Chương 2i
Tác giả: George Orwell
Winston keo người vì mệt. Dùng chữ keo là đúng. Từ đó nảy tự nhiên trong óc anh. Thân hình anh tuồng như không những nhũn như keo mà còn trong suốt giống keo nũa. Anh có cảm tưởng nếu anh giơ tay lên cao anh sẽ nhìn được ánh sáng xuyên qua nó. Hồng và bạch huyết của anh đã rút hết khỏi người anh vì sự làm việc quá lạm, chỉ chừa lại một cấu trúc mảnh dẻ gồm thần kinh, xương và da. Các cảm giác của anh hình như bị phóng đại. Bộ áo liền quần của anh cưa vai anh, mặt đưòng lát cào chân anh, ngay cả sự khép hay mở tay ra cũng là một sự cố gắng làm các khớp xương tay kêu rắc.
Anh đã làm việc hơn chín mươi tiếng trong năm ngày. Ai ở trong Bộ cũng làm việc như vậy. Nay việc đã xong và anh hoàn toàn không có gì để làm, không có việc Đảng nào trước sáng mai. Anh có thể đến ở sáu tiếng nơi chỗ trú ẩn và về nhà nằm giường chín tiếng. Dưới nắng chiều dịu, anh bước chân chậm chạp trên một con phố tồi tàn về phía cửa tiệm ông Charrington, một mắt canh chừng các đội tuần tra, tuy tin một cách phi lý trong lòng rằng chiều nay không có nguy có kẻ phiền nhiễu anh. Chiếc cặp nặng mà anh đang xách dập vào đầu gối anh mỗi khi anh bước, truyền từ trên xuống dưới da cẳng anh một cảm giác ngứa ngáy. Trong cặp là Quyển sách anh giữ từ sáu ngày nay nhưng chưa mở ra, chưa cả nhìn nữa.
Vào ngày thứ sáu của Tuần Lễ Hận Thù, sau các đám rước, các bài diễn văn, sau các trò hô hào, hát xướng, biểu ngữ, bích chương, phim ảnh, hình sáp, lăn trống, tru kèn, dậm chân thình thịch, sau xích xe tăng kèn kẹt, đoàn máy bay ồ ồ, súng pháo ầm ĩ — sau sáu ngày như vậy, khi đại nhục khoái bập bùng tới điểm cực lạc và nỗi oán hận chung đối với Âu Á sôi điên cuồng đến độ nếu đám đông tóm được cả hai ngàn tên tội phạm chiến tranh Âu Á sẽ bị xử treo trước công chúng vào ngày cuối quá trình, thế nào họ cũng sẽ xé tan xác chúng — đúng lúc ấy có tin sau rót Đại Dương không đánh nhau với Âu Á. Đại Dương đánh nhau với Đông Á. Âu Á là đồng minh.
Dĩ nhiên, không có lời công nhận nào về một sự thay đổi đã xảy ra. Chỉ thấy, bỗng thình lình lập tức khắp nơi, có tin Đông Á chứ không phải là Âu Á là kẻ thù. Winston đang tham gia một cuộc biểu tình tại một quảng trường ở trung tâm Luân Đôn khi sự kiện diễn biến. Lúc đó vào đêm, các khuôn mặt trắng và cờ xí đỏ sáng nhợt dưới đèn. Quảng trường đông nghẹt hàng ngàn người, kể cả một khu gồm khoảng một nghìn học sinh trong y phục của Đoàn Gián Điệp. Trên một bục phủ vải đỏ, một diễn giả thuộc Đảng Trong, một người đàn ông nhỏ gầy có tay dài quá khổ và một cái đầu to trên đó lún phún vài mớ tóc rễ tre, đang hô hào dân chúng. Như một người nộm nhỏ bé queo lại vì căm hờn, hắn đưa một tay nắm chặt cổ máy ghi âm, trong khi tay kia, kếch xù cuối một cánh tay xương xẩu, cào hăm dọa không khí trên đầu hắn. Giọng hắn đanh kim qua máy phóng thanh, gầm ra một bảng kê khai bất tận kể lể những sự ác nghiệt, giết chóc, giam đày, cướp bóc, hiếp hãm, tra tấn tù binh, oanh tạc thường dân, tuyên truyền dối trá, tấn công vô cớ, vi phạm thỏa ước. Nghe hắn nói hầu như không thể không bị thuyết phục và điên tiết lên. Cứ chốc chốc sự cuồng nhiệt của đám đông lại sôi lên sùng sục và tiếng của diễn giả bị chìm dưới tiếng thú dại gầm hét không kềm nổi bật ra từ hàng ngàn cuống họng. Những tiếng hét man dại nhất thoát ra từ đám học sinh. Bài diễn văn kéo dài được chừng hai mươi phút thì có một người đưa tin chạy đến bục nhét một mẩu giấy vào tay diễn giả. Hắn mở giấy ra đọc nhưng không ngưng diễn thuyết. Không có gì thay đổi trong giọng nói hay điệu bộ hắn cũng như trong nội dung câu văn hắn, nhưng đột nhiên danh tính khác hẳn. Không có lời giải thích nhưng sự hiểu biết lan trong đám đông. Đại Dương đánh nhau với Đông Á ! Phút chốc có một cuộc chấn động lớn. Các cờ xí và bích chương trang hoàng quảng trường đều sai cả ! Gần nửa vẽ mặt sai. Có sự phá hoại ! Cán bộ của Goldstein ra tay đó ! Thể là có một gian khúc náo động để giật bích chương khỏi tường, để xé và giẫm nát cờ xí. Đoàn Gián Điệp trổ tài lạ trong việc trèo lên mái nhà cắt cờ đuôi nheo phất phơ trên ống khói. Nhưng nội hai ba phút cuộc náo động chấm dứt. Một tay nắm chặt cổ máy ghi âm, vai ấn mình về phía trước, tay rảnh cào không khí, diễn giả từ nẫy vẫn tiếp tục diễn thuyết. Phút sau, những tiếng gầm giận dữ hung bạo lại bật lên từ đám đông. Cơn Hận Thù tiếp tục y như trước ngoại trừ sự thay đổi đối tượng.
Điều làm Winston xúc động khi nghĩ lại là việc diễn giả nhảy từ đường lối này sang đường lối khác giữa câu, mà không ngập ngừng, không cả phạm cú pháp. Nhưng lúc đó anh có nhiều chuyện bận lòng hơn. Đương lúc lộn xộn khi bích chương bị xé giật, có một người đàn ông anh không rõ mặt đập tay vào vai anh và nói: "Xin lỗi, dường như ông đã đánh rơi chiếc cặp này." Không nói gì, anh lơ đãng cầm lấy cặp. Anh biết phải lâu ngày nữa anh mới có cơ hội nhìn vào trong đó. Khi cuộc biểu tình chấm dứt anh trở về Bộ Sự Thật mặc dầu lúc ấy đã gần hai mươi ba giờ. Toàn thể nhân viên trong Bộ đều làm vậy. Lệnh đã ra trên máy truyền hình gọi họ về nơi làm việc gần như không cần thiết.
Đại Dương đánh nhau với Đông Á: Đại Dương vẫn đánh nhau với Đông Á. Một phần lớn văn thư chính trị từ năm năm nay bây giờ đâm thành hoàn toàn hủ lậu. Các bản tường trình và tài liệu các loại, báo chí, sách vở, văn đả kích, phim, băng đĩa, hình ảnh, mọi thứ phải được cấp tốc sửa lại. Tuy không có chỉ thị, ai cũng biết rằng các trưởng Cục muốn nội một tuần không một chứng cứ nào về chiến tranh với Âu Á hay hiệp ước với Đông Á được tồn tại bất cứ đâu. Công việc nặng nhọc, nhất là vì thêm vào đó không được gọi đúng tên quá trình phải thực hiện. Ai ở trong Cục Văn Khố cũng làm việc mười tám trên hai mươi tư tiếng với hai đoạn giấc ba tiếng. Nệm được khiêng lên từ hầm trải khắp hành lang: cơm nước gồm bánh mì kẹp nhân và cà phê Chiến Thắng do nhân viên quán ăn đẩy xe mang tới. Mỗi lần ngưng tay vì tới phiên anh đi ngủ, Winston cố thu xếp cho không còn việc trên bàn, nhưng khi anh bò về bàn với mắt còn dính và người nhức mỏi, đã thấy một xấp cuốn giấy phủ bàn anh như một đống tuyết, vùi nửa chừng máy ghi âm và tràn xuống sàn, thành thử công việc đầu tiên của anh bao giờ cũng là sắp giấy lại thành chồng ngăn nắp để có chỗ làm việc. Điều ngán nhất là công việc không đơn thuần máy móc chút nào. Có khi chỉ cần thay tên này vào tên khác, nhưng bản tường trình nào cũng đòi hỏi sự cẩn thận và trí tưởng tượng. Ngay tầm hiểu biết về địa dư để chuyển chiến tranh từ địa phương này sang địa phận khác cũng cần phải lớn lao.
Ngày thứ ba mắt anh đau không thể chịu được và cứ vài phút anh lại phải lau kính. Cơ hồ anh đang đương đầu với một công việc thể chất nặng nề, một việc anh có quyền từ chối, song le anh cứ bồn chồn lo lắng hoàn tất nó. Theo như bấy nhiêu anh nhớ, anh không bị xúc động bởi sự mỗi chữ anh thì thầm trong máy ghi âm, mỗi dấu bút mực của anh là một điều quyết ý giả dối. Như mọi người khác trong Cục anh chỉ lo cho sự giả mạo được hoàn hảo. Vào sáng ngày thứ sáu mức tuôn cuộn giấy giảm xuống. Trong đến một nửa tiếng không có gì tuột ra khỏi ống; rồi thêm một cuộn, rồi không thấy gì. Khắp nơi khoảng cùng một lúc công việc nhẹ đi. Một hơi thở dài tuy thầm kín lan khắp Cục. Một công chuyện khổng lồ không bao giờ được nhắc tới đã kết thúc. Bây giờ không một ai có thể dẫn chứng bằng tài liệu sự chiến tranh với Âu Á đã từng xảy ra. Tới mười hai trăm có thông cáo bất ngờ cho phép mọi nhân viên trong Bộ được nghỉ tới sáng hôm sau. Winston về nhà, xách theo chiếc cặp được anh kẹp giữ dưới chân khi làm việc và đặt dưới người khi đi ngủ, cạo râu, rồi suýt ngủ gật trong khi tắm mặc dầu nước chẳng ấm gì.
Khớp xương anh bẻ rắc một cách thú vị khi anh leo cầu thang lên gác cửa tiệm ông Charrington. Anh mệt mỏi nhưng không còn buồn ngủ nữa. Anh mở cửa sổ ra, châm cái bếp dầu nhỏ bẩn, và đặt một xoong nước để làm cà phê lên. Julia sắp sửa tới. Trong khi chờ đợi có Quyển sách. Anh ngồi xuống cái ghế bành cũ rích và tháo đai cặp ra.
Một quyển sách dày đen, do một người không chuyên nghề đóng, không có tên tác giả hay nhan đề ngoài bìa. Chữ in cũng có vẻ không đều mấy. Trang bị nhàu ở mép và dễ rách rời làm như cuốn sách đã qua nhiều tay. Câu đề ghi trên trang đầu như sau:
LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH CỦA
CHỦ NGHĨA TẬP THỂ QUẢ ĐẦU
do
Emmanuel Goldstein soạn
Winston bắt đầu đọc:
Chương I: Sự ngu xuẩn là sức mạnh
Suốt lịch sử, và có lẽ từ thời đại Tân thạch khí, có ba loại dân trên thế giới, loại Thượng, loại Trung và loại Hạ. Những loại đó phân ra nhiều chi có không biết bao tên khác nhau, và thành phần của mỗi loại cũng như thái độ của mỗi loại đối với nhau, thay đổi từ thời này sang thời kia: nhưng cơ cấu cốt yếu của xã hội không bao giờ biến chất. Ngay cả sau các vụ đột khởi và các biến đổi bất khả truất bãi, cấu trúc cũ luôn luôn tự tái lập, hệt như máy quay hồi chuyển luôn luôn quay về thế thăng bằng, dù bị đẩy xa đến đâu về phía này hay phía kia.
Mục đích của các nhóm đó hoàn toàn không dung hòa được với nhau...
Winston ngưng đọc, đặc biệt để thưởng thức sự anh đang đọc trong cảnh tiện nghi an toàn. Anh có một mình: không có máy truyền hình, không có tai áp sau lỗ khóa, không có xung động thần kinh làm anh liếc nhìn sau vai hay lấy tay che trang giấy. Khí hạ dịu mơn trớn má anh. Từ đâu đó đằng xa khẽ vọng lại tiếng la của trẻ nhỏ: ngay trong phòng không có tiếng động nào ngoài tiếng sâu bọ của đồng hồ. Anh lùn người sâu hơn vào chiếc ghế bành và đặt chân trên tấm chắn lò sưởi. Đây là đại hạnh, đây là đời đời. Bỗng nhiên, như ngưòi ta thường làm với một cuốn sách mình biết cuối cùng mình sẽ đọc đi đọc lại từng chữ, anh giở sách sang trang khác vào đúng chương III. Anh tiếp tục đọc:
Chương III: Chiến tranh là hòa bình
Sự phân chia thế giới ra làm ba siêu quốc là một sự kiện có thể và đã được tiên đoán trước giữa thế kỷ hai mươi. Với sự sát nhập Âu Châu vào Nga và Đế quốc Anh vào Hoa Kỳ, hai trong ba cường quốc hiện hữu, Âu Á và Đại Dương, đã thực sự thai nghén. Cường quốc thứ ba, Đông Á, chỉ xuất hiện như một nước thống nhất sau thêm mười năm rối ren. Ranh giới giữa ba siêu quốc được định một cách độc đoán tại vài nơi, di động theo vận mệnh chiến tranh tại nơi khác, nhưng nói chung nó tùy theo tuyến đường địa dư. Âu Á gồm toàn thể bắc phần Âu Châu và đại thổ Á Châu, từ Bồ Đào Nha đến eo biển Behring. Đại Dương gồm Mỹ Châu, các đảo Đại Tây Dương kể cả quần đảo Anh, Úc Châu và phần nam Phi Châu. Đông Á nhỏ hơn hai nước kia và có ranh giới mé tây kém phần đích xác, bao gồm Trung Hoa và các xứ phía nam, quần đảo Nhật Bản, và một phần đất lớn tuy hay di dịch của Mãn Châu, Mông Cổ và Tây Tạng.
Kết hợp thế này hay thế khác, ba siêu quốc luôn luôn đánh nhau và cứ thế từ hai mươi nhăm năm nay. Song le, chiến tranh không còn là cuộc chiến tuyệt vọng mòn mỏi như nó từng như vậy trong mấy chục năm đầu thế kỷ hai mươi. Đây là một cuộc chiến có mục tiêu hạn định giữa những địch thủ không thể tiêu diệt được nhau, không có lý do cụ thể để đánh nhau, không bị chia rẽ bởi một sự khác biệt chủ nghĩa xác thực nào. Thế không có nghĩa là sự điều khiển chiến tranh hay thái độ ưu thắng đối với nó kém tàn bạo hay hào hiệp hơn. Ngược lại, chứng cuồng chiến tiếp diễn và thịnh hành khắp nơi, và những hành động như hãm hiếp, cướp bóc, giết trẻ con, biến toàn cư dân thành nô lệ, trả thù tù binh tới mức đun sôi, chôn sống họ, được coi như bình thường và đáng khen thưởng nếu do quân phe mình thay vì phe địch phạm phải. Nhưng trên thực tế, chiến tranh liên hệ tới rất ít người, phần đông là chuyên viên được huấn luyện kỹ càng, và tương đối gây ít thiệt hại. Trận đánh, nếu có, xảy ra tại một vùng biên giới mù mịt mà thường dân chỉ đoán được ra nơi chốn, hay quanh các Pháo Đài Nổi canh giữ những điểm chiến lược trên đường biển. Tại các trung tâm khai hóa, chiến tranh không có nghĩa gì ngoài một sự khan hiếm hàng hóa liên tục, và sự đôi khi bom lửa làm vài chục người chết. Chiến tranh thực ra đã đổi chất. Đúng hơn, những lý do gây ra chiến tranh đã đổi thứ tự quan trọng. Những duyên cớ từng có mặt ở một mức độ nhỏ trong các cuộc đại chiến hồi đầu thế kỷ hai mươi, nay trội hẳn, được công nhận và được tính đến trong hành động.
Muốn hiểu bản chất của chiến tranh hiện tại — vì mặc dầu sự thay đổi liên minh xảy ra cứ vài năm một, nó lúc nào cũng vậy — phải ý thức rằng nó không thể có tính cách quyết định. Không một trong ba siêu quốc nào có thể bị xâm chiếm hẳn dù bởi cả hai nước kia hợp nhau lại. Ba nước quá ngang nhau và các phương tiện phòng thủ thiên nhiên của cả ba quá lớn lao. Âu Á được che chở bởi khoảng đất rộng rãi của nó, Đại Dương bởi sự bao la của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Đông Á bởi khả năng sinh sản và sự cần mẫn của dân bản xứ. Sau đó, cụ thể ra, không còn gì đáng được tranh đấu cho nữa. Với sự thành lập kinh tế tự túc trong đó sản xuất và tiêu thụ được gắn liền nhau, sự tranh giành thị trường là lý do chính của các cuộc chiến trước kia nay không còn nữa, đồng thời sự tranh đoạt nguyên liệu hết là một vấn đề sống chết. Vả lại, siêu quốc nào cũng đủ lớn để có thể thu được hầu hết vật liệu cần thiết trong ranh giới mình. Nếu bảo rằng chiến tranh phải có một mục tiêu kinh tế trực tiếp, thì đây là một cuộc chiến giành nhân công. Giữa ranh giới của ba siêu quốc, không thuộc lâu bất cứ siêu quốc nào, có một khu đại khái hình bốn cạnh với góc đặt trên Tanger, Brazzaville, Darwin và Hồng Kông, gồm một phần năm dân số thế giới. Chính vì quyền sở hữu trên các vùng đông dân cư đó và trên vùng mũi đá bắc cực mà ba siêu quốc luôn luôn đánh nhau. Trên thực tế không một cường quốc nào kiểm soát được toàn thể vùng tranh giành. Nhiều phần vùng đó luôn luôn đổi chủ, và chính thói thừa cơ lừa đánh để chiếm mảnh đất này hay mảnh đất kia xui nên sự thay đổi vô tận đồng minh.
Các đất đai tranh giành chứa đựng nhiều khoáng vật quý giá, một vài vùng sản xuất nhiều thực vật quan trọng, ví như cao xu, một chất mà các xứ có khí hậu lạnh phải hóa hợp bằng phương pháp so ra tốn kém hơn. Nhưng trên hết, các vùng đó có một trữ lượng nhân công rẻ tiền. Cường quốc nào kiểm soát được vùng xích đạo Phi Châu hay các xứ Trung Đông hoặc Nam Ấn Dộ, hay bán đảo Nam Dương, đương nhiên được sử dụng hàng chục hay trăm triệu cu li ăn ít lương mà làm việc nặng nhiều. Dân cư các vùng ấy bị dồn công khai ít nhiều vào cảnh nô lệ, không ngớt qua tay hết kẻ chinh phục này đến kẻ chinh phục kia, và bị đẩy như thể than dầu vào cuộc tranh đua sản xuất nhiều binh khí hơn, chiếm đóng nhiều đất đai hơn, kiểm soát nhiều nhân công hơn, và cứ như vậy mãi mãi. Phải lưu ý rằng cuộc chiến không bao giờ thực sự di dịch ngoài lề vùng tranh giành. Biên giới của Âu Á chạy qua chạy lại giữa bồn Congo và bờ bắc Địa Trung Hải; các đảo Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bị luôn luôn chiếm đi chiếm lại bởi Đại Dương hay Đông Á; tại Mông Cổ ranh giới giữa Âu Á và Đông Á không bao giờ vững; quanh Bắc Cực cả ba cường quốc đều sách hoàn nhiều đất đai rộng lớn phần đông không có người ở và chưa được ai thám hiểm: nhưng cán cân quyền lực vẫn luôn luôn gần thế quân bình, và lãnh thổ nằm trong trung địa của mỗi siêu quốc không bao giờ bị xâm phạm. Lại nữa, sức lao động của các dân cư bị bóc lột quanh Xích Đạo không thực cần thiết cho kinh tế thế giới. Nó không thêm gì vào tài sản thế giới vì những thức gì nó sản xuất cũng bị dùng vào chiến tranh, và mục tiêu của chiến tranh bao giờ cũng là chiếm ưu thế để giao một cuộc chiến khác. Qua sức lao động của họ, các quần dân nô lệ giúp cho tốc độ chiến tranh liên tục gia tăng. Nhưng nếu không có họ, thực chất cơ cấu xã hội thế giới và tiến trình khiến nó tự duy trì sẽ chẳng đổi khác.
Mục đích đầu tiên của chiến tranh hiện đại (theo nguyên tắc ý đôi, mục đích này vừa được công nhận vừa không được công nhận bởi các đầu não chỉ đạo thuộc Đảng Trong) là tận dụng các sản phẩm của guồng máy tuy không nâng cao mức sống tổng quát. Ngay từ hồi cuối thế kỷ mười chín, vấn đề phải thanh toán thặng số hàng tiêu thụ tiềm tàng trong xã hội công nghiệp. Ngày nay, khi ít người có đủ ăn, vấn đề đó hiển nhiên không còn cấp bách, và nó không thể trở thành cấp bách dù không phương thức tàn phá giả tạo nào được thi hành. Thế giới ngày nay là một chốn trống trơn, đói khát, hoang tàn, so với thế giới thời trước năm 1914, và càng thế hơn khi so với tương lai tưởng tượng mà dân thời đó phác họa. Vào đầu thế kỷ hai mươi, viễn tượng của một xã hội tương lai hết sức giàu có, thư thái, ngăn nắp và hữu hiệu — một thế giới sát trùng bóng loáng của thủy tinh, thép sắt và xi măng trắng như tuyết — ngụ trong trí óc của hầu hết mọi người biết chữ. Hồi đó khoa học và kỹ thuật phát triển theo một tốc độ nhanh chóng lạ lùng, và đương nhiên ai cũng cho rằng nó sẽ tiếp tục phát triển. Điều này không xảy ra, một phần vì sự bần cùng hóa do một tràng chiến tranh và cách mạng gây nên, một phần vì sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật lệ thuộc thói suy nghĩ thực nghiệm, một thói không thể tồn tại trong một xã hội tập hợp chặt chẽ. Đại để thế giới ngày nay ban sơ hơn năm mươi năm về trước. Vài vùng lạc hậu có tiến triển, và một số máy móc luôn luôn có liên hệ sao đó với chiến tranh và điệp vụ có được phát triển, nhưng các cuộc thí nghiệm và các phát minh phần lớn đã ngưng đọng, và các tàn phá của chiến tranh nguyên tử vào quãng năm 1919-59 không bao giờ được tu sửa. Tuy nhiên những mối nguy vốn sẵn trong máy móc vẫn còn đó. Ngay khi máy móc xuất hiện lần đầu tiên, đối với những ai biết suy nghĩ, rõ ràng sự làm ăn vất vả của con người với hậu quả lớn là sự bất bình đẳng trong nhân loại không còn cần thiết nữa. Nếu máy móc được cố ý dùng vào mục đích này, nội vài thế hệ, nạn đói kém, sự lao lực, sự bẩn thỉu, nạn mù chữ và bệnh tật sẽ bị loại hẳn. Và trên thực tế, tuy không được dùng vào một mục tiêu tương tự, nhưng theo một thứ quá trình tự động — do sự sản xuất những của cải không thể không phân phối — máy móc đã nâng cao rất nhiều mức sống của thường dân trong khoảng năm mươi năm vào cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi.
Nhưng cũng rõ ràng, một sự gia tăng tài sản toàn diện để phá hủy — mà thật, cũng nói được nó tức là sự phá hủy — một xã hội dựa trên cấp bậc. Trong một thế giới ai ai cũng làm việc ít giờ, có đủ ăn, sống trong một căn nhà có phòng tắm và máy lạnh, có một xe hơi hay ngay cả một máy bay, hình thức hiển nhiên nhất và có lẽ đáng kể nhất của sự bất bình đẳng sẽ biến mất. Chắc chắn có thể tưởng tượng được một xã hội trong đó tài sản, theo nghĩa của cải và tiện nghi cá nhân, được phân phối đều, trong khi quyền lực nằm trong tay một giai cấp nhỏ được ưu đãi. Nhưng trên thực tế một xã hội như vậy không thể vững bền. Vì nếu sự nhàn rỗi và an ninh được hưởng bởi mọi người ngang nhau, đám đông dân chúng đáng nhẽ bị ngu độn vì nghèo khổ sẽ biết chữ nghĩa và sẽ học suy nghĩ lấy một mình; và khi họ làm được như vậy, sớm muộn gì họ cũng ý thức rằng thiểu số có đặc quyền không có công dụng gì, và họ sẽ quét bay chúng. Với thời gian, một xã hội có giai cấp chỉ tồn tại được trên sự nghèo khổ và ngu xuẩn. Trở về quá khứ nông nghiệp, như vài tư tưởng gia hồi đầu thế kỷ hai mươi mơ mộng, là một giải pháp không thể thực hiện được. Nó chống chọi với xu hướng máy móc hóa đã gần thành bản năng tính trên khắp thế giới. Lại nữa, nước nào còn chậm tiến về kỹ nghệ, tất bất lực về mặt quân sự, và đâm bị các địch thủ tân tiến hơn đô hộ một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Giữ quần chúng trong cảnh nghèo đói bằng cách hạn chế sự sản xuất hóa phẩm cũng không phải là một giải pháp mỹ mãn. Điều này phần lớn xảy ra trong giai đoạn cuối của chế độ tư bản, vào khoảng giữa 1920 và 1940. Kinh tế của nhiều nước được phép đình trệ, đất đai không được cày cấy, vốn liếng trang cụ không được bổ sung, hàng đám dân chúng bị cản không được làm việc và bị khép vào cảnh sống dở nhờ sự bố thí của Nhà Nước. Nhưng biện pháp này cũng vậy, đưa đến sự suy nhược về quân sự, và vì những sự thiếu thốn do nó ép chịu rõ ràng không cần thiết, nó không tránh được sự chống đối. Vấn đề là làm sao giữ cho bánh xe kỹ nghệ vẫn quay mà không gia tăng tài sản thực sự của thế giới. Hàng hóa phải được sản xuất, nhưng không được phân phối. Và trong thực hành, phương cách độc nhất để đạt kết quả ấy là giao chiến liên tục.
Động tác chủ yếu của chiến tranh là phá hủy, không nhất thiết hủy diệt nhân mạng, chỉ cốt sao tiêu hủy sản phẩm nhân công. Chiến tranh là một cách làm nổ tan thành mảnh, làm bay tan trong tầng tĩnh khí, hay làm chìm sâu dưới đáy biển, những vật liệu có thể nếu không sẽ được dùng vào sự khiến cho quần chúng được quá khỏe khoắn và nhờ thế dần dà quá thông minh. Ngay trong trường hợp các binh khí không bị phá hủy, sự chế tạo chúng vẫn là một phương cách tiện lợi để làm hao tổn nhân công mà không sản xuất gì có thể tiêu thụ được. Ví dụ, một Pháo Đài Nổi giam vào nó một số nhân công đáng lẽ dùng để xây hàng trăm tàu vận tải. Tận cùng nó bị vứt bỏ làm sắt vụn vì lỗi thời sau khi chẳng mang lại ích lợi gì cho ai, rồi một Pháo Đài Nổi khác được xây với một sự phí phạm nhân công lớn hơn. Trên nguyên tắc, nỗ lực chiến tranh luôn luôn được trù tính sao cho tiêu hóa mọi dư khoản có thể có sau khi các nhu cầu tối thiểu của dân chúng được ứng đáp. Trong thực hành, nhu cầu của dân chúng luôn luôn bị định non giá, với hậu quả là một sự khan hiếm kinh niên của một nửa số nhu yếu phẩm; nhưng sự khan hiếm bị coi như một lợi khí. Đó là một chính sách có dụng tâm giữ ngay càc đoàn thể được ưu đãi kề cảnh thiếu thốn, vì một tình trạng khan hiếm chung gia tăng tầm quan trọng của những đặc quyền nhỏ, và như vậy biểu dương sự khác biệt giữa đoàn thể này với đoàn thể kia. Theo tiêu chuẩn của đầu thế kỷ hai mươi, ngay một thành viên Đảng Trong cũng có một lối sống cần mẫn khắc khổ. Tuy nhiên, vài sự xa hoa mà họ được hưởng — như nhà cửa rộng rãi trang bị tử tế, vải may quần áo tốt hơn, thức ăn nước uống và thuốc lá ngon hơn, hai ba tên đầy tớ, xe hơi hay trực thăng riêng — đặt họ trong một thế giới khác biệt với đảng viên Đảng Ngoài, và đảng viên Đảng Ngoài cũng có lợi lộc tương tự so với đám quần chúng bị đô hộ mà chúng ta gọi là "dân đen". Không khí xã hội là không khí của một thành phố bị bao vây, trong đó sự chấp hữu một miếng thịt ngựa cũng đủ phân biệt kẻ sang với kẻ hèn. Đồng thời, ý thức đang sống trong cảnh chinh chiến tức trong cảnh nguy khốn, khiến sự trao toàn quyền cho một đẳng cấp nhỏ tuồng như là một điều kiện sống còn tự nhiên không tránh nổi.
Chiến tranh, ta sẽ thấy, thực hiện sự phá hủy cần thiết, nhưng thực hiện nó một cách dễ chấp nhận về mặt tâm lý. Trên nguyên tắc, muốn hao tận sức nhân công dư thừa trên thế giới, giản dị nhất là xây cất đền đài và kim tự tháp, là đào lỗ và đắp lỗ lại, hay cả là sản xuất thật nhiều hàng hóa rồi đem đốt nó đi. Nhưng làm thế là chỉ đặt cơ sở kinh tế chứ không cấp căn bản xúc cảm cho một xã hội có giai cấp. Điều quan hệ đây không phải là tinh thần của quần chúng, vì thái độ của quần chúng không đáng kể miễn sao họ được nghiêm giữ trong kiếp lao động, mà là tinh thần của chính Đảng. Ngay đảng viên thấp kém nhất cũng được đòi hỏi phải biết việc, chăm chỉ, và cả thông minh trong một phạm vi nhỏ hẹp, nhưng ngoài ra cũng cần họ phải là một kẻ cuồng tín cả tin và ngu xuẩn mà đặc tính là óc sợ sệt, oán thù, nịnh bợ, và khoái trá tự đắc. Nói một cách khác, họ cần phải có tâm địa thích hợp với một tình trạng chiến tranh. Chiến tranh có thực sự xảy ra không không quan hệ, và vì một cuộc chiến thắng quyết định không thể có được, cuộc chiến có thắng hay bại không ăn thua gì. Điều thiết yếu là tình trạng chiến tranh phải có. Sự phân tán trí khôn mà Đảng đòi hỏi nơi đảng viên, dễ thực hiện hơn trong không khí chiến tranh, ngày nay gần như đã phổ cập, mà cấp bậc của đảng viên càng cao, sự phân não đó càng mạnh. Chính tại Đảng Trong, óc cuồng chiến và hận thù kẻ địch dữ nhất. Trong khả năng quản trị, thành viên Đảng Trong thường cần biết tin tức chiến tranh nào sai, và họ thường có dịp hiểu rằng toàn thể cuộc chiến bị ngụy tạo, hoặc không xảy ra, hoặc được giao vì những lý do khác hẳn lý do được tuyên bố: nhưng sự hiểu biết đó dễ thành vô hiệu vì phép ý đôi. Đồng thời không một thành viên Đảng Trong nào bị nao núng một giây trong niềm tin tưởng thần bí rằng chiến tranh có thực, rằng nó phải kết cục bằng sự đắc thắng với Đại Dương hiển nhiên biến thành bá chủ hoàn cầu.
Mọi thành viên Đảng Trong tin vào sự chinh phục sắp tới như một giáo điều. Nó sẽ được hoàn thành, hoặc nhờ sự chiếm dần đất đai và nhân đó xây dựng một thế ưu thặng, hoặc nhờ sự sáng chế ra một binh khí mới không có phản công. Sự tìm kiếm khí giới mới không ngừng tiếp tục và là một trong số ít hoạt động còn lại cho phép loại trí óc có sáng kiến và ưa suy luận lộ diện. Tại Đại Dương ngày nay, Khoa học, theo nghĩa xưa, gần như không còn nữa. Trong Ngôn Mới không có chữ "Khoa học". Phương pháp suy tưởng thực nghiệm làm cơ sở cho mọi thực hiện khoa học trong quá khứ, chống lại những nguyên tắc căn bản nhất của Anh Xã. Ngay sự tiến bộ kỹ thuật cũng chỉ được chấp nhận nếu sản phẩm của nó có thể được mang dùng vào sự giảm bớt tự do con người. Trong mọi ngành nghệ thuật hữu ích, thế giới hoặc đứng yên hoặc lùi bước. Cánh đồng được cày với bừa do ngựa kéo, trong khi sách do máy viết. Nhưng trong những sự việc tối quan trọng — thực ra có nghĩa là trong việc chiến tranh và điệp vụ cảnh sát — óc tìm hiểu khoa học vẫn được khuyến khích hay ít nhất được dung túng. Đảng có hai mục tiêu là chinh phục toàn thể diện tích trái đất và tiêu diệt cho sạch mọi khả năng suy tưởng biệt lập. Vì lẽ đó Đảng phải giải quyết hai vấn đề lớn. Một là làm sao cưỡng ý kẻ khác để khám phá xem họ nghĩ gì, hai là làm sao giết được hàng trăm triệu dân trong khoảng vài giây mà không để họ biết trước. Sự nghiên cứu khoa học có được tiếp tục cũng chỉ trong khổ vấn đề đó. Nhà khoa học ngày nay, hoặc là một nhà tâm lý học và một viên truy tà hỗn hợp, tra xét một cách thật tỉ mỉ bình thường ý nghĩa của nét mặt, cử chỉ và giọng nói, thực nghiệm hiệu quả của thuốc làm khai sự thật, của liệu pháp đột kích, của phép thôi miên và sự tra tấn thể xác; hoặc họ là một nhà hóa học, một nhà vật lý học hay một nhà sinh học chỉ lưu tâm đến phần chuyên môn liên quan đến việc hủy diệt sự sống. Trong các phòng thí nghiệm rộng rãi của Bộ Hòa Bình và tại các trại thí nghiệm ẩn trong rừng Ba Tây, trong sa mạc Úc Châu hay trên các đảo hẻo lánh vùng Nam Cực, hàng toán chuyên viên làm việc không biết mệt. Có người chỉ lo kế hoạch hóa việc phối hợp tiếp vận các cuộc chiến tương lai, người thì nghĩ cách cho bom lửa càng ngày càng lớn hơn, cho chất nổ càng ngày càng mạnh hơn, cho vỏ binh khí càng ngày càng khó xuyên qua hơn; có người tìm kiếm chất hơi mới lạ sát sinh hữu hiệu hơn, hay chất độc dễ tan có thể sản xuất được đủ nhiều để tiêu hủy cây cối của các lục địa, hay giống mầm miễn dịch chống mọi kháng thể; còn kẻ gắng chế tạo một loại xe có thể đi được dưới đất giống như tàu ngầm dưới nước, hay một loại tàu bay không phụ thuộc căn cứ như thuyền buồm; thêm kẻ nghiên cứu ngay cả những khả năng xa vời như tập trung ánh mặt trời qua thấu kính treo trong không gian cách trái đất hàng ngàn cây số, hay gây nên những vụ động đất và sóng thần nhân tạo bằng cách đụng vào nhiệt độ trong lòng địa cầu.
Nhưng không bao giờ một dự án trên nào đi tới giai đoạn thực hiện, và không một trong ba siêu quốc nào dẫn đầu được hai nước kia một cách rõ rệt. Điều đáng kể là cả ba đã có với bom nguyên tử một binh khí mạnh hơn bất cứ khí giới nào có thể được phát minh bởi các cơ quan nghiên cứu hiện hữu. Mặc dầu Đảng, theo thói quen, nhận sáng chế về mình, bom nguyên tử xuất hiện lần đầu tiên khá sớm, vào những năm bốn mươi, và được sử dụng trên đại quy mô khoảng mười năm sau. Vào thời đó hàng trăm trái bom được đổ xuống các trung tâm kỹ nghệ, đặc biệt tại Âu Nga, Tây Âu và Bắc Mỹ. Kết quả các nhóm cầm quyền mọi nước nhận thức rằng thêm vài trái bom nguyên tử nữa là xã hội có tổ chức tức quyền thế của họ sẽ kết thúc. Cho nên sau đó, tuy không có thoả ước chính thức nào được nhắc tới, không còn sự thả bom nguyên tử nữa. Cả ba cường quốc chỉ tiếp tục sản xuất bom nguyên tử để trữ, phòng cơ hội quyết định mà họ tin sớm muộn gì cũng sẽ đến. Và trong khi chờ đợi chiến thuật gần như không biến chuyển suốt ba bốn chục năm. Trực thăng được dùng nhiều hơn trước, phi cơ oanh tạc được thay thế bởi tạc đạn tự phóng, và chiếc tàu chiến mỏng mảnh nhường chỗ cho Pháo Đài Nổi; nhưng ngoài ra có ít tiến triển. Xe tăng, tàu ngầm, ngư lôi, ngay cả súng ống lựu đạn vẫn được dùng. Và bất kể những cuộc tàn sát bất tận được phóng sự trên báo chí và máy truyền hình, những trận đánh tuyệt vọng kiểu thời các cuộc chiến trước, trong đó hàng trăm ngàn hay cả hàng triệu người bị giết trong vài tuần, không bao giờ tái diễn.
Không một trong ba siêu quốc nào dám toan tính một thao lược có nguy đưa đến một sự thất bại trầm trọng. Nếu có một cuộc tác chiến lớn, thông thường đó là một vụ đột kích chống đồng minh. Chiến thuật mà cả ba siêu quốc theo hay tự dối là theo y hệt nhau. Kế hoạch là vừa đánh vừa mặc cả, vừa tấn công lừa đúng lúc, cốt chiếm hữu một chuỗi căn cứ bao vây trọn vẹn một nước chư hầu địch, để rồi ký thỏa hiệp với địch và sống hòa thuận với họ đủ lâu năm để ru ngủ được lòng nghi kỵ của họ. Trong khi đó hỏa tiễn chứa bom nguyên tử được tập trung tại các điểm chiến lược; sau cùng các hỏa tiễn sẽ được bắn cùng một lúc với những hậu quả tàn phá mạnh đến nỗi sự trả đũa không thể có được. Lúc đó sẽ là lúc ký một hiệp ước với cường quốc còn lại, trong khi chuẩn bị một cuộc tấn công khác. Khỏi cần phải nói, mưu lược trên chỉ là một giấc mơ ban ngày, không thể thực hiện được. Lại nữa, không hề có một trận đánh nào xảy ra ngoài các vùng tranh giành quanh Xích Đạo và Bắc Cực: không bao giờ thấy cử một cuộc xâm lấn đất địch nào. Điều này giải thích vì sao tại vài nơi, biên giới giữa các siêu quốc được định một cách độc đoán. Ví dụ, Âu Á có thể xâm chiếm dễ dàng các đảo Anh thuộc Âu Châu, mặt khác Đại Dương có thể đẩy biên giới tới sông Rhin hay tới tận sông Vistule. Nhưng làm thế hóa ra vi phạm nguyên tắc toàn vẹn văn hóa do mọi bên tuân theo dù không nói ra. Nếu Đại Dương phải chiếm đóng những vùng trước kia có tên là Pháp và Đức, cần phải hoặc tận sát dân cư các vùng đó, một công việc cụ thể ra rất khó khăn, hoặc đồng hóa một dân số khoảng một trăm triệu người gần ngang trình độ dân Đại Dương về mặt tiến triển kỹ thuật. Cả ba siêu quốc đều có vấn đề tương tự. Tối cần thiết cho cơ cấu của cả ba là không để cho dân tiếp xúc với người ngoại quốc trừ trong giới hạn đó là tù binh hay nô lệ da màu. Ngay đồng minh chính thức đương thời cũng luôn luôn bị ngờ vực là có ý đồ đen tối. Ngoài tù binh ra, thường dân không bao giờ được nhìn thấy người Âu Á hay Đông Á, họ còn bị cấm không được học ngoại ngữ. Nếu họ được phép tiếp xúc với người ngoại quốc họ sẽ khám phá ra rằng những người này giống hệt họ, rằng hầu hết những điều nói về dân ngoại quốc là lời nói dối. Thế giới niêm phong trong đó họ sống sẽ đổ vỡ, và lòng sợ hãi, nỗi oán thù và niềm tin nơi sự chính tâm của họ, được dựng làm nền tảng của luân lý, sẽ tan biến. Vì lẽ vậy, cả ba bên đều hiểu rằng dù Ba Tư, Ai Cập, Java hay Tích Lan có thay đổi chủ mấy lần đi nữa, không thể có chuyện xâm phạm ranh giới chính với bất cứ gì ngoài bom đạn.
Ngụ dưới những ý trên có một sự thể không bao giờ được nhắc tới, nhưng được hiểu ngầm và tôn theo: đó chính là sự điều kiện sống tại cả ba siêu quốc y hệt nhau. Tại Đại Dương triết thuyết đặc trưng có tên là Anh Xã, tại Âu Á nó được gọi là Tân Xích, và tại Đông Á nó có một tên Tàu thường được dịch là Tử Sùng nhưng có lẽ phải dịch là Kỷ Vong mới đúng. Công dân Đại Dương không được phép biết gì về nội dung hai chủ thuyết kia, nhưng được dạy phải ghê tởm những thuyết đó vì chúng man rợ, xúc phạm luân lý cùng lẽ thường tình. Thật ra khó phân biệt được ba triết thuyết ấy, và những chế độ do chúng dung dưỡng cũng chẳng khác biệt nhau chút nào. Nơi nào cũng một cơ cấu hình tháp, với một sự tôn thờ lãnh tụ gần ngang thiên thần, cùng một nền kinh tế xây dựng nhờ và cho chiến tranh liên tục. Cho nên ba siêu quốc không những không thể chinh phục được nhau, còn không có lợi lộc gì nếu làm thế. Ngược lại họ còn đánh nhau, họ còn nâng đỡ được nhau, như thể ba bó lúa. Và như thường lệ, nhóm lãnh đạo thuộc ba cường quốc vừa ý thức vừa không ý thức hành động của mình. Đời sống họ được dâng hiến cho sự chinh phục thế giới, nhưng họ cũng biết rằng chiến tranh cần phải tiếp tục không ngưng và không thắng lợi. Đồng thời sự không có mối nguy bị chinh phục nuôi dưỡng sự chối bỏ thực tế, và điều này là đặc điểm của Anh Xã cùng các ý hệ địch. Đến đây cần phải nhắc lại điều đã nói ở trên, rằng vì trở thành liên tục chiến tranh đã hoàn toàn biến tính.
Thời xưa, chiến tranh, gần như theo định nghĩa, là một tình trạng sớm muộn gì cũng kết liễu, thường sau một cuộc thắng lợi hay thất bại không thể chối cãi. Cũng trong quá khứ, chiến tranh là một trong những phương tiện khiến xã hội loài người giữ liên lạc với thực tế thể chất. Các nhà lãnh đạo các thời đều muốn ép môn đồ chấp nhận một thế giới quan lệch lạc, nhưng họ không dám khuyến khích ảo tưởng nào có xu thế làm hại hiệu lực quân sự. Sự thất bại còn có nghĩa là sự mất độc lập hay một hậu quả bất hảo khác, việc phòng ngừa thất bại còn được coi trọng. Sự kiện thể chất không thể bị bỏ quên. Trong triết thuyết, trong tôn giáo, trong luân lý hay trong chính trị, hai cộng hai có thể thành năm, nhưng khi phác họa súng ống hay tàu bay, hai với hai phải là bốn. Các quốc gia vô hiệu sớm muộn gì cũng bị xâm chiếm, và sự tranh thủ hiệu quả đối nghịch với ảo tưởng. Lại nữa, muốn có hiệu năng cần phải biết học hỏi quá khứ, tức phải có một ý niệm đúng về sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Dĩ nhiên, báo chí và sách vở luôn luôn bị tô điểm hay thiên vị, nhưng sự giả mạo kiểu được thực hiện ngày nay không thể có. Chiến tranh là một cách bảo toàn chắc chắn óc lành mạnh, và trong chừng mực nó liên quan đến giai cấp lãnh đạo, nó có lẽ là cách bảo toàn hệ trọng nhất. Khi chiến tranh có thắng có bại, không một giai cấp lãnh đạo nào có thể hoàn toàn vô trách nhiệm.
Nhưng khi chiến tranh trở thành thực sự liên tục, nó thôi nguy hiểm. Khi chiến tranh liên tục, không còn nhu cầu quân sự. Sự tiến bộ kỹ thuật có thể ngưng, và những sự kiện sờ sờ nhất có thể bị chối bỏ hay coi thường. Như chúng ta đã thấy, những công cuộc nghiên cứu đáng được gọi là khoa học vẫn được theo đuổi vì mục tiêu chiến tranh, nhưng đấy vốn là một thứ mộng ban ngày, và sự bất trưng kết quả nghiên cứu không quan trọng. Hiệu suất, ngay cả hiệu suất quân sự, không còn được cần đến. Không có gì có hiệu năng tại Đại Dương ngoài Cảnh Sát Tư Tưởng. Vì không một trong ba siêu quốc nào có thể bị chinh phục, mỗi siêu quốc thực ra là một vũ trụ riêng biệt trong đó hầu như mọi loạn ý có thể yên hành. Thực tế chỉ có áp lực qua những nhu cầu của đời sống hàng ngày — nhu cầu ăn uống, có chỗ trú ngụ và có quần áo mặc, tránh nuốt thuốc độc hay bước qua cửa sổ một tầng lầu cao, đại loại như vậy. Giữa cái sống và cái chết, giữa thú vui thể xác và nỗi đau thể xác, vẫn có một sự khác biệt, nhưng chỉ thế thôi. Bị cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài và với quá khứ, công dân Đại Dương giống như một người ở trong không gian liên tinh, không có cách nào biết được hướng nào ở trên, hướng nào ở dưới. Lãnh tụ của một nước như vậy có quyền chuyên chế hơn vua chúa Ai Cập và La Mã nhiều. Họ bắt buộc phải tránh không để môn đồ của họ chết đói đông đảo tới mức phiền phức, và họ bó buộc phải giữ một trình độ kỹ thuật quân sự thấp ngang địch thủ của họ; nhưng một khi điều kiện tối thiểu đó được thỏa mãn, họ có thể bóp méo thực tế thành bất cứ hình thù gì tùy ý họ.
Chiến tranh, vì lẽ vậy, nếu được xét theo tiêu chuẩn của các cuộc chiến xưa, chỉ là một sự lừa bịp. Nó tựa như các cuộc đấu giữa những động vật nhai lại có cặp sừng mọc theo một góc cạnh đặc biệt khiến chúng không thể gây thương tích cho nhau. Nhưng dù nó không thật, nó không phải là vô nghĩa lý. Nó nuốt đi thặng số hàng tiêu thụ, và giúp sự phòng giữ không khí tinh thần cần thiết cho một xã hội có giai cấp. Chiến tranh, chúng ta sẽ thấy, hiện nay là một vấn đề nội bộ thuần túy. Trong quá khứ, dù phải công nhận quyền lợi chung của họ và vì thế phải giới hạn sự tàn phá của chiến tranh, các nhóm lãnh đạo của mọi nước đánh nhau thực sự, và kẻ thắng trận bao giờ cũng cướp phá kẻ thua trận. Ngày nay của chúng ta, họ không đánh nhau chút nào. Mỗi nhóm lãnh đạo giao chiến chống chính dân mình, và mục đích của chiến tranh không phải là xâm chiếm lãnh thổ hay ngăn chặn sự xâm lăng đó, mà là giữ cho cơ cấu xã hội được nguyên vẹn. Danh từ "chiến tranh", đâm vì thế mà lệch lạc. Có lẽ muốn đúng phải nói rằng, vì chiến tranh trở thành liên tục, nó đã thôi tồn tại. Áp lực đặc biệt của nó trên con người từ thời Tân Thạch Khí tới đầu thế kỷ hai mươi đã biến mất và được thay thế bởi một thứ khác hẳn. Hậu quả sẽ tương tự nếu ba siêu quốc, thay vì đánh nhau, thỏa thuận sống vĩnh viễn hòa bình với nhau, không nước nào bị xâm phạm trong ranh giới của mình. Vì trong trường hợp này, mỗi nước vẫn là một vũ trụ tự bế tỏa, mãi mãi thoát khỏi ảnh hưởng đánh thức tỉnh của mối nguy bên ngoài. Một cuộc hòa bình thực sự trường tồn sẽ y hệt một cuộc chiến tranh vĩnh cửu. Điều này — tuy phần lớn Đảng viên hiểu nó theo một nghĩa hẹp hòi — là thâm ý của khẩu hiệu Đảng: Chiến tranh là hòa bình.
Winston ngưng đọc một lúc. Đâu đó ngoài xa một trái bom lửa gầm lên. Cảm giác sung sướng được ở một mình với một quyển sách cấm, trong một căn phòng không có máy truyền hình, không tiêu tan. Cô độc và an toàn là những cảm giác thuộc thể xác, lẫn lộn sao đó với sự mệt mỏi của tinh thần anh, với sự êm ái của chiếc ghế và thoáng gió nhẹ từ cửa sổ đùa trên má anh. Quyển sách thôi miên anh, hay đúng hơn nó làm anh yên tâm. Theo lẽ ra, nó không cho anh biết điều gì mới lạ, nhưng phần quyến rũ chính ở đó. Nó nói lên điều anh đã nói nếu anh sắp xếp được thành trật tự những tư tưởng tản mát của anh. Nó là sản phẩm của một trí óc giống như óc anh nhưng mạnh mẽ hơn nhiều, có phương pháp hơn và ít sợ sệt hơn. Những sách hay nhất, anh nhận thấy, là những quyển nói ra những điều mình đã biết. Anh vừa giở lại chương I thì anh nghe thấy tiếng chân Julia trên cầu thang và anh vụt ra khỏi ghế để đón nàng. Nàng đặt túi dụng cụ nâu xuống sàn rồi lao mình vào tay anh. Đã hơn một tuần hai người chưa gặp lại nhau.
"Anh đã nhận được quyển sách," anh nói khi hai người buông nhau ra.
"Ồ, anh có nó rồi ư ? Tốt," nàng không mấy hứng thú đáp, rồi ngay tức thì nàng ngồi xuống cạnh lò dầu làm cà phê.
Họ không nhắc lại vấn đề trước khi nằm với nhau trên giường được nửa tiếng. Khí chiều đủ ấm để bỏ lật khăn phủ giường lên. Từ dưới nhà vẳng lên tiếng hát quen thuộc và tiếng giầy ống cọ trên đá lát. Người đàn bà có bắp tay đỏ mà Winston thấy mặt bữa đầu tiên tới đây gần như đóng đinh ngoài sân. Cơ hồ không có ngày giờ nào bà ta không đi đi lại lại giữa chậu giặt và giây phơi áo, luân phiên hết bỏ kẹp vào miệng ngậm lại cất lên tiếng hát lả lơi. Julia đã nằm nghiêng mình lại và sắp thiếp ngủ. Anh với tay lấy quyển sách đang lê trên sàn và ngồi tựa vào đầu giường.
"Mình phải đọc quyển này," anh nói. "Cả em nữa. Hội viên Hội Tình Thân nào cũng phải đọc nó."
"Anh đọc đi," nàng nhắm mắt nói. "Đọc to vào. Đó là cách hay nhất. Rồi có gì anh giảng dần cho em."
Kim đồng hồ đánh số sáu, có nghĩa là mười tám. Họ còn ba bốn giờ nữa. Anh kẹp quyển sách vào đầu gối và bắt dầu đọc:
Chương I: Dốt nát là sức mạnh
Trải qua lịch sử và có lẽ từ thời Tân Thạch Khí, có ba hạng dân trên thế giới, Thượng Lưu, Trung Lưu và Hạ Lưu. Có nhiều cách phân chia ba hạng ấy, chúng có vô số tên khác nhau và tổng số mỗi hạng cũng như thái độ của hạng này đối với hạng kia thay đổi từ thời này qua thời khác: nhưng cơ cấu cốt yếu của xã hội không bao giờ biến chất. Ngay cả sau các vụ nổi loạn lớn và các vụ đổi thay tưởng như không thể cải hồi, cơ cấu cũ bao giờ cũng được tái lập, y như một con quay hồi chuyển luôn luôn trở về trạng thái quân bình, dù có bị đẩy xa về phía nào chăng nữa.
"Julia, em còn thức không ?" Winston hỏi.
"Còn, anh yêu, em đang nghe anh. Anh đọc tiếp đi. Tuyệt lắm."
Anh tiếp tục đọc:
Chủ đích của ba hạng hoàn toàn không thể hợp nhau. Chủ đích của Thượng Lưu là giữ mình ngồi tại chỗ. Chủ đích của Trung Lưu là đổi chỗ với Thượng Lưu. Chủ đích của Hạ Lưu, khi họ có chủ đích — vì một đặc điểm thường trực của Hạ Lưu là họ bị khổ dịch đè ép quá độ, họa chừng mới ý thức được điều gì nằm ngoài đời sống hàng ngày của họ — là hủy bỏ mọi sự phân biệt và thành lập một xã hội trong đó mọi người sẽ ngang nhau. Cho nên, trải qua lịch sử một cuộc đấu tranh không đổi bản sắc diễn đi diễn lại không ngừng. Hàng thời kỳ dài, Thượng Lưu tưởng như cầm quyền yên ổn, nhưng chẳng sớm thì muộn cũng tới lúc họ mất hoặc niềm tự tín hoặc khả năng cai trị hữu hiệu, hoặc cả hai. Rồi sau đó, họ bị Trung Lưu lật đổ, nhờ giới này kết nạp được Hạ Lưu bằng cách giả vờ tranh đấu cho tự do và công lý. Vừa đạt được mục tiêu, Trung Lưu gạt liền Hạ Lưu cho họ về địa vị tôi đòi cũ, và chính họ biến thành Thượng Lưu. Tiếp đó, một giới Trung Lưu mới tách hiện từ một trong hai giới kia hay từ cả hai, và cuộc tranh đấu bắt đầu trở lại. Trong ba giới chỉ có Hạ Lưu là không bao giờ thành công, dù một cách tạm thời, trong việc đeo đuổi chủ đích. Thật quá ngoa nếu nói rằng trải qua lịch sử không hề có một sự tiến bộ cụ thể nào. Ngay ngày nay, đương lúc suy thời, thường dân có một đời sống vật chất khá hơn thường dân mấy thế kỷ trước. Nhưng không một sự tăng sản, một sự thuần phong, một cuộc cải cách hay một cuộc cách mạng nào xích lại gần nổi hơn một ly sự bình đẳng giữa con người. Theo quan điểm của Hạ Lưu, không một sự thay đổi nào có nghĩa nhiều hơn một sự thay đổi tên cho quan thầy họ.
Vào khoảng cuối thế kỷ mười chín, tính hồi quy của mô hình trên đã trở thành hiển nhiên đối với nhiều quan sát viên. Vì thế thời đó nẩy ra vài phái tư tưởng gia giải thích lịch sử như một quá trình tuần hoàn, và đòi chứng minh sự bất bình đẳng là một luật đời bất di bất dịch. Thuyết này dĩ nhiên lúc nào cũng có kẻ tán đồng, nhưng có một sự thay đổi hữu ý trong cách nó được phô trình ngày nay. Thuở xưa, sự cần có một xã hội có giai cấp là chủ thuyết đặc thù của Thượng Lưu. Nó được giảng dạy bởi vua chúa và quý tộc cùng các giáo sĩ, luật gia và đồng bọn là những kẻ ăn bám họ, và nó được xoa dịu bởi những lời hứa về sự bù trừ trong một thế giới tưởng tượng bên kia nấm mồ. Còn Trung Lưu, đương khi họ tranh quyền, bao giờ họ cũng dùng những danh từ như tự do, công lý, tình thân. Song ngày nay, khái niệm tình thân giữa loài người bắt đầu bị tố cáo bởi những kẻ chưa ở địa vị chỉ huy nhưng chỉ hy vọng sớm có địa vị đó. Trong quá khứ, Trung Lưu làm cách mạng dưới ngọn cờ bình đẳng, lật đổ được bạo quyền cũ tức thì họ lập một tân bạo chính. Các giới Trung Lưu mới thực ra tuyên bố trước bạo chính của họ. Chủ thuyết xã hội, vì xuất hiện vào đầu thế kỷ mười chín và là đốt cuối của một mạch tư tưởng bắt nguồn từ những cuộc nổi loạn của dân nô lệ thời thượng cổ, hãy còn bị thâm nhiễm bởi Trí Không Tưởng đời xưa. Nhưng trong các dị thuyết xã hội xuất hiện từ khoảng 1900 trở đi, mục đích thiết lập tự do và bình đẳng càng ngày càng bị công khai từ bỏ. Các phong trào mới xuất hiện vào giữa thế kỷ hai mươi như Anh Xã tại Đại Dương, Tân Xích tại Âu Á, Tử Sùng, theo danh từ thông dụng, tại Đông Á, có mục đích rõ ràng là lưu truyền sự vô tự do và bất bình đẳng. Những phong trào mới này dĩ nhiên sinh trưởng trên các phong trào cũ và có khuynh hướng giữ lại tên cũ và hâm mộ bằng đầu lưỡi chủ thuyết cũ. Nhưng tất cả đều có mục tiêu chặn đứng sự tiến bộ và kết đọng lịch sử tại lúc đã chọn. Quả lúc lắc quen thuộc của đồng hồ được cử động một lần nữa rồi phải ngưng bặt. Như thường lệ, Thượng Lưu sẽ bị Trung Lưu lật đổ và Trung Lưu sẽ trở thành Thượng Lưu; nhưng lần này, nhờ biết chiến thuật, Thượng Lưu sẽ duy trì được vĩnh viễn địa vị.
Các chủ thuyết nổi lên một phần vì sự tích tụ của kiến thức sử học và sự trưởng thành của ý nghĩa lịch sử không có trước thế kỷ mười chín. Ngày nay sự vận hành chu kỳ của lịch sử dễ hiểu hay có vẻ dễ hiểu; và nếu hiểu được nó, có thể biến hóa được nó. Nhưng nguyên nhân ngầm chính là ngay từ đầu thế kỷ hai mươi mộng bình đẳng giữa con người có thể đạt được nhờ kỹ thuật. Thực thì con người vẫn không bình đẳng về khiếu bẩm sinh, và sự bắt buộc phải phân công theo chuyên môn khiến người này được ưu đãi hơn người kia; nhưng sự phân biệt giai cấp và sự khác biệt lớn về tài sản không còn thật sự cần thiết nữa. Thuở xa xưa, sự phân chia giai cấp không những không thể tránh được mà còn là điều mong muốn. Bất bình đẳng là giá phải trả cho nền văn minh. Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành sản xuất máy móc, vấn đề biến đổi. Dù con người vẫn còn cần phải làm những công việc khác nhau, không còn nhu cầu bắt họ sống theo mức xã hội và kinh tế khác nhau. Cho nên, theo quan điểm của các nhóm mới sắp nắm chính quyền, sự bình đẳng không còn là một lý tưởng để đeo đuổi nữa, mà là một mối nguy phải tránh. Vào những thời buổi ban sơ hơn, khi trên thực tế không thể có một xã hội công bình và an lành, tin vào đó rất dễ. Ý niệm về một thiên đàng trần tục trong đó con người chung sống trong tình huynh đệ không cần luật lệ và không phải cực nhọc đã ám ảnh nhân trí trong hàng ngàn năm. Và mộng tưởng đó đã có một ảnh hưởng rõ rệt, ngay cả trên những nhóm đã lợi dụng được các biến chuyển lịch sử. Các thừa kế của những cách mạng Pháp, Anh, Mỹ đã tin một phần vào chính lời tuyên bố của họ về nhân quyền, tự do ngôn luận, bình đẳng trước pháp luật, và đã cả cho phép hành động của họ bị chi phối bởi những lý tưởng đó. Nhưng vào thập niên thứ tư của thế kỷ hai mươi, mọi trào lưu tư tưởng chính trị đâm ra độc đoán. Thiên đàng trần tục mất uy tín đúng lúc có thể thực hiện được nó. Chính thuyết mới nào, dưới tên nào chăng nữa, cũng quay về cấp bậc và tập hợp. Và trong phối cảnh nặng nề chung xảy ra khoảng 1930, những biện pháp đã bị bỏ từ lâu, có khi từ hàng trăm năm — như bỏ tù không cần xử, dùng tù binh làm nô lệ, hành hình công cộng, tra tấn để lấy khẩu cung, dùng con tin, di đày quần chúng — không những trở thành thông thường, còn được chấp nhận và bênh vực bởi những kẻ tự cho mình là sáng suốt tiến bộ.
Phải sau gần mười năm ngoại chiến, nội chiến, cách mạng và phản cách mạng tại khắp nơi trên thế giới, Anh Xã và địch thủ mới lộ diện là chính thuyết tác toàn. Nhưng chúng đã được báo hiệu bởi một vài chế độ, thường được gọi là chế độ cực quyền, xuất hiện cũng vào thế kỷ hai mươi nhưng sớm hơn, và những đường nét chính của thế giới sẽ nhô khỏi cảnh hỗn độn đã được thấy rõ từ lâu. Loại dân nào sẽ cai trị thế giới cũng đã thấy được rõ. Tân quý tộc phần lớn gồm các viên chức, khoa học gia, kỹ thuật gia, trưởng nghiệp đoàn, chuyên viên quảng cáo, xã hội học gia, giáo sư, ký giả và chính trị gia chuyên nghiệp. Những người này, xuất thân từ giai cấp công nhân trung lưu và thượng đẳng giai cấp thợ thuyền, đã được đào tạo và tập họp bởi thế giới bạc bẽo của kỹ nghệ độc quyền và trung ương tập quyền. So với đồng nghiệp họ thuở xưa, họ ít tham hơn, ít bị cám dỗ bởi sự xa hoa hơn, ham quyền lực thuần túy hơn, và trên hết ý thức hơn những điều họ làm cùng quyết tâm đàn áp đối lập hơn. Sự khác biệt này là điểm chủ yếu. Sánh với cảnh ngày nay, mọi bạo quyền trong quá khứ đều thiếu nhẫn tâm và không hữu hiệu. Các nhóm cầm quyền xưa luôn luôn có phần bị tiêm nhiễm bởi tư tưởng tự do, và vui lòng thả lỏng khắp nơi, chỉ xét đến hành động công khai mà bất kể những ý nghĩ của dân họ. Ngay giáo hội Công Giáo thời Trung Cổ cũng tỏ ra khoan dung theo tiêu chuẩn hiện đại. Một phần lý do là thuở xưa không một chính quyền nào có khả năng quản thúc thường trực công dân mình. Song le, sự phát minh ra máy in khiến sự thao tác dư luận dễ dàng hơn, phim ảnh và máy phát thanh làm diễn trình đó tiến xa hơn nữa. Với sự phát triển máy truyền hình và sự tiến bộ kỹ thuật cho phép vừa thâu vừa phát trên một chiếc máy, đời sống riêng tư kết thúc. Mỗi công dân, hay ít nhất mỗi công dân đủ quan trọng để đáng được giám thị, có thể bị đặt hai mươi tư tiếng mỗi ngày dưới sự soi mói của cảnh sát và trong lời tuyên truyền của nhà chức trách, trong khi các ngõ thông tin khác bị đóng kín. Lần đầu tiên ngày nay, có thể áp đặt không những lòng hoàn toàn phục tùng ý muốn nhà nước, mà cả sự đồng quan điểm trọn vẹn về mọi vấn đề.
Sau thời cách mạng vào những năm năm mươi, sáu mươi, xã hội kết hợp lại, vẫn như bao giờ, thành Thượng Lưu, Trung Lưu và Hạ Lưu. Nhưng giới Thượng Lưu mới, khác với tiền nhân, không hành động theo linh tính mà biết phải làm gì để bảo vệ địa vị. Đã từ lâu người ta nhận thức rằng nền tảng vững chãi nhất của chế độ quả đầu là chủ nghĩa tập thể. Tài sản và đặc quyền dễ được bảo vệ nhất khi chúng thuộc quyền sở hữu chung. Sự gọi là "bãi bỏ quyền sở hữu tư" xảy ra vào những năm giữa thế kỷ, thật ra, có nghĩa là tập trung quyền sở hữu vào ít tay hơn trước: nhưng với sự khác biệt là các sở hữu chủ mới là một nhóm thay vì một đám tư nhân. Về mặt cá thể, không một Đảng viên nào chiếm hữu gì, trừ vài vật dụng riêng không đáng kể. Về mặt tập thể Đảng chiếm hữu mọi thứ tại Đại Dương, vì Đảng kiểm soát mọi thứ, và tùy nghi sử dụng các sản phẩm. Vào những năm sau Cách Mạng, Đảng có thể bước vào địa vị lãnh đạo mà không gặp sự đối kháng nhờ toàn thể quá trình được miêu tả như một cuộc tập thể hóa. Đã tự bao giờ có sự thừa nhận rằng nếu giai cấp tư bản bị cướp quyền sở hữu, Xã Hội Chủ Nghĩa thế nào cũng nối tiếp: và không chối cãi được, dân tư bản đã bị truất hết tài sản. Các xưởng, mỏ, đất, nhà, xe — mọi thứ đã được tước khỏi tay họ: và vì những thức đó không còn là tài sản tư, nó phải là của công. Anh Xã, vì xuất phát từ phong trào xã hội và thừa kế ngữ cú rỗng của nó, đã thực ra thi hành điều chính của chương trình xã hội; với kết quả đã thấy và định trước là sự bất bình đẳng kinh tế trở thành vĩnh viễn.
Nhưng những vấn đề lưu truyền một xã hội có cấp bậc sâu xa hơn thế. Chỉ có bốn cách khiến một nhóm lãnh đạo mất quyền. Hoặc họ bị chinh phục bởi ngoại lai, hoặc họ cai trị thiếu hiệu quả đến nỗi quần chúng bị kích động nổi loạn, hoặc họ để cho một giới Trung Lưu mạnh và bất mãn thành hình, hoặc họ mất tự tín và ý chí cai trị. Những lý do này không có tác dụng đơn độc, và theo thường lệ cả bốn đều góp mặt ít nhiều. Giai cấp lãnh đạo nào có thể phòng ngừa được cả bốn trường hợp trên có thể cầm quyền mãi mãi. Tận cùng yếu tố quyết định chính là thái độ tinh thần của giai cấp lãnh đạo.
Sau giữa thế kỷ hiện tại, mối nguy đầu thật ra đã biến mất. Trên thực tế, nước nào trong ba cường quốc đang chia nhau thế giới cũng không thể bị xâm chiếm nổi, và chỉ có thể bị chinh phục nhờ sự biến đổi dần dần dân số, một điều mà một chính phủ có quyền rộng rãi tránh được dễ dàng. Mối nguy thứ hai cũng chỉ là một mối nguy trên lý thuyết. Quần chúng không bao giờ tự động chống đối, và họ không bao giờ nổi loạn vì bị áp bức. Quả vậy, họ còn không được phép có tiêu chuẩn để so sánh, họ còn không bao giờ ý thức được sự họ bị ức hiếp. Những vụ khủng hoảng kinh tế thuở xưa hoàn toàn không có tính tất yếu và bây giờ không được phép xảy ra, còn nhiều cuộc hỗn độn khác mạnh chẳng kém có thể và đã có nhưng không có hậu quả chính trị bởi không có cách nào nói lên sự bất mãn. Về vấn đề sản xuất dư thừa, tiềm tàng trong xã hội của chúng ta từ khi kỹ thuật máy móc phát triển, nó được giải quyết bằng mẹo chiến tranh liên tục (xem chương III), một mánh khóe còn có ích lợi khép tinh thần dân chúng vào mức cần thiết. Cho nên, theo quan điểm của những nhà lãnh đạo của chúng ta, những mối nguy thật tình đáng kể là sự tách hợp của một nhóm dân mới có khả năng, không được dùng đúng sức và ham quyền, cùng sự sinh trưởng của óc tự do và hoài nghi trong chính hàng ngũ họ. Có thể nói, vấn đề liên quan đến giáo dục. Đó là làm sao không ngưng uốn nắn tâm thức của cả nhóm chỉ huy lẫn nhóm thừa hành đông đảo ở dưới. Tâm thức quần chúng chỉ cần bị ảnh hưởng một cách tiêu cực thôi.
Biết bối cảnh trên, có thể suy ra nếu chưa rõ, cơ cấu tổng quát của xã hội Đại Dương. Trên đỉnh cao của kim tự tháp là Bác. Bác không thể sai lầm và đầy uy lực. Mỗi thành công, mỗi thành quả, mỗi thắng lợi, mỗi khám phá khoa học, mọi hiểu biết, mọi khôn ngoan, mọi hạnh phúc, mọi đức tính, được coi như xuất từ sự hướng dẫn và gợi hứng của Bác. Chưa ai nhìn thấy Bác bao giờ. Bác là một khuôn mặt trên biển tường, một tiếng nói trong máy truyền hình. Chúng ta có thể khá chắc rằng Bác không bao giờ chết, còn Bác sinh ngày nào là một điểm rất khó nhất quyết. Bác là trá hình được Đảng chọn để tự trình diện với thế giới. Nhiệm vụ của Bác cốt là thành tiêu điểm cho tình yêu, hận thù và sùng kính là những cảm xúc dễ hướng về một cá nhân hơn là về một tổ chức. Dưới Bác là Đảng Trong, với số thành viên giới hạn đến sáu triệu, hay không đến hai phần trăm tổng số dân Đại Dương. Dưới Đảng Trong là Đảng Ngoài, có thể được coi là tay chân nếu Đảng Trong được mô tả như khối óc của nhà nước. Dưới hơn là đám quần chúng đần độn mà chúng ta quen gọi là "dân đen", gần khoảng tám mươi nhăm phần trăm dân số. Theo danh từ dùng trong đoạn phân loại trên, dân đen là Hạ Lưu: còn đám dân nô lệ ở vùng đất Xích Đạo, luôn luôn qua hết tay kẻ chinh phục này đến tay kẻ chinh phục kia, họ không phải là một phần tử thường trực hay thiết yếu của cơ cấu.
Trên nguyên tắc, sự thuộc thành phần ba giới không theo cha truyền con nối. Theo lý thuyết con của thành viên Đảng không sinh ra thuộc Đảng Trong. Sự gia nhập chi Đảng nào cũng qua một cuộc thi cử vào lúc mười sáu tuổi. Không có sự kỳ thị chủng tộc hay ưu thế của một tỉnh này trên tỉnh kia. Dân Do Thái, dân da đen, dân Nam Mỹ thuần chủng thổ dân, được giữ chức vụ tối thượng trong Đảng, và quản trị viên của vùng nào bao giờ cũng được chọn trong dân cư vùng đó. Không tại một phần Đại Dương nào dân chúng có cảm tưởng mình bị đô hộ và cai trị từ một thủ đô xa xăm. Đại Dương không có thủ đô và vị nguyên thủ quốc gia không ai biết ở đâu. Trừ việc Anh ngữ là thông ngôn chính và Ngôn Mới là ngôn ngữ chính thức, Đại Dương không trung ương tập quyền chút nào. Những người lãnh đạo không gắn bó với nhau vì máu mủ mà vì sự tán đồng một chủ nghĩa chung. Quả thì xã hội của chúng ta phân tầng và phân tầng một cách rất khắt khe, thoạt nhìn tưởng theo phép cha truyền con nối. Sự di động giữa các đoàn thể khác nhau ít xảy ra hơn duới thời tư bản hay cả dưới thời tiền kỹ nghệ. Giữa hai chi Đảng có một chút trao đổi nhưng chỉ vừa đủ để bảo đảm sự loại trừ kẻ yếu kém khỏi Đảng Trong, và sự vô hại hóa đảng viên Đảng Ngoài có tham vọng bằng cách cho họ lên chức. Trong thực hành, dân đen không được phép thi đậu vào Đảng. Những người có khiếu nhất trong đám họ, có thể biến thành ổ bất mãn, bị Cảnh Sát Tư Tưởng điểm mặt và trừ khử, thế thôi. Nhưng sự thể này không nhất thiết phải vĩnh viễn, và cũng không phải là một vấn đề nguyên tắc. Đảng không phải là một giai cấp theo nghĩa xưa. Đảng không nhằm truyền quyền cho con cái mình vì chúng là con cái; và nếu không có cách nào khác để giữ những người có khả năng nhất nơi tột đỉnh, Đảng rất sẫn sàng tuyển lựa cả một thế hệ mới từ hàng ngũ dân đen. Trong những năm mấu chốt, sự Đảng không phải là một tổ chức di truyền đã có công dụng làm tê liệt phe đối lập. Thứ đảng viên xã hội cũ, được huấn luyện để chống đối cái gọi là "đặc quyền giai cấp", tin rằng cái gì không được di truyền không thể bền lâu. Họ không hiểu rằng sự liên tục của một nhóm trùm đầu không cần có thể chất, họ không ngẫm rằng các giới quý tộc kế tập luôn luôn chóng tàn, trong khi những tổ chức dưỡng tuyển như giáo hội Gia Tô kéo dài có khi cả trăm hay nghìn năm. Bản chất của phép quả đầu không phải là sự cha truyền con nối mà là sự dai dẳng của một thế giới quan và một lối sống do người chết áp người sống phải theo. Một nhóm chỉ đạo còn là một nhóm chỉ đạo nếu chỉ định được kẻ kế vị. Đảng không lo lưu truyền máu mủ của mình mà lo lưu truyền chính mình. Ai là kẻ nắm quyền không quan trọng, miễn cơ cấu đẳng cấp vẫn y nguyên.
Mọi tín ngưỡng, tập tục, sở thích, cảm xúc, thái độ tinh thần đặc trưng của thời chúng ta thực ra có phận sự giữ vững sự thần bí của Đảng và ngăn sự nhận thức thực chất của xã hội ngày nay. Hiện giờ sự phản kháng cụ thể hay bất cứ động tác chống đối sơ khởi nào cũng không thể có được. Từ dân đen không có gì đáng ngại. Để mặc họ yên, họ sẽ tiếp tục làm việc, sinh sản rồi chết, hết thế hệ này đến thế hệ kia, từ thế kỷ trước sang thế kỷ sau, không những không có xung lực phản kháng mà còn không có tư cách hiểu rằng thế giới có thể có bộ mặt khác. Họ chỉ có thể trở thành nguy hiểm nếu sự tiến bộ kỹ thuật công nghiệp buộc phải nâng cao trình độ giáo dục của họ; nhưng vì sự tranh đua quân sự và thương mại không quan hệ nữa, trình độ giáo dục quần chúng hiện nay suy giảm. Quần chúng có hay không có quan niệm gì bị coi như không đáng kể. Có thể để cho họ có tự do tư tưởng vì họ không có trí tuệ. Trái lại, nơi Đảng viên, không thể dung thứ một sự lệch lạc quan điểm nhỏ nhặt về một vấn đề tầm phào nhất nào.
Đảng viên sống từ lúc sinh ra tới lúc chết dưới mắt của Cảnh Sát Tư Tưởng. Ngay khi họ ở một mình, họ không bao giờ chắc được họ có một mình. Dù ở đâu chăng nữa, lúc ngủ hay lúc thức, khi làm việc hay nghỉ ngơi, trong bồn tắm hay trong giường, họ cũng có thể bị giám sát thình lình mà không được cảnh cáo và kbông được biết rằng mình đang bị dò xét. Tình giao hảo, thú giải trí, cách cư xử đối với vợ con, sắc mặt khi ở một mình, những lời lẩm bẩm trong giấc ngủ, cả những cử động đặc biệt của thân xác, việc gì của họ cũng bị quan sát tỉ mỉ. Không những bất cứ hành vi quả thật xấu nào của họ, mà bất cứ thái độ khác thường nào, dù nhỏ, bất cứ sự thay đổi thói quen nào, bất cứ điệu bộ bối rối nào, có thể là triệu chứng của một cuộc chiến đấu nội tâm, đều chắc chắn bị điều tra ra. Họ không có tự do chọn lựa bất cứ chiều hướng gì. Mặt khác, hành vi của họ không được luật pháp hay một bộ qui lệ cư xử định chế rõ ràng. Tại Đại Dương không có luật lệ. Những tư tưởng hay hành động chắc chắn đưa đến cái chết nếu bị bại lộ không bị chính thức cấm, và những cuộc thanh trừ vô tận, những vụ bắt bớ, tra tấn, bỏ tù và hóa hơi không bị bắt chịu như hình phạt của tội thực sự phạm phải, mà cốt tiêu diệt những kẻ có thể phạm tội khi nào đó trong tương lai. Đảng viên bắt buộc phải có không những lập trường đúng mà cả bản năng đúng. Nhiều tín điều và thái độ đòi hỏi nơi họ không bao giờ được tuyên bố trắng ra, và không thể phát biểu chúng mà không lột trần mâu thuẫn nội tại Anh Xã. Nếu Đảng viên là một kẻ chính thống tự nhiên (theo Ngôn Mới là một kẻ ý tốt), trong mọi trường hợp, không cần suy nghĩ, họ sẽ biết thế nào là lòng tin đúng hay cảm xúc mong muốn. Nhưng dù sao đi nữa, một sự huấn luyện tinh thần kỹ càng bắt đầu từ thuở thiếu thời tập trung quanh những danh từ Ngôn Mới như chặn tội, trắng đen, ý đôi, khiến họ không có khả năng suy nghĩ quá sâu xa về bất cứ vấn đề gì.
Đảng viên được trông đợi không có cảm xúc riêng tư và không ngớt hăng hái. Họ được kể như sống trong một sự cuồng nhiệt liên tục của hận thù đối với quân ngoại địch và nội phản, của niềm hân hoan chiến thắng, của sự tự hạ trước uy quyền và óc khôn ngoan của Đảng. Những sự bất mãn gây ra bởi nếp sống trơ trụi không thỏa ý của họ được quyết tâm hướng ra ngoài và được làm tan biến nhờ những kỹ xảo như Hai Phút Hận Thù, và những lập luận có thể đưa đến một thái độ ngờ vực hay phản nghịch bị bóp chết trước nhờ kỷ luật nội tâm sớm luyện đạt của họ. Chặng kỷ luật đầu tiên và đơn giản nhất, có thể được dạy cho trẻ nhỏ, có tên là chặn tội theo Ngôn Mới.Chặn tội chỉ năng khiếu dừng bặt, như thể do linh tính, trước ngưỡng cửa của một tư tưởng nguy hiểm. Nó bao gồm khả năng không tóm lấy những sự tương tự, không nhận thấy những sự sai lầm luận lý, không hiểu những lý lẽ giản dị nhất nếu chúng nghịch với Anh Xã, và chán ngán hay ghét bỏ bất cứ dòng tư tưởng nào có thể dẫn đến một hướng tà thuyết. Chặn tội, tóm lại, chỉ sự đần độn tự vệ. Nhưng ngu độn không đủ. Ngược lại, sự chính thống theo toàn nghĩa đòi hỏi một sự kềm chế diễn trình tư tưởng cá nhân trọn vẹn như sự kềm chế thân xác của người làm trò nhào lộn vặn vẹo. Xã hội Đại Dương tận cùng dựa trên niềm tin Bác có sức vạn năng và Đảng không thể lầm lẫn. Nhưng vì thực ra Bác không có sức vạn năng và Đảng có lầm lẫn, cần có một sự uyển chuyển dẻo dai từng giây từng phút trong việc bàn giải sự kiện. Bí quyết đây là trắng đen. Như nhiều danh từ Ngôn Mới, chữ này đồng thời có hai nghĩa trái ngược nhau. Áp dụng cho kẻ đối nghịch, nó chỉ cái thói trâng tráo nói đen thành trắng ngược với sự thể hiển nhiên. Áp dụng cho một Đảng viên nó chỉ một ý chí chính trực nói trắng thành đen khi kỷ luật Đảng đòi hỏi. Nhưng nó cũng chỉ khả năng tin rằng đen là trắng, và hơn nữa,biết rằng đen là trắng và quên đi sự mình đã từng tin ngược lại. Điều này đòi hỏi một sự xuyên tạc quá khứ liên tục thực hiện được nhờ hệ thống tư tưởng bao gồm mọi thứ được mệnh danh là ý đôi trong Ngôn Mới.
Sự xuyên tạc quá khứ cần thiết vì hai lý do, trong đó có môt lý do phụ, có thể nói là phòng ngừa. Lý do phụ là sự Đảng viên cũng như dân đen chịu đựng cảnh hiện tại một phần vì họ không có tiêu chuẩn để so sánh. Họ phải bị cắt khỏi quá khứ, hệt như họ phải bị cúp khỏi các nước ngoài, vì họ cần phải tin rằng họ sướng hơn tổ tiên họ, rằng mức tiện nghi vật chất trung bình luôn luôn lên cao. Nhưng lý do quan trọng hơn nhiều của sự tu chỉnh quá khứ là nhu cầu bảo vệ sự không thể lầm lẫn của Đảng. Không những chỉ vì các bài diễn văn, các bản thống kê, các tài liệu đủ loại luôn luôn cần được cập nhật hóa với mục đích chứng tỏ rằng các dự đoán của Đảng lúc nào cũng đúng. Mà cũng vì không bao giờ một sự thay đổi trong chủ thuyết hay đường lối chính trị nào có thể được chấp nhận. Bởi đổi ý hay đổi chính sách là thú nhận sự kém cỏi. Nếu ví dụ, Âu Á hay Đông Á (nước nào cũng được) là kẻ thù hôm nay, nước đó phải mãi mãi là kẻ thù. Và nếu sự kiện nói khác thì sự kiện phải bị sửa đổi. Thành thử lịch sử luôn luôn bị viết lại. Sự giả mạo hàng ngày quá khứ này, do Bộ Sự Thật đảm trách, cần thiết cho sự vững chắc của chế độ chẳng kém việc đàn áp và dò thám của Bộ Tình Yêu.
Tính đổi thay của quá khứ là trung căn của Anh Xã. Theo lập cứ, những sự kiện xảy ra trong quá khứ không có sự hiện hữu khách quan, chỉ tồn tại trong văn kiện hay ký ức con người. Quá khứ là điều gì tài liệu và ký ức đều thừa nhận. Và vì Đảng có toàn quyền kiểm soát mọi tài liệu cũng như toàn quyền kiểm soát trí óc Đảng viên, do đó quá khứ là điều gì Đảng khiến vậy. Kết quả cũng là mặc dầu quá khứ bị sửa đổi, nó không bao giờ biến chất trong bất cứ trường hợp nào. Vì khi nó đã được tái tạo dưới bất cứ hình thức nào theo nhu cầu đương thời, thuyết mới là quá khứ, và không một quá khứ nào khác đã từng được có bao giờ. Luận điệu này vẫn vững ngay khi, như thường xảy ra, cùng một sự kiện bị sửa đi sửa lại nhiều lần trong năm đến nỗi không thể nhận ra được. Lúc nào Đảng cũng nắm trong tay sự thật tuyệt đối, và hiển nhiên sự tuyệt đối không bao giờ khác nay. Ta sẽ thấy rằng sự kiểm soát quá khứ trên hết tùy thuộc sự huấn luyện trí nhớ. Khiến chắc mọi văn kiện trùng hợp với sự chính thống nhất thời chỉ là một hành động máy móc. Còn cần phải nhớ rằng sự kiện đã xảy ra theo cách muốn. Và nếu cần phải sắp lại kỷ niệm hay sửa lại văn kiện, cũng cần phải quên mình đã làm vậy. Phép quên đó có thể học được như bất cứ thuật tinh thần nào khác. Nó được luyện bởi phần lớn Đảng viên, và chắc chắn bởi hết những kẻ vừa thông minh vừa chính thống. Theo Ngôn Cũ nó được gọi một cách trắng trợn là "kiểm soát thực tế". Theo Ngôn Mới nó là ý đôi, tuy ý đôi có nghĩa rộng hơn thế.
Ý đôi chỉ khả năng giữ đồng thời trong tâm trí hai niềm tin trái nghịch nhau và chấp nhận cả hai. Nhà trí thức của Đảng biết ký ức của mình phải biến đổi theo chiều hướng nào; do đó họ biết họ đùa với thực tế, nhưng nhờ thi triển ý đôi họ cũng tự an lòng đã không xúc phạm thực tế. Quá trình này phải được ý thức kẻo không được thực hành với đủ chính xác, nhưng nó cũng cần sự vô ý thức kẻo mang theo mặc cảm giả dối và tội lỗi nối tiếp. Ý đôi nằm ngay trong lòng Anh Xã, và tác động cốt yếu của Đảng là vừa sử dụng tính lừa bịp có ý thức vừa lưu giữ sự bền chí đi đôi với tính trung thực trọn vẹn. Cố ý nói dối trong khi tin thực vào lời nói dối, quên đi bất cứ sự kiện nào đã trở thành bất tiện, rồi, khi lại thấy cần, lôi sự kiện đó ra khỏi quên lãng đúng đủ thời gian cần thiết, chối bỏ sự hiện hữu của thực tế khách quan đồng thời kể đến thực tế do mình chối bỏ — toàn quá trình đó là một sự tất yếu nhất thiết. Ngay lúc dùng từ ý đôi cần phải thi triển ý đôi. Vì sử dụng từ đó tức là công nhận mình gian lận với thực tế; nhờ một sự thực hành ý đôi mới, có thể xóa bỏ sự hiểu biết này, và cứ như vậy mãi mãi với sự dối trá đi trước sự thật một bước. Tận cùng nhờ ý đôi Đảng đã có thể — và có lẽ, theo như ta biết, tiếp tục có thể trong hàng ngàn năm — khiến dòng lịch sử ngưng đọng.
Mọi quả đầu chế trong quá khứ đã mất quyền, hoặc vì bị cốt hóa, hoặc vì trở nên nhu nhược. Hoặc họ đâm ngu độn và ngạo nghễ, không biết tự sửa cho hợp với biến cảnh rồi bị lật đổ; hoặc họ đâm cởi mở và nhút nhát, nhượng bộ khi phải dùng võ lực, rồi cũng bị lật đổ. Có thể nói, họ bị hạ hoặc bởi sự có ý thức, hoặc bởi sự vô ý thức. Thành quả của Đảng là đã dựng lên một hệ thống tư tưởng trong đó cả hai điều kiện có thể cùng tồn tại. Và nền thống trị của Đảng, muốn vĩnh cửu, không thể dựa trên một căn bản tinh thần khác. Nếu muốn cai trị và tiếp tục cai trị phải biết phân tán óc thực tế. Bởi bí quyết của sự cầm quyền là phối hợp niềm tin nơi tính vô quá của chính mình với khả năng rút bài học từ những lầm lỗi qua.
Chẳng cần phải nói, những kẻ xử dụng ý đôi một cách tinh tế nhất là những kẻ đã sáng chế ra ý đôi và biết nó là một hệ thống gian lận tinh thần rộng lớn. Trong xã hội chúng ta, những kẻ biết nhiều nhất những sự xảy ra cũng là những kẻ ít thấy rõ nhất thực trạng của thế giới. Thông thường, sự hiểu biết càng rộng, ảo tưởng càng lớn; càng thông minh, càng loạn trí. Một bằng chứng hiển nhiên là óc cuồng chiến tăng cường độ với sự thăng tiến trên bực thang xã hội. Những kẻ có thái độ gần như hợp lý nhất đối với chiến tranh là những dân bị đô hộ tại các vùng đất tranh giành. Trong quan điểm họ, chiến tranh chỉ là một tai họa liên tục quét đi quét lại tấm thân họ như thể một đợt sóng triều. Phe nào thắng hay bại là một vấn đề hoàn toàn dửng dưng đối với họ. Họ thừa hiểu rằng một sự thay đổi bá chủ chỉ có nghĩa là họ sẽ làm việc y như trước cho chủ mới và chủ mới sẽ đối xử với họ y hệt chủ cũ. Đám dân lao động được ưu đãi hơn một chút mà chúng ta gọi là "dân đen" chỉ có ý thức từng cơn về chiến tranh. Khi cần có thể dồn họ vào cơn cuồng hãi và cuồng hận, nhưng được để yên, họ có thể quên bẵng thật lâu sự đang hiện hữu của chiến tranh. Chỉ trong hàng ngũ của Đảng, và trên hết tại Đảng Trong, mới thấy được lòng hăng hái say chiến tranh thực sự. Sự chinh phục thế giới được tin chắc vào nhất bởi những kẻ biết không thể đạt được nó. Mối liên lạc đặc biệt của hai nghịch trạng — sự hiểu biết với sự ngu xuẩn, sự vô luân với sự cuồng tín — là một trong những điểm đặc trưng của xã hội Đại Dương. Chủ thuyết chính thức đầy rẫy mâu thuẫn ngay khi không có lý do thực tiễn khiến phải mâu thuẫn. Nên chi, Đảng bác bỏ và chê bai mọi nguyên tắc do phong trào xã hội khởi xướng, nhưng Đảng chọn làm như vậy nhân danh thuyết xã hội. Đảng giảng dạy một sự khinh khi dân lao động chưa từng thấy qua các thế kỷ, nhưng Đảng bắt Đảng viên mặc một bộ đồng phục có thời dành riêng cho dân thợ thuyền và vì lẽ đó được chấp nhận. Đảng triệt để ngầm phá tình đoàn kết trong gia đình, nhưng Đảng gọi vị lãnh đạo của mình bằng một tên trực tiếp nhắc đến lòng trung đối với gia đình. Ngay cả tên của bốn Bộ cai trị chúng ta cũng phô bày một tính trâng tráo trong sự cố ý đảo lộn sự tình. Bộ Hòa Bình liên hệ với chiến tranh, Bộ Sự Thật với sự dối trá, Bộ Tình Yêu với sự tra tấn và Bộ Sung Túc với sự đói kém. Những mâu thuẫn trên không ngẫu nhiên mà cũng không là kết quả của tính giả dối thường tình, đó là những sự quyết tâm thực hành ý đôi. Bởi phải dung hòa các mâu thuẫn mới giữ vững được quyền hành. Không thể phá vỡ được chu trình cũ bằng cách nào khác. Nếu muốn tránh hẳn sự bình đẳng giữa con người — nếu Thượng Lưu, như ta gọi giới cầm đầu, muốn giữ mãi mãi địa vị của mình — thì điều kiện tinh thần át trội phải là trạng thái điên loạn kiềm chế.
Nhưng có một câu hỏi mà cho tới lúc này chúng ta gần như bỏ qua. Đó là tại sao lại phải tránh sự bình đẳng giữa con người ? Cho là cơ chế quá trình đã được mô tả đúng, đâu là động cơ của sự cố gắng lớn lao có kế hoạch kỹ càng hòng làm ngưng đọng lịch sử tại một đặc điểm thời gian ấy ?
Đây chúng ta đụng phải điều bí mật trọng yếu. Như chúng ta đã thấy, tính thần bí của Đảng, và trên hết của Đảng Trong, tùy thuộc ý đôi. Nhưng nằm sâu hơn ở dưới là động cơ nguyên thủy, cái bản năng không bao giờ bị đặt thành vấn đề đã đầu tiên đưa đến sự giành quyền và mang lại ý đôi, Cảnh Sát Tư Tưởng, chiến tranh liên tục, và các trò tạp nhạp cần thiết khác. Động cơ đó thật ra là...
Winston chợt nhận thức sự im lặng như người bỗng để ý đến một âm thanh mới. Anh có cảm tưởng Julia im tiếng từ khá lâu. Nàng nằm nghiêng, cởi trần từ eo trở lên, má gối trên tay, một lọn tóc đen phủ xòa xuống mắt. Ngực nàng phập phồng chậm chạp và đều đặn.
"Julia."
Không có tiếng trả lời.
"Julia, em còn thức không ?"
Không có trả lời. Nàng đã ngủ. Anh đóng sách lại, đặt nó cẩn thận trên sàn, nằm xuống và kéo khăn phủ giường lên trên hai người.
Anh nghĩ rằng anh vẫn chưa biết điều bí mật cuối cùng là gì. Anh hiểu như sau; nhưng anh không hiểu tại sao. Chương I cũng như chương III thực ra không cho anh biết điều gì anh chưa biết, nó chỉ hệ thống hóa sự hiểu biết sẵn có của anh. Nhưng đọc nó xong anh hiểu rõ hơn trước anh không điên. Thuộc về một thiểu số, dù là một thiểu số có một người, không có nghĩa là điên. Có sự thật và sự không thật, và nếu mình bám vào sự thật dù là chống lại toàn thể thế giới, mình không điên. Một ánh vàng từ mặt trời xế tàn len qua cửa sổ rớt xuống gối. Anh nhắm mắt lại. Mặt trời trên mặt anh và tấm thân mịn màng của cô gái sát người anh gây trong anh một cảm giác mạnh mẽ, êm ru và tự tín. Anh được an toàn, mọi sự tốt đẹp. Anh vừa thiếp đi vừa lẩm bẩm: "Trí lành mạnh không thuộc sự thống kê," với cảm tưởng nhận xét này chứa đựng một đạo lý sâu xa.
Khi anh tỉnh dậy anh có cảm giác anh đã ngủ một giấc dài, nhưng một cái liếc vào chiếc đồng hồ cũ kỹ cho anh biết mới có hai mươi giờ ba mươi. Anh nằm ngủ gà một lúc; rồi tiếng hát to vang thường lệ vọng từ dưới sân lên:
Đó chỉ là một giấc mơ vô vọng,
Thoáng qua như một ngày xuân,
Nhưng một cái nhìn, một tiếng nói với mộng vàng theo đó
Đã cướp đi mất trái tim tôi !
Bài hát lẩm cẩm có vẻ vẫn được ưa chuộng. Vẫn nghe thấy nó khắp nơi. Nó sống lâu hơn bản Hận Ca. Julia thức dậy với tiếng hát, khoan khoái vươn mình rồi ra khỏi giường.
"Em đói," nàng nói. "Mình làm thêm một ít cà phê đi. Chết chửa ? Bếp tắt rồi và nước lạnh nguyên." Nàng nhấc bếp dầu lên lắc. "Hết dầu bên trong."
"Anh nghĩ thường mình có thể xin già Charrington một ít."
"Lạ là em đã canh chừng cho bếp đầy dầu. Em phải mặc áo quần vào mới được," nàng nói tiếp. "Trời có vẻ lạnh hơn."
Winston cũng đứng dậy mặc quần áo. Tiếng hát không biết mệt tiếp tục:
Người ta nói thời gian hàn mọi sự,
Người ta nói mình luôn luôn quên được;
Nhưng nụ cười với nước mắt bao năm
Vẫn quặn đau phím sợi cõi lòng tôi.
Anh vừa buộc thắt lưng trên bộ áo liền quần vừa bước ra cửa sổ. Mặt trời chắc đã lặn sau dãy nhà; nó không còn chiếu xuống sân nữa. Các hòn đá lát ướt như thể chúng đã được lau rửa, và anh có cảm tưởng trời cũng đã được rửa vì màu xanh giữa các ống khói quá tươi lạt. Người đàn bà đi qua đi lại không thấy mệt, miệng hết ngậm lại há, khi hát khi im, lấy tã phơi thêm, càng lúc càng nhiều. Anh tự hỏi không hiểu bà ta giặt giũ vì kế sinh nhai hay bà chỉ làm nô lệ cho hai ba chục đứa cháu nhỏ. Julia đã đến cạnh anh, cả hai như bị thôi miên nhìn xuống thân hình vạm vỡ dưới sân. Ngó ngưòi đàn bà trong giáng điệu đặc biệt của bà ta, với đôi cánh tay ụ giương lên phía dây tã, với bộ mông lực lưỡng như mông ngựa, lần đầu tiên anh bỗng thấy bà ta đẹp. Trước đây anh chưa bao giờ nghĩ rằng thân thể một người đàn bà cỡ năm mươi tuổi, sồ sề tới mức quái đản vì sinh đẻ, bị chai cứng và sần sùi vì việc nặng đến độ phát thô tận thớ giống như một củ cải quá chín, lại có thể đẹp được. Nhưng sự thể là vậy, vả lại, anh nghĩ, sao lại không được ? Tấm thân rắn chắc không đường cong y như một tảng đá hoa cương, và làn da ráp đỏ, so với thân hình của một cô gái tựa như quả cây hoa hồng sánh với hoa hồng. Tại sao lại coi quả kém hoa ?
"Bà ta đẹp," anh lẩm bẩm.
"Dễ chừng mông bà ta đo được một thước," Julia nói.
"Đấy là kiểu sắc đẹp của bà ta," Winston đáp.
Anh vòng tay dễ dàng quanh tấm eo mảnh dẻ của Julia. Từ háng tới đầu gối, hông của nàng cọ sát người anh. Từ thân thể họ sẽ không nẩy ra một đứa nhỏ nào. Đó là điều đáng kể họ không bao giờ làm được. Họ chỉ có thể truyền điều bí mật bằng lời nói, từ tâm trí này qua tâm trí kia. Người đàn bà dưới sân không có tâm trí, bà ta chỉ có đôi cánh tay vạm vỡ, một trái tim đầy nhiệt tình, và một cái bụng mắn đẻ. Anh tự hỏi bà ta đã sinh được bao nhiêu con. Dễ thường mười lăm người. Bà ta đã từng có kỳ thanh sắc khai hoa nhất thời của đóa hồng dại, trong khoảng một năm, xong bà ta đã bỗng phình lên như một trái cây màu mỡ, và đâm cứng đỏ thô, để rồi đời sống của bà toàn là giặt giũ, kỳ cọ, vá mạng, bếp nước, quét dọn, lau chùi, gắn sửa, cọ chải, giặt giũ, trước là cho con, sau là cho cháu, suốt ba mươi năm liền. Rốt cuộc bà ta vẫn còn hát. Lòng tôn kính của anh đối với bà lẫn trộn sao đó với cảnh trời lạt không mây duỗi trên không gian vô tận sau các ống khói. Kể cũng lạ khi nghĩ rằng trời y hệt đối với mọi người, tại Âu Á hay ở Đông Á cũng như tại nơi đây. Và dưới bầu trời, dân chúng cũng thật y nhau — khắp nơi, khắp thế giới, hàng trăm ngàn triệu người như thế cả, những người không biết đến sự hiện hữu của nhau, bị ngăn cách nhau bởi bức tường thù hận và dối trá, tuy gần giống nhau như lột — những người dân không bao giờ học nghĩ nhưng tích trữ trong trong tim gan thớ thịt cái sức mạnh sẽ có ngày đảo lộn thế giới. Nếu có hy vọng, nó nằm nơi dân đen ! Không cần đọc đoạn kết của quyển sách, anh biết đó phải là lời ủy thác cuối cùng của Goldstein. Tương lai thuộc về dân đen. Liệu anh có chắc rằng, khi thời đến, thế giới do họ xây dựng sẽ không xa lạ đối với anh, Winston Smith, chẳng kém gì thế giới của Đảng không ? Có chứ, vì ít nhất nó sẽ là một thế giới lành mạnh. Nơi nào có sự bình đẳng, có thể có sự lành mạnh. Chẳng sớm thì muộn, chuyện đó sẽ xảy ra, sức mạnh sẽ biến thành ý thức. Dân đen bất tử, không thể nghi ngờ điều này được khi nhìn vào dáng vóc kiên cường dưới sân. Tận cùng giờ thức tỉnh của dân đen sẽ đến. Và cho tới khi đó, dù phải một nghìn năm nữa, họ sẽ giữ mình sống sót chống mọi vận rủi, như thể chim muông, truyền cho nhau từ thân xác này qua thân xác kia nguồn sinh lực mà Đảng không dự chia được và cũng không sao diệt nổi.
"Em còn nhớ con chim chích chòe hát cho chúng mình hôm đầu tiên đó không, tại ven rừng ấy ?" anh hỏi.
"Nó không hát cho chúng mình," Julia cãi. "Nó hát để tự chiều nó. Không phải thế nữa. Nó chỉ hát, thế thôi."
Chim hát, dân đen hát, Đảng không hát. Khắp quanh thế giới, Tại Luân Đôn hay Nữu Ước, ở Phi Châu hay Ba Tây, tại những đất cấm bí ẩn bên kia biên giới, ngoài phố Ba Lê hay Bá Linh, tại các làng trên đồng bằng Nga vô tận, trong các tiệm tạp hóa ở Trung Hoa và Nhật Bản — khắp nơi đứng sững một bóng người vững chắc không thể khắc phục được, một hình thù trở thành quái dị vì làm lụng và thai nghén, cực nhọc từ ngày sinh đến lúc chết, nhưng vẫn hát. Từ những bộ hông mạnh mẽ đó một giống người có ý thức sẽ có ngày ra đời. Mình là kẻ chết, tương lai thuộc về họ. Nhưng mình có thể tham dự tương lai đó nếu mình biết bảo tồn tinh thần như họ duy trì thể xác, và lưu truyền án lý mật bảo rằng hai cộng hai là bốn.
"Mình là kẻ chết," anh nói.
"Minh là kẻ chết," Julia ngoan ngoãn lặp lại.
"Các ngươi là kẻ chết," một giọng đanh thép cất tiếng đằng sau họ.
Họ nhẩy xa nhau. Ruột Winston như băng lại. Anh có thể thấy lòng trắng bao quanh mống mắt Julia. Mặt nàng quay vàng sữa. Vết phấn đỏ còn điểm má nàng bật hẳn lên làm như chúng không dính líu gì với làn da ở dưới.
"Các ngươi là kẻ chết," giọng đanh thép nhắc lại.
"Ở đằng sau bức tranh," Julia nói như thở.
"Ở đằng sau bức tranh," giọng kia nhái. "Đứng yên tại chỗ ! Không được đụng đậy trước khi có lệnh !"
Sự đã đến, cuối cùng sự đã đến ! Họ không thể làm gì được hơn là đứng nhìn vào mặt nhau. Chạy trốn, ra khỏi nhà trước khi quá muộn — không một ý nào tương tự hiện qua óc họ. Không thể tưởng tới việc bất tuân giọng đanh thép từ tường vọng ra. Có tiếng cách như thể một chốt cửa bị vặn ngược và có tiếng kính vỡ. Bức tranh rớt xuống đất để lộ ra chiếc máy truyền hình đằng sau.
"Bây giờ chúng nhìn thấy được mình," Julia nói.
"Bây giờ chúng ta nhìn thấy được các ngươi," giọng nói tiếp lời. "Đứng ra giữa phòng. Xây lưng lại nhau. Khoanh tay sau đầu. Không được đụng vào nhau."
Họ không đụng vào nhau, nhưng anh tuồng như cảm thấy được sự run rẩy của thân thể Julia. Hay có lẽ đó chỉ là sự run rẩy của chính người anh. Anh có đủ sức ngăn được răng anh khỏi đánh lập cập, nhưng anh không kiềm chế nổi đầu gối anh. Có tiếng giầy ống thình thịch ở dưới, trong nhà và ngoài nhà. Sân hình như đầy người. Có vật gì bị kéo lê trên đá lát. Tiếng hát của người đàn bà đã vụt tắt. Có tiếng lăn ầm dài như thể chậu giặt bị quẳng qua sân, rồi có tiếng giận dữ hỗn độn kết cục bằng một tiếng kêu đau đớn.
"Nhà bị vây," Winston nói.
"Nhà bị vây," giọng nói lặp lại.
Anh nghe thấy Julia nghiến răng lại: "Em nghĩ mình nên từ giã nhau đây cho phải," nàng nói.
"Các ngươi từ giã nhau đi là đúng," giọng nói tiếp lời. Rồi một giọng nói khác hẳn, một giọng nhẹ, có học, mà Winston có cảm tưởng đã nghe được trước đây, xen vào; "Và nhân tiện, đương lúc còn câu chuyện, "Đây là cây nến để đưa anh đi ngủ, đây là thanh đao để chém cái đầu anh." !"
Có vật gì đập vào giường sau lưng Winston. Đầu một cái thang được ném qua cửa sổ đã chạm phải khung giường. Có người chèo qua lối cửa sổ. Có tiếng giầy ống giẫm trên cầu thang. Căn phòng đầy đàn ông lực lưỡng mặc đồng phục đen, chân đi giầy ống bịt sắt, tay cầm dùi cui.
Winston không còn run rẩy nữa. Ngay mắt, anh cũng không chớp mấy. Chỉ có một điều hệ trọng: giữ bình tĩnh, giữ bình tĩnh, không cho chúng cớ để đánh mình ! Một tên có bộ quai hàm nhẵn của võ sĩ quyền thuật trên đó cái miệng chỉ là vết gạch, ra đứng trước mặt anh, lắc lư dùi cui giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ với một vẻ đăm chiêu. Winston bắt gặp mắt hắn. Cảm tưởng như ở truồng, với tay để sau đầu và mặt mũi cùng thân thể phơi ra đó, gần như quá sức chịu đựng. Tên võ sĩ lè đầu một cái lưỡi trắng ra liếm chỗ đáng nhẽ là môi hắn, rồi bước qua mặt anh. Có một tiếng ầm khác. Có kẻ đã nhấc tấm chặn giấy thủy tinh lên khỏi bàn và đập nó tan thành mảnh trên đá lò.
Mảnh san hô, một vật uốn hồng nhỏ bé như một nụ hồng bằng đường gắn trên bánh ngọt, lăn qua tấm chùi chân. Nó nhỏ bé làm sao, Winston nghĩ, nó vẫn nhỏ bé làm sao ! Có tiếng hổn hển và tiếng đấm đằng sau anh, và anh bị đá mạnh vào đầu gối suýt mất thăng bằng. Một tên đàn ông đã đấm vào nhật tùng Julia, làm nàng gấp người lại làm hai như một cái thước kẻ bỏ túi. Nàng dãy dụa trên sàn cố lấy lại hơi. Winston không dám quay đầu lại dù chỉ một ly nhỏ, nhưng thỉnh thoảng gương mặt tái mét hổn hển của nàng hiện trong góc thị giác anh. Ngay trong cơn hãi hùng, cơ hồ anh cảm thấy đau đớn trong chính người anh, nhưng nỗi đau chết điếng không khẩn cấp bằng sự tranh đấu lấy lại hơi. Anh biết thế là thế nào; nỗi đau đớn ghê gớm dồn dập vẫn nằm đó nhưng chưa được thấy đau vì trước hết phải thở được đã. Rồi có hai tên đàn ông nắm vai và đầu gối nàng kéo nàng dậy, lôi nàng như một cái bị ra khỏi phòng. Winston thoáng thấy mặt nàng rũ xuống, vàng và quẹo lại, đôi mắt nhắm nghiền, vết phấn đỏ vẫn nguyên trên má, và đó là hình ảnh cuối cùng của nàng mà anh được thấy.
Anh đứng chết lặng. Chưa ai đánh anh. Nhiều tư tưởng tự động nhưng hình như hoàn toàn vô tích sự bắt đầu xuyên qua óc anh. Anh tự hỏi không biết chúng đã bắt ông Charrington chưa. Anh tự hỏi chúng đã đối xử ra sao với người đàn bà ngoài sân. Anh thấy buồn đi tiểu hết sức, và hơi lạ vì anh mới đái hai ba giờ trước. Anh để ý thấy đồng hồ trên bàn sưởi chỉ vào số chín, có nghĩa là hai mươi mốt giờ. Nhưng ánh sáng có vẻ quá mạnh. Ánh sáng không giảm độ vào lúc hai mươi mốt giờ vào một buổi chiều tháng tám sao ? Anh tự hỏi liệu anh và Julia đã nhầm giờ chăng — đã ngủ cả thời gian kim đồng hồ quay tròn và nghĩ rằng bây giờ là hai mươi mốt giờ trong khi thực ra đã là tám giờ ba mươi sáng ngày hôm sau. Nhưng anh không nghĩ xa hơn. Không thú vị gì.
Có tiếng bước khác, nhẹ hơn, trong lối đi. Ông Charrington vào phòng. Bộ điệu của mấy tên đàn ông mặc đồng phục đen bỗng thuần hơn. Cũng có cái gì thay đổi trong dáng điệu của ông Charrington. Mắt ông nhìn vào những mảnh chặn giấy thủy tinh.
"Nhặt các mảnh kia lên !" ông nói sẵng.
Một tên cúi xuống tuân lệnh. Giọng nói bình dân đã biến mất; Winston chợt hiểu anh đã nghe thấy giọng nói của ai mấy lúc trước trong máy truyền hình. Ông Charrington vẫn mặc chiếc áo khoác nhung cũ, nhưng tóc ông, trước đây gần bạc, đã hóa ra đen. Thêm vào ông không còn đeo kính. Ông ta đưa mắt sắc bén nhìn Winston có một lần như để kiểm tra căn cước anh, rồi không thèm để ý đến anh nữa. Ông ta vẫn dễ nhận ra, nhưng không còn là người cũ nữa. Thân hình ông ta đã thẳng lại và có vẻ lớn hơn. Mặt ông ta thay đổi rất ít, song le những thay đổi nhỏ đã làm ông hóa dạng hẳn. Cặp lông mày đen ít rậm hơn, những nét nhăn đã biến mất, các nét mặt dường như đã khác biệt; ngay cả mũi trông như ngắn hơn. Đó là khuôn mặt lanh lợi, lạnh lùng của một gã đàn ông chừng ba mươi nhăm tuổi. Winston sực nghĩ rằng lần thứ nhất trong đời anh, anh nhìn thấy và nhận ra một viên Cảnh Sát Tư Tưởng.