Chương 1d
Tác giả: George Orwell
Với tiếng thở dài vô thức não nuột mà anh không dằn nổi mỗi khi bắt tay vào công việc hàng ngày mặc dầu máy truyền hình ở kế cận, Winston kéo máy ghi âm về phía anh, thổi bụi khỏi miệng ống nói và đeo kính vào mắt. Rồi anh giở và đính liền bốn cuộn giấy nhỏ tuột sẵn từ ống hơi trên mé phải bàn anh.
Trên tường ô phận của anh có ba lỗ hổng. Bên phải máy ghi âm là một ống hơi nhỏ dành cho bản tin viết, bên trái là một ống hơi lớn hơn dùng cho báo chí; trên tường ngang, vừa tầm tay của Winston, có một khe hở rộng hình thuẫn được che bởi một lưới sắt. Đấy là lỗ hổng đón nhận giấy rác. Có hàng ngàn hàng vạn khe hở tương tự trong khắp dinh thự, không những tại mỗi phòng mà tại nhiều chặng ngắn ở mỗi hành lang. Vì một lý do nào đó các khe ấy được mệnh danh là lỗ ký ức. Khi biết một tài liệu nào phải bị tiêu hủy, hay nữa khi thấy một mẩu giấy lê quanh, ai cũng có hành động máy móc nhấc nắp lỗ ký ức gần nhất để vứt giấy vào trong đó, từ đó giấy sẽ bị một luồng hơi ấm cuốn đến những hỏa lò to lớn xây giấu đâu đó trong lòng dinh thự.
Winston xem bốn tấm giấy đã được anh tháo cuộn. Mỗi tấm chứa đựng một hai dòng tin viết theo một biệt ngữ vắn tắt — không hẳn là Ngôn Mới nhưng gồm nhiều từ Ngôn Mới — được dùng trong Bộ trong việc nội bộ.
thời 17.3.84 diễn văn b thuật xấu phi châu sửa
thời 19.12.83 dự đoán 3 n quý 4 83 in lầm kiểm số mới
thời 14.2.84 bộ sung ghi xấu xúc cô la sửa
thời 3.12.83 thuật nghị trình b không tốt hơn bội chiếu không người viết lại đủ trình trên dưới xếp
Winston hơi hài lòng khi bỏ ra một bên bản tin thứ tư. Chuyện này phức tạp và hàm trách, nên xét sau cùng. Ba bản kia là chuyện thường tuy bản thứ hai thế nào cũng bắt phải tham khảo hàng loạt bảng số tẻ nhạt.
Winston đánh chữ "số cũ" trên máy truyền hình và đòi những số Thời Báo liên can, chỉ vài phút sau báo tuột ra khỏi ống hơi. Những bản tin anh nhận được liên quan đến những bài báo và tin tức vì lẽ này nọ được coi là cần được biến đổi, hay được tu chỉnh để nói theo văn chính thức. Ví dụ, Thới Báo ngày mười bảy tháng ba đăng rằng hôm trước Bác đọc diễn văn tiên đoán mặt trận Nam Ấn Độ sẽ tiếp tục yên tĩnh nhưng sẽ có một cuộc tấn công của Âu Á vào Bắc Phi Châu. Sự xảy ra thì Tổng Tư Lệnh Âu Á đánh vào Nam Ấn Độ mà bỏ mặc Bắc Phi. Thành thử cần phải viết lại một đoạn diễn văn của Bác làm sao cho Bác tiên đoán đúng việc đã thực sự xảy ra. Lại nữa, Thời Báo ngày mười chín tháng chạp có đăng dự đoán chính thức về năng suất các loại thực phẩm trong quý thứ tư năm 1983 tức quý thứ sáu của kế hoạch ba năm thứ chín. Số báo ngày hôm nay cho biết năng suất thật sự, chiếu theo đó thì dự đoán trên nhất nhất nhầm to. Việc của Winston là sửa lại những con số nguyên thủy làm cho nó ăn khớp với các con số sau này. Về phần bản tin thứ ba, nó đề cập đến một sai lầm nhỏ chỉ hai phút là sửa xong. Mới tháng hai gần đây, Bộ Sung Túc tuyên hứa (danh từ chính thức là "nhất quyết cam kết") sẽ không giảm bớt khẩu phần xúc cô la trong năm 1984. Trên thực tế, như Winston biết, khẩu phần xúc cô la đã bị giảm từ 30 gam xuống 20 gam cuối tuần này. Chỉ cần thay thế lời hứa trên bằng lời bố cáo có thể cần giảm bớt khẩu phần vào khoảng tháng tư.
Mỗi lần giải quyết xong một vấn đề trong bản tin, Winston đính bản sửa viết máy vào số báo liên can và ấn cả hai vào ống hơi. Rồi bằng một cử động gần như vô thức, anh vo viên thông điệp cùng các chú thích của anh và ném cả vào lỗ ký ức cho lửa thiêu.
Những gì xảy ra dọc đường ngoắt nghéo không ai thấy được của ống hơi, anh không rõ chi tiết nhưng anh biết đại khái. Các phần sửa chữa cần thiết cho mỗi số Thời Báo được tập họp và đối chiếu, xong xuôi số báo được in lại ngay, nguyên bản bị hủy và tu bản được xếp thay trong tủ. Quá trình biến sửa liên miên này được áp dụng không những cho báo chí mà cho cả sách, tập san, văn châm biếm, bích chương, tờ quảng cáo, phim, băng nhựa, tranh khôi hài, hình ảnh — cho mọi loại văn hay tài liệu có thể được coi là có một ý nghĩa chính trị hay học thuyết. Ngày ngày và gần như phút phút quá khứ được cập nhật hóa. Như vậy dự đoán nào của Đảng cũng có tài liệu hiển nhiên chứng minh là đúng, và không một mẩu tin hay một quan điểm nào đối lập với nhu cầu đương thời được duy trì trong văn khố. Toàn thể lịch sử là một tấm da cừu được nạo sạch và biên chép lại bao lần cũng đuợc mỗi khi cần thiết. Việc đã thành, không có cách nào chứng minh sự hiện thực của ngụy tạo. Ban lớn nhất thuộc Cục Văn Khố, lớn hơn ban của Winston nhiều, gồm toàn người chỉ có phận sự lùng xét và tập họp các bản sách báo và tài liệu khác đã bị thay thế nên buộc phải tiêu hủy. Một số Thời Báo có thể, vì những thay đổi trong đường lối chính trị hay những tiên đoán sai lầm của Bác, được viết đi viết lại một tá lần, nhưng vẫn được xếp trên kệ dưới ngày tháng nguyên thủy, và không có bản nào khác được giữ để đem đối chứng với nó. Sách cũng vậy, bị thâu hồi, viết đi viết lại và in lại, nhưng không bao giờ ghi nhận một sự sửa đổi nào. Ngay các chỉ thị viết gửi đến Winston mà anh luôn luôn vứt đi sau khi hết dùng tới, cũng không bao giờ ra lệnh hay ám chỉ một hành động giả mạo nào: luôn luôn chỉ thấy nhắc tới lỗi sót, lỗi lầm, lỗi in, lỗi trích cần phải chỉnh lại cho chính xác.
Nhưng thật ra đó cũng chẳng phải là giả mạo, Winston vừa nghĩ vậy vừa sửa lại các con số của Bộ Sung Túc. Đó chỉ là lấy một điều vô nghĩa này thay thế một điều vô nghĩa khác. Phần đông các tài liệu do anh sử dụng không liên hệ gì đến thực tế, dù là loại liên hệ chứa đựng trong một lời nói dối thẳng. Những số thống kê trong nguyên cảo huyền hoặc chẳng kém số ghi trong tân cảo. Thường thường phải bịa đặt ra những số ấy. Ví dụ, Bộ Sung Túc ước tính sản lượng giầy ống quý này là 145 triệu đôi. Năng suất thực chỉ là 62 triệu. Tuy nhiên, khi viết lại dự đoán, Winston giảm con số xuống 57 triệu để còn nước cho Bộ tuyên bố như thường lệ rằng định số đã được vượt quá. Dù sao chăng nữa, con số 62 triệu chẳng sát thật gì hơn con số 57 hay 145 triệu. Rất có thể chẳng có đôi giầy ống nào được sản xuất. Đúng hơn nữa, chẳng ai biết có bao nhiêu đôi đã được sản xuất, mà cũng chẳng ai bận lòng tới. Chỉ biết rằng mỗi quý hàng số khổng lồ giầy ống được sản xuất trên giấy tờ trong khi phân nửa dân chúng Đại Dương đi chân không. Và cứ thế với mọi loại sự kiện lớn bé được ghi. Mọi sự tan loãng trong một thế giới mù mịt trong đó tận cùng đến ngay ngày tháng cũng thành bất định.
Winston liếc qua đại sảnh. Trong ô phận đối diện với anh, một gã đàn ông cằm đen, dáng bộ ngăn nắp tên là Tillotson đang làm việc hăng hái, với một tờ báo gấp trên đầu gối và miệng kề sát ống nói máy ghi âm. Anh ta có vẻ cố bảo vệ sự bí mật của những điều anh ta đang nói cho chỉ anh ta và máy truyền hình được biết đến mà thôi. Anh ta ngước mắt nhìn lên và cặp kính của anh ta tia ra một ánh mắt đầy ác cảm về phía Winston.
Winston không mấy quen Tillotson và không có một ý niệm gì về công việc của anh ta. Dân trong Cục Văn Khố không nói chuyện dễ dàng về công việc mình. Trong đại sảnh dài không cửa sổ với hai hàng ô phận không ngớt phát ra tiếng giấy sột soạt và tiếng lẩm bẩm trong máy ghi âm, có đến một tá người Winston không biết được tên mặc dầu ngày nào anh cũng thấy họ qua lại vội vàng trong hành lang hay khoa tay múa chân trong Hai Phút Hận Thù. Anh biết trong ô phận cạnh anh người đàn bà bé nhỏ tóc hung ngày ngày nhọc nhằn với mỗi việc tra xét và loại bỏ khỏi báo chí tên những người đã bị hóa hơi cho nên bị coi là không từng sống trên đời. Có một sự hợp tình trong đó vì chồng bà bị hóa hơi hai năm trước. Vài ô phận cách anh, một người hiền hòa, kín đáo, mơ màng, tên là Ampleforth, với hai tai đầy lông và biệt tài đùa với âm vận, lo việc biến đổi — gọi là soạn bản dứt khoát về — những bài thơ đâm xúc phạm chủ nghĩa nhưng vì lẽ này lẽ nọ vẫn cần được giữ trong hợp tuyển. Đại sảnh đây, với khoảng năm mươi nhân viên, chỉ là một tiểu ban, xem ra chỉ là một phần tử trong bộ máy phức tạp của Cục Văn Khố. Ngoài bên, trên dưới, có hàng đàn nhân viên tham gia vào vô số công việc không thể tưởng tượng được nổi. Nào là các xưởng in với các viên phó xuất bản, các chuyên viên ấn loát, và các ảnh viện trang bị tối tân dùng vào việc ngụy cải hình ảnh. Nào là ban chương trình truyền hình với các kỹ sư, các viên sản xuất, và các toán tài tử được chọn vì thuật mạo giọng giỏi. Nào là các đội sưu tập viên có phận sự soạn bảng kê các sách báo phải thâu hồi. Nào là các phòng lưu trữ rộng lớn chứa những tài liệu đã được tu chỉnh, và các hỏa lò ẩn giấu dùng để thiêu hủy các nguyên bản. Và đâu đó là những bộ óc lãnh đạo hoàn toàn nặc danh, đứng ra phối hợp sức cố gắng của toàn thể, và đặt ra đường lối chính trị bó buộc mẩu quá khứ này phải được duy trì, mẩu quá khứ kia phải bị ngụy tạo và mẩu quá khứ kĩa phải bị tẩy khỏi thế gian. Chung qui Cục Văn Khố chỉ là một chi nhánh của Bộ Sự Thật, mà phận sự cốt yếu không phải là tái thiết quá khứ, mà là cung cấp cho dân Đại Dương báo chí, phim ảnh, chương trình truyền hình, kịch bản, tiểu thuyểt — đủ loại tin tức, kiến thức, trò giải trì, từ bức tượng cho tới khẩu hiệu, từ bài thơ trữ tình cho đến tập khảo luận về sinh vật học, từ sách dạy đánh vần cho trẻ con tới từ điển Ngôn Mới. Và không những Bộ phải đáp ứng nhu cầu trùng phức của Đảng, Bộ còn phải tái diễn toàn dịch vụ đó theo một trình độ thấp hơn cho dân đen hưởng. Có cả một dãy cục riêng rẽ chuyên về văn chương, nhạc kịch và các mục giải trí bình dân thông thường. Nơi đây được sản xuất các tờ báo nhảm nhí nội dung gần như chỉ có thể thao, hình sự và tử vi, các truyện giật gân năm xu, các phim tình dục ướt át, và các bản tình ca được soạn một cách hoàn toàn máy móc nhờ một thứ kính vạn hoa đặc biệt gọi là máy làm thơ. Còn có cả một tiểu ban — theo Ngôn Mới gọi là Ban dâm — chuyên sản xuất loại sản phẩm khiêu dâm hạ cấp nhất, để gửi ra ngoài trong những gói được niêm phong, cấm các Đảng viên ngoài nhân viên công tác nhìn vào.
Ba bản tin nữa tuột từ ống hơi đương lúc Winston làm việc, nhưng những vấn đề liên quan thật đơn giản, Winston giải quyết xong xuôi cả trước khi Hai Phút Hận Thù ngắt việc anh. Khi Hận Thù chấm dứt anh trở về ô phận mình, với quyển từ điển trên kệ, đẩy máy ghi âm sang một bên, và bắt tay vào công việc chính của buổi sáng.
Cái thú lớn nhất trong đời Winston là công việc của anh. Phần đông là việc quen tay tẻ nhạt, nhưng cũng có việc khó khăn phức tạp đến nỗi anh có thể chìm mình trong đó như trong uyên ảo của một bài toán — đó là những việc giả mạo tinh tế không có gì hướng dẫn trừ sự thông hiểu nguyên lý Anh Xã và sự phỏng đoán ý muốn của Đảng. Winston rất giỏi việc này. Có lần anh được tín nhiệm giao cho việc sửa chữa những bài xã luận trong Thời Báo được viết hoàn toàn bằng Ngôn mới. Anh giở bản tin mà anh để riêng ra trước đây. Thông điệp như sau:
Thời 3.12.83 thuật nghị trình b không tốt hơn bội chiếu không người viết lại đủ trình trên trước xếp
Ngôn cũ (hay văn thường) có thể giải ra là:
Bài tường thuật nghị trình của Bác ghi trong Thời Báo ngày 3 tháng 12 năm 1983 rất bất hợp thức và nhắc tới những người không hiện hữu. Viết lại hết và trình lên cấp trên trước khi cất xếp.
Winston đọc kỹ bài báo can phạm. Nghị trình của Bác hình như chủ yếu là khen công tác của một cơ quan có danh hiệu là FFCC có nhiệm vụ cung cấp thuốc lá và các tiện khoái khác cho thủy thủ Pháo Đài Nổi. Đồng chí Withers nào đó, một đảng viên cao cấp thuộc Đảng Trong, đã được tuyên dương đặc biệt và thưởng huân chương Công Trạng Đặc Sắc hạng hai.
Ba tháng sau FFCC bỗng nhiên bị giải tán không thấy tuyên bố lý do. Có thể suy định rằng Withers và đồng bọn nay bị thất sủng, nhưng không có báo cáo về vụ này trên Báo hay máy truyền hình. Điều này kể cũng không lạ vì hiếm khi tội phạm chính trị bị xử hay lên án công khai. Các cuộc thanh trừ lớn lao bao gồm hàng ngàn người, với các phiên tòa công cộng xử quân phản bội và tội phạm tư tưởng phải chịu xưng tội một cách hèn hạ trước khi bị hành hình, là những màn kịch không được diễn quá hai năm một lần. Thông thường hơn, những người làm phật ý Đảng chỉ biến mất và không ai nghe nói tới họ nữa. Không hề có một bằng chứng nhỏ nào cho biết sự gì đã xảy ra cho họ. Cũng có vài khi họ không bị giết. Riêng Winston biết đến khoảng ba mươi người, không kể cha mẹ anh, đã mất tích trong trường hợp này nọ.
Winston khẽ gãi mũi với một cái kim gài giấy. Trong ô phận bên kia lối Đồng Chí Tillotson vẫn bí mật cắm cúi nói trong máy ghi âm. Một lát anh ta ngẩng đầu lên: lại nữa tia nhìn ác cảm qua cặp kính. Winston tự hỏi không hiểu Đồng Chí Tillotson có cùng một công tác như anh không. Rất có thể lắm. Một việc lắt léo như vậy không nên giao cho một người không thôi: mặt khác, đưa việc cho một ủy ban có nghĩa là công nhận thực hiện một hành vi gian trá. Chắc hẳn độ một tá người đang tranh đua với anh soạn lại bản tuyên cáo của Bác. Rồi một bộ óc quan thầy nào đó thuộc Đảng Trong sẽ chọn bản này hoặc bản kia, cho in nó lại và phát huy quá trình tất yếu phức tạp của sự kiểm điểm các bản dẫn, sau đó điều dối trá được chọn sẽ nhập vào văn khố thường trực và trở thành sự thật.
Winston không biết tại sao Withers bị thất sủng. Có thể vì tham nhũng hay bất tài. Có thể Bác chỉ muốn loại một thuộc viên quá được lòng dân. Có thể Withers hay một thân nhân của ông ta bị nghi ngờ là có xu hướng tà giáo. Hay có thể — có lẽ đúng nhất — sự việc xảy ra vì các cuộc thanh trừ và hóa hơi đóng một vai trò thiết yếu trong guồng máy thống trị. Chứng tích độc nhất nằm ở chữ "chiếu không người" chỉ rằng Withers đã chết. Chẳng thể vì thế mà suy luôn rằng những người bị bắt đều bị đem ra xử tử liền. Có khi họ được tha và phóng thích ra ngoài ở khoảng một hai năm trước khi bị hành hình. Năm chừng mười họa có người tưởng là đã chết từ lâu tái hiện như ma qủy trong một phiên tòa công cộng để buộc tội hàng trăm người khác với lời chứng của họ trước khi biến mất, và lần này biến luôn. Dù sao chăng nữa, Withers đã trở thành một không người. Ông ta không sống: ông ta không bao giờ sống. Winston quyết định rằng đổi ngược chiều hướng của bài diễn văn của Bác chưa đủ. Nên làm cho nó đề cập đến một chuyện hoàn toàn không dính dáng gì tới nguyên đề.
Anh có thể biến bài diễn văn thành một bản cáo trạng quân phản bội và tội phạm tư tưỏng, nhưng làm vậy hơi quá lộ liễu, còn bịa một cuộc chiến thắng ngoài mặt trận, hay một vụ sản xuất thăng bội thành công trong kế hoạch ba năm thứ chín, sẽ gây nhiều xáo trộn trong văn khố. Cần nhất đó phải là một chuyện hoàn toàn tưởng tượng. Bổng nhiên hiện ra trong óc anh, như đợi sẵn, hình ảnh một Đồng chí Ogilvy mới tử trận một cách anh dũng. Có nhiều lần Bác dành nghị trình cho việc truy niệm một đảng viên thấp kém được Bác coi đời sống và cái chết như một tấm gương đáng noi theo. Hôm nay Bác sẽ truy niệm Đồng Chí Ogilvy. Thật ra không có Đồng Chí Ogilvy nào như vậy, nhưng vài giòng in và hai tấm ảnh giả sẽ sớm đem anh nhập cuộc đời.
Winston nghĩ một lúc rồi kéo máy ghi âm về phía anh và bắt đầu đọc theo thể văn quen thuộc của Bác: một thể văn vừa độc đoán theo lối nhà binh, vừa lên mặt mô phạm, dễ bắt chước vì cái thói đặt câu hỏi rồi trả lời ngay ("Ta phải rút bài học gì từ sự kiện đó, hỡi các đồng chí ? Bài học — cũng là một nguyên lý Anh Xã — rằng v.v...").
Hồi ba tuổi Đồng Chí Ogilvy đã từ chối mọi đồ chơi trừ một cái trống, một khẩu liên thanh và một máy trực thăng thu nhỏ. Lên sáu tuổi — sớm hơn một năm nhờ một đặc miễn điều lệ — anh gia nhập Đoàn Gián Điệp, lên chín anh đã làm đội trưởng. Năm lên mười một anh tố cáo chú anh với Cảnh Sát Tư Tưởng sau khi nghe lỏm được một câu chuyện coi như có ý hướng tội lỗi. Năm mười bảy tuổi anh làm khu tổ chức viên cho Đoàn Thanh Niên Chống Dục Tính. Năm mười chín tuổi anh vẽ mẫu một trái lựu đạn tay được Bộ Hòa Bình chấp nhận, đem thử lần đầu giết chết một lúc ba mươi mốt tù binh Âu Á. Năm hai mươi ba tuổi anh bỏ mạng đương khi thi hành nhiệm vụ. Bị máy bay phản lực địch rượt đuổi đương lúc anh bay qua Ấn Độ Dương mang theo nhiều công hàm quan trọng, anh buộc súng máy vào người cho nặng và nhảy từ trực thăng xuống nước sâu với cả công hàm — một cái chết không thể không thèm thuồng và chiêm ngưỡng, theo lời Bác. Bác còn chua thêm vài lời về tính trong sạch ngay thẳng của đời Đồng Chí Ogilvy. Anh là một người không hề uống rượu, không hề hút thuốc, không có giải trí nào ngoài một giờ tập thể thao mỗi ngày, đã nguyện ở độc thân vì tin rằng lấy vợ và săn sóc gia đình tương khắc với sự tận tụy phục vụ hai mươi tư trên hai mươi tư tiếng. Anh không có đề tài nói chuyện nào ngoài nguyên lý Anh Xã, và không có mục đích nào trong đời ngoài sự thất bại của quân thù Âu Á và sự săn bắt phường gián điệp, phá hoại, tội phạm tư tưởng và phản loạn nói chung.
Winston tự thảo luận với mình xem có nên thưởng huân chương Công Trạng Đặc Biệt cho Đồng Chí Ogilvy không: cuối cùng anh bác ý định đó vì nó lôi theo một sự đối chiếu kiểm điểm không cần thiết.
Một lần nữa, anh liếc về phía địch thủ bên kia ô phận. Làm như có cái gì đảm bảo với anh rằng Tillotson bận bịu cùng một việc với anh. Không có cách nào biết được bản sửa của ai sẽ được chọn, nhưng trong thâm tâm anh tin nó sẽ là bản cuả anh. Mới một tiếng trước, ngay trong tưởng tượng cũng không có Đồng Chí Ogilvy, thế mà bây giờ anh ta đã thành người thật. Winston chợt thấy lạ là tạo người chết thì được mà tạo người sống lại không được. Đồng chí Ogilvy không bao giờ sống trong hiện tại nhưng giờ nay sống trong quá khứ, và một khi hành vi ngụy tạo bị quên lãng, anh ta sẽ sống một cách xác thực, chiếu theo bằng chứng hiển nhiên, chẳng khác gì Charlemagne hay Julius Caesar.