Mưa rừng
Tác giả: Đồng Sa Băng
Rút trong tuyển tập truyện ngắn "Dấu chân ngày xưa"
Tác giả: Đồng Sa Băng
Hình minh họa: Tác giả
“Ú i chu choa ơi, hôm nay trông lớn quá hả. Ời ời, còn đói hả, để con mẹ mầy đem đồ ăn về nó cho ăn nghen. Dể thương quá, hôm nào tao đem về tao nuôi, tao cho ăn đầy đủ khỏi sợ đói. Thôi nằm đó, tao phải đi đây.”
Trời tháng Ba, nắng, nóng, như thiêu như đốt, những thửa ruộng khô nức nẽ, lộ ra những lằn ngang lằn dọc, như làn da con trâu già dưới ống kính hiển vi. Những con Chà Chiện, Manh Manh đi săn, lùng, những con bào cào, châu chấu bay về đậu gần ổ, nhìn trước nhìn sau như sợ ai thấy cái ổ của mình. Vèo một cái, nó bay lại, nhả con mồi cho đàn con nằm chi chít trong cái ổ chật hẹp, đang há mòm đỏ lỏm trên luống đất cày. Rồi vội vàng bay đi, như cố tình dấu dím, không cho ai biết cái ổ chim con.
Dưới ánh nắng chói chang, mặt mày đỏ lưởng, nó dẫn đứa em trai đi hết đám đất cày nầy đến đám đất cày khác để xem chừng mấy ổ chim Chà Chiện. Nó đợi đến ngày chim con mọc đủ lông đủ cánh nó sẽ mang về nuôi. Nhìn đứa em, nó hỏi:
- Em ưng con nào?
- Con nầy nề.
- À, được rồi, mà nhớ sau nầy đừng có đổi lại nhe.
- Vậy thì tui lấy con kia.
- Hứ, sao mầy nhiều chuyện quá vậy. Cũng được, để con nầy anh đem cho Mõ Làng.
Rồi nó lấy lọ mực bôi lên đầu con chim vừa được chọn.
Từ ngày 23 Tết, trâu đem cầm trên Gành Vườn. Me nó may cho thằng Lái một bộ đồ mới, đưa cho nó một thúng nếp, một ít đường mía và năm ba lon đậu đen. Những thứ nầy là quà Tết để nó về quê ăn Tết. Tội nghiệp thằng Lái, tuổi nó lớn mà thân hình nhỏ chút, người ta kêu là đất điết, nên đi đâu cũng bị mấy đám con nít chọc ghẹo. Nó xa gia đình cũng gần một năm nay rồi. Ừ, Tết nhứt rồi, ai cũng về quê ăn Tết, nó cũng về quê ăn Tết như ai vậy chứ. Nó cõng tè tè trên vai những món quà đi ra đường Cái Quan, rồi nó theo hướng Ðông mà đi. Chiều nay nó sẽ trở lại Cà Ðó, Nông Nông, nơi đó chỉ có mẹ nó và mấy đứa em, cha nó đã bỏ đi đâu rồi, đi hồi nó còn nhỏ hoẻn. Nhà nghèo nên nó phải đi chăn trâu. Cái xứ gì mà nghèo khô nghèo khan, nghèo cháy mồng tơi, nghèo rơi đom đóm, nghèo đến nỗi không còn lấy một giọt mồ hôi. Vậy đó, cho nên người ta mới nói: “Ai về Cà Ðó chịu khó xách ky, tay cầm đôi đủa, chân đi lòm khòm.”
Thằng Lái nó đi một mạch về hướng mặt trời mọc, không thèm nhìn lại, chắc là nó nhớ mẹ và em lắm. Lâu lắm rồi nó mới được về thăm.
Qua ba ngày xuân, anh em nó tha hồ đi chơi. Suốt ngày mặt quần áo mới, nó đi chặt tre làm ống thụt. Có khi nó vác rựa dẫn em vào hóc Tre tìm chặc mấy cây trảu, có khi lùng trong vườn sau, tìm những ngọn tre nho nhỏ, hai anh em nó hoèn xuống, chặt ngọn để làm ống thụt.
Rồi suốt cả buổi anh em nó ngồi ngoài bụi tre cạnh nhà ông Sĩ, mà đẻo mà đục, khoét. Hể nghe tiếng cha nó réo lên là nó dẫn đứa em nó đi xuống lùm tre bên nhà ông Phước, rồi đục, đẽo, quên cả cơm nước luôn. Xong ống thụt bời lời thì nó lại đi làm ống thụt nước, không biết sức lực đâu mà sao thấy nó như con vụ suốt ngày. Vậy mà nó làm ống thụt cũng hay lắm, nó phải biết xem cây tre, cây trảu có cái ống vừa trái sưng hay trái bời lời, mắt dài, cắt ra. Nó chặt khúc đuôi, gần mắt cây khoảng một phần ba gang tay, gắn chiếc đủa con vào làm cán thụt, vậy là xong. Cuối cùng nó lấy lá dừa quấn trên đầu ống thụt cho loa ra, mỗi lần thụt kêu bốc bốc, nó thấy tê tê làm sao!
Ống thụt trái sưng thì tiếng kêu thanh hơn, và mỗi lần thụt trúng ai là thôi, đau chết người.
Nhưng nó khoái nhất là ống thụt liên thanh. Ống thụt liên thanh đốt tre phải dài hơn ống thụt chiếc. Ở gần cán nó khoét một cái lổ, rồi lấy một đốt tre khác lớn hơn gắn vào lỗ khoét làm băng đạn. Trên băng đạn nó cột một chiếc đủa con bằng giây thun, để giây thun rút chiếc đủa đẩy từng trái bời lời xuống. Nó làm cho em nó một cái giống như cái của nó. Nó nhét vào năm, sáu chục trái bời lời trong băng đạn.
“Anh nạp bời lời chi nhiều vậy?”
“Anh đi kiếm Anmota và Chị Hai Ba Lê anh bén!”
Rồi nó dẫn em nó đi thụt điếc lỗ tai làng xóm!
Ra giêng, Tết nhứt qua rồi, hương vị của bánh chưng, bánh tét, những buổi tiệc tùng, bánh trái, và những buổi cờ bạc mua vui cũng phai dần theo ngày tháng. Nhưng người ta nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên cái hương vị của ba ngày Tết hình như vẫn còn lưu luyến, giống như cái buổi ban đầu.
Nó theo Cha lên Gành Vườn lừa trâu về. Lúc nầy lối đi nhẳn hơn, đoàn người trong làng cũng bắt đầu từ dốc Mồng Công mà lên. Khi đến Gành Vườn, trâu ăn khắp nơi. Ðến trưa thì những người chủ trâu đều có mặt, họ chia nhau ai nấy đi tìm trâu của mình. Bầy trâu thấy chủ đến nó cũng mừng. Sau một hồi đi tìm kiếm, la hò, những con trâu được gom lại và chia ra thành từng bầy. May mắn là năm nay không con nào bị cọp chụp, nhưng nghe đâu bầy trâu Nghĩa Phú có một con thất lạc, nó đã theo trâu rừng. Làng nào lừa trâu về làng nấy.
Trong chốc lát Gành Vườn bây giờ trở thành hoang vắng, cái hoang vắng của rừng núi.
Rồi những ngày kế tiếp cánh đồng trở nên nhộn nhịp, những người nông dân vác cày đi trên bờ đê, lòng hớn hở: “Trâu ơi, ta bảo trâu nầy, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta …”
Trời sau Tết càng ngày càng nóng, cái nóng chói chang làm nức nẽ ruộng đồng, nắng như nắng tháng Ba. Những luống đất cày giờ cứng như đá. Cánh đồng vào tháng Ba như một bãi sa mạc, không một ngọn cỏ, và từ trên xuống dưới, ánh nắng hừng hực của ảo ảnh sa mạc cũng đủ làm con mắt nheo lại. Vậy mà anh em nó cũng đi lùng từng ổ chim Chà Chiện, vì, chỉ còn mấy tuần nữa thôi, là, nước từ những bờ xe ngoài sông Vệ sẽ đổ lên cánh đồng nầy. Mấy ổ Chà Chiện cũng sẽ lớn lên, và sẽ bay đi.
Nắng, nóng quá, người ta chỉ trông một giọt mưa, một giọt mưa đầu mùa để cho ngọn cỏ đổi màu, và con mắt không còn nhíu lại.
Hình như con nít lớn lên ở miền quê đứa nào cũng thích nuôi chim. Bắt con chim từ lúc còn nhỏ xíu, nhai gạo nát ra rồi cho chim ăn, nuôi từ lúc thật nhỏ con chim nó mới trung thành và không bỏ đi. Rồi đi đâu cũng để con chim đậu trên bờ vai, lâu lâu nó làm cái bẹt cũng phải ráng mà chịu! Nó để con chim đậu ở một cành cây rồi bước đi năm ba bước xong huýt sáo, đưa tay ra, thế là con chim bay về đậu, nó lấy làm thích thú.
Nó hay tháy máy và thích chơi với súng đạn. Mỗi lần nó lừa trâu vào gò Ðồn ăn, nó nghịch ngợm, hay nghịch ngợm lắm.
Những năm đầu thập niên 60, Gò Ðồn có nhiều rẩy trồng khoai lan, khoai mì và đậu phụng. Khi chiều tối về heo rừng hay xuống ủi phá rẩy nên người ta làm bẩy để gài heo rừng. Ðúng ra là cái súng gài heo rừng.
Người ta dùng một khúc gỗ cở bằng bắp chân và dài cở một thước, đẻo một đầu hình vuông và đầu kia nhọn để dể cắm xuống đất. Ở đầu vuông người ta khoét hai cái lỗ tròn. Một lổ lớn cở bằng đường kính của viên đạn ca-lip, xong gắn một ống sắt dài chừng vài gang tay làm nòng súng. Và một lổ nhỏ bằng đầu chiếc đủa con. Ðối diện với nòng súng người ta gắn cái bẩy đập sao cho cần đập đập ngay vào trung tâm ổ nòng súng.
Chiều lại, khi mọi người đi làm trong núi đã ra về, người chủ súng lắp viên đạn ca-lip, loại có 9 đầu banh nhỏ vào nòng súng. Gài bẩy đập lên và giăng một sợi cước dọc theo chiều dài của đám rau lan, một đầu dây cước cột vào chốt bẩy đập qua lổ nhỏ trên súng. Khi heo rừng về phá phách, đi ngang vướn dây cước, giựt chốt bẩy đập và đập vào hột nổ viên đạn, đạn sẽ bắn ngay vào đầu heo.
Khi trời sáng, trước khi mọi người vô núi, người chủ bẩy phải đi gở đạn ra.
Mỗi lần vào gò Ðồn, lần nào nó cũng đến cái bẩy gài heo rừng mà phá. Nó gài dây lại, và làm con heo rừng ủi đám rau lan chun qua, mắt sợi dây giựt cái bẩy, cái bẩy đập cái cạch, nó cười khanh khách.
Hôm đó nó cũng làm y chang, gài sợi dây lên. Nhưng nó không làm con heo rừng chun qua như mọi lần, mà nó đứng trước sợi dây, lấy cây roi kẹp giửa háng, búng sợi dây, một cái, không sập bẩy, hai cái, không sập bẩy, ba cái, RẦMMMM. Chết rồi … Cái bẩy đập vào hột nổ viên đạn ca-lip, nỗ …vang rền khu núi, xém một chút là lấy mạng con trâu nghé ăn bên đồi. Thì ra ông Sáu Hào sáng hôm đó chỉ gở cái chốt bẩy đập mà không lấy viên đạn ra. Thằng nhỏ sợ xanh mặt. Một lát anh nó vào thế coi trâu, nó không dám băng qua đồng Sa Băng mà vòng lên đường Cái Cát đi về. Ông Sáu Hào vô gặp anh nó lại quất cho mấy roi, nói là tội phá phách! Anh nó lảnh đạn cho nó một cách oan uổng!
Trong làng nghe tiếng sung nỗ lớn, chắc là có chuyện gì rồi. Cha nó lật đật chạy vào gò Ðồn và xạc cho ông Sáu Hào một trận vì bất cẩn và vô trách nhiệm mà còn đánh đứa nhỏ nữa.
Tháng Ba qua rồi, tháng Tư đến, những bờ xe nước bây giờ đang hoạt động. Suốt ngày đêm những bánh xe vẫn chạy không ngừng.
Cái buổi ban đầu rất vui, nó dẫn đứa em ra tận đầu đường mương nước. Nơi mà những giọt nước được mang lên từ sông Vệ, đổ lên máng, chảy róc rách qua một cái máng thật dài qua bãi cát, rồi cuối cùng trút vào bờ mương. Anh em nó và một đám con nít nằm sẳn dưới bờ mương để chờ. Nước trên máng chảy xuống trắng xoá và đổ lên đầu những đứa trẻ, nó vui mừng, reo hò ầm ỷ. Xong rồi nó đứng lên chạy theo con nước, chạy mãi ra cánh đồng.
Mương nước mấy tháng nay khô ráo, rác rến đầy dơ bẩn, bây giờ được tẩy sạch bởi dòng nước. Những gì dơ bẩn thì người ta lấy nước rửa cho sạch, nhưng nước dơ bẩn thì lấy gì rửa đây! Máu. Có người nói, nước dơ bẩn thì lấy máu để rữa sạch!
Thế là cánh đồng lại trổi dậy sức sống. Những người nông dân lại mang trâu, bò, ra cày, bừa, xong rồi những đám mạ nỗi lên xanh rì. Người ta đi nhổ mạ mang ra ruộng để cấy, cánh đồng bây giờ là một rừng nón lá trắng phếu, nón lá của những người đi cấy lấy công. Màu cỏ khô, vàng cháy trên cánh đồng lại từ từ chuyển thành màu xanh tươi, đầy nhựa sống, như những cô gái xuân thì.
Lúa đang lên, và gió mùa tháng Tư trở lại, từng cơn gió ướp lên ngọn lúa và cánh đồng như một dãy lụa phất phơi.
Tháng Sáu tiển tháng Năm đi, rồi tháng Bảy đến. Cái tháng Bảy mà suốt đời anh em nó không bao giờ quên.
Năm đó, Cha nó phải phá cái chuồng trâu để dời nhà anh Hai vào khu đất trong vườn. Chỉ vì miếng đất làng không hợp với tuổi vợ chồng anh Hai, tuổi Tuất, 1934, nên sinh ra đứa con nào mất đứa nấy. Vậy là trâu không có chuồng để ở. Cha nó phải mang trâu cầm trên Sân Ruộng, núi Ngang, đợi khi nào làm xong chuồng sẽ lừa về.
Một hôm, nó dẫn em nó vào bìa cấm Ông Thi chơi. Ði đến ruộng Nhôm ở bìa cấm thì chị nó, người chị mới vừa lập gia đình cách đó không lâu, gọi anh em nó lại, hái dưa hấu, bẻ mía cho ăn, và bảo:
- Hai đứa lên Sân Ruộng lừa trâu về dùm cho chị nhe.
- Chi vẩy chị Năm?
- Thì để cày chứ chi.
- Chị mà cày cái gì, sao không nói anh Năm ảnh cày cho.
- Cái thằng mắt dịch nầy nói lải nhải gì nữa đây!
- Nhưng mà chuồng trâu làm chưa xong mà.
- Cha nói xong rồi, hai đứa ăn xong rồi đi dùm cho tui đi.
Hai anh em nó bổ dưa ra ăn, xong rồi ôm mấy cây mía ra đi, chị nó nói theo:
“Nhớ nghe hông, lên lừa trâu về cho chị đó.”
Nó không trả lời mà cũng không ngó lại mhìn khuôn mặt lo lắng của chị nó lúc đó như thế nào. Nó dẫn đứa em đi, vừa đi vừa xước mía, nó cũng định lên Sân Ruộng lừa trâu về để trả nợ mấy khúc mía và trái dưa hấu mà chị nó “hối lộ” cho hai anh em nó.
Khi tới ngã ba con suối, một nhánh chảy xuống từ hố Trầu, một nhánh chảy xuống từ hóc Tre, và một nhánh chảy vào đập Làng. Nó lấy nón lá đến bên cái mạch, dòng nước trong veo đang nhoi lên từ trong lòng đất, nó múc lên cụm nước để uống. Nhìn lên, nó thấy con đường lên núi sao mà rậm rạp, âm u qúa.
Trời sắp mưa, mà mỗi lần lên Sân Ruộng nó phải đi qua con đường âm u nầy, lần nào nó cũng sợ nhất là khúc đường núi ngắn ngũi nầy. Tự nhiên lòng nó sợ, nó bèn dẫn em đi thẳng vào hóc Tre chơi.
Hóc Tre lúc nào cũng vậy, có con suối nước chảy róc rách, có những lùm tre già ngổn ngang, và xoài núi. Những cây xoài cơm thật lớn, vào mùa trái ra xum xê, nó thường leo lên hái ăn. Hóc Tre có hòn đá bạc bên cạnh cây xoài mà ngày nào đến đó nó cũng trèo lên hòn đá bạc to khổng lồ. Bên cạnh hóc Tre là một cánh đồng lúa gieo, với những hình người nộm dựng bên những cái mõ, gõ suốt ngày đuổi chim. Khi gió thổi, những chong chóng của cái mõ quay tít trên cái trục mõ, và cứ thế, hai cục gõ thay phiên nhau gõ trên mõ lóc cóc lóc cóc, đuỗi chim lúa bay đi.
Nhưng nó thích đi vào hóc ông Thuần để nằm trên những tảng đá to, và bằng riếng dưới hàng cây cau xanh rì. Trời buổi trưa gió hiu hiu thổi, anh em nó nằm ngủ trên tảng đá bên cạnh cánh cánh rừng.
Những người con ông Thuần lúc nào cũng có trong rẩy, thân hình họ bậm trợn với bắp tay cuồn cuộn, có lẽ lúc nào cũng lao động nên mới được như vậy. Có điều là mỗi lần cần nấu ăn, hay đốt cái gì là mấy người thanh niên lực lưỡng đó đi kéo lửa hay lắm. Họ chỉ dùng hai thanh tre khô, một thanh gắn chặt lên mặt đất hay cái bàn, thanh kia đặt nằm ngang với góc 90 độ. Rồi lấy hai tay kéo lên kéo xuống thật lẹ, một hồi thì hai thanh tre nóng lên vì cọ xát, lấy buì nhùi để vào là sẽ bật cháy ngay.
Luồn mây đen lúc nảy kéo đến càng lúc lại càng đen hơn, rồi gió thổi, mây di chuyển, bầu trời đen tối. Giọt mưa bắt đầu rơi.
Những giọt mưa đổ xuống, và gió mang đi tạt lên cánh rừng nghe rào rạt. Dường như tất cả sinh hoạt nơi đây đều dừng lại, chỉ trừ hạt mưa, vẫn rơi.
Không biết từ đâu, nhưng mỗi lần mưa rừng về sao nó thấy buồn ơi là buồn. Ðối với nó chỉ có sự linh động, sự linh động của con người, của chim chóc và của những cái như thằng mõ mới tạo nên sự sống của những người sống miền sơn cước. Nhưng dưới cơn mưa những linh động đó coi như đã bị tê liệt, và cuộc sống nơi đây cũng trở thành buồn tẻ.
Nó cùng đứa em đứng trú mưa trong một căn chòi lợp bằng lá, mưa không lớn hơn nhưng cũng không chịu ngừng lại, nó đành phải dẫn em ra về dưới cơn mưa.
Hôm sau anh em nó trở lại ruộng Nhôm, lại gặp chị nó:
- Trâu đâu?
- Hôm qua trời mưa em không lên đó được.
- Vậy thì hôm nay trời không mưa hai đứa đi cho chị nhe. Ðây nề, dưa hấu và mía chị cho hai đứa nề, ăn rồi đi lừa trâu về dùm chị.
Nó lại ngồi xuống mổ dưa ra ăn, trái dưa hấu chín đỏ, ngọt lịm. Ăn xong nó lại xách mía dẫn đứa em ra đi.
Hôm nay trời còn sớm, mới mười hai giờ trưa mà anh em nó đã đến ngã ba con suối. Nó nhìn em và hỏi:
- Ði hông?
- Ăn mía, ăn dưa hai ngày rồi, không đi sao được. Em nó nói.
Vậy là anh em nó thui thủi bước vào con đường rậm rạp âm u bắt đầu lên núi. Nó đi trước và em nó lủi thủi theo sau. Khúc đường chưa được 500 thước mà nó sợ tái mặt, vì hai bên là những bụi sưng, bời lời cao lớn và đan nhau chằng chịt phủ đầu. Lên khỏi khúc đường nầy thì con đường trở nên quang đảng sáng sủa. Hai bên lối đi chỉ có những bụi chà là, sim, và những bụi cây rừng mọc lòi còi. Ít ra nó cũng nhìn thấy được ánh mặt trời. Nó dẫn em nó lại hòn đá bàn, bằng riếng như cái bàn, trèo lên ngồi chơi. Nó nhìn xuống tháy cấm Ông Thi và ruộng Nhôm bên cạnh.
Lúc nầy em nó cũng ít nói. Hai anh em đi giữa rừng núi hoang vu, không một bóng người, chỉ có cây rừng và rừng. Nó vác cái rựa đi trước, một hồi em nó nói:
- Thôi, đi xuống anh Long, tui sợ quá.
Từ đây đến Sân Ruộng khỏang hơn một cây số nữa. Nó nói:
- Ði tới đây rồi, xuống sao được, em ráng đi một chút nữa đi, sắp đến chỗ trâu ăn rồi, gì đâu mà sợ.
Có lẽ cảnh rừng núi hoang vu làm em nó sợ. Và cái sợ trở thành giây chuyền, nhưng nó nghĩ làm lớn nó phải cứng rắn lên. Rồi hai anh em nó tiếp tục đi tới. Cảnh rừng núi bao la mà anh em nó lại nhỏ bé, vừa đi nó vừa nhìn láo liên chung quanh.
Qua khỏi hòn đá bàn một khúc là tới đầu hố Gà. Con đường xuống hố thật là dốc, và càng vô sâu trong hố thì càng âm u. Ỏ đây thỉnh thoảng có những con nai, mang, đi ăn, vừa thoáng thấy bóng người là nó nhảy vọt qua bụi chà là, coi như biến mất. Cũng tại đầu hố nầy nó phải lựa chọn: nếu đi thẳng thì sẽ lên Sân Ruộng trong, nếu quẹo trái đi về hướng hố Sâu thì sẽ đến Sân Ruộng ngoaì. Sân Ruộng trong và ngoài chỉ cách nhau một cái gò nhỏ, gò ông Phụng, trâu có thể đi qua đi lại dể dàng. Sân Ruộng trong cỏ tốt hơn và có nhiều nước trâu lăn, nên nó quyết định đi thẳng.
Nó dẫn em đi gần đến chân hố Sâu. Từ chân hố Sâu đến Sân Ruộng trong không qúa 400 thước, nhưng con đường đi rất rậm rạp. Những bước chân anh em nó bắt đầu chậm lại, cảnh vật chung quanh dường như bao trùm một bầu không khí khó thở. Nhìn lên trời nó thấy mây đen bay về, ánh nắng yếu ớt soi qua áng mây xám, in bóng cây lên nền đất về hướng Ðông, dường như mưa rừng sắp đổ.
Nó nhìn lại sau lưng thấy bước chân em nó dừng lại, với khuôn mặt đầy cương quyết, em nó nói:
“Thôi, anh muốn đi thì đi một mình đi, tui không đi nữa.”
Nó cũng đứng lại, muốn nói em ráng đi một chút nữa là đến chỗ trâu ăn, nhưng tự nhiên sao nó cũng thấy sợ, sợ cái cảnh hoang vắng của rừng núi.
Ngày xưa nó thường lên Sân Ruộng với anh chị lớn nên nó không sợ, nhưng hôm nay, hôm nay có cái gì là lạ! Rồi không ép buộc em nó nữa:
“Thôi, xuống thì xuống.”
Vậy là anh em nó quay đầu lại đi xuống núi một mạch không dám ngó lại. Em nó đi trước nó đi sau, hai đứa chạy lúp xúp.
Khi vào khúc rừng rậm thì mưa cũng bắt đầu nhỏ hột. Những hột mưa rừng càng làm nó sợ thêm. Hai đứa lật đật chạy xuống cho lẹ. Khi đến ngã ba con suối nó mới hoàn hồn và hết sợ.
Vậy là chuyến đi không thành, nó dẫn em nó trở về tay không.
Chạn vạng hôm đó anh em nó ngồi ăn cơm với gia đình, cha nó hỏi:
“Hai đứa có lên Sân ruộng lừa trâu về cho chị không?”
Nó thuật lại câu chuyện đến nửa đường bỏ về, cha nó không tin:
“Hai đứa đi vào hóc Tre bắt chim bắt chuột chơi phải không?”
Ăn tối xong, cha nó ra bờ rào vi canh gác với những người dân làng.
Khi trời chập choạng tối, những người trong chòi canh phát hiện những bóng đen chạy thình thịch trên cánh đồng và càng lúc những bóng đen đó càng gần bờ rào vi hơn. Những người canh gác đã mỡ chốt lựu đạn chờ sẳn. Những bóng đen càng lúc càng gần bìa làng, và chỉ còn vài chục thước nữa là sát bờ rào vi.
Cha nó phát hiện những bóng đen đó là đàn trâu, và la lên, nên lựu đạn được cất vào!
Những con trâu đem xám bây giờ đã đứng ngay cổng bờ rào vi, cha nó ra mở cổng nhưng cổng đã khóa chặt. Rồi anh Hai nó phải dùng búa đập bể ổ khóa, những con trâu lật đật chạy vào làng, nó vẫn còn sợ, rất sợ. Bầy trâu chạy một mạch về chuồng. Khi thấy chuồng mới, lạ nó không dám vào, nhưng rồi chúng nó cũng phải vào. Không biết đến bao giờ nó mới hoàn hồn. Cha nó đếm thì thấy mất hai con trâu nghé!
Vậy là hai con trâu nghé kia bị làm mồi cho cọp!
Bầy trâu bị cọp chận trên Sân Ruộng từ hồi chiều, chờ đến tối mới chụp. Những con lớn khoẻ mạnh, chạy lẹ nên mới khỏi nanh móng của cọp. Hai con trâu con chạy không khỏi nên đành bỏ mạng!
Cha nó vào nhà ôm hai đứa con mà lòng thổn thức, không nói một lời.
Sáng ngày hôm sau một đoàn người lên núi tìm xác hai con trâu. Khi đến Sân Ruộng ngoài thì thấy xác một con trâu vẫn cò nguyên, con kia chỉ còn lại hai cái sừng. Rồi anh nó đem hai quả lựu đạn, dùng thịt trâu còn lại để giữa hai bụi cây cách nhau vài thước, mở chấu lựu đạn, đặt trong hai cái ống tre trong bụi rồi mắc vào sợi dây, cột vào đống thịt.
Tối đêm hôm đó, khi mặt trời vừa lặn khỏi chân núi thì người dân trong làng nghe một tiếng nổ rền trời. Một tiếng nổ của hai trái lựu đạn.
Ngày hôm sau đoàn người lại lên Sân Ruộng để tìm xác cọp! Hai quả lượu đạn nổ dội con cọp ra xa mười thước, mười thước mới thấy vết máu. Vậy mà không thấy xác con cọp! Rồi từ đó nó đi lên dông núi qua phía Nghiã Phú, nó vòng lên Gành Vườn, qua Mễ Sơn. Và một tháng sau, những người đi cắt tranh bên Mễ Sơn lượm được xác con cọp!
Những năm 63, 64 núi rừng bị động, cọp nó về nhiều hơn, và quấy nhiểu dân làng.
Ngày hôm sau anh em nó ra đường Cái Quan, nhìn vào khu rừng trước mặt, nó vẫn còn sợ. Rồi cơn mưa lại đổ, mưa trên đồng và mưa trong rừng. Giọt mưa nào buồn, và, giọt mưa nào cứu mạng anh em nó!
Mưa rừng ơi! Mưa rừng!
*** HẾT ***
Sưu tầm: Ngô Hữu Đoàn (đã xin ý kiến tác giả)
Nguồn: nghiathuc.com