Trang 4
Tác giả: Đinh Tiến Luyện
- Yêu cầu ngồi yên cho ta làm việc.
- Có chuyện chi mà khám cặp người khác bất hợp pháp thế ?
- Suốt giờ học ta để ý nhỏ cứ cúi xuống nhóp nhép cái gì trong miệng.
- Nhóp nhé cái gì à ? Ðể cho bộ trưởng bộ ăn uống làm việc.
- Nhân danh hội trưởng hội bảo vệ những người ăn quà vặt, ta phản đối.
- Yên nào. Phản đối thì phản đối cũng phải có hệ thống. Á à, nguyên một hộp chocolate to thế này ăn một mình không đau bụng thì mụn cũng phun đầy mặt.
- “Ka Xê Ét” kiểm nghiệm thực phẩm, có ta đây.
- Ngọt, bùi, béo, ngậy... được lắm, ăn không chết người.
- Toàn thể hội đồng kiểm phẩm mới có giá trị.
Chỉ một loáng là hộp chocolate đã vơi quá nửa. An giữa vòng bạn bè la oai oái:
- Việc chi phải dữ tợn, mỗi đứa chỉ nếm thử thôi, không hết phần đâu mà sợ.
- Hết cũng được. - An vùng vằng, nhưng đừng làm nát cái hộp của người ta.
Bạn bè reo lên thích thú và chuyền tay nhau cho đến khi hết nhẵn hộp kẹo. Kẹo không bảo vệ lo bảo vệ cái hộp. Ừa, mà cái hộp đẹp thiệt, một bông hồng đỏ chót đặt trên một vuông khăn ca rô in rõ từng sợi vải.
An khoe ở nhà mình còn “sưu tập” một bộ giấy bọc kẹo đủ loại, đẹp tuyệt vời.
- Tất cả đều là chocolate ?
- Dĩ nhiên.
Cúc Phương reo to như một khám phá :
- Ðúng hắn rồi, các bạn ơi !
- Ðúng cái gì ?
- Chim tải cúc hay hót. Con An nó là con chim tải cúc hay hót. Các bạn nhớ phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ chứ ? Tất cả bắt đầu bằng chocolate. Chocolate hàng tháng, chocolate hàng tuần. Ðều đặn mỗi lần thăm viếng đều có chocolate.
- Ai thăm viếng ai ?
- Dĩ nhiên phải có một Kamêran nào đó.
- Có phải “bạn của gia đình” hôm bữa sinh nhật nó không ?
Những đôi mắt tròn ngơ ngác, lạ lùng nhìn An rồi nhìn nhau. Y như bầy nai chợt nhận ra mình lạc trong một khu rừng lạ.
An phá lên cười:
- Lầm rồi các nhỏ ơi! Các nhỏ xem phim nhiều bị nhiễm... phóng xạ yêu. Làm gì có con chim tải cúc nào ở xứ không có bóng thánh Ala này. Anh Thức là người đang đeo đuổi chị tao.
- Còn những thanh chocolate ?
- Tao chỉ... ăn dùm chị tao thôi.
- Tuyệt quá, nhỏ có ông anh tuyệt quá. Thế mà bấy lâu nay nhỏ giếm chocolate ăn một mình tệ quá.
Một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng đuợc thực hiện :
- Ông ấy bao nhiêu tuổi vậy ?
- Thắc mắc chi, đàn ông con trai khó đoán tuổi lắm. Cỡ chừng tuổi tao cộng tuổi mày cộng tuổi con rùa con thỏ rồi đem chia đôi.
- Kể như huề.
- Sao ông ấy không để râu hở mày ?
- Lại còn chuyện vớ vẩn ấy nữa. Bộ ai cũng phải là... kiến chắc.
- Ði xe gì , một cái Dream nho hay một bốn bánh đời mới ?
- Một cái vespa cà tàng, mỗi lần đạp phải ngoáy mũi.
- Nghề nghiệp mới quan trọng. Xí nghiệp bánh kẹo hay nước tương, xì dầu ?
- Một trung tâm quảng cáo gì đó, đại loại như vậy. Tao không rõ.
- Ðúng rồi. Trung tâm dịch vụ quảng cáo báo chí, truyền thanh, truyền hình, panô, bao bì, mẫu mã...
- Sao mày rành quá vậy ?
- Ðơn giản là tao đã đọc được tấm danh thiếp trong cặp mày. Nguyễn Trọng Thức, điện thoại số...
- Xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Quá lắm rồi Thanh ạ, chưa tới tay chị tao mà đã tới tay mày.
- Ðến bao giờ chị mày đám cưới ?
- Làm sao biết được. Chắc còn gay go lắm.
- Càng gay go quyết liệt càng tốt.
- Sao vậy ?
- Mày sẽ có chocolate ăn dài dài và lẽ nào không nhớ tụi tao.
Buổi trưa học về, An đợi chị để trao lại tấm danh thiếp hồi sáng đi học gặp anh Thức nhờ đưa. Nhưng chị Kim không về. Thỉnh thoảng chị vẫn nghỉ trưa tại nơi làm việc. Hoặc vì bận quá hoặc có một phim nào đuọc nhắc tên nhiều lần. Năm ngoái hai chị em còn hay đi coi phim chung và thỉnh thoảng đi phố, đi chơi chung. Nhưng từ khi chị đi làm, hai chị em chỉ còn chung phòng và chung những chuyện nhì nhằng chị em vào buổi tối trước khi đi ngủ. Không phải tình chị em không còn được như xưa. Chỉ tại công việc. Có lẽ cả vì mỗi người đã có một môi truòng riêng biệt với bạn bè riêng biệt.
Ðặt tấm danh thiếp lên bàn phấn của chị rồi, nghĩ sao An lại nhặt lên, ghi lại số điện thoại của anh Thức in trong ấy.
Nghề của anh Thức chả lấy gì làm “ngon” cả. Sao lại không là cái gì có thể ăn được như bánh kẹo, mì ăn liền hoặc nước ngọt, nướt tương, xì dầu, cũng còn dễ thân thiện với “đức tính” của mình. An bật cười. Mỗi thời mỗi nơi sinh ra lắm nghề phục vụ quanh co, rườm rà xa thực thế... bao tử. An nghĩ khi gặp anh Thức sẽ “gây sự” với anh như vậy, để nghe anh “trổ nghề quảng cáo nghề” của anh ra sao.
Buổi chiều rãnh rỗi, tự dưng An nảy ra ý định gọi tới nơi làm việc của anh Thức. Thế là cô bé tìm đến phòng điện thoại công cộng ở góc đường gần nhà.
- Trung tâm dịnh vụ, tôi nghe đây.
- Xin cho tôi gặp anh Thức.
- Thức hả, ảnh mới đi khỏi rồi. Người đẹp cần chi để tôi nhắn lại.
- Tôi không phải là người đẹp và tôi cũng chẳng cần nhắn lại điều gì.
- Xin lỗi, đối với trung tâm chúng tôi ai cũng đẹp cả. Cô cho chúng tôi số điện thoại hoặc địa chỉ, chúng tôi sẽ phái nhân viên tới phục vụ tận nhà.
- Rất tiếc. Nhà tôi xa lắm.
- Chúng tôi có xe riêng, nơi đâu chúng tôi cũng có thể tới được trong ngày. Xin cô cứ cho biết.
- Ðã bảo rằng xa lắm, các ông không tới được đâu.
- Xin cô cứ cho biết để chúng tôi định liệu.
- Mặt trăng.
- Haha, mặt trăng. Tưởng đâu xa chứ, nơi ấy cũng có con người đặt chân đến rồi.
- Ðó là địa chỉ tạm trú. Thực sự nhà tôi ở Sao Kim cơ.
Cúp máy. An trả tiền điện thoại và bước nhanh ra đuờng như chạy trốn, như sợ cái điện thoại có thể đuổi theo và la lối om sòm. Ðúng là mình đã giao thiệp với một địa chỉ dịch vụ. An mỉm cười một mình và nếu là nghề đầu tư bằng... nước bọt thì cái anh chàng nào đó đã lỗ vốn to.
Từ cư xá nơi An ở tới trường không xa lắm. Có một chị bạn học trên An ba lớp, thuòng hay đợi An chung đường đi. Thỉnh thoảng cả khi về, nếu An không kịp leo lên sau xe một đứa bạn, quá giang một đường ngắn, trước khi rẽ vào lối cư xá.
An với chị Hà đang vừa đi vừa chỉ trỏ, nhòm ngó (để có thể trộm) những cây những hoa sau hàng rào các nhà bên đường thì xịch một cái, chiếc xe vespa của anh Thức đậu ngay trước mắt. Không cần một lời từ giã bạn đường, An nhào tới ngồi sau xe anh Thức tỉnh bơ. Anh Thức cũng không cần quay lại, sang số xe lao đi.
- Anh đi đâu vậy, Anh Thức ?
- Về sao Kim.
An đấm vào lưng anh Thức liên tục :
- Cái trung tâm... khỉ gió nhà anh chỉ hay rà tần số mò.
- Vậy mà trúng phóc.
- Không phải An đâu, chị Kim gọi cho anh đấy.
Thức cười với cái cười ngây ngô đôi khi của một cô bé. Chỉ cần nghe kể sơ lại cuộc đối thoại, Thức cũng đoán ngay ra được ai gọi cho mình.
- Chuyện chi vậy bé ?
- Không có chuyện chi cả. Chỉ tính kiểm tra mấy con số và phá anh chơi.
- Bé đã đưa tấm danh thiếp cho chị Kim ?
- Chị ấy xé bỏ sọt rác rồi.
- Tàn nhẫn thế ư ?
- Xé bỏ sọt rác rồi chị lấy lại nhặt lên, cẩn thận gắn lại rồi ép vào tim.
- Nếu bé được tuyển vào ngành của anh có ngày sẽ giữ tới chức siêu giám đốc chứ không phải chơi.
- Thế hở ? Anh thích thú thật tình, bộ trung tâm của anh chuyên nói dóc hở ?
Thức chân thành buông một tiếng thở dài thậm thượt, hệt như cái xe đang đi ngon trớn xì hết hơi.
Tốt hơn hết là cắt ngang. Dừng lại.
- Sao Kim đâu mà lạc lối này ?
- Quay trái, mở lớn mắt ra.
An nhảy xuống xe, reo lên:
- Ồ, người yêu không thể thiếu của An, đã lâu vắng bóng ở góc đường, thì ra trốn nơi đây.
An đến bên xe sữa đậu nành để nhận nụ cười quen thuộc. Ông già không cần đợi gọi, tự động xúc đường bỏ vào ly rồi hòa với những muỗng sữa nóng, kèm theo một miếng bánh bông lan xắt góc đặt trên đĩa cẩn thận.
Uống được một hớp rồi quay lại, An thấy anh Thức vẫn còn ngồi đấy, trên xe.
- Ỷ là người lớn rồi không uống sữa hở.
Thức nhẹ nhàng gỡ cặp kính xuống, cười cười:
- Anh chẳng háu ăn tí nào.
- Ðể thực hiện lời chúc sinh nhật của anh Thức, em sẽ uống thêm ba ly nữa.
Chiếc cặp để lại, tay cầm ly, tay bưng đĩa bánh, An để xuống trên yên xe làm cái bàn. Rồi cô bé trở lại xe sữa đậu nành lấy thêm một khẩu phần khác.
- Bao giờ lớp em tổ chức picnic, anh Thức đi chung nhé ?
- Bé tính dắt cáo vào chuồng bồ câu à ?
- Ai cáo ai bồ câu chưa biết à nha.
An cười trên mép ly. Học trò con gái trên hai đứa hợp lại thành một đạo quân, thầy giáo em nói rồi đấy. Anh Thức bảo, điều này đáng ghi vào sổ tay giáo dục.
- Bé uống tiếp hai ly còn lại đi chứ.
- Còn ngày mai, ngày mốt và ngày kia nữa, chỉ sợ không có ai để trả tiền cho em thôi.
Giá mỗi ngày anh Thức cứ nhớ chở em về học thế này thì... tiện biết mấy.
- Anh cho An xuống ngoài này rồi đi bộ vào cư xá cũng được.
Anh Thức ngừng xe trước cổng vào cư xá, còn đứng lại nhìn theo nếp áo trắng học trò, cho đến khi khuất vào những bờ cây thấp. Cả mái tóc ngắn của An, cũng như một ngọn gió thoảng.
Ừ nhỉ, Thức nghĩ, vẫn quên hỏi cô bé xem đã tìm ra tên của loài hoa trắng ấy chưa.