watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trăm năm cô đơn-Chương 12 - tác giả Gabriel Garcia Márquez Gabriel Garcia Márquez

Gabriel Garcia Márquez

Chương 12

Tác giả: Gabriel Garcia Márquez

Ngỡ ngàng trước bao nhiêu là phát minh diệu kỳ, dân Macônđô chẳng còn biết khởi sự thán phục từ đâu. Người ta thức cả đêm ngắm nhìn những bóng đèn điện được thắp sáng nhờ chiếc máy phát do Aurêlianô Tristê mang về sau chuyến du hành bằng tàu hoả lần thứ hai, và phải mất nhiều ngày người ta mới quen được với cái tiếng ấm ầm của nó.
Người ta phẫn nộ trước những hình ảnh sống động mà tay lái buôn giàu có đông Brunô Crêspi đem chiếu ở rạp hát có cái cửa tỏ vò bán vé, bởi lẽ một nhân vật đã chết và bị đem chôn trong một bộ phim và có kẻ nhỏ nước mắt xót thương, lại sống lại và trở thành người A-rập trong một bộ phim khác. Ðám đông dân chúng đã bỏ ra hai xentavôt để chia sẻ nỗi trầm luân của các nhân vật không thể chịu được cái trò dối trá chưa từng có ấy và bỏ ra về. Theo yêu cầu của đông Brunô Crêspi, thị trưởng bèn ra cáo thị giải thích rằng phim ảnh là một thứ sản phẩm tưởng tượng mà công chúng không đáng phải bực mình như vậy. Trước những lời giải thích ngán ngẩm đó, nhiều người cho rằng họ đã là nạn nhân của cái trò quỉ quái mới của bọn digan, và quyết định không trở lại rạp chiếu bóng nữa, vì nghĩ rằng mình đã có quá nhiều nỗi đau khổ rồi do đó chẳng phải hoài hơi đi thương khóc cho những nỗi bất hạnh vờ vĩnh của những nhân vật tưởng tượng. Chuyện cũng xảy ra như vậy đối với những chiếc máy hát mà các cô gái làng chơi thường mang theo thay cho chiếc đàn cổ lỗ sĩ, và có một thời đã làm thiệt hại ghê gớm đến quyền lợi của các ban nhạc. Thoạt đầu, sự tò mò đã làm tăng thêm đám khách hàng ở khu phố cấm, đến mức các bà quyền quí cũng cải trang thành dân thường để đến nhìn tận mắt cái tân kỳ của chiếc máy hát. Nhưng càng quan sát kỹ, người ta càng nhanh chóng đi đến kết luận rằng đây chẳng phải là trò ma thuật gì như người ta tưởng và như các cô gái làng chơi vẫn nói, mà chỉ là một thứ thủ thuật máy móc không thể so sánh được với một ban nhạc là thứ gây xúc động, giàu tính người và chứa đựng biết bao sự thật hàng ngày. Sự vỡ mộng thật là ghê gớm đến nỗi khi máy hát trở nên phổ biến ở từng nhà nó vẫn không phải là công cụ giải trí của người lớn, mà chỉ để cho trẻ con tháo lắp nghịch chơi. Trái lại khi có người được dịp chứng kiến cái kỳ diệu có thực của chiếc máy điện thoại đặt ở ngoài ga xe lửa, vì nó cũng có chiếc tay quay nên trông như một chiếc máy hát thô sơ, thì ngay cả đến những người mạnh bạo nhất cũng phải run sợ. Dường như Thượng đế đã quyết định thử thách mọi khả năng kinh ngạc của con người và giữ dân chúng Macônđô trong tâm trạng nghiêng ngả giữa vui và buồn, tin và ngờ, thậm chí đến mức không ai biết được đích xác đâu là giới hạn của thực tế. Ðó là một mớ bòng bong trộn lẫn giữa sự thật và ảo ảnh từng làm cho cái bóng ma Hôsê Accađiô Buênđya phải sống lại đứng ngồi không yên dưới bóng cây dẻ và buộc cụ phải đi đi lại lại trong nhà ngay cả khi trời đã sáng bạch. Từ ngày con đường sắt được chính thức khánh thành và tàu bắt đầu đỗ lại đều đặn vào lúc mười một giờ trưa thứ tư hàng tuần, và một nhà ga thô sơ bằng gỗ trong phòng có bàn viết có máy điện thoại và một cái cửa tò vò làm nơi bán vé được dựng lên, khi ấy người ta thấy ở Macônđô có những đám đàn ông và đàn bà đi đi lại lại ngoài đường cố làm ra vẻ bình thường, nhưng thực ra họ có vẻ như những người làm xiếc. ở một làng đã từng biết rõ những mánh khoé của bọn digan thì tương lai chẳng tất đẹp gì đối với những anh làm xiếc bán thuốc dẫu có bẻm mép đấy nhưng đến cuối tuần cũng chỉ trông vào chiếc nồi kêu boong boong và những bữa ăn chỉ đủ cứu vớt linh hồn, nhưng họ lại được lợi to khi loè những kẻ cả tin vì mệt mỏi hay vì ngây thơ. Trong số những anh chàng hề xiếc quần chẽn, ủng cao, mũ cao su, kính gọng sắt, mắt màu nâu trông như những chú gà trống tất mã, có một người trong số những người thứ tư nào cũng đến Macônđô và ăn trưa ở nhà Buênđya, đó là ngài Hơcbơc béo lùn luôn luôn tươi cười.
Chẳng ai nhận ra ông ta ngồi ở bàn ăn khi ông ta còn chưa chén sạch cả nải chuối. Aurêlianô Sêgunđô ngẫu nhiên gặp ông ta đang còn càu nhàu chửi bới bằng một thứ tiếng Tây Ban Nha ngượng nghịu vì không kiếm được một phòng riêng ở khách sạn Giacôp, và thế là anh đã dẫn vị khách về nhà như vẫn thường làm đối với nhiều người lạ khác. Ông ta có một gánh hàng bán bóng thám không từng mang đi khắp nơi thu những món lãi kếch xù, nhưng lại không câu được khách ở Macônđô, bởi vì dân ở đây coi đó là một trò lạc hậu sau khi họ từng nhìn thấy và đi thử những chiếc thảm bay của dân gian. Vì vậy ông ta sẽ ra đi vào chuyến tàu sắp tới. Khi gia chủ cho người mang đến nải chuối chín trứng cuốc đầu tiên vẫn thường được treo lủng lẳng ở phòng ăn, người khách hờ hững bẻ một quả. Ông ta cứ vừa ăn vừa nói, vừa nhấm nháp vừa nhai tóp tép, giống như điệu bộ của một nhà thông thái đãng trí hơn là của kẻ phàm ăn, và khi chén xong nải thứ nhất, ông ta bèn gọi thêm nải nữa. Lúc đó, ông ta mở túi đồ nghề luôn mang bên người lấy ra một bọc đựng dụng cụ quang học. Rồi với vẻ thận trọng của một tay buôn kim cương, ông ta xem xét tỉ mỉ quả chuối, cắt ra từng miếng bằng một con dao đặc biệt rồi đem cân bằng cân tiểu ly, xong lại tính đường kính của từng miếng bằng chiếc máy đo của những người lái súng. Tiếp đó ông ta lại lục ra hết dụng cụ này đến dụng cụ khác, chiếc thì đo nhiệt độ, chiếc thì đo độ ẩm không khí, chiếc thì đo cường độ ánh sáng. Thật là một nghi thức kỳ quái, làm cho cũng phải vừa ăn vừa thấp thỏm trông đợi ngài Hơcbơc nói mấy lời gì đó, nhưng ông ta không nói gì khả dĩ cho thấy ý đồ của mình.
Vào những ngày sau đó, người ta thấy ngài Hơcbơc mang theo vợt và giỏ đi bắt bướm ở các vùng xung quanh thị trấn. Ðến thứ tư, một nhóm gồm các kỹ sư nông nghiệp, thuỷ lợi, các nhà đồ bản và đo đạc đến khảo sát hàng tuần liền ở chính những khu vực mà Hơcbơc từng đến bắt bướm. Sau đó ngài Giăc Brao đến trên một toa tàu riêng nối thêm vào đoàn tàu hoả màu vàng; và nó là toa đặc biệt vì sàn và thành dát bạc, ghế đệm bọc nhung, trấn lợp thuỷ tinh màu xanh. Cũng trên chuyến tàu đặc biệt này, lăng xăng xung quanh ngài Giăc Brao còn có các vị trạng sư long trọng trong những chiếc áo thụng đen, một thời đã bám theo đại tá Aurêlianô Buênđya ở khắp nơi. Việc này làm cho dân làng nghĩ rằng các kỹ sư nông nghiệp, thuỷ lợi, các nhà đồ bản và đo đạc, cũng như ngài Hơcbơc với những quả bóng thám không và những chú bướm sặc sỡ sắc màu, cùng ngài Brao với toa tầu di động và những con chó bécgiê dữ tợn hình như báo hiệu một cuộc chiến tranh.
Tuy nhiên người ta không có nhiều thời gian để suy nghĩ, bởi vì những người dân nhạy cảm ở Macônđô chỉ vừa kịp hỏi nhau xem trò quái quỉ gì đang xảy ra thì cả thị trấn đã biến thành cái trại gồm những căn nhà bằng gỗ, mái lợp tôn của những người lạ mặt chẳng biết từ đâu đến trên những chuyến tàu hoả chật ních, người ta không chỉ ngồi trên các hàng ghế, dưới sàn mà cả trên nóc toa. Ðám dân Gringô(1) này, về sau đem theo cả những bà vợ gầy gò thường hay mặc đồ van mỏng và đội những chiếc mũ vải rộng vành, đã xây dựng khu dân cư riêng ở phía bên kia đường tàu, dọc đường trồng cây pan ma, nhà nào cũng làm cửa sổ bằng lưới sắt, ngoài hiên kê những chiếc bàn màu trắng, trên sân thượng cắm những con quay gió hình chữ X và xung quanh nhà là những bãi cỏ rộng thả gà ri và gà tây. Cả khu làng được rào lại bằng những tấm lưới sắt, giống như một trại gà khổng lồ có mắc điện mà vào những tháng đầu hè mát mẻ, sáng ra những đàn chim én bay đen cả bầu trời. Không ai biết rõ họ tìm kiếm cái gì, hoặc giả trên thực tế họ chỉ là những người từ thiện và họ đã gây nên một sự rối loạn ghê gớm, còn hơn cả những gì do những người digan gây nên trước đây, nhưng lại qua nhanh và có thể hiểu được. Do được phú những khả năng mà xưa kia chỉ Chúa trời mới có, họ thay đổi cung cách mưa, rút ngắn mùa thu hoạch, dời dòng sông sang phía đầu làng bên kia, đằng sau khu nghĩa địa. Cũng vào dịp đó họ xây hẳn một chiếc lăng bằng bê tông thay cho nấm mồ cũ của Hôsê Accađiô, để cho cái mùi thuốc súng của thi hài không làm ô nhiễm dòng nước. Ðể phục vụ cho những người lạ mặt không gia đình, họ biến khu phố nhỏ của các cô gái làng chơi thành một thị trấn rộng và đông đúc hơn. Rồi một ngày thứ tư rực rỡ kia, họ mang đến một chuyến tàu chở đầy những gái làng chơi tuyệt mỹ, những cô gái diêm dúa được huấn luyện với tài nghệ không thể tưởng tượng nổi, và được chuẩn bị trước đủ các loại phấn sáp và dụng cụ để khêu gợi những anh chàng chưa có kinh nghiệm hãy còn nhút nhát, e dè, thoả mãn những kẻ đầy dục vọng, và mua vui cho đủ loại người, cho những chàng trai độc thân. Khu phố Thổ Nhĩ Kỳ sang trọng hơn với những cửa hàng dành cho thuỷ thủ viễn dương thay thế những tiệm nhỏ cũ nát, cứ đến tối thứ bảy lại ồn ào những đám đông hiếu động và mạo hiểm chen lấn xô đẩy nhau bên những bàn cờ bạc, bên những bàn bắn súng ăn tiền, trong cái ngõ cụt nơi người ta đoán hậu vận và giải điềm báo, bên những chiếc bàn đầy thức ăn thức uống, và đến sáng chủ nhật những chiếc bàn này gây đổ ngổn ngang dưới đất, giữa những đám người nằm lộn xộn, đôi khi là những kẻ say bí tỉ sau những giờ hoan lạc, nhưng hầu hết là những kẻ ngã gục vì bị bắn, bị đâm, bị chém hay bị đập bằng chai lọ trong các cuộn ẩu đả. Quả là một sự xâm nhập quá ư ầm ĩ và không đúng lúc, đến nỗi trong thời gian đầu người ta không thể nào đi lại trong phố đầy những đồ đạc, hòm xiểng, và những gỗ ván, tre nứa của những người nghiễm nhiên dựng nhà ở bất cứ miếng đất trống nào mà chẳng cần xin phép ai, và cả những trò bê bối của những đôi trai gái mắc võng bừa bãi dưới các gốc cây và làm tình với nhau ngay giữa ban ngày ban mặt chẳng kể gì kẻ qua người lại. Góc phố yên tĩnh duy nhất là của những người da đen vùng Antidat với những căn nhà gỗ ọp ẹp, và cứ vào lúc hoàng hôn thì họ ngồi trước hiên nhà hát những bài ca não ruột bằng thứ thổ ngữ của mình. Biết bao biến đổi đã diễn ra trong một thời gian quá ngắn, nghĩa là chỉ tám tháng sau khi ngài Hơcbơc đến thăm, và những người dân vốn sinh sống ở Macônđô gọi nhau dậy sớm để xem chính cái làng của mình.
- Hãy xem chúng ta đã gặp những đồ ma quỉ gì nào, - ngài đại tá Aurêlianô Buênđya thường nói, - đừng có mà mời bọn Gringô đến xơi chuối ngự nữa nhé!
Trái lại, Aurêlianô Sêgunđô không để đâu hết vui mừng trước làn sóng dân tứ xứ đổ về. Không mấy chốc nhà anh đẩy những người khách lạ, những thực khách nổi tiếng thế giới, và thế là phải làm thêm phòng ngủ ở ngoài sân, mở rộng thêm nhà ăn, thay chiếc bàn ăn cũ bằng một chiếc mới mười sáu chỗ ngồi, bát đĩa, dao dĩa đều phải mới hết, mặc dù thế vẫn phải bố trì ăn trưa thành từng đợt. Phecnanđa đã phải ra sức chịu đựng và phục vụ như đối với các ông hoàng cái đám khách đủ mọi loại người, những kẻ ngang nhiên tha cả ủng đầy đất, cát vào phòng ăn, tiểu tiện bừa cả ra vườn, trải bạt ra bất cứ chỗ nào để ngủ trưa và tuôn cả đủ mọi chuyện chẳng kể gì đến sự ngượng ngùng của đàn bà con gái cũng như sự bất bình của những người đàn ông đứng đắn. Trước sự lộn xộn của đám người hạ đẳng ấy, Amaranta tỏ rõ nỗi bực dọc bằng cách đến bữa lại bỏ vào ăn cơm trong nhà bếp như ngày trước. Ðại tá Aurêlianô Buênđya biết rằng hẩu hết những kẻ vào trong xưởng chào ngài chẳng phải vì họ quí trọng gì ngài, mà chỉ là do tò mò muốn biết thêm một thứ di vật lịch sử, một bộ xương của Viện bảo tàng, nên đã quyết định đóng cửa cài then suốt ngày, và hãn hữu mới thấy ngài ngồi ở phía cửa quay ra đường. Ucsula thì khác hẳn, ngay cả lúc chỉ còn lết được đôi chân, bám vào tường mà đi, cụ vẫn cảm thấy cái háo hức của tuổi trẻ mỗi khi đoàn tàu sắp đến. "Cần phải kiếm thịt và cá", cụ ra lệnh cho bốn chị nấu bếp, lúc nào cũng tất tưởi có mặt đúng giờ dưới sự điều khiển nghiêm khắc của Santa Sôphia đê la Piêđat. "Cần phải chuẩn bị sẵn đủ mọi thứ, - cụ nhất quyết nhắc lại, bởi vì chẳng bao giờ biết được khách khứa thích ăn những món gì". Chuyến tàu đến vào giờ nóng bức nhất. Ðến bữa ăn trưa, căn nhà ồn ào như chợ, và đám thực khách mồ hôi nhễ nhại, chẳng cần biết những ai là chủ nhà cứ chen bừa vào chiếm lấy những chỗ tốt nhất trên bàn ăn, trong khi các bà nấu bếp vội vã va cả vào nhau bê những nồi xúp tướng, những nồi thịt ninh, những xoong canh rau, những liễn cơm và múc hết gáo này đến gáo khác cạn sạch cả thùng đại nước chanh. Tình trạng lộn xộn quá đến nỗi Phecnanđa tức tối điên người vì đinh ninh rằng rất nhiều người đã vào ăn tới hai lần và nhiều lúc muốn tuôn ra những lời lẽ thô tục bởi có một vài anh chàng dở hơi tưởng đây là quán trọ hay sao mà lại gọi đem hoá đơn ra thanh toán. Ðã hơn một năm kể từ ngày ngài Hơcbơc tới thăm và điều duy nhất người ta được biết là việc bọn Gringô định trồng chuối ở vùng đất mê người mà Hôsê Accađiô Buênđya và người của cụ đã vượt qua trên đường đi tìm những phát kiến lớn. Hai người con trai khác của đại tá Accađiô Buênđya với những chữ thập đánh dấu trên trán cũng đến do bị lôi cuốn bởi sự bùng nổ đó, và họ giải thích lý do dẫn tới quyết định ấy bằng một câu có lẽ cũng là chung của mọi người.
- Chúng tôi đến đây, - họ nói, - vì tất cả mọi người đều đến.
Rêmêđiôt - Người đẹp, là người duy nhất thoát khỏi nạn dịch trồng chuối. Nàng cứ giữ mãi cái tuổi niên thiếu tuyệt đẹp, ngày càng dửng dưng trước mọi sự chải chuốt, càng không lưu tâm gì đến những trò ma mãnh giảo hoạt, luôn luôn sung sướng trong cái thế giới hiện thực giản dợn của chính mình. Nàng không hiểu vì sao mà các bà các chị lại cứ phải làm cho cuộc đời thêm phức tạp với những xu chiêng và xi líp, và thế là nàng tự may một chiếc váy đầm bằng vải gai để chỉ phải chui đầu vào là giải quyết xong mọi chuyện không phải phiền phức gì nữa. Như vậy nàng cảm thấy mình vẫn được tự do thoải mái, mà theo nàng hiểu thì đó là cách tốt nhất khi ở trong nhà. Mọi người cử mè nheo bảo nàng cắt bớt mớ tóc dài như suối chảy mãi tới bắp chân để búi lên và dùng dây xanh đỏ buộc lủng lắng sau gáy, thế là nàng bèn cạo trọc luôn và lấy tóc mình làm bộ tóc giả chừ pho tượng thánh. Ðiểu đáng ngạc nhiên ở cái bản năng giản đơn của nàng là càng vứt bỏ kiểu cách để tìm kiếm sự thoải mái, càng bỏ qua những qui phạm để tuân theo cái bột phát tự nhiên, thì nàng càng trở nên đẹp ghê gớm và càng làm cho cánh đàn ông thèm muốn tợn. Khi những người con của đại tá Accađiô Buênđya đến Macônđô lần đầu tiên, Ucsula nhớ rằng họ mang trong người dòng máu của Rêmêđiôt, đứa chắt gái của cụ và cụ cảm thấy một nỗi hoảng sợ chưa từng có. "Hãy nhìn cho kỹ", cụ đe trước, "Nếu mày ăn nằm với bất kỳ đứa nào trong số đó, thì mày sẽ đẻ con có cái đuôi lợn". Nàng chẳng để tâm đến lời răn đe mấy, vẫn mặc quần áo con trai, lăn lê bò toài trên bãi cát để trèo cột mỡ và suýt nữa thì gây nên một thảm thảm kịch giữa mười bảy người chú họ của mình đang bàng hoàng trước cảnh tượng không sao chịu đựng nổi. Cũng vì vậy mà không ai trong số họ ngủ lại nhà khi đến thăm làng và bốn người còn lại từ trước thì sống riêng ở mấy phòng thuê theo sự xếp đặt của Ucsula. Tuy vậy, Rêmêđiôt - Người đẹp, chắc là sẽ chết cười nếu mà biết được sự đề phòng đó. Cho tới giây phút cuối cùng còn ở trần gian, nàng không hề biết rằng cái số phận làm đàn bà có sức quyến rũ không cưỡng lại nối của mình lại là một mối thảm hoạ hàng ngày. Mỗi lần nàng xuất hiện ở nhà ăn, cãi lại lệnh của Ucsula là một lần làm cho đám khách lạ hết hoảng sợ hãi. Hai năm rõ mười là nàng thỗn thện trong chiếc váy đầm thùng thình trớ trêu kia, và không ai có thể hiểu rằng cái đầu trọc lốc tròn quay của nàng lại không phải là một sự thách thức, và rằng việc nàng chẳng ngượng ngùng phơi đùi ra cho mát cũng như việc nàng cứ mút ngón tay chùn chụt sau khi dùng tay bốc thức ăn lại không phải là một sự khiêu khích đầy tội ác điều chẳng bao giở những người trong gia đình biết được là đám khách lạ nhanh chóng nhận ra rằng Rêmêđiôt - Người đẹp thường gây ra nỗi kinh hoàng và sự giày vò nội tâm cho họ ngay cả sau khi nàng đã đi qua hàng giờ rồi. Những trang nam nhi lọc lõi trước những đau khổ vì tình, được thử thách khắp đó đây đều khẳng định rằng họ chưa từng bao giờ lại có cảm giác thèm khát đến như vậy trước làn hơi tự nhiên của Rêmêđiôt - Người dẹp. Ở hành lang đặt những chậu cây thu hải đường, ở phòng khách, ở bất cứ góc nào trong nhà, người ta có thể chỉ đích vào nơi nàng đã đứng và thời gian chính xác lúc nàng rời đi. Cái dấu vết ấy rõ ràng, không lẫn lộn được, nhưng không ai trong gia đình nhận ra vì từ lâu nó đã hoà nhập vào cái mùi hàng ngày trong nhà, còn những khách lạ thì dễ dàng nhận ra ngay. Vì vậy duy chỉ có bọn họ hiểu được rằng viên chỉ huy trẻ tuổi của đội gác có lẽ đã chết vì tình, và một chàng công từ từ xa đến có lẽ đã tuyệt vọng. Không biết gì tới khung cảnh xao động và trạng thái tai ương nghiệt ngã do mỗi cử chỉ, mỗi bước đi của mình gây ra, Rêmêđiôt - Người đẹp luôn cư xử với mọi người không chút tà tâm và vẫn làm cho họ sầu não trước sự hoan hỉ ngây thơ của nàng. Khi Ucsula bắt nàng phải vào ăn cơm trong bếp cùng với Amaranta để cho đám khách lạ khỏi trông thấy, thì nàng lại cảm thấy dễ chịu hơn, bởi vì rốt cuộc nàng càng được tự do thoải mái. Thực ra nàng ăn cơm ở đâu cũng vậy thôi, và không phải vào giờ qui định mà hễ thích lúc nào thì nàng ăn lúc ấy. Khoảng ba giờ sáng nàng đã dậy ăn, rồi ngủ suốt cả ngày, và suốt mấy tháng trời nàng ăn uống chẳng theo giờ giấc nào, cho đến khi một sự tình cờ nào đó đưa nàng trở lại trật tự cũ. Khi mọi việc đều suôn sẻ thì mười một giờ trưa nàng mới dậy và chui vào trong nhà tắm khoá cửa lại và cứ thế trần truồng dầm mình trong bồn tắm hàng vài giờ liền, vừa giết những con bò cạp vừa rũ đi cơn buồn ngủ kéo dài. Sau đó nàng lấy chiếc gáo bằng quả bầu khô múc llước trong vại dội ào ào lên người. Buổi tắm cử kéo dài, tỉ mỉ, thích thú trong cái khung cảnh tịch mịch trang nghiêm, mà nếu ai không biết rõ nàng thì chắc hẳn sẽ nghĩ rằng nàng đang say mê chăm chút cơ thể mình. Nhưng đối với nàng, cái nghi thức đơn điệu kia chẳng có gì là khêu gợi, và đó chỉ là cách tiêu khiển thì giờ trong lúc nàng đói. Có hôm khi nàng bắt đầu tắm, một người khách lạ dỡ một viên ngói trên nóc nhìn xuống, và chàng ta như nghẹt thở trước tấm thân ngà ngọc ấy. Nàng nhìn thấy đôi mắt trân trân kia qua lỗ trống trên mái ngói và phản ứng của nàng không phải là cảm giác xấu hổ, mà là sự lo sợ cho tính mạng của chàng trai.
- Cẩn thận kẻo ngã, - nàng hét lên.
- Anh chỉ muốn được chiêm ngưỡng em thôi mà. - Chàng khách lạ thì thào.
- Ồ, thế à nhưng hãy cẩn thận, mái ngói đã bục rồi đấy.
Nét mặt của chàng trai thoáng vẻ đau đớn kinh hoàng và như đang âm thầm cưỡng lại sự hồi hộp đầu tiên để không làm ảo mộng tiêu tan. Rêmêđiôt - Người đẹp những tưởng chàng đau khổ vì sợ mái ngói vỡ, và nàng tắm nhanh hơn thường lệ để chàng khỏi gặp nguy hiểm. Vừa múc nước ở vại dội lên người, nàng vừa nói với chàng rằng cái mái nhà ọp ẹp đến thế sẽ gây chuyện khốn khổ, và rằng lá mục vì mưa dột là nguyên nhân khiến cải bồn tắm lúc nào cũng đầy những bò cạp. Chàng trai những tưởng câu chuyện tầm phào kia là cách mà nàng che giấu sự bằng lòng, cho nên khi nàng bắt đầu xoa xà phòng thì chàng bèn dấn thêm bước nữa:
- Ðể anh xoa xà phòng cho em.
- Cám ơn lòng tốt của anh, - nàng nói, - nhưng chỉ cần hai bàn tay em cũng đủ.
- Cho anh xoa đằng lưng thôi mà, - chàng van nài.
- Chẳng cần như vậy. Em chả thấy ai lại xoa xà phòng sau lưng bao giờ.
Sau đó, trong khi nàng lau mình, chàng trai nước mắt đắm đìa khẩn khoản được cầu hôn với nàng. Nàng thực thà trả lời rằng chẳng bao giờ nàng lại đi lấy một người con trai xoàng tới mức bỏ phí cả hàng tiếng đồng hồ, thậm chí bỏ cả bữa cơm, để chỉ làm cái việc là xem một cô gái tắm. Cuối cùng, khi nàng mặc chiếc váy đầm vào, chàng trai không thể nào chịu đựng được trước sự thực là nàng không mặc đồ lót gì cả, như mọi người vẫn đoán như vậy và cảm thấy điều bí mật ấy như một thanh sắt nung đỏ ấn dấu mãi mãi vào da, thịt lệnh. Lúc đó chàng trai bèn dỡ thêm hai viên ngói nữa để trèo vào bên trong nhà tắm.
- Mái nhà cao lắm? - nàng gọi, giọng kinh hoàng, - khéo ngã chết đấy!
Tiếng những viên gạch vỡ rơi loảng xoảng như báo hiệu một thảm hoạ, và anh chàng khách lạ kia chỉ kịp rú lên một tiếng khủng khiếp, sọ vỡ tan và chết không kịp ngáp trên nền xi măng. Những người khách lạ từ trong nhà ăn nghe thấy tiếng đổ ầm ầm đã vội chạy ra khiêng xác chàng trai trẻ, cảm thấy từ làn da của anh ta toả ra cái mùi nồng nặc đến khó thở của Rêmêđiôt - Người đẹp, và cái mùi này vẫn tiếp tục hành hạ đám đàn ông cả sau khi chết, cả khi họ chỉ còn là nắm xương tàn. Mặc dù vậy, họ không liên hệ tai nạn khủng khiếp đó với cái chết của hai người đàn ông khác cũng vì Rêmêđiôt - Người đẹp. Phải đợi đến khi có một nạn nhân nữa thì những người khách lạ và rất nhiều người sinh trưởng ở Macônđô mới tin vào câu chuyện huyền thoại nói rằng hơi thở của Rêmêđiôt - Người đẹp không phải là làn hơi tình ái mà là luồng khí giết người. Câu chuyện xảy rá vài tháng sau đó, vào một buổi chiều khi Rêmêđiôt - Người đẹp cùng với mấy bạn gái đi xem những đồn điền mới. Dân Macônđô gần đây có thói quen tiêu khiển mới bằng cách đi dạo dọc những con đường ẩm ướt và dài như vô tận trồng chuối kín cả hai bên, là nơi sự im lặng dường như được bắt nguồn từ một xứ sở hoang vu nào đó, và do đó âm thanh thật khó lan xa. Có khi chỉ cách nhau có nửa mét mà không nghe thấy tiếng nhau, nhưng tiếng nói từ tít phía bên kia cánh đồng vọng tới lại rất rõ. Trò chơi mới mẻ đó làm cho các cô gái ở Macônđô được những mẻ cười thoải mái hoặc những trận hồi hộp hù doạ và trêu đùa nhau. Tối đến các cô thường kể lại các cuộc dạo chơi đó như kể lại những giấc mơ. Sự im lặng kia được coi trọng tới mức Ucsula không dám ngăn cản cuộc tiêu khiển của Rêmêđiôt - Người đẹp, và một buổi chiều đã cho phép nàng đi chơi với điều kiện phải đội chiếc mũ rộng vành và diện bộ cánh thật đẹp. Từ lúc các cô gái vào tới đồn điền, bầu không khí như đượm một mùi thơm chết chóc. Những người đàn ông làm việc trên cánh đồng như cảm thấy bị mê hoặc, bị đe doạ bởi một hiểm hoạ vô hình, và rất nhiều người như chìm đắm trong cơn khủng khiếp đẫm nước mắt. Rêmêđiôt - Người đẹp và các cô bạn hốt hoảng của cô vừa kịp ẩn vào một ngôi nhà gần đó khi bọn họ suýt bị một đám đàn ông cuồng nhiệt làm nhục Sau đó các cô được cứu thoát nhờ có bốn anh em Aurêlianô, mà những chữ thập tro thánh trên trán họ in đậm một sự tôn kính, dường như chúng là một dấu ấn của đẳng cấp, của sự bất khả xâm phạm. Rêmêđiôt - Người đẹp không kể với ai câu chuyện một kẻ trong số đó lợi dụng lúc ồn ào sờ tay vào bụng dưới của nàng, cái bàn tay ấy có vẻ như những chiếc móng chim ưng bám vào bờ vực thẳm. Trong tích tắc nàng gạt tay chàng trai trẻ ngông cuồng và nhìn thấy một đôi mắt rầu rĩ làm cho trái tim nàng nhói lên một cảm giác thương cảm. Ðêm ấy, chàng trai đến phố Thổ Nhĩ Kỳ khoe khoang về sự liều lĩnh và số may của mình. Vài phút sau anh chàng bị một con ngựa đá một phát giập ngực và đám đông khách tứ phương chứng kiến cảnh anh ta giãy giụa trong vũng máu, chết gục giữa đường.
Thế là điều phỏng đoán về chuyện Rêmêđiôt - Người đẹp mang trong người uy quyền của thần chết đã được chứng minh bằng bốn trường hợp không gì bác bỏ được. Mặc dù một số người hay tán gẫu thường nói cho sướng miệng rằng nếu được ngủ một đêm với người đàn bà quyến rũ như vậy thì có chết cũng đành nhưng thực ra chẳng anh nào cố sức để làm việc đó cả. Có lẽ chỉ cần một thứ tình cảm nguyên thuỷ và giản dị như tình yêu là đủ để không chỉ chinh phục nàng mà còn để tránh mọi nguy hiểm, nhưng đó chính là điều duy nhất không ai nghĩ tới.
Ucsula không chú ý gì đến nàng nữa. Trước kia, khi cụ còn chưa từ bỏ ý định cứu vớt nàng thành người hữu ích cho cuộc đời, cụ thường cố làm cho nàng quan tâm đến những công việc chính ở trong nhà. "Ðàn ông họ thường đòi hỏi nhiều hơn là mày tưởng", cụ thường nói mập mờ như vậy, "Nào nấu nướng, nào quét dọn, rồi biết bao nhiêu điều lặt vặt phải lo toan, ngoài những điều mày nghĩ". Thực ra cụ đã tự lừa dối mình bằng cách dạy cho nàng hưởng hạnh phúc gia đình, bởi vì chính cụ cũng tin rằng một khi dục vọng được thoả mãn thì không một người đàn ông trên trái đất này có thể chịu đựng được, dù chỉ trong một ngày, sự lơ đễnh không thể hiểu được ấy… Khi người đàn ông cuối cùng(2) của nhà Hôsê Accađiô ra đời, cụ dứt khoát muốn nuôi dạy cho nó trở thành Giáo hoàng, cho nên cụ chả còn tâm lực đâu mà lo lắng đến cô chắt gái. Cụ để mặc nàng, nghĩ rằng sớm muộn gì thì cũng có điều kỳ diệu xảy ra, và trong cái thế giới mọi sự đều có thể này hẳn là cũng sẽ phải có một người đàn ông đủ nhẫn nại để rước lấy nàng. Từ lâu rồi, Amaranta đã dứt bỏ mọi ý định cố dạy nàng thành một cô gái hữu ích. Ngay từ những buổi chiều khâu vá chẳng còn nhớ rõ nữa ấy, khi cô cháu gái chỉ thích có mỗi việc quay maniven chiếc máy khâu, bà đã kết luận dứt khoát nó là đứa ngốc nghếch. "Ðến phải mang đấu giá mày đi thôi", bà nói, và rất ngạc nhiên trước thái độ tỉnh bơ của nàng đối với những lời tán tỉnh của đám đàn ông. Về sau khi Ucsula cứ nhất quyết bắt Rêmêđiôt - Người đẹp phải phủ mạng che mặt lúc đi lễ nhà thờ, Amaranta nghĩ rằng cái trò bí ẩn kia có lẽ lại trở thành khêu gợi tới mức mà chẳng mấy chốc sẽ có một người đàn ông đủ sức hiếu kỳ và nhẫn nại để đi tìm chỗ yếu của trái tim nàng. Nhưng khí trông thấy cung cách ngờ nghệch mà nàng khước từ một kẻ cầu thân có nhiều điểm còn ăn đứt cả vương tôn công tử, thì bà không còn hy vọng gì nữa. Phecnanđa thậm chí không muốn hiểu nàng nữa. Khi thấy Rêmêđiôt - Người đẹp vận đồ xiêm áo Hoàng hậu trong ngày hội Cacnavan đẫm máu, Phecnanđa nghĩ rằng đó là một cô gái dị thường. Nhưng khi thấy nàng dùng tay ăn bốc, và trả lời bằng những câu ngớ ngẩn thì Phecnanđa chỉ cảm thấy tiếc là những kẻ đần độn trong gia đình lại có cuộc sống lâu dài thế. Mặc dù rằng đại tá Aurêlianô Buênđya vẫn tin và thường nhắc đi nhắc lại rằng thực ra thì Rêmêđiôt - Người đẹp là đứa thông minh sáng suốt chưa từng thấy, và mặc dù rằng nàng vẫn thường tỏ ra khéo léo lạ kỳ trong việc bỡn cợt mọi người khác, cả nhà đã phó mặc nàng cho Thượng đế lòng lành. Rêmêđiôt - Người đẹp một mình bơi trong sa mạc cô đơn, chẳng có cây thánh giá trên vai, chìm đắm trong những giấc mơ tươi đẹp, trong những buổi tắm triền miên, trong những bữa ăn không giờ giấc, trong chuỗi lặng im sâu thẳm không hồi tưởng, cho đến một buổi chiều tháng ba khi Phecnanđa ở trong vườn muốn gấp những chiếu chăn thô trải giường và gọi các bà các chị ra giúp mình một tay. Họ vừa mới bắt đầu, thì Phecnanđa phát hiện thấy Rêmêđiôt - Người đẹp toàn thân xanh tái.
- Chị ốm hay sao vậy? - Phecnanđa hỏi.
Rêmêđiôt - Người đẹp đang cầm một dầu mép chăn bên kia mỉm cười như nuối tiếc.
- Không phải đâu, - nàng nói,- chị thấy mình khoẻ hơn lúc nào hết.
Nàng vừa nói đến đấy thì Phecnanđa cảm thấy một làn gió dễ chịu đầy ánh sáng làm bật chiếc chăn khỏi tay mình và hất tung nó lên trời. Amaranta cảm thấy lạnh xương sống và cố bám lấy chiếc chăn cho khỏi ngã, đúng vào lúc Rêmêđiôt - Người đẹp bay lên. Ucsula, lúc ấy gần như loà mắt, là người duy nhất bình tĩnh nhận ra thực chất của làn gió không gì cưỡng lại kia và cứ để mặc cho những chiếc chăn bay như vậy mà nhìn Rêmêđiôt - Người đẹp đang vẫy tay vĩnh biệt mình.
Giữa luồng sáng phập phồng của những chiếc chăn cùng bay lên theo nàng, có cả mùi những con bọ cạp và hoa mẫu đơn, tất cả cùng đi theo nàng trong cái bầu không khí kết thúc lúc bốn giờ chiều, và tất cả cùng theo nàng vĩnh viễn biến mất ở trên tầng cao không khí nơi những con chim bay cao nhất cũng chẳng vỗ cánh tới bao giờ.
Ðám khách lạ tất nhiên nghĩ rằng Rêmêđiôt - Người đẹp cuối cùng đã hoá thân theo cái số mệnh tiền định của nàng là con ong chúa, và gia đình nàng đã ra sức cứu vãn danh dự bằng cái huyền thoại nàng tự bay lên. Phecnanđa ghen tức vô cùng, cuối cùng cũng chấp nhận câu chuyện ly kỳ, và rất lâu sau đó vẫn tiếp tục cầu trời đem trả lại những chiếc chăn. Mọi người đấu tin vào câu chuyên kỳ diệu và họ đều hương khói khấn khứa. Có lẽ sẽ không ai nói chuyện gì khác trong một thời gian lâu nữa, nếu như không có chuyện tàn sát man rợ đám con trai của đại tá Aurêlianô Buênđya, làm cho sự ngạc nhiên biến thành sự hãi hùng! Mặc dù chưa bao giờ nói ra miệng lời tiên đoán của mình, nhưng đại tá Aurêlianô Buênđya đã dự cảm trước trong chừng mực nào đó cái kết cục bi thảm của các con mình. Khi Aurêlianô Sêrađô và Aurêlianô Accada tỏ ý muốn ở lại Macônđô, ông bố đã cố ngăn cản. Ông không hiểu chúng sẽ làm gì ở cái làng mà chỉ từ đêm đến sáng đã biến thành một nơi nguy hiểm. Nhưng Aurêlianô Xêntênô và Aurêlianô Tristê được Aurêlianô Sêgunđô ủng hộ đã nhận hai người vào làm trong xí nghiệp của mình. Ðại tá Aurêlianô Buênđya có nhiều lý do đúng sai lẫn lộn để không tán đồng quyết định ấy. Kể từ khi trông thấy ngài Brao trên chiếc ôtô đầu tiên đến Macônđô - một chiếc xe màu da cam có chiếc còi làm khiếp vía những con chó cứ chạy theo mà sủa ầm ĩ - người lính già bực mình với sự xun xoe khúm núm của dân làng, và nhận ra rằng có cái gì thay đổi trong phẩm cách con người kể từ hồi ngài từ bỏ vợ con, vác khẩu súng lên vai ra đi chiến trận. Các nhà chức trách địa phương, sau Hiệp định đình chiến Neclanđia, đều trở thành những thị trưởng chăng có sáng kiến gì, những thẩm phán làm vì, được chọn trong số những người bảo thủ mệt mỏi và hiền lành ở Macônđô. "Ðây là một chế độ của những con quỉ đói"; đại tá Aurêlianô Buênđya bình phẩm khi trông thấy những viên cảnh sát đi chân đất mang dùi cui đi ngang qua, "Chúng ta đã bao lần nổi dậy làm chiến tranh cốt để cho chúng nó không bắt chúng ta phải quét vôi xanh nhà mình". Tuy vậy khi Công ty chuối đến, các viên chức địa phương bị thay thế bằng đám chức dịch lạ mặt mà ngài Brao đưa đến sinh sống ở khu nhà chung cư, khu "trại gà mắc điện", để cho họ được hưởng - theo lời ngài giải thích - vinh dự hợp với chức vị của mình, và không phải chịu cảnh nóng bức, muỗi và vô số sự thiếu thốn khổ ải của dân chúng. Những viên cảnh sát cũ bị thay thế bằng bọn giết người bằng dao chặt mía. Chúi đầu trong xưởng, đại tá Aurêlianô Buênđya nghĩ ngợi về những đổi thay đó, và lần đầu tiên trong những năm cô đơn thầm lặng của mình, ngài trằn trọc mãi với điều khẳng định dứt khoát rằng không tiếp tục cuộc chiến tranh tới cùng là một sai lầm. Vào những ngày ấy, một người anh em của đại tá Măcgơniphicô Visban bị quên lãng dẫn đứa cháu bảy tuổi đi uống nước ngọt ở một hàng rong ngoài quảng trường. Chẳng may đứa trẻ va phải viên đội xếp cảnh sát và đánh đổ cốc nước ngọt vào quần áo của y. Tên man rợ này liền rút dao chém đứa bé làm mấy khúc, người ông chạy tới ngăn cản liền bị y chém phăng đầu. Cả làng đều trông thấy ông già bị chém cụt đầu khi một số người khiêng ông về nhà, và một người phụ nữ túm tóc xách chiếc đầu lâu chạy theo cùng với chiếc bao tải đẫm máu đựng xác đứa trẻ.
Ðối với đại tá Aurêlianô Buênđya thì đây là giới hạn của sự trừng phạt. Ngay lập tức, ngài cảm thấy phẫn nộ giống như hồi còn trai trẻ ngài đã phẫn nộ khi đứng trước xác người đàn bà bị lính đánh chết chỉ vì tội bị chó dại cắn. Nhìn những đám người tò mò đứng trước cửa nhà, bằng cái giọng căm thù không thể chịu đựng được nữa ngài quát tướng lên:
- Một ngày kia ta sẽ trang bị vũ khí cho các con ta để chúng nó kết liễu đời cái bọn Gringô chết tiệt này!
Trong tuần lễ ấy, ở những địa điểm khác nhau thuộc vùng duyên hải, mười bảy người con của ngài đã bị những tên giết người vô hình nhằm vào dấu thánh trên trán mà bắn như bắn thỏ. Aurêlianô Tristê ra khỏi nhà mẹ đẻ vào lúc bảy giờ tối thì một phát súng từ trong bóng tối xuyên giữa trán. Aurêlianô Xêntênô chết cứng trên chiếc võng vẫn thường buộc trong nhà máy vì bị một chiếc dùi đâm ngập đến tận cán ở chính giữa hai lông mày. Aurêlianô Sêrađô từ rạp chiếu bóng đưa người yêu về nhà, trên đường trở về đến phố Thổ Nhĩ Kỳ thì có kẻ trà trộn trong đám đông bắn một phát súng lục làm anh ta đổ gục vào nốt chảo bơ đang sôi. Mấy phút sau, có người gõ cửa căn phòng nơi Aurêlianô Accada đang ngủ với một người đàn bà và gọi: "Nhanh lên, chúng nó giết anh em mày ngoài kia". Người đàn bà cùng ở trong phòng với anh ta về sau kể rằng Aurêlianô Accada nhảy ra khỏi giường và mở cửa chạy ra thì bị một loạt đạn môde bắn vỡ sọ. Cái đêm chết chóc ấy, khi cả nhà chuẩn bị đèn nến khâm liệm bốn xác chết thì Phecnanđa chạy như điên khắp làng để tìm Aurêlianô Sêgunđô, lúc đó được Pêtra Côtêt ấn vào trong chiếc tủ áo vì tin chắc rằng mật lệnh tàn sát nhằm rào tất cả những ai mang tên ngài đại tá. Mãi đến bốn ngày sau, khi các bức điện nhận được từ nhiều nơi thuộc vùng duyên hải cho phép hiểu rằng sự điên cuồng của kẻ thù vô hình chỉ thẳm vào những anh em Aurêlianô có dấu chữ thập ở trán, Pêtra Côtêt mới cho anh ta ra ngoài. Amaranta lục cuốn sổ nhỏ ghi chép về những đứa cháu, và cứ nhận được bức điện báo tử nào thì gạch tên đứa đó, cho tới khi chỉ còn lại đứa cháu lớn. Bà nhớ rõ đứa cháu này vì cậu ta có nước da đen tương phản với lôi mắt xanh to tướng. Ðó là Aurêlianô Amađô vốn là thợ mộc, sinh sống ở một làng nhỏ tít trong bìa rừng. Sau hai tuần đợi không thấy có điện báo của anh, Aurêlianô Sêgunđô cho người đi báo để anh đề phòng, sợ rằng anh không biết gì về mối nguy hiểm đang treo trên đầu. Người đưa tin trở về nói là Aurêlianô Amađô đã thoát nạn. Có hai người đàn ông đến lùng anh ở nhà vào cái đêm tàn sát ấy. Chúng đã nã súng vào anh, nhưng không trúng được vào chỗ có dấu chữ thập trên trán. Aurêlianô Amađo nhảy qua hàng rào ở sân, và chạy tuột vào triền rừng mà anh thuộc như lòng bàn tay do có quan hệ buôn bán gỗ với những người thổ dân. Từ đó không có tin tức gì thêm về anh.
Thật là những ngày đen tối đối với đại tá Aurêlianô Buênđya. Tổng thống nước cộng hoà gửi tới ngài bức điện chia buồn, hứa ra lệnh điều tra đến nơi đến chốn và tỏ lòng tưởng nhớ những người đã khuất. Theo lệnh của Tổng thống, thị trưởng đem bốn vòng hoa tới dự lễ tang và định đặt lên các quan tài, nhưng ngài đại tá cho đem để ra ngoài đường. Sau đám tang, đại tá thảo một bức điện lời lẽ gay gắt và tự tay đem đi điện cho Tổng thống, nhưng điện báo viên không chịu phát. Thế là ngài viết thêm mấy dòng lời lẽ cay cú hơn nữa và cho vào phong bì gửi đi. Cũng giống như khi xảy ra cái chết của cô vợ, và bao nhiêu cái chết của những người bạn quí trong thời kỳ chiến tranh, ngài đại tá không cảm thấy đau buồn, mà chỉ thấy một nỗi mệt mỏi bất lực và sự điên dại mù quáng. Thậm chí ngài còn tố cáo cả cha Antôniô Isaben đồng loã với bọn giết người vì đã làm dấu chữ thập cho các con mình bằng một thứ tro không phai màu để kẻ thù dễ nhận ra chúng. Vị cố đạo lụ khụ này không còn minh mẫn là mấy và khi lên bực đã bắt đầu làm cho con chiên kinh hãi với những lời rao giảng lung tung, một chiều nọ đã đến nhà đại tá mang theo cả một bát tro hoà sẵn dùng làm dấu thánh vào thứ tư hàng tuần, và cố gọi đủ cả gia đình đến để lấy thứ nước tro ấy làm dấu chữ thập lên trán họ nhằm thanh minh rằng nó có thể lấy nước lã rửa sạch được.
Nhưng sự hãi hùng của nỗi bất hạnh ăn sâu đến mức ngay cả Phecnanđa cũng chẳng để ý tới việc làm đó và từ bấy trở đi không bao giờ thấy một ai trong dòng họ Buênđya đến quì trước bàn chịu lễ vào dịp lễ Tro thứ tư hàng tuần.
Trong một thời gian dài đại tá Aurêlianô Buênđya không bình tĩnh lại được. Ngài bỏ việc làm những con cá vàng, ăn uống khó khăn, và đi lại khắp nhà như một kẻ mộng du, kéo lệt sệt chiếc áo choàng và hậm hực nhất nỗi giận dữ ngấm ngầm. Sau ba tháng tóc ngài bạc trắng, hàng ria cũ chải chuốt nay đâm tua tủa phủ kín đôi môi nhợt nhạt, nhưng trái lại, đôi mắt ngài một lần nữa lại rực sáng giống như hai hòn than, từng làm khiếp đảm những ai trông thấy ngài lúc mới sinh và một thời chúng đã làm cho những chiếc ghế xoay tít khi ngài nhìn vào. Trong sự giằng xé điên cuồng ấy đại tá Aurêlianô Buênđya ra sức tìm kiếm một cách vô ích những điềm báo từng đưa tuổi trẻ của ngài theo những con đường nguy hiểm tới sa mạc bi thảm của vinh quang. Ngài như mất phương hướng, chơi vơi trong ngôi nhà xa lạ mà ở đấy không còn ai và chẳng có cái gì còn gợi cho ngài chút tình cảm thân thương nào. Một lần nữa ngài mở cửa căn buồng của Menkyađêt để tìm kiếm dấu vết cuộc chiến tranh đã qua, nhưng chỉ thấy những đống đổ nát, rác rưởi và những đồ vứt đi chất đống lại đấy sau bao năm không ai nhòm ngó tới. Trên bìa những quyển sách gáy da chẳng còn ai giở tới nay đã ẩm mốc và lên rêu xanh, trên khoảng không vốn là nơi sáng sủa và trong lành nhất nhà cứ bập bềnh cái mùi không thể chịu được của những kỷ mềm đã thồi rữa. Một buổi sáng nọ ngài thấy Ucsula ngồi khóc dưới gốc cây dẻ, dưới chân người chồng đã chết. Ngài đại tá Aurêlianô Buênđya là người duy nhất trong nhà, không tiếp tục nhìn thấy cụ bà cường tráng tàn tạ đi trong nửa thế kỷ sương gió. "Hãy chào cha đi" - Ucsula nói với ngài. Ngài dừng lại chốc lát trước cây dẻ và một lần nữa nghiệm thảy rằng khoảng trống kia cũng không gây ấn tượng gì đối với ngài cả.
- Mẹ bảo gì? - ngài hỏi.
- Trông ông ấy rất buồn, - Ucsula trả lời, - chắc ông ấy nghĩ rằng con sẽ chết.
- Hãy nói với cha rằng, - ngài đại tá mỉm cười nói, - người ta không chết khi phải chết, mà sẽ chết khi nào có thể chết.
Lời tiên đoán của người cha đã khuất khơi dậy chút ngạo nghễ cuối cùng còn lại trong tim, nhưng ngài lại tưởng nhầm đây là một cuồng sức mạnh đột ngột. Vì vậy mà ngài cứ gạn hỏi Ucsula xem những đồng tiền vàng tìm thấy trong bức tượng thánh Hôsê bằng thạch cao đã được chôn ở chỗ nào trong sân. "Không bao giờ con biết được", - cụ nói chắc như đinh đóng cột, và thêm: "Một ngày kia chủ nhân của chỗ của cải ấy hẳn sẽ xuất hiện, và chỉ có người ấy mới đào bới lên được". Không ai hiểu vì sao một người luôn luôn hào hiệp đến thế mà lại tỏ ra khao khát tiền bạc nhường ấy, và không chỉ là số tiền đủ để có thể giải quyết một việc khẩn cấp, mà là một số của cải khổng lồ đến nỗi Aurêlianô Sêgunđô chỉ nghe nói đã phát khiếp lên. Những người cùng cánh mà ngài tìm đến nhờ giúp đỡ đều trốn biệt không tiếp. Chính vào lúc ấy người ta nghe ngài nói: "Ðiểm khác nhau duy nhất hiện nay giữa phái Tự do và phái Bảo hoàng là ở chỗ những người Tự do đi lễ nhà thờ vào lúc năm giở và những người Bảo hoàng thì đi vào lúc tám giờ". Tuy nhiên, ngài cứ một mực thiết tha, cầu khẩn, vứt bỏ tất cả mọi nguyên tắc danh dự mà ngài vốn tuân thủ, chạy vạy chỗ này một ít chỗ kia một ít với một sự kiên nhẫn thầm lặng, chỉ trong vòng tám tháng ngài đã hùn được một món tiền lớn hơn eả số tiền Ucsula đã chôn giấu. Lúc bấy giờ ngài đến thăm đại tá Hêrinênđô Mackêt nhờ giúp đỡ để mở cuộc chiến tranh tổng lực.
Ðã có một thời đại tá Hêrinênđô Mackêt đúng là người duy nhất có thể giật dây các cuộc bạo động mặc dù vẫn nằm trên chiếc ghế xích đu của người bại liệt. Sau Hiệp định ảnh chiến Neclanđia, trong khi đại tá Aurêlianô Buênđya lẩn tránh ở xưởng kim hoàn sản xuất những con cá vàng thì Hêrinênđô Mackêt tiếp xúc với đám sĩ quan khởi nghĩa trung thành với ngài cho tới thất bại. Cùng với họ ngài tiến hành cuộc chiến tranh của sự nhục nhã hàng ngày, của sự cầu khẩn và van xin, lào là xin trở lại vào ngày mai", nào là "cũng sắp sửa", rồi lại "chúng tôi đang chú ý xem xét trường hợp của ngài"; một cuộc chiến tranh thua thiệt vô phương cứu chữa chống những kẻ phục vụ tận tuy và chắc chắn đáng phải được nhưng lại không bao giờ được hưởng khoản trợ cấp suốt đời. Cuộc chiến tranh khác cuộc chiến tranh đẫm máu hai mươi năm, không gây nhiều thiệt hại như cuộc chiến tranh gậm nhấm của sự áp đặt vĩnh viễn. Chính đại tá Hêrinênđô Mackêt từng thoát khỏi ba vụ mưu sát, sống sót với năm vết thương và bình yên vô sự qua biết bao trận khác, đã chết ngợp trong sự vây hãm tàn bạo của hy vọng và nếm mùi thất bại nhục nhã của tuổi già, trong khi nghĩ tới Amaranta giữa những chiếc đèn hình thoi trong căn nhà ở nhờ. Những cựu chiến binh, mà người ta còn biết tin, dã xuất hiện trên một tờ báo qua những tấm ảnh, mặt câng câng, cùng chụp chung với ngài Tổng thống vô danh của nước Cộng hoà, người đã tặng bọn họ những chiếc cúc có in ảnh ngài để dùng đơm ở cổ áo, và trả cho họ một lá cờ bẩn thỉu, vấy máu và ám khói thuốc súng để phủ lên những chiếc quan tài của chính họ. Còn những người khác, những người biết tự trọng hơn, vẫn chờ đợi một bức thư trước cảnh tranh tối tranh sáng của lòng thương thiên hạ, chết dần chết mòn vì đói khát, sống dở chết dở vì điên dại, thối rữa tàn lụi đi vì già cỗi giữa cái đống cứt đái thơm tho của sự vinh quang. Vì vậy mà khi đại tá Aurêlianô Buênđya mời tham gia vào việc tổ chức một cuộc chiến tranh một mất một còn nhằm kết liễu mọi vết tích của một chế độ tham nhũng và bê bối do xâm lược nước ngoài dựng lên, ngài đại tá Hêrinênđô Mackêt không thể kìm lại được sự xúc động vì thương hại:
- Trời ơi, Aurêlianô, - ngài thở dài. - Tôi biết là ông bạn già rồi, nhưng đến giờ tôi mới nhận thấy ông đã già hơn rất nhiều so với chính hình hài già nua của ông đấy…

Chú thích:
(1) Dân Bắc Mỹ, cách gọi miệt thị.
(2) Tức con trai đầu lòng của Aurêlianô Sêgunđô với Phecnanđa.
Trăm năm cô đơn
Lời giới thiệu
Cốt truyện và đề tài
Nhân vật và thông điệp
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương Kết