nào, tan học-bây giờ Đào cũng đã ra nông trường bộ học cấp hai- Đào cũng đạp xe ngược một quãng đón anh. Có hôm đến ba giờ chiều anh em mới về đến nhà. Anh không cho Nọi mang xe đạp lên huyện, sợ sẵn xe vi vu chểnh mảng học hành. Vả lại nhà chỉ có một xe, phải để Đào đi về hàng ngày. Lúc đầu anh không đồng ý việc “phá” chương trình kế hoạch của Đào vì “thằng Nọi có cuốc thêm năm cây số cũng chẳng sao”. Nhưng rồi thấy Đào thẫn thờ vào ra anh thôi không nhắc con nữa. Mà thật thương, con bé suốt ngày trầm lặng chỉ ríu rít khi Nọi về.
Một lần, hai lần, rồi ba lần… buộc chị phải để ý: Đào không còn tự nhiên với Nọi như trước, không còn quàng tay bịt mắt anh đố biết cái gì, không còn tót lên lưng anh bắt cõng một vòng khi thắng cuộc. Lúc đầu chị nghĩ nó đã lớn, hiểu chẳng thể còn nũng nịu, vòi vĩnh anh. Rồi chị dật mình thấy nó thường thẫn thờ nhìn Nọi; cả tuần buồn thiu và thật tươi khi Nọi về. Chị thấy nó chăm chú thêu những cái khăn tay xinh xinh rồi lại cất vào hộp, không dùng mà cũng chẳng tặng ai. Đào còn vi phạm cái điều bố đề ra: quần áo ai, nấy tự giặt, chủ nhật lặng lẽ đem quần áo bẩn của Nọi đi giặt, rồi phơi phóng, gấp cất cẩn thận. Cái cổ áo nhăn còn đựoc là bằng ca nước nóng. Nọi cũng tỏ ra ngày càng chăm chút Đào hơn, về đến nhà không thấy em là rối rít hỏi rồi bổ đi tìm. Chiều thứ bảy nào cũng có quà riêng cho em, khi quả đào, quả muỗm, khi cái bánh cắt… lại cả những cái cặp tóc có hoa, cái gương bỏ túi xinh xinh. Lại còn bày trò sinh nhật với những bưu ảnh với dòng chữ nắn nót, cái thì “tặng em thân yêu”, cái thì “tặng em yêu quý”. Anh đã tự đặt ngày sinh cho chúng vì thủ tục khai sinh phải có. Nọi là ngày Tu hy sinh cộng thêm chín tháng mười ngày. Đào là ngày anh nhặt được trừ đi hai năm. Sáng chủ nhật là Nọi vật xe đạp ra sửa chữa, tra dầu; cái phanh phải mút êm, cái xích không được cắn quần. Nọi vẫn chăm chỉ giảng bài cho em nhưng không còn khoái quá là ôm đầu em khen thông minh hay xách tai em “sao mà ngu vậy?”. Có khi chúng ngồi với nhau cả buổi mà chẳng thấy nói năng gì.
Chị nói với anh:
- Em thấy hai đứa có vẻ khác thường. Răn nhắc thế nào bây giờ?... Mong cho chóng hết năm học để Nọi đi đại học Hà Nội hay sư phạm Thuận Châu… Xảy chuyện gì thì khốn.
- Chuyện này anh cũng cảm thấy. Cái gien tự nhiên dễ dẫn đến cái tự nhiên… Nhưng chúng hoàn toàn xa cách nhau… một đứa là Kinh-Thái, một đứa là Mông, có gì là sai phạm, là không phải?
- Nhưng chúng là con dưới một mái nhà, coi nhau là anh em… Xã hội người ta cười cho chứ !
- Ừ, cũng không đơn giản. Nhưng sao cái đúng lại để bẻ thành cái sai? Sao ta lại bắt chúng phải đau đớn, bắt chúng phải chịu điều phi lý?...Xã hội chưa hiểu thì ta phải làm cho xã hội hiểu chứ!
- Chả đơn giản với xã hội được đâu.
- Đúng là không dễ, phải có thời gian… Nhưng có cái cũng phải mặc, làm sao mà vừa lòng hết cả mọi người? Cái rành rành người ta vẫn bẻ queo cơ mà… Cái lo bây giờ là lỡ xảy chuyện… Chúng đều thuộc gien phát triển sớm.
Chẳng như mong muốn của Thục, Nọi đã không đi Hà Nội hay Thuận Châu. Một ngàn chín trăm bảy hai là năm dốc quân cho miền Nam, Nọi đã ghi tên tòng quân tại trường rồi mới cho bố mẹ biết. Thục lo lắng nhìn con, còn Bính thì lên gân:
- Đúng, chỗ đứng của thanh niên bây giờ là tuyến đầu chống Mỹ.
Nhưng rồi đoàn tân binh bổ xung cho các binh đoàn chủ lực không có Nọi. Đồng Sa Nọi đã được quân lực gắp cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Bính nói với con:
- Cha con đã hy sinh để giải phóng Tây Bắc. Bây giờ đến lượt con bảo vệ Tây Bắc. Công tác biên phòng có những nét na ná như gây cơ sở hậu địch trước đây. Con sẽ hiểu thêm cha con, và hãy xứng đáng với cha con.
Nói mạnh vậy nhưng khi con lên đường, Trần Bính buồn da diết. Anh cũng không ngờ mình mềm lòng như vậy. Thục thì bần thần cả người. Chưa bao giờ xa con quá chục ngày, chị lo con thiếu mọi thứ, nhất là nó lại là đứa háu đói. Nó lên huyện học, tuần nào cũng một lọ không ruốc bông, không thì cũng sườn băm. Cái khuy áo đứt, cái đít quần bợt không mẹ thì em phải đơm phải vá cho. Chẳng hẳn là đoảng mà là nũng mẹ, vòi em đấy thôi. Mà thằng bé thật tình cảm, rồi đây chẳng còn được bố mẹ mắng mỏ…Còn Đào thì đúng là cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, có hôm còn khuất góc thút thít. Anh lại phải lên gân:
- Nó ở ngay trong khu, trong tỉnh chứ xa gì mà khóc? Người ta còn vào tận miền Nam, sang Lào chiến đấu cơ mà.
Quát vậy nhưng khi biết tin con còn dự khoá huấn luyện tân binh tại tỉnh bộ, cả nhà quyết định nghỉ phép đóng cửa đi thăm ngay. Mới có hơn tháng mà cứ như hàng năm vậy.
Hoá ra chỉ huy trưởng tỉnh bộ lại là đồng đội cũ ở Mộc Hạ. Vừa nghe nói về Nọi, ông nhận ra con Đồng Văn Tu ngay, và nói riêng với Bính:
- Hay là giữ nó lại tỉnh bộ? Tôi đang thiếu văn thư. Thấy Bính không nói gì, ông tiếp: Cần giữ hạt giống của Tu… mà cũng chẳng đặc biệt gì… Con mấy cốp, đứa thì Liên Xô, đứa thì Hung, Đức… đi học; đi bộ đội thì cũng quanh quẩn ở quân khu, tỉnh đội cả… Đợt này tôi cũng phải gánh hai đứa, mà chúng dốt quà, đều được đặc cách tốt nghiệp, chữ như mèo quào.
- Nói vậy có quá không? Tôi mới nghe tin con tư lệnh quân khu Vũ Lộc vừa hy sinh ở Siêng Khoảng.
- Ừ, con cậu Quán, cậu Sắc, cậu Tuyên đang ở chiến trường cả, đứa ở đường Chín, đứa ở Bình Long… Mà mình không hiểu sao cậu cứ chui rúc mãi ở cái xó Tân Cương ấy? Quân cậu ở Mộc Hạ chả còn đứa nào ở cấp đại đội cả; chuyển ngành thì cũng từ trưởng phòng trở lên, có đứa là vụ trưởng vụ phó ở Hà Nội kia đấy… Như cái thằng Tâm ghẻ tàu, thằng Hoạch cứ chuẩn bị vượt sông Đà là ốm ấy.
- Chẳng hoàn toàn như vậy, cậu nhớ tay Lợi trinh sát không? Chuyển ngành bao năm nay ở trại chăn nuôi lợn ty Thương nghiệp vẫn chỉ lương hạ sỹ chuyển ngành ba mươi sáu đồng. Mà thôi, nói làm gì? Ai cũng có số má của nó. Trân Bính không tin số phận nên mỗi khi phải dùng khái niệm này là mỉa mai thành số má.
- Tớ bắt mạch cho cậu nhá…. Tuyệt đối phục tùng, tuyệt đối với công việc… Càng ngày tớ càng nghiệm thấy, chẳng mấy cán bộ tổ chức quan tâm đến người không bao giờ thắc mắc, an tâm với công việc… Họ còn khối “yêu cầu” phải lo, hơi đâu, mà còn là dại gì động vào nơi đã yên ổn, nhất là ở cái nơi khó nhằn… Cậu đừng văng “cứt” với mình! Thời buổi này cũng phải biết lo cho mình, phải chớp thời cơ, không thể ngu ngơ “số má” được đâu; phải như ông nông dân chia ngỗng luôn luôn biết dành phần cho mình ấy.
- Cậu nói đúng, tớ là kẻ thụ động, lại còn sỹ, sợ cái tiếng cá nhân chủ nghĩa… Sau đợt “làm” quân tiêu đoàn 2 Pa thết Lào chiếm lại Sầm Nưa, tớ đã có danh sách về Lạng Sơn học văn hoá chuẩn bị xây dựng binh chủng hiện đại thì chính uỷ Phi Vạn Lợi bảo tớ ra nông trường giúp ông ổn định đất đai với nhân dân vì tớ là thổ công Mộc Hạ, tớ vào tận Tân Cương là vì vậy… Rồi đàn cừu lạ thung thổ, công việc mới lạ cần người có trách nhiệm, tớ được giữ luôn ở đó… Và cứ thế, hết cừu đến bò, đến chè… thế là thành đội trưởng bách nghệ, đa-giê-năng. Cũng có lúc người ta nghĩ đến cái chức phó giám đốc phụ trách kinh doanh cho tớ. Tớ xin kiếu cái chuyện buôn bán; thà làm cái anh chăn bò, hái chè còn hơn… Còn chuyện thằng Nọi-Trần Bính chuyển chuyện- hãy để nó xứng đáng với bố nó. Nhưng có điều này, tớ nhờ cậu… Cậu hãy xem cái ảnh này-Bính đưa ra tấm 6x9 mới chụp bốn người- Tay thợ ảnh bảo: ông bà đứng giữa, con gái bên cha, con trai bên mẹ là đẹp nhất. Thế mà tót một cái, con Đào chuyển sang chỗ thằng Nọi. Lại đây-Bính lại đưa ra cái ảnh nữa- Hai đứa chụm đầu vào nhau thế này có phải anh em không?.. Tớ xin cậu một điều: Trước khi về đồn, cho nó nghỉ một tuần để tổ chức cho hai đứa.
- Cậu bao giờ cũng chỉn chu, kín kẽ, đúng là lính địch hậu… Được, tớ sẽ thu xếp… Mà này, hà hà…hỏi thật nhá! Lấn bấn mãi ở nông trường có phải vì cái cô bán sữa này không?
- Cũng có phần, mà phải kể từ con bé Đào, rồi cả thằng Nọi nữa… Bộ ba này là quãng lặng tuyệt vời đời ban cho tớ.
Đám cưới Đồng Sa Nọi-Sùng Thị Đào to nhất ở Tân Cương. Trần Bính mời tất cả các chiến hữu thời Mộc Hạ, Vân Hồ còn liên lạc được. Chỉ huy trưởng ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang còn kéo thêm được một số chiến hữu đang công tác tại khu và tỉnh. ở nông trờng, có mặt tất cả ban giám đốc và các đội trưởng. Còn tại Tân Cương, nam phụ lão ấu chẳng thiếu một ai. Cả nông trường, cả vùng chưa có đám cưới nào đông vui, long trọng bằng.
Chú thích:
[1] Tiếng Mông là mẹ
[2] Tiếng TháI là mẹ
[3] Khăn phủ thõng trớc váy, đặc trng của phụ nữ Mông.