Chương 6
Tác giả: Duyên Anh
Chuông điện thoại reo. 11 giờ 40 phút. Tôi nhấc máy:
- Phạm Lê Phan đây.
- Sao?
- Xong rồi. Tao đã giao Cục cho họ. Tốt đẹp cả. Tự nghĩ mình chỉ là thượng sĩ nên tao không đủ tư cách làm Hoàng Diệu. Tao về. Thôi nhé!
Phạm Lê Phan đã về. Tôi rủ Côn ra đường. Vỉa hè nhà tôi, vỉa hè bên kia phố đã ngổn ngang mũ sắt, mũ vải, giầy vớ, ba lô, súng đạn. Không ai thèm lượm nhặt. Không ai nỡ lượm nhặt. Vợ tôi và ba đứa con cũng mở cổng ra đường. Khi nhìn quân trang, quân dụng, võ khí của quân đội ta xép lớp trên vỉa hè, vợ tôi òa lên khóc. Các con tôi khóc theo. Những tiếng khóc, những giọt nước mắt muộn màng. Tại sao người ta chỉ biết khóc vào hoàng hôn? Cảnh tượng bây giờ, đã thay đổi chút chút. Tôi thấy có nhiều người đeo băng vải đỏ ở cánh tay phải. A, những người này tôi đều biết. Họ ở dưới chợ Xóm Lách. Họ đã là nhân dân tự vệ chọc chó, hái trộm khế nhà tôi và gây phiền nhiễu cho dân lương thiện. Họ đã là những tên sống cù bơ, cù bất ngoài vòng pháp luật. Họ đã là ông thợ may hiền lành, bà chạp phô dễ tính. Họ đeo băng đỏ chờ đợi hoan hô cách mạng, hoan hô quân giải phóng. Họ thuộc sư đoàn 304 tân lập* . 11 giờ 45 phút, xe tăng cộng sản thị uy trên đường Công Lý. Nó tiến vào thành phố theo ngả Hàng Xanh, Bạch Đằng, Chi Lăng, Võ Tánh, rồi rẽ sang Cách Mạng, qua cầu Công Lý. Nó ngang qua nhà tôi. Năm chiếc. T-54 treo hoa ny-lông phía trước. Nóc xe đầy nhóc lính 304 phất lia lịa cờ đỏ sao vàng và cờ trên đỏ, dưới xanh, giữa sao vàng. Bên hông xe đeo tòng teng lồng gà, lồng vịt. Hẳn là tăng cộng sản đã dừng lại để nhận quà của "nhân dân" và để lính 304 leo lên... giải phóng Sài gòn. Gà và vịt cũng hãnh diện tham dự chiến dịch Hồ Chí Minh!
Những người đeo băng đỏ dơ cao tay, hét lớn "Hoan hô bộ đội giải phóng". Tôi có thể làm chứng nhân rất trung thực cái phút giây buồn bã này. "Nhân dân" đã không hoan hô theo. "Nhân dân" đứng trố mắt nhìn. "Nhân dân" suy nghĩ gì khi họ gặp xe tăng cộng sản, tôi không biết. Nhưng tôi đọc từ trong ánh mắt của họ một nỗi bẽ bàng. Chính nỗi bẽ bàng đó đã giữ tình nghĩa Việt Nam nguyên vẹn. Và Sài gòn không hề có đấu tranh giai cấp Xe tăng đi qua một lát thì mô-lô-tô-va và GMC Trung quốc tiến vào. Bộ đội miền Bắc đội nón cối. Quân giải phóng đội mũ tai bèo. Tất cả đứng trên xe cười thỏa mãn, vẫy tay rối rít. "Nhân dân" vẫy tay chào theo phép lịch sự. Tuyệt nhiên, "nhân dân" không hoan hô, dù cò mồi cách mạng 304 đã lấn xuống đường hô những khẩu, hiệu chào mừng quân giải phóng. Không còn cách mạng "diễn binh" nữa, "nhân dân" tản mạn về nhà mình. Đường phố nổi bật lính sư đoàn 304 đeo băng đỏ.
Tôi bảo vợ tôi đưa các con vào nhà, đóng cổng, khóa kỹ rồi rủ Đặng Xuân Côn đi bộ lên Sài gòn.
-Ông thấy gì?
- Thấy gì?
-Tôi sợ biển máu của nhân dân, không sợ biển máu của cộng sản. Rất may, nhân dân không thích biển máu.
- Sẽ không có biển máu.
-Phải, biển máu sẽ là đại dương nước mắt.
Dọc vỉa hè số lẻ đường Công Lý, chúng tôi rảo bước. Tôi không thấy đi, thấy khát. Quân trang, quân dụng, võ khí từng đống, từng đống trên vỉa hè. Tôi đã no nghẹn ngào. Mười tuổi, tôi đi đếm xác đồng bào tôi chết đi tháng ba năm ất Dậu, 1945. Cái thị xã Thái Bình nhỏ bé của tôi, xác chết đói cùng khắp. Gầm cầu. Xó chợ. Vỉa hè... Tôi đã nhìn đồng bào tôi chết từ từ. Tôi đã nhìn người mẹ chết, đứa bé nhay vú mẹ một lúc rồi chết theo. Hồi đó, tôi chỉ biết sợ hãi, thương xót mà chưa vỡ lẽ đau đớn. Những người bạn thơ ấu của tôi như Côn, như Luyến đã cố gắng làm những gì mình có thể làm được để cứu đói Và chúng tôi, đã đi ăn mày xin cơm cứu đói. Hôm nay, 30-4-1975, ba mươi năm sau, 40 tuổi, tôi lại nhìn quần áo, nón mũ, súng đạn của quân đội nước tôi nằm ngổn ngang, chất đống trên vỉa hè Sài gòn. Tôi đã vỡ lẽ đau đớn. Nón mũ, giầy vớ, quần áo của quân đội tôi yêu dấu, cơ hồ xác chết đói năm 1945. Đời tôi sao lại phải chứng kiến nhiều thảm cảnh thế? Nước mắt ròng ròng, hai chúng tôi bước nhanh.
- Long, cuộc chiến đấu chống cộng sản của dân tộc ta thật sự bắt đầu từ năm nào?
- 1951.
- Tại sao?
- Vì cuối 1950, cộng sản quy định thành phần, giai cấp Quốc gia bị loại bỏ khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập, tự do.
- Như thế, dân tộc ta đã chống cộng sản 24 năm. Bốn năm chống cộng sản với Pháp thì mất nửa tổ quốc. Hai mươi năm chống cộng sản với Mỹ thì mất cả tổ quốc và nuốt nhục.
- Chúng ta có thể xin cơm cứu đói 1945 mà không thể cất dấu xác chết 1975.
- Chúng ta làm gì?
- Làm gì? Lúc nãy, Phạm Lê Phan nói nó không đủ tư cách làm Hoàng Diệu nên nó về nhà nó. Ông muốn làm gì? Trong một biến cố lịch sử nào đó, có những người cần chết và những người cần sống. Chúng ta không có cả hai. Chúng ta chỉ có những kẻ sợ chết, cho nên, chúng ta thiếu sự chết cho sự sống.
-Mày nghĩ sao, nếu Trần văn Hương không chịu "hy sinh" cho Dương văn Minh?
- Có thể có đánh đấm.
- Rồi sao?
- Ông ta sẽ sống như Dương văn Minh thôi.
- Nếu mày là Dương văn Minh?
Những kẻ như Nguyễn văn Thiệu, Dương văn Minh, ngoài tham vọng quyền bính còn tham vọng đi vào lịch sử. Dương văn Minh đã có cơ hội duy nhất đi vào lịch sử, nhưng ông ta tình nguyện khước từ. Từ một tên lính của thực dân Pháp, nhờ sự chuyển mùa của đất nước khan hiếm tài năng, ông ta trở thành tướng lãnh của chế độ Ngô Đình Diệm, trở thành người anh hùng của các chiến dịch tiêu trừ loạn quân Bình Xuyên, Hòa Hảo... Tên lính Xuân tóc đỏ của quân đội, đáng lẽ, đứng ở đó là đẹp rồi. ông ta không chịu. ông ta nhúc nhích vì ngỡ mình là Nasser. ông ta bị dìu vào tội ác thoán nghịch. Và Dương văn Minh thỏa chí Quốc trưởng. Triều đình của Dương văn Minh thật phù du. Tên vũ biền không thích truy nã thân phận mình, ông ta tưởng ông ta có... đế mạng. Bị tước đoạt quyền bính, bị đuổi khỏi đất nước, Dương văn Minh cựa quậy quay về giành bằng được tước vị tổng thống. ông ta thỏa mãn. Thánh nhân thường đãi kẻ khù khờ. Thánh nhân đãi thêm đứa ngu dốt. Đất nước phải có đến thứ Dương văn Minh gánh vác, kể như đất nước tàn tạ. Dương văn Minh, trong diễn văn nhận chức vụ Tổng thống, biết nói về Trằn văn Hương: "Thầy đã hy sinh nhiều rồi" mà không biết ông ta đã già rồi và ngôi vị tổng thống ngáp ruồi vào giờ thứ hai mươi lăm của ông ta là cáo phó tuyệt vời bế mạc cuộc đời mình. Dương văn Minh chỉ cách biên giới lịch sử một sợi tóc: Nếu Dương văn Minh không ngu, lệnh đầu hàng của ông ta sẽ như thế này: "Đồng bào thân mến... Tôi, Dương văn Minh, tổng thống nước Việt Nam cộng hòa kiêm Tổng tư lệnh quân lực Việt Nam cộng hòa, tưởng đã đem những ngày cuối cùng của đời tôi chuyển vần lại vận mệnh của đất nước vào thời kỳ nghiêm trọng nhất của lịch sử, nhưng suy nghĩ lại, tôi thấy không đủ tài năng, e rằng xương máu của đồng bào đổ thêm vô ích. Vậy tôi tuyên bố đầu hàng cộng sản và xin đem cái chết của tôi để tạ tội cùng đồng bào, cùng chiến hữu, cùng tổ quốc..." Và Dương văn Minh tự sát ngay tại chỗ, ngay sau khi tuyên bố đầu hàng. Phát súng Minh tự bắn vào đầu ông ta cả nước sẽ được nghe trên vô tuyến truyền thanh, cả thế giới được nghe. Và đó là cái chết cần thiết cho cái sống. Dương văn Minh bất trí. ông ta không nên làm hàng tướng, vì sự sống của ông ta vô tích sự.*
- Không có so sánh hay "nếu" quái đản ấy. Dương văn Minh là tên lính tẩy chưa vỡ lẽ sống chết.
Hai chúng tôi vẫn cắm cúi bước. Lính của sư đoàn 304 xuất hiện khắp đường phố Sài gòn. Triết lý sống cỏ đuôi chó mà Lý Cẩm Dương đề cập trong cuốn Mạ nháy và chế độ mới đang là cái mốt ở đây. Nhưng cỏ đuôi chó mới chỉ mọc ngoài đường phố và là thứ cỏ dân giả. Những con thò lò trí thức chờ đợi quay. Góc độ còn tùy hoàn cảnh. Không thể thiếu cỏ đuôi chó vương giả. Mỗi biến cố lịch sử, chúng ta lại thấy lòi mặt một hạng người không ra cái giống người. Cái hạng người này sáng tạo thứ nhân sinh quan đốn mạt. Chỉ cần cái miệng hét lớn. Họ đã hoan hô Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại. Họ đã hoan hô hụt Nguyễn Chánh Thi đảo chính Ngô Đình Diệm. Họ đã hoan hô Dương văn Minh tàn sát Ngô Đình Diệm. Họ đã hoan hô Nguyễn văn Thiệu loại bỏ Nguyễn cao Kỳ. Họ đã hoan hô hụt cộng sản tổng tấn công Mậu Thân. Trí thức cả đấy. Bây giờ, họ chuẩn bị hoan hô cách mạng "đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào"...
Sư đoàn 304 tự đảm trách việc hướng dẫn lưu thông đường phố, bảo vệ an ninh, trật tự công cộng. Cách mạng vô sản thường ồn ào nhờ cỏ đuôi chó. Tôi nghĩ, cỏ đuôi chó đã mọc khắp vỉa hè Sài gòn. Chúng tôi đã đến Dinh Độc Lập. Lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam đã thay thế cờ vàng ba sọc đỏ. Nó không phất phới bay theo khí thế giải phóng. Nó rũ rượi trong ngày thiếu nắng, thiếu gió. Chiếc xe tăng thứ nhất theo ngả Thị Nghè, Hồng Thập Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thống Nhất đã vào khuôn viên Dinh Độc tập ngon lành. Cổng mở rộng sẵn. Không hề bị T-54 ủi sập như báo chí cộng sản tường thuật. Sư đoàn 304 đông đầy hai bên cổng dinh. Dân chúng đứng xa ngó vào. Lác đác ở vườn sao hai bên đường, vài người đứng nhìn về phía sau nhà thờ Đức Bà. Ở phố Hàn Thuyên nhỏ hẹp, dân chúng thập thò ngoài cửa. Cộng sản vào Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút.
Chúng tôi băng sang nhà thờ Đức Bà. Một người quen vỗ vai tôi, nói nhỏ:
- Cách đây nửa tiếng, quân ta nghênh giặc ở sau lưng nhà thờ.
- Quân ta?
- Một trung đội nhẩy dù quyết tử.
- Có diệt được chiếc T-54 nào?
- Không.
- Đánh đấm ra sao?
- Đánh lấy chết. Chết vinh. Tôi vừa mới khô nước mắt. Trung đội nhẩy dù chết hết. Giặc cũng chết bộn. Xác quân ta và xác giặc đã được mang đi. Chiến trường đã rửa sạch vết máu. Ông ra mà xem, đường còn ướt mèm.
- Ngoại quốc có quay phim?
- Họ tới không kịp. Chỉ quay T-54 vào Dinh Độc Lập. Tôi ngỡ chúng ta đã bất hạnh cả đến phút chót.
- Tại sao?
- Bọn ký giả ngoại quốc chỉ quay những cảnh có lợi cho cộng sản.
Đặng Xuân Côn và tôi lần ra phía sau nhà thờ Đức Bà. Quả thật, một khúc đường Thống Nhất cạnh vườn sao còn ướt mèm. Cộng sản đã hiện diện khắp cơ cấu quốc gia. Bọn nằm vùng chỉ đợi thời cơ hành động. Chúng đã kịp thời đưa xe vòi rồng tới tải xác chết, rửa đường. Đề chứng minh với thế giới rằng, quân đội ta tan hàng bệ rạc, cộng sản vào Sài gòn như vào chỗ không người.
- Côn.
- Hả?
- Ai sẽ viết trận đánh này? Ai sẽ vinh tôn lính nhẩy dù, lính Việt Nam cộng hòa? Ai biết ngọn ngành trận đánh mà viết? Chắc chắn, phải có vài trang tiểu thuyết. Ai sẽ viết những trang này? Tôi đã là bạn của lính nhẩy dù. Nguyễn Minh Tiến, Hà Huyền Chi, Hoàng Ngọc Liến, Vũ Khắc Niệm, Phạm Huy Sảnh... Bạn tôi cả đấy, lính nhẩy dù cả đấy.
- Vậy mày cần sống.
- Phải, dù sống hèn.
NHỮNG THIÊN THẦN MŨ ĐỎ CỦA CHƯƠNG CÒM, DZŨNG ĐAKAO, BỒN LỪA, HƯNG MẬP
Một vài trang nhỏ mọn dưới đây trích từ truyện tuổi thơ Nhánh cỏ mộng mơ của tôi viết năm 1985 ở Paris mà nhà xuất bản Nam á Paris đã phát hành. Tôi không muốn thế hệ con cháu tôi quên trận đánh danh dự này. Và tôi, tự cho mình còn thiếu nhiều thành thật khi vinh tôn những người lính mũ đỏ. Vậy nên để tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, đôn hậu bày tỏ hết lòng ngưỡng mộ lính quốc gia bằng những rung động thuần khiết, nguyên khối của các em. Với riêng tôi, vài trang truyện nhỏ mọn này nằm trong ý nghĩ: Sự thật nói ra không ai tin, thì nó biến thành tiểu thuyết. Lịch sử bỏ quên thì vẫn còn dã sử, huyền sử...
***
Hai chiếc xe cam-nhông từ đâu không rõ, chạy tới đậu ngay chỗ bùng binh, sau nhà thờ Đức Bà. Lính trên xe nhẩy hết xuống. Dzũng Đakao vui mừng:
-Lính nhẩy dù!
Bốn ông nhóc đứng dậy, tiến sát ra lề đường. Những thiên thần mũ đỏ còn nguyên vẹn là thiên thần. Vị đại úy chỉ huy rất trẻ, mai vàng rực rỡ trên cổ áo. ông cằm cây gậy nhỏ, say mê nhìn quốc kỳ ủ rũ trên nóc Dinh Độc Lập. Rồi ông xoay lưng lại, quan sát phía Phủ Thủ Tướng. ông hơi cúi đầu giây lát. Đoạn, ông ngó thằng chiến hữu của mình, dõng dạc nói:
- Lần cuối cùng, tôi nhắc nhở anh em: Dương văn Minh đã đầu hàng. Nhiệm vụ của anh em chấm dứt. Ai muốn về nhà cứ thản nhiên về. Anh em không nợ nần gì tổ quốc nữa.
Những người lính nhẩy dù đứng nghiêm, đồng loạt trả lời:
-Chúng tôi ở lại chiến đấu với đại úy. Vì danh dự của người lính.
Đại úy dơ tay chào:
-Cám ơn anh em. Chúng ta chuẩn bị nghênh địch.
Dzũng Đakao, Chương còm, Hưng mập, Bồn lừa phóng tới ôm chặt lấy vị đại úy.
- Thưa chú, tên chú là gì? Chương còm hỏi.
Vị đại úy xoa đầu bốn ông nhóc, giọng cảm động:
-Lính nhẩy dù. Mà cháu hỏi tên chú làm chi?
Chương còm nắm tay vị đại úy:
- Mai này, tên chú sẽ thay tên đại lộ Thống Nhất.
-Chú tin không?
Vị đại úy chớp mắt:
- Chú tin, thế hệ các cháu phải làm lại lịch sử, phải xóa bỏ dấu tích ô nhục hôm nay.
Dzũng Đakao nói:
-Chúng cháu đặt tên chú cho con đường này. Chú cho biết tên chú đi.
Vị đại úy vỗ nhẹ vai Dzũng Đakao:
-Tên chú gắn liền với lính nhẩy dù. Lính nhẩy dù là tên chú. Các cháu nhớ đặt tên đại lộ này là đại lộ Mũ Đỏ nhé? Bây giờ chạy thật nhanh về nhà. Sắp nổ súng.
Bồn lừa hỏi:
- Cháu có thể giúp chú việc gì?
Vị đại úy lắc đầu:
- Các cháu đã giúp chú rồi, đã làm tăng ý nghĩa chiến đấu của chú, đã sưởi ấm lòng chú. Chú không còn cô đơn nữa. Nào chạy lẹ, các cháu yêu dấu...
Bốn ông nhóc co cẳng chạy. Nhưng chúng không chạy về nhà, mà núp dưới gốc cây đầu đường Alexandre de Rhôdes. Phía bên kia, đường Hàn Thuyên, dân chúng cũng đang lấp ló dưới những gốc cây sao. Nhiều người vào nhà thờ Đức Bà để xem chiến tranh qua kẽ hở của mấy khung cửa bên hông. Nhiều người tụ tập ở sân Bưu Điện. Xe tăng cộng sản, từ xa lộ Biên Hòa, vô Sài gòn hai lối Lối thứ nhất: Hàng Xanh, qua Gia Định, qua đường Chi Lăng, đường Võ Tánh đến Tổng Tham Mưu, rẽ trái qua đường Cách Mạng, qua cầu Công Lý. Rồi chạy thị uy khắp phố Sài gòn. Mười hai giờ trưa, xe tăng vô lối này đã xuất hiện. Lối thứ hai: Thị Nghè, qua cầu Thị Nghè (bị chặn đánh). Mãi gần bốn giờ mới lại qua cầu Thị Nghè, qua Hồng Thập Tự rẽ trái, qua Nguyễn Bỉnh Khiêm, rẽ phải, qua Thống Nhất để vào Dinh Độc Lập.
- Xe tăng cộng sản rét rồi.
- Bọn điên ấy không rét đâu.
-Bao giờ chúng đến?
-Cứ từ từ.
Vị đại úy đứng ngạo nghễ giữa đại lộ Thống Nhất, khẩu Colt của ông trễ xuống bên đùi. Lính của ông đứng sau những thân cây sao với tư thế sẵn sàng khạc đạn..
-Chú ấy oai quá.
- Cứ như shérif đợi bọn cướp.
- Tao hồi hộp thấy mồ.
- Im lặng.
-Thằng nào chạy ra, ngó xuống Sở Thú xem chúng nó vô chưa?
- Tao.
- Để Bồn lừa đi. Mày mập chạy đâu nổi, Hưng.
Bồn lừa cắm cổ chạy ra đường Thống Nhất. Nó chạy vào ngay, hổn hển:
- Rồi, rồi, sắp tới!
Tiếng xe tăng nghiến xích sắt trên đường nhựa nghe rõ dần rồi sôi sục trong tâm hồn bốn ông nhóc. Như chính mình tham dự trận đánh, Dzũng Đakao hét:
- Nó kia kìa.
Chiếc xe tăng dẫn đầu đã đến bùng binh. Nó có vẻ làm bộ làm tich. Nó có vẻ khinh khi, ngạo mạn. Đằng sau nó, đám bộ đội nón cối, dép râu ngụy trang cành lá trông dễ ghét. Chúng ôm súng AK lò mò bước y hệt chúng diễn trò khỉ. Vị đại úy đâu rồi? Chiếc xe tăng thứ hai lừ lừ bò ở cửa Bộ Tư Pháp. Một phát súng nổ. Lính nhẩy dù xuất hiện. Không thèm nấp. không thèm nằm, lính nhẩy dù đứng thẳng, bước tới, chắc tay súng, nhằm xe tăng và kẻ thù nhả đạn xối xả. Vị đại úy đó, thần tượng của Dzũng Đakao, Chương còm đó, sát cánh chiến hữu, phóng nhiệt tình và danh dự vào trận chiến cuối cùng. Để trả lời thế giới: Chúng tôi không đầu hàng. Bọn Mỹ và bọn tướng phường chèo khiếp nhược đầu hàng. Lính Việt Nam không biết đầu hàng. Chiến trường kết thúc mau lẹ. Vị đại úy và hơn ba mươi người lính nhẩy dù gục chết trên đại lộ Thống Nhất. Máu của họ, máu Việt Nam anh dũng, bất khuất đã thấm đỏ đường lịch sử tháng 4. Lính nhẩy dù, tại sao anh không chạy trốn ở phi trường, ở tòa đại sứ Mỹ, ở bờ sông? Tổ quốc đã cho anh cái gì? Dân tộc đã cho anh cái gì? Ngôi sao nào trên cầu vai anh, trên mũ anh? Bảo quốc huân chương nào, Bắc đẩu bội tinh nào trước ngực anh?
-Thế là xe tăng nó vào Dinh Độc Lập!
Bốn ông nhóc, nước mắt đầm đìa, thằng nọ nhìn thằng kia mếu máo.
Xe tăng nghiến lên xác chết của lính nhẩy dù. Chúng nó thù hận cả xác chết. Bọn bộ đội phân tán, bao quanh khu vườn sao. Dzũng Đakao và Chương còm muốn tới vuốt mắt vị đại úy và những người lính cũng không được. Chương còm thầm thì:
- Vâng, mai này, đại lộ này sẽ mang tên Mũ Đỏ và chỗ các chú chết sẽ là Đài Tưởng Niệm Anh Hùng. Cháu hứa, các cháu hứa...
(Trích truyện dài Nhánh cỏ mộng mơ)