Chương 6
Tác giả: Đỗ Đỗ
Phú ngồi chồm hổm bên cạnh Hoa nhìn những ngón tay thon dài của cô thoăn thoắt đưa từng sợi nan tre vào nếp, chẳng mấy chốc chiếc sọt trên tay cô đã thành hình, anh tấm tắc khen:
– Xem bộ Hoa rành nghề rồi hén.
Hoa lúng liếng ánh mắt cười:
– Nhờ thầy giỏi đó thôi.
Phú gãi đầu bẽn lẽn:
– Thầy cô cái gì, Hoa nói làm tui ngượng bằng chết, tui mà làm thầy ai.
– Làm thầy Hoa nè.
– Hổng dám đâu, Hoa vầy mà làm học trò tôi sao?
Hoa trêu Phú:
– Hoa không xứng hả?
– Hổng phải, mà là tui hổng xứng thì có, Hoa vừa đẹp vừa thông minh, ai lại nhận ông thầy cục mịch dốt nát như tui.
– Anh đừng có khiêm nhường, Hoa học ở anh nhiều điều hay lắm, vã lại không nhờ anh Hoa đâu có được ngày nay chắc giờ này Hoa ... đầu thai kiếp khác rồi.
– Chuyện đó, ai gặp cũng làm như tui thôi, nè, đừng có nhắc lại nữa, đan xong mấy cái sọt này rồi tui đưa Hoa đi chợ, ở nhà miết cũng buồn.
– Không có buồn, Hoa không đi đâu.
– Sao vậy?
– Hoa không thích thì không đi.
– Ở đây cô nào cũng thích được ra chợ xem cái vải cái vòng còn Hoa thì không, Hoa,thiệt khác người ta.
– Vậy Phú có ghét Hoa không?
– Không có.
– Vậy là được rồi.
– Hoa không đi thì thôi để tui mua quà về cho Hoa.
– Đừng có mua tốn tiền lắm để tiền mua gạo kẻo mẹ Phú la đó.
– Mẹ đâu có biết mà la, hay là Hoa chê quà tui?
– Đâu có.
– Chậc! Cỡ tui giàu một chút thì hay biết mấy, muốn mua cái gì cho Hoa cũng được, ba tui hồi xưa cũng khổ lắm đi chạy xe mướn cho người ta rồi bị tai nạn chết, tui muốn học lái xe nhưng mẹ tui hổng chịu, mẹ sợ tui giống ba thành ra cứ phải đi làm mướn, vậy thì làm sao mà giàu cho được!
– Phú đừng có buồn, từ từ làm rồi cũng có, giàu nghèo cũng có cái số lo làm chi.
– Hoa nói cũng phải, mẹ tôi đặt cái tên Phú cho tui là cốt ý muốn cho sau này tui giàu sang, chỉ sợ không có số, làm hoài cũng vậy.
– Hoa thấy sống như vậy cũng hạnh Phúc rồi.
– Hoa nói thiệt chớ!
– Thiệt!
Mắt Phú ánh lên niềm vui, anh hỏi Hoa:
– Sống như vậy Hoa cũng chịu à?
– Ừ!
– Vậy là tui yên tâm rồi.
– Yên tâm cái gì?
Phú gãi đầu cười ngô nghê:
– Hổng nói được, để mai mốt tui nói sau.
Hoa liếc xéo Phú:
– Bí mật dữ hén, thôi để tui vô nấu cơm.
– Để tui nhóm bếp cho.
– Ờ!
Bà Sáu vừa đi bán về đến nhà thấy con trai và Hoa quấn quýt bên nhau trò chuyện thì bà đứng lại trìu mến nhìn cả hai, bà đặt mấy cái thau xuống gầm ván rồi mới ngồi nghỉ mệt.
– Má mới về hả má?
– Sao giờ này còn ở nhà?
– Dạ, hôm nay không có cây nên ông chủ cho nghỉ một buổi.
– Vậy à, có mấy con cá má chừa cho tụi bây kho ăn, đem ra sau làm đi.
– Dạ.
– Chợ hôm nay nhằm ngày chay nên bán chậm quá, hông thôi má về sớm rồi, Phú nè.
– Dạ.
– Má có mua cho con hai cái sơmi con mặc thử coi.
Phú xầm mặt càu nhàu:
– Đã hổng tiền má mua chi vậy?
– Cái thằng nói lạ, thì mua cho bây mặc chứ chi, hổng lẽ cứ ăn mặc lôi thôi giống vậy mãi sao, ai mà thèm dòm.
Bà nói rồi ý nhịn nhìn xuống nhà dưới nơi Hoa đang ngồi nấu cơm:
– Lớn rồi cũng phải tươm tất với người ta, con đó, cứ lôi thôi lếch thếch mãi làm sao mà lấy vợ.
Phú đỏ mặt ngượng ngùng:
– Vợ con cái gì hổng biết, má lộn xộn quá, con nghe đài báo nay mai này biển động, chắc là không có cá cho má bán nên con với Hoa chẻ lạt đan được một ít sọt với rổ cho má đem ra chợ bán.
– Biết lo rồi hả!
Bà tủm tỉm cười trêu con trai, Phú vô tình đáp:
– Hổng lo để má lo hoài hả, con cũng lớn rồi nay mai dành dụm được tiền con không cho má đi bán nữa, cực quá!
– Không cần, có tiền thì lo sửa lại cái nhà cho tươm tất rồi cưới dâu cho má nhờ.
Phú cau mày:
– Ai ưng con đâu mà suốt ngày má cứ dâu với rể.
– Sao con biết? Má hỏi thiệt con nghen con chịu con Hoa không, má cưới cho con.
– Ý trời? Không được đâu má.
– Sao vậy?
Bà phật ý cau mày:
– Má còn hỏi nữa, người ta như vậy lẽ nào lại chịu lấy con.
– Con thì sao? Con đâu có cùi đui sứt mẻ gì mà lo nó chê con.
– Thôi mà má, má đừng làm cho người ta sợ.
– Nó ở nhà mình cũng mấy năm rồi, má thấy con quyến luyến nó, mà nó thì cũng hiền lành chẳng biết đua đòi hơn thua với anh, má muốn kết hợp cho con, hổng lẽ con thương đứa khác?
– Đâu có.
– Hà hà! Thì ra là má đoán đúng, con thích con Hoa rồi phải không?
– Má!
– Được, để đó má lo, thôi đem hai cái áo bỏ thau má gặt cho ra hồ rồi mặc, ít bữa nữa con đưa nó ra chợ chơi đi, ở nhà riết cũng tội nghiệp.
– Dạ.
– Đi đi, biểu nó kho mấy con cá mà ăn, con nhỏ nó kho cá ngon phải biết, hổng phải như dân quê ở đây, nó dẻ duyên cho hành cho mỡ nêm nếm vừa miệng hết sức.
Phú mỉm cười sung sướng tựa như chính anh được mẹ khen, chứ không phải là Hoa, anh đem rổ cá ra sau cho Hoa:
– Ủa! Cá ở đâu tươi quá vậy anh?
– Cá má đem về đó, má biểu kho.
– Má đi bán về rồi à?
– Ờ! Để tui làm cho nghen.
– Thôi, để đó Hoa làm, đàn ông ai lại bắt làm cá.
– Đàn ông đàn bà gì! Hễ biết ăn thì phải biết làm, Hoa cứ giặt đồ đi, nè, cho tui gửi hai cái áo.
– Chà! Có áo mới nghen.
Phú ngượng ngùng vì thẹn:
– Là má mua, chứ tui có muốn mặc áo mới đâu, má chỉ giỏi dẻ duyên, đừng có chọc quê tui.
– Áo này, Phú mặc chắc đẹp lắm.
– Thiệt hả?
– Ừ, má cũng khéo chọn ghê, màu xanh này với sọc này trông rất hợp với Phú.
– Vậy hễ có đi đâu với Hoa thì tui mặc áo này nghen.
– Ừa!
– Vậy tới hôm đi chợ, Hoa đi với tui cho tui có dịp khoe áo mới đi.
– Hoa đã nói là Hoa không đi rồi.
– Một lần này thôi chợ lần này vui lắm đó, nghe nói có hàng trên tỉnh về nhiều lắm, đi đi mà?
– Phú giống như con đỉa quá, dai ghê nơi.
– Vậy mà Hoa có chịu đi đâu.
Hoa nhìn vẻ mặt ỉu xìu của Phú thì chạnh lòng, cô còn đang luỡng lự thì Phú lại nài nỉ:
– Nghen, đi đi! Hồi nào tới giờ Hoa chỉ đi với Phú có một lần rồi thôi, bộ Hoa chê Phú nhà quê hả?
– Làm gì có! Thôi được rồi, Hoa đi.
Lời đồng ý của Hoa khiến cho Phú vui như đứa trẻ, anh reo lên mừng rỡ.
Mấy ngày sau Phú vuốt chiếc áo mới rồi nôn nóng chờ Hoa trước cổng, chiếe xe thồ cũ kỹ là phương tiện cho cả hai trên suốt con đường đến chợ, đi được một chút thì nó lại tuột xích, nhưng Phú vẫn hồ hởi không một chút mệt mỏi.
– Xuống đi bộ đi anh, đường dốc quá, lại khó đi.
– Không sao, Hoa cứ ngồi yên đi.
Hoa nhăn mặt:
– Hoa đã bảo ngừng xe mà.
– Ừ, thì ngừng.
Phú không dám làm cho Hoa phật ý, cả hai cùng sóng vai bên nhau. Hoa bật cười nhìn vẻ mặt nhếch nhác đầy mồ hôi của Phú, cô đưa cho Phú cái khăn rồi nói:
– Lau mặt đi, gớm trông anh ghê quá, thế mà nói không mệt.
– Anh không mệt thật mà.
– Hứ, chỉ nói dối, may là hai chỉ đi chơi chứ không mua bán như người ta.
– Sao lại không mua bán, cả gánh rổ với sọt tre, hôm nay anh và Hoa không bán hết thì chết.
– Không cần lo, má anh đã dặn đem bỏ cho bà Tư Lai đầu chợ lỗi, chúng ta đi nhanh rồi về đón bác nữa.
– Má anh đâu có dặn đón.
Phú thật thà nói khiến cho Hoa nhăn mặt lườm anh:
– Không dặn thì cũng phải đón, đã ra đến chợ mà không đón bác cùng về coi sao được, anh đúng là bất hiếu.
– Ơ!
– Không phải sao?
– Ừ, thì Hoa nói gì lại không đúng.
Đi được thêm một đoạn thì Phú thấy Hoa có vẻ khác thường, đang vui vẻ trò chuyện thì mặt của cô chợt xanh tái xám lại, anh hốt hoảng kêu lên:
– Hoa có sao không?
Hoa ôm đầu ngồi bệch xuống vệ đường:
– Hoa đau đầu quá!
– Chết rồi, chắc là đi bộ lâu quá nên mệt chứ gì, lên xe Phú đẩy đi.
– Không cần, để Hoa ngồi một lát.
Phú dựng xe rồi cởi áo cho Hoa. Con đường vừa nắng vừa trống trải chẳng có một bóng cây, cơn đau làm cho Hoa như nghẹt thở. Những lúc gần đây cô thường hay đau như thế này, mỗi lần như thế thì trong ký ức của cô lại hiện ra nhiều hình ảnh lạ lùng, cô cố chịu đựng không bật ra tiếng rên vì sợ làm cho Phú lo lắng:
– Hoa không sao chứ?
– Không sao!
– Mồ hôi ra ướt người rồi hay là để anh đưa em về.
– Nhưng còn hàng?
– Mặc kệ, không bán được hôm nay thì mai bán, mình về thôi.
Bà lật đật vào nhà, bà lớn tiếng hối con trai:
– Con Hoa nó sao rồi, nó lại đau đầu à?
– Dạ.
– Chậc? Sao mà cứ bệnh đó miết vậy kìa, cho nó uống thuốc chưa?
– Dạ rồi.
– May là còn thuốc, hay là con đưa nó ra bệnh viện khám đi để vậy hoài lỡ có chuyện gì xảy ra thì khổ.
– Dạ, để sáng mai con đưa cô ấy ra huyện khám.
– Ờ! Má nghe bạn hàng nói cho hay, họ thấy tụi con quay về không ra chợ nữa, làm má lo gần chết.
Hoa ái ngại lên tiếng:
– Con không sao, con thật có lỗi để bác lo.
– Chậc, lỗi phải gì, bệnh nó tới ai mà ngăn nó được, thôi nằm nghi để bác nấu cho miếng cháo cá.
– Dạ thôi bác à, con đỡ lắm rồi, để con đặt nồi cơm ...
Bà không để cho Hoa nói dứt câu, bà đã gạt ngang:
– Đặt cơm cái gì, để bác làm cho, Phú à, con vô chẻ cho má mớ củi đi con.
– Dạ.
Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng lại đầy tràn tình người, Hoa ngã lưng xuống tấm ván, cô lại thấy cơn đau trỗi dậy như có ai đó đóng đinh vào đầu cô. “Cô im đi, cút ra khỏi nhà tôi đồ phản trắc! Đồ hư hỏng! Cút đi!”. Tiếng quát hung hăng ấy cứ xoáy vào óc cô, thật là khó chịu, thật là ghê sợ, cô ôm chặt đầu như muốn ngăn nó lại. “Tại sao vậy, tại sao vậy? Tại sao tôi lại trở nên như thế này? Chính cô, chính vì cô cô nghe không?” Hoa khẽ rên lên ánh mắt dữ tợn của người đàn ông ấy cứ luôn hiện về trong mỗi cơn đau của cô, ánh mắt đầy tràn nỗi căm hận hằn học, ánh mắt cay nghiệt dữ tợn, nó ám ảnh cô và làm cho cô sợ hãi khôn cùng!
– Hoa, Hoa! Em không sao chứ?
Hoa cắn răng gắng gượng trả lời Phú bằng cái lắc đầu mệt mỏi:
– Hay để anh đưa em đi viện.
– Đừng!
Bà Sáu lau mồ hôi cho Hoa rồi lo lắng nhìn trời:
– Không biết nó có chịu nỗi đến sáng hay không nữa, coi bộ nó đau hơn mấy kỳ trước rồi.
Phú nhìn mẹ sợ hãi:
– Chắc không sao đâu, má đừng nói gỡ.
– Ờ, Má nói tầm bậy quá! Tội nghiệp nó, lỡ có chuyện gì thì biết ai đâu mà báo!
– Má, đã nói má đừng có nói lung tung mà.
– Ờ! Lại nói lung tung rồi.
– Má đi nghỉ đi để con coi cho.
Bà đứng lên nhường chỗ cho Phú cứ tưởng nó yên lành thì coi như bà bắt được đứa con dâu từ trên trời rơi xuống nào ngờ ... ứ hự! Bà thở dài não nùng, mấy năm nay bà đã bảo bọc nó cũng vì lòng thương người, mà cũng vì thấy nó ngồ ngộ. Mặc dù hai mẹ con bà không giàu có gì nhưng cũng có bữa cơm bữa rau cho nó qua ngày, nó ở với bà đã gần ba năm, tánh nết hiền lành ngoan ngoãn, riết rồi bà cũng coi nó như con gái của mình.
Thời gian qua nhanh thật! Bà Sáu têm miếng trầu nhai cho qua cơn buồn ngủ, bà nhìn vào phía Hoa nằm thấy Phú còn ngồi canh cho Hoa thì khẽ thở dài:
– Coi bộ thằng Phú cũng thích nó lắm. Tội nghiệp cho con trai bà, nghèo quá nên không dám nghĩ đến chuyện cặp bạn cặp bè huống chi là cưới vợ.
– Phú à!
– Dạ.
– Hay là con đi ngủ đi, để má coi nó cho, chắc nó cũng êm rồi.
– Dạ, má cứ để con thức canh một lúc nữa coi sao, má đi ngủ đi.
– Thôi, ra má biểu:
– Dạ.
– Ngồi xuống đi, má hỏi thiệt con ưng con Hoa không, qua hết cơn bệnh này má cưới nó cho con.
– Má!
– Má cái gì, nó ở nhà mình cũng mấy năm rồi, coi như người trong nhà, bất qúa má làm mâm cơm cúng ba con rồi cho tụi bây nên vợ nên chồng. Khỏi phải mời ai, mà cũng không phải tốn kém gì, nó cũng một mình không họ hàng bà con.
– Không được đâu má.
– Sao lại không, coi như cho nó chính thức danh phận ở với mình.
– Má à làm như thế chẳng bằng mình ép cô ấy rồi.
– Con đó! Nghĩ sâu xa làm gì, hổng lẽ cứ để vậy, nay mai má chết rồi sao!
– Má lại nói tào lao rồi.
– Tào lao cái đầu mày, hay là bây đợi tao chết bây mới ở với nhau.
– Má kỳ quá!
– Tao tính vậy đó, không được cãi.
– Má, con không có ý cải má nhưng má nghĩ coi lỡ mai này gia đình người ta tìm đến lúc đó thì sao?
– Thì cái gì? Nếu tìm thì ba năm nay đã tìm rồi.
– Má không nghĩ đến lúc cô ấy nhớ lại thân phận của mình sao, chúng ta không biết cô ấy là ai, người thân ở đâu, con không muốn làm khổ người ta.
– Sao mà con nghĩ nhiều quá vậy, thôi thì biểu nó đi đâu ở thì đi đi, má không chứa nữa!
Phú khó chịu vì câu nói vô tình của bà, anh càu nhàu:
– Má nói vậy mà nói cho được!
Bà Sáu lườm con trai rồi nguẩy mặt ra chỗ khác giận lẫy con trai:
– Ờ, tao nói vậy đó, tao lo cho nó cũng vì muốn tìm vợ cho con trai tao, bây giờ hổng chịu thì tao tốn cơm làm gì, đi ngủ!
– Má.
– Hổng má con gì hết!
– Tức má chết được.
– Ờ, mày chết đi, có mình mày nối dòng nối dõi cho ba mày đó, mày chết xuống dưới mà trả lời cho ổng.
Phú ngao ngán nhìn mẹ, bà bỏ mặc anh ngồi chỏng chơ giữa nhà, bèn leo lên giường buông mùng ngủ.
Phú rầu rĩ ngồi nhìn trời, sao mà má ngang ngược quá không biết? Người ta đã lâm vào đường cùng mà má còn ép người ta, cứ sống như thế này chẳng phải cũng tốt lắm rồi sao.
Ứ hự! Mà nghĩ cũng tội nghiệp cho Hoa, ở đâu trôi dạt về đây, đến cả mình là ai củng không biết, cái tên cũng do mẹ mình đặt cho, mấy năm rồi mà không biết, không nhớ gì cả! Chắc là cô ấy bị bệnh gì đó, tiếc là không có tiền nên không đưa cô ấy đi khám được.
Phú kéo tấm chăn đắp cho Hoa, khi thấy cô đã ngủ say, cơn đau đã làm cho gương mặt của cô bơ phờ hẳn đi, anh thổi đèn rồi trở về chổ ngủ của mình, căn nhà chìm vào trong màn đêm tịch mịch.
Trí thấy Phú đưa Hoa đến khám bệnh thì bước tới lên tiếng chào hỏi:
– Cậu đưa Hoa đi đâu vậy?
– Anh Trí. Hôm qua Hoa lại đau đầu nên sáng nay em đưa Hoa tới bệnh viện khám.
Trí sốt sắng lên tiếng:
– Vậy để tôi vô lấy thẻ cho.
– Mất công anh quá.
– Có gì đâu ở đây tôi quen biết chứ chờ lấy số thứ tự lâu lắm.
– Dạ.
– Cô Hoa vô ngồi đi.
Hoa theo sau chân Phú vào phòng ngồi, một lúc sau thì Trí ra đưa cho Hoa cái thẻ khám bệnh, chờ cho Hoa vào khám Phú mới nói với Trí:
– Lúc này công việc của anh bận rộn lắm sao, lâu quá không thấy anh ghé tui chơi?
– Cũng bận, cô Hoa bệnh sao vậy?
– Cứ đau đầu hoài cỡ mà có điều kiện đưa được Hoa lên tỉnh khám thì hay biết mấy, tui lại không có tiền, lúc này anh có hỏi dò được gì không?
Trí lắc đầu:
– Không! Tui có nhờ mấy anh trên tỉnh rồi nhưng vẫn chưa tìm được tin tức gì, chẳng có ai báo mất tích, mà có thì cũng không phải là cô ấy.
Phú rầu rĩ:
– Tội nghiệp cô ấy.
Trí vỗ vai an ủi Phú:
– Đừng lo từ từ rồi cũng có manh mối mà, chủ yếu là cô ấy gặp được người tốt như anh.
– Biết rằng vậy nhưng còn gia đình cô ấy, mà má tui lúc này kỳ cục quá.
Trí nhướng mày lấy làm lạ:
– Bác Sáu làm sao?
Phú gãi đầu:
– Má tui cứ nói ba cái chuyện lăng nhăng dâu con gì đó, làm tui rầu gần chết, người ta đang khổ mà má tui còn ép.
Trí hiểu ra thì phá lên cười:
– À thì ra là vậy, cũng phải thôi, hay là cậu làm tới đi.
– Trời đất? Chỗ bạn bè nói cho anh thông cảm vậy mà anh còn xúi tui làm tới nữa.
– Ấy! Má anh cũng có cái lý thôi thì cứ cho cô ấy yên phận khỏi tìm kiếm làm chi cho mất công.
– Thôi, không nói chuyện tào lao với anh nữa.
Thấy Phú giận thì Trí mới thôi đùa:
– Không nói thì thôi giận làm gì, cỡ như tui chưa vợ con gì thì tui cũng xin đăng ký với cô ấy cho xong. Nè, sắp tới có đợt khám bệnh miễn phí cho người dân vùng sâu vùng xa cấp tỉnh xuống, tui đăng ký cho cô Hoa rồi, tới hôm đó tui nhắn anh đưa cổ lên.
– Vậy sao anh?
Phú mừng rỡ kêu lên:
– Vậy sao nãy giờ không nói!
– Đùa với cậu một chút coi cậu ra sao, nào dè cậu cộc tính quá.
Phú gãi đầu:
– Tui đang bực đang lo mà anh còn ghẹo tui chi vậy?
– Bạn bè mà cũng không hiểu ý nhau, chán cậu quá.
– Thôi cũng cám ơn anh, chừng nào có tin gì nhớ nhắn cho tui.
– Yên trí đi, tui nhớ mà.
Phú từ giã Trí rồi mới đưa Hoa về, Phú ân cần hỏi cô:
– Hoa thấy sao rồi?
Hoa cười rồi đáp:
– Làm như thấy bác sĩ rồi bệnh nó biến đi đâu mất hổng biết, giờ Hoa nghe khỏe lắm.
– Vậy sao, vậy mà làm tui hết hồn nè, sẵn lên huyện tôi chở Hoa đi một vòng nghe.
– Kịp không, lỡ trời tối về bác Sáu la chết.
– Kịp mà, từ đây về nhà cỡ ba tiếng chớ nhiêu, tui dắt Hoa đi ăn hủ tíu, cái quán hủ tíu này anh Trí giới thiệu cho tui đó, ngon lắm, lâu rồi mình cũng không có ăn hủ tíu.
– Mới ăn hôm ra chợ kỳ trước.
– Trời ơi, hủ tíu ở chợ làm sao bì với ở huyện, cái nước lèo của người ta vừa thơm vừa ngọt, còn ở chợ mình giống như nấu canh, ngon lành gì.
Hoa phì cười:
– Coi kìa, bà Hai mà nghe anh chê bà ấy như vậy lần sau có thèm chết bỏ, bà ấy cũng không bán cho anh đâu.
– Hổng bán thì ế ráng chịu, coi ai thiệt cho biết.
Hoa theo chân Phú bước vào quán, cái quán khá khang trang mặc dù diện tích không mấy rộng, chỉ đủ vừa kê sáu cái bàn nhưng trông ra buôn bán rất đắt, nồi nước lèo bốc khói, tỏa mùi thơm ra tới cửa, chủ quán là một người đàn ông phốp pháp thấy khách bước vào thì xởi lởi hô 1ớn:
– Ngồi bàn đi, hai tô hủ tíu xương đi!
Phú gật đầu đáp:
– Cho hai tô đặc biệt nghen.
– Có ngay.
Lát sau hai tô hủ tíu nóng hổi được đặt trước mặt hai người.
Hoa nhìn Phú háo hức thì che miệng cười:
– Nhìn anh người ta lại tưởng anh bị bỏ đói cả tháng không bằng.
Phú bẽn lẽn cười:
– Anh xấu ăn lắm, cũng tại tô hủ tíu hấp dẫn quá.
– Ừ, trông ngon lắm không giống như ở chỗ mình, hễ ru ở huyện. cũng thích hơn Phú nhỉ?
– Ừm!
Phú đang ăn nghe Hoa nói thì ngừng đũa gật đầu, trông anh có vẽ buồn buồn, anh hỏi:
– Hoa thích lên huyện ở không?
– Thích mà được sao?
Phú đăm chiêu tư lự:
– Anh sẽ cố làm rồi dành dụm ít tiền kêu má bán đất rồi lên đây ở.
– Nói thiệt hay nói chơi đó, bác Sáu mà chịu hả.
– Hay là mình lên đây mướn phòng trọ ở, anh đi làm nuôi Hoa.
– Hổng lẽ mình ở trọ suốt đời, nói gì thì nói, đất nhà mình mình ở cũng thích hơn.
– Hoa lộn xộn quá, lúc này lúc khác, thôi ăn đi rồi chúng ta còn đi chơi.
Cái huyện nhỏ bé chỉ cần một tiếng đồng là Phú đã đưa Hoa đi hết mọi nơi, trông Hoa có vẽ rất vui, hai má của cô đỏ hồng vì bắt nắng, cả hai dừng chân ở khu trung tâm văn hóa huyện, Hoa đòi uống nước nên cả hai ghé vào cái quán trước cổng trung tâm.
Phú âu yếm đẩy ly nước cho Hoa rồi hỏi:
– Hoa mệt chưa?
– Đi chơi mà mệt gì được uống nước xong chúng ta cề kẻo bác Sáu trông nghen.
– Ờ!
– Ghé mua hộp sữa cho bác Sáu.
– Ờ!
Hoa nhìn sang rồi hỏi:
– Làm gì mà ỉu xìu vậy?
– Đang đi chơi Hoa đòi về ngang, lấy gì không buồn.
– Trễ lắm rồi còn gì, Phú ham chơi quá.
Vừa khi ấy có người thanh niên bước vào quá, anh ta vừa thấy Hoa thì đứng sững người, trân trối nhìn cô, thái độ bất nhã của anh ta khiến cho Phú nóng mặt, anh gờm gờm rồi hất mặt hỏi xẳng:
– Nhìn gì vậy, bộ lạ lắm hả?
Anh ta có phần lúng túng, bèn phân bua:
– Ơ không, xin lỗi anh, chẳng qua tôi thấy cô đây giống một người bạn của tôi quá.
– Hừ!
Hoa ngơ ngác quan sát anh ta:
– Tôi cũng mới tới đây lần đầu, anh chị là người địa phương à?
– Ờ! Có gì không?
– Xin lỗi, quả thật cô bạn của anh rất giống một người mà tôi quen.
Hoa nghiêng đầu nhìn anh ta, ký ức chẳng cho cô chút ấn tượng gì, trông anh ta rất lịch sự chắc không phải là người xấu. Riêng Phú anh cũng dịu giọng vì thấy chàng trai không có ý sỗ sàng với Hoa.
– Người giống người có gì lạ, anh ở đâu tới đây?
– Tôi theo công trình về đây làm việc, đây là danh thiếp của tôi.
Phú xua tay:
– Thôi không cần, tôi có làm ăn gì đâu mà cần lấy danh thiếp của anh.
Chàng trai ngập ngừng rồi cười xòa cất tấm danh thiếp vào túi:
– Tôi về đây làm việc nên cũng còn xa lạ lắm, nếu như quen được với nhiều ngươi ở đây có lẽ tốt hơn, tánh tôi thích có nhiều bạn bè, nếu như anh không chê tôi có thể kết bạn với anh được không, tôi là Kiệt?
Hoa huých khuỷu tay nhắc Phú khi thấy anh cứ ngồi dựa ra chẳng nói năng gì làm cho người thanh niên cứ ngượng ngập nhìn Phú chờ đợi.
– Anh đừng có kỳ cục quá vậy?
Phú làu bàu:
– Kỳ cái gì, tui đâu có quen anh ta đâu.
– Không quen nên người ta mới làm quen với Phú đó.
– Lộn xộn quá!
Kiệt thấy thế thì mỉm cưới nói tiếp:
– Có lẽ tôi hơi đường đột nhưng quả là tôi rất muốn làm quen với hai bạn.
Đến lúc này Phú mới gãi đầu hỏi:
– Anh nói anh về đây làm gì?
– À! Chúng tôi muốn xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm ở đây, hiện tại chỉ trong giai đoạn khảo sát xây dựng.
– Vậy sao, cha! Ở đây mà có nhà máy chắc dân địa phương cũng đỡ khổ hơn, nè, mai mốt cho tui vô làm với nghen, nghe nói làm công nhân nhiều tiền lắm phải không? Tui biết sửa điện, biết hàn gò, rồi làm mộc nữa nói chung làm gì tui cũng làm được hết.
Kiệt cười:
– Vâng, nếu có việc làm, tôi sẽ nhớ tới anh.
Hoa rụt rè lên tiếng:
– Cho tui làm nữa, tui làm cái gì cũng được hết.
Phú nhăn mặt gạt đi:
– Em ở nhà nấu cơm còn chưa xong, ở đó mà đòi đi làm cái gì!
Hoa phụng phịu:
– Làm kiếm tiền chứ chi, bộ một mình anh biết làm còn tui thì không ha, tới lúc đó cho má ở nhà khỏi đi bán cho cực, tui với anh làm đủ nuôi má rồi.
– Về hỏi coi má chịu không đã.
– Sao không chịu.
Kiệt bên này im lặng theo dõi cuộc đối thoại của hai người, trông họ rất thân thiết với nhau, có điều mắt anh không rời khỏi khuôn mặt cô gái, cô ta rất giống Ngân cứ như hai giọt nước, nếu như anh không biết tin Ngân thì có lẽ anh đã cho đó là Ngân rồi, có điều cô gái này ăn nói có chìu chân chất, thật thà đặc tính của những người dân quê chất phác, da của cô ta xạm nắng không trắng như Ngân lúc xưa, đồng thời cô ta cũng không có chút biểu hiện nào tỏ ra có quen biết anh, ánh mắt của cô ta trong vắt và vô tư.
Tại sao lại có người giống người như thế, càng nhìn Kiệt càng như bị hút và càng hoài nghi, mặc dù lý trí đã cho anh biết đó không phải là người mà anh quen biết khi xưa.
Giống quá! Quả là như hai giọt nước, nghĩ rồi anh buột miệng hỏi Hoa:
– Xin lỗi, không rõ cô đây tên gì?
Phú nhăn mặt đáp thay cho Hoa:
– Là Hoa.
– Hoa à?
– Ừ, sao anh không hỏi tên tui?
Kiệt sơ ý làm phật lòng Phú, trông ra anh chàng này cũng khó khăn lắm đây!
Nghĩ rồi Kiệt vã lã:
– Xin lỗi vì là phụ nữ nên tôi mới lịch sự hỏi trước, vậy anh tên gì vậy?
– Tôi là Phú nhà ở gò nổi, đây là Hoa bạn gái của tôi, tụi tui ở chung nhà.
Kiệt ngỡ ngàng vì thông tin đó:
– Vậy sao?
– Ờ, tụi tui thân lắm.
– Vậy cô ấy có chị em gì không?
Phú chợt bật cười rồi lém lỉnh đáp:
– Hì hì? hổng có, tui biết anh có ý đồ gì khi hỏi câu đó mi, Hoa hổng có chị em gì hết, đừng có hy vọng nghen.
Kiệt ngượng nghịu cười trừ, Phú đã hiểu lầm ý của anh nhưng không sao, dân quê họ chất phác mộc mạc nghĩ sao nói vậy, nếu như được làm quen với họ thì họ rật thật lòng. Anh cũng nói đùa lại với Phú:
– Anh hiểu ý tôi quá, mới gặp mà xem ra chúng ta làm bạn với nhau được rồi, quả là tôi rất tiếc về điều đó.
– Vừa lúc có người đàn ông bước vào gọi Kiệt, anh đành đứng lên chia tay với Phú và Hoa:
– Xin lỗi vì tôi có việc, hôm nào mời hai người ghé vào văn phòng tôi chơi, trụ sở công ty của tôi đặt bên đó, hai bạn cứ đến đó hỏi tên tôi người ta khắc cho tôi hay.
Phú gật đầu ra dáng văn vẻ anh nói:
– Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, nếu có duyên ắt gặp lại cần gì tìm kiếm, có kiếm thì đợi hôm nào nhà máy của anh cần người thì tôi sẽ đến tìm anh nhờ vã.
Kiệt cười xòa rồi bắt tay Phú:
– Vâng! Thế nào chúng ta cũng gặp lại, chào anh, chào cô.
Phú nhìn theo Kiệt cho đến khi anh đi khuất rồi mới quay sang Hoa, anh chưa kịp lên tiếng nói gì thì đã thấy Hoa bụm miệng cười khúc khích bên cạnh anh, anh cau mày có vẻ hơi quê vì ánh mắt chế giễu của Hoa.
– Nè cười gì vậy? Lãng xẹt.
Hoa cố nén cười trả lời Phú:
– Lãng còn đỡ hơn Phú.
– Đỡ cái chi?
– Trời ơi, bày đặt nói chuyện văn chương nữa chớ! Hì hì cái gì mà hữu duyên thiên lý năng tương ngộ nữa! Biết không mà nói vậy?
Phú hơi bị quê, anh đỏ mặt lườm Hoa:
– Khi dễ tui hà! Hổng biết mà tui dám nói sao?
– Vậy cắt nghĩa nghe đi.
Phú ấp úng gãi đầu, thật ra anh cũng hiểu lờ mờ coi như nghe người ta nói chú có biết nghĩa từ cái gì đâu.
– Thì ... thì có duyên thì gặp nữa chớ gì?
– A, vậy thiên lý là gì?
– Hơ!
– Ngộ nghĩa là gì? Năng là cái gì?
Phú bị bí thì đâm cộc, anh đỏ mặt gắt lên:
– Thiên lý là thiên lý chớ là cái gì?
Hoa trêu già, cô gạt Phú:
– Xì! Thiên lý là hoa thiên lý đó người ơi.
Phú mắc lỡm ừ theo:
– Ờ! Thì hoa thiên lý, biết rồi mà còn hỏí đố người ta, lãng nhách.
Hoa chỉ chờ có thế cô bụm miệng cười sằng sặc lên, chưa bao giờ cô thấy vẻ mặt của Phú ngờ nghệch như Iúc này, anh trợn mắt nhìn Hoa nghiêng ngả cười, sao mà anh ngốc thế! Để cho cô gạt một cách ngon lành. Thiên lý là gì nhỉ, làm sao lại là hoa thiên lý mà má hay xào để ăn được. Thế mà mình lại mắc lỡm cô ấy, hừ!
Trông cô ấy kìa cười mà không sợ mình quê, đúng là lãng xẹt. Phú lúng túng không biết làm sao cắt cơn cười của Hoa, lúc này thì đã có vài ánh mắt hiếu kỳ nhìn về phía họ, Phú quê quá bèn trả tiền rồi đứng lên đẩy xe đi như chạy.
Hoa lúp xúp chạy theo:
– Nè, chờ Hoa với, Phú! Phú.
Nhưng Phú cứ cắm cúi rảo bước, anh muốn trừng phạt Hoa nên không thèm dừng lại, Hoa đuổi kịp Phú thì lườm Phú, cô thở dốc cự anh:
– Làm gì mà đi như kẻ cắp ấy!
Phú bực tức nạt lại Hoa:
– Không hiểu.
Hoa hất hàm khiêu khích:
– Thì như kẻ cắp, ăn cắp xong lo chạy cho khỏi bị bắt, nên cứ cắm đầu mà chạy chẳng chịu dừng lại gặp ai ấy.
– Cái gì Hoa cũng nói được, miệng lưỡi của Hoa leo lẻo ấy.
– Không tốt sao?
– Nói nhiều cũng không tốt đâu, nhất là nói không đúng lúc, không nghe má dạy sao, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, lúc nãy chọc quê tui, Hoa có uốn lưỡi không?
– Không! Quên rồi.
– Đúng là nói chuyện với Hoa nghe tức anh ách ấy.
– Thì thôi không nói nữa, nè!
– Gì?
– Có thật là Phú không hiểu thiên lý là gì à?
Phú đỏ mặt tưởng Hoa lại giở trò trêu chọc mình, anh nói:
– Nữa à!
Hoa vội xua tay:
– Không có, Hoa hỏi thật mà.
Phú cúi mặt, anh lộ rõ vẻ buồn tủi:
– Hoa nghĩ coi nhà tui nghèo má làm sao cho tui ăn học tới nơi tới chốn, lúc nhỏ học tới lớp năm hết tiểu học là má biểu nghỉ, ở nhà ra biển đón cá cho má đem bán! Rồi từ đó tui phải phụ giúp má kiếm tiền lúc thì đi học nghề, lúc thì đi làm mướn cho tới bây giờ, may mà đã biết đọc, biết làm toán cộng toán trừ để tính tiền.
Nói rồi Phú ngửa mặt lên trời, Hoa thấy mắt anh ươn ướt anh nhìn những vầng mây xám xịt trên cao rồi hối thúc cô:
– Đi nhanh kẻo trời mưa, mây giông tới rồi kìa, lỡ mắc cơn mưa này thế nào má cũng chửi cho nghe, đi khám bệnh mà cà kê đến giờ này mới chịu về.
– Má chửi thì Phú chịu, nè! Để Hoa nói cho Phú nghe.
– Nói gì?
– Nói thiên lý là gì đó.
– Ờ, nói nghe đi.
– Thiên lý không phải là hoa thiên lý mà má hay xào cho Phú ăn đâu mà có nghĩa là xa ngàn dặm.
– Ra vậy! Phú dốt quá, để cho Hoa xí gạt.
– Mai mốt Hoa dạy cho Phú học, Phú học không?
Phú có phần ngạc nhiên:
– Hoa dạy cho Phú học à?
– Ừ, học văn này, toán này, sinh ngữ này.
– Hả!
– Bắt đầu ngày mai nhé!
Phú nhìn Hoa rồi lại thôi không nói gì thêm.