Chương 8
Tác giả: F Scott Fitgerald
Nguyên cả đêm tôi không ngủ được, tiếng còi báo sương mù cho tàu bè trên biển kêu rên rỉ triền miên vang vọng ngoài eo. Tôi trằn trọc như ốm dở giữa những sự thật đầy lố bịch và những cơn mê man rợ đầy khiếp sợ. Tới lúc trời gần sáng tôi nghe tiếng xe taxi chạy vào trong đường đi nhà Gatsby, ngay lập tức tôi nhảy ra khỏi giường và mặc quần áo. Tôi cảm thấy mình phải nói với Gatsby vài điều, nhắc anh ta đề phòng. Tôi sợ nếu để tới sáng thì đã quá trễ.
Đi ngang qua bãi cỏ nhà Gatsby, tôi thấy cánh cửa chính vẫn còn mở và anh ta đang đứng dựa vào một cái bàn trong sảnh đường, đang lắng chìm trong chán nản hay mất ngủ.
“Không có gì xẩy ra.” Gatsby nói một cách yếu ớt. “Tôi đã đợi, vào khoảng bốn giờ Daisy có đến bên cửa sổ và đứng đó khoảng một phút, sau đó thì tắt đèn.”
Tôi cảm thấy căn nhà của Gatsby hình như chưa bao giờ lớn khổng lồ khủng khiếp bằng như đêm hôm đó khi chúng tôi lùng kiếm quanh căn nhà tìm thuốc lá. Chúng tôi vén những bức màn cửa rộng lớn như những miếng vải lều, rờ rẫm qua không biềt bao nhiêu thước của bức tường tối đen để tìm những nút bật đèn. Có lúc tôi đã ngã nhào lên trên những phiếm đàn của chiếc đàn dương cầm đầy ma quái. Không sao giải thích được có nhiều bụi như vậy, bụi phủ đầy khắp mọi nơi và những căn phòng mang đầy mùi ẩm mốc làm như chúng không hề được mở ra cho thoáng khí đã bao ngày rồi. Tôi tìm thấy hộp đựng thuốc nằm trên một chiếc bàn không quen thuộc chỉ còn lại hai điếu thuốc đã nhạt nhẽo và khô rốc. Mở tung những cánh cửa kính ở trong phòng khách, chúng tôi cùng nhau ngồi hút thuốc, nhả khói thuốc bay vào trong bóng đêm.
“Anh nên tránh đi nơi khác.” Tôi nói. “Họ chắc chắn sẽ truy tìm được là xe của anh.”
“Đi trong lúc NÀY sao, anh bạn già?”
“Đi tới thành phố Atlantic City khoảng một tuần, hay đi lên Montreal cũng được.”
Thế nhưng Gatsby không nghe lời tôi khuyên. Anh ta không thể rời khỏi Daisy lúc này cho đến khi anh ta biết được dự tính của Daisy sẽ làm gì. Gatsby đang ôm ấp chút hy vọng cuối cùng và tôi không đành lòng nói anh nên từ bỏ.
Chính trong buổi tối này Gatsby đã kề cho tôi nghe câu chuyện kỳ lạ về tuổi trẻ của anh và Dan Cody – anh kể cho tôi chuyện này vì “Jay Gatsby” giờ đây đã bị vỡ tan tành như thủy tinh bị va chạm vào cái hiểm độc tàn nhẫn của Tom, và cái bí mật ngông cuồng vô lý đã được che đậy lâu nay coi như đã được phơi bày kết thúc. Tôi cho rằng Gatsy sẽ kể hết ra mọi chuyện, không dấu diếm dè dặt, thế nhưng anh ta chỉ muốn kể về Daisy.
Daisy là người con gái “đàng hoàng” đầu tiên mà Gatsby đã từng quen. Trong giao tế hàng ngày, anh ta đã từng tiếp xúc với những người như vậy nhưng hình như giữa anh và họ lúc nào cũng có những sợi dây kẽm gai vô hình không thể thấy rõ. Gatsby cảm thấy Daisy rất quyến rũ. Lúc đầu thì Gatsby đến nhà của Daisy cùng với mấy sĩ quan khác từ trại Taylor, sau đó thì anh ta đến một mình. Nhà của Daisy đã làm cho anh choáng ngợp, Gatsby chưa bao giờ đặt chân vào căn nhà nào đẹp lộng lẫy như vậy. Nhưng chính cái đã làm cho anh ngộp thở không phải là căn nhà mà là người con gái sống trong đó, Daisy. Daisy đã sống ở đó tự nhiên thoải mái cũng như Gatsby sống ở trong trại lính của mình. Căn nhà chứa đựng một huyền bí chín mọng. Nó khơi cho người ta cảm tưởng những căn phòng ngủ ở trên lầu thì đẹp hơn và dịu mát hơn những căn phòng ngủ khác, những cuộc chơi tươi vui hớn hở diễn ra dọc theo những dãy hành lang, những cuộc tình thơ mộng không hề khô héo được cất để dành nhưng lúc nào cũng vẫn giữ nét tươi thắm, vẫn tràn đầy hơi thở, làm gợi nhớ lại những chiếc xe mô tô sáng bóng trong năm và những buổi tiệc liên hoan khiêu vũ nơi mà những bông hoa ở đó không bao giờ héo tàn. Còn một cái khác khiến cho Gatsby càng quan tâm thích thú chú tâm vào Daisy đó là việc Daisy được quá nhiều thanh niên yêu thích, trong mắt Gatsby điều này càng khiến giá trị của Daisy đươc tăng thêm. Gatsby có thể cảm nhận được sự hiện diện của mấy thanh niên này chung quanh căn nhà, tràn ngập làn không khí với bóng dáng và tiếng vang của những cảm xúc vẫn còn sống động.
Thế nhưng Gatsby biết rằng anh đã bước được vào trong nhà của Daisy chỉ là một tình cờ to lớn. Dù cho tương lai của anh dưới cái tên Jay Gatsby có vẻ vang huy hoàng tới đâu đi nữa, lúc đó anh cũng chỉ là một thanh niên không tiền dính túi, một người không gốc gác và bất kỳ lúc nào thì chiếc áo bảo vệ tàng hình là bộ quân phục cũng sẽ vuột khỏi đôi vai. Vì như thế, Gatsby đã tận hưởng hết thời gian của mình. Anh đã cố chiếm lấy những gì anh có thể chiếm lấy được lúc đó, một cách ngấu nghiến, một cách không đắn đo ngần ngại. Và như thế anh đã chiếm được Daisy trong một đêm tháng Mười tĩnh lặng, chiếm được Daisy bởi vì anh không có đặc quyền chính đáng để ngay cả đụng vào tay Daisy.
Đáng lẽ ra Gatsby đã nên phải khinh bỉ chính mình vì anh ta đã chiếm đoạt được Daisy bằng những gian dối. Ý của tôi ở đây không phải nói là Gatsby đã chiếm được Daisy bằng cách trao đổi ra cái tài sản ma hàng triệu của mình, mà bằng một sự tính toán trao tặng cho Daisy cái cảm giác an toàn, khiến cho Daisy tin tưởng rằng Gatsby là người ít ra cũng ở vào trong cùng tầng lớp xã hội như mình và anh có khả năng để bảo bọc cuộc đời cho mình. Nhưng sự thật không là như vậy, Gatsby không hề có những khả năng đó, anh không có một gia đình khá giả hổ trợ phía sau mình, anh phải dựa vào một chính quyền thất thường không mang tính người và anh sẽ bị đẩy đi xa tới bất cứ nơi nào trên thế giới.
Thế nhưng Gatsby đã không tự khinh bỉ chính mình và tình hình cũng không diễn ra như anh đã tưởng tượng. Chủ ý của anh trước đó chỉ là chiếm đoạt được những gì mình muốn rồi cao bay xa chạy - thế nhưng giờ đây anh ta nhận ra rằng mình đã tự dấn thân vào một cuộc theo đuổi gian nan hão vọng. Gatsby biết rằng Daisy là một người con gái đặc biệt khác thường, thế nhưng anh ta lại không sao nhận thức được một người con gái “đàng hoàng” thì sẽ đặc biệt khác thường đến cỡ nào. Daisy tan biến vào trong căn nhà giàu sang của mình, vào trong đời sống giàu sang đầy đủ không thiếu gì của mình, để lại Gatsby chỉ là con số không. Gatsby cảm thấy như mình đã kết hôn với Daisy, chỉ vậy thôi.
Hai ngày sau khi hai người họ gặp nhau lần nữa, chính Gatsby là người đã phải ngộp thở và cảm thấy mình mới là kẻ bị phản bội. Hiên nhà của Daisy được chiếu sáng lạng bởi những món đồ đạc xa xỉ sáng bóng như sao trời. Chiếc ghế dựa sô pha đan bằng mây phát lên những tiếng kêu kót két đầy sang trọng khi Daisy quay người về phía Gatsby và anh ta đã hôn lên đôi môi đầy gợi cảm đáng yêu của Daisy. Lúc đó Daisy đang bị cảm khiến cho giọng nói của nàng càng trở nên khàn hơn và càng thêm duyên dáng hơn bao giờ hết. Gatsby bàng hoàng nhận ra tự tươi trẻ và cái bí ẩn đã được giam cầm gìn giữ trong sự giàu sang, của sự tươi thắm của biết bao nhiêu áo quần, và Daisy, sáng lấp lánh như ánh bạc, đầy an toàn và kiêu hãnh lên trên tất cả những vật lộn gay gắt của người nghèo.
“Anh bạn già, tôi không thể diễn tả cho anh hiểu được tôi đã ngạc nhiên tới cỡ nào khi tôi khám phá ra mình đã yêu Daisy. Có khoảng một thời gian tôi còn mong sao Daisy sẽ bỏ rơi tôi, thế nhưng Daisy đã không làm như vậy bởi vì Daisy cũng đã yêu tôi. Daisy tưởng tôi hiểu biết rộng lắm bởi vì những cái tôi biết đều khác với những gì Daisy đã biết. Thế đấy, chuyện là thế đấy, tôi đã vượt qua khỏi tham vọng của mình, mỗi giây phút mỗi lún sâu hơn vào trong tình yêu và đột nhiên tôi không còn cảm thấy quan tâm tới mọi chuyện nữa. Đi làm những việc trọng đại trên đời đâu còn có nghĩa gì nếu như tôi có thể nói cho Daisy biết chuyện tôi muốn làm là chuyện gì.” Một buổi chiều cuối cùng trước khi Gatsby được điều động đi nước ngoài, Gatsby ngồi ôm Daisy trong vòng tay, thật lâu thật yên lặng. Hôm đó là một ngày thu lạnh lẽo, dưới ánh lửa của lò sưởi trong nhà Daisy, đôi má của nàng ửng hồng. Thỉnh thoảng Daisy chuyển động cơ thể và Gatsby đổi cánh tay mình một tý, có một lần anh đã hôn lên mái tóc sẫm màu óng mượt. Buổi chiều khiến họ trở nên yên tĩnh trầm lặng, như để ghi lại trong tâm trí những kỷ niệm sâu đậm trước buổi chia tay dài đăng đẳng của ngày mai. Hai người họ chưa từng bao giờ gần gũi nhau hơn vậy trong một tháng yêu nhau, hay cảm thấy truyền đạt chia xẻ với nhau sâu sắc với nhau hơn khi Daisy đặt đôi môi thầm lặng không nói một lời của mình lên vai áo khoác của Gatsby, hay khi Gatsy nhẹ nhàng dịu dàng vuốt nhẹ những nhón tay của Daisy làm như nàng đang ngủ.
Gatsby đã được thăng tiến rất nhanh trong chiến tranh. Anh ta được thăng cấp đại úy trước khi ra chiến trường, và sau những trận đánh ở Argonne anh được thăng thiếu tá chỉ huy những súng trường của sư đoàn. Sau khi ngưng chiến Gatsby đã tìm đủ mọi cách để được về nước, thế nhưng do những nhầm lẫn và trục trặc, anh ta được gửi đi Oxford. Lúc này Gatsby rất lấy làm lo lắng, trong những lá thư mà Daisy đã gửi cho anh có chứa đựng những bồn chồn tuyệt vọng. Daisy không thể hiểu được tại sao anh ta không thể về nước. Daisy cảm thấy mình bị nhiều áp lực từ thế giới quanh mình và nàng muốn gặp Gatsby, muốn được ở bên cạnh anh và để được anh trấn an mình rằng những việc nàng làm là đúng đắn.
Daisy còn quá trẻ, cái thế giới giả tạo chung quanh nàng lúc nào cũng nồng nàn thơm mùi hương lan và tràn đầy vui tươi, tràn đầy những đua đòi nhộn nhịp, những dàn nhạc sắp xếp nhịp điệu cho nguyên cả năm để tổng kết những nỗi buồn đã qua và gợi ý cho cuộc đời trước mặt bằng những âm điệu mới. Suốt canh thâu, những tiếng đàn saxophone thở than rên rỉ những tiếng đầy tuyệt vọng của bài hát BEALE STREET BLUES, trong khi hàng trăm những đôi giày vàng giày bạc làm tung bay lớp bụi lóng lánh. Vào giờ uống trà, lúc nào cũng có những căn phòng rộn ràng triền miên trong cơn sốt nhẹ nhàng ngọt ngào, trong khi những khuôn mặt tươi tắn lướt qua hết nơi này tới nơi kia như những cánh hồng bị hơi những cây kèn tù và buồn bã thổi bay quanh sàn nhà.
Trong cái thế giới tranh tối tranh sáng đó, Daisy lại bắt đầu tiếp tục sinh hoạt trở lại khi mùa sang. Daisy đột nhiên tiếp nhận cả nửa chục hò hẹn một ngày với cả nửa chục thanh niên để rồi ngủ thiếp đi vào lúc bình minh với những chuỗi hạt và áo dạ hội nằm vất bừa bãi lẫn lộn trong đám những đóa hoa phong héo tàn dưới sàn bên cạnh giường. Thế nhưng trong lòng Daisy lúc nào cũng thôi thúc khát khao cho một quyết định. Daisy muốn cuộc đời của mình được tu chỉnh lại – ngay lập tức – và quyết định đó cần phải có một sức mạnh để thực hành - sức mạnh đó là của tình yêu, của tiền bạc, của thực tiễn chắc chắn ngay cạnh bên mình.
Cái sức mạnh đó đã đến vào giữa mùa xuân khi Tom Buchanan xuất hiện. Ở Tom là một bao gồm toàn diện về mọi phương diện với sự lo lớn đồ sộ từ con người, gia thế đến địa vị, chúng đã khiến Daisy cảm thấy hãnh diện. Không nghi ngờ gì, Dasiy đã mang trong lòng mình những sự giằng co đồng thời cùng với sự nhẹ nhõm. Lá thư gửi đến tay Gatsy lúc anh ta còn đang học ở Oxford.
Trời đã bước sang bình minh ở Long Island, chúng tôi đi chung quanh mở rộng hết những căn cửa sổ ở dưới nhà, căn nhà tràn đầy ánh sáng nửa ngả xám nhạt nửa ngả vàng hoe. Bóng một thân cây nằm đổ dài ngang lớp sương đêm và những con chim như ma quái cất tiếng hót giữa những tàng lá xanh. Không gian như có chứa đựng một lay động nhẹ nhàng chầm chậm, không phải là làn gió, nhưng là lời hứa hẹn một ngày mới mát mẻ dễ chịu và đẹp trời.
“Tôi không nghĩ rằng Daisy đã từng yêu Tom.” Gatsby quay lưng lại từ một cửa sổ và nhìn tôi một cách không thừa nhận. “Anh bạn già, anh phải biết rằng Daisy rất kích động chiều hôm qua. Hắn ta đã nói những điều với dụng ý làm cho Daisy sợ hãi và khiến tôi giống như một tên lừa đảo hèn hạ. Kết quả Daisy đã không biết mình đang nói gì.
Gastby ngồi xuống u sầu ảm đạm.
“Có lẽ cô ta đã từng yêu hắn ta trong thoáng chốc khi hai người họ mới kết hôn, nhưng lúc đó Daisy vẫn đã yêu tôi nhiều hơn, anh có nhận thấy không?”.
Đột nhiên Gastby thốt ra một câu nói lạ lùng.
“Trong mọi trường hợp.” Anh ta nói. “Đó cũng chỉ là chuyện cá nhân.”
Ta đã nhận thấy gì qua câu nói đó, nếu không phải là nghi ngờ trong tư tưởng của Gatsby đang có những xúc cảm mãnh liệt không thể đo lường?
Gatsby từ Pháp trở về nước lúc Tom và Daisy vẫn còn đang trong chuyến đi trăng mật. Sau đó anh ta đã dùng những đồng lương cuối cùng lãnh được từ quân đội để làm một chuyến du hành đau khổ nhưng không thể cưỡng được về lại Louisville. Gatsby đã ở đó một tuần, đi bộ ngang qua những con đường trước kia hai người họ đã từng rảo bước chung đôi một tối tháng mười một. Anh đã đi thăm cả những nơi xa xôi hơn, nơi họ đã đi tới bằng chiếc xe trắng của Daisy. Cũng như căn nhà của Daisy lúc nào cũng tràn đầy bí ẩn và tươi vui hơn những căn nhà khác đối với Gatsby, suy nghĩ của anh về cái thành phố này cũng như vậy, dù rằng Daisy đã không còn ở đó, nét đẹp của nó vẫn đượm vẻ u buồn.
Gastby rời khỏi thành phố với cảm nghĩ rằng nếu anh đã cố gắng đi tìm hơn thì anh đã có thể đã tìm thấy Daisy, rằng chính anh là người đã bỏ rơi Daisy. Trên chuyến xe lửa - túi không còn một đồng dính túi - trời đầy nóng bức. Gatbsy đi ra ngoài hành lang toa xe và ngồi xuống trên một chiếc ghế xếp. Trạm ga xe lửa bắt đầu lùi dần xa, lướt qua phía sau lưng những tòa nhà không quen thuộc đi vào trong những cánh đồng mùa xuân. Một chiếc xe điện màu vàng chạy đua ngang khoảng chừng một phút, bên trong nó chứa những hành khách có lẽ đã từng tình cờ thấy khuôn mặt đầy nét huyền ảo xanh xao của Daisy trên đường phố.
Đường rầy uốn quanh và con tàu giờ đây đang quay lưng lại mặt trời lúc đó đang mỗi lúc mỗi lặn thấp hơn, nó dường như đang trải những lời ban phước lành đến cho cái thành phố đang khuất dần, nơi đã từng mang lại hơi thở cho Daisy. Gastby giang bàn tay của mình ra một cách tuyệt vọng như cố chụp lấy, dù chỉ là một mảnh nhỏ của không khí, để giữ lại một chút không gian, nơi mà vì anh Daisy đã làm thành kiều diễm. Thế nhưng giờ đây mọi thứ đã lướt đi quá nhanh cho đôi mắt đang mờ dần của anh, và Gatsby biết rằng anh ta mất đi phần nào của nó, mất đi cái phần tươi nhất, tốt nhất và mãi mãi.
Đến chín giờ sáng thì chúng tôi ăn sáng xong và cùng bước ra trước hiên nhà. Đêm bước qua tạo sự khác biệt rõ ràng cho thời tiết và không gian tràn đầy hương vị của mùa thu. Người làm vườn, đây là người làm cuối cùng trong số những người làm cũ của Gatsby, bước đến bên bực thềm.
“Tôi sẽ làm cạn nước hồ bơi hôm nay, thưa ngài Gatsby. Lá cây sắp sửa rụng rồi, lúc đó sẽ gây phiền phức cho mấy ống nước.”
“Khoan làm ngày hôm nay.” Gatsby trả lời. Anh ta quay sang tôi giải thích.
“Anh bạn già, anh biết không, nguyên cả mùa hè qua tôi chưa xử dụng tới cái hồ bơi.”
Tôi nhìn đồng hồ, đứng lên.
“Mười hai phút nữa chuyến xe lửa của tôi khởi hành.”
Tôi không muốn đi vào thành phố. Tôi không còn hơi sức nào để làm việc, nhưng cái chính là tôi không muốn bỏ Gatsby để đi trong lúc này. Tôi đã lỡ chuyến xe lửa đó, rồi lỡ thêm một chuyến nữa trước khi tôi có thể rũ chân bước đi.
“Tôi sẽ gọi cho anh.” Cuối cùng, tôi nói.
“Nhớ gọi, anh bạn già.”
“Tôi sẽ gọi anh vào buổi trưa.”
Hai chúng tôi đi bộ chậm rãi xuống những bậc thang.
“Tôi nghĩ Daisy cũng sẽ gọi cho tôi.” Gatsy nhìn tôi dáng vẻ băn khoăn, làm như mong muốn tôi chứng thực điều anh nói.
“Tôi cũng nghĩ như vậy.”
“Thôi chào tạm biệt.”
Chúng tôi bắt tay nhau và tôi bước đi. Nhưng khi tôi vừa mới đi tới bờ rào thì chợt nhớ ra một chuyện, tôi quay đầu lại.
“Đám người họ chỉ là đám người tồi bại.” Tôi la lớn vọng ngang khu vườn cỏ. “Anh đáng giá trị hơn tất cả bọn họ gom lại.”
Tôi luôn vui mừng tôi đã nói câu nói đó. Đó là lời khen ngợi duy nhất tôi từng tặng cho Gatsby bởi vì ngay từ đầu đến cuối tôi luôn luôn không tán thành anh. Thoạt tiên, Gatsby gật đầu một cách lịch sự nhã nhặn, sau đó khuôn mặt anh ta trở nên rạng rỡ với nụ cười thông cảm làm như chúng tôi lúc nào cũng cùng ý về việc này. Bộ đồ com lê hồng tuyệt đẹp đã thành lốc thốc của anh tạo thành một khoảng tươi sáng tương phản chiếu bên cạnh những bậc thềm đá trắng khiến tôi nhớ lại cái đêm đầu tiên tôi đến căn nhà cổ kính của anh ba tháng trước.
Tôi cám ơn Gatsby về lòng hiếu khách của anh. Tất cả chúng tôi, tôi và mọi người khác, ai cũng đều cám ơn Gatsby về tấm lòng này.
“Tạm biệt.” Tôi nói to. “Bữa sáng ngon lắm, Gatsby.”
Khi vào đến thành phố, tôi phải cố gắng mãi mất một lúc để ghi lại giá cả những cổ phiếu vào những bảng giá dài lê thê vô cùng tận, rồi ngủ thiếp đi trên chiếc ghế xoay của mình. Chuông điện thoại reo đánh thức tôi dậy lúc khoảng gần trưa, tôi giật mình thức giậy mồ hôi ướt đầy trán. Người gọi là Jordan Baker, Jordan thường gọi tôi vào giờ này bởi vì Jordan hay đi qua lại thất thường từ khách sạn này đến câu lạc bộ kia đến các nhà riêng nên chỉ có giờ này mới thuận tiện để gọi. Thường thì giọng nói của Jordan qua điện thoại nghe rất tươi vui và đằm thắm như một mảnh đất còn dính cỏ nhỏ từ sân chơi gôn xanh rì được đánh bật bay lên đậu vào trên cánh cửa sổ văn phòng việc của tôi, Thế nhưng sáng nay giọng nói đó dường như cộc cằn và khô khan.
“Em đã rời khỏi nhà Daisy rồi.” Jordan nói. “Em bây giờ đang ở Hempstead và em sẽ đi xuống Southhampton chiều nay.”
Có lẽ rời khỏi nhà Daisy trong lúc này là khéo xử. thế nhưng nó lại khiến tôi khó chịu bực mình và câu nói tiếp của Jordan làm tôi như cứng đơ.
“Tối hôm qua anh sử sự với em không tốt lắm.”
“Trong lúc đấy, chuyện đó đâu có quan trọng gì.”
Một khoảng im lặng kéo dài. Sau đó:
“Tuy nhiên – Em muốn gặp anh.”
“Anh cũng muốn gặp em.”
“Giả dụ như em không đi Southhampton nhưng ra tỉnh gặp anh chiều nay?”
“Không – anh nghĩ chiều nay không tiện.”
“Được rồi.”
“Chiều nay không thể được. Có nhiều….”
We talked like that for a while, and then abruptly we weren’t talking any longer. I don’t know which of us hung up with a sharp click, but I know I didn’t care. I couldn’t have talked to her across a tea-table that day if I never talked to her again in this world.
Hai chúng tôi nói dớ dẩn một hồi kiểu như vậy thì đột nhiên tôi nhận ra chúng tôi không còn đang nói chuyện nữa. Tôi không nhớ rõ giữa hai đứa chúng tôi ai là người đột ngột gác máy trước, nhưng mà tôi cũng không cần muốn biết. Tôi không thể nói chuyện với Jordan trên bàn uống trà ngày hôm đó nếu như tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với cô ta lần nữa trên thế giới này.
Mấy phút sau tôi gọi điện thoại về nhà Gatsby, nhưng đường giây đang bận. Tôi cố gọi tất cả là bốn lần, cuối cùng người điện thoại viên cáu kỉnh cho tôi hay đường dây nhà anh đang bận nói chuyện viễn liên từ Detroit. Lấy thời gian biểu của xe lửa ra, tôi vẽ một vòng tròn quanh chuyến tàu ba giờ năm mươi. Sau đó tôi dựa người vào ghế cố suy nghĩ. Lúc đó mới vào trưa.
Sáng hôm đó lúc ở trên xe lửa, khi đi ngang qua những đồi tro, tôi cố tình tránh ngồi sang bên phía kia toa xe. Tôi đoán rằng có lẽ có một đám đông hiếu kỳ đang bu quanh nơi đó nguyên ngày với những đứa trẻ nhỏ đi tìm những đốm đen trong đám bụi bặm, với người đàn ông ba hoa lắm mồm nào đó kể đi kể lại những gì đã xẩy ra, kể mãi cho đến khi câu chuyện càng lúc nghe càng không thật nữa, ngay cả cho chính anh, và sau đó anh ta sẽ ngừng kể, và rồi bi kịch Myrtle Wilson sẽ bị chìm vào quên lãng. Lúc này tôi muốn kể lại chuyện gì đã xẩy ra ở tiệm sửa xe sau khi chúng tôi rời khỏi nơi đó tối hôm trước.
Khó khăn lắm người ta mới tìm ra cô em gái Catherine. Tối đó có lẽ cô ta đã phá luật riêng của mình là không uống rượu bởi vì khi cô ta đến tới nơi thì đã say sưa chẳng biết gì, không đủ tỉnh táo để hiểu rằng xe cứu thương đã chở xác tới Flushing rồi. Đến lúc người ta khiến cho cô ta tin vào chuyện vừa xẩy ra thì cô lập tức ngất xỉu làm như trong cả diễn biến đoạn này là đoạn không thể chịu được. Người nào đó, không biết là do tò mò hay tốt bụng, đỡ cô ta vào trong xe của anh ta và đưa cô ta tới xác cô chị.
Quá nửa đêm một lúc lâu, đám đông vẫn tiếp tục tụm túm vòng quanh cửa trước tiệm sửa xe, người này đi thì thay bằng người khác tới, trong khi Wilson ngồi gật gưỡng trên chiếc ghế bên trong. Cánh cửa phòng giấy để mở mãi một lúc lâu, những người bước vào trong nhà không ai có thể kềm chế không liếc nhìn vào trong. Cuối cùng ai đó nói rằng làm như vậy thật đáng xấu hổ, cho nên cánh cửa đã được khép lại. Michaelis cùng nhiều người đàn ông khác ở bên cạnh Wilson; lúc đầu là bốn hay năm người, sau đó chỉ còn hai hay ba. Cuối cùng Michaelis phải yêu cầu người lạ mặt cuối cùng đứng nán lại thêm khoảng mười lăm phút nữa trong lúc anh ta quay về tiệm mình pha một bình cà phê. Sau đó, Michaelis đã ở lại bên Wilson cho tới lúc trời hừng sáng.
Khoảng ba giờ sáng, những lời lầm bầm nghe không rõ ràng của Wilson đã bắt đầu thay đổi. Anh ta trở nên ít nói hơn và bắt đầu kể lể về chiếc xe màu vàng. Anh ta tuyên bố anh có cách tìm ra ai là chủ nhân chiếc xe đó và còn buột miệng thốt lên rằng cách đây khoảng hai tháng cô vợ của mình đi từ phố về với khuôn mặt bầm tím và chiếc mũi xưng vù.
Thế nhưng khi anh ta chính mình tự nghe những lời mình nói này thì anh trở nên lưỡng lự và bắt đầu lại la lên nữa “Ô, trời ơi!” với giọng như rên rỉ. Michaelis luống cuống vụng về cố gắng tìm cách làm cho anh ta quên nó đi.
“Anh đã lập gia đình được bao lâu rồi George?” Nghe đây, cố ngồi yên một phút và trả lời câu hỏi của tôi. Anh lập gia đình được bao lâu rồi?”
“Mười hai năm.”
“Có con cái gì không? Nghe đây George, ngồi yên để tôi hỏi anh một câu hỏi. Anh có con cái gì không?”
Những con bọ nâu cánh cứng cứ tiếp tục đâm rớt vào trong ánh sáng đục mờ, và mỗi khi nghe tiếng một chiếc xe chạy ngang đường bên ngoài thì Michaelis lại tưởng nó là tiếng xe đã không chịu ngừng lại một vài tiếng trước đây. Anh ta không muốn đi vào trong nhà để xe bởi vì chiếc bàn làm việc vẫn còn dính đầy máu chỗ để thi thể. Bởi vậy anh ta cứ phải di chuyển một cách khó chịu trong phòng làm việc. Trời chưa sáng mà Michaelis đã rành hết những món đồ trong phòng - thỉnh thoảng anh ngồi xuống cạnh Wilson cố làm cho anh ta dịu đi.
“Anh có hay đi nhà thờ ở đâu không George? Ngay cả những nhà thờ nào mà lâu nay anh ít đi? Hay là tôi gọi nhà thờ và mời một cha tới để nói chuyện với anh, được không?”
“Tôi không theo nhà thờ nào cả.”
“Anh nên theo một nhà thờ nào đó, George, cho những trường hợp như vầy. Anh chắc hẳn đã đi nhà thờ ít nhất cũng một lần. Anh có làm đám cưới ở trong nhà thờ không George? Nghe đây George, nghe tôi hỏi đây. Anh có làm đám cưới ở nhà thờ không?”
“Chuyện đó đã lâu lắm rồi.”
Sự cố gắng để trả lời những câu hỏi đã làm cho nhịp điệu gật gưỡng của Wilson bị gián đoạn, anh ta trở nên bình lặng lại trong khoảng khắc. Nhưng sau đó thì nét nửa như hiểu biết nửa như hoang mang lại hiện trong cặp mắt đục mờ của anh ta.
“Nhìn vào trong cái ngăn kéo ở đó đi.” Anh ta nói, đưa tay chỉ về chiếc bàn.
“Ngăn kéo nào?”
“Ngăn kéo đó – đúng rồi cái đó.”
Michaelis mở ngăn kéo gần tay mình nhất. Ở trong ngăn kéo không có gì cả ngoại trừ một chiếc giây đeo cổ nhỏ cho chó loại mắc tiền, làm bằng da và bện viền bằng bạc. Nhìn rất còn mới.
“Cái này phải không?” Michaelis hỏi, cầm nó lên.
Wilson nhìn trừng và gật đầu.
“Tôi tìm thấy nó ngày hôm qua. Cô ấy đã cố giải thích cho tôi nghe về nó nhưng tôi đã biết có cái gì đó không ổn.”
“Ý của anh là vợ anh đã mua nó?”
“Cô ấy gói nói trong giấy mỏng để trên bàn phấn.”
Michaelis không thấy có điểm gì lạ lùng cho việc này, anh ta đưa ra cả chục lý do tại sao vợ của Wilson lại mua chiếc giây cài cổ cho chó. Có thể Wilson cũng đã từng nghe những lời dẫn giải thích tương tự như thế này từ Myrtle, bởi vì anh ta lại bắt đầu thì thào rên rỉ “Trời ơi!” trở lại khiến người đang an ủi phải bỏ dở những lời giải thích khác chưa kịp nói.
“Như thế hắn đã giết vợ tôi.” Wilson nói, miệng của anh ta đột nghiên há hốc.
“Ai làm?”
“Tôi có một cách để tìm ra.”
“Đầu óc anh không được tỉnh táo, George.” Michaelis nói. “Chuyện này đã làm anh kiệt sức và khiến anh không còn biết mình đang nói gì nữa. Anh nên cố ngồi tịnh dưỡng cho tới sáng đã.”
“Hắn ta đã mưu toán vợ tôi.”
“Nó chỉ là tai nạn thôi George.”
Wilson lắc đầu. Đôi mắt của anh ta nheo lại, miệng của anh ta hé mở thốt lên một tiếng “Hừm.”
“Tôi biết.” Wilson nói một cách dứt khoát. “Tôi là một trong những kẻ hay tin người, và tôi không bao giờ nghĩ sai trái cho ai cả, thế nhưng khi tôi nghĩ ra chuyện gì thì chuyện đó là đúng. Nó chính là tên ngồi trong chiếc xe đó. Cô ấy đã chạy ra để nói chuyện với hắn nhưng hắn đã không chịu ngừng.”
Michaelis cũng đã chứng kiến cảnh đó, nhưng trong đầu anh ta không hề nghĩ tới có chuyện gì đặc biệt khác lạ. Anh ta tin rằng vợ của Wilson đã chạy trốn khỏi chồng chứ không phải đang cố muốn cản một chiếc xe nào cả.
“Tại sao vợ anh phải làm như vậy?”
“Cô ấy là một người sâu sắc thâm trầm.” Wilson trả lời, làm như đó là trả lời. “A….”
Anh ta lại run lẩy bẩy trở lại. Michaelis đứng xoắn xít chiếc vòng đeo cổ chó trong tay.
“Hay là anh có bạn ở đâu để tôi gọi điện thoại cho, George?”
Đây chỉ là một hy vọng hão huyền bởi vì Michaelis gần như biết chắc chắn rằng Wilson không có bạn bè gì cả, anh ta dành trọn cả mình cho vợ còn chưa đủ. Một lát sau Michaelis cảm thấy mừng khi anh ta thấy đã có sự biến đổi trong căn phòng, một màu xanh đang lan tràn ra từ khung cửa sổ, anh nhận thức được rằng bình minh không còn cách bao xa. Đến khoảng năm giờ thì ánh sáng xanh đã có đủ để có thể tắt đèn.
Cặp mắt ngây dại của Wilson hướng nhìn ra những gò tro, nơi những đám mây bụi xám xịt đang cấu tạo thành một hình dạng quái dị và bị cuốn đi tản mác trong cơn gió yếu ớt lúc rạng đông.
“Tôi đã nói với cô ta.” Wilson lẩm bẩm, sau một lúc im lặng dài. “Tôi đã nói cô ta rằng cô ta có thể lánh lừa tôi được nhưng cô ta không thể đánh lừa thượng đế. Tôi đã lôi cô ta đến cửa sổ.” Bằng một cố gắng anh ta đứng lên, đi lại phía bên cửa sổ và dắn mặt mình vào khung cửa sổ. “Và nói với cô ta rằng ‘Thượng đế biết em đang làm những gì, biết tất cả những việc em đang làm. Em có thể đánh lừa anh, nhưng em không thể đánh lừa thượng đế.”
Đứng ngay sau lưng Wilson, Michaelis sửng sốt nhận ra rằng anh ta đang nhìn lên cặp mắt xanh xao to khổng lồ của bác sĩ T. J. Eckleburg lúc đó vừa mới hiện ra trong bóng đêm đang tan biến.
“Thượng đế thấy được mọi thứ.” Wilson lập lại.
“Đó chỉ là tấm bảng quảng cáo thôi.” Michaelos trấn an Wilson. Có cái gì đó khiến anh quay đầu tránh nhìn cửa sổ và chỉ nhìn trong căn phòng. Thế nhưng Wilson vẫn đứng đó thật lâu, khuôn mặt của anh để sát vào miếng kiếng cửa sổ, gật đầu chào tới bóng tối mập mờ.
Đến khoảng sáu giờ sáng thì Michaelis đã trở nên mệt nhoài, anh ta mừng rơn khi nghe có tiếng xe ngừng đậu ở bên ngoài. Đó là một trong những người ngồi canh đêm qua hứa sẽ trở lại. Anh ta chuẩn bị đồ điểm tâm cho ba người, thế nhưng chỉ có anh và người đàn ông kia ăn với nhau. Wilson đã bình lặng, hơn do đó Michaelis quay về nhà mình để ngủ. Bốn tiếng sau khi anh ta thức dậy và vội vã quay lại tiệm sửa xe thì Wilson đã đi đâu mất rồi.
Sự di chuyển của Wilson - hoàn toàn là bằng đi bộ - cuối cùng đã được truy tìm ra tới cảng Roosevelt sau đó tới Gal’s Hill. Ở đó anh ta mua một miếng bánh mì thịt nhưng lại không hề ăn, và một ly cà phê. Có lẽ anh ta đã rất mệt mỏi và đi bộ rất chậm cho nên mãi tới trưa anh ta mới tới đến được Gas’s Hill. Cho tới khoảng thời gian đó, truy tìm coi trong thời gian nào anh ta đã làm gì không khó khăn mấy. Những đứa trẻ nhỏ nói chúng thấy có một ông “thái độ như khùng điên”. Những người đi xe thì kể rằng họ thấy anh ta ngồi bên đường nhìn họ trừng trừng một cách lạ thường. Thế nhưng sau đó trong khoảng ba tiếng đồng hồ thì anh ta mất dạng không ai thấy nữa. Cảnh sát, dựa vào những gì Wilson đã nói với Michaelis rằng anh ta “có cách để tìm ra”, thì cho rằng anh ta đã dùng khoảng thời gian đó để đi khắp các tiệm sửa xe tìm hỏi tông tích chiếc xe màu vàng. Thế nhưng có thợ sửa xe nào đã gặp được anh ta không thì lại không thấy đến khai báo. Có lẽ anh ta có một cách dễ dàng hơn và chắc chắn hơn để tìm ra việc mình muốn tìm. Vào khoảng hai giờ rưỡi, Wilson xuất hiện ở West Egg. Ở đó anh ta hỏi thăm người chung quanh đường đến nhà Gatsby. Đó là lúc anh ta đã biết được tên của Gatsby.
Vào lúc hai giờ Gatsby thay đồ bơi và nhắn lại với người quản gia rằng nếu có ai gọi điện thoại thì ra kiếm anh ở hồ bơi. Gatsby ghé ngang qua ga ra đậu xe để lấy tấm nệm bơi bằng hơi, tấm nệm này đã từng là vật giải trí cho khách khứa của anh trong suốt cả mùa hè. Người tài xế giúp Gatsby bơm phồng tấm nệm lên. Gatsby còn căn dặn không được mang chiếc xe ra khỏi nhà trong bất kỳ trường hợp nào - Điều này hơi lạ bởi vì miếng cảng bên phải phía trước cần được mang đi sửa.
Gatsby vác tấm nệm bơi lên vai và đi ra hồ. Anh ta có ngừng lại một lần để xốc nó lên một chút, người tài xế xe hỏi nếu Gatsby muốn anh ta giúp, thế nhưng Gatsby lắc lầu và sau giây lát thì biến mất giữa những hàng cây lá vàng.
Không có điện thoại nào gọi, thế nhưng người quản gia vẫn không ngủ và anh ta cứ đợi như vậy mãi cho tới bốn giờ chiều – cho đến khi nếu điện thoại có gọi thì cũng không còn người để cho anh ta ra báo. Tôi cho rằng ngay cả chính Gatsby cũng không tin mình sẽ có điện thoại, hay có thể anh cũng không cần muốn biết nữa. Nếu đúng như vậy, anh hẳn đã cảm thấy rằng mình đã mất đi cái thế giới ấm cúng của lúc trước, anh đã trả giá quá cao để sống quá lâu trong chỉ một giấc mộng. Anh chắc chắn đã nhìn lên bầu trời đầy xa lạ qua những đám lá cây đầy kinh sợ và run rẩy khi anh nhận ra đóa hồng trông lố bịch kỳ cục làm sao, ánh nắng mặt trời chiếu rọi trên thảm cỏ thưa thớt trông sống sượng làm sao. Một thế giới mới, nơi vật chất lại là không thật, nơi những con ma khốn khổ đang thở những giấc mơ như thở không khí, đang trôi dạt lang thang . . . Như cái hình thù xám xịt kỳ quặc kia đang trượt về phía anh qua giữa những hàng cây vô định hình.
Người tài xế, một trong những người được Wolfsheim bảo trợ, đã nghe những tiếng súng nổ. Nhưng sau đó anh chỉ khai là lúc đó anh đã không nghĩ có chuyện nghiêm trọng. Tôi lái xe từ trạm xe lửa về thẳng nhà của Gatsby, cách thức tôi lo lắng hối hả bước lên những bậc thềm phía trước là báo động đầu tiên cho mọi người. Đến lúc đó họ mới biết, tôi tin chắc như vậy. Không nói đến một lời, bốn người chúng tôi gồm người tài xế, người quản gia, người làm vườn và tôi, đều hối hả bước ra hồ bơi.
Mặt nước lay động rất nhẹ, hầu như khó có thể nhận thấy được sự chuyển động của nó khi nguồn nước mới được đưa vào từ một bên hồ và đẩy về phía ống thoát nước ở phía bên kia hồ. Những gợn nước lăn tăn nhỏ chưa đủ thành làn sóng đẩy chiếc phao nặng chĩu trôi lệch lạc xuống cuối hồ. Một cơn gió mạnh thổi ngang, không đủ để làm nhăn mặt nước nhưng đủ để xáo động hướng đi ngẫu nhiên của nó với cái ghánh nặng ngẫu nhiên của nó. Một cụm lá trôi chạm vào nó khiến nó chầm chậm quay tròn như một một mũi com pa vẽ một vòng tròn đỏ trên mặt nước.
Mãi sau khi chúng tôi đưa xác Gatsby vào nhà rồi thì người làm vườn mới nhìn thấy xác của Wilson nằm cách xa đó trên bãi cỏ, và như vậy câu chuyện tàn sát hàng loạt coi như đã chấm dứt.