Trang 10
Tác giả: Đinh Tiến Luyện
Sửa xong chiếc xe đạp là An nhảy lên đi tìm bạn bè khoe liền. Tiếng chuông xe “kính coong” ré lên inh ỏi. Cả nhóm của An sau đó tụ tập đầy đủ, từ Mực Tím cho tới Cỏ May, Dòng Sông, Thành Phố đều vui mừng như chính mình có... chân mới.
- Tao đề nghị mở cuộc đua.
- Cúp gì, mày?
- Cúp... bò viên, nước mía. Hai đứa về trước sẽ được những đứa còn lại bao khỏi trả tiền. Ðồng ý không?
- Ðồng ý liền tù tì. Phần thắng chắc chắn về tao rồi.
- Dẹp mày đi, chỉ ngán cặp giò dài của nhỏ An thôi. Xe nó lại mới nữa.
- Ba lần té: Một lần xô thúng hột vịt lộn, một lần chụp rỗ bánh tráng, một lần vồ gánh bún riêu. Tao chấp nó luôn.
- Chấp luôn cả mày nữa. Ta sẽ chơi “soọc” để đạp cho thoải mái như cua-rơ thứ thiệt.
- Rồi, y phục tự chọn. Ðiểm xuất phát tại đây, còn điểm đến ở đâu?
Cổng sau trường mình chứ còn đâu nữa, ở đó thiếu gì thứ “cúp”, ngoài “cúp” chính bò viên, nước mía ra còn gỏi cuốn, bột chiên, nhãn nhục... - Thôi.
- Thôi cái gì?
- Tả cảnh sơ sơ đủ rồi, tả kỹ tao ham thắng mày phải trả tiền, ráng chịu.
- Nói mãi hao sức. Khởi hành đi quý vị. Nhưng còn lộ trình?
- Lại còn lộ trình nữa à? Ðề nghị lộ trình tự chọn.
- Ðúng rồi, từ đây tới đó ai muốn đi đường nào thì đi, miễn là tới đích.
Cuộc đua khá hấp dẫn. Không có phát súng chỉ thiên ở điểm xuất phát nhưng hầu hết các tay đua nghiệp dư đều ào lên một lượt ngay khi rời con hẻm, náo động cả một khúc đường. Cảnh sát giao thông không thèm chấp xe đạp hay đã đánh rơi đâu mất hoặc để quên... còi ở nhà. Có kẻ bạo đã vượt đèn đỏ. Kẻ khác lanh trí đổi hướng. Những kẽ còng lại tìm cách vẽ trong đầu những đoạn đường thẳng ngắn nhất, ít xe cộ hoặc tránh được những ngã tư lớn khó vượt hầu có thể đến điểm hẹn trước nhất. Chỉ thoáng chốc là các tay đua đã lạc nhau và hòa vào dòng xe cộ từ khắp hướng đổ về cổng trường.
Sau đó không biết ai đã tới đích trước bởi có sự tranh chấp khá sôi nỗi vì không có trọng tài. Chỉ biết chắc chắn kẻ thắng cuộc là lão bò viên, bà nước mía và một loạt những giải khuyến khíc tiếp theo mà các tay đua chẳng ai phản đối, lại còn hoan hỉ chấp thuận.
Thiệt vui một buổi chiều, An về tới nhà lưng áo vẫn chưa khô. Chị Kim có mặt ở cổng với cái “hứ” dằn mạnh:
- Dạo này giỏi lắm rồi đấy nghen, An.
- Chẳng giỏi gì đâu chị Kim ơi, tà tà trung bình là được rồi.
- Mẹ bảo cô đi chơi búa xua, chẳng thấy học hành gì cả. Lại hay yêu sách này nọ, sửa xe, may quần áo mới, đòi mua sắm đủ thứ...
An lẳng lặng dắt xe vào. Chị Kim nắm tay giữ lại:
- Cô mới quen con bé nào tên Hoàng Ly phải không?
An reo lên:
- Nó tới đây tìm em hả?
- Phải, nó tới rủ cô đi khiêu vũ đấy.
- Trời đất.
- Các cô dạo này tiến bộ hơn tôi tưởng, mới nứt mắt ra đã bày đặt này nọ. Mốt miếc lung tung, bạn bè linh tinh khiến tôi đến chóng cả mặt.
Bà chị mình hôm nay trúng thương rồi, An lầm bầm. Tốt hơn hết là chẳng đối đầu cũng chẳng đối thoại mới mong dập tắt được sự rên rỉ nhiếc móc răn đe này. Mình muốn tìm hiểu bà chị mà bà chỉ chẳng muốn tìm hiểu mình nên lâu nay đã có âm ỉ mầm mống chiến tranh lạnh. Lạnh quá rồi cũng có lúc phải bốc khói thôi. Ðó là điều dễ hiểu.
Ðể nguyên quần áo vậy, An chui vào phòng tắm và mở vòi nước hết cỡ. Nước bao giờ cũng là sự vỗ về êm dịu nhất, kỳ diệu nhất. Nước rũ sạch bụi, trôi hết mệt mỏi. Nước khiến ta tươi ra và cảm nhận được tất cả dưới da thịt mình những mầm sinh như muốn trỗi dậy từng ngày, từng giờ. Lạ lùng biết bao những giọt nước, hình như chỉ có chúng mới hiểumình đang lớn lên, bằng sự thân thiết, thăm hỏi từng nơi chốn trên thân mình. Bờ vai này, đôi chân này... mới hôm qua thôi đã không phải là ngày hôm nay và chắc chắn sẽ khác hẳn trong một ngày sắp tới. An đứng yên vậy, dưới vòi sen lâu lắm. Cô bé muốn ngắm mình trong gương một tí, nhưng chiếc gương trong phòng tắm đã đục, xoa tay mãi cũng chẳng sáng hơn được chút nào. Cũ rồi. Bà Kim cũng cũ rồi. Sống là phải vươn vai, trỗi dậy và thay dần vào những phần mới chứ. An sốt ruột muốn thấy những cái mới, dù chưa hình dung ra được phần nào. An nhớ tới Hoàng Ly. Ừa, hắn này cũng có nhiều cái mới thụ vị lắm đây. Ðời sống là phải có nhiều khung cửa sổ, mở ra tứ phía để biết nhiều tiết trời thay đổi chứ, mãi với đám bạn trong lớp vui thì vui thiệt đấy nhưng vẫn thấy chưa đủ.
Nghĩ là làm liền. Kể ra có chiếc xe đạp cũng tiện, nó nối chân mình được dài hơn một chút để muốn đi đâu khỏi nhờ nhắn hay đợi bạn đến, hoàn toàn chủ động đôi chân mình. Ngay buổi chiều hôm sau An dò lại địa chỉ của Hoàn Ly và đạp xe đi liền.
Nhà Hoàng Ly trong hẻm, nhưng cũng không khó kiếm lắm, nhất là khi An vừa tới thì cũng đụng ngay Hoàng Ly đang dắt xe ra.
- Ly tính đi bây giờ?
- Ði tới nhà bồ nữa nè. Chiều qua bồ đi đâu vậy?
- Ði chơi lăng quăng với đám bạn trong lớp.
- Vui không?
- Ðua xe đạp để chén no một bụng rồi về.
- Hí hí, bồ còn trẻ con quá. Hôm qua mình tới tính rủ bồ đi khiêu vũ đấy. Chương trình cuối tuần ở nhà văn hóa Thanh Niên vui lắm. Bồ chưa tới đó bao giờ à?
- Chưa. Mình đâu đã là thanh niên.
Hoàng Ly cười nghiêng ngả:
- Bồ thiệt ngây ngô. Nè, bồ lớn rồi. Xem, bồ còn cao hơn cả tui nữa đó.
Nói rồi Hoàng Ly kéo An vào nhà, ấn xuống ghế bảo ngồi đợi. Lát sau cô ta trở ra với bộ cánh mới thay. Chiếc áo rộng màu đọt chuối xanh dội như phát sáng với chiếc quần soọc hết cỡ mốt.
- Bồ xem tui được chứ?
An gật đầu bừa. Vì nếu phải nói thì cũng có điều hơi tiếc: Giá Hoàng Ly... dài hơn một tí và nước da đỡ bánh mật hơn một tí.
- Bồ biết sao tui phải thay đồ không? Hồi nãy tính rủ bồ đi bơi, bây giờ có bồ đến tui lại tính khác. Mình qua nhà nhỏ Hằng chơi.
- Nhưng An đâu quen.
- Chưa rồi quen mấy hồi. Nè, nhỏ Hằng có mấy ông anh vui lắm bồ ơi.
An lặng thinh, sợ lên tiếng nữa bạn cười mình trẻ con kỳ chết. Theo bạn đi mà An cứ thấy mình lạ làm sao ấy, Hoàng Ly vẫn lia lia cái miệng:
- Mấy ông anh nhỏ Hằng không ưa gì mình, bọn họ gọi mình là “con chuột chũi” còn mình gọi chúng là “Tam ca ba con Bù tọt”.
- Họ chơi ban nhạc à?
- Nghề ngỗng gì mình đâu biết. Tại vì có lần tới thấy mây tay ấy đang rống nhạc rock thảm thiết quá, mình đặt đại cho họ vậy. Bồ thích nghe nhạc gì hở An?
- Chung chung thôi, chẳng thích lắm.
- Còn mình thích “quậy” Lambada, nó thiệt hợp.
Cả hai dừng lại trước một ngôi nhà hơi thụt sâu khuất sau dãy rào quấn đầy dây leo hao vũ nữ. Nút chuông cửa hơi cao, ngoai tầm tay trẻ nhỏ, Hoàng Ly phải kiễng chân lên mới tới. Tiếng chuông reo vọng từ trong nhà, lát sau có cái đầu tóc bờm xờm ló ra:
- Lại cô chuột chũi đấy à?
- Thôi nha, vùng Vịnh bữa nay cũng hưu chiến rồi nha.
- Rất tiếc, nhỏ Hằng mới đi khỏi.
Hoàng Ly ủi xe đẩy cánh cổng ra:
- Thì tới chơi với anh nhỏ Hằng được không?
- Ờ ờ... cái anh chàng bờm xờm vội sửa lại quần áo khi nhắc thấy An phía sau. Ðược chứ, mời các bạn vào chơi. Ðể anh dắt xe cho nào.
- Thôi, cám ơn, Hoàng Ly ngúng nguẩy, dắt xe cho bạn của Ly kia kìa.
Tay ông con trai đỡ ngay lấy ghi đông xe của An. Không cần đợi khách có bằng lòng hay không, lôi tuột vào nhà.
- Bạn Ly trông xinh đấy chứ, hắn ta nói vào tai Ly, giới thiệu đi nào.
- Ðừng tươm tướp cái miệng như vậy. Ly nguýt dài, khó coi lắm. Còn các ông “bù tọt” kia đâu rồi?
- Ði vắng tuốt. Ơ, nhưng mà hưu chiến rồi đấy nhé.
- Tạm thời.
Người con trai xun xoe trước An.
- Tôi tên Long, rất hân hạnh được làm quen.
Hắn đưa bàn tay ra chờ đợi, nhưng chưa có thói quen ấy, An cúi xuống vờ như không. Mà thực sự cô bé bối rối hết mức.
Ly đập mạnh xuống bàn tay Long, đánh thức hắn:
- Thôi đi, ông thiếu ga-lăng quá. Mời người ta vào nhà uống nước đã nào.
- Xin mời, xin mời.
An theo Ly vào nhà. Nơi ở của mấy người con trai mới bừa bộn làm sao. Ðây đó quần áo lẫn với sách báo, đâu đâu cũng có tàn thuốc vung vãi và một cái gì đó phải nhặt lên, xếp lại. Trên tường đầy rẫy hình những người đẹp chen lấn cùng các hình cầu thủ bóng đá và các tay đua motor đủ kích cỡ, đủ kiểu nghiêng ngả. Có tấm hình An ngượng nhất chỉ dám liếc qua.
- Các bạn nghe một bản trong “Top” mới nhất nhé.
- Thôi tụi này muốn nghe Long hát.
- Nhưng mình hát dở lắm.
- Hát hay không bằng hay hát.
- Thôi được. Long ôm cây ghi-ta trong lòng và đưa mắt nhìn An cười nụ nhỏ:
- Thú thực tôi hát dở lắm nhưng bữa nay cũng xin phép được hát tặng người bạn mới một lần.
- Ai đã là bạn với anh. Hoàng Ly nguýt dài, phải được phép tui đã.
- Thôi mờ, người đẹp, hòa bình đã lập lại rồi.
- Ðược. Hát đi.
- Tôi xin hát tặng người bạn mới của chúng ta bản “Lovely Something”. Long hát, tiếng nhừa nhựa nửa tỉnh nửa như buồn ngủ. Rồi quằn quại, lắc lư, chau mày, nhíu mắt. Khi rống lên, khi chỉ còn là một hơi thở. Không phải nghe hát mà là xem hát đúng hơn. An có hiểu Long hát gì đâu, có thể cả Hoàng Ly và ngay cả người biểu diễn cũng vậy, lời bài ca xa lạ như rơi từ một cõi nào. Nhưng cả Long lẫn Hoàng Ly đều muốn kéo An đắm chìm vào những chùm âm thanh rắc rối ấy.
Bài ca dứt bằng một chuỗi hợp âm nghịch, Ly vỗ tay tán tụng như si mê.
- Tuyệt, tuyệt.
Long rít một hơi thuốc lá, nhìn An:
- Còn An thấy thế nào?
Tính phát ngôn một câu gì đó như thực mình nghĩ nhưng An lại mỉm cười lí nhí:
- Cám ơn anh Long.
Ơi lời cám ơn mới ngọt ngào làm sao! Từ thưở còn nằm nôi đến giờ tôi mới được người ta xoa đầu một lần. Các điệu bộ của Long trông thật tức cười. Không biết con bù lẹt thế nào nhưng An thấy Long giống y chang, hay ít ra cũng có họ hàng xa gần gì với những “người anh em” trong sở thú. Một cảm giác lẫn lộn vừa “sờ sợ” vừa “thinh thích” khi Long xum xoe và cứ muốn xáp tới gần An.
- Thôi à nha, Hoàng Ly búng tay “tách tách” và nhún nhảy theo điệu nhạc vừa phát ra trong máy, giọng nhai chewing-gum như dính vào nhau từng chùm tiếng, qua mặt cũng phải lịch sự biết bóp còi à nha.
- Bữa nay trông Hoàng Ly sáng quá.
- Cám ơn.
- Hoàng Ly nhảy đẹp lắm, bữa nào mời Hoàng Ly đi với mình nghe.
- Không tới lượt bạn đâu.
An nghe trong lối nói chuyện của họ có vẻ gì hời hợt không thật. Trên về An nói với Hoàng Ly rằng mình không hợp với họ. Hoàng Ly cười ngất:
- Bồ tưởng bồ còn bé lắm chứ gì? Tay Long hắn mết bồ rồi đó. Tiến tới đi bác tài, anh em nhà họ bảnh lắm, đừng có làm bộ chê. Nhớ cho mình gởi lời hỏi thăm Quân nghen, tui thấy ông em họ của bồ thực dễ thương.
Về tới nhà rồi An vẫn còn thấy mình “là lạ” làm sao ấy. Hoàng Ly cứ nhắc mãi rằng mình đã lớn. Phải hỏi anh Thức coi, cái con bé mười lăm tuổi rưỡi này đã lớn chưa nhỉ?