Nghe GS. Trần Văn Khê kể chuyện… tình
Tác giả: Đỗ Hồng Ngọc
Có thể đọc phần hồi ký để biết thêm những người thầy, người bạn của ông như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Thiều, Nguyễn Văn Cổn, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ngư…; có thể đọc phần Bút ký để theo bước lữ hành của nhạc Việt cùng ông từ Paris đến Bombay, Đài Bắc, rồi từ Phù Tang, xứ sở của hoa anh đào trở về xứ Huế mộng mơ… Nhưng nhất định phải đọc trước hết “Vài câu chuyện tình" được “che dấu” một cách khiêm tốn ở cuối tập "Tiểu phẩm" gồm ba phần Hồi ký, Bút ký và Truyện ngắn của Trần Văn Khê do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành (n ăm 1997).
Dù tác giả đã cẩn thận dặn dò bằng một cái "châpeau" rằng thì là những chuyện này là của nhiều người khác, ông chỉ là người ghi chép lại, người ta dễ nhận ra rằng nhà nhạc học uyên thâm này… đã chân thành kể lại những chuyện tình của chính mình, chính xác đến từng thời gian, không gian cũng như tính cách nhân vật, dưới nhiều cái tên khác nhau nhưng cũng chỉ là của một con người từ thuở thiếu thời đến tuổi xế bóng, từ một học sinh lục tỉnh đến một sinh viên Hà Nội "xếp bút nghiên" dạy học mưu sinh, rồi là một sinh viên đại học Sorbonne ở Pháp đến một giáo sư âm nhạc đi công cán ở Mỹ. Do vậy mà chuyện kể của ông rất thành thực, cảm động với một văn phong giản dị mà màu sắc, mang tính cách Nam bộ khá rõ ràng. "Vài chuyện tình" gần như không có một chút hư cấu trừ chuyện đổi tên và những chổ tác giả tự ý… đục bỏ!
Đó là chuyện kể về một mối tình đầu của… ông, truyện "Hai bức thư", kể về một mối tình trong trắng ngây thơ của Nguyên và Hồng, "đôi trai tài gái sắc" ở miệt vườn: một mối tình nhẹ nhàng mà đằm thắm, hồn nhiên nhưng không kém phần mãnh liệt. "Họ rất thích gặp nhau, nhưng mỗi lần gặp thì mỗi người chỉ ngồi một góc, thỉnh thoảng nhìn nhau mỉm cười…" (tr 311), thế nhưng khi cần bảo vệ người yêu, Nguyên đã nuốt gọn bức thư của bạn tình vào bụng để tránh sự phát hiện của người cô nghiêm khắc. Dĩ nhiên mối tình đó không thành như hàng trăm hàng ngàn mối tình đầu khác, nhưng chuyện bất ngờ làm ta cảm động là bốn chục năm sau đó, hai người gặp lại nhau trên đất Pháp và người con gái ngày xưa nay đã là bà cụ già mà còn phải viết cho Nguyên một bức thư thứ hai trong đời: "Nhưng em xin anh, từ nay về sau đừng bao giờ trở lại đây nữa. Mong anh hiểu và đừng buồn em.” (tr 320). Chuyện làm ta nhớ đến Phan Khôi: “… tình cờ đất khách gặp nhau, hai mái đầu đều bạc, nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được…”; nhưng ở đây không chỉ là hai mươi bốn năm sau mà đến bốn mươi năm sau, thế mà đất khách gặp nhau họ đã vội vã đuổi xua nhau vì sợ dấy lại mối tình ngây thơ từ thuở thiếu thời nơi chốn quê nhà.
"Cô giao liên" là chuyện kể về mối tình câm của cô học trò con nhà giàu ngỗ ngược, cô Ngọc, với ông thầy "Hai mươi ba tuổi, đang học Đại học Hà Nội, trong nhóm Xếp bút nghiêng về Nam tạm dạy học mưu sinh" (tr 321). Thầy Trung nghiêm khắc, khó tánh đã thu phục và biến cô gái nhà giàu kênh kiệu thành một người có lòng yêu nước, trở thành một cô giao liên trong kháng chiến chống Pháp, lặn lội trong bưng biền để mong có ngày gặp lại thầy Trung… "Gặp được thầy là em mãn nguyện rồi. Nhờ thầy mà em không còn là đứa con cưng trở thành đứa con hư đốn, em đã ham học, và đặc biệt đã biết yêu nước, biết làm phận sự một người công dân trong lúc đất nước nguy biến như lời thầy thường giảng dạy” (tr 329). Cô giao liên đó đã hy sinh tại vùng ngoại ô Sài Gòn trong một chuyến công tác về Thành.
"Tình kỹ nữ" là câu chuyện tình của một sinh viên nghèo người Việt, học văn khoa ở Sorbonne và chính trị ở Sciences-Po, đêm đêm phải đi hát ở nhà hàng để kiếm sống, với một cô gái Pháp làm nghề vũ khoã thân. Cô gái có một đời sống “không bình thường" đã vì cảm phục anh sinh viên nghèo mà cô có lòng nên đã tìm mọi cách để có được một đêm làm cô gái "bình thường" bên cạnh anh, để rồi đêm đó Khai – tên chàng sinh viên – "đã sống một đêm tình lạ lùng bất ngờ và vô cùng lý thú" (tr 344). Hai câu thơ kết "Hoa đẹp trên núi cao. Tình nghẹn ngào" như một khúc vĩ thanh ngân vang trong lòng người đọc về mối tình như chuyện liêu trai.
Nhưng chuyện có vẻ liêu trai nhất có lẽ là chuyện "Trăng khuyết vành chờ". Chuyện của giáo sư Trường, dạy nhạc ở một đại học ở châu Âu, trong một chuyến đi Mỹ đã gặp một thiếu phụ xinh đẹp, còn rất trẻ, cô Thu Thuỷ, đã ly dị chồng, làm việc ở một công ty du lịch. Nhờ giáo sư mà cây đàn tranh cẩn xà cừ của cô do nhạc sư VB đóng bấy lâu nay câm lặng đã được “khai khẩu” rồi “bập bẹ" thành những khúc nhạc tình. Giáo sư coi gái như con của mình, tận tình dạy dỗ. Rồi cô gái trả ơn thầy bằng cách đưa thầy đi thăm và khám phá những thắng cảnh tuyệt đẹp của hoang đảo, cho đến một đêm trăng, khi hai người nằm song song trên bãi cát, Thu Thuỷ đã cúi xuống đắp mền che lạnh cho giáo sư Trường, ông bổng nhớ đến những ngày còn thơ, được mẹ mình tấn mền cho mình ngủ (tr 366)…
Ta thử nghe vài câu đối thoại của hai nhân vật:
- Thí dụ nếu như bác hỏi con, con có bằng lòng làm lại cuộc đời với bác không? Thì con nghĩ sao?
Thu Thuỷ lại cười to:
- Bác thí dụ chi một điều không bao giờ hiện thực. Bác là con người của muôn người, của xã hôi, chớ không phải riêng của người nào…
- …. Bác đừng có thí dụ, đừng dùng chữ "nếu".
Dĩ nhiên là giáo sư "thua"!
Từ đó hàng năm, Thu Thuỷ gọi điện qua bờ địa dương thăm hỏi giáo sư vào những đêm trăng sáng như "ánh trăng đêm đó đã soi tỏ và có lẽ còn ghi rõ lòng hai người như một giấc mộng đẹp!” (tr 372).
Tác giả kết chuyện bằng hai câu thơ:
Trăng khuyết dành chờ đợi
Tuy vơi nhưng không mờ…
Làm ta nhớ đến một câu thơ Đường cổ "Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm" , chỉ khác ở đây dù trăng khuyết vẫn không “hao gầy” như mối tình giữa hai thầy trò ở hai bờ đại dương.
"Tiểu phẩm" của Trần Văn Khê là một tác phẩm đáng có trong tủ sách.