Chương 19
Tác giả: Heinrich boell
Không nghĩ ngợi gì hơn và cũng không biết sẽ nói gì đây, tôi gọi cho Monika Silvs chưa dứt tiếng lách tách đầu tiên của chuông telephon, tôi đã thấy ống nghe được nhấc lên.
- Alô!
Chỉ giọng nói của cô thời đã làm tôi thấy khỏe người ra. Một giọng nói thông minh và rắn rỏi.
- Hans đây. Tôi nói, anh muốn...
Nhưng cô đã không cho tôi nói tiếp.
- A! Anh đấy ư...
Giọng nói của cô không có vẻ khó chịu, không hề làm phật ý. Chỉ đơn giản là vì rõ ràng cô không đợi cú telephon của tôi, cô chờ đợi một người nào khác gọi. Có thể là một cô bạn hoặc mẹ cô... Cũng không vì thế mà tôi kém khổ tâm.
- Anh chỉ muốn cám ơn em, tôi nói, em thật tử tế.
Tôi ngửi thấy mùi nước hoa của cô, tôi cho là nước hoa Taiga, nó có mùi quá gắt đối với cô.
- Thực em rất tiếc, cô nói, chắc chuyện xảy ra đã làm anh phải rất khó chịu.
Cô muốn nói về chuyện gì đây nhỉ? Bài báo đả kích của Kostert mà hình như cả Bonn đều đã biết, hay là về việc kết hôn của Marie, hoặc là về cả hai chuyện đó.
- Em có thể làm được gì cho anh không? Cô nói dịu dàng.
- Có đấy, em có thể đến thương cảm với tâm hồn anh... và với cái đầu gối đương sưng vù của anh.
Cô giữ im lặng. Tôi đã tưởng cô sẽ tức khắc trả lời đồng ý và tôi đã lo lắng về việc cô có thể đến thật.
- Tối nay thì không được, em đang đợi có người đến thăm.
Đáng lẽ cô có thể nói với tôi cụ thể cô đang đợi ai, hoặc ít nhất: em đang đợi "một người" bạn giai hoặc "một người" bạn gái.
- Vậy có thể là ngày mai, tôi nói. Có lẽ anh phải nằm ít nhất một tuần.
- Em có phải làm gì cho anh không? Em muốn nói: việc gì đó có thể giải quyết được qua telephon.
Cô nói những lời trên với một giọng nói có thể làm tôi hi vọng người đang được cô đợi là "một người" bạn gái.
- Em có thể đàn cho anh nghe điệu Mazurka giọng si giáng trưởng, bản số 7 của Chopin.
- Anh có ý nghĩ như thế đấy! Cô vừa nói vừa cười.
Tiếng cười ấy làm lung lay khuynh hướng một vợ một chồng ở tôi.
- Em không thích Chopin lắm, cô nói và em chơi Chopin rất tồi.
- Kệ, không quan trọng! Em có bản nhạc ở đấy không?
- Có, chắc là có... Đợi em một chút.
Tôi nghe thấy cô đặt máy lên bàn rồi tiếng chân cô đi qua gian phòng. Chỉ vài phút sau cô mới quay trở lại, trong lúc đó tôi nhớ ra có lần Marie đã kể tôi nghe là ngay các Thánh nhiều ông cũng có bạn gái... tình yêu hoàn toàn thuần khiết... đồng ý, nhưng không ngăn cản... Còn tôi, ngay cả điều đó, tôi cũng không có quyền.
Monika trở lại bên máy.
- Có đấy, cô thở dài, em có các bản nhạc Mazurka.
- Đàn cho anh nghe, giọng si giáng trưởng, bản số 7, số 1...
- Đã nhiều năm em không còn chơi Chopin, để em xem lại một chút.
- Có lẽ em không muốn người em đang đợi nghe em chơi Chopin?
- ồ, cô cười, anh ta chịu được rất tốt!
- Sommerwild? Tôi hỏi khẽ (cô thốt ra một tiếng kêu nhỏ). Nếu là ông ta, em có thể lấy nắp đàn piano của em đập vào trán ông ta cho anh.
- Ông ấy không đáng thế đâu, cô trả lời, vì lẽ ông ta rất có cảm tình với anh.
- Phải, anh biết. Anh còn tin là như thế nữa cơ. Nhưng nếu anh có đủ can đảm thủ tiêu ông ta, thì anh còn thích hơn...
Cô ngắt lời tôi:
- Em đi xem lại bản Mazurka một chút, rồi đàn anh nghe nhé. Em sẽ gọi lại.
- Đồng ý.
Không ai trong chúng tôi gác ống nghe. Tôi nghe thấy hơi thở của cô, tôi không thể nói được là trong bao nhiêu giây, nhưng tôi nghe thấy hơi thở đó. Rồi cô gác máy. Tôi sẵn sàng đứng lại ở đó, ống nói trên tay, nghe cô thở. Trời ơi!... dù đấy chỉ là hơi thở của một người phụ nữ!
Những hạt đậu tôi đã ăn đè nặng lên dạ dày tôi và vì thế càng làm tăng thêm nỗi u uất ở tôi, tuy vậy tôi vẫn quay vào bếp mở hộp thứ hai đổ hết đậu vào chiếc xoong tôi đã dùng để hâm lại xuất đậu đầu tiên, rồi đốt ga. Tôi ném vào thùng rác chiếc lọc giấy, lấy ra một chiếc lọc mới, đổ vào đó bốn thìa cà phê, nấu nước và thử dọn qua loa gian bếp. Tôi nhặt miếng giẻ lau đặt trên vũng nước cà phê, vỏ hộp, vỏ trứng ném tất cả vào thùng rác. Tôi càng ghê tởm một gian phòng để mất trật tự bao nhiêu, tôi càng thấy mình bất lực bấy nhiêu trong việc sắp xếp lại trật tự ở đấy. Đi tiếp ra phòng khách, tôi lấy các tấm kính bẩn mang trở vào đặt chúng lên bồn rửa bát trong bếp. Nhưng Marie, em, nhưng không làm gì rõ rệt, có thể giám sát được thế mà chỉ trong nháy mắt, đã làm cho căn phòng trở nên gọn gẽ. Có thể đó là do đôi bàn tay của em... Chỉ nghĩ em có thể đặt chúng lên vai của Zỹpfner, từ u uất tôi trở nên tuyệt vọng. Một người phụ nữ có thể bày tỏ hoặc khơi dậy niềm hi vọng vào nhiều điều với đôi bàn tay của mình trong khi những bàn tay đàn ông lại cho ấn tượng chúng là những mẩu gỗ dán. Bàn tay đàn ông dùng để bắt tay, đánh đập, tất nhiên cả nổ súng và kí tên. Bắt tay, đánh đập, bắn người, kí các tấm séc gạch chéo, đấy là tất cả những gì bàn tay đàn ông có thể làm được... và lao động, tất nhiên. Dù bàn tay ấy quệt bơ vào bánh mì hoặc vén tóc, bàn tay phụ nữ không còn là bàn tay nữa. Không bao giờ một nhà thần học nghĩ đến việc những người phụ nữ trong Phúc Âm nắm việc giảng đạo trong tay họ: tay của Véronique, của Madeleine, của Marie và của Marthe(1), tất cả những bàn tay đã tận tình chăm sóc Christ. Thay vào đó, các nhà thần học giảng về luật pháp, về các nguyên tắc đạo đức, về nghệ thuật và về Nhà nước. Tóm lại, Christ chỉ có những mối quan hệ thân tình với phụ nữ. Hẳn là Christ cần đến những người đàn ông bởi vì những Kalick và những tên khác biết cách tranh thủ người dân tại chỗ, có đầu óc tổ chức và vân vân. Christ cần đến những người đàn ông, như khi dọn nhà người ta cần đến những người đóng hàng làm công việc nặng... Vả lại Pierre và Jean(2) quá hiền lành để có thể còn gọi là những người đàn ông. Còn Paul(1) thì rắn rỏi đúng như một người Rôman. ở nhà chúng tôi, người ta không quên mỗi khi có dịp lại đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong Phúc Âm, mà gia đình chúng tôi thì lúc nhúc có biết bao nhiêu là mục sư, nhưng không ai trong số họ nhắc đến những người phụ nữ trong Phúc Âm, cả đến một nhân vật khó hiểu như Mammon(2) bất công, ở "câu lạc bộ" cũng vậy, không ai muốn nói về Mammon bất công. Khi tôi công kích họ về chương này, Kinkel và Sommerwild bao giờ cũng mỉm cười ngượng nghịu, cứ như là họ vừa mới bắt quả tang Christ đương phạm vào một sai lầm nặng nề. Còn Fredebeul, hắn chỉ nói về sự xói mòn của thành ngữ đó qua thời gian. Điều làm hắn khó chịu, hắn nói, là có sự "phi lí" trong chuyện đó. Cứ như tiền là một thực thể hợp lí! Trong tay Marie, tiền đã mất đi tính cách bấp bênh của nó. Em có nghệ thuật sử dụng nó vừa cẩu thả vừa hết sức thận trọng. Vì về nguyên tắc tôi từ chối những tấm séc gạch chéo và các "cách thức trả tiền" khác, nên bao giờ người ta cũng đưa thù lao cho tôi bằng tiền mặt, và chúng tôi không bao giờ phải lo dự kiến việc chi tiêu quá hai ngày, tối đa là ba ngày. Marie đưa tiền cho tất cả những ai hỏi xin em và thậm chí cho cả những người không hỏi xin, chỉ vì trong lúc chuyện trò mà phát hiện ra là họ cần tiền. Một hôm, ở Gửttingen em đã cho như vậy một nữ nhân viên phục vụ một số tiền đủ để mua một chiếc áo khoác mùa đông cho con trai của chị ta sắp vào lớp đầu tiên của nó ở trường học. Và trên xe lửa em không ngớt thanh toán các vé phụ cho các bà cụ mặt mày bối rối đi dự một đám tang lạc vào khoang hạng nhất của chúng tôi. Thật điên rồ số lượng các cụ bà đi dự lễ tang của một đứa trẻ, cháu, con dâu, con rể phải làm ra bộ bối rối, trượt ngã và chất đống lên ghế ngồi những chiếc va li nặng nề và những bọc nhét đầy xúc xích, mỡ lá và bánh ga tô. Dù biết rõ là các mẹ trong túi chỉ có vé tầu hạng nhì, Marie vẫn đòi tôi phải xếp những chiếc va li nặng nề và các bọc hàng của họ lên lưới để hành lí, và trước khi có người nào đó lưu ý các mẹ về sự nhầm lẫn của họ, thì Marie đã ra ngoài hành lang "thu xếp vấn đề" với người soát vé. Trước đó Marie đã cẩn thận hỏi xem vé của họ và cả nơi họ tới dự lễ tang, như vậy để trả đủ tiền vé phụ cho họ. Những lời bàn tán của các mẹ, gọi là bà nội, bà ngoại, thâu tóm lại trong một vài câu chuyện dễ thương, như "Thanh niên ngày nay không đến nỗi tệ như người ta nói", và bàn việc góp tiền để mua những chiếc bánh sandwich thật to kẹp giăm bông. Nhất là giữa Dormund và Honovre(1) theo cảm tưởng của tôi - ngày nào người ta cũng thấy các cụ bà trên đường đi đến một đám tang nào đó. Marie thường cảm thấy ngượng nghịu về việc ngồi toa hạng nhất và không thể chấp nhận việc người ta lại có thể đuổi một hành khách ra khỏi khoang xe chúng tôi vì người ấy chỉ có vé hạng nhì. Em có thể hết sức kiên nhẫn ngồi nghe những chuyện chi tiết về quan hệ họ hàng và xem ảnh chụp những người hoàn toàn không quen biết. Có một lần, chúng tôi mất hai tiếng đồng hồ ngồi cạnh một bà nông dân vùng Buckenburg có đến hai mươi ba cháu nội, ngoại được chụp trong các tấm ảnh bà cụ mang theo người. Bà cụ kể chúng tôi nghe về hai mươi ba cuộc sống và hai mươi ba tấm ảnh thanh niên, phụ nữ đã làm ăn thành đạt: thanh tra thành phố ở Munster, vợ một nhân viên đường sắt, giám đốc một nhà máy cưa, một nhân viên có chức trách thực thụ "trong cái đảng mà chúng ta vẫn bỏ phiếu cho ấy, anh chị chắc biết", hội viên của Liên minh phòng thủ, anh ta hi vọng có một chỗ làm việc ổn định. Marie say sưa với những câu chuyện như thế , đối với em đó là "những mảnh đời", trong khi tôi rất mau chán cái kiểu lặp đi lặp lại nhàm tai ấy. Thật điên rồ số lượng các cụ bà đi lại giữa Dormund và Hanovre, họ có các cháu làm nhân viên đường sắt, còn các con dâu thì chết trẻ "vì tất cả chúng nó đều không muốn sinh đẻ... phụ nữ bây giờ như thế đấy!" Marie luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ các bà có tuổi, không bỏ sót trường hợp nào như việc giúp họ gọi telephon. Có hôm tôi khuyên em nên xin vào làm việc ở phòng đón tiếp của nhà ga, em trả lời vẻ hơi kiểu cách: "Mà tại sao lại không nhỉ?" Tuy nhiên tôi thật không có ý định nói gì với ác ý hoặc theo nghĩa xấu. Chẳng phải giờ đây em đang ở trong một phòng đón tiếp hay sao? Theo thiển ý của tôi, Zỹpfner cưới em là để "cứu vãn" em, và em cưới Zỹpfner là để "cứu vãn" hắn, nhưng tôi không dám chắc hắn có cho phép em trích ra từ chính những đồng tiền của hắn để có gì mà trả tiền vé phụ cho các cụ vào lạc toa xe. Chắc chắn hắn không phải là người keo kiệt, nhưng có tính khắc khổ đến thảm hại như Léo vậy. Tất nhiên không phải theo kiểu một Thánh Francois d'Assise(1), tuy bản thân không có nhu cầu nhưng có thể nghĩ đến nhu cầu của người khác. ý nghĩ bây giờ Marie có tiền của Zỹpfner trong túi cầm tay của em, tôi không chịu nổi, cũng như thành ngữ "tuần trăng mật" hoặc ý nghĩ tôi có thể đánh nhau vì Marie. Đánh nhau, chuyện đó chỉ có thể hiểu theo nghĩa Ỏcó thể chếtÕ. Thế mà, dù ít lâu nay kém tập luyện, tôi vẫn có thể dễ dàng thắng Zỹpfner, cũng như Sommerwild. Ngay trước khi chúng đề phòng, tôi đã có thể thực hiện ba cú nhảy lộn nhào và sẽ tấn công chúng từ phía sau, đánh vào vai của chúng. Hoặc chúng có thể nghĩ đến việc đấu kiếm theo đúng thể thức? Chúng có thể nghĩ ra một biến thể tai ác như trong truyền thuyết về Nibelungen. Hoặc giả chúng muốn một cuộc đấu trí? Bất kể như thế nào, tôi cũng không sợ gì chúng, vả chăng tại sao chúng lại ngăn cản không cho Marie trả lời những bức thư của tôi, những bức thư thực sự báo hiệu một kiểu đấu trí? Họ công bố những từ du ngoạn hôn lễ, tuần trăng mật, còn tôi thì chúng lại muốn coi là một tay tục tĩu, thật là những tên đạo đức giả! Sao chúng không để ý lắng nghe một chút các gia nhân và hầu gái của họ kể lại cho nhau nghe những chuyện về tuần trăng mật và du ngoạn hôn lễ khác. Trong khách sạn, trên xe lửa, bất cứ ở đâu xuất hiện đôi tân hôn, ở đó bao giờ cũng có một tên bẩn thỉu xì xào sau lưng họ: "Tuần trăng mật mà!" và ai cũng biết là họ "làm việc ấy" suốt ngày... Ai dỡ ra những khăn trải giường và mang chúng đi giặt?... khi Marie đặt đôi tay em lên vai Zỹpfner, hẳn em phải nhớ đến cách tôi sưởi ấm chúng trong hai bên nách tôi trong lúc chúng bị giá lạnh.
Bàn tay em... mở cửa phòng, vào sắp lại chăn phủ giường cho bé Marie ở tầng trên, vặn cho chạy máy nướng lại bánh mì trong bếp ở tầng dưới, đặt ấm đun nước, rút ra từ bao thuốc một điếu... Lần này, em không thấy mẩu giấy người ở gái để lại trên mặt bàn mà lại để trên mặt tủ lạnh: Tôi đi xem phim. Sẽ trở về vào lúc sáu giờ.
Mẩu giấy của Zỹpfner thì để trên máy ti vi ngoài phòng khách: có việc phải đến F. Những cái hôn. Heribert. Tủ lạnh thay vì bàn, hôn thay vì anh hôn em. Trong khi ở trong bếp, em phết một lớp bơ dày, rồi một lớp patê gan lên các lát bánh mì nướng, sau khi em đã đổ vào ba thìa sôcôla bột - không phải là hai - vào tách của hắn, lần đầu tiên cái cách chữa cho người gầy đi ấy gợi lên ở em một cảm giác nặng nề và em nhớ lại nhận xét như quất vào người của bà Blother cái hôm em động đến chiếc ga tô thứ hai: "tổng cộng tất cả như vậy là, hơn mười lăm calo đấy! Cô có thể tự cho phép mình làm như thế không?" Và con mắt sắc của bà ta đặt vào vòng thân người em chứa đựng một ghi nhận không nói ra: "Không, cô không thể tự cho phép mình làm như thế". Ô, rất thánh thiện cacaca (bổ sung cho đủ bằng pitaliste hoặc bằng tholon). Đúng, em bắt đầu đẫy ra. Trong thành phố những lời thì thầm lan nhanh, thành phố của những sự thầm thì. Tại sao lại có sự lo lắng ấy, cái ý muốn được ngồi một mình trong đêm tối, ở rạp chiếu bóng hoặc ở nhà thờ, và bây giờ trong phòng khách với sôcôla và những lát bánh mì phết bơ? Em đã trả lời như thế nào, trong cái buổi dạ hội ấy, cái tên mất dạy đã hỏi em một cách sỗ sàng: "Nói mau cho tôi biết bà thích cái gì, bà thân mến nói mau!"? Có thể em sẽ nói ra sự thật với hắn: "bọn trẻ, phòng xưng tội, rạp chiếu bóng, điệu hát Grégoa và các diễn viên hài". - "Còn những người đàn ông, bà thân mến, bà không thích họ sao?" - "Có, một người, có thể em sẽ trả lời, không phải là những người như thế kia, họ thật đáng ghét", - "Bà có cho phép tôi công bố trên báo lời tuyên bố đó không?" - "Không, không, vì lòng kính Chúa, không!" Tại sao em lại nói "một" người mà không nói chồng "tôi"? Khi người ta yêu một người, chỉ một người thôi, thì người đó chỉ có thể là của mình, là người chồng. Vậy thì?...
Chị giúp việc trở về, đưa chìa khoá vào ổ, mở cửa ra, khép cửa lại, quay chìa khoá một vòng. Chị bật đèn phòng ngoài, tắt đèn, vào bật đèn bếp, mở cánh cửa tủ lạnh, tắt đèn, trở lại phòng ngoài và gõ nhẹ vào cánh cửa phòng khách. "Chúc bà ngủ ngon, thưa bà". - "Chúc chị ngủ ngon. Bé Marie có ngoan không?" - Vâng, rất ngoan ạ". Chị ta tắt đèn phòng ngoài, đi lên các bậc cầu thang. ("Như vậy là bà ta ngồi lại một mình trong đêm tối nghe nhạc tôn giáo").
Em động vào mọi thứ bằng đôi tay đã giặt sạch những tấm khăn trải giường và anh đã sưởi ấm chúng ở hai bên nách của anh, máy hát điện, đĩa hát, cần gạt, nút điện, tách chén, bánh mì, tóc của con em, chăn của nó, vợt tennis. "Tại sao em lại không chơi tennis nữa?" Em nhún vai. Không còn thích thú, đơn giản là không còn thích thú. Tuy nhiên tennis rất có ích đối với những bà vợ của các nhà chính trị và Cơ Đốc giáo lỗi lạc, nó giúp họ giữ cho thân hình được mảnh dẻ, mềm mại và quyến rũ. "Này, nếu F. sẵn lòng chơi tennis với em... Em không thích ông ta ư?" Có, anh ấy rất cừ. Phải, anh biết: người ta nói ông ta đã là bộ trưởng "vì đã ra sức dùng cùi tay và mồm mép". Điều đó không ngăn cản thiện cảm hoàn toàn thành thật của ông ta đối với Heribert. Những kẻ hung bạo và những kẻ hư hỏng đôi khi ưa thích những người hiền lành và những người không thể mua chuộc được. Khi ngôi nhà của Heribert được xây, không phải mọi việc đã suôn sẻ, không có gì đáng chê trách hay sao? Không sử dụng kinh phí đặc biệt nào, không có "khoán vay nợ" để xây nhà qua trung gian những bạn làm chính trị hoặc tôn giáo nào có ảnh hưởng. Sở dĩ hắn phải trả quá đắt (điều mà hắn đã coi "tự nó" là một biểu hiện của sự hư hỏng) là vì hắn muốn xây nhà "trên sườn đồi". Và thế là bây giờ cái vị trí trên sườn đồi ấy lại làm hại hắn.
Khi người ta xây nhà trên sườn đồi, người ta có khả năng lựa chọn địa điểm cho khu vườn phía dốc đi lên hoặc phía dốc đi xuống. Heribert đã chọn phía dốc đi xuống. Sự lựa chọn ấy bây giờ, rõ ra là một điều sai lầm ngay khi bé Marie bắt đầu đùa nghịch với một quả bóng. Các quả bóng bao giờ cũng lăn xuống phía hàng rào của những người láng giềng và, đôi khi bắn qua hàng rào, lăn vào vườn tược của họ làm gẫy cành cây và hoa ở đấy, làm hư làn rêu mịn mỏng manh và quý báu, gây ra những phen xin lỗi vất vả. "Làm sao có thể cáu giận một bé gái xinh xắn đến như thế được?" Không thể được. Những giọng nói trong như pha lê cố ý tỏ ra vui vẻ vô tư lự. Trên những chiếc cổ nổi rõ các đường gân, những chiếc miệng co dúm lại do việc chữa bệnh béo cố thốt ra những tiếng cười vui vẻ, khi thật ra phải là một vụ thô bạo với lời qua tiếng lại gay gắt mới là lối thoát đối với họ. Người ta đành chịu nhịn không nói ra, che đậy tất cả dưới quan hệ bề ngoài tốt đối với láng giềng hàng xóm, cho đến khi, một đêm hè tĩnh mịch, đằng sau những cánh cửa khép kín và những sự ghen ghét bị kìm nén, người ta đập vỡ bát đĩa quý, trách móc nhau vì những ám ảnh phôi thai. "Chính anh là người muốn có nó... còn em, em không muốn". Bát đĩa quý không có âm thanh tinh tế lắm khi nó bị ném vỡ tan trên mặt tường trong bếp. Một chiếc xe cứu thương rú còi leo lên dốc. Cây nghệ tây gẫy, rêu mịn bị hư hại, một bàn tay trẻ con làm lăn quả bóng vào vườn hàng xóm, một tiếng còi rú báo hiệu cuộc chiến tranh không tuyên bố. Ô, tại sao chúng ta lại không chọn địa điểm cho mảnh vườn ở phía dốc đi lên nhỉ?
Tiếng chuông telephon làm tôi giật nảy mình. Tôi nhấc ống nghe lên và thấy xấu hổ. Tôi quên mất là tôi đương nói chuyện với Monika Silvs. "Alô, Hans?" cô nói. "Anh đây" tôi trả lời, còn chưa nhớ ra vì sao cô gọi cho tôi. Nhưng khi cô nói thêm: "Có lẽ anh sẽ thất vọng thôi", tôi biết đó là về điệu Mazurka. Không còn cách rút lui và có thể nói "bỏ đi thôi". Chúng tôi đành phải chịu đựng cái điệu Mazurka kinh khủng ấy. Tôi nghe thấy Monika đặt máy telephon lên mặt pianô trước khi bắt đầu dạo đàn. Cô chơi đàn rất lỗi lạc, âm thanh tuyệt vời, nhưng tôi cô đơn tuyệt vọng đến nỗi nghe cô đàn tôi phải ôm mặt khóc. Không bao giờ tôi còn muốn sống lại nữa cái khoảnh khắc ấy, lúc từ chỗ Marie trở về tôi nghe Léo đàn điệu Mazurka trong phòng nhạc. Người ta không thể lặp lại những khoảnh khắc cũng như không thể chia sẻ chúng với ai được. Tôi đã chứng kiến vào buổi chiều thu ấy, ở vườn nhà chúng tôi, Edgar Wieneken chạy một trăm mét trong mười phẩy một giây. Chính tôi đã đo khoảng cách, chính tôi đã bấm giờ, và đúng là chiều hôm đó Edgar đã chạy một trăm mét trong 10,1 giây. Nó đương ở độ sung sức, nhưng không ai muốn tin chúng tôi. Chúng tôi đã mắc sai lầm khi nói lại vì cái khoảnh khắc ấy, muốn do đó làm cho sự tồn tại của nó được lâu hơn. Có lẽ chúng tôi nên tự bằng lòng với niềm hạnh phúc được biết Edgar đã thực sự chạy một trăm mét trong 10,1 giây. Sau đó, tất nhiên cậu ta không bao giờ có thể lặp lại được thành tích ấy, mà bình thường phải mất 10,9 giây và 11 giây, vì thế không ai muốn tin chúng tôi: người ta cười vào mặt chúng tôi. Nói lại về những khoảnh khắc ấy đã là một sai lầm, nhưng nếu lại muốn lặp lại chúng thì không khác gì tự sát. Và chính tôi đã mắc vào một loại tự sát khi muốn nghe Monika đàn điệu Mazurka. Có những lúc thông thường tự nó chứa đựng sự lặp lại như khi bà Wieneken xắt bánh mì. Tôi đã muốn lặp lại cái đó với Marie, muốn em xắt bánh mì theo cách của bà Wieneken. Nhưng ở bếp nhà người thợ không giống như ở bếp khách sạn, và Marie không phải là bà Wieneken... dao tuột khỏi tay em, bập vào cánh tay trái của em và sự thí nghiệm ấy làm tôi ốm suốt một tuần. Tính đa cảm có thể đưa người ta đi đến đâu! Cần phải để yên những khoảnh khắc, không nên bao giờ cố lặp lại chúng.
Khi Monika đàn xong, tôi đau khổ đến nỗi không còn đủ sức để khóc nữa. Chắc là cô cảm nhận ra điều đó, cô cầm lại ống nghe và rất đơn giản thì thầm với tôi.
- Đấy, anh xem...
- Không phải lỗi ở em, mà là lỗi ở anh, tôi nói, xin lỗi em.
Tôi có cảm giác như mình đang nằm ở dưới suối, say rượu và hôi hám, người dính đầy các chất tôi nôn ra, văng ra toàn những lời nguyền rủa đê tiện và đã cho gọi một tay thợ ảnh đến một tấm gửi cho Monika.
- Anh có thể gọi lại cho em một lần nữa được không? - Tôi hỏi nhẹ nhàng. Có thể trong một hay hai ngày nữa. Anh thấy chỉ có một cách giải thích duy nhất sự đê hèn trong thái độ của anh: anh đau khổ không tả được.
Lúc ấy, tôi chỉ nghe thấy hơi thở của cô. Rồi cô nói:
- Em đi vắng khoảng mười lăm ngày.
- Đi đâu?
- Đi nghỉ mát và vẽ một ít.
- Bao giờ em mới đến cho anh ăn món trứng tráng nấm và một trong những món xà lách rất ngon của em?
- Không đến được, bây giờ thì không được.
- Sau này?
- Em đến. Cô nói.
Trước khi gác máy, tôi nghe thấy cô khóc.
--------------
(1) Các Thánh và Đức Mẹ.
(2) Pierre, người đứng đầu các tông đồ và giáo hoàng, đã mắc tội phản bội lại Christ.
Jean Baptiste, người đã làm lễ rửa tội cho Christ.
(1) Một trong những người đầu tiên sáng lập dòng tu quất roi.
(2) Nhân vật trong Phúc Âm, hiện thân của sự nô lệ của vật chất.
(1) Các tỉnh phía Tây nước Đức.
(1) Người sáng lập dòng Thánh Francois, (1182 - 1226).