watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Gatsby Vĩ Đại-Chương 9 - tác giả F Scott Fitgerald F Scott Fitgerald

F Scott Fitgerald

Chương 9

Tác giả: F Scott Fitgerald

Hai năm đã trôi qua, chuyện mà tôi có thể nhớ được trong ngày hôm đó, tối hôm đó và ngày hôm sau nữa chỉ là cảnh ra vào không ngớt của những cảnh sát, của những phóng viên nhiếp ảnh và những phóng viên báo chí trước cửa nhà Gatsby. Một sợi dây được dăng ngang cổng chính và một người cảnh sát đứng cạnh bên ngăn cản không cho những kẻ hiếu kỳ mon men lại. Nhưng chẳng bao lâu, những đứa trẻ con đã khám phá ra rằng chúng có thế lén vào trong nhà từ phía vườn nhà tôi. Và thế là sau đó lúc nào cũng có ít nhất vài đứa tụ tập chung quanh hồ bơi há hốc miệng đứng nhìn. Buổi chiều hôm đó, một người, có lẽ là một thám tử, với dáng điệu quả quyết đã dùng chữ “thằng điên” để diễn đạt khi anh ta cúi xuống nhìn xác Wilson. Giọng nói mang vẻ thẩm quyền đầy tình cờ này của anh ta đã khơi dựng đề tài cho những bài báo tường thuật vào sáng hôm sau.
Hầu hết những bài báo đó đều khủng khiếp như nhau, chúng chứa đựng tính cách lố bịch, sự tự suy diễn và không đúng sự thật. Khi những lời khai của Michaelis đưa ra trong lúc thẩm tra cho thấy Wilson đã có sự nghi ngờ đối với vợ mình, tôi tường rằng chẳng bao lâu nguyên cả câu chuyện sẽ được trình bày trên báo chí bằng một bài phỉ báng đặc sắc ly kỳ. Thế nhưng cô em Catherine, người đáng lẽ ra có thể tuyên bố cái gì đó, thì lại chẳng mở lời nói lấy một tiếng. Cô ta đã biểu lộ ở nơi mình một nghị lực đáng ngạc nhiên và đã nhìn người nhân viên thẩm định xác chết bằng đôi mắt kiên quyết dưới hai hàng lông mày đã được tô vẽ lại. Cô thề rằng chị của mình chưa hề bao giờ gặp Gatsby, rằng chị của mình hoàn toàn hạnh phúc vui vẻ với chồng, rằng chị của mình không hề dính líu vào chuyện gì mờ ám. Catherine tự làm cho chính mình tin vào những lời mình đang nói, sau đó cô vùi mặt vào khăn tay khóc, làm như không thể chịu đựng nổi bất kỳ giả thuyết nào khác. Vì vậy, để cho vụ án có thể được xếp vào trong dạng đơn giản nhất, Wilson được giảm xuống chỉ còn cho là người có “tâm thần rối loạn vì đau buồn”. Và rồi vụ án đã kết thúc ở đó.
Thế nhưng tất cả những diễn biến này đều dường như quá xa vời và không thiết yếu. Tôi đã ở bên cạnh Gatsby, chỉ một mình tôi. Ngay từ giây phút tôi gọi điện thoại báo tin cái bi kịch này đến cho làng West Egg thì mọi phỏng đoán về Gatsby hay mọi câu hỏi liên quan thực tế đều được đổ sang cho tôi.
Lúc đầu tôi đã cảm thấy bất ngờ và bối rối, nhưng sau đó, trong khi Gatsby đang nằm trong nhà không cử động, không thở, không nói, hết giờ này qua giờ kia, tôi dần dần cảm thấy tôi phải đứng ra cáng đáng, bởi vì chằng hề có một ai quan tâm. Quan tâm, ý tôi muốn nói về sự quan tâm cá nhân nồng nhiệt mà mỗi người đều có quyền lợi được hưởng vào cuối đời mình dù chỉ là mơ hồ.
Khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau khi tìm thấy xác Gatsby, theo bản năng không do dự tôi gọi điện thoại tìm Daisy. Thế nhưng Daisy và Tom đã rời khỏi nhà sớm chiều ngày hôm đó, mang theo cả hành lý.
“Không để lại địa chỉ gì để liên lạc à?”
“Không.”
“Có nói khi nào thì họ quay trở lại không?”
“Không.”
“Có biết họ bây giờ ở đâu không? Làm sao tôi có thể liên lạc được với họ?”
“Tôi cũng không biết. Không biết gì mà nói.”
Tôi muốn tìm vài người đến với Gatsby. Tôi muốn đi vào căn phòng anh ta đang nằm và cam đoan với anh ta rằng: “Tôi sẽ đi kiếm người đến đây với anh, Gatsby. Đừng lo. Tin tôi đi, tôi sẽ kiếm ra người…”
Tên của Meyer Wolfsheim không có in trong niên giám điện thoại. Người quản gia cho tôi địa chỉ văn phòng của ông ta ở đường Broadway. Tôi gọi tổng đài nhưng tới khi nối được đường dây thì lúc đó đã hơn năm giờ chiều, không ai ở văn phòng nhấc điện thoại.
“Làm ơn gọi thêm lần nữa được không?”
“Tôi đã gọi ba lần rồi.”
“Đây là chuyện tối quan trọng.”
“Xin lỗi, snhưng không ai có ở đó cả.”
Tôi quay trở lại phòng khách và ngay lúc đó tưởng rằng có khách tình cờ ghé ngang, thế nhưng hóa ra những người vào nhà toàn là những nhân viên chức trách. Khi những người này mở tấm khăn phủ trên người Gatsby lên và nhìn sững vào anh ta bằng những cặp mắt thản nhiên thì lúc đó những lời khẩn khoản của Gatsby lại tiếp tục vang lên trong óc tôi.
“Nghe đây anh bạn già, anh phải ráng tìm được người nào đó cho tôi. Anh phải cố ráng hơn nữa nữa. Tôi không thể ra đi trong đơn độc như thế này.”
Có người nào đó lên tiếng hỏi tôi những câu hỏi, nhưng tôi tránh và bỏ đi lên lầu lục kiếm một cách vội vã những ngăn kéo bàn không khóa của Gatsby. Anh ta chưa bao giờ cho tôi hay một cách rõ ràng nếu cha mẹ của anh ta đã qua đời. Tôi kiếm không được gì - ngoại trừ bức hình của Dan Cody biểu tượng cho một quá khứ sóng gió đã lãng quên đang nhìn chằm chằm từ trên tường.
Sáng hôm sau tôi gửi người quản gia đi New York đưa thư đến cho Wolfsheim, hỏi tin tức và nhắn ông ta hãy đi chuyến xe lửa kế tiếp đến. Khi viết thư, tôi thấy rằng lời yêu cầu của mình cũng chỉ là thừa, tôi tin chắc ông ta sẽ đến đây ngay một khi ông ta đọc được tin trên báo, cũng như tôi đã tin chắc rằng Daisy sẽ đánh điện về trước buổi trưa. Thế nhưng cả điện tín lẫn Wolfsheim đều không thấy tới. Không ai ghé lại ngoại trừ những cảnh sát, những phóng viên nhiếp ảnh và những phóng viên báo chí. Khi người quản gia quay trở về mang theo câu trả lời của Wolfsheim thì tôi bắt đầu phát sinh ra cái cảm giác vừa thách thức vừa khinh bỉ, của tôi và của cả Gatsby, đối với tất cả mọi người họ.
Kính gửi anh Carraway.
Đây là một trong những biến cố khủng khiếp nhất trong đời của tôi, đến bây giờ tôi vẫn chưa tin rằng nó là sự thật. Chuyện làm điên khùng của tên đó khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ. Tôi không thể tới đó ngay bây giờ được bởi vì tôi đang bận rộn công chuyện quan trọng và không thể để công chuyện bị xáo trộn trong lúc này. Nếu có chuyện gì cần tôi giúp đỡ sau này thì cho tôi hay bằng cách viết thư đưa cho Edgar. Tôi không còn nhớ tôi đã ở đâu khi tôi nghe được tin này và tôi vẫn còn choáng váng.
Chân trọng kính thư
MEYER WOLFSHIEM
Bên dưới lá thư, ông ta viết them câu tái bút một cách vội vã:
Cho tôi hay tin tức về đám tang, v.v. Tôi không biết gì về gia đình anh ta cả.

Chiều hôm đó khi điện thoại reo và nghe đài viễn liên cho hay cú phôn đó được gọi từ Chicago thì tôi cứ tưởng rằng cuối cùng Daisy cũng đã gọi tới. Nhưng khi đường dây được nối lại thì đó lại là giọng của một người đàn ông, nghe rất nhỏ và xa.
“Đây là Sladge…”
“Có chuyện gì?” Tên người này tôi nghe không quen.
“Điện tín nhắn giật gân lắm phải không? Đã nhận được điện tín của tôi chưa?”
“Chưa nhận được điện tín nào cả.”
“Anh chàng trẻ Parker đang gặp phải rắc rồi.” Người trong điện thoại nói lướt nhanh. “Cảnh sát đã tóm thằng nhỏ lúc nó đang trao ra những khố phiếu trên quầy. Bọn họ nhận được thông tin từ New York báo cho biết các con số đó chỉ năm phút trước đó. Hây, anh có biết gì về chuyện này không? Anh không thể nào đoán trước được những thị trấn quê mùa này…”
“Hello!” Tôi ngắt lời, nói như hết hơi. “Nghe đây, tôi không phải là anh Gatsby. Gatsby đã qua đời rồi.”
Bên kia đầu giây đột nhiên im bặt một lúc lâu, sau đó là tiếng thở dài… rồi là một tiếng cụp cộc lốc lúc điện thoại bị cúp đi.
Tôi nhớ sang khoảng ngày thứ ba thì có một bức điện tín được gửi đến từ một thành phố tiểu bang Minesota, ký tên Henry C. Gatz. Bức điện tín chỉ nhắn rằng người gửi điện đang lập tức khởi hành lên đường, yêu cầu đám tang được hoãn lại.
Người đó chính là cha của Gatsby, một ông cụ trang nghiêm, nhìn trông rất ngơ ngác và mất tinh thần. Ông cụ mặc bên ngoài một chiếc áo khoác dài rộng loại rẻ tiền dù rằng thời tiết hôm đó là một ngày tháng Chín nóng nực, những giọt lệ không ngừng rơi trên đôi mắt đầy xúc cảm. Khi tôi đỡ chiếc giỏ và cây dù từ tay ông cụ, ông cụ đưa tay dựt kéo không ngừng bộ râu bạc lưa thưa, đến nỗi khó khăn lắm tôi mới cởi áo khoác của ông cụ ra được. Ông cụ như đang sắp sửa ngã gục, do đó tôi đưa ông cụ vào trong phòng đàn để cụ ngồi nghỉ một lúc lâu trong khi tôi cho gọi người mang đồ ăn ra cho ông cụ. Thế nhưng ông cụ không ăn uống gì cả, ly sữa sánh đổ nhiễu nhão trên bàn tay run rẩy.
“Tôi đọc được tin này trên tờ báo Chicago.” Ông cụ nói. “Tin này được tường thuật hết trên tờ Chicago. Tôi vội vã đến đây ngay.”
“Cháu không biết làm cách nào tìm được bác.” Đôi mắt của ông cụ không ngớt di động nhìn quanh căn phòng nhưng hình như cụ không thấy được gì.
“Tên đó là một thằng điên. Hắn chắc chắn là thằng điên.” Ông cụ nói.
“Bác muốn dùng chút cà phê không?” Tôi cố nài.
“Tôi không cần gì cả. Tôi không sao đâu, anh….”
“Carraway.”
“Bây giờ thì tôi đỡ rồi. Họ để Jimmy ở đâu vậy?” Tôi đưa ông cụ đến phòng khách nơi con trai của cụ đang nằm và để cụ ở đó. Vài đứa trẻ nhỏ bu đến bậc thềm nhìn vào trong nhà, khi tôi cho chúng hay ai đã đến, chúng miễn cưỡng bỏ đi.
Một lát sau, cụ Gatz mở cửa đi ra ngoài, miệng cụ há mở, khuôn mặt hơi đỏ, đôi mắt tuôn rơi những giọt lệ lẻ loi trễ muộn. Cụ đã đến lứa tuổi mà cái chết không còn gây ngạc nhiên và khiếp sợ cho cụ nữa và khi cụ đứng nhìn cảnh vật chung quanh lần đầu tiên, trông thấy tiền sảnh cao ngất lộng lẫy huy hoàng và những căn phòng rộng lớn nối từ phòng này qua phòng kia thì sự đau buồn của cụ bắt đầu pha trộn lẫn lộn với niềm tự hào đầy kinh ngạc. Tôi đỡ cụ đi lên căn phòng ngủ trên lầu. Lúc cụ cởi áo khoác ngoài và áo khoác trong ra, tôi cho cụ hay việc mai táng đã được đình hoãn chờ cho cụ tới.
“Cháu không biết bác cần cái gì, bác Gatsby..”
“Họ của tôi là Gatz.”
“Bác Gatz. Cháu nghĩ có lẽ bác muốn đem thi thể về miền Tây.”
Cụ Gatz lắc đầu.
“Jimmy lúc nào cũng thích miền Đông hơn. Nó đã đạt được đến địa vị này ngày hôm nay là từ miền Đông. Anh là bạn của con trai tôi à, anh ….?”
“Chúng cháu là bạn thân.”
“Con tôi còn có cả một tương lai tươi sáng trước mặt, anh biết đó. Nó vẫn còn là một thanh niên trẻ, nhưng nó có tràn đầy sức mạnh tinh thần ở chỗ này đây.”
Ông cụ đưa tay sờ vào đầu mình một cách đầy xúc đông. Tôi gật đầu.
“Nếu nó vẫn còn sống, nó sẽ là một người vĩ đại. Một người giống như James J. Hill[1] . Nó có thể đã giúp xây dựng quốc gia.”
“Đúng như vậy.” Tôi trả lời một cách không được tự nhiên thoải mái lắm.
Ông cụ đưa tay rờ rẫm chiếc khăn thêu phủ giường, kéo lật nó lên rồi nằm xuống một cách thẳng đơ sau đó thiếp ngủ đi ngay lập tức,
Tối hôm đó có một người gọi điện thoại đến, anh ta rõ ràng như đang sợ hãi và đòi muốn biết tôi là ai trước khi cho biết tên mình.
“Tôi tên Carraway.” Tôi trả lời.
“Ồ!” Người đàn ông giọng nghe như nhẹ nhõm hẳn. “Tôi là Klipspringer.” Tôi nghe xong cũng cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái, như vậy là có thêm người đến đưa đám cho Gatsby. Tôi không muốn đăng cáo phó trên báo, nó sẽ thu hút đám đông những kẻ hiếu kỳ đến chỉ để viếng cảnh, bởi vậy tôi tự mình gọi điện thoại đến cho vài người. Đi kiếm mấy người này thật là khó khăn.
“Đám táng là vào ngày mai.” Tôi nói. “Ba giờ chiều, ở đây tại nhà này. Tôi mong anh có thể nhắn dùm đến cho những người khác muốn biết.”
“Được, tôi sẽ làm.” Anh ta vội vã ngắt lời. “Tôi chưa chắc sẽ gặp được ai, nhưng nếu có gặp tôi sẽ nhắn.”
Giọng nói của anh ta khiến tôi ngờ vực.
“Nhưng riêng anh thì đương nhiên sẽ đến chứ?”
“Chà để xem coi, tôi chắc chắn sẽ cố gắng. Chuyện mà tôi gọi đến bây giờ là chuyện…”
“Đợi chút đã.” Tôi ngắt lời. “Hay là cứ nói rằng anh sẽ đến?”
“Chà, sự thật mà nói tôi đang ở với vài người tại Greenwich và họ muốn tôi đi chung với họ vào ngày mai. Hình như là buổi đi picnic hay gì đó. Đương nhiên tôi sẽ cố gắng hết mình để tìm cách rút lui.”
Tôi không ngăn được mình thốt lên câu “Hừ” và anh ta chắc chắn đã nghe được tiếng tôi, cho nên tiếp tục nói một cách luống cuống.
“Lý do mà tôi gọi điện thoại đến là vì tôi đã để quên ở đó một đôi giầy. Tôi không biết có gây phiền hà gì không nếu anh cho người quản gia gửi trả cho tôi. Anh biết đó, đôi giầy đó là đôi giầy chơi tennis, không có chúng tôi sẽ phải khốn khổ lắm. Gửi cho tôi qua tên người nhận là B.F….”
Tôi không nghe được hết phần còn lại của cái tên bởi vì tôi đã cúp ngay điện thoại.
Sau sự kiện đó, tôi cảm thấy xấu hổ cho Gatsby. Một người đàn ông khi nghe tôi gọi điện thoại đến đã nói ám chỉ rằng Gatsby bị như vậy là đáng lắm. Tuy nhiên, đúng là do lỗi của tôi, bởi vì người đàn ông đó là người chuyên dùng rượu uống được ở nhà Gatsby để lấy can đảm châm chọc anh một cách cay đắng. Đáng ra tôi nên nhớ điều đó và đừng nên gọi điện thoại cho hắn ta.
Buổi sáng hôm đám tang, tôi đi tới New York để gặp Meyer Wolfsheim, nếu không làm như vậy tôi thật không còn cách nào hơn. Theo lời chỉ của thằng bé gác thang máy, tôi đẩy cửa căn phòng đề chữ “Công ty Swatika”, dường như không có ai ở trong đó. Nhưn khi tôi lớn tiếng gọi hello nhiều lần tưởng như vô vọng thì tôi nghe có tiếng cãi vã phía sau bức bình phong, sau đó một phụ nữ người Do Thái xinh đẹp xuất hiện từ phía cửa bên trong, nhìn tôi dò xét với đôi mắt đen không thiện cảm.
“Không có ai ở đây cả, Ông Wolfsheim đã đi Chicago rồi.” Bà ta nói.
Phần đầu của câu nói rõ ràng là không đúng, bởi vì ngay khi đó bên trong có tiếng ai đó huýt sáo không đúng điệu bài “The Rosary”.
“Làm ơn nhắn lại rằng có anh Carraway đến tìm ông ta.”
“Tôi không có cách nào khiến ông ấy quay về từ Chicago.”
Ngay lúc đó một giọng nói cất lên gọi từ phía sau bên kia cánh cửa “Stella!”, không lầm lẫn vào đâu, đó là giọng của Wolfsheim .
“Cứ để danh thiếp của anh lại trên bàn, tôi sẽ chuyển cho ông ta một khi ông ta về đây.” Bà ta nói một cách vội vã.
“Nhưng tôi biết ông ta đang ở trong đó.”
Bà ta bước tới thêm một bước về phía tôi, hai tay đưa lên xuống vuốt hông đầy phẫn nộ.
“Mấy người trẻ như anh nghĩ anh có thể xông vào đây bất cứ lúc nào à.” Bà ta mắng mỏ.
“Chúng tôi thật quá chán ngán mệt mỏi kiểu như vậy rồi. Khi tôi nói ông ta đang ở Chicago, thì đúng là ông ta đang ở Chicago.”
Tôi nhắc tới tên của Gatsby.
“Ồ…..” Bà ta nhìn tôi một lần nữa. “Nếu vậy thì xin anh…. Tên anh là gì nhỉ?”
Bà ta lập tức biến đi, một lát sau Meyer Wolfsheim xuất hiện, đứng một cách trịnh trọng ở cửa, đưa cả hai tay ra đón tôi. Ông ta dẫn tôi vào trong văn phòng, nói với tôi giọng đầy kính trọng rằng đây là thời gian đau buồn cho tất cả mọi người. Sau đó ông ta mời tôi một điếu xì gà.
“Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên khi tôi gặp anh ta. Lúc đó anh ta là một thiếu tá vừa mới giải ngũ, trên người vẫn còn đeo đầy những huân chương có được trong chiến tranh. Anh ta nghèo đến nỗi không mua nổi cho mình quần áo thường phục để mặc mà cứ phải mặc những bộ quân phục như vậy. Lần đầu tiên khi tôi gặp anh ta là khi anh ta đến tiệm bi-da Winebrenner ở đường Forty để xin việc. Đã hai ba ngày anh ta chưa ăn gì. Tôi mời ‘đến đây ăn trưa với tôi’. Chỉ trong nửa giờ đồng hồ, anh ta đã ăn hết cả bốn đồng đô-la tiền đồ ăn.”
“Ông đã giúp anh ta bắt đầu sự nghiệp à?” Tôi gạn hỏi.
“Giúp anh ta bắt đầu? Thật ra chính tôi đã gầy dựng nên anh ta.”
“Ồ”
“Tôi đã moi anh ta lên từ con số không, moi ra khỏi từ ống cống. Tôi nhận ra ngay lập tức anh ta là một thanh niên tuấn tú, bạch thiệp, rồi khi anh ta nói and đã từng học ở Oxford, tôi biết tôi có chỗ để dùng anh ta. Tôi đưa anh ta gia nhập vào hội cựu chiến binh Hoa Kỳ, ở đó anh ta có địa vị rất cao trong hội. Lúc khởi đầu, anh ta giúp việc cho một khách hàng của tôi ở Albany.
Chúng tôi đã gắn bó với nhau như thế này trong tất cả mọi thứ.” Wolfsheim dơ hai ngón tay hình củ chuối của mình lên, “lúc nào cũng sát cánh bên nhau.”
Tôi tự hỏi trong lòng không biết tình hợp tác đó của hai người có bao gồm cả việc sắp đặt trước trận vô địch bóng cà na năm 1919.
“Bây giờ anh ta đã qua đời.” Sau một lát, tôi nói. “Ông là bạn thân nhất của Gatsby, cho nên tôi biết ông sẽ muốn tới dự đám tang của Gatsy vào chiều nay.”
“Tôi rất muốn đến dự.”
“Như vậy thì cứ đi.”
Chùm lông trong mũi ông ta rung nhẹ, ông ta lắc đầu cặp mắt long lanh nước mắt.
“Tôi không thể đi – Tôi không thể bị dính líu dây dưa vào.” Ông ta nói.
“Đâu có gì là dính líu. Mọi chuyện đã qua rồi.”
“Khi một người bị giết, tôi không bao giờ muốn bị dính líu liên hệ. Tôi tránh xa. Khi còn trẻ thì tôi khác hơn, lúc đó nếu một bạn của tôi bị chết, dù bất cứ giá nào tôi cũng sẽ ở với họ cho đến cùng. Anh có thể cho như vậy là đa cảm, nhưng thật sự đúng là như vậy, tôi ở với họ cho tới phút đắng cay cuối cùng.”
Tôi đã nhận ra vì một lý do cá nhân nào đó ông ta nhất định không đến dự đám táng, bởi vậy tôi đứng lên.
“Anh học đại học chưa?” Wolfsheim đột ngột hỏi.
Trong giây lát tôi đã tưởng ông ta muốn đề nghị một “mối làm ăn”, thế nhưng ông ta chỉ gật đầu và bắt tay tôi.
“Chúng ta hãy nên biểu lộ tình cảm tới một người khi anh ta còn sống chứ không phải sau khi anh ta đã chết,” ông ta khuyên nhủ. “Ngoài đó ra, nguyên tắc của tôi là không nhúng vào chuyện gì.”
Khi tôi rời khỏi văn phòng Wolfsheim thì bầu trời đã ngả tối và tôi quay trở lại West Egg trong cơn mưa phùn. Sau khi thay quần áo, tôi sang nhà bên và thấy cụ Gatz đang đi qua lại trong nhà một cách kích động. Niềm hãnh diện của cụ về con trai mình và những gì anh ta làm chủ không ngừng tăng lên.
Bây giờ cụ có cái gì đó muốn khoe tôi.
“Jimmy đã gửi cho tôi tấm hình này.” Cụ lấy trong túi ra chiếc ví với những ngón tay run rẩy.
“Anh xem đây.”
Đó là tấm hình của toà nhà của Gatby, góc hình đã bị rách và bẩn thỉu mang nhiều dấu tay. Cụ hăm hở chỉ cho tôi coi mọi chi tiết trong bức hình. “Nhìn đây này.” Cụ vừa nói vừa nhìn vào mắt tôi tìm kiến sự ngưỡng mộ từ trong mắt tôi. Cụ đã khoe tấm hình quá nhiều lần đến nỗi tôi nghĩ đối với cụ tấm hình có lẽ còn có thật hơn là chính nó ở bên ngoài.
“Jimmy đã gửi tấm hình này cho tôi. Tôi nghĩ tấm hình này rất đẹp. Chụp lên rất có nét.”
“Vâng rất có nét. Cụ lúc gần đây có gặp anh ta không?”
“Nó có về thăm tôi khoảng hai năm về trước và mua cho tôi căn nhà mà tôi đang ở bây giờ. Đương nhiên lúc nó bỏ nhà ra đi thì gia đình chúng tôi còn nghèo mạt, nhưng bây giờ nghĩ lại thì tôi hiểu rằng nó đi là có lý do. Con trai tôi đã thấy cả một tương lai tươi sáng trước mặt nó. Rồi sau đó, sau khi đã thành công, nó đã rất rộng rãi với tôi.”
Ông cụ miễn cưỡng không muốn cất đi tấm hình, ráng cầm nó thêm một phút nữa, cố nấn ná cầm trước mắt tôi. Sau đó cụ bỏ hình vào trong ví, lôi ra từ trong túi một quyển sổ cũ sờn và rách nát có tựa đề “HOPALONG CASSIDY”.
“Xem đây, quyển sách này là của nó khi nó còn bé, chứng tỏ nó là người như thế nào.”
Cụ mở quyển sách từ trang bìa cuối, sau đó xoay nó lại đưa cho tôi coi. Trong trang cuối của quyển sách có viết chữ “thời khóa biểu” và ngày ghi trên đó là tháng Chín, ngày 12 năm 1906. Dưới đó viết:
Thức dậy . . . . . . . . . . . . . . . . 6.00 A.M.
Tập tạ tay và leo tường . . . . . . 6.15-6.30 ”
Học điện , vv . . . . . . . . . . . . 7.15-8.15 ”
Đi làm. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 8.30-4.30 P.M.
Chơi bóng chày và thể thao . . . . . . . . . . . . . 4.30-5.00 ”
Tập cách ăn nói và làm sao duy trì được tư thế chững chạc 5.00-6.00 ”
Nghiên cứu những sáng kiến cần thiết . . . . . . . . . . . 7.00-9.00 ”
NHỮNG QUYẾT TÂM CHUNG Không lãng phí thời gian ở nhà Shafters hay (ghi tên một người nào đó, tôi không đọc được). Bỏ hút thuốc, bỏ nhai kẹo. Tắm gội hai ngày một lần. Hàng tuần đọc một quyển sách hay một tạp chí chuyên về nâng cao kiến thức. Để dành $5.00 (gạch bỏ) $3.00 một tuần. Cư xử tốt với cha mẹ.
“Tôi tình cờ tìm được quyển sổ này. Nó thể hiện con tôi là người như thế nào.”
Ông cụ nói.
“Cụ nói đúng.”
“Jimmy là người nhất định phải vươn lên. Nó lúc nào cũng có quyết tâm như vậy. Anh có để ý thấy những gì nó viết phải làm để phát triển đầu óc của mình không? Nó lúc nào cũng rất xuất sắc về chuyện đó. Có lần nó đã nói tôi ngu như heo, và tôi đã đánh nó vì dám nói như vậy.”
Ông cụ miễn cưỡng không muốn gấp quyển sổ lại, cứ đọc lớn tiếng mỗi phần, sau đó quay nhìn tôi một cách háo hức. Tôi nghĩ cụ mong cho tôi chép lại những gì trong sổ để đem về xử dụng cho mình.
Khoảng gần ba giờ thì vị mục sư Tin Lành đến từ Flushing. Tôi bắt đầu ngóng nhìn ra cửa sổ một cách không tự chủ coi có xe nào khác tới không. Cha của Gatsby cũng làm như vậy. Thời gian cứ vậy mà trôi qua, khi những người hầu trong nhà tụ tập đứng dài trong nhà, lúc đó đôi mắt của ông cụ bắt đầu nhấp nháy tỏ vẻ nóng ruột, nhắc một cách lo lắng không rõ ràng nếu trời sẽ mưa. Vị mục sư liếc nhìn đồng hồ của mình nhiều lần, do đó tôi kéo vị mục sư sang một bên để xin ông đợi cho thêm nửa tiếng nữa. Nhưng cũng chẳng giúp ích được gì. Không một ai đến cả.
Vào khoảng năm giờ, ba chiếc xe của chúng tôi đến nghĩa trang, ngừng bên cánh cổng dưới cơn mưa bụi mịt mờ. Đi trước là cỗ xe tang đen thui và đướt đẫm, sau đó đến cụ Gatz, vị linh mục và tôi trong chiếc xe limousine, cách xa hơn một tý là khoảng bốn hay năm người hầu và người đưa thư từ West Egg trong chiếc xe có khoang của Gatsby, người nào cũng ướt như chuột lột. Khi chúng tôi bắt đầu bước qua cánh cổng của nghĩa trang, tôi nghe có tiếng xe ngừng lại sau đó là tiếng chân của người nào đó bước bì bõm trên mặt đất sũng nước. Tôi nhìn chung quanh. Người mới đến đó là người đàn ông với đôi kiếng mắt cú vọ mà tôi đã có lần gặp đứng sững sờ trước những quyển sách của Gatsby trong một tối cách đây ba tháng.
Sau lần đó, tôi chưa hề gặp lại ông ta. Tôi không rõ tại sao ông ta lại biết tin chuyện đám tang, ngay cả tên ông ta tôi cũng không biết. Những giọt mưa nhiễu dài lên trên cặp mắt kiếng dầy cui của ông ta, ông ta gỡ kiếng xuống, chùi cho hết nước để có thể nhìn miếng vải phủ che mộ huyệt đang được mở ra.
Tôi cố tập trung tư tưởng để tưởng nhớ về Gatsby trong giây lát, anh đã đi quá xa rồi. Tôi chỉ có thể nhớ lại, dù không một chút oán hận, rằng Daisy chưa hề gửi một lời nhắn hay một cành hoa đến. Tôi nghe có tiếng ai nói rì rầm không rõ ràng, “Phước lành ban cho người quá cố khi mưa rơi trên mộ họ.” Sau đó người đàn ông mắt cú vọ nói “Amen” bằng một giọng kiên cường.
Chúng tôi chật vật đi nhanh ra tới xe trong trời mưa. Ông Mắt Cú Vọ nói với tôi lúc tới cửa nghĩa trang.
“Tôi đến nhà không kịp.” Ông ta giải thích.
“Cũng chẳng có ai tới.”
“Vậy sao.” Ông ta kinh ngạc “Trời ơi, tại sao, những người lui tới đó thường lên đến cả mấy trăm người.” Ông ta gỡ mắt kiếng xuống để chùi một lần nữa từ trong ra ngoài.
“Khốn khổ quá.” Ông ta nói.


************************************


Một trong những ký ức sinh động sâu sắc nhất trong tôi là những lần khi tôi từ trường dự bị, và sau này khi từ trường đại học, về thăm nhà ở miền Tây vào mùa lễ giáng sinh. Những học trò nhà ở xa hơn thành phố Chicago sẽ tụ tập với nhau lúc sáu giờ chiều một ngày tháng Mười Hai dưới ánh đèn mờ của trạm ga xe lửa lâu đời Union Station. Còn có thêm vài người bạn ở Chicago, lúc đó đã sẵn sàng để tham dự vào những cuộc vui chơi tiệc tùng trong ngày lễ của mình, cũng có mặt ở sân ga tiễn đưa bạn vội vã. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những chiếc áo choàng lông của những nữ sinh đang trở về nhà từ những ký túc xá nữ, nhớ những tiếng nói líu lo huyên thuyên từ những hơi thở đã biến thành hơi sương và những bàn tay giơ lên cao khỏi đầu vẫy chào khi thoáng gặp bóng dáng những người quen lúc trước. Rồi những lời mời mọc đáp lễ, “Bạn đi tới gia đình Ordways’ à? Hay gia đình Herseys’? Hay gia đình Schultzes’?” Sau đó những chiếc vé tàu xanh dài được nắm chặt trong những bàn tay đang đeo găng của chúng tôi. Cuối cùng là hình ảnh những toa tàu lửa vàng màu của những tuyến đường Chicago, Milwaukee and St. Paul trông tươi vui như đêm giáng sinh, đang nằm trên những đường rầy cạnh bên cánh cổng sân ga.
Khi chuyến tàu của chúng tôi lao vào trong đêm đông thì tuyết trắng, phải rồi chính là những dải tuyết thật của quê chúng tôi, bắt đầu trải dài ở hai bên đường, phản chiếu lấp lánh qua những ô cửa sổ của con tàu. Những ánh đèn leo lét của những nhà ga nhỏ bé ở Wisconsin lướt qua nhanh và một làn không khí đầy kích thích cuồng nhiệt đột nhiên ngập tràn trong không gian. Chúng tôi hít sâu vào lòng ngực làn không khí đó khi bước về chỗ ngồi của mình từ bữa ăn chiều ngang qua những hành lang lạnh giá. Trong một giờ đồng hồ ngắn ngủi đầy lạ lùng này chúng tôi nhận thức ra được, một cách không sao diễn tả, những đặc điểm riêng biệt của mình so với quê hương này trước khi chúng tôi bị lẫn lộn vào trong nó một cách không sao còn phân biệt được nữa.
Đó là quê hương miền Trung Tây của tôi, không phải là những đồng lúa mì, hay những đồng cỏ, hay những thị trấn heo hút người Thụy Điển, mà là những chuyến tàu đầy cảm xúc đưa tôi quay trở về với tuổi thơ, về với những ngọn đèn đường, những chuông nhạc của xe trượt tuyết ngựa kéo trong đêm tối giá lạnh và những chiếc bóng của những vòng hoa treo cửa ngày lễ được chiếu rọi xuống mặt tuyết trắng từ những khung cửa sổ ngập tràn ánh đèn.
Tôi là một thành phần của những thứ đó, hơi một chút trang nghiêm và đầy cảm xúc với những mùa đông dài giá lạnh này, hơi tự mãn vì đã mình sanh trưởng trong căn nhà của dòng họ Carraway, trong một thành phố nơi mà những căn nhà qua bao thập niên vẫn được gọi theo tên của gia đình. Bây giờ tôi thấy rằng cuối cùng câu chuyện vừa xẩy ra rốt cuộc vẫn là chuyện của miền Tây. Tom và Gatsby, Daisy và Jordan và tôi, tất cả đều là dân miền Tây, và có lẽ chúng tôi đã có cùng chung vài nhược điểm khiến chúng tôi cùng không thể thích nghi sống cuộc sống ở miền Đông.
Ngay cả khi miền Đông Mỹ làm cho tôi thích thú nhất, ngay cả khi tôi sắp sửa thấm thía nhận ra cái tính ưu việt của nó so với những thành phố buồn tẻ nằm ươn dài phình to ở phía bên kia con sông Ohio, với những cuộc điều tra thẩm phán kéo dài vô cùng tận chỉ chừa trẻ con và những người già, ngay cả lúc đó nó vẫn làm tôi thấy nó méo mó. Đặc biệt là West Egg vẫn còn xuất hiện trong những giấc mơ quái dị của tôi. Tôi thấy nó giống như cảnh một buổi tối ở trong bức tranh của danh họa El Greco: hàng trăm những căn nhà, lẫn lộn vừa cổ truyền vừa lố bịch kỳ cục, núp mình dưới bầu trời u ám nặng trĩu buồn bã và một vầng trăng mờ đục. Tiền cảnh chính của bức tranh là bốn người đàn ông đầy trang nghiêm ăn mặc com-lê đang đi bộ dọc theo hè đường, khiêng một một cái cáng bên trên đặt một phụ nữ trong chiếc áo dạ hội trắng đã say mèm. Cánh tay của cô ta để thỏng bên hông chiếc cáng lấp lánh lạnh lẽo những nữ trang. Nghiêm trang, những người đàn ông kia rẽ vào một căn nhà, căn nhà đó không phải nhà cô ta. Thế nhưng không ai biết tên của người phụ nữa kia, mà họ cũng không hề quan tâm.
Sau cái chết của Gatsby, đối với tôi miền Đông đã trở thành ma quái ám ảnh, nó đã bị biến thành lệch lạc méo mó đến nỗi sức mạnh của cặp mắt tôi cũng không thể nắn sửa lại. Thế nên khi làn khói lam từ những chiếc lá khô dòn tỏa lên không gian và những cơn gió đến thổi bay thẳng băng những mớ quần áo ướt phơi trên dây thì tôi quyết định quay trở về với quê nhà.
Có một điều mà tôi cần phải làm trước khi rời bỏ đi, một chuyện ngượng ngùng khó chịu mà đáng rẽ ra tôi nên để yên thì hay hơn. Tuy nhiên tôi muốn mọi chuyện được sắp xếp ổn thỏa trước khi đi, không tin tưởng gì vào những làn sóng biển sốt sắng và vô tình kia sẽ cuốn đi những sự việc thừa thãi rác rưởi của tôi. Tôi đến gặp Jordan Baker để hàn thuyên về những chuyện đã xẩy ra giữa hai chúng tôi và chuyện đã xẩy ra về sau đó cho riêng tôi. Cô ta ngồi trên một chiếc ghế lớn lắng nghe, hoàn toàn không cử động.
Jordan mặc đồ chơi golf, tôi nhớ lúc đó tôi đã nghĩ cô ta trông giống như một bức tranh minh họa đẹp, chiếc cằm hơi nhướng lên một cách kiêu sang, mái tóc màu lá thu vàng, khuôn mặt nâu hồng giống như chiếc găng tay hở ngón nằm trên đầu gối. Sau khi nghe tôi nói xong, cô ta không góp ý gì cả chỉ nói thẳng rằng mình đã đính hôn với một người khác. Tôi nghi ngờ lời nói này, mặc dù tôi biết chỉ cần Jordan gật đầu là có nhiều người cho cô lấy. Thế nhưng tôi vẫn giả bộ làm như ngạc nhiên. Trong một phút, tôi tự hỏi có phải mình đã không làm một điều lầm lẫn. Suy nghĩ một lát, tôi vội vã đứng lên và cáo từ ra về.
“Dù gì đi nữa, chính anh đã bỏ tôi.” Jordan đột ngột nói. “Anh đã bỏ rơi tôi qua điện thoại. Bây giờ tôi không màng gì đến anh nữa, nhưng dù gì nó cũng là một kinh nghiệm mới cho tôi, nó làm cho tôi đã cảm thấy xây xẩm mất một thời gian.”
Chúng tôi bắt tay nhau.
“Ồ, anh còn nhớ không? Nhớ về cuộc đối thoại chúng ta đã từng có một lần đang đi trên xe.” Jordan nói thêm.
“Sao? Không nhớ rõ lắm.”
“Anh đã nói rằng một người tài xế dở sẽ chỉ được an toàn cho tới khi gặp phải một người tài xế dở khác. Thật ra, tôi đã gặp một người tài xế dở khác, phải vậy không? Tôi có ý nói nếu tôi đã đoán sai ý tưởng đó thì là do tôi lầm. Tôi tưởng anh là một người trung thực, thẳng thắn. Tôi cho rằng đó chính là niềm hãnh diện thầm kín của anh.”
“Tôi đã ba mươi tuổi rồi. Đã năm tuổi già hơn cái tuổi để tự mình gian dối với chính mình mà vẫn gọi nó là danh dự.” Tôi nói.
Jordan không trả lời. Giận dữ, trong lòng vẫn còn vương vấn chút tình yêu và cảm thấy đáng tiếc vô vàn, tôi quay bước bỏ đi.
Một buổi chiều gần cuối tháng Mười, tôi đã gặp Tom Buchanan. Anh ta đang đi bộ trước mặt tôi trên đường Fifth với dáng đi nhanh nhẹn hùng hổ cố hữu của mình. Hai tay của Tom dang ra khỏi người một khoảng làm như để sẵn sàng gạt đi ai đụng chạm vào mình. Chiéc đầu của Tom quay ngoắt hết bên này sang bên kia cho thích hợp với con mắt láo liên. Khi tôi đi chậm lại để tránh không muốn qua mặt Tom, thì anh ta đứng lại nhăn mặt nhìn vào trong cửa sổ của một tiệm bán nữ trang. Ngay khi đó Tom đột nhiên trông thấy tôi nên đi ngược lại và dơ tay ra.
“Có chuyện gì vậy Nick? Anh không muốn bắt tay tôi à?”
“Đúng vậy. Anh biết tôi nghĩ về anh ra sao.”
“Anh đúng là điên rồi Nick.” Tom nói nhanh. “Điên khủng khiếp. Tôi không biết anh đang bị gì đây”
“Tom.” Tôi hạch hỏi. “Anh đã nói với Wilson những gì tối hôm đó?” Tom nhìn trừng tôi không nói một tiếng, và tôi biết tôi đã đoán trúng về những gì đã xẩy ra trong những giờ Wilson mất tích đó. Tôi quay lưng bỏ đi, nhưng Tom đã bước theo tôi và nắm lấy cánh tay của tôi.
“Tôi đã kể cho Wilson nghe sự thật.” Tom nói. “Hắn ta đã đến cửa nhà tôi khi vợ chồng tôi chuẩn bị ra khỏi nhà. Khi tôi cho người ra nhắn lại rằng chúng tôi không có ở nhà thì hắn ta đã tự cố xông lên lầu. Lúc đó hắn ta quá điên cuồng và có thể đã giết tôi nếu như tôi không nói cho hắn ta biết ai làm chủ chiếc xe. Cánh tay của hắn ta cầm sẵn khẩu súng lục để trong túi mỗi giây phút hắn ta ở trong nhà tôi.” Tom lớn tiếng ngang bướng thách thức. “Nếu tôi đã kể cho Wilson nghe thì đã sao? Tên kia bị như vậy là đáng đời. Hắn đã tung bụi mù vào trong mắt anh cũng như vào mắt Daisy. Nhưng thật ra hắn là kẻ sắt đá lắm, hắn đã cán qua Myetle như người ta cán ngang một con chó mà không hề ngừng xe lại.”
Tôi không thể mở miệng nói thêm được lời gì, ngoại trừ một sự thật mà tôi không thể thốt lên được rằng điều đó là không đúng.
“Anh nghĩ rằng tôi không đau khổ à? Nghe đây, khi tôi đến trả lại căn nhà và nhìn thấy hộp bánh khốn nạn của chó ăn nằm ở trên trên tủ chén đĩa, tôi ngồi xuống khóc than như một đứa trẻ. Thật là khủng khiếp.”
Tôi không thể tha thứ cho Tom hay có thiện cảm với anh ta. Tôi đã chứng kiến chuyện Tom làm mà đối với anh ta nó hoàn toàn là chính đáng. Câu chuyện chỉ là vô tâm và nhầm lẫn. Tom và Daisy là những kẻ vô tâm, họ đã phá nát mọi vật mọi người và sau đó rút lui vào trong đống tiền của họ, hoặc vào trong sự vô tâm mênh mông rộng lớn của họ, hay là bất kỳ cái gì đó đã giữ họ lại với nhau. Họ để mặc cho những người khác thu dọn những đổ nát xáo trộn mà họ đã gây ra.
Tôi bắt tay Tom, nếu không làm vậy thì tôi rõ là người đần độn, bởi vì tôi đột nhiên cảm thấy mình giống như đang trò chuyện với một đứa trẻ. Sau đó Tom đi vào trong tiệm nữ trang để mua một chiếc vòng ngọc trai, hay có thể cũng chỉ để mua một cắp nút cài tay áo - để mà mãi mãi tránh xa cái tính câu nệ khe khắt quê mùa của tôi.
Tòa nhà của Gatsby vẫn còn bỏ không khi tôi ra đi. Cỏ bên vườn nhà anh đã mọc cao bằng cỏ bên nhà tôi. Một trong những tài xế taxi trong làng mỗi khi chở khách qua đó không khi nào không ngừng trước cổng nhà vài phút để chỉ trỏ vào bên trong. Có lẽ anh ta là người đã chở Daisy và Gatsby qua East Egg trong cái đêm xẩy ra tai nạn, và cũng có lẽ người tài xế này đã tự dựng chuyện lên để kể cho khách. Tôi không muốn nghe câu chuyện và tôi đã tránh anh ta khi tôi bước khỏi xe lửa.
Những tối thứ Bẩy tôi đều phải sang ngủ ở New York, bởi vì những bữa tiệc đầy ánh sáng lập lòe hoa mắt ở nhà Gatsby vẫn hiện lên trong đầu tôi một cách sinh động, khiến tôi có thể nghe được tiếng nhạc và tiếng cười liên tục không rõ rệt từ khu vườn nhà anh ta, cả những chiếc xe lên xuống tấp nập trên lối đi. Một tối, tôi thực đã nghe có tiếng xe hơi bên đó. Tôi thấy ánh đèn xe chiếu vào những bực cửa trước nhà Gatsby. Nhưng tôi đã không bước ra nhìn. Có lẽ nó là của một người khách cuối cùng nào đó đến từ tận cùng trời, chưa biết rằng những cuộc vui đã không còn.
Trong đêm cuối cùng, với hành lý đã đóng xong và chiếc xe đã được bán lại cho người chủ tiệm thực phẩm, tôi đi tới để ngắm nhìn sự tan nát to tát không sao hiểu nổi của căn nhà một lần nữa. Trên những cục đá lót bước chân màu trắng, một chữ tục tĩu được viết nguệch ngoạc bằng gạch bởi đứa trẻ con nào đó nằm lồ lộ rõ ràng dưới ánh trăng. Tôi lấy giầy cọ lên tảng đá xóa nó đi. Sau đó tôi đi thơ thẩn xuống biển, nằm dài ra trên cát.
Giờ đây, hầu hết những căn nhà lớn nằm sát bờ biển đều đã đóng cửa, không để lại chút ánh đèn gì ngoại trừ ánh đèn lung linh mờ ảo di động của chiếc phà đang lướt ngang eo biển. Khi trăng lên cao hơn thì những căn nhà không còn cần thiết kia từ từ mờ khuất đi khiến tôi có thể nhận ra đây chính là hòn đảo của ngày xa xưa, có thời đã từng nở ra dưới mắt những thủy thủ người Hòa Lan như một cặp ngực tươi thắm của một mảnh đất thế giới mới được khám phá. Cây cối thủa đó ở đây giờ đã không còn, chúng đã bị dẹp đi nhường chỗ cho căn nhà của Gatsby, những cây cối mà lúc trước đã một thời thì thầm những lời dụ ngọt về những giấc mơ tột cùng to tát nhất của con người. Trong cái giây phút biến chuyển đầy mê hoặc, con người đã phải nín thở vì sự xuất hiện của lục địa này, buộc phải khuất phục để chiêm ngưỡng một hình ảnh thẩm mỹ mà họ không hề am hiểu hay mong ước, phải chịu mặt đối mặt lần cuối cùng với lịch sử những cái xứng đáng với khả năng của mình một cách kỳ diệu.
Khi tôi ngồi đó nghiền ngẫm về cái thế giới cằn cỗi mà tôi vẫn chưa hiểu được hết, tôi nghĩ về sự kinh ngạc của Gatsy khi anh ta mới nhận ra đốm ánh sáng màu xanh lục ở cuối bến tàu nhà Daisy. Gatsby đã tốn quá nhiều thời gian để đến được vườn cỏ xanh này và giấc mơ của anh lúc đó như đã quá gần, anh tưởng như đã nắm đựợc nó trong tay. Thật ra Gatsby không biết được rằng giấc mơ của anh lúc đó đã ở ngay sau lưng anh ta rồi, ở một nơi nào đó trong cái mờ mịt bao la bên kia thành phố, nơi mà những những giải bóng tối của nền cộng hòa đang lăn tròn trải dài trong đêm tối.
Gatsby tin vào đốm ánh sáng màu xanh lục, vào cái tương lai cực thú mà mỗi năm hình như mỗi vụt xa trước mắt chúng ta. Tương lai đó rồi sẽ lẫn trốn chúng ta, nhưng dù vậy cũng không sao, ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn….để rồi một buổi sáng đẹp trời….


Và như thế chúng ta cứ tiếp tục tiến tới, giống như những chiếc thuyền chèo ngược dòng nước nhưng lại không ngừng bị cuốn trôi về trong quá khứ


Chú thích:

[1] James J. Hill là nhà xây dựng đường rầy nổi tiếng của Mỹ. Ông lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng nhưng thành công nhờ biết cách nhìn xa.



HẾT

Febuary 16, 2011
Gatsby Vĩ Đại
Tác Giả và Tác Phẩm
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9