watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trăm năm cô đơn-Cốt truyện và đề tài - tác giả Gabriel Garcia Márquez Gabriel Garcia Márquez

Gabriel Garcia Márquez

Cốt truyện và đề tài

Tác giả: Gabriel Garcia Márquez

Trăm năm cô đơn là câu chuyện về dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ, người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng đang bị kiến ăn, một dòng họ tự lưu đày vào cõi cô đơn để chạy trốn tội loạn luân.

Cái tội loạn luân này khởi sự từ việc tên cướp biển Phranxit Đrăc tấn công Riôacha khiến các cụ tổ của Ucsula Igoaran phải chuyển đến lập nghiệp ở một làng hẻo lánh. Tại đây các cụ tổ của Hôsê Accađiô Buênđya đã lập nghiệp bằng nghề trồng thuốc lá. Qua ba thế kỷ, hai dòng họ này đã có quan hệ thâm giao, cháu chắt họ lấy lẫn nhau dẫn tới thảm hoạ đẻ ra một người đàn ông có đuôi lợn. Chính cái gương tày liếp này đã khiến cha mẹ Hôsê Accađiô Buênđya và Ucsula Igoaran tìm mọi cách ngăn cản nhưng họ vẫn cứ lấy nhau. Khi đã là vợ chồng rồi và dẫu Hôsê Accađiô Buênđya tuyên bố "dù có đẻ ra kỳ đà anh cũng cóc cần". Ucsula Igoaran vẫn sợ đẻ ra đứa con có đuôi lợn, nên khi đi ngủ bao giờ cô cũng mặc chiếc quần trinh tiết do mẹ may cho. Sự việc kéo dài hơn một năm khiến dân làng ngạc nhiên và đồn rằng anh chồng là kẻ bất lực.
Một hôm, bị thua Hôsê Accađiô Buênđya trong một cuộc chọi gà, Pruđênxiô Aghila không kìm được lòng đã lỡm bạn: "Tao mừng cho mày và để xem cái con gà này có làm phúc cho vợ mày không". Vì lời nói lỡm ấy anh ta phải trả cả tính mạng.
Nhưng không vì thế, người chiến thắng được sống thanh thản, trái lại lúc nào cũng bị lương tâm dằn vặt đến mức phải bỏ làng tìm đền một miền đất không được hứa trước để lập ra làng Macônđô, để tự lưu đày trong cõi cô đơn trăm năm. Rồi trong cõi cô đơn ấy, những Hôsê Accađiô và những Aurêlianô, những Rêmêđiôt và những Amaranta đã ra đời, sống cuộc đời với số phận bi đát dường như đã được định trước: lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, thấp thỏm lo phạm tội loạn luân.
Nhưng lo cũng chẳng được. Lúc còn đang thời sinh nở, sau mỗi lần đẻ Ucsula Igoaran đều cặn kẽ xem con mình có mang bộ phận nào của con vật không. Về già, cụ luôn luôn nhắc nhở đám cháu con hãy mở to mắt để nhận mặt họ hàng, đừng chung đụng xác thịt mà sinh con có đuôi lợn. Nhưng cụ không thể sống đến hết chuyện để khuyên giải Amaranta Ucsula và Aurêlianô Babilônia. Vì không biết rõ gốc gác, không nắm được quan hệ ruột thịt, Amaranta Ucsula và Aurêlianô Babilônia đã yêu nhau mãnh liệt, ăn nằm với nhau và lấy nhau với hy vọng tình yêu sẽ cải tạo nòi giống mình. Nhưng họ đã đẻ ra đứa con quái thai có đuôi lợn và con vật huyền thoại này đã kết liễu dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ. Rõ ràng trong thế giới cô đơn và hoài nhớ ấy, những người trong dòng họ Buênđya đã phạm tội loạn luân dù cho họ cô ý chạy trốn tội loạn luân. Như vậy chúng ta thấy trong Trăm năm cô đơn , loạn luân là một đề tài đã mở và đóng lại một thiên truyện.
Nhưng sự ra đời và tồn tại của dòng họ Buênđya lại gắn rất chặt với số phận của làng Macônđô.

Lúc đầu Macônđô là một làng quê hiền hoà. Tại đây chưa một ai đã ngoài ba mươi tuổi. Macônđô chưa có nghĩa địa, dân trí Macônđô chưa được khai sáng. Ðứng đầu làng là Hôsê Accađiô Buênđya, một tộc trưởng. Ông chăn dắt dân Macônđô theo lề thói của công xã nông thôn. Dân Macônđô sống hiền lành, không phạm tội giết người nên không cần có quan cai trị (phần đời) và cha cố (phần hồn). Mặc dù sống biệt lập với thế giới bên ngoài, dân Macônđô đã biết làm cho làng mình trở thành một làng quê trù mật và yên vui.
Người Digan, theo tiếng chim hót và tiếng nhạc đồng hồ, đã tìm được đường đến với Macônđô. Họ mang tới đây biết bao thứ mới lạ mà dân Macônđô chưa hề biết tới. Họ mang tới làng nghề thủ công và nghề buôn bán. Họ lập ra phố Thổ Nhĩ Kỳ.

Macônđô từ một làng quê trở thành một thị trấn. Chính phủ trung ương phái tới làng một Quan thanh tra. Ðó là ông Apôlina Môscôtê. Sự có mặt của Quan thanh tra đã làm cho cuộc sống vốn thanh bình của Macônđô bỗng trở nên bị xáo trộn. Cuộc nội chiến triền miên và khốc liệt giữa hai phái Bảo hoàng và Tự do đã nhiều phen tàn phá Macônđô, làm cho dân chúng phải nhiều phen điêu đứng. Tương ứng với thời kỳ này của Macônđô là sự trưởng thành của thế hệ thứ hai dòng họ Buênđya mà người tiêu biểu là đại tá Aurêlianô Buênđya.


Ngài đã phát động ba mươi hai cuộc chiến và ngài phải chịu thất bại hoàn toàn, buộc phải kí hiệp định đình chiến Neclanđia mà thực chất của bản hiệp định này là sự đầu hàng của lực lượng Tự do trước lực lượng Bảo hoàng.
Nhờ có đường xe lửa, Macônđô thực sự giao lưu với thế giới bên ngoài. Phim ảnh, máy phát điện, máy hát, gái điếm, khách du lịch đã tràn ngập Macônđô. Công ty chuối (thực chất là Công ty hoa quả Mỹ) cũng đến đây và lập đồn điền chuối. Dân tứ xứ đổ về Macônđô. Cuộc sống Macônđô sầm uất lên. Giai đoạn này của Macônđô tương ứng với thế hệ thứ tư dòng họ Buênđya mà người tiêu biểu là hai anh em sinh đôi: Aurêlianô Sêgunđô và Hôsê Accađiô Sêgunđô. Aurêlianô Sêgunđô to khoẻ đầy sinh lực, sôi nổi sống hết mình trong cõi đời thế tục. Ngược lại Hôsê Accađiô Sêgunđô vóc người mảnh khảnh nhưng rất thông minh, đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân chuối đòi cải thiện sinh hoạt và tăng lương. Người Mỹ, ở đây là ngài Trao, rất xảo quyệt và tráo trơ tìm mọi cách thoái thác những yêu cầu chính đáng của công nhân. Khi cuộc đấu tranh lên đến cao trào, người Mỹ đã thẳng tay tắm máu công nhân bằng một vụ thảm sát tất cả những ai có mặt ở sân ga và sau đó dùng đoàn tàu dài hơn hai trăm toa chở xác chết ném xuống biển như Công ty chuối vẫn đổ chuối thối.

Công ty chuối rút khỏi Macônđô. Bằng phép màu, Công ty chuối đã dìm chết Macônđô trong một trận mưa lụt kéo dài bốn năm mười một tháng hai ngày và sau đó lại rang khô nó trong nạn hạn hán kéo dài mười một năm. Macônđô tiêu điều xơ xác. Cỏ dại, sâu bọ sinh sôi nảy nở nhanh chóng và hung hãn tiến công con người ngày một quyết liệt hơn để đến một ngày kia một trận cuồng phong nổi lên xoá Macônđô khỏi mặt đất này.


KẾT CẤU VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
Khi đọc đến Aurêlianô Babilônia giải được mã của Menkyađêt viết trên những tấm da thuộc, chúng ta nhận thấy Trăm năm cô đơn là chuyện về dòng họ Buênđya được viết tỉ mỉ đến từng chi tiết theo phương thức thời gian đồng hiện với một kết cấu phức tạp và chặt chẽ. Viết được như vậy chính là vì Gacxia Mackêt đã khởi công viết cuộn sách này từ năm 1950. Khi ấy, ông mới mười bảy tuổi làm một nhà báo tập sự, từng có một ít truyện ngắn đăng trên các báo chí địa phương. Sống trên gác xép một toà nhà bốn tầng, nhiều bữa phải ăn cơm của các cô gái điếm nghèo cùng trọ trong ngôi nhà ấy, Gacxia Mackêt viết cuốn tiểu thuyết nhan đề Ngôi nhà (La Casa) bao gồm những chuyện về ngôi nhà có ma, ngôi nhà của chính ông bà ngoại mình. Ðây là câu chuyện ông biết được qua miệng người bà ngoại có biệt tài kể chuyện. Và đây cũng là cuộc nội chiến giữa phái Bảo hoàng và phái Tự do qua miệng người ông ngoại, một cựu chiến binh của phái Tự do. Những chuyện này gắn bó với tuổi ấu thơ của nhà văn. ông phải bỏ dở cuốn sách, có lẽ vì ông còn quá trẻ.
Sau đó chúng ta thấy ông lần lượt cho ra mắt bạn đọc những tác phẩm như. Ðôi mắt chó xanh (tập truyện, 1955), Lá rụng (tiểu thuyết, 1955), Ngài đại tá chờ thư (truyện, 1957), Giờ xấu (tiểu thuyết, 1962) và Ðám tang của bà Mẹ vĩ đại (tập truyện, 1962). Chúng ta thấy những nhân vật này có mặt nhiều lần trong các tác phẩm trên và chúng có liên quan với nhau vì chúng đều ở làng Macônđô hoặc có dịp qua lại làng Macônđô.

Hơn thế nữa, chúng ta thấy nhiều nhân vật đó lại có mặt trong Trăm năm cô đơn . Như vậy, ta có thể nói rằng qua các trang này, Gacxia Mackêt đã rèn luyện, thử thách ngòi bút mình, đã tìm ra được cái giọng điệu độc đáo của mình trước khi bước vào viết cuốn sách ông từng ấp ủ nhiều năm, đó là Trăm năm cô đơn . Ông thuộc lòng câu chuyện đến mức có thể kể ngược rồi kể xuôi cho các bạn mình nghe. Vào một ngày tốt lành năm 1965, ông bảo Mecxeđet Baccha, vợ ông, rằng: "Từ nay em lo chuyện nhà cửa để anh chuyên viết sách". Ông dành mười tám tháng, ngày nào cũng như ngày nào, sáng bắt đầu từ tám giờ, chiều kết thúc vào lúc ba giờ, cặm cụi viết. Khi viết được hai trăm trang, ông đọc tiểu thuyết Thế kỷ ánh sáng của nhà văn Alêhô Cacpentiê. Vì nhận thấy lời văn cuốn sách mình đang viết na ná giống lời văn của Thế kỷ ánh sáng , ông xé bỏ bản thảo, bắt đầu viết lại từ đầu. Cuốn sách được phát hành, đã gây dư luận sôi nổi trên văn đàn Mỹ Latinh. Thành công ấy hoàn toàn không bất ngờ đối với Gacxia Mackêt vì khi rời ghế nhà trường ông mang hai niềm tin lớn: chủ nghĩa xã hội và những cuốn tiểu thuyết hay, vì trách nhiệm của người cầm bút là phải viết cho thật hay. Trăm năm cô đơn là một trong những cuốn tiểu thuyết ông mơ ước và đã phấn đấu để có được.

Khi đọc xong Trăm năm cô đơn chúng ta thấy ở cuốn sách này có hai văn bản. Văn bản một là cái văn bản chúng ta đọc hết dòng này sang dòng khác chạy suốt từ đầu đến cuối sách. Văn bản hai là văn bản được Menkyađêt viết trên những tấm da thuộc. Văn bản hai làm nền cho văn bản một. Tương ứng với hai văn bản trên có hai người kể chuyện. Một là người kể chuyện ở văn bản một, chúng tôi gọi là người kể chuyện thứ nhất, và người kia là Menkyađêt kể chuyện ở văn bản hai, chúng tôi gọi là người kể chuyện thứ hai. Sau khi đã thuộc lòng câu chuyện về dòng họ Buênđya do người kể chuyện thứ hai ghi trên những tấm da thuộc, người kể chuyện thứ nhất, với tư cách nhà thông thái, người hiểu biết tất cả, theo sở thích của mình kể lại cho chúng ta nghe chính những câu chuyện ấy.
Rồi trong khi kể cho chúng ta nghe, người kể chuyện thứ nhất đã vận dụng kết cấu sự kiện để làm nổi bật tính cách một nhân vật hoặc bản chất một sự kiện bằng cách hội tụ các sự kiện, các tình tiết theo thứ tự biên niên sử.
Tương ứng với hai người kể chuyện, trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn có hai thời gian sau đây:

a) Thời gian của người kể chuyện thứ nhất tương ứng với văn bản một, bắt đầu với việc giới thiệu một nhân vật, rồi đến thế kỷ, sau đó lại tiếp nối cùng với việc kể tiếp về nhân vật ấy.
Thời gian của người kể chuyện thứ nhất dường như lấp kín mọi khoảng không gian trong đó nhân vật tồn tại và nó cho ta cảm quan về toàn bộ cuộc đời nhân vật ấy. Ví dụ: kể về cuộc đời đại tá Aurêlianô Buênđya, cuốn sách mở đầu: "Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aurêlianô Buênđya đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá ". Trong sách cái thời điểm Aurêlianô Buênđya sắp bị hành quyết nằm ở chương thử bảy. Sự kiện cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá lại được kể ngay từ chương thứ nhất. Như vậy là trong suốt bảy chương đầu cuốn sách, tác giả nói về cuộc đời niên thiếu, trưởng thành cho đến khi đi trận của đại tá Aurêlianô. Tiếp đó thời gian của người kể chuyện thứ nhất mới vận động tiếp để kể cho chúng ta biết về những hành động, những thất bại chua cay sau này của đại tá Aurêlianô. Cuộc đời các nhân vật khác như Aurêlianô Sêgunđô và Aurêlianô Babilônia cũng được trình bày tương tự. Như vậy, thời gian của người kể chuyện thứ nhất là thời gian tâm lý gắn với quá trình nhớ lại, quá trình hồi tưởng.
b) Thời gian của người kể chuyện thứ hai gắn với văn bản hai. Thời gian này là thời gian dòng họ Buênđya ra đời, thịnh đạt và tuyệt diệt. Nhưng vì dòng họ này là một dòng họ đã được khẳng định, không phát triển tới một tương lai nào nên thời gian của người kể chuyện thứ hai chuyển động vòng tròn.
Thời gian của người kể chuyện thứ hai là thời gian cốt truyện mang tính biên niên sử, nó là thời gian thực tại, tồn tại độc lập với ý thức của người kể chuyện thứ nhất.

Trong Trăm năm cô đơn chúng ta thấy hai loại thời gian này đan bện lấy nhau, hoà quyện vào nhau, trong đó thời gian của người kể chuyện thứ hai, thời gian thực tại, giữ vai trò then chốt, tạo thành thời gian nghệ thuật của tác phẩm, phản ánh được đặc trưng trì động, chậm phát triển cua Mỹ Latinh: "Xét về mặt hình thức mà nói thời gian của sự chậm phát triển thường vận động theo chu kỳ khép kín và về mặt kỹ thuật mà nói nó thường bị chia vụn thành các khoảnh khắc. Nó có tính chất vận động theo chu kỳ khép kín, là vì cái quá trình lịch sử không bao giờ được kết thúc. Khởi nghĩa không bao giờ có tác động đẩy sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc đi tới nền độc lập thật sự Ðất nước không bao giờ đi tới độc lập thực sự. Cá nhân không bao giờ đi tới sự tự ý thức hoàn toàn. Tất cả đều thay đổi đều chuyển hoá nhưng tất cả đều giẫm chân tại chỗ"(1).

Thời gian đa chiều, thời gian nghệ thuật của Trăm năm cô đơn là một thành tựu của Gacxia Macket. Nhưng thời gian nghệ thuật của tác phẩm chỉ đạt hiệu quả nghệ thuật cao khi Gacxia Macket tạo ra được một Macônđô, sản phẩm tuyệt vời của hư cấu nghệ thuật. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra Atacarata là nguyên mẫu của Macônđô vì trong tác phẩm, nhất là phần cuối, chúng ta có thể nhận ra những người thật việc thật của Atacarata, quê hương của tác giả. Ví dụ theo Hecman Vacgat, nhà phê bình văn học Côlômbia, bạn thân của Gacxia Macket, thì cụ già bán sách cổ người Catalunha chính là cụ Ramôn Viniêt. Bốn người bạn trẻ chơi thân với nhau chính là tác giả (vai Gabrien) và các bạn của ông như Anva chính là nhà văn Anvarô Xêpêda: Xamuđiô, Vacgat chính là nhà phê bình văn học Hecman Vacgat và Anphôrô chính là hoạ sĩ Anphônxô Phuênmađô. Dù có thế đi nữa Macônđô vẫn không phải là Atacarata mà ngược lại Macônđô là bất kì một thành phố nào của Côlômbia nói riêng, của Mỹ Latinh nói chung. Macônđô là một địa danh hư cấu đủ sức dung nạp mọi chuyện, từ chuyện có thực đến chuyện tưởng tượng - dù tưởng tượng theo nguyên tắc hư cấu nghệ thuật hay tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại. Nhờ vậy, thực tại đời sống ùa vào tác phẩm một cách phong phú, đa dạng, không chỉ cái có thực mà còn có cả cái không có thực theo những cấp độ sau đây:

1. Cái có thực vốn là những sự kiện lịch sử từng xảy ra ở Côlômbia và Mỹ Latinh được tác giả tái hiện chính xác tới từng chi tiết. Ðó là cuộc nội chiến triền miên và khốc liệt giữa phái Bảo hoàng và phái Tự do. Sĩ quan hai phái ban ngày đánh nhau kịch liệt, ban đêm làm bạn cờ bạc. Trong Trăm năm cô đơn , điều đó được phản ảnh trong quan hệ bạn bè giữa đại tá Aurêlianô và tướng Raken Môncađa.

2. Cái có thực vốn là cái lạc hậu, cổ hủ của Mỹ Latinh được tác giả tái hiện trong tác phẩm theo phương pháp phúng dụ. Chính nhờ thế, giọng điệu hài hước đã nổi đậm trong Trăm năm cô đơn . Ví dụ: đá nam châm, kính lúp, thước đo góc, la bàn, nước đá (ở phần đầu), máy hát, máy nổ, phim ảnh, xe lửa (ở phần cuối). Ðó là những công cụ từng được sáng chế và sử dụng phổ biến trên thế giới nhưng vẫn là những thứ tân kì đối với dân chúng Macônđô.

3. Cái có thực mang tính chất kì diệu được tác giả đưa vào tác phẩm. Ðó là khả năng ngoại cảm tuyệt vời của đại tá Aurêlianô Buênđya. Ðó là sự đồng cảm tuyệt đối giữa hai chú bé sinh đôi khi người này uống nước chanh thì người kia, mặc dù không uống, vẫn cứ nói đúng trăm phần trăm là nước chanh không pha đường..

4. Cái có thực được nhà văn tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại hoá đẩy nó tới mức phi thường hoặc quái dị. Ðó là trường hợp Rêmêđiôt - Người đẹp là một cô hầu người Anhđiêng. Cô ta vốn không đẹp. Cô ta vô cớ bỏ nhà chủ và chủ nhà không hay biết cô ta bỏ đi lúc nào và đi đâu. Trong Trăm năm cô đơn , cái cô người ở ấy đã trở thành người trong gia đình, người đẹp và cô ta đã bay lên trời vì cô ta là hiện thực là cái đẹp không thuộc cõi thế tục này. Ngược lại với trường hợp cô gái là vụ thảm sát hơn ba ngàn người là chuyện có thực từng xảy ra ở Côlômbia vào cuối những năm hai mươi thế kỉ này, nhưng đã được Gacxia Mackêt huyền thoại hoá theo hướng quái dị để bộc lộ bản chất xấu xa, đê tiện, tàn nhẫn của tư bản Mỹ.
5. Cái không có thực do nhà văn căn cứ vào cảm quan cửa mình trước thực tại xã hội mà tưởng tượng ra rồi đưa vào tác phẩm theo nguyên tắc huyền thoại hoá. Mưa hoa trong đám tang của Hôsê Accađiô Buênđya là cảm quan xót thương của tác giả trước một con người đầy nghị lực, đầy thông minh, luôn đam mê hiểu biết. Trận mưa lụt là cảm quan của tác giả trước thực tại trì động đã đến ngày tận thế của xã hội Mỹ Latinh. Cái đuôi con lợn của thằng bé cuối cùng trong dòng họ Buênđya là cảm quan của tác giả về loại người chưa thành người hoặc đã bị hạ cấp dưới mức người.
Trăm năm cô đơn
Lời giới thiệu
Cốt truyện và đề tài
Nhân vật và thông điệp
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương Kết