Chanh - trái cây làm đẹp
Tác giả: Hà Duyệt Phi, Vương Lợi Kiệt
Chanh thuộc họ cam quýt, có hàm lượng vitamin C rất cao, ngoài ra còn chứa đường, canxi, phốt pho, sắt, các loại vitamin B1, B2, A, P, các loại axit hữu cơ, dầu bay hơi, cồn, glucoxit...
Do chanh giàu vitamin nên có thể hạn chế và hạ huyết áp, làm dịu căng thẳng thần kinh, trợ giúp tiêu hóa, phân giải độc tố trong cơ thể. Uống nước chanh thường xuyên có tác dụng hỗ trợ điều trị cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, hoại huyết. Nước chanh chứa nhiều axit citric, có thể phòng và chữa sỏi thận, làm giảm bớt sỏi ở người sỏi thận mạn tính. Việc ngậm chanh giúp trắng răng. Chanh cũng có tác dụng điều trị khá tốt đối với bệnh viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa...
Chanh còn là mỹ phẩm làm đẹp da do có nhiều axit citric. Chất này làm trung hòa kiềm trên mặt da, từ đó ngăn ngừa và làm mất sắc tố xấu trên da. Ngoài ra, các loại vitamin A, C, P trong chanh có thể hấp thụ được qua da, làm da đẹp mịn màng. Vì thế, chanh thường được chế biến thành kem thơm dưỡng da.
Vỏ chanh chứa dầu bay hơi, có thể chiết xuất ra vitamin P. Vitamin P làm tăng cường chức năng mạch máu, điều tiết tính thẩm thấu của mao mạch, có tác dụng nhất định trong việc đề phòng xuất huyết dưới da, xuất huyết não. Tuổi trẻ thường hay mọc trứng cá ở mặt, xoa một ít dầu chanh sẽ làm sạch bóng da, sử dụng kiên trì có thể làm mất các vết đen do trứng cá.
Chanh còn được dùng để chế biến thành trà chanh, nước giải khát, nước ga, kẹo, bánh. Chanh cũng là thứ gia vị cần thiết trong bữa cơm. Mùa hè uống nước chanh có tác dụng sinh tân dịch, giải khát, giảm nóng.
Hạt chanh vị đắng, tính bình, có công hiệu hành khí, giảm đau. Múi chanh ngậm có tác dụng tan đờm, giảm ho, kiện tỳ, dễ tiêu hóa, sinh tân dịch, giã rượu. Người bị viêm loét dạ dày, nhiều dịch toan thì không nên ăn chanh.
Một số bài thuốc dùng chanh
- Cao huyết áp: Chanh 2 quả, mã thầy 10 củ, rau câu 30 gam, sơn tra 30 gam, sắc uống.
- Cảm nóng, phiền khát: Nước chanh 30 ml hòa nước uống.
- Ho nhiều đờm: Chanh 2 quả thái vụn, tra đường phèn vừa phải, hấp cách thủy ăn.
- Lao lực quá độ: Hạt chanh 6 gam tán nhỏ, uống cùng rượu gạo 30 gam.
- Rối loạn tiêu hóa: Chanh muối nấu cháo ăn.
- Sỏi thận: Nước chanh hòa nước sôi uống thường xuyên.
- Chấm đen da mặt do trứng cá: Dầu chanh vừa đủ dùng, bôi ngày 2 lần.
- Đau do sa nang: Hạt chanh, hạt quả anh đào mỗi loại 50 gam, sao với giấm, mỗi ngày uống 2 lần (sáng, chiều), mỗi lần 10 gam.