watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Con Thúy-Chương 1 - 5 - tác giả Duyên Anh Duyên Anh

Duyên Anh

Chương 1 - 5

Tác giả: Duyên Anh

1.
Trời bỗng trở lạnh. Mới đêm trước còn oi nống, sáng sau không khí đã dụi mát cơ hồ bước chân mùa thu lén về trong giấc ngủ nửa khuya của dân tỉnh lỵ. Mùa hạ đã hết đâu. Những con tu hú cuối cùng chưa chịu dời miền xuôi. Nước sông Trà Lý vẫn dâng cao, ngầu đỏ phù sa. Và họ hàng nhà ve sầu vẫn rên rỉ điệu nhạc buồn hoài.
Vũ dậy thật sớm. Nó ngồi ngoài cửa chờ bánh tây thịt quay của Phương hen.Vũ mê bánh tây thịt quay của Phương hen đến nỗi nhớ cả những ngày con nước, Phương hen nằm nhà dạo nhạc cò cử không đi bán bánh. Phương hen là người bạn thân của bọn thằng Vũ. Chỉ bọn thằng Vũ mới được bốc thịt quay nhét vào bánh. Phương hen không tính thêm tiền hay kỳ kèo gì cả. Phương hen thì khoái bọn thằng Vũ vì chúng nó trung thành với bánh tây thịt quay của Phương hen. Chúng nó ăn bánh tây suốt niên học. Hôm nào Phương hen bị lên cơn hen nằm nhà, bọn thằng Vũ mới chụi ăn bánh cuốn, ăn phở điểm tâm. Bánh tây thịt quay, bánh tây chả quế, chả bò nhiều duyên nợ với học trò. Ở Hà Nội bánh tây chả bò ngon hơn bánh tây thịt quay ở Thái Bình. Nhưng Vũ cứ nhớ bánh tây thịt quay của Phương hen.
Vậy mà, sáng nay Phương hen đến muộn như mặt trời dậy muộn. Ngày con nước lớn qua rồi, giờ này Phương hen chưa đi bán bánh, chắc là Phương hen bận việc. Phố xá mỗi lúc một tấp nập. Tiếng rao quà bánh ơi ới. Thị xã dễ yêu nhất vào buổi sáng, buổi trưa và đêm khuya. Những sáng mùa đông vừa tung chăn đã nghe tiếng rao bánh hấp, bánh khúc nóng chỉ muốn ăn ngay không thiết rửa mặt, đánh răng. Những trưa hè, nghe hàng đậu hoa, hàng canh bánh đa mời mọc, quên cả mệt nhọc. Và ban đêm, buồn ngủ trĩu mắt, nghe ông già bán lục tầu xá, bỗng tỉnh ngủ. Học xong bài thi, có chú khách bán xôi lạp xường, phải vét tiền chạy ra làm một đĩa. Những miếng lạp xường mỏng dính như giấy viết thư, điểm lơ thơ trên đĩa xôi trắng hay giọt nước hoa trong vắt nhỏ xuống bát lục tầu xá, sao mà luyến lưu thế !
Vũ định mua xôi lúa, nhấm nhá chất ngậy bùi của hành phi mỡ vàng óng, rồi tới rủ Côn, Luyến, Long đi câu cá rô dưới An Tập. Vũ đã rang gạo, giã nhỏ, rây bột và nghiền mẻ làm mồi câu từ hôm qua. Câu cá rô bằng mồi bột gạo rang nghiền mẻ sạch tay chứ không bẩn như câu bằng mồi tép ươn. Vũ cũng để dành một hộp mai cua thối. Nếu bọn thằng Côn thích câu cá rói thì vào Phúc Khánh câu. Vũ tính toán rất kỹ những ngày hè sắp hết. Đêm nay, bọn nó về Đoan Túc câu cá trê. Câu cá trê thích nhất. Khi giật chú cá lên, dưới ánh trăng, chú cá đen nhẫy giẫy giụa, miệng kêu ẹo ẹo . Gỡ chú cá trê khỏi lưỡi câu mất công lắm ! Lớ ngớ bị ngạnh nó đâm vào tay, nhức buốt cả đêm. Thằng Khoa đã bị ngạnh cá trê đâm. Nó đau quá, vất cả cá lẫn cần câu xuống ao.
Vũ đứng vậy, vươn vai. Nó chưa kịp đi vào nhà lấy bát đi mua xôi lúa thì nghe thấy một loạt súng nổ ở phía cầu Bo. Rồi những bước chân chạy huỳnh huỵch trên đường phố. Phố xá đua nhau đóng cửa. Thị xã như sống lại ngày Nhật đảo chính Pháp. Một lát, toán lính Nhật và hai người thông ngôn, súng cầm hai tay gắn lưỡi lê, cắm đầu chạy. Toán lính Nhật canh giữ cầu Kiến Xương đây. Vũ không sợ hãi. Nó bước ra hè đứng xem ai đuổi Nhật. Súng bắn chỉ thiên đòm đòm. Từ phía cầu Kiến Xương, hàng chục người mặc quần áo nâu, kẻ đeo súng trường, kẻ cầm dao rượt lính Nhật. Họ vừa chạy vừa la hét :
- Đồng bào nằm xuống !
Dân thị xã đã tập phòng thủ thụ động, nằm hết xuống vỉa hè, khe cống. Một người giơ khẩu súng lục, bắn liền hai phát, hô lớn :
- Đả đảo Nhật lùn.
Vũ sướng mê tơi. Nó biết thầy Đàn đã về thị xã đánh đuổi Nhật. Nước ta sắp độc lập. Vũ muốn phóng ngay tới nhà thằng Côn, đập cửa nhà nó thình thinh, báo tin mừng thầy mình đã về .
- Đồng bào nằm xuống kẻo Nhật lùn bắn chết !
Người khác vung lưỡi kiếm :
- Đả đảo phát xít Nhật !
Vũ ngóc đầu lên :
- Đả đảo...
Rồi nó vùng dậy, ba chân bốn cẳng chạy tới nhà thằng Côn. Hai đứa gặp nhau giữa đường. Côn ôm chặt lấy Vũ :
- Bố tao bảo Nhật thua bét tĩ.
Vũ nghiến răng :
- Đi bắt một thằng Nhật trói chặt tay, dẫn nó diễu phố.
Côn giậm chân :
- Nhất định tao trả thù cho thằng Vọng.
Hai thằng bé nhẩy cỡn. Khuôn mặt chúng rạng rỡ. Bốn con mắt long lanh, Mặt trời bỗng chui khỏi đám mây u ám. Thị xã ngập ánh nắng. Lá cây xanh mướt. Vũ nắm chặt tay Côn chạy đi gọi Luyến, Long. Bốn đứa trẻ theo đuôi đám người mặc quần áo nâu ào ào tràn lên phố chính. Bên kia cầu Bo, đoàn người ùa vào thị xã đông như kiến. Lính Nhật canh giữ cầu Bo cũng chạy dài. Bên ta ngắm lính Nhật nổ súng. Nhưng lính Nhật không ngã tên nào. Côn mím môi, nhăn nhó :
- Lính khố xanh bắn như củ thìu biu !
Những người mặc quần áo nâu, mang súng đều là lính khố xanh. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, lính khố xanh biến thành An Vệ Dân. Bọn thằng Vũ quen mặt hết lính khố xanh của thị xã. Luyến tiếc rẻ :
- Tao quên súng cao su ở nhà rồi. Ông mà tia đạn sỏi, Nhật lùn sẽ ngã sấp mặt.
Hai bên đuổi chạy. Bên đuổi bắn liên tiếp. Đạn toàn trệch. Có người đứng lại, nâng súng ngang vai, ngắm hàng phút đồng hồ mới bóp cò. Đạn không chịu nổ ! Long cười khúc khích :
- Đạn bên ta thối !
Đến gần nhà thương, một người lính Nhật quay lại bắn. Hai người áo nâu trúng đạn, ngã gục giữa đường, máu chảy lênh láng. Quân ta đang chạy nhanh, bèn phanh chân. Chờ lính Nhật chạy xa tầm súng, quân ta mới tiếp tục đuổi. Ở những phố khác, quân ta chết nhiều mà Nhật chẳng việc gì. Bọn thằng Vũ ức quân ta vô cùng. Con nhà Côn mở miệng la chê "lính khố xanh bắn như củ thìu biu " ! Lính Nhật kéo nhau về câu lạc bộ. Quân ta không dám tiến vào. Một người đeo súng lục ngang hông, nắm trái đấm giơ ngang vai, dõng dạc nói :
- Phát xít Nhật bị vây rồi. Anh em chờ lệnh tiêu diệt chúng.
Những khẩu súng mút cơ tông nạp đạn rầm rập. Lưỡi lê gắn đầu súng. Lưỡi lê chả sáng bóng tí ti ông cụ nào. Chỉ có những con mắt là sáng thôi. Người đeo súng lục hô to :
- Đả đảo phát xít Nhật !
Hàng trăm bàn tay nắm chắc giơ cao, hét muốn vỡ tung lồng phổi :
- Đả đảo...
- Đả đảo Việt gian liếm gót giầy Nhật !
- Đả đảo.
- Cách mạng thành công muôn năm !
- Muôn năm...
Người đeo súng lục, khuôn mặt nhễ nhãi mồ hôi, dáng điệu anh dũng, gân cổ :
- Ta hát mừng cách mạng ! Chú ý : Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, một, hai, ba...
Bài hát mới lạ, không ai thuộc. Chỉ độ mười người hát theo :
- Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...
Ngay cả những người lính khố xanh, mặc quần áo nâu, tay lăm lăm súng mút cơ tông gắn lưỡi lê rỉ cũng ngây mặt nghe hát. Bài hát không vang vọng bằng bài "Tiếng gọi sinh viên " hôm giỗ tổ Hùng Vương. Người đeo súng lục chừng hiểu thế, vội vẫy tay :
- Thôi, nghỉ hát. Tôi xin nói về tội ác của phát xít Nhật !
Người này kể rằng thực dân Pháp giấu thóc, phát xít Nhật lấy ra, đốt thóc thành than để dân ta chết đói một triệu người. Nhật sát hại hàng nghìn nhà ái quốc Việt Nam. Người đeo súng lục nghiến răng ken két diễn tả một bà mẹ bị Nhật dùng kiếm cắt hai cái vú rồi mổ bụng moi gan ăn sống. Người này phẫn uất hô khẩu hiệu :
- Đả đảo phát xít Nhật !
Người đeo súng lục kể tiếp :
- Nhật bắt nhà ái quốc Việt Nam tra tấn dã man. Chúng căng họng nhà ái quốc Việt Nam, đổ cả thùng nước xà phòng vào dạ dầy rồi giẵm lên bụng. Nước xà phòng phọt ra tai, mắt, mũi, miệng nhà ái quốc Việt Nam. Chúng ta phải trả thù bọn phát xít Nhật.
Hàng trăm cánh tay lại giơ cao, hò hét :
- Đả đảo phát xít Nhật !
Côn đã thấy lính Nhật giáng báng súng vào mặt anh Đạo. Tự dưng, nó nhớ thằng Vọng vô cùng. Giá Vọng không bị Nhật làm chết đói, nó sẽ bắt thằng Việt gian Ban và trả thù cho anh Đạo. Côn rơm rớm nước mắt. Nó buột miệng hô :
- Đả đảo Việt gian !
Người lớn giơ tay hô theo :
- Đả đảo...
Nhưng giọng hô đả đảo bắt đầu uể oải. Đoàn người áo nâu vây lính Nhật chờ lệnh tấn công câu lạc bộ đã mỏi chân. Họ ngồi xuống đường móc thuốc lá châm hút. Có người thèm rít một điếu thuốc lào. Nắng ngập đầu họ. Cổ họng họ cháy khô. Họ khát nước. Vài người bỏ hàng ngũ, xách súng đi xin nước uống. Không khí dần dần uể oải, không quyến rũ nổi bọn thằng Vũ. Chúng nó bỏ xuống ngã tư Vũ Tiên.


2.

Ở đây, dân từ các làng Đồng Thanh, Ô Mễ, Thắng Cựu, Đoan Túc kéo nhau lên tỉnh. Họ cũng phải ngồi chờ lệnh tiêu diệt giặc lùn. Đàn bà ngồi nhai trầu, nhổ quýt trầu đỏ lòm bừa bải. Đàn ông thay phiên nhau hút điếu cầy. Đi đánh Nhật mà còn mang theo cả điếu cầy, bùi nhùi bện bằng rơm ! Đoàn người vây Nhật ngã Vũ Tiên rất ít súng. Người chỉ huy đeo khẩu mút cơ tông không gắn lưỡi lê. Ông ta mặc quần đùi, đầu đội khăn xếp và hàm răng đen nhức hạt na. Vũ nghĩ giá ông ta cắm cái lông ngỗng trên trán thì trông ông ta giống mọi da đỏ. Thỉnh thoảng, người chỉ huy đạo quân đánh Nhật lại trèo lên cái bục của phú lít ở giữa ngã tư, hai bàn tay um úp đưa sát mắt làm cái ống nhòm nhìn vào câu lạc bộ. Rồi nói lớn :
- Nhật sắp hàng rồi. Chúng nó đang thu dọn đồ đạc :
Đoàn người reo hò ầm ỹ. Người chỉ huy ra lệnh :
- Anh chị em đứng nên . Hễ giặc nùn rút nui qua Nam Định, ta sẽ bắt sống chúng.
Ông ta cao hứng, hô khẩu hiệu :
- Việt Nam độc nập muôn năm !
Bọn thằng Vũ ôm bụng cười khúc khích. Luyến vỗ vai Vũ :
- Nhà ái quốc này ngọng líu lưỡi !
Vũ hậm hực :
- Giống mọi da đỏ vây xe cao bồi quá. Ở Hà Nội là tấn công rồi. Dân Hà Nội cừ ba chê . Dân Thái Bình hạng bét. Răng đen nói ngọng mà đòi đánh Nhật.
Côn xoa tay :
- Giá bọn mình là người lớn nhỉ ?
Long gật gù :
- Ừ, là người lớn, bọn mình đánh bay Nhật lùn rồi. Lính khố xanh bắn mãi chả chết thằng lùn nào thì chúa mọi da đỏ sẽ tho . Chỉ được cái nước nói phét.
Vũ kể lể :
- Tao thấy dân Hà Nội giết Nhật giữa phố đông người.
Côn hỏi :
- Mày có phiệu không đó ?
Vũ vênh mặt :
- Mày chưa được ở Hà Nội thành ra mày không tin tao. Học sinh trường Bưởi dám vây trường Albert Sarraut đánh tụi Tây chẩy máu mũi. Hà Nội chiến lắm.
Côn bỏ qua chuyện Hà Nội của Vũ. Nó hướng tầm mắt nhìn lá cờ mặt trời chói chang dưới nắng lửa. Giọng nó buồn buồn :
- Tại thầy mình chưa về.
Luyến phân vân :
- Ừ, sao thầy mình chưa về nhỉ ? Thầy mình mà về, cờ Nhật lùn bị hạ tút xuỵt.
Long lo ngại :
- Nhỡ mình không thắng Nhật lùn, nó trả thù thì chết hết.
Bốn đứa trẻ nhìn nhau. Chúng cố nhớ hình ảnh những thằng móc túi bị lính Nhật rút kiếm chém đứt bàn tay : những người nghèo, xóm nhà thằng Vọng, ăn trộm thóc của ngựa Nhật bị treo chân lên cành cây, đầu dốc xuống, chết giẫy giụa, đau đớn. Nhật ác hơn Tây. Nhật giết mẹ con thằng Vọng. Nhật bắt thầy Đàn dời bỏ ngôi trường thị xã. Chẳng biết thầy Đàn có mặt trong một đoàn người áo nâu nào không. Nhưng thằng Vọng thì chết rồi. Nó chết giấm giúi, chết không được nhìn xác mẹ nó.
- Cách mạng thành công muôn năm !
Người mặc quần đùi đeo khẩu mút cơ tông đã tháo súng khỏi vai. Ông ta hô hoán rồi chĩa súng lên trời bóp cò. Súng giật mạnh khiến ông ta ngã bổ chửng. Ông ta đứng ngay dậy, hất đầu :
- Tiến nên !
Đoàn người tay cầm liềm, cầm dao, cầm gậy chạy theo người chỉ huy răng đen đội khăn xếp. Họ hô vang khẩu hiệu đả đảo và múa gậy, máu dao y hệt mọi da đỏ từ các khe núi ào ra tấn công đoàn xe của cao bồi. Những chiếc bùi nhùi ngược gió, cháy bốc khói trông vui mắt đáo để. Bọn thằng Vũ ngạc nhiên thấy đoàn dân quê chạy tiến vào phía trại Nhật. Đã có lệnh đâu ? Chúng nó vội vàng chạy theo.
Lúc ấy, mặt trời đã cao bằng đỉnh đầu. Những đoàn người áo nâu vây chờ khắp lối dẫn tới câu lạc bộ đã đến trước đoàn người ở ngả Vũ Tiên. Lính Nhật chĩa những họng súng máy đen ngòm ra ngoài. Chung quanh sân vận động, lính Nhật dàn hàng, lăm lăm nhả đạn. Hai cổng nhỏ dẫn vào sân vận động, lính Nhật xếp đầy bao tải cát. Trên thềm câu lạc bộ, mấy người sĩ quan đeo kiếm oai vệ.
Quân ta chỉ cách quân Nhật một vệ cỏ và bức tường thấp. Hai bên nhìn nhau căm giận. Mà không nổ súng. Quân ta hô khẩu hiệu. Quân Nhật cười. Một người tức quá, gân cổ chửi :
- Tiên sư Nhật lùn ! Mày dám cười các bố mày à ?
Nhật lùn híp mắt cười thêm. Người khác bắt giọng :
- Này thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng...
Bài hát vừa trỗi dậy đã bị la ó :
- Đừng hát bài đó. Hát bài này. Chú ý, nghe tôi đây : Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc... Một, hai, ba...
Người ta cãi nhau ỏm tỏi về bài hát. Giữa lúc ồn ào xuýt xẩy ra đấm đá thì chiếc ô tô đít vịt xuất hiện. Đoàn người vây Nhật dạt sang môt bên để xe quan đầu tỉnh đi. Chiếc xe chạy từ từ rồi dừng trước cổng chính. Hai viên sĩ quan Nhật bước xuống, ra tận cổng bắt tay quan đầu tỉnh. Họ vào trong câu lạc bộ. Nửa tiếng sau, quan đầu tỉnh ra cùng với hai viên sĩ quan Nhật và người thông ngôn.
Quan đầu tỉnh giơ cả hai tay lên cao :
- Hỡi quốc dân, Nhật đã đầu hàng trên khắp chiến trường.
Mọi người nhẩy cỡn reo hò. Lính Nhật đứng nghiêm, đầu hơi cúi và không còn cười híp mắt nữa. Họ có vẻ buồn thảm.
- Nước nhà độc lập từ hôm nay. Người Nhật không dám sát hại dân ta nhưng dân ta không được sát hại lính Nhật. Chỉ đồng minh mới có quyền xử họ. Đồng minh sẽ tước khí giới Nhật và bỏ tù họ. Viên chỉ huy Nhật ngỏ ý xin lỗi quốc dân vì đã bắn chết vài người của ta. Bây giờ, họ muốn chúng ta để súng bên ngoài rồi mới được vào sân vận động làm lễ mừng ngày độc lập.
Một người thanh niên tách khỏi đám đông, bước gần cổng, dõng dạc :
- Chúng tôi không chịu bỏ súng bên ngoài.
Quan đầu tỉnh nói :
- Nếu vậy lính Nhật nổ súng và thị xã tan nát. Lính Nhật còn thừa súng đạn đánh nhau cả tháng. Đằng nào họ cũng thua trận rồi, họ tốt với ta nên muốn hòa.
Người thanh niên hỏi :
- Chúng tôi phải được hạ cờ Nhật, kéo cờ Việt Nam.
Quan đầu tỉnh bảo người thông ngôn nói cho viên chỉ huy Nhật nghe. Người thông ngôn nói lại :
- Cờ Nhật trên cờ Việt Nam !
Người thanh niên hằn học :
- Cờ Nhật dưới cờ Việt Nam. Nhật bại trận rồi.
Người thông ngôn nói nhỏ. Viên chỉ huy Nhật lắc đầu, xí xố tiếng Nhật. Người thông ngôn nói :
- Không kéo cờ nước nào cả.
Người thanh niên cương quyết :
- Vậy chúng tôi rút và đánh Nhật từ đêm nay. Chúng tôi sẽ giết hết lính Nhật.
Quan đầu tỉnh và hai viên sĩ quan Nhật lại vào câu lạc bộ bàn bạc. Lát sau, chỉ có quan đầu tỉnh và viên chỉ huy bước ra. Quan đầu tỉnh phấn khởi :
- Nhật bằng lòng hạ cờ để chúng ta kéo cờ Việt Nam. Họ xin chúng ta tôn trọng lời hứa.
Người thanh niên dứt phăng ngực áo. Những chiếc khuy rơi rụng :
- Chúng tôi hứa danh dự.
Viên sĩ quan tuốt kiếm, cúi đầu chào người thanh niên. Lập tức, những lối vào sân vận động được lính Nhật dẹp bỏ bao tải cát. Bên ta dựng hết súng mút cơ tông ở chân tường. Gậy, dao, liềm, súng lục chất đống. Bây giờ, dân thị xã kéo tới rất đông. Đàn ông, đàn bà, trẻ con đều bị lính Nhật xoa nắn khắp mình khám xét xem có đem vũ khí vào không. Nhật đã dở trò phản bội. Lính Nhật vừa khám đàn bà, con gái vừa cười. Ai cũng phải giơ tay cho lính Nhật khám. Lính Nhật chụp ảnh. Người thanh niên nhẩy song phi đá tung máy ảnh của lính Nhật, vồ lấy, tháo phim, lôi ra. Viên chỉ huy hét lớn. Lính Nhật không dám làm gì người thanh niên.
Vũ nhẩy xô lại nắm tay người thanh niên, khen ngợi :
- Anh cừ quá !
Côn nheo mắt :
- Mày còn chê dân Thái Bình nữa không ?
Nó hỏi người thanh niên :
- Tên anh là gì ?
Người thanh niên xoa đầu Côn :
- Huy.
Vũ mở to mắt chiêm ngưỡng người nó mến phục :
- Anh Huy, anh không đeo súng à ?
Huy chỉ ngón tay vào ngực :
- Trái tim mạnh hơn súng.
Anh ta giục bọn Vũ :
- Các em vào dự mít tinh đi.
Lính Nhật vẫn khám xét từng người. Vũ kéo bạn sang bên kia đường. Nó nhặt đá nhét vào túi quần soóc. Côn hỏi :
- Chơi trò gì đây ?
Vũ đáp :
- Xỏ tụi giặc lùn.
Bốn đứa trẻ khuỳnh tay, hiên ngang bước qua cổng. Lính Nhật nắn túi quần chúng. Tưởng tạc đạn, lính Nhật dạt xa, chĩa súng đề phòng. Bọn thằng Vũ giơ tay lên trời. Chờ một tên lính Nhật lôi đá khỏi túi quần, chúng "a ri ga tô " chế nhạo và cười sung sướng. Vũ tưởng nó đã trả thù cho dân thị xã. Chúng nó cắm cổ chạy nhưng còn cố quay lại lè lưỡi chửi gỡ Nhật lùn.




3.

Bọn thằng Vũ đã lách qua mấy vòng đai người lớn để được nhìn rõ chân cột cờ. Những tên lính Nhật hung ác hôm giỗ tổ Hùng Vương đang đứng nghiêm, hướng về phía mặt trời mọc. Lá cờ Nhật từ từ tụt xuống. Y hệt mặt trời lặn vào buổi chiều. Khi lá cờ được gỡ ra khỏi sợi dây, nước mắt lính Nhật ứa ra, chẩy đầm đìa. Bây giờ, khuôn mặt họ lầm lỳ, buồn thảm. Vẻ hung ác biến mất. Một tiếng cười vang dậy trong đám đông. Lính Nhật hướng mắt tìm nơi có tiếng cười chế nhạo. Nhưng họ cúi đầu. Họ đã là những kẻ bại trận. Mười một người cùng nâng niu lá cờ Mặt Trời, xoay lưng lại và bước nhanh trả giây phút vinh quang cho dân Việt Nam.
Anh Huy phóng nhanh tới cột cờ. Hai bàn tay nắm chặt hai sợi dây. Gió bỗng thổi mạnh. Tóc anh Huy lộng bay. Anh hét vang :
- Giờ lịch sử đã điểm, chúng ta kéo cờ và tung hô Việt Nam vạn tuế !
Anh Huy lôi từ túi quân tây ra một lá cờ vàng. Rất nhanh nhẹn, anh khiễng chân giơ cao cho mọi người nom thấy.
- Hỡi quốc dân, đây là quốc kỳ Việt Nam !
Anh Huy chưa kịp buộc cờ vào dây thì hàng chục người áo nâu đã ào ra, đẩy anh ngã chúi. Họ móc lá cờ đỏ giấu trong ngực, buộc vội vàng rồi kéo lên. Lá cờ đỏ bay phần phật. Dưới nắng trưa, lá cờ chói chang, ngạo nghễ. Cả thị xã ngước nhìn lá cờ đỏ. Một người áo nâu đeo súng lục hô khẩu hiệu :
- Cách mạng thành công muôn năm !
Thoạt đầu, chỉ độ vài chục người hô muôn năm . Dần dần, cả thị xã reo hò muôn năm .
- Cách mạng thành công muôn năm !
- Muôn năm !
Người áo nâu đeo súng lục được năm người khác chụm lại để anh ta đứng trên vai. Dân thị xã vỗ tay bravo ầm ỹ. Vũ không hiểu tại sao anh Huy, người dám phanh ngực thách kiếm Nhật, người bảo trái tim mạnh hơn súng, người làm Vũ mến phục và làm Côn hãnh diện là dân Thái Bình lại bị đẩy ngã ? Hai cánh tay anh đang bị hai bàn chân đè chặt. Một người nằm trên lưng anh, tay dúi đầu anh không cho ngóc lên.
Vũ bấm Côn :
- Họ bắt nạt anh Huy, mày biết tại sao không ?
Côn chớp mắt :
- Tao không biết.
Vũ liếm môi :
- Anh Huy chống giặc lùn mà...
Côn gật đầu :
- Ừ, anh ấy kền lắm.
Hai đứa trẻ đang phân vân thì người áo nâu đeo súng lục đứng trên kiệu người đã oang oang nói :
- Hỡi quốc dân đồng bào, đây là tiếng nói của cách mạng. Cờ cách mạng tô bằng máu của các chiến sĩ Bắc Sơn, Đô Lương, Thái Nguyên. Cờ vàng không phải cờ cách mạng diệt phát xít. Chỉ cờ đỏ mới là cờ của cách mạng đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập.
Người áo nâu giơ tay lên :
- Cách mạng thành công muôn năm !
Dân thị xã reo hò :
- Muôn năm !
- Việt Nam độc lập muôn năm !
- Muôn năm !
Chờ cơn sóng reo hò lắng lại, người áo nâu nghiến răng, cắn môi dưới, hai tay dang rộng :
- Ai chống cách mạng là theo bọn phản động.
Người này hô lớn :
- Đả đảo bè lũ phản động liếm gót giầy thực dân và phát xít.
Đợt sóng cuộn lên :
- Đả đảo !
Không ai cần biết người thanh niên phanh ngực đứng hiên ngang thách thức với kiếm Nhật. Cũng chẳng ai tìm hiểu tại sao anh ta đã bị xô ngã và kìm giữ, trừ thằng Vũ và thằng Côn. Dân thị xã đã nhập vào cuộc chơi lớn. Tất cả vui mừng, hớn hở như trẻ con trong cuộc chơi cướp cờ. Trong cuộc chơi này, ai nhanh chân, mưu mẹo, cướp được cờ chạy về bên mình là người ấy được vỗ tay, khen ngợi. Kẻ thua cuộc luôn luôn là kẻ chụp hụt lá cờ hay chụp cờ rồi mà bị đuổc theo xô ngã khi chưa về đến đích.
Người áo nâu đeo súng lục rút khẩu súng khỏi bao da :
- Phát xít Nhật không dám động tới người cách mạng. Tôi thách phát xít Nhật tước súng của tôi. Chúng lại gần, tôi sẽ bắn chết hết.
Dân thị xã nhìn người áo nâu bằng đôi mắt cảm phục. Luyến thích chí :
- Cừ ghê !
Và biển sóng cổ võ người áo nâu dâng lên ào ạt. Vũ hỏi Côn :
- Mày có tin không ?
Côn nói :
- Tin chứ. Nhật đếch dám khám ông ta là ông ta kền rồi.
Hai đứa quên mất anh Huy, quên mất người thanh niên mà chúng ngờ rằng bị bắt nạt. Chúng hướng tầm mắt nhìn người áo nâu đang hãnh diện khẩu súng lục trong tay mình.
- Đồng bào sửa soạn làm lễ chào cờ mừng ngày cách mạng thành công. Tôi hô "nghiêm ", đồng bào đứng nghiêm, ngước mắt lên lá cờ. Chú ý, tôi sẽ bắn phát súng.
Người áo nâu hắng giọng :
- Nghiêm, chào cờ... chào !
Khẩu súng giơ lên trời. Bóp cò. Bóp mãi mà súng không nổ. Một chuỗi cười giòn tan trong sự im lặng. Người áo nâu giận dữ :
- Ai cười cách mạng là phản động. Hát đi, các đồng chí ! Hát bài chào cờ...
Bài hát khởi sự : "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa... " Vẫn chừng vài chục giọng hát. Người áo nâu giục :
- Đồng bào hát to lên !
Nhưng dân thị xã không ai thuộc bài hát mới. Người áo nâu hất tay :
- Thôi.
Bài chào cờ dang dở. Anh Huy không còn bị kìm giữ nữa. Người áo nâu cười sung sướng và gây sóng gió :
- Cách mạng thành công muôn năm !
- Muôn năm...
- Việt Nam độc lập muôn năm !
- Muôn năm !
Người áo nâu nhẩy xuống sân cỏ. Đoàn quân cách mạng dẫn đầu, theo sau là dân thị xã, kéo nhau dời khỏi sân vận động. Lúc ấy đã quá hai giờ trưa. Lính khố xanh xô nhau nhặt súng dựng ngoài tường sân vận động. Những người khác lượm dao, liềm, gậy, bùi nhùi, cãi nhau chí chóe. Rồi cái đám đông hỗn loạn đi tuần hành khắp các phố thị xã. Hai tiếng muôn năm và muôn lăm cơ hồ sấm sét nổ vang trong một trận mưa lớn.
Tới một con phố nhỏ. Vũ và Côn thấy anh Huy thất thểu tách rời đám đông. Hai đứa chạy ra. Vũ nắm tay anh Huy :
- Anh ơi, phản động là gì ?
Anh Huy buồn bã xoa đầu Vũ :
- Lớn khôn em sẽ biết kẻ phản động.
Côn hỏi :
- Còn đồng chí là gì hở, anh ?
Anh Huy cười gượng :
- Là anh em mình.
Anh giục hai đứa :
- Thôi, các em đi chơi cho vui.
Vũ và Côn lại nhập vào đám đông để được hò hét muôn năm . Chúng nó không đói. Cũng chẳng ai buồn đói. Cách mạng làm no mọi người trong ngày hôm nay. Đi hết một vòng thị xã, mạnh ai về nhà người ấy. Và thế là cách mạng đã thành công.




4.
Buổi tối, dưới chân những cột đèn ngã tư, trẻ con các khu phố tụ họp, để tập hát những bài hát mới. Vũ đã trở thành trưởng đoàn nhi đồng, chỉ huy hết nhãi con từ đầu phố Lý Thường Kiệt xuống tận cầu Kiến Xương. Nhờ Vũ thổi ác mô ni ca giỏi và thuộc lòng mấy bài Tiến quân ca, Đuốc gươm thiêng, Nhanh bước nhanh nhi đồng . Vũ, Côn, Luyến, Long và Lộc đi tập hát trên phố chính mấy hôm liền. Những đứa trẻ, tưởng đã bước hẳn ra khỏi ngưỡng cửa hồn nhiên, lại co chân về với năm tháng cũ. Không phải chỉ riêng bọn thằng Vũ bé bỏng như xưa mà cả thị xã trẻ trung, vui nhộn. Cách mạng làm mọi người rộn ràng, hớn hở.
Vũ kiễng chân, ba hoa :
- Tao thổi ác mô ni ca một lần thật chậm, chúng mày nghe kỹ nhé !
Bọn trẻ con nhao nhao hỏi :
- Đánh tông không ?
Vũ lắc đầu. Nó lướt cái kèn thật nhanh qua môi hai ba lần. Rồi, chân đập nhịp, miệng thổi chậm bài Nhanh bước nhanh nhi đồng . Bọn trẻ con im lặng nghe tiếng kèn ác mô ni ca của Vũ. Thổi dứt một lần, Vũ vẩy kèn và nói :
- Giờ năm đứa tao hát.
Vũ, Côn, Luyến, Long và Lộc cất giọng :
Nhanh bước nhanh nhi đồng
Kìa lời gió ngàn
Kìa lời sông núi
Kìa lời gió ngàn
Kìa lời sông núi
Nhắc nhở em rằng tuy mình đang còn thơ ấu
Nhưng nhất tâm trật tự vâng lời vâng lời người trên.
Tập tành sao thân hình em được nở nang
Trở nên sau này anh tài hiên ngang
Ơn nước non em nguyền dám đâu sao rời
Em trọn đời trung với Việt Nam...
Bọn trẻ vỗ tay, bravo . Vũ vênh váo :
- Đừng bravo nữa, ta độc lập rồi, hoan hô chứ không bravo .
Mấy anh dạy bọn Vũ hát đã bảo Vũ thế. Và Vũ hãnh diện nói cho bọn nhi đồng khu cầu Kiến Xương biết. Nó lại lướt kèn nhanh qua môi như tiếng gió lướt qua bụi tre.
- Tao thổi kèn một câu, chúng mày hát một câu nhé !
Bọn trẻ con làm theo lời Vũ. Khắp đường phố thị xã, chỗ nào có ngã tư là chỗ ấy có trẻ con tụ tập ca hát. Tiếng hát bay lên, lan tỏa khắp vùng trời tỉnh lỵ. Chưa bao giờ thị xã vui đến thế. Đèn đường sáng rực. Tiếng hát càng lớn, đèn đường càng sáng. Thị xã không muốn ngủ. Trẻ, già, lớn, bé đổ xô ra phố. Tương lai vàng đồng lúa chín. Người ta quên hẳn mực nước sông Trà Lý dâng cao một cách đáng lo ngại. Mọi năm, vào tháng này, dân thị xã thay phiên nhau, ngày đêm, đo mực nước lên xuống ở cái thước dài cắm dưới lòng sông Trà. Và cầu Bo là nơi quyến rũ nhất. Nhiều người mang chiếu trải trên con đê xi măng hay hai bên hành lang cầu vừa ngủ vừa lô đê vỡ. Năm nay, chẳng ai thiết nghĩ chuyện đê điều. Tiếng trống hộ đê từ những làng xóm bên kia sông đã lơ là. Hoặc tiếng trống ngũ liên bàng hoàng, hồi hộp, thấp thỏm như tiếng trái tim nông dân đập mùa nước lũ đã bị tiếng hát trong mùa cách mạng át đi. Cũng chẳng còn ai suy luận điềm gở của nhãn được mùa. Nhãn được mùa là đê vỡ.
- Thôi, thuộc rồi. Chúng ta hát từ đầu chí cuối. Tao thổi kèn theo.
Vũ bắt nhịp :
- Nhanh bước nhanh nhi đồng... Một, hai, ba...
Bọn trẻ đồng ca :
... Nhưng nhất tâm trật tự vâng lời vâng lời người trên.
Tập tành sao thân hình em được nở nang.
Trở nên sau này anh tài hiên ngang.
Ơn nước non em nguyền dám đâu sao rời.
Em trọn đời trung với Viet Nam...
Bẩy tiếng "Em trọn đời trung với Việt Nam ", bọn nhi đồng hát rõ từng tiếng và hét thật lớn. Vũ hài lòng. Nó nói :
- Nhi đồng cầu Kiến Xương phải chiến . Học thêm bài Đời sống mới nhé ?
Bọn trẻ reo hò :
- Học tới sáng mai luôn.
Vũ dạo kèn rồi xô lô :
Đây trời Việt Nam ngàn xưa tươi sáng
Muôn thanh niên hy sinh đấu tranh vì non nước
Đây trời Việt Nam ngàn năm anh dũng
Muôn thanh niên khang cường chí trai không sờn
Hồn Việt Nam ngàn năm quyết không mờ
Hồn Việt Nam muôn năm sáng soi
Người Việt Nam ngàn năm quyết không lùi
Người Việt Nam đấu tranh muôn đời
Đời sống mới
Người Việt Nam mới
Thanh niên hy sinh máu xương vì sông núi
Đời sống mới
Người Việt Nam mới
Xây núi sông bằng máu người Việt Nam...
Nhi đồng cầu Kiến Xương chiến thật. Chúng thuộc rất mau và hát đúng điệu kèn ác mô ni ca của Vũ. Con nhà Vũ phấn khởi :
- Chúng ta là người Việt Nam mới.
Bọn trẻ giơ tay, nhẩy cỡn :
- Đời sống mới... mới, mới... Người Việt Nam mới... mới, mới...
Đời sống mới đến với chúng nó từ mấy hôm nay bằng những bài hát, những khẩu hiệu đầy tiếng mới, khó hiểu. Nhưng chúng nó không cần hiểu. Chúng nó chỉ cần vui. Và đời sống mới quả đã làm chúng nó vui thật sự. Chúng nó bỏ học, bỏ cơm đi tập hát và đi chơi suốt ngày, không bị cha mẹ mắng mỏ. Đời sống mới còn làm chúng nó quên hết trò chơi cũ. Bơi lội, câu cá, đá bóng, đánh nhau không quyến rũ nổi chúng nó nữa. Chúng đã nhập cuộc chơi cùng người lớn. Người lớn thù Tây, ghét Nhật, hoan hô cách mạng thành công thì chúng nó cũng thù Tây ghét Nhật, hoan hô cách mạng thành công. Cách mạng dưới mắt chúng, nhật định không giống cách mạng dưới mắt và trong ý nghĩ của người lớn.
- Chúng mày thù Nhật lùn không ?
- Thù.
- Đả đảo Nhật lùn !
- Đả đảo...
Vũ cao hứng :
- Mẹ bố Nhật lùn !
Một thằng hỏi :
- Hô thế nào ?
Vũ cười :
- Không hô khẩu hiệu này.
Nó vẩy kèn lia lịa. Rồi thổi bài "Tiếng gọi sinh viên ". Côn, Luyến, Long, Lộc hát :
Này công dân ơi
Nhớ chăng những ngày năm ấy
Giặc lùn tràn sang ngang nhiên rút bòn xương máu
Hàng muôn dân chết oan
Hàng trăm nơi phá tan
Từ Đông, Tây, Bắc, Nam
Lời kêu van ngút ngàn
Đòi thu đay gai đòi thu thóc
Đòi đánh thuế má đòi phu lính
Rồi đến bắt bớ giết người dã man
Làm cho dân ta đủ bề điêu đứng
Đời sống quá khốn đốn nào ai biết chăng
Đây giống nòi siết rên dưới gót quân thù
Công dân ơi
Mau đứng lên giết Nhật
Công dân ơi
Mau cùng nhau sẵn sàng
Tiến lên đều tiến, dắt tay đồng tâm trừ giống giặc lùn.
Côn nhẩy cao :
- Đả đảo Nhật lùn !
Bọn trẻ nhẩy theo:
- Đả đảo...
Rồi chúng đòi học bài hát này. Quá nửa đêm, nhi đồng cầu Kiến Xương mới giải tán. Vũ chia tay bọn thằng Côn. Lúc đứng trước của nhà mình, con nhà Côn mới thấy cách mạng thiếu một cái gì. Và Vũ chợt nhớ ra ngay. Đó là con Thúy. Chả biết con Thúy đã làm gì mấy hôm nay. Vũ lẩm bẩm : Mai mình đến xem sao. Trái tim Vũ xốn xang. Nó đập cửa thình thình. Thị xã chưa dứt tiếng hát.



5.

Con Thúy chưa hề biết dân thị xã phất cờ tổng khởi nghĩa. Mấy hôm rầy nó sưng quai bị phải nằm trong buồng đóng kín cửa sổ. Thúy buồn lắm. Nó ngủ miên man nhờ giọng hót của chim khuyên và chim cu gáy. Thúy bắt mẹ treo cả hai chiếc lồng chim, của Hội và của Côn cho nó, ở cửa sổ. Khi thức giấc, nếu chim ngại hot, Thúy chỉ còn được nghe những bước chân hối hả chạy ngoài đường cùng những tiếng cười, tiếng nói rộn rã. Thúy không hiểu có chuyện gì mà thị xã vui thế. Nhưng nó tưởng tượng thằng Vũ đang đùa nghịch với bạn bè.
Thúy giận Vũ lắm. Thằng Vũ làm bộ ghê. Từ hôm về Thái Bình, Vũ chả thèm tới nhà con Thúy. Vũ thù dai kinh khủng. Thù cả một năm học. Thúy đã định nếu Vũ tới chơi với Thúy, con bé sẽ xin lỗi Vũ cái tội bảo Vũ cớp lồng chim của thằng Hội. Thúy sẽ nói Thúy vẫn thích Vũ, thích Vũ hơn cả thằng Côn, thích Vũ nhất trên đời. Giận Vũ chán rồi, Thúy đâm ra giận Côn. Chắc thằng Côn không nhắn giùm Thúy bảo Vũ lại chơi đây. Thúy nghĩ thầm, hễ gặp Vũ ở nhà mình, Thúy sẽ trách Vũ một trận.
Thúy đâu biết rằng Vũ đã nhớ Thúy như ngày nào năm ngoái nó nhớ Thúy. Nằm mơ chỉ thấy con Thúy dù con Thúy biến thành con nhặng hay mụ phù thủy Phi Châu. Buổi sáng hôm nay là buổi sáng đầu tiên nhi đồng thị xã dậy sớm, chạy một vòng để đến sân vận động tập thể dục. Vũ cởi trần, mặc mỗi cái quần đùi xanh lơ chờ bạn bè ở đầu phố. Chiếc còi xâu vào sợi dây quàng qua cổ, lúc lắc trước ngực Vũ. Trông nó y hệt thủ quân đội bóng rổ trường Tầu. Vũ đi đôi giầy ba ta trắng. Con nhà Vũ dặn Luyến từ tối qua là khi nào dừng lại, Luyến sẽ réo tên Vũ ầm ỹ. Luyến không hỏi tại sao.
Bọn nhi đồng cầu Kiến Xương đã tập họp đông đủ chờ còi giờ của thị xã ré lên. Bây giờ, ngoài còi trưa, còn thêm còi tập thể dục sáu giờ. Nghe còi sáu giờ, cả thị xã đều thức, chạy ra đường, nhập vào đám đông, chạy khắp phố hô khẩu hiệu "Khỏe Vì Nước " để đánh thức những người ngủ mê. Còi đã ré. Tiếng còi làm khô sương sớm, làm tỉnh những thằng bé ngái ngủ. Vũ rít hồi còi của nó rồi chạy dẫn đầu.
Vũ không muốn nối đuôi người lớn. Nó chạy rẽ sang phố nhà con Thúy. Đến trước cửa nhà Thúy, Vũ dừng lại. Luyến chợt nhớ lời dặn dò của Vũ, gọi ơi ới :
- Ê, Vũ ơi, Vũ...
Con nhà Vũ lớn tiếng :
- Tao đây. Côn, Luyến, Lộc, Long thuộc bài "Khỏe Vì Nước " chưa.
Lộc nói oang oang :
- Thuộc như cháo :
Vũ hét "Khỏe Vì Nước ". Bọn nhãi giơ tay hét theo rất đều đặn và ngắt riêng từng tiếng. Khu phố ầm vang. Nhiều cánh cửa mở ra. Và cánh cửa sổ phòng con Thúy cũng hé mở. Trời chưa sáng tỏ. Qua ánh sáng mờ mờ, đôi mắt trong suốt của con Thúy vẫn nhận ra thằng Vũ. Giọng nói ấy, giọng nói thằng Vũ đó mà, con Thúy nghe quen quá rồi. Thúy hé thêm cánh cửa một chút. Nó bám chặt hai bàn tay vào chấn song sắt, sợ ngã.
- Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia... Một, hai, ba...
Tiếng hát trỗi dậy :
... Đoàn thanh niên ta góp tài ba.
Tạo quyền dân sinh mới,
hùng mạnh trong nam giới,
hợp lực xây hưng thạnh chung nước Nam.
Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ.
Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ.
Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng...
Bản nhạc hùng mạnh vừa dứt, Vũ ra lệnh :
- Khỏe... Vì... Nước... một trăm lần.
Bọn nhi đồng hăng hái tuân lệnh Vũ :
- Khỏe.. Vì... Nước... Khỏe... Vì... Nước... Khỏe... Vì... Nước...
Một đứa hứng chí hát láo :
- Khỏe vì nước bánh đúc riêu cua. Đoàn thanh niên ta góp tiền mua...
Cả bọn cười ầm ỹ. Thúy cũng mỉm cười. Nhưng con bé vội nhăn nhó vì nụ cười đã làm má nó đau. Vũ rít hồi còi, hô hoán :
- Trật tự, trật tự !
Lại một nhi đồng nghịch ngợm :
- Trật tự là cái gì hở, Vũ ?
Vũ giải nghĩa :
- Trật tự là đừng cười nữa.
Nó hướng mặt vào nhà con Thúy :
- Mai chúng ta lại đến đây nhé !
Rồi nó rít còi, chạy dẫn đầu. Côn không hiểu gì cả. Làm sao Côn láu lỉnh hơn Vũ được ? Bọn trẻ chạy tới sân vận động tập thể dục và bơi lội. Chúng nó say sưa tập, say sưa bơi. Vì chúng nó mơ hồ thấy ý nghĩa của kiến thiết quốc gia. Song vẫn đùa nghịch. Luyến đứng trên cái pờ lông dzoa nhún nhẩy và giơ tay dõng dạc :
- Khỏe... Vì... Nước...
Rồi pờ lông dzông xuống hồ tắm. Côn bơi thi với Long và Lộc. Còn Vũ ngồi trên bờ xi măng, nhúng cả đôi giầy sũng nước, tưởng tượng con Thúy đã thấy nó lúc nãy. Chẳng hiểu con Thúy có thấy Vũ không ? Và thấy Vũ, con Thúy có mừng không nhỉ ? Nhỡ nó cười mình thì nguy quá. Vũ lại không muốn Thúy thấy nó chỉ huy bọn nhi đồng cầu Kiến Xương nữa. Nhưng Vũ tin rằng con Thúy chả nỡ cười nó. Thằng Côn mấy lần bảo Vũ là con Thúy thích chơi với Vũ lắm. Côn chẳng nói dối Vũ bao giờ. Khi Côn nói, Côn buồn buồn như thể Côn lo lắng Thúy không thèm chơi với Côn. Giá Vũ biết Thúy đã thức trước giờ Vũ dẫn bọn nhi đồng cầu Kiến Xương đến làm rộn ràng trước cửa nhà Thúy khiến Thúy phải khó nhọc bước khỏi giường, ra cửa sổ hé mở nhìn Vũ cử động, nghe Vũ hò hét, chắc con nhà Vũ đã nhẩy xuống hồ, bơi chó cho nước bắn tung tóe mà sung sướng.
- Vũ ơi !
- Gì ?
- Mày không bơi à ?
- Không.
- Mày thộn mặt nghĩ cái gì đó ?
Vũ co chân lên thành hồ. Nước từ đôi giầy chẩy lách tách. Vũ đứng dậy :
- Mày bảo chúng nó về đi, tao chờ ngoài cổng sân nhé, Luyến nhé !
Vũ lầm lũi bước. Đôi giầy ọc ạch nước. Nắng đã lên. Cái gì đó, cái mà Luyến hỏi Vũ nghĩ gì, cũng đã lên trong tâm hồn Vũ. Cái gì đó là mặt trời Thúy. Song Vũ không hiểu, Vũ chưa hiểu xa xôi. Mặt trời Thúy đã mọc ở phương cửa sổ nhà Thúy tự lúc Vũ đến. Mặt trời Thúy lặn ngay khi Vũ bỏ đi. Và, bây giờ, mặt trời đắp chăn trên giường bệnh. Mặt trời nao nao. Mặt trời xao xuyến. Nhớ Vũ. Chỉ nhớ Vũ. Mặt trời mong chờ "sáng mai chúng ta lại đến đây nhé ". Mặt trời tương tư tiếng hát mới.
Con Thúy
Chương 1 - 5
Chương 6 - 10
Chương 11 - 15
Chương 16 - 20
Chương 21 - 26 (chương kết)