Chương 9
Tác giả: Duyên Anh
Buổi tối có một cuộc họp mặt đúng như Sơn đã nói với Định. Trước ngày rời Ban Mê Thuột, anh Luyến muốn đám bạn trẻ hãy phê bình lẫn nhau và tự phê bình để rút kinh nghiệm học tập. Là những đảng viên cốt cán, bọn Hạo sẽ phải tổ chức những khóa huấn luyện cho những đảng viên trẻ tuổi mới. Họ sẽ thay thế anh Luyến, anh Đặng, hoặc ông Hiển làm đảo lộn nếp sống tầm thường của đám thanh niên đang ngơ ngác giữa ngã sáu cuộc đời.
Đảng chỉ còn tin tưởng ở thế hệ hai mươi nhăm. Đánh đúng tâm lý của những người trưởng thành trong chiến tranh, khinh bỉ quá khứ, chán chường hiện tại và nghi ngờ tương lai.
Chán chường hiện tại vì, dưới những con mắt ngái ngủ của thời đại, họ chỉ nhìn thấy những hình ảnh méo mó, nham nhở. Họ đâm ra ngờ vực tương lai rồi tự nhận mình là lớp người bị hắt hủi, xua đuổi. Họ chưa từng tham dự mà tưởng như mình đã tham dự nhiều rồi. Họ còn rất trẻ mà tưởng như mình đã quá già nua. Họ chưa bị phản bội mà tưởng như mình vừa mới bị phản bội. Và họ phẫn uất.
Kẻ có ý thức thì vùi đầu vào việc học hành. Kẻ vô ý thức thì lao đầu xuống hố sâu của sa đọa, tội lỗi.
Rồi ảnh hưởng của văn nghệ hiện sinh biến họ thành lớp người ngơ ngác. Họ coi mọi sự trên đời này đều "phi lý" và đáng "buồn nôn".
Đảng muốn kết nạp đám người này, muốn tiêm chất "hữu lý" vào tâm hồn họ để họ nhận ra rằng đời cần phải chiến đấu hơn là ngồi lảm nhảm chuyện "buồn nôn". Đảng thừa hiểu, họ sớm chán nản vì họ muốn làm nên một chuyện gì nhưng không có chuyện gì để có thể làm được. Vậy chỉ có cách hiến cho họ một cơ hội để phục vụ tổ quốc.
Nhưng ai sẽ là người trao cơ hội tận tay họ? Ai sẽ phả vào tâm hồn họ ngọn lửa chiến đấu? Dĩ nhiên, những người đó phải là bọn Hạo.
Các anh sẽ tìm đủ mọi cách, vận dụng mọi khả năng kết hợp cho họ vào đảng. Lớp người mới này, một khi khám phá ra lý tưởng để phụng sự, chắc chắn họ sẽ là những chiến sĩ trung kiên nhất của Cách Mạng.
Sứ mệnh của bọn Hạo nặng nề như thế nên các anh được huấn luyện kỹ càng.
Anh Luyến tối nay có vẻ bớt khắc khổ. Anh móc trong túi ra một hộp thuốc ba số 9. Lại ba số 9. Hạo và Thái bỗng gặp lại hình ảnh thân mật của ông Hiển hôm ở suối vắng.
- Tối nay tôi khao các chú một chầu thuốc lá Anh!
Anh Luyến mỉm cười. Anh xoáy mạnh nắp hộp thuốc, mở tung ra, mời bọn Hạo:
- Nào, ta đốt dần đi trước khi vào chuyện.
Bọn Hạo rất thú vị câu nói khôi hài đầy tính chất đấu tranh của anh Luyến. Họ thay phiên nhau hút thuốc. Anh Luyến châm lửa cho từng người. Riêng Hạo và Thái, hai anh dùng bật lửa của ông Hiển tặng.
Ánh lửa lóe lên, Hạo và Thái hình dung ngay ra người lãnh tụ già. Có cái gì vừa ấm áp, vừa rạo rực, vừa mơn man, vừa ngứa ngáy bò vào tâm tưởng hai anh.
Khói thuốc lan tỏa khắp căn phòng họp. Anh Luyến bảo anh em ngồi xícg gần nhau. Và cuộc kiểm thảo bắt đầu.
- Các chú đừng nể nang gì tôi cả, hãy phê bình quyết liệt đi. Chúng ta phê bình nhau để càng thương yêu nhau hơn, chứ không để oán ghét nhau. Các chú nhớ giùm điều đó nhé. Nào, chúng ta bắt đầu. Trước hết là tôi...
Anh Luyến ngừng lại để rít thêm một hơi thuốc. Đoạn anh nói, sau khi đã nhả khói:
- Tôi có một khuyết điểm rất lớn là ít khi chịu bỏ thì giờ tìm hiểu nếp sống tâm cảm của các chú. Các chú có đồng ý thế không?
Hạo phát biểu trước:
- Em không đồng ý.
Anh Luyến hỏi:
- Tại sao?
- Em cho rằng đó không phải là mộ khuyết điểm vì chúng ta làm gì có thì giờ mà bỏ. Anh em có đồng ý thế không?
Anh Luyến nhếch mép cười:
- Chú Hạo bênh tôi đấy nhé!
Hạo gạt tàn thuốc vào cái lon sữa bò, cãi:
- Không, không khi nào em bênh anh cả, nếu anh có lỗi thật. Đằng này...
Anh Luyến cướp lời Hạo:
- Đằng này sao?
Hạo chậm rãi trả lời:
- Đằng này anh hơi khiêm tốn.
Cả bọn cười cởi mở. Rồi họ lần lượt tự phê bình và phê bình người khác. Cuộc họp không lấy gì làm sôi nổi lắm. Vì ai cũng can đảm nhận những sự nhầm lẫn của mình. Nhưng có điều khiến mọi người ngạc nhiên là Sơn đã tự phê bình mình thật gay gắt. Anh nêu rõ những lý do khiến Hạo, Thái và Định có vẻ "gờm" anh.
Hạo ngồi nghe Sơn nói. Bất giác, anh thấy Sơn chẳng có gì khác anh cả. Sơn cũng mang cái ngông cuồng, cái tàn nhẫn, cái thành tâm tha thiết như anh. Hạo hy vọng rằng trên bước đường công tác sắp tới, anh sẽ làm nổi một việc gì đáng để Sơn khen ngợi.
Mục phê bình và tự phê bình chấm dứt. Anh Luyến trao tiền lộ phí cho bọn Hạo. Mỗi người được lãnh một ngàn rưởi. Vừa tiêu pha vừa trả tiền ăn trong một tháng. Sau đó tự túc. Cơ quan kinh tài chưa hoạt động nổi dưới nanh vuốt của kẻ thù nên tự túc là vấn đề cần thiết đối với đảng viên. Cách mạnh đòi hỏi tranh đấu. Mà tranh đấu đòi hỏi hy sinh và gian khổ. Thỉnh thoảng, anh Luyến thường hay nhắc nhở những lời dặn dò của ông Hiển với đám bạn trẻ của anh. Theo ông Hiển, cuộc cách mạng mà bọn Hạo đang theo đuổi là một cuộc cách mạng hoàn toàn dân tộc. Muốn thế, người làm cách mạng phải dấn thân vào cuộc vận động trường kỳ gian khổ. Trong sự gian khổ đó, người đảng viên cần gạt bỏ mọi quyền lợi riêng tư, cần gạt bỏ vật chất, nguyện hiến mình cho lý tưởng mà không đòi hỏi ở đảng một điều gì.
Bọn Hạo chưa quen sống tự túc. Nhưng các anh tin rằng, khi tung các anh ra hoạt động, các anh sẽ biết dùng trí thông minh và tài năng cá nhân của mình để vừa mưu sinh vừa tranh đấu. Đảng cũng tin thế.
Trong hoàn cảnh hiện tại, hoàn cảnh mà văn minh cơ khí dọa nạt tất cả mọi sự chống đối, chỉ những người thiết tha yêu nước, thương nòi, mới dám nghĩ, tính chuyện trứng chọi đá. Bọn Hạo đúng là những quả trứng. Những quả trứng mỏng mảnh thách thức với bom nguyên tử của đế quốc, tư bản và cộng sản.
Người ngoại cuộc có thể coi các anh như những thằng điên. Song các anh biết chắc chắn các anh không điên khi các anh nương hồn mình về quá khứ oanh liệt của tổ tiên.
Anh Luyến hít hơi thuốc cuối cùng. Đoạn anh hỏi:
- Các chú còn gì thắc mắc không?
Đám bạn trẻ nhìn nhau. Họ muốn kiểm soát lại xem còn thắc mắc gì.
- Tôi chắc các chú không còn dịp nào về đây nữa, cho tới khi công việc của chúng ta đã thành công.
Vậy các chú nên coi đây là cuộc chia tay vĩnh viễn với núi rừng Ban Mê Thuột.
Hạo nhắc lại:
- Chia tay vĩnh viễn với núi rừng?
Anh Luyến đáp:
- Phải cần chia tay vĩnh viễn vì bọn "cớm" của ông Diệm sắp đánh hơi thấy chỗ dấu "hàng hoá" của anh em mình rồi.
Thái hỏi:
- Thế còn anh?
Anh Luyến vặn mình đánh rắc một cái:
- Tôi hả? Các chú đừng lo. Con "chó biển" này dễ gì mắc lưới hèn mọn của chúng nó.
Con "chó biển" là một biệt hiệu của anh Luyến. Tên đó nổi tiếng từ thời đảng tranh, khoảng những năm 1944-1946. Nó càng nổi tiếng từ thời gian kháng chiến chống Pháp. Con "chó biển" Luyến đã vùng vẫy miền duyên hải Nam Định và đã gây bao sóng gió cho địch thủ. Con "chó biển" là tuổi trẻ của anh Luyến, là biểu tượng tranh đấu của nhóm bạn trẻ của anh.
Mỗi người trong bọn Hạo đều muốn làm một con chó biển. Tuy nó rất mơ hồ. Chưa ai gặp nó. Và bây giờ, con chó biển ấy cũng chưa "sủa" được tiếng nào để gợu nhớ cái dĩ vãng hiển hách của nó. Nhưng bọn Hạo cứ tin rằng con chó biển đang đứng trước mặt họ, theo thời cuộc, tạm thu móng vuốt chờ đợi ngày chồm thẳng tới phía kẻ thù mà cào cấu.
Anh Luyến nhận thấy câu nói của mình chủ quan quá, không có lợi cho đám bạn trẻ của anh. Anh chữa lại:
- Tôi phải phê bình thật gay gắt. Lần này chú Hạo hết binh tôi rồi.
Hạo hỏi:
- Anh định phê bình việc gì?
Anh Luyến đáp:
- Một lời nói nặng chủ quan.
- Thí du.....
- Thí dụ tôi, quá tự tin mà khinh thường bọn "cớm" của ông Diệm. Chúng ta không được quyền khinh thường một điều gì dù nhỏ mọn đến đâu. Chung quang chúng ta toàn là kẻ thù. Vậy chúng ta nên cẩn thận trong lời nói, việc làm của mình. Các chú đồng ý chứ?
Đám bạn trẻ cùng nhìn anh Luyến rất lâu. Những tia nhìn đó biểu lộ sự đồng ý. Cuộc họp sau đó biến thành cuộc nói chuyện tay đôi, tay ba rất thân mật, cởi mở.