Chương 3
Tác giả: Gordon Livingston
T heo kinh nghiệm của tôi, các bác sĩ vật lý trị liệu đã lãng phí quá nhiều thời gian để cố thuyết phục mọi người không cư xử một cách phi lý, bệnh hoạn hay có vẻ khó hiểu. Chẳng hạn như một người vừa đi làm việc về và câu đầu tiên anh ta buột ra là: «Trời ơi, chỗ này bừa bộn quá!». Con cái anh ta bỏ đi còn bà vợ, cũng vừa đi làm về lại còn phải đi đón con, phát khùng lên. Buổi tối hôm đó là một sự khởi đầu tồi tệ. Khi nghe câu chuyện này, ông bác sĩ bèn phê phán rằng thật sai lầm khi bạn phê bình một người vợ đang mệt mỏi sau một ngày làm việc dài lê thê. Ai cũng đồng ý rằng điều quan sát của ông bác sĩ là đúng nhưng anh chồng không thay đổi được thói quen đó của mình, đơn giản là anh ta chỉ thay đổi vấn đề sẽ bị đưa ra phê phán mà thôi. Hai con người đó cứ tiếp tục chung sống trong sự bất hạnh và sự xung đột của họ vẫn tiếp tục.
Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Tại sao người ta không chịu hiểu rằng phê phán chỉ tạo ra sự bất hạnh và những hậu quả xấu? Tất nhiên là không thể có câu trả lời duy nhất cho vấn đề này, bởi vì khi ta phải đương đầu với những thói quen hay thái độ cư xử đã lâu, lô gích ít khi có hiệu quả. Những điều chúng ta làm, những định kiến là chúng ta đã có sẵn, những xung đột lặp đi lặp lại và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta hiếm khi là sản phẩm của những suy nghĩ có lô gích. Trong thực tế, chúng ta thực hiện các hoạt động trên đời này hầu như trong sự tác động vô thức, hôm nay ta thường làm những điều đã được làm mà không hề có hiệu quả của hôm qua. Người ta thường nghĩ rằng tiến trình học tập hay trưởng thành dần dần sẽ khiến chúng ta thay đổi lối cư xử của mình để đối phó với những hậu quả không mong đợi. Bất kỳ ai theo dõi một người chơi gôn bình thường lúc anh ta đang chơi sẽ biết rằng điều này là không đúng.
Trong thực tế, đôi khi chúng ta có vẻ như bị kẹt trong lối sống không có hiệu quả mà không chịu nhớ tới câu cách ngôn mà người ta thường dạy ở trong quân đội: Nếu một điều không có hiệu quả, bạn hãy nghi ngờ nó. Những mục đích và các thói quen nằm ẩn phía sau hầu hết những cư xử của chúng ta hiếm khi đi theo lô gích; chúng ta thường bị điều khiển theo cảm hứng, các định kiến và những cảm xúc mà chúng ta chỉ lờ mờ nhận biết.
Trong thí dụ đã nói ở trên, người đàn ông về nhà nhưng thâm tâm đã không hài lòng với công việc của mình hay mệt mỏi vì đi lại. Anh ta mong mỏi có thể kiểm soát phần nào đó cuộc sống vốn cứ rối tung điên khùng của mình. Bước vào nhà, anh ta hy vọng có thể có chốn yên thân thì lại phải đương đầu với những sự lộn xộn và trách nhiệm nhiều hơn. Đó không phải là cuộc sống mà anh ta thường mơ ước. Nhưng liệu ai là người phải chịu trách nhiệm?
Nếu hầu hết cư xử của chúng ta bị cảm xúc chi phối dù chúng có thể mơ hồ đến mức nào, thì khi chúng ta muốn thay đổi bản thân, chúng ta phải có khả năng xác định những nhu cầu cảm xúc của mình và tìm cách để thoả mãn chúng mà không xúc phạm đến những người mà hạnh phúc của họ phụ thuộc vào chúng ta. Nếu chúng ta mong muốn được đối xử tốt và khoan dung (vì hầu hết mọi người chúng ta đều muốn vậy), thì chúng ta cần phải chăm lo cho sự hình thành những đức tính như thế trong chính bản thân mình. Mỗi khi tôi nói chuyện với những cặp vợ chồng đang xung đột, tôi nhận ra rằng những khát khao của họ thật quá giống nhau: được kính trọng, được lắng nghe, được cảm thấy là trung tâm cuộc sống của bạn đời. Liệu chúng ta còn muốn gì hơn thế trong mối quan hệ? Đó chính là cái mà mọi người định nói tới khi họ nghĩ về tình yêu.
Người ta thường nói rằng câu «Muốn nhận thì hãy cho», «Gieo cái gì gặt cái đó» chỉ là những lời nói cửa miệng sáo rỗng. Thế thì cái gì có thể đúng hơn thế? Tại sao điều đó lại khó làm đến thế? Giống như hầu hết những lời giải thích về việc tại sao chúng ta lại hành động như chúng ta đã làm, câu trả lời nằm trong những trải nghiệm của chúng ta trong quá khứ.
Khi còn là trẻ con, chúng ta tự cho mình cái quyền tiếp nhận tình yêu vô điều kiện của cha mẹ. Nhưng rất ít người mà tôi đã tiếp xúc cảm thấy họ đã nhận được tình yêu như vậy. Trái lại, hầu hết ký ức trẻ thơ thường chất đầy cảm giác về một trách nhiệm bắt buộc để «làm cho bố mẹ tôi hài lòng» - bằng những thành công ở trường, tránh xa những rắc rối, kết hôn với người thích hợp và sinh ra các cháu cho ông bà. Thực ra thì nhiều điều trong số đó chính là do các bậc phụ huynh cảm thấy mình phải có trách nhiệm với con cái mình. Bằng cách chấp nhận cuộc sống và sự chăm sóc, trong thực tế, một đứa trẻ cảm thấy mình mắc nợ bố mẹ đến mức chỉ khi chúng đáp ứng lòng mong mỏi của họ, chúng mới có thể trả được món nợ sinh thành này.
Rất nhiều điều đã tạo nên gánh nặng cho việc làm cha mẹ. Bắt đầu bằng việc mang nặng đẻ đau, sự mất ngủ vì nuôi con thơ, trách nhiệm dường như vô hạn để tổ chức cuộc sống, sự căng thẳng trong tuổi vị thành niên của con, lao động khó nhọc để chu cấp cho học phí vào các trường cao đẳng và đại học… Mỗi giai đoạn của cuộc sống là ngọn nguồn của những gì cha mẹ thường phàn nàn, họ coi đó như một sự tử vì đạo. Thế thì liệu có gì đáng ngạc nhiên không khi người ta có thể có cảm giác nào đó về bổn phận đáp lại về phía con cái?
Câu hỏi: «Tôi nợ bố mẹ tôi những gì?» thường giày vò cuộc sống của con người và đôi khi suốt cả khi trưởng thành. Trong thực tế, con cái chúng ta chẳng nợ chúng ta cái gì hết. Chính chúng ta đã quyết định sinh chúng ra đời. Nếu chúng ta yêu chúng và chu cấp cho những yêu cầu của chúng thì đó là vì nghĩa vụ làm cha làm mẹ của chúng ta chứ không phải là một hành động quên mình nào đó. Ngay từ đầu, chúng ta đã biết rằng chúng ta nuôi chúng để rồi chúng sẽ rời bỏ chúng ta và nghĩa vụ của chúng ta là giúp chúng làm điều này mà không cảm thấy nó là gánh nặng do cảm giác về lòng biết ơn vô hạn và món nợ không sao trả nổi.
Những gia đình làm đúng chức năng thường rất khéo cư xử khi cho con ra ở riêng. Những gia đình thực hiện chức năng tồi thường có xu hướng giữ con lại với mình. Khi tôi đến những gia đình có con cái tiếp tục chung sống với bố mẹ, thường là trong sự bất hạnh, mãi không trưởng thành lên, tôi có cảm giác rằng những xung đột và sự lo lắng phải chia lìa cứ bị bàn đi bàn lại mà không sao giải quyết nổi, ảo ảnh thường được người ta chia sẻ có vẻ như là: «Chúng ta cứ tạm giữ tình trạng như thế này cho đến khi chúng ta tìm ra giải pháp». Đôi khi, điều đó không bao giờ xảy ra. Tôi biết có những gia đình mà con cái đã hai mươi hay ba mươi tuổi mà cha mẹ vẫn không sao ngủ được cho đến khi «mấy đứa nhỏ» về đến nhà. Ở nơi đó, những cuộc tranh luận về những việc vặt trong nhà cứ xảy ra và giờ ăn phản ánh sự mong chờ của cha mẹ quay trở lại với quá khứ và một nỗi sợ của con cái về tương lai không còn phụ thuộc của mình. Có một loại cam kết để không thay đổi trong gia đình. Những người trẻ tuổi đánh đổi cơ may trở nên tự lập để đổi lấy sự an toàn trong một môi trường quen thuộc, như trẻ con chỉ để đảm bảo với cha mẹ rằng họ không cần phải rũ bỏ trách nhiệm mà con cái họ đã quen lệ thuộc vào.
Trong những gia đình như vậy, vai trò trở nên quen thuộc, được xác định rõ ràng và người ta có ấn tượng là đang xem một vở kịch được diễn tập rất kỹ, trong đó mỗi diễn viên đã trở nên quá quen thuộc với vai diễn đến nối ý nghĩa về việc hạ màn và làm việc khác đã khuấy lên trong lòng họ một nỗi lo lắng quá độ.
Cuối cùng, trong khi tranh đấu để vượt qua những lối cư xử bệnh hoạn bằng cách sử dụng lô gích, người ta thường phải đương đầu với thực tế là sự thờ ơ vô hình. Con người có thể trở nên gắn bó với những quan điểm riêng của mình về vấn đề mọi việc nên hoạt động như thế này đến nỗi họ trở nên thờ ơ với sự đương nhiên rằng thay đổi là cần thiết.