Hà Duyệt Phi, Vương Lợi Kiệt
Sung, vả: Lợi hầu họng, bổ dạ dày, chữa kiết lỵ
Tác giả: Hà Duyệt Phi, Vương Lợi Kiệt
Người Trung Quốc gọi sung, vả là "quả không hoa". Thực ra, chúng có hoa nhưng hoa rất nhỏ, nằm ẩn bên trong đế hoa. Đế hoa chính là "quả " vả, "quả " sung như người ta vẫn thường gọi.
Sung, vả chín ăn thơm mát. Từ quả đến lá, thân, cành 2 loại cây này đều có thể dùng làm thuốc. Quả có công hiệu bổ dạ dày, thanh tràng, giải độc, thường dùng để chữa các chứng bệnh viêm ruột, hầu họng sưng đau, trĩ, táo bón... Cành và lá chứa nhiều men tiêu hóa, được dùng làm thuốc bổ trợ chữa rối loạn tiêu hóa, khó tiêu. Người mắc bệnh táo bón, trĩ ngày ăn tươi vài quả chín sẽ thông tiện, tiêu viêm. Phụ nữ ít sữa có thể ninh chân giò lợn với quả sung, vả ăn cho nhiều sữa. Rễ sắc lấy nước chữa hầu họng sưng đau. Lá nấu lấy nước rửa ngoài chữa hậu môn nứt nẻ.
Theo phân tích, trong quả sung, vả có trên 10 thành phần dinh dưỡng như đường glucoza, xacaro, gluco, axit citric, các axit hữu cơ có trong táo tây, hổ phách, men lipid, men protein...Các nhà khoa học trên thế giới còn phát hiện nhựa sung có thể trị được bệnh ký sinh trùng đường ruột và chống ung thư.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng sung, vả:
- Viêm họng: Rễ sung 30 gam sắc uống.
- Phụ nữ ít sữa: Móng giò lợn 200 gam, sung hoặc vả 8 quả, ninh nhừ ăn.
- Nứt hậu môn chảy máu: Lá sung 30 gam, nấu nước rửa ngày 2 lần.
- Rối loạn tiêu hóa, khó tiêu: Lá sung 50 gam; màng mề gà, thần khúc, sơn tra mỗi loại 10 gam, sắc uống.
- Trĩ: Mỗi ngày ăn 10 quả sung, vả tươi.