watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tập truyện ngắn Dấu chân ngày xưa-Bờ sông xưa - tác giả Đồng Sa Băng Đồng Sa Băng

Đồng Sa Băng

Bờ sông xưa

Tác giả: Đồng Sa Băng

Rút trong tuyển tập truyện ngắn "Dấu chân ngày xưa"
Tác giả: Đồng Sa Băng
Hình minh họa: Tác giả





S ông vệ, con sông ngoằn ngoèo bắt nguồn từ những con suối trong rặng Trường Sơn. Những con suối ăn sâu vào lòng núi thật xa trên quê hương làng mạc Quảng Ngãi của Trường An, Ðồng Kè, Ðồng Ú. Rồi những con suối họp lại thành sông. Sông chảy qua Vạn Xuân, Nghĩa Phú, Nghĩa Thuận, qua đồn Cộng Hòa, và nghiêng mình lách qua những vực thẳm cao vút của đèo Eo Gió, đèo Quán Thơm để đổ về đầu làng tại Bải Hà. Từ đây dòng sông không còn gập gềnh nữa. Lòng sông hiền hòa uốn mình quanh co qua từng làng mạc để cuối cùng đổ vào biền Ðông tại Cổ Lũy. Trước khi đến Bải Hà, lòng sông sâu, nhỏ và chảy xiết, một bên là sườn núi đèo Quán Thơm có dinh Bà, bên kia là chân núi Ðình Cương có dinh Ông. Hai dinh nằm đối diện nhau trên bờ sông, và cũng nơi đây người ta đã từng thấy cọp beo xuống sông uống nước trên hòn đá chải bên cạnh dinh Bà.
Những người đi buôn từ miền xuôi thường mua mắm, muối mang lên miền thượng du để đổi lấy lâm sản như quế, trà, vân vân. Dinh Bà trên đèo Quán Thơm là con đường duy nhất mà bạn hàng từ Thi Phổ, Mộ Ðức, Ðức Phổ phải đi qua.
Mỗi lần đến dinh Bà, những người bạn hàng thường ngã nón, vào dinh thắp cây nhan (vì sợ sự linh thiên huyền bí của cái dinh) rồi mới đi.
Sau ngày “giải phóng” dinh Ông và dinh Bà cũng bị đập phá đi, nhưng ngày nay người dân đã tái lập và thờ cúng hằng ngày.
Khúc sông chạy thẳng từ đèo Quán Thơm đến bãi Phù Sa. Nơi đây nó bẻ khúc quanh 90 độ để đổ về Ðề An, và chảy ra cầu Lá Hai (Ðá Hai), có đến bốn bờ xe nước. Bờ xe Chán Thủy đổ vào ruộng Rộc Máng bên An Chỉ; Bờ xe Xuân Ðình và Ba Bình đổ vào cánh đồng Sa Băng và bờ xe Mễ Hưng đổ vào cánh đồng An Ba.
Ngày đó, ngày còn được chút thanh bình, nó đã lớn lên bên bờ con sông nầy.
Những buổi chiều oi ả mùa Hè nó thường đem bầy trâu ra trầm mình dưới sông. Hôm nay, bắp đã ra hoa, cà đà ra nụ và ruộng đồng cũng đã lên bông, những con trâu chỉ có biết ăn chơi nên thân hình chúng mập nâng ra, da bóng loáng. Mới vừa thấy con nước là nó chạy như điên như khùng làm anh em nó bị ngã nhào xuống bãi cát. Những con trâu đen sì giờ đây chỉ còn thấy những cặp sừng nhấp nhô trong dòng sông, mũi thở phì phèo làm tung bay bụi nước. Trong chốc lát dòng sông yên tịnh giờ rộn ràng với bầy trâu và đám con nít la hò ầm ỷ bên tiếng reo của bờ xe nước. Xa xa trên bãi cát Ba Bình, người thiếu nữ đang giăng chiếc máy quay tơ.
Trời vào tháng Bảy cái nóng càng ngày càng thêm ra. Bầy trâu đang ăn ở gò mã Cây Sanh, nóng qúa một vài con trâu chun vào vũng trâu lăn, lăn qua lăn lại làm bùn sình dính đầy mình. Nó đang đi lùng bắt mấy con châu chấu bào cào cho con chim Chà Chiện, vô tình bị con trâu quật cái đuôi sình bay lên dính đầy mặt, nó bực bội nhảy lùi ra xa vũng sình, rồi mắng “Mã cha mầy, mới tắm rửa hôm qua sạch bách mà bầy giờ lăn sình dơ hết trơn rồi, đồ ở dơ như trâu!” Con trâu cũng chẳng buồn nhìn nó nói những gì. Nó chợt nhớ không biết con chim Chà Chiện hôm nọ cho Mõ Làng nay lớn đến đâu rồi.
Mặt trời xuống qúa xế chều, mấy con trâu mới ăn được lưng lững. Ngày nào cha nó cũng nhắc là phải cho trâu ăn no rồi tắm rửa sạch sẽ thì trâu nó mới mau lớn. Nhưng gò mã Cây Sanh ngày nào trâu bò cũng ra gặm nên lúc nào cũng láng cón như bãi cỏ sân cù, trâu ăn sao no được.
Ánh nắng mặt trời sắp dịu lại rồi, anh em nó muốn lừa trâu ra sông tắm khi ánh nắng còn chút ấm áp trên bờ sông; Trâu còn đói thì tối về nó sẽ rút rơm cho ăn. Nó lấy giỏ bịt mồm (đan bằng nan tre hay giây giang bức từ trong núi) bịt mồm trâu lại để khỏi ăn lúa người ta. Rồi anh em nó trèo lên lưng trâu cho đi vào làng để ra sông.
Những thửa ruộng lúa đang trổ đồng đồng, trải một màu xanh biết xa ngoài tầm mắt, chỉ một vài ngọn gió nho nhỏ cũng đủ làm những bông lúa non uốn mình đùa giởn trên khắp cánh đồng. Ngày đó nó cũng không biết thế nào là mùi thơm của lúa, nhưng nó thích bức bông lúa đồng đồng chứa đầy bộng sửa cắn ăn.
Có lẽ từ ngày sinh ra nó chỉ biết vui chơi và lớn lên bên cánh đồng lúa, nên những lời ca tụng mùi thơm của lúa trong thi văn dường như không để ý đến và thấy nhạt nhoài, xa lạ.
Những lúc ra đồng nó thường bức những hột bông é khô, nhỏ bằng hột lúa chín, bỏ vào lòng bàn tay rồi nhổ một giọt nước miếng lên đó. Nó chăm chăm nhình vào một lúc thì hột é khô nỗ kêu cái tách. Nó lấy làm lạ, vì sao một hột é khô khi bỏ vào nước miếng thì nó lại nỗ lên?
Bầy trâu qua khỏi cổng bờ rào vi, nhìn lại thấy quần áo dính đầy bông cỏ may, nó đưa tay lên gỡ.
Thân hình nhỏ bé, nó ngồi trên lưng trâu trông như con thằng lằn bu cột đình. Qua khỏi chòi canh nó đi ngang ngôi trường làng, ngôi trường bây giờ vắng lặng, cái vắng lặng của lớp học trong những tháng ngày mùa Hè! Và cô giào làng có lẽ giờ nầy cũng đang cặm cụi trên những luốn khoai.
Hôm nay dòng sông thật hiền hòa, nước trôi nhịp nhàng êm ả. Anh em nó cùng một đám con nít vội vàng chạy trên bãi cát nóng bỏng. Ðến bờ nước nó nhảy ùm xuống sông. Dưới cái nóng rực như thiêu như đốt lòng bàn chân, nó mới thấy cái mát êm dịu của con nước dòng sông quê hương là thiên đàng.
Quê hương nó trải dài trên bờ sông nầy. Dòng sông rất hiền hòa nhưng cũng có những lúc mưa gió bão bùng làm điêu đứng dân làng. Những tháng trời không mưa gió, lòng sông chứa đầy những sỏi cát nên con nước lúc nào cũng trong veo. Dưới những hạt sỏi, cát đó, có biết bao nhiêu là sò, ốc, hến và cũng không thiếu một loại đặc sản của quê hương xứ Quảng: cá bóng. Những con cá bóng dồ to bằng cổ tay thì chui trốn trong bờ độn xe, còn những con cá bóng găm thì bơi lững lờ trong dòng nước, với một tiếng động là nó găm mình trong cát.
Dường như ngày nào nó cũng bơi lội trong dòng sông nầy. Nó nhớ ngày đó, cái ngày mà nó bắt đầu chập chửng theo cha ra tắm sông. Nó sợ sệt mỗi lần cha nó ôm xuống nước, nó bám vào cổ cha như con đỉa đói, rồi cha nó hụp xuống nước một hồi thật lâu, ngóc đầu lên, nó thở hổn hển. “Ôm cổ tao cho cứng nghe hông.” Cha nó dặn. Rồi ổng lại hụp xuống nước. Một hồi hụp lên hụp xuống, bây giờ cha nó đặt lòng bàn tay dưới bụng rồi đưa người nó một vòng trong dòng nước, thả tay ra, nó đập hai tay tứ tung, hớp nước sông đầy bụng!
Vậy là từ đó nó bắt đầu làm quen với nước!
Những ngày sau đó nó theo anh ra tắm sông, nhưng nó chỉ dám bò bên bờ nước cạn. Rồi có những hôm đám con nít, những đứa biết bơi, bảo nó phải cho chuồn chuồn cắn rún mới biết bơi được. Vậy là nó bắt một con chuồn chuồn bầu, đưa rún ra và nhắc cái đầu con chuồn chuồn vào rún, nó cắn một cái! Ðau chết bà. Nó nhảy ra sông, với sự hổ trợ của anh nó, từ đó nó biết bơi!
Bây giờ nó bơi thật hay, không những biết bơi mà nó còn biết lặn thật lâu dưới nước. Con sông nơi đây có nhiều cát và sỏi, nó hụp xuống nước rồi cắm mình lủi đến tận đáy sông, lấy hai chân đạp vào sỏi cát và lướt mình về phía trước. Cứ thế làm mãi, nó có thể lặn và di chuyển dưới nước thật xa.
Những người thợ xe chuyên môn lặn hụp dưới nước để xây đắp bờ xe, nên họ là những người thợ lặn chì nhất trên khúc sông nầy.
Hôm nay bên bờ xe nước nầy nó chia phe nhau chơi trò đá tôm. Mỗi bên năm ba đứa, hụp lặn dưới lòng sông, khi đến gần đối thủ thì phóng người lên mặt nước, và búng bàn chân đập lên người đối thủ rồi lặn xuống nước trốn ra xa. Bên nào bị đá trúng nhiều hơn thi bị thua. Có nhiều khi nó bị bên kia đá trúng vào vai vào đầu đau điếng người!
Mặt nước phía trước những bánh xe trông rất bình thản, nhưng khi đến gần bờ xe thì nước chảy xiết và thường tạo nên những lổ bún, nguy hiểm cho con nít. Ngược lại phía sau bờ xe, nước chảy ào ào, xoi đất cát tạo thành những lường sâu và bọt nước tung bay mịt mù.
Ðám con nít nó thường tắm phía sau bờ xe nước và mỗi lần ra đó nó hay đu lên bánh xe để kéo lên nửa chừng thì thả tay ra cho rớt xuống cái ùm. Có hôm nó đu lên bờ xe khi lên cao nó sợ quá không dám thả tay ra và bánh xe đưa nó lên tận trên đỉnh, nó với tay chụp cái máng và nằm trên đó sợ tái mặt. Ông thợ xe phải trèo lên cỏng nó xuống. Nó biết thế nào nó cũng bị một trận đòn nhớ đời mà nó vẫn bám cứng vào người ổng. Khi xưống đến mặt nước nó cố vùng vẫy lặn trốn nhưng ổng chụp nó lại không cho chạy đi, và mang nó lên bãi cát quất cho nó mấy roi đau chết người, xong rồi cột vào gốc bờ máng xe cho đến khi chiều về mới thả nó về.
Hôm đó nó đau và sợ lắm, nhưng những ngày kế tiếp ra tắm bờ xe nó vẫn bu lên bánh xe, mặt cho ông thợ xe rập rình trong chòi.
Bờ xe nước Ba Bình có dòng sông cạn nên phải làm bờ độn ngăn con nước lại để đủ sức đẩy bánh xe chạy đều. Những ngày đầu mùa của tháng Ba, trương cử, những người có phần hùn trong bờ xe đóng góp tre, lá mía và công sức xây dựng nên bờ độn. Khi những hàng cọc và phên tre cắm xuống giăng ngang qua con sông, và những lá mía khô được tấn lên hàng phên tre là từng cặp trâu bò được mang ra kéo cát tấp lên thành bờ độn như một con đê bắt ngang dòng sông.
Người thợ xe trổ hai lổ cổng trên bờ độn gọi là lổ cổng gió để điều hòa mực nước.
Có những lúc những chiếc thuyền, ghe từ dưới Vạn và những miền hạ lưu sông Vệ chuyên chở hàng hóa đem về miền thượng du buôn bán. Hoặc những chiếc thuyền xuôi mái chèo về miền biển là người thợ xe lại ra mở cổng gió cho thuyền lướt qua. Những lúc mưa to gió lớn, mực nước sông dâng cao thì hai lổ cổng gió cũng được mở ra để nước thoát giảm sức ép lên bờ xe.
Bờ sông sau làng là một bãi cát trắng, rộng, trải dài từ bãi Hà đến bãi Phù Sa. Có những buổi chiều nó lội bộ dọc theo bờ sông lên tận Bải Hà và xuống tận đến bãi Phù Sa. Bải cát rộng hàng trăm mét trải từ mé nước đến bìa làng, nơi những lũy tre xanh, cao ngạo nghễ, đứng đón những ngọn gió chiều thổi rì rào. Trên bãi cát là những đám bắp, đậu phụng, đậu xanh, dưa hấu, v.v… và hàng hàng những đám dâu tằm được trồng ngay hàng thẳng lối.
Không biết từ thời nào mà người dân trong làng nó bắt đầu trồng dâu nuôi tằm và dệt lên những tấm lụa làm đẹp cho đời. Những bãi dâu cao quá đầu người, già nua, được chặt xuống để làm thành những tấm vĩ, mành mành làm tổ cho tằm nhả tơ. Rồi trên những đám dâu già nua ấy lại nhảy chồi đâm nhánh thành những bãi dâu non, xanh biết, làm thức ăn cho tằm.
Những buổi trưa, chiều, người thiếu nữ đeo gùi trên lưng ra hái những lá dâu (mulberry) về nuôi tằm.
Cuộc đời con tằm bắt đầu như thế nầy: Những con ngài (moth) được nuôi dưỡng trong cái mâm, ngài sẽ đẻ trứng vào mùa Ðông, trứng sẽ được “ấp” theo nhiệt độ thích hợp và sẽ nở thành tằm (silkworm) vào mùa Xuân. Những con tằm sẽ được rải trong những tấm vĩ, đan chi chít bằng nhánh dâu khô, xếp dựng đứng từng hàng, và suốt ngày đêm tằm ăn dâu để lớn, và lớn rất lẹ. Khoảng một tháng sau (18- 28 ngày) tằm đủ lớn để vương tơ tạo thành kén (cocoon). Những sợi tơ óng ánh, dài có thể đến hàng ngàng mét, quấn tròn lấy con tằm nhiều nuột. Sau năm ba ngày con tằm nằm bên trong con kén sẽ biến thành con nhộng (pupa), nhộng sẽ bị luột chết đi để lấy tơ từ con kén, và một số được giữ lại để thành ngài làm giống cho lứa sau. Và cứ thế, cưộc đời con tằm lại xoai vần.
Nhộng sau khi luột chết đi, sẽ được tách ròi khỏi kén và bán cho người dân dùng để ăn. Phần kén còn lại sẽ được bỏ vào một chậu nước âm ấm, rồi người ta tìm ra cái mối cuối cùng của sợi tơ, buột vào trục quay, và từ đó những sợi tơ rối bù từ kén được gở ra và quay vào trục.
Chiều hôm nao trời nắng ấm, bên cạnh bờ xe nước, với tiếng nước reo rào rạt, là một bãi cát trắng với những bãi khoai lan, khoai mì được xét mỏng đem ra phơi khô. Trên bến sông tiếng gọi đò của bà mẹ già vội vàng qua sông cho kịp buổi chợ chiều, và đây đó một đàn con nít nô đùa trên bãi cát. Cũng trên bãi cát nầy người thiếu nữ giăng máy quay tơ để quay những sợi tơ tằm thành chỉ. Tơ được căng ra ở hai đầu máy và bàn tay thon thon của người thiếu nữ quay đều chiếc máy thủ công, tiếng máy kêu ro ro thật đều như cuộc sống êm đềm của người dân làng. Những sợi tơ óng ả sẽ được mang đi bốn phương để tô thắm cuộc đời cho kẻ giàu sang. Nhưng biết bao giờ người thiếu nữ đó mới thoát cảnh nghèo, hay suốt đời chỉ là con tằm vương tơ.
Và chiều hôm nay, sau bao năm xa cách nó trở về ngôi làng cũ, đứng bên bờ sông xưa. Con sông hiền hòa ngày nào bây giờ khô cạn nước, bãi cát trắng nay thành màu vàng nằm im lìm bên bìa làng. Nhưng tiếng reo của bờ xe nước và lũ con nít nô đùa bên bờ xe đã vắng bóng lâu rồi. Nước không còn sâu nên ông lái đò cũng không còn nữa và hình bóng người thiếu nữ quay tơ cũng đã xóa mờ theo đám dâu tằm, và đâu đây nó nghe tiếng hò: “Em như tấm vải lụa đào, gió đưa, gió đẩy, biết vào tay ai.”
Nó quay bước trở vào làng, miệng ngâm nga mấy câu thơ của bà Huyện Thanh Quan:
Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.



***HẾT***
Tập truyện ngắn Dấu chân ngày xưa
Người xưa
Ly rượu ngày cưới
Bờ sông xưa
Đại bàng gãy cánh
Mưa rừng
Ðồng Sa Băng
Mẹ
Tiếng Kinh Cầu
Khói Thuốc