Chương 9
Tác giả: Đỗ Đỗ
Tùng thẫn thờ nhìn Huyền xếp dọn quần áo và vật dụng tư trang của mình vào vali. Anh bước tránh vào phòng vì không muốn chứng kiến cảnh chia tay buồn bã này. Trung lên tiếng hỏi Huyền:
– Xong chưa em?
– Em nghĩ có lẽ đã đủ rồi.
– Vậy chúng ta đi đi.
– Ừm!
Trung xách hành lý ra xe, quay lại anh vẫn còn thấy Huyền nấn ná chưa muốn ra đi, anh chau mày hỏi:
– Sao em chưa đi, còn quên gì à?
Huyền nhìn về phía phòng của Tùng một thoáng. Sao anh ấy không ra tiễn mình? Mình có nên bước vào chào anh ấy một tiếng không? Huyền còn đang đắn đo thì Trung bực bội giục cô:
– Đi thôi Huyền.
– !!!
– Em còn lưu luyến làm gì, người ta không ra chào em một tiếng xem ra họ cũng không muốn gặp em đâu, đi thôi.
Huyền đành quay gót, lòng cô nặng trĩu một nỗi buồn khó tả. Em đi đây Tùng! Ba năm qua thời gian ấy xem như là một kỷ niệm đẹp trong đời em mặc dù anh không yêu em nhưng em thì được ở bên anh bấy nhiêu đó cũng đủ cho em mãn nguyện lắm rồi. Cám ơn anh.
Nghĩ rồi Huyền theo chân Trung lên xe, căn nhà mỗi lúc mỗi xa và khuất hẳn sau lưng Huyền. Trung lay tay cô anh hỏi:
– Em không sao chứ?
– Không!
– Anh đã chuẩn bị căn phòng trong khu tập thể cho em rồi, mặc dù không rộng nhưng một mình em ở cũng thoải mái lắm, anh đã sắm đủ vật dụng cho em, chỉ còn thiếu cái bếp, lát nữa anh đi mua cho em.
– Anh bận rộn với em quá, em cám ơn anh, không có anh hôm nay em không biết mình phải làm sao?
– Đừng như người xa lạ mà nói lời khách sáo đó cùng anh. Thấy em thoát khỏi căn nhà ấy anh cũng nhẹ nhõm ra, nói em đừng buồn anh không thích anh ta.
Huyền gượng cười:
– Đừng nói xấu sau lưng người ta.
– Anh có nói xấu đâu.
– Thôi bỏ đi, giờ thì em cũng đi rồi, mai mốt này tất cả mọi chuyện em đều trông nhờ nơi anh.
– Không thành vấn đề, chỉ sợ em không cần anh lo cho em thôi.
– Sao lại không cần lát nữa em phải nhờ anh khuân hết hành lý vào phòng, rồi sắp xếp lại, chưa kể những thứ cần phải mua sắm không nhờ anh thì em nhờ ai!
– Anh làm tất, chỉ cần mai mốt cho anh góp gạo nấu cơm chung là được rồi.
– Được thôi!
Huyền cố gượng làm vui, cười đùa với Trung cho quên đi nỗi buồn trong lòng, cô đã quyết định dọn đi, sau khi từ nhà của Tùng ra về, dù sao thì cô cũng còn có một ít tự trọng còn giữ trong lòng, cô không muốn nhìn thấy sự chán ghét cà Tùng dành cho mình.
Huyền thở dài. Tất cả mọi thứ đều do mình tự chuốc lấy, mình đã cam tâm tình nguyện làm nô lệ cho tình yêu. Không có ai bắt ép mình, kể cả những ngày tháng đầu mà Tùng xua đuổi hắt hủi mình, khi mình tìm đến anh ấy, lúc đó mình dũng cảm biết bao, chỉ vì mình không muốn bỏ anh ấy trong lúc anh ấy đang tật nguyền bệnh hoạn nhưng tại sao lúc này mình lại không đủ dũng cảm ở lại, có phải vì mình đã nhận ra mình không còn hy vọng gì vì tình yêu mà anh ấy dành cho Bạch Ngân còn quá sâu nặng.
Sau khi Tùng khỏe mạnh trở lại, lúc nào mình cũng nhận ra trong mắt anh ấy luôn có sự thôi thúc, luôn có một ngọn lửa rất mãnh liệt, anh ấy muốn đi tìm cô ấy và mình là một vật cản đáng ghét và anh ấy muốn rũ bỏ sớm.
Mình không thể kéo dài mãi tình yêu vô vọng ấy, càng không để cho anh ấy chán ghét mình, mình phải xa anh ấy thôi, cho dù quyết định ấy làm cho mình rất đau lòng!
Bà Sáu ngẩn ra khi thấy Ngân và Kiệt trở về thăm bà:
– Hoa! Trời ơi, bác Sáu nhận không ra con luôn, con đẹp quả, vô nhà đi! Cả cậu lịch sự nữa vô đi?
Ngân cười rồi nói với bà:
– Là anh Kiệt bác Sáu.
– Ôi! Bác quen rồi, Kiệt cũng được mà cậu lịch sự cũng được, vô nhà đi thằng Phú nó cũng gần về rồi.
– Anh Phú lúc này thế nào rồi bác?
Bà thoáng sầm mặt không vui:
– Nó cũng thế, được cái có công việc nên nó đầu tắt mặt tối làm miết.
Ngân hiểu ý bà muốn nói gì, cô có phần ngại ngần, cô đặt giỏ quà lên ván cho bà rồi nói:
– Con có mua cho bác và anh Phú ít quà.
– Trời đất, một túi bự sự vậy mà ít cái nỗi gì! Chắc nhiều tiền lắm đây, tốn kém chi vậy con.
– Có đáng là bao so với công lan bác giúp đỡ Ngân.
Kiệt lên tiếng xen vào thì bà Sáu liền đáp:
– Tui giúp nó tui đâu có mong nó trả ơn đâu mà cậu so sánh.
– Dạ, là cháu nói thế chứ đâu dám so sánh, ba má cháu có gởi cho bác một ít trà sâm, nếu có dịp ba má cháu sẽ đến thăm bác. - Hổng cần, vậy là tốt lắm rồi, nhà tui nghèo làm sao xứng đón rước ông bà.
Ngân mỉm cười dàn hòa:
– Là ba má của con mang ơn hác hôm nay ba má con không đi với tụi con được nên mới gởi lời trước.
– Thôi, đường xá xa xôi tụi con đến thăm bác là được rồi, tao nhớ bay lắm, từ lúc bay đi căn nhà trống huơ trống hoác, thằng Phú nó cũng buồn nên cũng ít về nhà, có bữa đi bán về có mình tao lủi thủi ra vô, riết rồi có bữa chẳng thèm cơm nước làm gì?
Bà nói rồi sụt sịt tủi thân khóc:
– Nhà cứ như nhà hoang, lỡ mà tao có chết chắc cũng sình thúi ra hổng ai hay.
Kiệt ái ngại nhìn Ngân. Quả đúng như lời bà nói, ở trong cái chỗ hẻo lánh như thế này, lỡ mà có bệnh hoạn gì khó mà biết nhờ ai.
Bà Sáu gạt nước mắt gượng cười rồi tự trách mình:
– Vô duyên chưa, khách lại nhà cái bắt khóc hà, ngồi đi bác vô đặt nồi cơm ăn cơm, bữa nay có con về bác vui lắm!
– Để con nấu cho.
– Thôi.
– Bác đừng có cản, để con nấu cho anh Kiệt thay áo ra vườn gom cho em mớ củi đi.
Bà Sáu tần ngần rồi thở dài nhìn Ngân lăng xăng ra sau bếp, thì thôi vậy, coi như thằng Phú nó không có phần được vợ, hôm đám cưới của con Hoa nó cũng không đến dự, chắc là con bà nó buồn lắm, tội nghiệp lóng rày thấy nó xanh xao tiều tụy, từ sáng tới tối cứ lăn vào công việc như để tìm quên hễ bà thấy nó thì nó biểu nó làm để kiếm tiền lấy vợ cho bà có đâu, có cháu để bà bớt buồn.
Nhưng bà biết nó làm là để giải sầu là để quên con Hoa thôi!
Ứ hự, cũng phải, cái thằng lịch sự kia nó cao ráo giàu có, lại học giỏi, con bà làm sao mà so bì với người ta được, con Hoa cũng xứng với nó quá, người ta nói có phước có phần không cần gì lo, cho nên không phước không phần có muốn cũng không được?
Ngân ngồi bên đống lửa sau vườn với Phú, cả hai háo hức vùi mấy củ khoai vào đống than đỏ rực, rồi nhắc lại chuyện cũ. Phú nói:
– Em về nhà chắc là vui lắm phải không?
– Dạ phải, nhưng em cũng nhớ bác Sáu và anh lắm.
– Ừa, cũng phải thôi, ở đây ba năm rồi mà không nhớ sao được.
– Ở trên đó nhiều hôm thèm củ khoai mì nướng mà không có để ăn.
– Vậy chừng nào về anh nướng cho một ít, đem lên trển mà ăn, ý mà nói vậy thôi chứ ai mà đem khoai mì nướng theo mình, chỉ tổ xách nặng.
– Xì! Chẳng qua anh nói rồi nghĩ lại thấy làm biếng nên bàn trớt chứ gì!
– Đâu có! Mai dậy sớm anh nhổ cho hai bụi là ăn mệt nghỉ, Hoa này!
– Hử!
– Mà quên! Phải gọi em là Ngân mới đúng chớ, nhớ hồi mới đem em về má hỏi hoài mà em cứ ngơ ngơ chẳng biết mình tên gì, má thấy em đẹp như hoa nên biểu đặt tên em là Hoa luôn, lúc đó anh dẻ duyên còn thêm chữ hồng sau chữ hoa, má nghe bắt cười rồi la, đã hoa thì là đủ thứ hoa hoa nào cũng được, cần gì phải gọi là hoa hồng làm chi cho rườm rà, má còn nói, buổi sáng thì em như hoa hồng, buổi trưa xế xế thì là hoa huệ, hoa sen còn tối lại là hoa dạ lý lúc nào cũng thơm cũng đẹp.
Ngân mỉm cười trìu mến.
– Còn anh thì là Phú quí giàu sang phải không?
– Má nghèo nên hay nghĩ đến những điều tốt đẹp sung sướng cho con cái.
– Lúc này anh làm việc bận rộn lắm phải không?
– Ờ, ráng làm kiếm tiền cất cái nhà ngoài mặt lộ cho má ở.
– Hay là anh lên thành phố, anh Kiệt kiếm việc cho anh làm!
– Ở đâu quen đó rồi, lên trển anh sống hổng quen, Kiệt tốt với em không?
– Anh ấy lo cho em dữ lắm.
– Vậy thì anh yên tâm, ở trển có rảnh thì về thăm má, má nhớ em lắm, giờ thấy em hạnh phúc anh và má cũng yên tâm, ba má em cũng khỏe hả?
– Dạ!
Phú cố tìm chuyện để hỏi Ngân, tránh không để cho cả hai rơi vào sự yên lặng ngượng ngùng:
– Khoai chín rồi để anh kêu Kiệt ra ăn cho vui.
– Thôi đi, đừng kêu ảnh, chắc ảnh ngủ rồi!
Phú ngồi lại rồi bốc củ khoai thổi cho bớt nóng mới đưa cho Ngân.
Sao mà cảnh này giống như cảnh ngày xưa quá, cũng những đêm tối yên ả, cũng bên đống lửa bập bùng, cũng những củ khoai mà anh ân cần bóc cho nàng ăn, thế mà giờ đây sao ngượng ngùng xa cách, cứ như nàng đã thuộc về thế giới khác! Mà đúng như thế, nàng đã thuộc về thế giới khác, không cùng chia xẻ với anh những vui buồn như xưa nữa.
– Anh Phú! Anh nghĩ gì mà ngẩn ra vậy?
– Ờ không!
– Em định đón bác Sáu lên chơi với ba má em ít hôm.
– Ờ, em hỏi má coi má chịu đi không?
– Em nghĩ là bác sẽ đi hay là anh đi cùng cho vui.
– Anh còn việc phải làm.
– Em cũng biết nhưng không có anh cũng buồn.
– Biết sao được?
– Đám cưới em mà anh cũng không đến!
– Anh xin lỗi, anh đi không được anh cũng bứt rứt lắm, anh biết em giận anh.
Ngân hiểu lý do vì sao Phú không đến dự đám cưới của mình nhưng nàng không tiện nói ra, cô không muốn để cho Phú thêm lúng túng, cô nói sang chuyện khác, có lẽ từ đây về sau cô tránh gặp anh hơn, xem như là cô đã giúp được cho anh mau quên đi những ngày tháng ở bên cô, điều đó cả cô cả anh điều muốn thế.
Mấy ngày sau. Bà Sáu ngơ ngác đứng sững giữa đường khi thấy xe cô đông như mắc cửi xuôi ngược trên đường, bà níu tay Ngân rồi lo sợ nói:
– Trời đất, xe nhiều quá mần sao qua đường.
– Bác cứ đi theo con không sao đâu.
– Ứ hự, chắc bác ở đây không đặng rồi, lúc nào cũng ầm ỹ, tiếng xe tiếng ồn người thì đông như kiến chẳng thở nổi, đi đâu cũng toàn xe là xe.
– Con lại muốn bác ở lại với con.
– Không được, còn thằng Phú, thôi Hoa này vào chỗ nào cho bác ăn cái gì đi, bác đói rồi, giờ này ở nhà đã đến giờ cơm.
Ngân nhìn đồng hồ rồi kêu lên:
– Chết, đã hơn mười giờ rồi, con thật sơ ý, má Sáu muốn ăn cái gì?
– Cái gì cũng được, miễn đừng khó ăn quá thôi.
Ngân đưa bà vào một cửa hàng khá sang trọng, bà e dè nhìn quanh rồi níu tay Ngân:
– Ở chỗ này sang quá, chắc là mắc lắm phải không? Sao không ra chợ ăn cho đỡ tốn tiền con!
– Dạ, ở thành phố chỗ nào cũng một giá như nhau thôi.
Ngân nói dối để bà yên tâm bước vào cửa hàng, cô gọi thức ăn rồi phì cười khi thấy bà ngồi co chân lên ghế:
– Má thấy thoải mái không?
– Ờ, mát mẻ sạch sẽ quá, mà sao người ta cứ dòm má hoài vậy Hoa?
– Má ngộ thì người ta dòm chứ sao?
– Hổng phải đâu nà, hình như người ta cười má thì phải, cha kỳ cục quá.
– Kệ người ta, má để ý làm gì.
Vừa lúc thức ăn được đem lên, bà Sáu trợn mắt nhìn bàn ăn rồi kêu lên:
– Chi mà dữ vậy, có mình bác với con thôi mà.
– Con gọi mỗi thứ một đĩa để má ăn cho biết.
– Trời đất, phí phạm quá, bây nhiêu cả nhà má ăn một tuần còn dư đó, sao lúc này con hoang phí quá vậy, mà cũng phải giờ con đã tìm lại được gia đình, ba má của con giàu là thế hỏi sao con không xài sang! Thằng Phú nó biết thân biết phận cũng đúng.
– !!!
– Má lại nói lung tung rồi, thôi thì con nuôi cũng được cần gì là con dâu, có được đứa con nuôi như con má cũng nở mày nở mặt.
– Má! con muốn má ở lại đây với tụi con, nay mai anh Kiệt sẽ lo cho anh Phú về đây làm, như thế má và anh Phú cũng gần gũi như ở dưới quê, mà con thì được chăm sóc cho má.
– Còn đất đai chi con, hổng được đâu, nếu con nghĩ tới má lâu lâu về thăm má được rồi, chứ biểu má lên ở đây thì cho má xin, chật chội ở không quen về dưới má còn cưới được vợ cho thằng Phú, ở trên này ai mà thèm làm dâu má!
– Má đừng lo, duyên phận tới thì tới, má muốn cũng không được mà cản cũng không xong.
Cả hai nói chuyện với nhau nên không thấy bên kia bàn có một người đang chăm chú nhìn họ.
– Ngân!
Gã bước sang và thảng thất gọi lớn tên nàng, Ngân giật mình nhìn lên, rồi ngơ ngác trước gương mặt xa lạ.
– Ngân, em không nhận ra anh sao? Anh là ...
Bà Sáu liếc xéo gã:
– Ở đâu mà chạy lại nhận càn người quen vậy?
Nói rồi bà quay lại hỏi nàng:
– Con có quen với cậu này không Hoa?
Ngân lắc đầu:
– Dạ không!
– Xì, thôi cậu tránh cho chúng tôi ăn cơm đi.
Thế nhưng người đàn ông vẫn nấn ná không rời:
– Ngân, em không nhận ra anh sao, là anh đây mà.
Bà Sáu chau mày gắt lên:
– Đã nói con gái tôi nó không biết cậu, sao cậu lì lợm vậy, thôi tính tiền rồi mình đi con.
– Dạ, nhưng má đã no chưa?
– Má no rồi thôi đi con, người ngợm ở đây dị hợm quá!
Ngân cùng bà đứng dậy dợm đi thì gã đàn ông đã chặn đường họ:
– Ngân, em không được đi, tại sao em không nhận ra anh, em muốn trốn tránh anh phải không? Em có biết mấy năm qua anh tìm kiếm em khắp nơi không? Em không được đi.
Gã nắm lấy tay Ngân kéo lại, lời nói và hành động của anh ta, đã khiến cho vài cặp mắt hiếu kỳ quanh đó hướng về họ. Ngân lúng túng thụt lùi sau lưng bà Sáu:
– Má!
Bà Sáu gạt gã sang một bên rồi trừng mắt nạt ngang:
– Cậu làm gì vậy! Bà con làng xóm coi đó, giữa đường giữa xá mà nó chòng ghẹo con gái tui, ai vô đây mà coi nè!
Tiếng la của bà Sáu khiến cho nhiều người vây lại:
– Trời ơi, làm gì kỳ vậy, bỏ người ta ra đi.
– Mặt mũi sáng sủa mà ba trợn quá!
– Anh kia, đừng làm phiền người ta nếu không chúng tôi gọi công an đó.
– Ờ phải!
Ngân nép sau lưng bà Sáu sợ hãi, khi thấy gã trừng mắt nạt lại:
– Cô ta là vợ của tôi.
Bà Sáu điểm mặt gã, tức giận nói:
– Nói tầm bậy nghen, con Hoa nó có chồng rồi ai là vợ cậu, con gái của tui, tui không biết sao, cậu nói cậu là chồng nó mà tui là má nó cậu cũng không biết!
Cậu nói láo quá.
Có nhiều tiếng hô cười xì xào vang lên, lời nói của bà Sáu phần nào khiến cho anh ta hơi chựng lại, anh ta nhìn Ngân đăm đăm nhưng ngay lúc bà Sáu đã kéo Ngân ra cửa.
– May phước nó không đuổi theo. Con có quen với nó không Hoa?
Ngân lắc đầu:
– Dạ không, con không biết anh ta, sao anh ta lại nói con là vợ anh ta, má!
– Chắc là nó khùng đó, thôi, mình về đi con.
Kiệt lên tiếng hỏi khi thấy Ngân thẫn thờ đứng nhìn ra cửa:
– Em sao vậy, từ lúc đi chơi với má Sáu về trông em không được vui!
– Không, em có gì đâu!
– Không muốn nói với anh thì thôi.
Thấy Kiệt hờn thì Ngân mới nói:
– Thật ra lúc chiều em với má có gặp một người, anh ta biết em mà còn nói anh ta là ... là chồng em nữa.
– Sao?
– Em không nhớ có quen với anh ta hay không, nhưng nhìn điệu bộ của anh ta rất thật, trông anh ta không có vẻ gì dối trá.
Kiệt nhăn mặt suy nghĩ, không lẽ Ngân đã gặp Tùng! Anh lên tiếng hỏi:
– Anh ta ra sao, em còn nhớ mặt mũi của anh ta không?
– Anh ta cao như anh, trông ra không phải kẻ xấu.
– Anh ta đi một mình à?
– Dạ, may mà lúc đó em và má Sáu bỏ đi anh ta không đuổi theo.
– Đuổi theo à!
– Dạ, chắc lúc má Sáu la lên có nhiều người vây quanh khiến cho anh ta không chạy theo em.
Kiệt nghi hỏi:
– Em nói anh ta chạy theo em à.
– Dạ.
– Vậy là anh ta không bị tật nguyền?
– Dạ phải, mà sao anh lại hỏi như vậy?
– Ờ, thì anh hỏi để hình dung xem có ai quen giống như anh ta không.
– Em nhớ mãi mà không nhớ nỗi có quen với anh ta không, thật kỳ lạ anh ta cứ một mực nói em lạ vợ của anh ta.
– Tầm bậy, chắc là anh ta tưởng lầm, à không, nhìn lầm em với ai thôi, có thể vợ anh ta bỏ anh ta, nên anh ta bị thần kinh nên khi gặp em anh ta mới có thái độ đó.
– Má Sáu cũng nói anh ta bị khùng.
– Ừ, chắc là thế rồi, em đừng nghĩ làm gì cho đau đầu, có nhiều người bị vợ bỏ trở nên điên khùng như thế, ra đường gặp ai lịch sự giống giống vợ mình lại nhận quàng, may mà anh ta không làm gì tổn hại đến em, nay mai có gặp những người như thế, em nhớ tránh xa họ ra, lỡ họ có hành động gì xấu thì thật là khó đoán trước.
– Dạ, em biết rồi, em cứ sợ mình bị mất ký ức không nhớ được người quen.
– Bạn bè thì không nói gì, nếu như gặp em ắt em sẽ có cảm giác thân thuộc với họ, cũng như ba má em vậy, mặc dù em không nhớ nhưng em cũng có cảm giác thân thuộc khi gặp lại họ.
– Cũng phải, có lẽ anh ta điên thật.
– Từ đây về sau đừng đi ra đường một mình nữa.
– Em biết.
Qua hôm sau Kiệt đến gặp bà Phong, bà xởi lởi đón anh từ cửa:
– Con mới về đó à, con Ngân đâu sao không đi cùng với con.
– Dạ, Ngân ở nhà với má Sáu nên không qua thăm ba má được.
Ông Phong nghe tiếng Kiệt thì bước ra:
– Thằng Kiệt đó à?
– Dạ, thưa ba, ba mới về?
– Ừ, công việc bận rộn quá hay là con về phụ với ba đi.
Kiệt ngần ngừ thì ông nói:
– Trước sau gì ba cũng giao hết cho vợ chồng con, ba có mỗi mình con Ngân không để lại cho nó thì để cho ai, con về phụ với ba cho quen, để mai này khỏi bỡ ngỡ.
Bà Phong cũng góp ý:
– Phải đó, ba má già rồi, má có bàn với ba con hổm nay, giờ con qua cha con nói chuyện với nhau đi.
– Con chưa nghĩ đến chuyện đó.
– Chậc? Má biết con ngại, má biết lúc xưa má hiểu lầm con nhưng giờ ba má đã rõ con người của con ra sao rồi, ba má thương con như con Ngân, con đừng phụ lòng ba má.
– Dạ, ba má cho con tính lại.
Bà Phong phật ý:
– Tính cái gì nữa, con thu xếp công việc rồi về phụ với ba con.
– Má à!
– Má nói thì phải nghe.
– Dạ.
– Hôm nay qua thăm ba má có chuyện gì không, má Sáu của con Ngân ra sao rồi?
– Dạ má Sáu cứ than phiền không quen ở thành phố cứ đòi về hoài.
– Ờ, ở dưới quê yên tĩnh quen rồi, lên đây xô bồ xô bộn chịu không nổi cũng phải.
– Má à, con định qua nói với ba má con định đưa Ngân về ở với má Sáu dưới đó.
– Sao lại vậy?
– Dạ, dường như Ngân cũng quen với nếp sống dưới quê mấy năm qua, nên về đây Ngân không thấy thoải mái.
– Má không muốn tụi con đi xa.
– Con biết, nhưng tất cả việc con làm đều vì Ngân.
Ông Phong cũng không đồng tình với Kiệt:
– Má con nói phải đó, cả cái chuyện con không muốn ở chung với ba má đã khiến cho ba má không vui rồi, giờ con lại muốn đưa vợ con đi xa, đành rằng xuất giá thì tòng phu, nhưng ba má chỉ có nó là con, từ đây qua nhà con có mấy con đường mà má con còn than phiền huống gì con đưa vợ con về nhà má Sáu nó ở.
Thưa ba, con biết quyết định của con ắt sẽ làm cho ba má không vui, nhưng con làm thế cũng có lý do.
Bà Phong làu bàu:
– Lý do gì chứ!
– Dạ. - Kiệt ngập ngừng rồi thở dài nói thật - Dạ hôm qua Ngân đi với má Sáu ra phố, cô ấy đã gặp lại Tùng!
– Hả!
– Rồi nó có nhận ra con Ngân không?
– Dạ, anh ta nhận ra Ngân, may mà có má Sáu lên tiếng mới giúp Ngân thoát khỏi anh ta.
– Hừ! - Ông Phong vừa lo vừa giận, ông nói - Cái thằng đó mà để tôi gặp thì tôi đập cho nó một trận.
– Không được hồ đồ ông à, dù sao con Ngân cũng là vợ nó.
– Đó chỉ là trên giấy tờ, nó đã bức ép con nhỏ nhảy xuống biển tự tử rồi còn gì.
– Biết rằng vậy nhưng giờ con Ngân không chất mà trở về, chúng ta lại gả nó cho thằng Kiệt, lỡ mà nó thưa ra thì chúng ta là người có lỗi.
– Nó dám sao?
Kiệt cũng tán thành với ý bà Phong:
– Má nói đúng, con sợ anh ta không để yên cho Ngân, trong thời gian này tuyệt đối không để cho Ngân bị xúc động mạnh như thế sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của cô ấy.
– Má cũng không muốn nói hồi phục làm gì, để như thế chẳng tốt hơn sao, cần gì mà phải nhớ lại những chuyện không vui cũ.
– Con cũng như má, nhưng dù sao thì cũng không thể không chữa trị cho cô ấy.
– Ứ hự! Vậy tính sao bây giờ? Cái thằng què ấy nó không để cho con Ngân yên đâu.
Kiệt bèn lên tiếng tiếp lời bà:
– Cho nên con mới định đưa Ngân đi xuống má Sáu ở, con có nhờ người tìm giùm một căn nhà trên huyện, tụi con sẽ đưa má Sáu về ở chung cho Ngân vui, vả lại công trình của công ty con ít nhất cũng ba năm nữa mới hoàn thành, thời gian đó đủ để cho ba má trên này gặp Tùng và nói với anh ta lo thủ tục ly hôn với Ngân cho hợp pháp.
– Biết nó có chịu không?
– Sao lại không?
– Còn một điều nữa, ba má đừng cho Ngân biết chuyện này và cũng đừng để cho Tùng biết là Ngân còn sống và đang ở cùng con.
– Má biết!
Chờ cho Klệt về bà mới bàn với chồng:
– Sao tôi lo quá ông à, thấy con Ngân nó sống với thằng Kiệt tôi lấy làm vui mừng, nào ngờ bây giờ thằng Tùng xuất hiện không biết rồi đây sẽ ra sao?
– Cứ để cho con Ngân nó về quê với bà Sáu, một thời gian sau ắt sẽ êm xuôi.
– Thế còn giấy tờ ly hôn thì sao, lẽ nào nó chịu xé!
– Điều đó tôi nghĩ cũng không ra cách, hay là như thế này ...
Bà nghe lời chồng nói thì gật gù:
– Ừ, chúng ta cứ thử xem sao.
– Tôi chắc là thế nào nó cũng đến đây hỏi về tin tức con Ngân, nếu đúng như nó đã gặp con Ngân.
– Tôi cũng nghĩ như ông.
Quả đúng như lời của ông Phong mấy hôm sau Tùng đã xuất hiện ở nhà bà.
Anh vừa bước qua cổng thì bà Phong đã tức giận hỏi:
– Cậu đến đây tìm ai?
– Thưa má ...
– Ai là má của cậu?
– Thưa má, con đến để thăm ba má.
– Hừ, con Ngân nó vì cậu mà chết thì gia đình này chẳng còn quen biết với cậu, ra khỏi nhà tôi đi.
– Má! Thật ra con đến là muốn nói với má một chuyện liên quan tới Ngân.
Bà cau mày gằn giọng hỏi:
– Nó chết rồi mà còn gì liên quan tới nó?
– Thật ra con chưa bao giờ tin là Ngân đã chết, cách đây mấy hôm con có gặp Ngân.
Bà Phong chau mày cắt ngang lời Tùng:
– Nói tầm bậy, cậu gặp nó ở đâu? Tại sao tôi lại không biết?
– Má nói là Ngân không về nhà sao?
Bà Phong cười khẩy:
– Thì ra hôm nay cậu đến đây là để dò la tin tức cho Ngân, tôi nói cho cậu hay, cho dù con Ngân nó còn sống thì tôi cũng không cho cậu gặp nó huống gì là nó đã mất tích bao năm qua. Cậu còn đến đây làm gì? Cứ hễ nhìn thấy cậu là tôi lại càng căm giận, cũng vì cậu mà nó mất mạng, cậu hành hạ nó đày đọa nó cho đến nỗi nó phải đi chết để thoát khỏi cậu, thế mà cậu cũng không tha cho nó, tới giờ phút này cậu cũng còn muốn đeo bám nó, cậu muốn gì ở nó!
– Má! Con đã biết lỗi của mình.
– Biết lỗi thì sao? Cậu đền con gái của tôi cho tôi đi.
– Má! chuyện đã qua con cũng không muốn.
– Không muốn à, chỉ một câu không muốn là được sao? Tôi hận là ngày xưa tôi đã đem con gái của mình giao cho cậu, bây giờ nó mất rồi mà cậu cũng không buông tha cho nó, cậu thật độc ác, thật tàn nhẫn, tôi không muốn cậu dính líu gì đến nó nữa, giấy đây, cậu mau ký vào, coi như từ đây cậu không còn quan hệ với gia đình tôi, với con gái tôi nữa.
– Má!
– Ký đi, từ đây cậu đừng bao giờ để cho tôi thấy mặt cậu, đừng bao giờ cậu đến nhà tôi, ký đi.
– Má!
– Ký mau!
Tùng còn ngập ngừng thì bà Phong đã dúi cây bút vào tay Tùng, anh đành ký tên mình vào tờ giấy mà chẳng có thời gian đọc, bà Phong đắc ý kín đáo mỉm cười, bà giả vờ giận dữ quát mắng Tùng một lúc, mới đuổi Tùng về.
– Cậu nhớ đó, từ đây cậu không còn liên quan gì đến gia đình tôi, kể cả ngày cúng giỗ nó, cậu cũng đừng vác mặt tới, cho dù bây giờ nó đã mất tôi cũng không muốn nó còn quan hệ gì với cậu, cậu cút đi! Đồ tồi!
Ông Phong gật gù bước ra sau khi Tùng bỏ đi.
– Bà thật khéo, tôi đứng đàng sau mà cữ lo không biết nó có chịu nghe lời bà hay nó lại nghi ngờ chúng ta khuất lấp điều gì rồi không chịu ký.
Bà Phong mỉm cười:
– Tôi đã làm thì phải làm được, không chửi mắng hùng hổ với nó dễ gì nó chịu mắc mưu mình, cũng nhờ có ông bày kế, nếu không tôi cũng không biết làm sao nữa, giờ thì đã, có tờ giấy ly hôn này, chúng ta không còn lo gì nó khó dễ con Ngân.
– Biết là thế nhưng tránh trước vẫn hơn, cứ để cho thằng Kiệt đưa con Ngân về quê bà Sáu ở.
– Đã không còn quan hệ gì với nó thì sợ gì! Không phải đi đâu cả con Ngân cứ ở đây với thằng Kiệt xem nó làm gì được.