Chương 2
Tác giả: Duyên Anh
Tôi vụt thức khi thấy cổ họng mình khô rang. Ngó dạ quang của đồng hồ: 2 giờ 48 phút. Thì ra tôi đã chợp mắt trong cơn sợ hãi. Thuốc lá làm họng tôi khô, lưỡi tôi khô, môi tôi khô nhưng rượu đã không làm tôi say. Rượu đủ. Đó là tên truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Rượu chưa đủ, không đủ khả năng trấn áp nỗi sợ biển máu của tôi. Có lẽ, thuốc phiện đủ khả năng ấy. Tôi thèm được nằm bàn đèn với Nguyễn Mạnh Côn - với Hoàng Hải Thủy thì nhất - hút vài cặp. Thuốc phiện sẽ bắt tan loãng mọi sợ hãi. Nếu ta say, thuốc phiện giúp ta thoát thực tại ưu phiền, đưa ta lên cõi phiêu bồng lâng lâng. Thuốc phiện lâu say mà say lâu. Và hễ say, dao kề cổ vẫn tỉnh bơ, bởi chẳng còn ý thức nổi không gian, thời gian, nói chi sự việc quanh mình. Dẫu mắt vẫn mở. Mắt mở không phải là thức. Dù mắt nhắm. Mắt nhắm không phải là ngủ. Tai vẫn nghe người nói song không biết trả lời Lý Bạch mới say rượu mà đã trở thành thi bá và chết đẹp vì say. Thời nhà Đường, Trung Hoa chưa "sáng tạo" được dọc tẩu, đèn dầu lạc và cung cách nằm hít tô phe, nên Lý Bạch đã chưa phiêu diêu trong cõi say phù dung. Do đó, nhân loại vẫn thiếu những bài thơ trác tuyệt của thi sĩ thịnh Đường. Giá tôi được chết say thuốc phiện, tôi sẽ hoan hỉ vô cùng. Tôi sẽ vượt khỏi sợ hãi chờ chết. Hạnh phúc cho những nhà văn nào bị cộng sản đánh dấu, bị thất bại di tản, đang chong ngọn đèn dầu lạc soi tâm sự và thả tâm sự ấy theo khói thuốc phiện vào giây phút mà cái thòng lọng thù hận đang xiết chặt dần cổ mình.
Không có thuốc phiện, tôi đành đem hồi tưởng và ý nghĩ vẩn vơ ra thay thế và coi như những lời giăng dối gửi cho hư vô. Trăm năm trước tôi, Từ Diễn Đồng đã chờ sáng:
Đêm sao đêm mãi tối mò mò
Đêm đến bao giờ mới sáng cho
Con trẻ u ơ chừng muốn dậy
Ông già húng hắng ngại thèm ho
Ngọn đèn giữ trộm khêu còn nhỏ
Tiếng chó nghi người cắn vẫn to
Làng nước ai ai đà thúc dậy
Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho
Dân tộc bất hạnh của chúng ta chờ sáng dài dài, chờ sáng đều đều. Đêm tối không chỉ một đời người mà từng thế kỷ. Trăm năm sau Từ Diễn Đồng, Nguyễn Sĩ Tể lại Chờ sáng. Tôi không chờ sáng. Tôi muốn đêm tối vô cùng, đừng bao giờ sáng nữa. Vì bóng tối vỡ, tôi sẽ nhìn rõ hình cụ của đao phủ. Tôi đang chờ chết. Làm sao anh có cảm giác đích thực của kẻ chờ chết? Người ta hằng nói về nỗi thống khổ, về nỗi sợ hãi đã kinh qua. Kinh qua chưa đủ. Cần thể nghiệm. Cho nên, có nhiều nhà văn của chúng ta ôm trái ngọt thống khổ mà không dám nuốt. Rốt cuộc, sự kinh qua thống khổ chỉ thể hiện trên những trang giấy kể khổ, tố khổ mà không soi sáng cho đời sống một ý nghĩa nào. Đây là một thiếu sót lớn trong văn nghệ của chúng ta. Sự thiếu sót đã khiến tác phẩm văn chương của chúng ta thiếu kích thước, vắng cái chiều sâu thăm thẳm. Hình như, chúng ta cũng bằng lòng sự thiếu sót đó. Và chúng ta đánh giá đại tác phẩm của chúng ta bằng cuốn sách nào nhiều sổ trang nhất, dầy nhất, cầm nặng tay nhất? Thế thì lại thêm một vấn đề đặt ra. Kinh qua nỗi khổ, thể nghiệm trọn vẹn nỗi khổ mà nhiều tài năng phô diễn, xem chừng cũng vô tích sự. Tôi là kẻ thiếu tài năng phô diễn nên tôi đã không phô diễn trọn vẹn cảm giác sợ hãi chờ chết của tôi. Và tôi bắt chước Thanh Tịnh để khỏa lấp một sự bất tài: Bấy giờ tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Tôi bắt chước câu văn của Thanh Tịnh thôi. Trường hợp hồi tưởng buổi học đầu đời của Thanh Tịnh và trường hợp của tôi khác hẳn. Rõ rệt tôi là kẻ bất tài.
Súng vẫn nổ ròn ở phía phi trường Tân Sơn Nhất. Trực thăng Hoa Kỳ vẫn vần vũ một góc trời Sài gòn. Ở những nơi nào nữa, trên quê hương miền Nam, những người lính Cộng Hòa đang trả lời chính quyền Mỹ, dân tộc Mỹ và thế giới rằng, họ không phải là tên bù nhìn Nguyễn văn Thiệu. Khẩu khí Nguyễn văn Thiệu là, khẩu khí một tên lính đánh mướn. Thiệu không chống cộng, Thiệu nhả ngôi vị tổng thống vì Mỹ cúp viện trợ. Lính và sĩ quan liêm sỉ của nước Việt Nam cộng hòa tiếp tục chiến đấu chiến đấu vào lúc "đại tướng" Cao văn Viên đã đào ngũ chạy trốn sang đảo Guam. Bây giờ tôi mới thấy tôi hèn nhát. Nếu tôi đã là lính, lúc này, tôi được chiến đấu, được chết anh dũng, chết xứng đáng. Dẫu không có quan tài, không có quốc kỳ phủ trên quan tài, không cả da ngựa bọc thây, vẫn còn giọt nước mắt tiếc thương của chiến hữu. Vì tôi trót hèn nhát nên tôi phải ngồi chờ chết, chờ chết nhục, chết thảm. Chợt nhớ đoàn xe tăng tối hôm qua, tôi băn khoăn không hiểu xe tăng của ta đi về đâu chặn giặc cứ điểm nào. Bên kia biên giới của tuyệt vọng là hy vọng. Câu này áng trong tôi một đốm sáng. Tôi kiếm cái radio nhỏ mở nghe tin tức xem Tân tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, trung tướng Vĩnh Lộc, còn tuyên bố gì thêm không.
Đài phát thanh Quân Đội im bặt. Đài Sài gòn chỉ léo nhéo Nối vòng tay lớn và giọng nói no đầy đắc thời của tên dân biểu ngu dốt chủ trương giữa Lý Quý Chung. Hắn đã là Tổng trưởng Thông tin của nội các Vũ văn Mẫu. Tướng Vĩnh Lộc không còn tiếng nói. Ông ta đang ở đâu? Xướng ngôn viên quen thuộc của đài Sài gòn loan tin giới nghiêm 24 trên 24 kể từ hôm nay, 30-4-1975. Giới nghiêm 24 trên 24. Tình trạng cực kỳ nghiêm trọng rồi. Sài gòn sẽ biến thành một Stalingrad chăng? Tôi mong thế. Để được chiến đấu và được chết đúng nghĩa một cái chết. Tắt radio. Tôi ngồi hút thuốc chờ sáng. Tôi không chờ chết nữa...
***
Những chuyện vừa xảy ra từ đầu tháng 4 mà tưởng chừng xa lắm rồi. Lịch sử nào cũng có những trang buồn bã và những trang chó đẻ. Những trang chó đẻ nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại tính từ ngày 12-3-1975. Và những trang này không chứa chất u ẩn cần các sử gia đời sau soi sáng. Nó phơi ra thỗn thện như những miếng thịt bầy nhầy, như xác chết muông thú nhung nhúc ròi bọ. Hiện nguyên hình, hiện rõ chân tướng trên những trang sử chó đẻ là bọn thống trị tôi mọi chiếu nhất, chiếu nhì của cái chế độ bệ rạc đệ nhị cộng hòa. Khi máu của dân, của lính chẩy dài dọc 300 cây số liên tỉnh lộ số 7, con trâu Nguyễn văn Thiệu và con bò Trần Thiện Khiêm vẫn húc nhau. Đứa tham nhũng đòi lật đổ đứa tham nhũng. Và thầy tu Trần Hữu Thanh và "chiến hữu” đã nhân danh cái Thiện chống cái ác vì cái ác khác. Cuộc chiến đấu của thầy tu Trần Hữu Thanh không có tên để đặt. Có vẻ, cuộc chiến đấu ấy như thể là cuộc khiêu vũ trên xác chết. Cao nguyên đã mất. Vùng đất chiến lược đã mất. Con trâu hận chủ nó và hận con bò đã nộp dân, dâng đất cho cộng sản. Trâu bò không có lòng trắc ẩn, nên cảnh tượng hãi hùng diễn ra dọc 300 cây số đường máu chỉ là hoạt cảnh tương tự chương trình tạp lục của Tùng Lâm. Và tất cả đồng ý với trâu bò, sự nghiệp nộp dân, dâng đất cho cộng sản của Nguyễn văn Thiệu là... di tản chiến thuật?
Người ta bỗng nhớ những cuộc rút lui chiến thuật theo "Thông cáo của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp" vào những ngày trước 20-7-1954 và sau thất bại Điện Biên Phủ. Thoạt đầu, những tỉnh thượng du "rút lui chiến thuật" rồi các tỉnh trung du "rút lui chiến thuật" rồi các tỉnh đồng bằng "rút lui chiến thuật." Rồi mất miền Bắc. Dĩ vãng đã không lay động cơn mê sảng hiện tại. Và cơn mê sảng biến chứng thành lú lấp. "Rút lui chiến thuật" 1954 không phải, không bao giờ phải là "di tản chiến thuật" 1975. Cái chính trường của Sài gòn hoàng hôn chỉ đủ khả năng găm vào Nguyễn văn Thiệu và triều đình cầy cáo của Thiệu. Và, thê thảm lắm, sự mong muốn của Thiệu, từ chức, người ta quả quyết, là ý Mỹ. Đó là sự thật đau lòng. Mỹ muốn Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại, thay thế ảnh hưởng thực dân cũ bằng thực dân mới. Bảo Đại bị truất phế. Mỹ muốn thay thế Ngô Đình Diệm bằng đám tướng lãnh vai u thịt bắp, vô học và ngoan ngoãn. Ngô Đình Diệm bị hạ sát. Ngô Đình Diệm trưng cầu dân ý để phản bội Bảo Đại và tự biên tự diễn cách mạng nhân vị. Cách mạng nhân vị đã tiêu diệt quốc trưởng Bảo Đại và toàn ban Hội tề ấm ớ. Đám tướng lãnh thoán nghịch cũng nhân danh cách mạng tháng 11 tiêu diệt nhà Ngô và cách mạng nhân vị. Mỹ muốn thế. Mỹ muốn hết. Mỹ chỉ cần tay sai một giai đoạn nào đó, cho một mục đích nào đó. Nhưng Mỹ khoái chơi trò chơi dân chủ. Mỹ mở võ đài đánh đấm độc tài. Mỹ cổ võ. Cả nước Việt Nam chống độc tài Ngô Đình Diệm. Cả nước Việt Nam tưởng mình làm cách mạng, tưởng mình hạ bệ Ngô Đình Diệm. Nẩy sinh một số kiêu tăng mà Thích Trí Quang là biểu tượng rõ nét. Ông thầy tu này coi miền Nam giống cái sân chùa Từ Đàm của ông. ông đã thật "thiêng liêng" những giai đoạn chống Diệm, chống Hương, chống Kỳ. ông thật sự hết thiêng khi chống Thiệu. Tòa Đại Sứ Mỹ đã ngó lơ, mặc ông tuyệt thực đủ 100 ngày trước Dinh Độc Lập rồi ông âm thầm về dưỡng sức tại Dưỡng đường "đỡ đẻ" của bác sĩ Nguyễn Duy Tài? Thích Trí Quang cháy từ đó. ông ta không hiểu Mỹ chỉ cần ông ta cho một mục đích nào đó, trong một giai đoạn nào đó. Nhiều kẻ đối lập Thiệu và đối lập tổ quốc cũng không hiểu, không chịu hiểu và không biết hiểu như ông thầy tu Thích Trí Quang. Mỹ xử dụng ông Trí Quang, thỏa mãn tự ái của Phật tử quá khích, giải tỏa niềm tự ti lép vế 100 năm, đồng thời, hâm nóng tự ái Chúa tử, réo gọi cái lép vế hiện thời. Giữa Trí Quang và Hoàng Quỳnh giàn trận. Hai đêm mù mịt con Phật, con Chúa giao tranh giữa Sài gòn, thời Nguyễn Khảnh, là kết quả đẹp của Tòa Đại Sứ Mỹ. Đến lượt Thiên chúa giáo quá khích biểu dương lực lượng "kick-out" Cabot Lodge và "chiếm đóng" Dinh Gia Long. Tôn giáo thay thế đảng phái. Đảng phái hoàn toàn tê liệt. Mỹ lại phân tán mỏng tôn giáo. Phật Giáo chia ra hai hệ phái kình địch nhau: ấn Quang và Việt Nam quốc tự. Giấc mộng hóa đạo (hóa các đạo khác thành đạo Phật) mà văn gia Nguyễn Đức Quỳnh mớm cho ông Thích Tâm Châu bị vỡ. Thiên chúa giáo chia ra hai lực lượng chống đối nhau: Lực lượng đại đoàn kết và Mặt trận công dân công giáo. Trò chơi của Mỹ đã xong. Nguyễn văn Thiệu yên ổn đóng vai bù nhìn. Và Mỹ tự do toan tính những âm mưu của Mỹ.
Những kẻ thèm quyền bính và những kẻ chống đối ảo tưởng không quán triệt cái thủ thuật dùng tay sai cho mục đích nào, trong giai đoạn nào của Mỹ nên đã đối lập hư vô, đã câu sao in mặt nước, đã cù trên mũ sắt. Khi Mỹ còn cần Thiệu như một đầy tớ đắc dụng, chống đối Thiệu chỉ là sự làm dáng dân chủ giả hiệu của Mỹ ở nước nhỏ. Nhưng khi Mỹ không cần Thiệu và không cần bất cứ một tay sai nào thay thế Thiệu nữa, Mỹ muốn bỏ rơi Nam Việt Nam - vì đến giai đoạn bỏ, bởi mục đích đã đạt - thì người ta lại chỉ có thể hiểu rằng Mỹ sẽ bỏ Thiệu vì... ý dân bản xứ là ý trời. Ý ấy thể hiện ở công cuộc bài trừ tham nhũng Nguyễn văn Thiệu của thầy tu Trần Hữu Thanh. Có lẽ, ông thầy tu Trần Hữu Thanh ngây thơ, ông tưởng Trần Thiện Khiêm trong sạch như "con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao", hoặc Trần Thiện Khiêm như cánh sen, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Ông ta "trụ trì" ở Dòng Chúa Cứu Thế, đâu biết những cánh rừng thông non của tổ quốc, Trần Thiện Khiêm đã bán hết, bán rẻ cho tư bản Nhật. Riêng vụ chặt thông non, Trần Thiện Khiêm đã đáng đem ra xử tử Nếu có dịp - trước 1975, dĩ nhiên - ra Cam Ranh, thấy gốc và ngọn thông xếp núi vất lại, lái buôn Nhật chỉ mua khúc thân giữa thật ngắn, mới đếm được tội ác của Trần Thiện Khiêm. Và người tê liệt lòng yêu nước cũng bỗng dậy lòng yêu nước. Thầy tu Trần Hữu Thanh không nhìn thấy gì, nghe thấy gì cả. Thầy nhắm mắt bài trừ tham nhũng Nguyễn văn Thiệu nhân danh tham nhũng Trần Thiện Khiêm. Và, như những kẻ bị Thiệu loại ra khỏi chính trường, tước đoạt quyền bính, thầy tu Trần Hữu Thanh hồ hởi phấn khởi chờ đợi ngày Nguyễn văn Thiệu gửi lời "cám ơn" đồng bào* . Tất cả đã chỉ vì Thiệu, chỉ nhằm Thiệu mà quên suy diễn: Hàng tỉ đô-la tung sang Việt Nam, không tiếc sao lại tiếc 200 triệu?
Nhưng cái chính trường vét đĩa ấy đã không suy diễn sự kiện Mỹ cúp viện trợ, đã không nhớ lại sự "rút lui chiến thuật" 1954. Nó bung ra tứ phía và tưởng cò sẽ béo khi nước đục. Nó rộn ràng đó đây. Nó hân hoan Mỹ cúp viện trợ cho Thiệu. Nó tưởng Mỹ cúp viện trợ cho Thiệu là đuổi Thiệu đi. Nó hy vọng tràn trề, kế vị Thiệu sẽ được Mỹ tiếp tục viện trợ và viện trợ nhiều hơn. Những người đủ tư cách trả lời những kẻ ôm ảo tưởng Mỹ viện trợ nhiều hơn là các ông tướng quân đoàn, tướng sư đoàn thì đều im lặng. Chỉ cần một ông tướng pháo binh nói sự thật về sự giới hạn đến thê thảm đạn phản pháo. Đã đủ thức tỉnh mọi người cái thế kết đoàn tự lực ngăn giặc. Buồn thay, đã chẳng hề ai có thẩm quyền lên tiếng về những phi vụ Mỹ yểm trợ hành quân càng ngày càng thưa từ sau hòa ước Paris và mất hẳn và chiến cụ viện trợ nhỏ giọt bó tay quân lực Việt Nam cộng hòa. Bầy hạc gỗ nín khe. Đám cầy cáo hưởng thụ no nê thì hóa đui, điếc, câm. Bởi thế, thay vì rộn ràng một hội nghị Diên Hồng không cần Thiệu và quần thần đê tiện của Thiệu, người ta tấp nập, vội vàng chiếm thế thượng phong vào... Dinh Độc Lập ngồi lên cái ghế nô dịch của Thiệu. Ba trăm cây số đường máu oan nghiệt của quân dân "di tản chiến thuật" không làm xúc động ai. Hình như ruồi nhặng chỉ thích đậu trên máu quánh, và kên kên chỉ thèm xác chết rữa...
Đó đây, từng nhóm thống trị bù nhìn phế thải họp bàn mưu đồ lợi dụng thời cơ phục hồi quyền bính cũ. Những khuôn mặt cá ươn của chính trường bay ra cái chợ chiều dân tộc. Và những giọng nói cú vọ lại phát ngôn lời sắt son yêu nước. ông Nguyễn Cao Kỳ là người cay cú Nguyễn văn Thiệu nhất và thèm quyền bính nhất trong đám tôm tép chợ chiều. Thuở nắm quyền bính "độc lập, tự do" trên: không có kỳ đà tổng thống cản mũi, dưới: không có gà què quốc hội làm phiền, ông ta thường hay phát ngôn nhảm nhí bất xứng với cương vị thủ tướng. Trong chợ chiều, ông ta buông một câu chính khí:
- "Tôi không đi đâu cả. Tôi nhất định ở lại Việt Nam. Tôi đã quen ăn tương cà, canh mắm rồi. Sang Mỹ ăn bơ sữa dễ bị ỉa té re. Đứa nào sang Mỹ, đàn ông làm cu-ly đàn bà làm đĩ "!
Nhiều người rất cảm động khẩu khí Nguyễn Cao Kỳ, đinh ninh rằng ông ở lại chiến đấu, quyết xin được da ngựa bọc thây, dẫu chẳng lật lại thời thế, bảo vệ miền Nam dân chủ tự do, thì cũng đem thân báo đền nợ nước để khỏi thẹn với tiền nhân dưới suối vàng. Xin mở một ngoặc đơn. (Rất tiếc ông Nguyễn Cao Kỳ đã ra đi. Người ta sẽ thông cảm ông, sẽ chia xẻ với ông lời nói của cổ nhân "chấp kinh tòng quyền", nếu ông biết ẩn thân, diện bích mà suy nghĩ một câu ngắn trong Cựu ước: "Có một thời im lặng và một thời lên tiếng". Tại ông ham lên tiếng và lại lên tiếng nhảm, lên tiếng không đúng thời nên ông mắc khẩu nghiệp. Và bị công kích. Khi viết cuốn sách này và từ dòng này, tôi đã thiền, nên xin ông hiểu giùm rằng, tôi không thích công kích ông nữa). Khép ngoặc đơn. Dù ghét ông Kỳ hay dù chẳng ghét ông Kỳ, rất nhiều người đã vì khẩu khí Tân Sa Châu của Nguyễn Cao Kỳ mà ở lại, hy vọng được cùng ông Kỳ chiên đấu. Rốt cuộc thì đa số vào tù nghĩ là ông Nguyễn Cao Kỳ sáng giá nhất chợ chiều tôm tép, một ông tướng đã vội hạ quyết tâm:
- Lần này ông nắm quyền bính, thằng nào trình văn thư cho ông ký ở bàn mạt chược, xin phép ông, tôi bắn bỏ hết!
Đó mới là sinh hoạt một cụm. Những cụm khác ra sao? Quý vị mót làm Tổng trưởng lăng xăng như gà mót đẻ. Thiệu đổ sẽ có nội các mới. Nội các nào? Người ta đi tìm chỗ cư ngụ của Thủ tướng tương lai. Thầy tu Trần Hữu Thanh quên Chúa, nhất định phá bùa ếm dấu trong bụng con rùa đồng đen làm chân tượng đài tri ân các nước viện trợ cho Việt Nam cộng hòa. Đất nước bất hạnh của chúng ta đã có Tổng thống tin bói toán, tử vi, lại còn thêm những kẻ đối lập Tổng thống tin tử vi, bói toán, ngải và bùa ếm! Phong trào của thầy tu Trần Hữu Thanh quả quyết rằng, chỉ cho chất nổ phá tung con rùa đồng đen là Nguyễn văn Thiệu... băng hà. Sự tham quyền cố vị của Thiệu nằm ở chỗ nào đó trong bụng con rùa. Một cái bùa của cụ Diễn, chắc chán. Tôi chợt nhớ một chuyện tương tự đã xảy ra cách đây 20 năm. Một số các ông Đại Việt quan lại đã gài mìn giật sập Chùa Một Cột* . Các ông ngu si này lý luận:
- Long mạch của cố đô nằm dưới Chùa Một Cột. Phải đánh sập chùa, bít long mạch thì cộng sản bất yên mà quốc gia mới có cơ hội Bắc tiến giải phóng quê hương.
Cộng sản có bất yên, Bắc tiến có thực hiện nổi không, chúng ta đã được trả lời. Cái ngu hôm qua lại vẫn là cái ngu hôm nay. Dễ hiểu thôi, vì trong phong trào của thầy tu Trần Hữu Thanh có vài ông Đại Việt? Người ta đòi phế bỏ một ông Tổng thống bằng cách đi phá bùa ếm!
***
Tôi cảm giác thời gian ngừng lại. Khi tôi mong trời vỡ sáng thì trời không muốn vỡ sáng. Mới 4 giờ. Tiếng súng từ phi trường Tân Sơn Nhất vọng vào đã thưa thớt, nhưng tiếng phi cơ trực thăng vẫn ầm ĩ một góc trời thành phố. Tôi bật ti-vi. Màn ảnh nhỏ trắng xóa. Không có cái bất ngờ như tôi tưởng tượng. Tôi đâm ra tương tư người lính sửa xe tăng trước cửa nhà mình tối qua và ông tướng Vĩnh Lộc. Tôi mở radio. Giới nghiêm 24 trên 24 kể tử 0 giờ ngày 30-4-1975. Lệnh giới nghiêm không thay đổi. Tôi tắt ngay radio để khỏi bị nghe Nối vòng tay lớn và giọng tanh tưởi của Lý Quý Chung luận về tình nghĩa Trung Nam Bắc. Có vẻ như thằng ở giữa đần độn này muốn mở đường chào đón "anh em Việt cộng" của nó. Tôi nghĩ rằng đã có sự phân chia trong chế độ phù du Dương văn Minh. Quân sự chủ chiến. Dân sự chủ hòa. Thật sự, tôi không thiết nhớ lại cái chính trường vỏ tôm Sài gòn những ngày tháng tư. Mà tôi cứ bị nhớ. Con người khó thoát khỏi sự chi phối của chính trị, dù là chính trị cà chớn của những thằng cà chớn.
Tháng tư 1975 quả là tháng chó đẻ của 5000 năm văn hiến, là tháng chó đẻ của 1975 năm sau Công nguyên, ghi niên biểu vào lịch sử Việt Nam và cả lịch sử Hoa Kỳ. Thành quả khai phóng tự do, dân chủ của Mỹ và thành tích 7 năm chấp chính của Nguyễn văn Thiệu nằm trong tháng 4-1975. Sự nghiệp vẻ vang của Thiệu nổi bật ở bài diễn văn từ chức và bài diễn văn từ chức rạng rỡ có một câu: "Bảo chúng tôi chống cộng sản mà không viện trợ thì làm sao chúng tôi chống cộng được?"
Rõ là khẩu khí của tên vô lại, của thằng đánh mướn đê tiện. Nhân sinh quan của Nguyễn văn Thiệu in nổi trên xú ngôn quốc sỉ này. Lý tưởng chiến đấu của Nguyễn văn Thiệu in nổi trên xú ngôn quốc sỉ này. Chính vì xú ngôn quốc sỉ này mà Việt cộng dám thóa mạ quân đội Việt Nam cộng hòa anh dũng của chúng ta là lính Ngụy là bọn đánh mướn. (Tôi xin, một lần nữa, xác nhận ở đây, quân đội là của tổ quốc, của dân tộc, vì tổ quốc, vì dân tộc mà chiến đấu. Quân đội việt Nam cộng hòa không phải là công cụ của bất cứ một chế độ nào, kể từ chế độ Ngô Đình Diệm trở đi. Quân đội đứng trên các chế độ). Lại mở ngoặc đơn. (Kẻ vô liêm sỉ Nguyễn văn Thiệu cũng đòi học đòi danh sĩ Nhất Linh tuyên bố: Đời tôi để cho lịch sử xử? Thêm một kẻ vô liêm sỉ, thứ tiến sĩ cơm thừa canh cặn ở Dinh Độc Lập, đã bình giảng xú ngôn Nguyễn văn Thiệu thành một pho xú thư dầy cộm bêu riếu dân tộc). Khép ngoặc đơn. Thiệu từ chức chỉ vì thầy Mỹ cúp tiền. Nhưng Thiệu không biết xấu hổ khi phát xú ngôn, ông ta dùng câu đó để diễu cợt những kẻ chống đối ông ta với thâm ý: Mỹ cúp tiền tao mới chịu từ chức chứ không phải tao từ chức vì áp lực chống đối của chúng mày? Chúng ta đành ngậm ngùi đã có một vị Tổng thống nằm trong một trang nào đó của những trang lịch sử chó đẻ tháng 4-1975.
Nguyễn văn Thiệu từ chức "đột xuất" khiến Phong trào của thầy tu Trần Hữu Thanh cụt hứng. Bùa yếm của Thiệu còn nguyên vẹn và con rùa đen cũng còn nguyên. Nhưng thầy tu Trần Hữu Thanh hét đối tượng... bài trừ Nguyễn văn Thiệu nhường ngôi cho ông già gân Trần văn Hương. Nội các Nguyễn Bá Cẩn thành lập thật nhanh, nhanh đến nỗi không ai biết tên một vị Tổng trưởng nào. Nội các này cần lập nhanh để chạy trốn hợp pháp lẹ. Tổng thống Trần văn Hương đòi chết như một chiến sĩ, nhưng ông hạ sĩ danh dự đã không toại nguyện, ông chỉ gây khó khăn cho những người di tản với cái sắc lệnh cấm công chức, sĩ quan và thanh niên trong tình trạng quân dịch chạy loạn cộng sản. Dược sĩ La Thành Nghệ là nạn nhân của tổng thống Trần văn Hương. Ông ta vượt biển quá sớm, bị hải quân bắt đem về đất liền, bị ở lại và bị đi học tập cải tạo.
Vào những ngày cuối tháng 4, ông chủ Hoa Kỳ không còn thiết làm chủ bọn thống trị bù nhìn nữa. Ông ta... giải phóng nô lệ, thế nhưng cái chính trường Sài gòn hèn mạt vẫn nơm nớp sợ hãi ông chủ và tưởng rằng ông chủ Hoa Kỳ thích Dương văn Minh thay thế Trần văn Hương để thực thi hòa giải dân tộc. Lưỡng viện Quốc Hội họp. Tất cả quay về sau lưng, thấy mấy ông Mỹ ở Tòa Đại Sứ đến dự kiến, ngỡ rằng Mỹ gây áp lực. Bèn đồng ý Dương văn Minh cái rụp. Thế là chúng ta có Tổng thống Dương văn Minh.
***
Tôi mở cổng ra vỉa hè, nhìn xuống cầu Công Lý, nhìn lên Dinh Độc Lập. Đường phố vắng hoe. Trời lất phất mưa. Không phải sương rây. Sẽ xảy ra chuyện gì những giờ sắp tới? 4 giờ 30 rồi. Tôi trở vào nhà, rất mong những người lính Sài gòn, những sĩ quan quả cảm, những tướng lãnh đầy trách nhiệm làm Sài gòn thành một Stalingrad. Chúng ta đã có những ngày Hà Nội dân chúng đốt cháy phố phường, đục tường nhà này xuyên qua tường nhà nọ, sống với thủ đô, chết với thủ đô để trả lời kẻ thù và thế giới lòng yêu tự do, dân chủ và ý chí chiến đấu của chúng ta. Tôi mong được chết bởi đạn quân thù khi đang chiến đấu. Tôi sẽ tình nguyện vác đạn. "Xin làm đôi giầy của dũng sĩ" thôi.
Tự nhiên, lòng tôi dạt dào cảm xúc. Tôi bỗng thấy cái bài hát tôi ghét nhất trở thành hay nhất:
... Nhân dân tự vệ
Vang lên lời thề
Không để quân thù giầy xéo quê nhà ta
Từng khu phố đứng lên...
Cảm xúc, bây giờ, khiến tôi nhớ những bài báo của Trần Việt Sơn, đăng mỗi ngày, trang 2, báo Chính Luận. Những bài báo của anh Trần Việt Sơn đã bắt cả Sài gòn lạc quan trước khí thế tiến công của cộng sản. Ngòi bút của Trần Việt Sơn thật giá trị. Anh đã trấn an Sài gòn khi Huế mất, Đà Nẵng mất, Quy Nhơn mất. Anh quả quyết chúng ta sắp phản công và cộng sản phải ngừng lại ở bên kia đèo Cả. Cùng với những bài báo của Trần Việt Sơn - than ôi, chỉ có một con én quả cảm và bình tĩnh Trần Việt Sơn và chỉ có một nhật báo Chính Luận - Nguyễn Trọng Nho bay trên vùng trời Long Khánh quan sát mặt trận với các chuyên viên quân sự, tuyên bố cùng báo chí sự bạc nhược của bộ đội miền Bắc sau hai trái bom CBU. Sài gòn tin tưởng lại. Chúng ta còn võ khí xử dụng vào phút chót. Bom CBU. Bom CBU sẽ đẩy lui tham vọng điên cuồng của cộng sản. Chính tôi cũng được kích thích mạnh bởi báo cáo của Nguyễn Trọng Nho. Tôi đã đến Cục tâm lý chiến, tìm gặp ông đại tá Cao Tiêu, đề nghị ông can thiệp với không quân chở một số nhà văn, nhà báo danh tiếng đi quan sát các mặt trận gần để về, viết báo, nói trên các đài phát thanh, truyền hình gây lại niềm tin tưởng. Đại tá Cao Tiêu đồng ý* . Nhưng ông đã không thực hiện. Tôi còn nhớ cả cái sĩ khí của một số anh em văn nghệ ở những ngày cận kề 30-4. Họ đã họp nhau tại một căn nhà ở đường Tự Do, quyết định xuất bản một tờ báo lửa. Nếu tôi nhớ lầm, xin được tha thứ: Trong số anh em văn nghệ đó có anh đang ở đây và một số còn kẹt lại quê hương, không tiện nêu tên. Người ta sẽ nghĩ gì về thái độ của kẻ sĩ lúc tổ quốc lâm nguy, và sẽ nghĩ gì về bọn tướng lãnh đào ngũ trước buổi họp của kẻ sĩ đòi xuất bản báo lửa?
Trong những phút giây mà mạng sống như sợi chỉ treo mành, rất hiếm những con người còn dám ngẩng mặt. Những người này chung thân im lặng, đôi khi còn xấu hổ nếu có ai nhắc đến thái độ sống của mình, dẫu để vinh tôn. Chắc chắn, thái độ sống của những người dám ngẩng mặt khi những người khác chạy trốn hay chuẩn bị cúi mặt cần phải được thắp sáng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. ít nhất thì cũng để kẻ thù của chúng ta không dám mở miệng khinh bỉ chúng ta hèn mạt. Vì khan hiếm những con người dám ngẩng mặt nên chúng ta thừa những con người mê muội thèm khát quyền bính đến quên cả thế lẫn thời. Lời thóa mạ nào dành cho những kẻ trí thức bám quanh Vũ Văn Mẫu bon chen danh vọng giờ thứ 25? Những tên Tổng trưởng đê tiện của Vũ văn Mẫu rồi cũng vào tù. Và cũng muối mặt nhận mình là tù nhân tư tưởng!
Tôi muốn quên hết, quên hết, quên cả những thảm cảnh đồng bào tôi di tản về đất hứa Phú Yên và bị ở lại với cộng sản; đồng bào tôi nhục nhã xuống tàu từ Đà Nẵng vào Phú Quốc, từ Đà Lạt xuống Phan Thiết. Quên để mường tượng một Sài gòn sắp biến thành Stalingrad vài giờ nữa. Tôi chợt thấy mình còn hạnh phúc. Hạnh phúc ước mơ chết ngon lành.
***
5 giờ. Tôi đã trải qua 300 phút của ngày dài nhất. Ngẫu nhiên, tôi trở thành chứng nhân của thời đại tôi, một chứng nhân không thích rườm rà chi tiết, một chứng nhân chỉ khoái vắn tắt từng sự kiện và suy diễn những sự kiện theo kiến thức hữu hạn của mình. Nhưng luôn luôn sáng tạo, cố gắng sáng tạo. Rất nhiều khi chứng-nhân-tôi quên hẳn những sự kiện quan trọng mà chỉ nhớ những sự kiện vớ vẩn. Người viết tiểu thuyết khác người viết lịch sử ở chỗ đó. Người viết tiểu thuyết thường khám phá ra ở sự kiện vớ vẩn cái vóc dáng đẫy đà và quan trọng hơn cả sự kiện quan trọng dưới mắt sử gia. Tôi mê huyền sử, dã sử nặng gấp bội chính sử, ngoại sử. Giản dị lắm, huyền sử và dã sử không thèm quan tâm tới niên biểu. Thế mà tôi lại quan tâm tới niên biểu của một ngày dài nhất đầu tiên trong đời tôi đã trôi mút mít 20 năm.
10 tháng 7 năm 1954, là ngày dài nhất ấy, là ngày quân đội liên hiệp Pháp rút khỏi thị xã Thái Bình, là ngày dân chúng di tản. Thực sự, những người có máu mặt và hiểu thời cuộc đã "rút lui chiến thuật" trước 10-7. Ngày dài nhất ấy, với tuổi 19 của tôi, thật phũ phàng. Tôi nhớ lại. Như thế này...
Hàng năm, tôi đều từ Hà Nội về Thái Bình nghỉ hè. Hè 1954 xảy ra vụ "rút lui chiến thuật" trước khi tôi lên Hà Nội. Sự hãi hùng bắt đầu từ 12 giờ ngày 10-7. Lính Hổ xám, lính pạc-ti-dăng và cả lính Bảo chính đoàn nữa, xông vào các nhà buôn bán lớn tống tiền, cướp của và hãm hiếp đàn bà, con gái. Y hệt những thảm cảnh đã diễn ra tại vài thành phố miền Trung trước 30-4-1975. Hàng phố vội vàng đóng cửa kín mít. Bố mẹ tôi tìm chỗ nấp nếu cửa bị xô mở. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi những bước giầy đinh rằm rập trên vỉa hè trước nhà mình. Tim tôi muốn vỡ ra. Tình trạng nín thở kéo dài đến tối. May mắn, bố mẹ tôi buôn bán nhỏ nên đã thoát cảnh tống tiền, cướp của, hãm hiếp. Tuy nhiên, chúng tôi đã có một đêm không ngủ, một đêm không ngủ đợi chờ bất hạnh. Đêm im lặng. Máy điện chạy nghe rõ. Và máy bay bà già lượn suốt đêm trên vùng trời thị xã. Gần sáng, một tiếng nổ lớn ở phía cầu Bo. Rồi hoàn toàn vắng lặng. Máy bay bà già đã hết lượn. Chỉ còn vang vang động cơ của máy phát điện. Mãi 12 giờ hôm sau, 1 1-7, dân thị xã mới biết Pháp đã rút lui. Người ta tự động di tản về nông thôn. Thị xã bỏ trống* . Tôi chờ hiệp định Genève ký kết xong mới lên Hà Nội. Và Hà Nội trước những ngày cộng sản vào tiếp thu rất bình yên. Như Sài gòn chiều ngày 29-4-1975. Không hề có tống tiền, cướp của, hãm hiếp do một số lính vô kỷ luật tạo ra. Cũng không hề có "đấu tranh" giành lại "xương máu bị bóc lột" của dân nghèo.
Hai mươi năm sau, 1975, tôi 40 tuổi, lại thêm một ngày dài nhất và một đêm không ngủ trong đời mình. Đêm không ngủ, tôi vừa trải qua. Ngày dài nhất, tôi mới đếm được 5 giờ. Với một nhà văn tài năng, 5 giờ đồng hồ đợi chết, ông ta sẽ cống hiến chúng ta những trang sách rụng rời về cảm giác sắp chết. Và ông ta sẽ soi sáng ý nghĩa sống của sự chết. Có thể, ông ta sẽ cho chúng ta biết chính xác nơi chốn ngự trị của linh hồn. Chúng ta cần hiểu điều đó, thèm hiểu điều đó. Rằng, những người công chính, sau khi chết, về đâu; những kẻ giả hình về đâu; những người chịu đựng oan khiên ngộ nhận về đâu; những kẻ điêu ngoa, dối trá về đâu; những người suốt đời cặm cụi ngậm cô đơn và thống khổ để làm đẹp cho con người cho cuộc đời về đâu; những kẻ phì nọc rắn, phun nọc rết, nhẩy múa trên cay đắng đồng bào chúng nó, của đồng loại chúng nó về đâu ông ta còn có thể mặc khải một niềm sống tuyệt vời nếu con người vượt lên được trên nỗi sợ hãi chết, nếu con người thản nhiên chờ chết. Tôi chợt nhớ sự thản nhiên sống và thản nhiên chờ chết của cổ nhân Đông phương. Đến một tuổi nào đó, con người Đông phương, con người cũ Việt Nam, con người nguyên thủy Việt Nam thừa ngạo nghễ rung đùi ngâm thơ nhìn quan tài mua sẵn cho mình hay ngồi trên nắp quan tài mà say sưa cuộc cờ Khi con người nhìn rõ cái phù ảo của cuộc sống thì nó không thèm lý tới sự chết. Và, vì đã quán triệt cái lẽ phù ảo của cuộc sống, con người sẽ cố sống cho ra con người, cố làm cái gì đó thật ý nghĩa cho những cuộc sống nổi tiếp. Hẳn nhiên, ý nghĩa của sự sống khi con người thấu hiểu lẽ phù ảo của nó chẳng bao giờ là tiện nghi vật chất thừa mứa, là tiền bạc phủ phê, là hư danh hão huyền đến nỗi phải kèn cựa nhau, tranh giành nhau đến xầy da, sứt trán, đến chém giết nhau, đến thù hận nhau làm phôi pha tình người và mất ý nghĩa của sự sống, mất lạc thú của cuộc sống. Ca dao chẳng đã luận về sự bình đẳng của sự chết đó ư!
Vua Ngô đi bốn tàng vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm nốc rượu tì tì
Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô
Nếu Chúa Chổm là Lý Bạch, là Tản Đà, là Tề Xương, là Hà Huyền Chi, là Baudelaire, là Hoàng Anh Tuấn, là Nguyễn Bính..., Chúa Chổm hơn vua Ngô triệu triệu lần. Vì Chúa Chổm có thơ để lại cõi thế mà vua Ngô chả có gì. Vua Ngô chết là mục xác. Chúa Chổm sống mãi, Chúa Chổm bất tử, Chúa Chổm phục sinh nhờ thơ của Chúa Chổm. Cái thứ sống mãi trong hòm kính là thứ sống mãi bệ rạc không hứa hẹn hòm kính sẽ bị đập vỡ tan tành.
Tôi không phải là nhà văn tài năng nên tôi đã sợ chết ngâm rọ dưới sông, sợ chết sặc sụa trong biển máu. Và tôi không thể có những trang sách tuyệt vời về cảm giác chờ chết. Tôi đã sợ hãi chết, sợ hãi trời chóng sáng, đã muốn bóng tối mênh mang vô cùng để khỏi nhìn rõ đao phủ và hình cụ của nó. Bây giờ, tôi chờ sáng, tôi hết sợ chết nếu tôi được chết bởi đạn quân thù găm trong tim giữa lúc tôi đang chiến đấu. Không một kẻ chiến bại nào được da ngựa bọc thây cả. Da ngựa biết chê thây chiến bại.
Tôi mở radio. Lệnh giới nghiêm nhắc đi nhắc lại. Không còn Nối vòng tay lớn. Không còn cả giọng nói bầy nhầy đón gió trúng mối của biểu tượng Lý Quý Chung. Tâm hồn tôi rạng rỡ khi hình tưởng người lính sửa xe tăng tối qua và nhật lệnh quyết chiến của tướng Vĩnh Lộc, người hùng Pleime năm xưa, "vua xứ mọi" của tôi. Ông đang ở đâu, ông Vĩnh Lộc? ở đâu cũng được, ông còn ở màn ảnh nhỏ của Truyền Hình Việt Nam, băng tần số 9, tối hôm qua là đủ rồi. ít nhất, với tôi. Lập tức tôi có ý nghĩ mới: Bằng hữu tôi, đồng bào tôi di tản thoát, đã mất dịp làm Người Sài gòn. Sài gòn sắp thành Stalingrad, nơi đó phẩm cách nguyên khối của người Việt Nam được chứng tỏ cùng thế giới: Rằng người Việt Nam chiến đấu chống cộng sản cô đơn và lãng mạn không cần cố vấn Mỹ và viện trợ Mỹ.
Tôi cảm khái, khe khẽ hát:
Từng bờ tường mái hiên
Từng mô đất
Từng khu phố
Từng khe cống
Sài gòn vùng đứng lên...
Hãy đứng lên, hãy ngẩng mặt, Sài gòn! Có tôi làm giầy dũng sĩ ngăn giặc xâm lăng. Có tôi làm công dân tải đạn...