Phần IV
Tác giả: Gérard de Nerval
Mấy năm đã trôi qua: cái thuở tôi gặp Adrienne trước cung điện, chỉ còn là một kỷ niệm tuổi thơ. Tôi về tới Loisy trong giờ lễ thành hoàng. Tôi sắp sửa xen vào nhập bọn với các ngài hiệp sĩ bắn cung, chiếm lại cái chỗ xưa kia tôi từng giữ. Nhiều thanh niên thuộc những thế gia vọng tộc còn sở hữu tại đây nhiều cung điện mất hút trong rừng xanh, từng chịu khốn đốn nhiều về thời gian hơn là vì những cuộc cách mạng, họ đã tổ chức buổi hội. Từ Chantilly, từ Compiègne và từ Senlis, đổ xô về bao nhiêu những đoàn kỵ mã vui nhộn tưng bừng, tới chiếm chỗ trong đám rước quê mùa của những đội bắn cung. Sau cuộc dạo chơi kéo dài dậm duộc qua những làng xã, những thị trấn, sau lễ mi sa tại nhà thờ, sau những cuộc thi tài xảo diệu và cấp phát phần thưởng xum xuê, những kẻ thắng cuộc được vời tới dự tiệc tổ chức tại một hòn đảo dưới bóng bạch dương, ở giữa một trong mấy mặt hồ dào dạt nước, do giòng Nonette và La Thève dẫn về. Những chiếc ghe có kết cờ sặc sỡ đưa chúng tôi tới đảo - đảo này được chọn lựa là do sự hiện hữu của một cái đền hình thuẫn, khả dĩ dùng làm phòng yến tiệc. Tại đó, cũng như tại Ermenonville, đất đai có thiết lập rải rác những lâu đài nho nhỏ thuộc thời hậu bán thế kỷ mười tám, tại đó những triết gia triệu phú đã hoạch định kiến trúc thể theo cái “gu” thời bấy giờ. Tôi tưởng rằng ngôi đền đó, ban sơ được tạo lập là để cung hiến cho nữ thần Uranie. Ba cột trụ đã nhào đổ, và kéo luôn vào trong cơn lông lốc một phần mấy đầu cột, nhưng người ra đã dọn dẹp phía trong căn phòng, đã treo những tràng hoa ngang dọc giữa các cột trụ, người ta đã trang điểm cho thanh tân cái cõi phế tích nọ của thời nay – đã thuộc quyền sử hữu của ngẫu tượng giáo Boufflers hoặc Chaulieu hơn là ngẫu tượng giáo Horace.
Cuộc vượt hồ đã được nghĩ ra có lẽ là cốt khơi dẫn lại kỷ niệm Du lịch tới Cythère của họa sĩ Watteau. Chỉ duy có y phục kim thời của chúng tôi là làm tan đi ảo tưởng nọ. Bó hoa khổng lồ của buổi hội, lôi từ chiếc xe chở đi, đã được đặt lên một chiếc ghe lớn; đám phụ nữ vận y phục trắng lũ lượt theo sau, lần lượt lên thuyền, và đoàn đại biểu các thị thành dự cuộc cạnh kỹ Cổ Hy Lạp của thời nay, đoàn đại biểu kiều diễm nọ nghiêng bóng mình đìu hiu soi trên mặt hồ tịch mịch, chia biệt các nàng với bờ bến ốc đảo dưới ánh tịch dương rạng rỡ, với những vòm sơn trà tử rậm rì, những cột trụ chơ vơ, và những nhánh cành phơ phất. Chẳng bao lâu, các ghe thuyền đã cập bến. Cái giỏ điển lễ huy hoàng đã chiếm trung tâm bàn tiệc, và mỗi người chiếm mỗi chỗ ngồi, bốn xung quanh vây bọc, những trai tơ nào được ưu đãi thì được ngồi sát cạnh những gái tơ: muốn được như vậy, chỉ cần một điều kiện thôi: được cha mẹ các cô quen biết. Đó là nguyên do xui giục tôi ngồi cạnh Sylvie. Người anh của cô nàng đã tới giáp mặt tôi trong buổi hội, và sừng sộ tôi một tua, hỏi bấy nay tại mần răng mà bỏ đi biền biệt không về thăm viếng một trận nào cả để cho anh mòn con mắt mà trông mong. Tôi đề huề phân giải: vì việc học tập nó cầm chân tôi ở lại Paris, và bảo chắc chắn với anh rằng lần này tôi về đây là cốt viếng thăm gia đình anh vậy. Sylvie nói: “Không, anh ấy không quên gia đình mình. Anh ấy chỉ quên em mà thôi: em quê mùa cục mịch, phận em thì thấp, mà thủ đô Paris thì cao ráo tới mây xanh đó mà!” Tôi muốn ôm nàng hôn một cái để bịt miệng nàng lại, nhưng nàng hờn dỗi ngoảnh lơ đi, và người anh của nàng phải can thiệp vào, nàng mới chịu đưa má ra cho tôi hôn, đưa ra với một vẻ mặt thật là hờ hững. Tôi chẳng thấy lòng hân hoan chút nào hết với cái hôn mà bảo kẻ khác cũng được cấp phần ân huệ, bởi vì trong cái xứ thuần phác thiên nhiên này, mọi người qua đường đều được chào hỏi, thì một cái hôn chỉ là một chút quá lễ độ trao cho nhau giữa những con người phong thể biết điều ăn ở thị phi.
Một chuyện bất ngờ đã được dàn xếp sẵn bởi những người chủ trì buổi hội. Cuối bữa tiệc, một con thiên nga hoang vu bỗng tung cánh bay ra từ một cái giỏ mây, ấy thật bất ngờ, vì từ trước người ta cột kỹ giấu kín nó dưới những chùm bông tươi tốt. Nó tung bay một trận với đôi cánh mạnh mẽ, vút ra một cái, thì bao nhiêu tràng hoa chuỗi lá xáo xạc bay tán loạn ra bốn bên. Trong khi nó vút thẳng lên trời, hướng về những bóng hoàng vân phất phơ ánh chiều, thì chúng tôi đưa tay vớ bừa những vòng hoa xiêu lệch, và mỗi đứa mỗi thuận tay đưa vòng hoa trang điểm lên vầng trán một cô gái ở bên mình. Tôi may mắn nắm được một vòng hoa thật đẹp, thế là, lần này cô Sylvie, lần nay nguyên vẹn, không còn chia sớt cho ai, nàng ngày nay đã hóa thành kiều lệ hết sức! Ngày nay nàng không còn là cái cô gái nhỏ thôn làng thang lan điền dã, mà xưa kia đã có lần tôi khi dễ, và để lòng tê mê vì một kẻ lớn hơn. Mọi thứ nơi người nàng đều đã phát tiết tinh anh đầy đủ: cái diễm lệ của đôi mắt đen, cái kiều diễm của làn mi tha thướt, của vòng cong lá liễu lông mày, xưa kia đã quyến rũ rồi, và ngày nay đã trở thành xiết bao hấp dẫn. Cái nụ cười lum lúm thanh tân chợt làm sáng ngời gương mặt những đường nét đều đặn như gái Athénienne xưa. Tôi thán phục quý chuộng cái khuôn mặt tuyết bạch nọ, xứng đáng với nghệ thuật thái cổ ban sơ, giữa bao nhiêu dung mạo dấm dớ của các cô gái bên cạnh nàng, Những bàn tay ngón tơ mưng duỗi duỗi, những cánh tay từ độ tròn trịa ra, cũng đề huề trắng mượt dần dần cho tới bây giờ đã ngọc ngà ra trong tròn trịa. Cái thân hình uyển chuyển dong dỏng, đã làm cho các nàng khác hẳn ngày xưa, tôi nào đã thấy thế bao giờ. Tôi không cưỡng lại nổi, bèn nói cho nàng hay rằng nàng không còn giống như nàng nữa, nàng khác biệt xiết bao, ấy cũng là hy vọng xóa tan đi cơn phụ bạc một giờ xưa kia ấy.
Mọi sự càng thuận lợi cho tôi nhiều: tình thân ái của thằng anh nàng đối với tôi, bầu không khí êm ái thanh tân buổi hội, giờ tĩnh mịch chiều hôm, và cái chốn ốc đảo hoang vu, mà người tổ chức buổi hội đã tài tình phong vận biến đổi nó ra hình hài vang bóng những hội hè trang trọng thời xưa. Chúng tôi tìm mọi cách để thoát khỏi cuộc khiêu vũ múa vòng, để có thể trò chuyện về những kỷ niệm tuổi thơ, và để cùng đăm chiêu ca ngợi những ánh trời rạng trên bóng cây và trên mặt hồ ngọc. Người anh của Sylvie phải bước tới, xốc chúng tôi ra khỏi vòng lung trạo của nguồn cơn chiêm niệm ngậm ngùi, bảo rằng: đêm đã khuya, phải liều liệu mà quay về làng xa xôi mẹ cha mong đợi.