watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Con Chim Ở Lại Cành Bàng - tác giả Hàn Lệ Nhân Hàn Lệ Nhân

Con Chim Ở Lại Cành Bàng

Tác giả: Hàn Lệ Nhân

C ha mẹ hoài thương những đứa con xa…
Trong chín đứa con của Cậu Mẹ, chị Ngọc Sương đứng thứ tư. Chị lấy chồng năm tôi còn nhỏ dại. Gia đình chồng chị cách gia đình tôi chỉ một khoảng sân do đó Cậu Mẹ vẫn coi như chị chưa hề xuất giá. Hầu như chiều nào chị cũng qua thăm Cậu Mẹ và các em.
Kỷ niệm sâu đậm trong tôi về chị là khoảng thời gian tôi bắt đầu có bạn gái đến ngày tôi ra đi. Tuy còn đi học và Cậu Mẹ không giàu có gì nhưng phải thú thật rằng thuở đó tôi luôn luôn " hào hoa phong nhã, mặt mày nhẳn nhụi, áo quần bảnh bao ". Được thế phần lớn là nhờ một tay chị. Chẳng mấy khi chị từ chối " giúp " tôi lấy le với bạn gái. Thường trưa thứ bảy nào thấy tôi qua chơi dỡn với con Lệ, con Trang, con Titi - mấy đứa con của chị - chị biết ngay cậu ấm đã có " vần đề " dành cho chị, vì chị biết rất rõ thứ bảy và chủ nhật cậu ấm thường xuyên " bận " lắm. Mỗi lần như vậy, thường chị chỉ ngắn gọn : Tí nữa. Nghĩa là tí nữa chị sẽ qua thăm Cậu Mẹ luôn thể. Chị phải kín đáo vì chồng chị, anh T., cũng có hai cậu ấm non đang thời kỳ tập tểnh học đòi làm " hiệp sĩ " như tôi. Cũng có khi chị làm lơ, bỏ mặc. Tôi biết chị kẹt, song con tim tôi lại sẵn lý luận chính đáng thế nầy: Chị kẹt nhưng tôi còn kẹt hơn nữa, hẹn hò đâu đã vào đấy, ngay từ buổi đưa nàng về từ chủ nhật tuần trước ! Quân tử nhất ngôn mà . Chị giả vờ không " ý hội " sự thăm viếng của tôi, tôi liền dùng mọi cách khác, hoặc về nhà viết vài hàng tả oán nỗi khổ, rồi trước mặt hai cậu ấm non kia, tôi đường hoàng trao cho chị bảo là thư của anh H., anh T., hay của chị L. ; hoặc láo lếu kẹp thư " khiếu nại " trong một cuốn sách, nhờ chị giải thích câu trong " sách " muốn nói ý gì ; hoặc nữa tôi sai con em gái qua xạo chị là Cậu Mẹ cho gọi chị …v.v… và v.v… Rốt cuộc lần nào chị cũng phải " giúp " tôi cùng lúc mắng yêu : Đồ quỉ nà !
Mỗi độ Tết về, mãi đến năm tôi ra đi, tôi và hai cô em gái là người sung sướng nhất trong gia đình. Trọn sáng mồng một Tết, ba đứa ở rịt trước sân, ngóng chị qua chúc Tết Cậu Mẹ. Phong bao của tôi bao giờ cũng " cộm " hơn hai đứa kia, vì phân nửa, tôi nghĩ, chị dành cho nàng, dù năm đó nàng có là người bản xứ, tiếng địa phương gọi là Phù-sáo.
Tôi có ba anh và ba chị. Người anh cả ở Việt Nam, tôi chưa lần gặp mặt. Chị L. và anh T. mưu sinh tận Vạn Tượng, ít khi về. Vị chi mỗi năm, ngoài Cậu Mẹ, tôi còn được chị Ngọc Sương, chị B. và anh D. lì xì. Mà tôi thì chẳng bao giờ mừng tuổi hai cô em gái. Chúng nó con gái, đâu phải hào hoa lo cho ai như con trai ! Lớp áo học trò của tôi coi vậy mà dễ gợi lòng thông cảm của hàng xóm, đặc biệt của Cậu Mẹ và anh chị tôi vô cùng: Nó chưa làm ra tiền !
Năm 1973, tôi lên Vạn Tượng học lớp đệ nhất để tiện việc theo khoá việt văn thi tú tài toàn phần do thầy Võ Thu Tịnh hướng dẫn tại sứ quán VNCH, thời đại sứ Hoàng Cơ Thụy, là năm chị Ngọc Sương khổ với tôi nhất. Ở Vạn Tượng tôi đã có hai anh chị lớn chu toàn chuyện ăn ở, và ngoài số tiền túi rộng rãi của Cậu Mẹ và chị B. tháng tháng gửi bằng bưu phiếu lên, chị Ngọc Sương vẫn đều đều gửi riêng cho tôi " để em mua sách học thêm, may sắm cho hợp thời trang với chúng bạn ở kinh đô ".
Cũng như Cậu Mẹ, chị tôi không muốn tôi thua kém bầu bạn. Dưới mắt chị, bao giờ các em cũng bé nhỏ, cần sự đùm bọc của chị. Và có lẽ, cho đến đêm nay, niềm vui duy nhất mà tôi đã trao cho chị là ngày chị được tôi báo tin tôi đã đậu tú tài toàn phần. Đậu tú tài có nghĩa là tôi, thẳng em trai út của chị, sẽ được đi du học bên Pháp Mà đi Pháp, bấy giờ không phải là chuyện xảy ra hàng … năm trong xóm BQ. Chị nghĩ vậy nên rất hãnh diện. Có điều chị Ngọc Sương ơi, chị có biết đâu thằng em trai cưng của chị, từ ngày qua Pháp, nó đổ mồ hôi và phí thời giờ xuôi ngược lo cho cái bao tử và sinh hoạt với cộng đồng việt nam tị nạn nhiều hơn việc du học như chị kỳ vọng.
Bao nhiêu năm sống trên đất Pháp, vốn liếng văn hoá Pháp trong em, tổng kết lại, chẳng tăng hơn trước là bao. Bù lại, vốn liếng việt văn em chị khá hơn trước nhiều. Có trường hợp éo le nầy là bởi thời thế đưa đẩy chị ạ. Hoàn cảnh đất Mẹ đã ray rứt, đày đoạ lòng em, buộc em phải tìm hiểu về nó, về dân tộc con rồng, cháu tiên mà anh chị em ta vẫn hãnh diện theo truyền thống gia tộc. Chị ơi, càng tìm hiểu về cội nguồn bao nhiêu, tâm tư em càng khổ sở bấy nhiêu. Em khổ sở vì cho đến nay em vẫn chưa tìm ra câu trả lời, hay nhờ ai giải thích cho câu hỏi: Đất nước mình đẹp đẻ, phì nhiêu như thế ; giống nòi mình quật cường, hoà ái như thế, bởi nguyên nhân nào mà sau bao cuộc cách mạng với đầy đủ chính danh dậy lòng toàn dân, động lòng thế giới, nay vẫn còn lận đận thế nầy ? Dân tộc Việt là một dân tộc thông minh và yêu nước. Sử ta nói vậy. Sách vở ngoại quốc cũng nói vậy. Ngược dòng lịch sử nước nhà, từ sau đệ nhị thế chiến đến nay, em nghiệm thấy rằng người Việt quả thông minh và yêu nước, song yêu nước hết sức kém thông minh ! Ấy vì:
Dân tộc ta,
Mỗi người là một trái tim yêu đất nước
Mỗi người là một trái tim yêu quê hương.
Đã mấy chục năm trường,
Khi trái tim yêu đất nước
Gặp trái tim yêu quê hương
Lại biến thành đau thương !
Nỗi khổ tâm của em ứ ngập quá độ nên em phải để mặc nó trào ra ngòi bút … Đó là phương cách tự cứu duy nhất của em để còn có thể tiếp tục sống yêu đời, quí kiếp làm người, nhất là làm người Việt nam !
Người ta bảo " với sức người, sỏi đá cũng thành cơm ". Em chỉ thêm chữ Máu sau chữ Cơm. Đúng ra thì phải thay chữ cơm bằng chữ máu. Nhưng ai lại uống máu của chính mình bao giờ ! Thi sĩ Kiên Giang có viết trong Lúa Sạ Miền Nam: " Mẹ ơi ! Cơn trắng bởi mồ hôi ". Thực trạng đất nước buộc em viết lại: Chị ơi ! Cơm đỏ vì thấm máu !
Ngòi bút của em, em tự ví nó như cái cuốc cùn, con dao rỉ, thế mà nó đã làm bận lòng chị, chị ơi !
Mỗi hàng trong thư chị gửi là mỗi nhịp ru êm ả cho từng ngày trước mắt đời em. Khi em để tâm tư uất nghẹn trào ra ngòi bút, trong trăm điều suy tính an nguy, em nào nghĩ đến chị đâu ! Thế mà, ở tận bên kia góc trời, nước mắt chị vẫn chảy xuôi xuống sự yên lành của em ở tận phương nầy. Chị sợ ngòi bút của em chị làm giận lòng người ta rồi người ta sẽ hãm hại em của chị. Sao chị không sợ người ta giận ngòi bút của em mà lại hãm hại cây bàng và gia đình chị ? Giận cá chém thớt là bản chất cố hữu, là một trong dăm quốc sách của người ta mà.
Chị sợ hai chữ chính trị nên khuyên em đừng dấn thân vào quỉ đạo đó. Chị khuyên em đừng đi ngược chiều gió. Chị ơi, ngòi bút em chị chưa đủ tầm vóc của danh từ đó đâu. Em không làm chính trị, nhưng ở thời buổi nầy, không có lập trường chính trị rõ ràng thì chính quyền sẽ làm khổ đời mình, đời con cháu mình. Em không chuồi theo chiều gió chị khuyên chỉ vì chiều gió đó, nhân danh đủ thứ, đã và đang thổi ngược, tàn phá hương hoả tổ tiên, hủy diệt con người. Và vì không đủ sức cản gió, em mượn ngòi bút nói to lên sự tàn bạo của gió. Thế thôi.
Chị ghê sợ chính trị vì, theo chị, chính trị đã gây tan nát, chia lià và giết chóc. Chị ơi, tan nát, chia lià và giết chóc đâu do chính trị mà là do chính quyền, giai cấp thống trị !
Trước khi làm chính quyền, mọi nơi mọi người đều phải qua giai đoạn làm chính trị … salon ; kế tiếp là giai đoạn làm chính đảng. Có thứ chính trị, chính đảng nào lại không lớn giọng rêu rao chính nghĩa vì dân, vì nước của mình, hứa hẹn toàn điều tốt , nào tự do, độc lập ; nào tự cường, dân chủ, nào hạnh phúc ấm no … mình sẽ thực hiện cho dân cho nước khi được làm chính quyền. Mà một khi đã được làm chính quyền, qua sử sách cận đại nước nhà, có chính phủ nào làm chính trị hay chính đảng nữa đâu. Chính phủ thì phải làm chính quyền mà muốn bảo vệ chính quyền ( quyền lực ) người ta đã không nề hà bội ước, gây tan nát, chia lìa và giết chóc!
Ngày em quyết định giải tỏa tâm tư lên trang giấy và bởi không cưu mang hoài bảo làm chính trị, chính đảng để sau nầy làm chính quyền, em đã dại dột tự nguyện thế nầy: Nếu mai nầy ta phản bội lý tưởng của ta, đi ngược tình tự dân tộc thì chính những tác phẩm của ta sẽ hủy diệt đời ta !
Trên cây bàng tàn đông, còn sót mỗi con chim Ngọc Sương và mấy nhúm ruột của chim sớm hôm ríu rít cho cây bàng bớt trơ trọi. Và tiếng hót đầm ấm, thân quen của con chim ở lại, có lẽ do ngày lại ngày, mà cây bàng không còn xúc cảm khi lắng nghe nên hằng hoài thương, mộng tưởng tiếng hót của những con chim đã biền biệt ngút ngàn !
Hàn Lệ Nhân

Các tác phẩm khác của Hàn Lệ Nhân

Viết văn việt ở xứ người

Lịch sử : Bài học áp chót

Lạc Hồng Khung Trời Nỗi Nhớ

Cầu Phật

Vẽ Lại Truyện Tàu (*)

Văn hoá nhân dân

Văn hoá hạnh phúc

Văn hoá đối thoại

Tản mạn qua đêm (*)

Tấm kính chiếu yêu

Bệnh Tưởng

Tứ Nhân Bang

Tô Canh Chua

Theo Khói Hương Lòng

Mái Tóc Dòng Sông

Hoá thân

Chiếc Lá Cuối Cùng

Bác Cả