Pi-nô-ki-ô, anh chàng lắm mưu mẹo
Tác giả: Gianni Rodari
Ngày xửa ngày xưa, có một chàng Pi-nô-ki-ô. Không phải là Pi-nô-ki-ô mà các bạn đã biết, mà một Pi-nô-ki-ô khác kia. Nó cũng bằng gỗ, nhưng không phải cùng một Pi-nô-ki-ô đó.
Nó không phải do Ghêp-pet-tô làm ra, mà nó tự tạo ra nó.
Nó cũng nói dối như con rối nổi tiếng, và cứ mỗi lần nó nói dối, thì mũi của nó dài ra trông thấy, tuy nó là một Pi-nô-ki-ô khác. Có một điều rất thật là khi mũi nó dài ra, thay vì run sợ khóc lóc cầu cứu Bà Tiên Xanh, thì nó lại cầm con dao hay cái cưa cắt béng đầu mũi.
Cái mũi bằng gỗ mà. Vì thế nó chẳng thấy đau đớn gì cả!
Vì nó nói dối nhiều quá, nên chẳng mấy chốc, nhà nó chất đã đầy gỗ.
Nó nói:
- Thật kinh khủng. Với tất cả số gỗ đó, ta sẽ đóng các đồ bằng gỗ, khỏi phải trả tiền công thợ mộc.
Nó vốn là một thằng rối gỗ can đảm. Nó bắt tay ngay vào việc đóng một cái giường, một cái bàn, một cái tủ, ghế, kệ sách, ghế dài. Cuối cùng, khi nó đóng giá để đặt ti vi thì nó thiếu gỗ.
- Mình hiểu rồi, - nó nói, - Phải nói một điều gì đó thật vô lý.
Nó vội vàng ra khỏi nhà, tìm một người nào đó. Nó thấy một người nông dân nhỏ bé đang đi tới, chân nhảy nhót trên vỉa hè. Đó quả là một người thật thà như đếm.
- Chào bác. Bác có biết hôm nay bác gặp rất nhiều may mắn không?
- Tôi ấy à? Sao thế nhỉ?
- Bác vẫn chưa biết à? Bác đã trúng số một trăm triệu đồng. Họ mới vừa thông báo trên đài đấy!
- Có lẽ nào...
- Tại sao lại không thể được? Xin lỗi bác nhé, tên bác là gì ạ?
- Tôi là Lê-long.
- Thế thì đúng rồi, họ xướng tên bác trên đài đấy! Đúng tên Lê-long. Bác làm nghề gì ạ?
- Tôi bán giò chả, sách vở, đèn dầu ở Saint Georges du Haut.
- Thế thì không còn nghi ngờ gì cả. Đúng bác là người thắng cuộc. Cháu nhiệt liệt chúc mừng bác...
- Cám ơn, cám ơn...
Ông Lê-long nửa tin nửa ngờ. Nhưng ông cũng cảm thấy bứt rứt, phải vào quán uống một ly nước. Sau khi uống xong, ông mới nhớ lại rằng ông chưa bao giờ mua vé số, chắc có một sự nhẫm lẫn gì đây. Còn Pi-nô-ki-ô thì trở về nhà với một vẻ thoả mãn. Cú nói dối này đã làm cho mũi nó dài ra, vừa đủ để làm cái chân cuối cùng của giá. Nó cưa, đóng đinh, bào. Thế là xong việc. Một cái giá như thế, ở thị trường rẻ ra giá cũng 200 frances. Nó đã tiết kiệm được một khoản lớn.
Khi làm xong phần nội thất, nó quyết định mở cửa hàng buôn bán.
- Ta sẽ bán đồ gỗ, ta sẽ trở nên giàu có.
Thật vậy, nó nói dối một cách vô liêm sỉ đến mức, chỉ trong một thời gian ngắn nó đã trở thành chủ một xí nghiệp lớn, sử dụng một trăm công nhân và mười hai kế toán. Nó mua bốn xe con và hai xe tải. Xe tải không dùng để chở nó đi chơi, mà chở gỗ. Nó xuất khẩu đồ gỗ ra nước ngoài, sang cả nước Đức và nước Cô-can.
Nó cứ nói dối, nói dối mãi, và mũi nó cứ mọc dài ra. Pi-nô-ki-ô ngày càng giàu có. Từ nay nó phải sử dụng trong xí nghiệp ba ngàn năm trăm công nhân và bốn trăm hai mươi kế toán.
Dần dần, trí tưởng tượng của nó cũng nghèo đi. Để tìm được điều nói dối mới, nó phải đi nghe người khác nói dối và ghi chép lại các điều nói dối của người lớn và trẻ con... Nhưng toàn những điều nói dối nhỏ nhặt, mỗi lần chỉ làm cho mũi nó dài ra có vài xăng-ti-mét.
Cuối cùng, Pi-nô-ki-ô quyết định thuê một có vấn trả lương hàng tháng. Ông cố vấn này ngày tám giờ ngồi ở bàn, sáng tác ra các điều nói dối, viết ra giấy, đưa lại cho chủ.
- Hãy nói rằng chính ông đã xây dựng tháp của nhà thờ Đức Bà.
- Hãy nói rằng ông đã đi lên Bắc Cực, trên đó, ông đã đào một cái lỗ, rồi chui vào cái lỗ đó để ra Nam Cực.
Ông cố vấn kiếm sống khá. Nhưng càng nói dối, buổi chiều, ông lại càng đau đầu.
- Hãy nói rằng Mont Blanc (Núi Trắng/Bạch Sơn) là chú của ông.
- Hãy nói rằng voi không ngủ nằm, không ngủ đứng, mà dựng đứng trên cái vòi để ngủ.
- Hãy nói rằng sông Loa-rơ không muốn chảy vào Đại Tây Dương nữa, mà nó muốn chảy vào Ấn Độ Dương.
Từ khi trở nên giàu có bạc triệu, Pi-nô-ki-ô không cưa mũi một mình nữa. Để giúp công việc đặc biệt đó, nó có hai công nhân mang bao tay trắng, trang bị một lưỡi cưa bằng vàng. Nó phải trả tiền cho họ hai lần, một lần cho công việc của họ làm, một lần để họ giữ yên lặng. Thỉnh thoảng, ngày nào kiếm ăn khá, nó còn chiêu đãi họ một chầu nước khoáng nữa.
ĐOẠN KẾT THỨ NHẤT
Pi-nô-ki-ô ngày càng giàu, nhưng không đến nỗi hà tiện. Ví dụ, nó biếu những món quà nhỏ cho ông cố vấn: một cái kẹo bạc hà, một cái gậy bằng gỗ thơm, một con tem Sê-nê-gan...
Đồng bào của Pi-nô-ki-ô rất đỗi tự hào về nó. Họ muốn bầu nó lên làm tỉnh trưởng bằng mọi giá. Tuy nhiên Pi-nô-ki-ô không nhận, vì nó cảm thấy nó không đủ khả năng đảm đương một trách nhiệm nặng nề như vậy.
Người ta nói với Pi-nô-ki-ô:
- Ngài có thể rất có ích cho đất nước.
- Tôi sẽ cố gắng hết sức để được như thế. Tôi sẽ cho xây một trường mẫu giáo, với điều kiện là trường đó mang tên tôi. Tôi sẽ sắm ghế dài cho các vườn hoa công cộng, để người lao động khi về già sẽ đến đó ngồi nghỉ ngơi xả hơi.
- Pi-nô-ki-ô muôn năm! Pi-nô-ki-ô muôn năm!
Mọi người rất hài lòng về nó và quyết định dựng cho nó một bức tượng bằng đá, đặt ở quảng trường Chính. Tượng Pi-nô-ki-ô cao ba mét, đang đưa tiền cho một em bé mồ côi cao chín mươi lăm xăng ti mét. Ngày khánh thành bức tượng, người ta còn mời dàn nhạc đến. Lại còn bắn pháo hoa nữa.
Đó là một ngày hội không thể nào quên được.
ĐOẠN KẾT THỨ HAI
Pi-nô-ki-ô ngày càng giàu, và càng giàu có thì nó càng hà tiện. Ông cố vấn của nó đã quá mệt mỏi vì phải sáng tác ra các điều nói dối mới, thỉnh thoảng, cũng có yêu cầu nó tăng lương. Nhưng Pi-nô-ki-ô luôn tìm cách từ chối:
- Này, ông nói nhiều quá đấy. Hôm qua ông chỉ sáng tác ra một điều nói dối đáng giá có bốn xu, mũi của tôi chỉ dài ra có mười hai mi-ti-mét. Mười hai mi-li-mét gỗ, chưa làm được một cái tăm.
Ông cố vấn gầm lên:
- Tôi phải nuôi cả gia đình, giá khoai tây lại tăng.
- Nhưng giá bánh lại hạ xuống. Ông hãy mua bánh thay cho khoai tây vậy.
Ông cố vấn căm ghét tên chủ. Từ chỗ căm ghét ấy, ý muốn trả thù đã nảy sinh.
- Ta sẽ cho lão biết tay.
Ông ta vừa lẩm bẩm vừa viết nguệch ngoạc trên xấp giấy dùng hàng ngày, với vẻ hằn học.
Và thế là, gần như không định trước, ông viết: "Cac-lô Cô-lô-đi là tác giả các cuộc phiêu lưu của Pi-nô-ki-ô."
Tờ giấy đó được để lẫn lộn với các tờ giấy khác. Pi-nô-ki-ô, vốn là người cả đời không đọc một cuốn sách, nghĩ rằng đó cũng là một điều nói dối mà nó cần phải ghi nhớ lại, để tung ra nói với người gặp nó đầu tiên.
Thế là lần đầu trong đời, chỉ vì dốt nát mà nói nó thật. Và vừa nói xong, tất cả các gỗ được tạo ra từ các điều nói dối đều rơi xuống thành cát bụi, của cải đã tan tành biến mất như bị gió quét đi. Pi-nô-ki-ô lại trở về với cuộc sống nghèo đói, trong căn nhà trống, không có cả một cái khăn tay để lau nước mắt.
ĐOẠN KẾT THỨ BA
Pi-nô-ki-ô ngày càng giàu. Nó chắc chắn trở thành người giàu nhất thế giới, nếu một ngày kia, một người nhỏ bé biết mọi sự đời không đến. Thật vậy, người này biết mọi điều, biết mọi của cải của Pi-nô-ki-ô sẽ tan thành mây khói khi mà nó buộc lòng phải nói sự thật.
- Chào ông Pi-nô-ki-ô, xin chào. Phải giữ cẩn thận, đừng bao giờ nói ra sự thật, cho dù sơ ý đi nữa. Nếu không... cuộc chơi sẽ chấm dứt! Ông đã hiểu chưa? Được rồi, tốt lắm. Thế này nhé, cái nhà này có phải của ông không?
- À, à... không.
Pi-nô-ki-ô trả lời.
- Thế thì tôi lấy. Cái nhà này hình như người ta làm để dành cho tôi. Các xí nghiệp này có phải của ông không?
- À, à... không.
Pi-nô-ki-ô buộc lòng phải nói như vậy, để khỏi nói sự thật.
- Tốt lắm! Thế thì của tôi tất cả.
Bằng cách như vậy, người đó chiếm hết, xe cộ, nhà cửa, tivi, cái cưa bằng vàng. Pi-nô-ki-ô càng trở nên ỉu xìu, nhưng dù có bị cắt lưỡi, nó cũng không dám nói lên sự thật.
Cuối cùng, con người nhỏ bé đó hỏi:
- Cái mũi này có phải của ông không?
Pi-nô-ki-ô bật lên:
- Chắc chắn là của tôi. Không được lấy mũi của tôi, ai lấy mũi của tôi hãy coi chừng!
- Đó là sự thật!
Người nhỏ bé vừa cười vừa kêu lên.
Đúng lúc đó, tất cả gỗ của Pi-nô-ki-ô đều biến thành mạt cưa, của cải biến thành bụi. Một ngọn gió lớn thổi đến, cuốn theo mọi thứ, kể cả con người bí mật nhỏ bé nọ. Pi-nô-ki-ô lại sống đơn độc, nghèo túng, không có cả một cái kẹo chống ho để cho vào miệng.
Lời tác giả:
Đoạn kết thứ nhất làm cho thất vọng vì thật là điều không đúng khi Pi-nô-ki-ô, kẻ lắm mưu mẹo sau tất cả những hành động bất lương, lại được khoản đãi như một người làm phúc. Tôi lưỡng lự giữa đoạn kết thứ hai, khá trí tuệ, với đoạn kết thứ ba, khá dữ dằn.