Cây hoàng lan hóa thành cây si
Tác giả: Hồ Anh Thái
Mẹ càng đến tuổi về hưu thì bao nhiêu duyên lặn vào đang lặn vào trong bong hết ra ngòai, thóang nhìn lại tưởng người đàn bà hồi xuân tuổi bốn mươi. Trong nhà xưa nay duy trì một không khí cực kỳ dân chủ. Như mọi gia đình không có trụ cột đàn ông. Em gái tôi thông thạo tiếng Anh bảo là mẹ charming & attractive, ngày càng hấp dẫn và quyến rũ. Mẹ bảo cô nịnh thế chứ nịnh nữa thì con cô cứ phải đi nhà trẻ cho nó cứng cáp, xã hội hóa cho nó từ bé đi, tôi chẳng làm vú em bế con cho cô đâu, không nghe dân gian người ta nói à, càng già càng dẻo càng dai, bế cháu kêu nặng cõng trai trèo tường.
Tôi thì không nịnh mẹ. Dứt khóat không. Đơn giản vì tôi chưa con, còn lâu mới lấy vợ. Tôi phòng không, ngang hàng với mẹ.
Một đời mẹ vất vả. Tôi chắc thế. Hăm hai tuổi lấy chồng, hăm lăm tuổi chồng mất. Sinh được hai anh em tôi. Gái một con trông mòn con mắt, gái hai con mòn axít. Muốn ở yên mà nuôi con cũng chẳng xong. Tem phiếu bao cấp gạo nước không đủ. Tường đông ong bướm bay về. Vo ve. Nhặng xị cả lên. Có hẳn mấy anh trai tơ, mê lăn mê lóc. Anh hung hãn nhất dọa không lấy tôi, tôi xin tý tiết cả đôi ta, thế là em thủ tiết mà tôi khí tiết. Anh yểu tướng nhất thì thức suốt ba đêm bên giường trông tôi sốt li bì, đến mức mẹ đã mến lòng gật đầu cho xong. Đàn ông dễ thành công bằng chiến thuật thương con ăn mòn lòng mẹ. Chàng trai tân sắp đạt được mục đích với góa phụ, chàng cúi xuống định hôn nàng thì món ăn quá nhiều tỏi hôm ấy hại chàng. Hồi đó chưa có sing-gum với cun-e như bây giờ. Bị mẹ từ chối, chàng quay ra đòi uống thuốc ngủ tự tử, chàng không hung hăng bặm trợn, chàng yếu đuối chọn cách chết êm.
Rồi chẳng chàng nào chết. Mấy chàng trai tân ngày ấy về sau cũng lấy vợ, không đẹp lắm, con cũng không khôn lắm, nhà cửa chẳng biết làm sao mà bây giờ đều rơi vào một khuôn công thức, thành một đám ngũ tuần chuyên gia đi hát karaoke đọat giải Bàn tay vàng. Tôi bình luận ngày ấy mẹ lấy họ chắc bây giờ khổ nữa. Mẹ cười, biết đâu họ lấy được mẹ, bây giờ họ nên người.
Phụ nữ đẹp, lại thêm họat bát, thường có chút tự tin hoang tưởng. Chút hoang tưởng ở người đẹp khiến họ dễ quên cay đắng. Nó cũng là một thứ nội gián của đàn ông ở ngay trong lòng đàn bà. Tấn công một pháo đài hoang tưởng chỉ cần ranh mãnh một chút, thậm chí pháo đài thất thủ mà mà vẫn không tự biết. Mẹ rốt cục thất thủ trước một người đàn ông ra dáng đàn ông. Một kiểu đàn ông bất cứ người đàn bà nào cũng mơ ước. Chàng đưa nàng vi vu đi đó đi đây. Chàng đưa đón anh em chúng tôi đi học, kèm cặp bài vở cho cả hai đứa. Sửa từ cái bếp dầu cho đến cái mái nhà mưa dột. Các lọai châu chấu ma, cào cào ma lượn lờ quanh nàng, chàng làm một bữa rượu mời tất. Mấy bồ âm mưu, mấy bồ dục vọng được dịp thổ lộ trút bỏ, rượu vào ôm nhau khóc bây giờ mày mới hiểu tao, bây giờ em mới hiểu anh. Xong rồi tan hết mỗi người một phương.
Chàng và nàng đang mặn nồng thì một hôm vợ chàng xồng xộc xông đến cơ quan nàng. Bà thợ dệt kiện tướng đứng mấy chục cái máy dệt, chẳng nói chẳng ràng, chồm vào cô kiều mảnh mai lả lướt, hai tay tát vun vút như thoi đưa. Đòn ghen kết thúc bằng một chưởng độc: bà vợ túm tóc nàng dúi xuống. Nàng cũng quờ quạng theo bản năng, túm được tóc tai đối phương. Hai cái đầu chúi xuống gần sát đất, hai cái phao câu chổng lên trời. Hai đối thủ trùng trục trong hội chọi trâu ở Đồ Sơn, ngoắc sừng ghìm đầu nhau xuống, biểu diễn miễn phí cho cả cơ quan nàng đứng xem.
Mọi cuộc đánh ghen đều kết thúc bằng sự can thiệp của đàn ông. Người can thiệp là một đồng nghiệp của nàng, biệt danh Đại dương, không phải vì yêu biển lớn mà có nghĩa là một con dê to. Ông dê to đi vòng ra sau cái phao câu đang chổng lên của bà Họan Thư, thò tay vào giữa hai chân bà ta, thành thạo làm động tác móc lốp. Bà kia trúng hiểm giật mình đánh thót, rú lên ối giời ơi thằng khốn nạn. Buông ngay tình địch ra. Ông Dê To đắc ý lắm với miếng võ cứu người đẹp. Ngày thường, ông Dê to vẫn bị coi là bệnh họan, các nữ đồng nghiệp ai cũng bị ông lợi dụng sờ mó, động chạm. Nhưng sau cú ngăn chặn có hiệu quả trận đánh ghen, ông Dê to được cánh đàn ông trong công ty học hỏi, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm.
Những vết thâm tím trên mặt mẹ chưa kịp tan hết thì người tình của mẹ bị bắt. Chàng cho vợ uống một bát thuốc bắc sắc cùng bả chuột. Tất nhiên là chết đứ đừ. Chàng nàng bị điệu ra tòa. Nàng có nhân chứng, bằng chứng ngọai phạm. Nàng cũng chẳng biết tí gì về âm mưu thanh tóan vợ của chàng. Tuyệt nhiên không. Chàng một mình đi tù.
Nàng từ đấy thề độc, không bao giờ yêu đương lả lơi nữa.
Được gần hai chục năm cho đến bây giờ. Càng già càng duyên. Lại tường đông ong bướm bay về. Lại các ứng cử viên nô nức đến nhà. Đối tượng của mẹ toàn mầm non công ty nghĩa trang hoàn vũ, đa số là hội viên bể bơi người cao tuổi, sân vận động tình nghĩa. Các bậc phụ huynh càng cao tuổi, càng kiễng chân tươi duyên, rướn cổ tình tứ, gồng mình lãng mạn. Mẹ xiêu lòng, thầm xóa bỏ lời nguyền. Tôi cũng xiêu lòng theo, con chăm cha không bằng bà chăm ông, con chăm mẹ không bằng ông ké chăm bà già. Tôi gật đầu bật đèn xanh. Từ nay mẹ được phép mở cuộc kén rể. Trong khuôn viên gia đình có cây hoàng lan từ thời ông ngọai tôi. Tôi đặt dưới gốc cây bộ bàn ghế mây kiểu Louis XIV.
Địa điểm: dưới gốc hoàng lan
Thời gian: một ngày cuối tháng
Đối tượng: mỗi tháng một người
Nội dung: chuyện đời tôi
Tên chương trình: chân dung cuối tháng
Mỗi đối tượng được mời đều phải theo quy định kể chuyện đời mình trước. mẹ có nhiệm vụ lắng nghe truyền đạt lại cho tôi.
Câu chuyện thứ nhất …
Chân dung thứ nhất,
Ông tên là A. Tên thật. Không phải tôi sợ phiền viết tắt. Tên ông như một tiếng reo ngạc nhiên bất ngờ vỡ lẽ. Sáu mươi hai tuổi. Ly dị vợ. Con cái đều đã có gia đình không tróc nã gì ông. Nghĩa là nếu mẹ về theo ông thì con cái ông không đứa nào đến ăn theo, quấy phá, đòi chia tài sản vân vâ. Chân dung A đến đấy là hết. Đơn giản.
Nhưng ngay tối hôm đó, mẹ vừa kể chuyện xong cho tôi biết cái chân dung đầu tiên thì ông A gọi điện. Đã khuya. Hai mẹ con tôi nháy nhau, cầu hôn gì mà vội vàng thế, đánh nhanh thắng nhanh thế. Mẹ hỏi có chuyện gì vậy anh? Tôi nhận thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên rằng cô và tôi có cùng chung quan điểm hòai bão lý tưởng, cùng chung sở thích, chung gu, chung thú vui. Em đâu dám. Không, tôi nói thật, có cái này tôi viết nhờ cảm hứng sau buổi gặp gỡ duyên số chiều nay, tôi đọc cô nghe. Thôi anh ơi, tâm trạng em lúc này chưa sẵn sàng đọc thơ, anh để cho khi khác.
Không gì uy hiếp mẹ bằng dọa đọc thơ cho bà nghe. Mấy ông nhà thơ bạn mẹ hai giờ sáng gọi điện thọai, tôi vừa làm bài thơ trong cơn xuất thần, tôi đọc nhé. Mẹ gà gật ôm máy ừ hứ à há như Tây. Mọi thứ thơ lang thang trong vườn cảm xúc, có thể nổ máy bất kỳ từ đâu, có thể dừng lại hái hoa bắt bướm ở bất kỳ đâu cũng được. Mẹ mơ màng chìm đắm một lát, giật mình tỉnh dậy, xong rồi hả anh. Xong rồi, bây giờ để tôi đọc cô nghe bài này, bài này hay hơn bài trước. Hết bài thứ hai, ông bảo còn bài nữa, bài này mới thật là hay. Bài thứ tư ông bảo hay một cách độc đáo. Bài thứ năm thì tuyệt đỉnh. Bài thứ sáu thì tuyệt vời. Cứ thế, ông tranh thủ xuất bản miệng. Một thời gian sau xuất bản phôtôcopi, tự trình bày vẽ minh họa chim lá cá gái. Công đọan cuối cùng là bỏ ra năm bảy triệu in thành tập, vừa biếu vừa cho cũng đắt hàng. Một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm thơ cả họ bơ phờ. Mẹ dặn tôi hễ thấy mấy ông thơ gọi điện đến thì phải nói mẹ vắng nhà. Mẹ dạy tôi nói dối kể từ ngày ấy.
Bây giờ nghe ông A đòi đọc, mẹ hoảng lắm. Ông A bị từ chối phũ phàng thì hung hẳn lên. Ông dám nói những lời một người ngày đầu ra mắt chưa dám nói. Cô điên à, thơ thẩn đồng nát nào ở đây, thơ nào so sánh được. Mẹ giật mình. Tò mò nổi lên. Thế là ông chớp thời cơ đọc luôn.
Bản kiến nghị dài của một con người tâm huyết luôn ưu tư trước tình hình đất nước gửi lãnh đạo Đảng và chính phủ. Ông chê tất, chẳng còn gì mà không chê, từ quản lý kinh tế cho đến quản lý đô thị, từ truyền hình văn hóa tầm thường bình dân cho đến giáo dục tùy tiện, từ y tế không nhân cho đến giao thông hốn lọan nhân chi chít. Mẹ ôm cái điện thọai không dây chạy khắp nhà một lúc, vừa nghe vừa bật bếp ga hâm lại đồ ăn cho tôi đi học tại chức bằng hai về muộn, sau vướng víu quá, mẹ đưa phắt điện thọai cho tôi nghe tiếp. Tôi áp ống tay vào nghe, cũng chạy khắp nhà, việc mình mình làm. Lúc này đã sang chương phê phán lối sống tiêu thụ thiếu lý tưởng của thanh niên thời đại. Tôi mà không làm xong bài tập trên màn hình vi tính hôm nay thì ngày mai tôi cũng xa rời lý tưởng. Thế mà thỉnh thỏang cũng phải đệm thêm mấy âm thanh như thể mẹ đang nghe. Định ừ hứ giọng bass nam trầm mới giật mình nhớ ra, phải đổi giọng à há cho ra vẻ soprano nữ cao.
Một tháng liền ông đến luôn luôn. Ôm theo một cặp giấy tờ những kiến nghị tâm huyết. Xuất trình cho mẹ những giấy biên nhận của các cơ quan chức năng hứa sẽ nghiên cứu trả lời. Trước khi ra về, ông tặng mẹ một cái chén uống trà ma-de-in Ý Đại lợi. Sao không tặng cả bộ mà chỉ tặng một chiếc? Mẹ tự giải thích là chàng muốn nàng chỉ uống trà một mình mà vò võ đợi chàng.
Vài ngày sau, ông lại đến. Lần này là đơn kiện ông thứ trường cơ quan ông. Bốn năm trước ông đã biết tay này lợi dụng chức quyền đưa một đống bà con đồng hương vào bộ, tay này ôm gọn cô trà nước tạp vụ, tay này có biểu hiện vọng ngọai diễn biến hòa bình, nhưng lúc ấy ông mũ ni che tai mồm lẩm nhẩm mình còn hai năm nữa hạ cánh an toàn. Sợ người ta moi ra mình khai bớt tuổi trì hõan về hưu. Bây giờ cái dằm cũ trong da thịt mới nhức nhối, tái phát. Bây giờ ông mới thực sự là chiến sĩ đấu tranh cho công lý. Hăng hái, dồn dập, bền bỉ, mạnh mẽ, không khoan nhượng. Trước khi ra về, ông tặng thêm một cái chén uống trà. Mẹ giải thích đấy là ông muốn nàng chỉ được phép uống trà với con trai nàng.
Đến cái chén thứ ba thì mẹ bảo chàng gửi gắm thông điệp mong muốn được trở thành thành viên thứ ba trong gia đình ngồi uống trà cùng với mẹ con tôi. Lần này ông xuất trình một đơn kiện nữa. Nghe nói cả cơ quan đang tang gia bối rối như đưa đám, lao đao lảo đảo như xơi quả nốc ao.
Mẹ con tôi chờ đến cái chén thứ tư. Nhưng ông không đến mà gọi điện. Trong đống giấy tờ hôm qua tôi để lại nhà cô có cái thư kiến nghị bổ sung, hôm nay cô cầm lên đưa cho tay vụ trưởng chuyển giúp tôi. Đêm qua tôi thức cả đêm thảo kiến nghị mới, bây giờ đau đầu quá không đi được. Cực chẳng đã, mẹ đi chuyển thư theo lời ông. Nhận là em gái chuyển thư giúp anh.
Ông vụ trường nhận thư, chân tình bảo, chị là em gái chị nên khuyên anh ấy. về hưu rồi ờ nhà nghỉ ngơi cho nó khỏe, chơi với cháu, đi dưỡng sinh, đi du lịch. Thiếu gì việc làm, mò đến cơ quan cũ làm gì. Anh em tiếp chuyện được vài hôm là sợ, thóang thấy bóng ông A là bỏ chạy hết như chạy giặc. Đùn đẩy nhau ra tiếp. Không phải tiếp mà phải hầu. Hầu chuyện. Toàn dạy bảo với chê bai thời thế. Cơ quan họp, ông cũng nhảy vào họp cùng,thủ trưởng mới nói một, ông là thủ trưởng cũ đế vào hai ba, ông không còn là vua nhưng cứ làm thái thượng hoàng bố vua.
Nhờ chị nói với anh ấy, giả sử không có chuyện gì làm, buồn chân buồn tay thì yêu đi. Già yêu mới đằm thắm, sẽ không còn hậm hực tức tối nữa.
Nói đến chuyện yêu đúng là đề tài ưa thích của mẹ. Mẹ long lanh ngôn ngữ đưa đẩy một lát thì chợt nhận ra cái chén trà đang cầm trên tay giống một cái gì đó. Súyt nữa nông nổi đường đột kêu nhà em cũng có ba cái giống hệt như thế này. Kịp nhớ ra người ta bảo gái đẹp không biết giữ mồm. Mẹ trầm ngâm uốn luỡi bảy lần rồi mới khen cái chén đẹp thật. Ông vụ trưởng bảo cơ quan có cả bộ sáu chiếc, một cán bộ đi Ý, công tác mang về, gần đây rơi vỡ mất đi đâu mất ba chiếc. Mẹ ngậm tăm im thin thít rồi chào ra về.
Nếu câu chuyện tiến diễn biết đâu nhà tôi sẽ có đủ bộ chén. Thói tắt mắt Kiều Trinh, kều được cái gì là kều được của ông A sẽ làm lợi cho người đẹp ngũ tuần. Nhưng mẹ đã mệt với đống giấy tờ bề bộn của ông. Lại cũng gần hết tháng thứ nhất. Giờ thì ông phải nhường chỗ cho chân dung cuối tháng thứ hai….
Ông đại tá về hưu…
Chân dung cuối tháng thứ hai…
Ông tên là Bê. Tên thật. Không phải tôi sợ phiền viết tắt. Đại tá về hưu. Vợ chết. Hai đứa con, đứa học phổ thông, đứa học đại học năm thứ ba. Nghe thế, tôi đã bảo mẹ không đủ lực chăm nom ăn học cho chúng nó đâu, cũng không thể theo được cho đến khi dựng vợ gả chồng cho chúng nó. Đấy là chưa kể ông ấy chết trước, chúng nó đòi nhà đuổi mẹ ra đường.
Lính tráng, má văn công, mông bộ đội, thấy cô văn công đong đưa lẳng lơ bao giờ cũng rạo rực hơn một cô hát nghiêm trang. Một nữ văn nghệ sĩ lúng liếng đưa đẩy họat ngôn một tý là đọat giải của lính. Thành ra mẹ lọt ngay vào tầm ngắm ông chỉ huy của lính.
Hôm đầu theo đúng quy định trần thuật chuyện đời tôi. Hôm thứ hai ông kể chuyện tình yêu của lính, tranh thủ tạt qua nhà ba ngày lấy được vợ, ở với vợ một đêm cũng có con. Lính thì đái vào gốc chuối, chuối phải chửa. Kể xong lại bảo biết hát, ngày xưa đọat giải trung đoàn. Hát quan họ luyến láy ới a, đàn ông hát quan họ lại còn nhắm mắt, lắc người, trai lơ đĩ thế nào. Bướm lượn là bướm ối a nó bay. Mẹ buộc miệng sao hát bậy thế. Ông phật ý không hát nữa, có thế em đã kêu bậy, em làm người nhà của lính thế nào được.
Lần thứ ba ông đến sinh nhật mẹ. Tôi đứng bên cửa sổ tầng hai nhìn xuống đường thấy ông đi xe máy tới. Ngồi xe máy hai chân khùynh khoàng, bẻ tõe ra hai bên đón gió muôn phương. Hai ống quần pho màu quân phục, kéo xếch lên tận đầu gối, hở một đọan bắp chân, trước khi cổ chân mất hút vào trong đôi bít tất cũng màu quân phục. Đến gần nhà tôi, ông xuống xe dựng chân chống xuống rồi quay lưng ra đường, người ốp sát vào gốc cây. A, ngày xưa lính trẻ đái gốc chuối, bây giờ suy thận, đi thăm người yêu tiểu tiện gốc xà cừ. Xin đố bạn đọc khi quay lại trên người ông có thêm vật gì? Nghe đố, sao cũng có người bảo tôi sắp sửa nói bậy. Thực sự là ông đứng ốp vào gốc cây để không có ai nhìn thấy ông thắt cà vạt trước khi vào nhà người đẹp. Một cái cà vạt màu xanh lá cây thẫm.
Ông vào nhà, bê hộp bánh ga tô to như cái quả đi ăn hỏi cho ai. Cái bánh ga tô trang trí các lọai dây leo khá là diêm dúa. Thằng con đứa em gái tôi trèo lên để đánh vần dòng chữ sô cô la trên chiếc bánh. Mừng sinh nhật, 1949- 2002. Nó hỏi hai con số này là gì hả bà? Con vẹt ghi âm trong tay nó léo nhéo theo, hai con số này là gì hả bà? Mẹ ré lên sao lại ghi số má giống năm sinh, năm mất thế này? Năm sinh của em là 1950 chứ? Anh tặng thêm cho em một tuổi, anh chỉ muốn em già. Con vẹt léo nhéo, anh chỉ muốn em già, anh chỉ muốn em già. Ông Bê tặc lưỡi, hàng bánh chúng nó nhầm đấy. Mẹ đối đáp, anh phải bảo nó chứ. Con vẹt lại eo éo, anh phải bảo nó chứ, anh phải bảo nó chứ.
Ông Bê chỉ còn biết nhìn con vẹt máy trừng trừng.
Hôm sau mẹ theo ông đi sinh họat Hội EM YÊU CHIẾN SĨ. Nghe tên tưởng Đội đoàn Thanh thiếu nhi. Đến nơi mới thấy toàn em gái ngấp nghé tuổi lục tuần, toàn văn công về hưu. Đầu tiên đồng diễn thể dục. Một em gái quay sang bảo mẹ, con kia nó xoay được bàn tay quanh cổ tay, rồi khóac rộng ra sau lưng là phải thôi, ngày xưa nó là diễn viên múa, báu bở gì một lũ đào già kép ế. Rồi em quay sang chỉ em gái bộ áo nâu sồng nhà chùa, đang hô một hai ba sang sảng, giọng nó lanh lảnh chuông đồng vì ngày xưa nó là diễn viên ca, thất tình chán đời nó đi tu, các sư ưu ái, các vãi căm hờn. Hờn ghen vì giọng nó thâm niên luyện thanh mấy chục năm, bây giờ đọc kinh, giảng kinh, phát âm nhả chữ điêu luyện truyền cảm. Nó vẫn đi tu nhưng không bỏ buổi sinh họat nào của EM YÊU CHIẾN SĨ. Đi tu rồi mà vẫn tham như mõ, nó giữ tiền quỹ hội, đi thăm hội viên ốm, mua cam táo hai chục nó khai ba chục.
Tiết lộ đầu ngọn cuối ngành các lọai lý lịch đàn bà xong, em gái này chuyển sang đề tài thế giới đàn ông. Em chỉ đúng ông Bê cho lên thớt đầu tiên, vô tư không biết chàng là người dẫn mẹ đến đây. Ở quê, anh chàng tên là Nguyễn Họan, tên đặt theo cái nghề gia truyền của gia đình, có biệt tài tịnh thân, biến tất cả các lọai lợn thành họan quan công công, đồng cô ái này ái nọ. Nghề vận vào thân, đẻ mãi không được mụn con trai chống gậy, phải cầu tự xin con giời, bây giờ con giai lớn rồi vẫn phấp phỏng, giời thương giời để, giời không thương giời xin lại bất cứ lúc nào. Nhưng chàng đâu có theo nghề gia đình, đến bây giờ bà mẹ chàng vẫn trách chàng không nối nghiệp gia đình.
Mới đây chàng về quê, bà mẹ chín mươi tư tuổi bảo chàng, con ơi làm thượng thọ đi, tuổi mụ năm nay sáu chín rồi, con vay một tuổi mà làm, mẹ cho con lợn một tạ mà làm. Chàng lễ phép kính thưa mẹ, mẹ còn đó con làm thượng thọ hàng xóm bảo con chơi trèo bất hiếu. Con vay một tuổi thì đầy thất tuần nhưng con vẫn thỉnh giảng trường bồi dưỡng, nhiều gái non vẫn tay bắt mặt mừng nhờ con hướng dẫn tốt nghiệp, nhiều giai non giai già viết bài phê bình bảo vệ giá trị chú Tễu đồng ruộng truyền thống.
Kể đến đây, em gái chuyển sang giọng, một phần kín, chín phần hở, này tớ nói cho ấy biết, chàng này toàn chọn con xinh rồi mới hướng dẫn luận văn, ngồi cạnh nữ sinh, tai bốc bải tưng tưng như gảy đàn, ban đầu bốc tay, sau bốc linh tinh một số thứ. Chả làm được gì nữa đâu, chỉ mở ra rồi lại đậy vào, thì thế, nhưng vẫn muốn nhìn xem trong nồi có gì cho bõ công.
Sau đồng diễn thể dục kiếm côn quyền là thi bơi. Sau thi bơi là thi chạy. Sau thi chạy là đốt lửa trại. Tất cả các em mặc quân phục tựa vào nhau, đung đưa như lúa mà hát. Em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi ngả cúi đầu, em đi bắc những nhịp cầu.
Nhưng họat động sau đó của hội, mẹ không biết nữa, đã hết tháng thứ hai...
Rồi cây hoàng lan, có biến thành cây si?
Chân dung cuối tháng lần này là ông Xê. Tên thật, không phải tôi sợ phiền viết tắt. Vợ bỏ đi làm ăn với ở Đông Âu với đứa con trai cũng đã hơn mười năm.
Hôm đầu ông đến, cứ đứng mãi bên gốc cây hoàng lan. Cái cây có tội tình gì đâu, chỉ vì ông cứ si tình đứng mãi như vậy, mời ngồi mấy lần vẫn đứng, mà cây hoàng lan hóa thành cây si. Si thật. Mái tóc nhuộm, tóc đen nhánh đáng ngờ như thế gọi là mốt đảo ngói. Rốt cuộc, ông cũng ngồi. Đèo thêm một câu rất triết học: đời tôi đâu có thiếu chỗ ngồi, chỉ thiếu một chỗ đứng.
Một câu nói như vậy có thể khiến khối kẻ ngu ngơ nửa mừng nửa lo.
Ông kể hơn ba chục năm nhà ông đã trải qua mấy lần bị kiểm tra hành chính. Tư thương buôn bán vàng bạc. Có lần vừa mới bê mâm cơm lên thì công an tới, ông nhanh trí trút hết chỗ vàng bạc vào nồi canh. Cơm xới cho mỗi người một bát rồi vùi đồ trang sức xuống đáy nồi. Người ta sục sạo khắp nơi, đào cả vườn lên mà không tìm được gì. Lần khác, ông ném được mấy túi tài sản xuống cái hồ gần đó. Lần khác, vợ ông mang đồ đi tẩu tán. Ngày ấy, Hà nội chưa có xe máy, bà đã sở hữu một cái xe tay ga 103 của Pháp. Nữ anh hùng xa lộ phóng xe vèo vèo qua cầu Long Biên. Báo đăng hẳn hoi câu chuyện phá án: thấy thị ích xì i dét chạy ra khỏi nhà, trinh sát ta bí mật bám theo. Y thị (đại từ nhân xưng báo công an hay dùng) đi ngoắt ngoéo cố tình cắt đuôi, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Sang đến bên kia cầu, y thị rẽ vào ba nhà quen biết, nhà biếu cân cam, nhà gói bánh, gói mứt tết. Tất cả chỉ là động tác giả. Tại điểm cuối cùng y thị bị bắt với đầy đủ tang vật trị giá hàng trăm cây vàng... ông bảo mỗi lần như vậy là chết nửa con người, sau đó phải gượng dậy, tập đi đứng, tập làm ăn lại từ đầu. Sang thời làm ăn được khuyến khích mở cửa, vợ con ông hồi sinh kéo nhau đi nước ngoài. Ba đứa ở trong nước đều đã có gia đình, mỗi đứa cho ông một cái nhà và vốn liếng làm ăn. Số tiền còn lại đủ cho ông sống đời vui hạnh phúc lên tiên.
Tôi thiếu là thiếu một chỗ đứng trong tim em. Ông nói nốt cái vế sau. Nói năng kiểu ấy thanh niên ngày nay đều ngượng mồm, chỉ có ông mới xuất khẩu ra thành khẩu được. Mẹ xem ra bắt đầu ngả nghiêng. Một đời mẹ lận đận quá rồi, bây giờ sáng suốt nhất là lấy chồng giàu một tý. Yêu đương gì cái tuổi này nữa, chẳng qua dựa vào nhau khi tắt lửa tối đèn, khi hắt hơi sổ mũi. Tôi cảnh cáo, mẹ tính toán khéo thế mà lấy phải ông đang khỏe như vâm bỗng quay qua nằm liệt giường, có mà hầu ông đến chết. Mẹ bảo người ta mà kỹ tính người ta chẳng lấy mình làm vợ, có câu đố rồi đấy thôi, con gì ăn ít nói nhiều, mau già lâu chết miệng kêu tiền tiền? Đàn ông đang yên lành, báu bở gì tự dưng rước một con như vậy.
Lấy ông thì mẹ được nhờ. Đi thăm con cháu phải có quà mới ra người bà người mẹ đàng hoàng. Muốn đàng hoàng phải nhờ chồng giàu. Muốn yên tâm tuổi già ốm đau bệnh viện phải nhờ chồng giàu. Muốn thuê người giúp việc chăm nom người ốm cũng phải chồng giàu.
Nhưng ông có giàu thật không nhỉ? Ba đứa con ông đứa nào cũng bảo bố cháu còn nhiều tiền lắm. Vẫn còn vàng chôn dưới nền nhà. Vẫn còn vàng kiểm tra giấu trong đệm xa lông. Vẫn còn vàng giấu trong thân cây cổ thụ ngòai vườn. Ba đứa con đều mê mẹ, mê lăn mê lóc. Cô về với bố cháu đi, chúng cháu không đến quấy phá, ám quẻ gì đâu, không đòi chia của cải gì đâu. Hay cô ngại gần họ hàng nhà cháu phiền phức thì hai cụ dắt nhau vào Sài gòn mua nhà mà ở trong ấy.
Mẹ không muốn đi xa. Chàng nàng dắt díu nhau đi mua căn hộ đảo Linh Đàm. Đi đăng ký. Tôi bảo đăng ký làm gì, các cụ thích nhau thì về ở với nhau, ai nói sao. Mẹ không chịu. Đi du lịch, vào khách sạn, chúng nó nhìn mình cứ như trốn vợ trốn chồng, như bọn thuê phòng choai choai lần đầu thuê phòng thử mùi trái cấm.
Nhà mua rồi, đăng ký rồi. Về ở với nhau rồi. Lúc này mẹ mới nghe người ta nói giữ vàng trong nhà độc lắm. Thằng con ông ở BaLan lái xe chở hàng bị xe khách tông phải, bây giờ liệt nửa người, đẹp giai như tượng, chưa vợ, chưa biết mùi đời mà phải chung thân ngồi xe đẩy. Bà mẹ phải kè kè bên đấy, bà cạch mặt ông không bao giờ về nữa. Một đứa con gái ông, ba lần đẻ ra quái thai, đêm nào cũng thấy một thằng bé người Tàu mặc bộ đồ trắng ngồi ở đầu giường. Nó bảo cô ta phải chuyển tiệm vàng ra khỏi nhà rồi mới đẻ được.
Mẹ có sợ cũng chẳng kịp. Mẹ đã vượt qua tuyến phòng thủ, chẳng còn đường rút. Nhà tôi, ông Xê không đến trồng cây si nữa thì cây hoàng lan trở lại là cây hoàng lan như dạo trước ...
...
Tôi cứ tưởng chương trình chân dung cuối tháng đã hạ màn được rồi. Được nửa năm thì mẹ quay về. Ở Linh Đàm chỉ có căn hộ ba phòng trống không. Bảo ông Xê đi mua sắm đồ đạc, ông chỉ ừ hữ lảng tráng. Giục ông đào vàng lên, moi vàng trong nệm xa lông ra, móc vàng trên cây cổ thụ ông chỉ cuời sằng sặc. Sao cô lại đi nghe mồm lũ trẻ ranh ấy, mấy lần khám nhà chỉ có tôi đương đầu, chúng nó lại vanh vách biết hơn tôi à?
Rồi bao nhiêu uất hận tuôn ra bằng hết. Ngày trước, có lần công an đến, ông phải cạy mồm lũ trẻ ra, bắt mỗi đứa nuốt một cái nhẫn. Mỗi đứa phải hực hực mấy cái mới nuốt nổi. Nuốt được rồi thì con mình phất phơ đi lại trong nhà như ma vàng, mặt đần như ngỗng ỉa, đờ đẫn, lơ ngơ, người trong suốt nhìn qua được. Bị khám nhà xong, ông bắt lũ con ngồi dàn ngang đại tiện trước mặt mình, gẩy tung tóe cả lên mà chẳng tìm lại được nhẫn vàng. Ôi trời đất ơi, vàng đã tan vào máu con mình, từ đó con mình mà mình chẳng nhận ra được nữa. Cả tiệm vàng lũ con bàn nhau khoáng sạch, tráo vào đó bằng hàng mỹ ký mạ vàng. Mãi đến lần khách đến mua đem quẳng lại đồ rởm có hẳn hoi con dấu tiệm vàng, ông giật mình xem lại mới biết tất cả đã bị đánh tráo bằng hết. Bà mẹ là đầu trò, lũ con tiểu yêu thi hành. Cũng chẳng phải con ông gian dối, ma vàng làm cả đấy. Bây giờ xong hết rồi, chúng nó mưu mẹo bẩy ông ra khỏi nhà, xóa sạch dấu vết, ông là dấu vết cuối cùng, chúng nó trở về với cõi âm.
Mẹ khóc sụt sùi cho một số phận éo le, có đầy hỉ nộ ai lạc, lại được mạ thêm màu liêu trai ma mị. Một câu chuyện cải lương có thể lấy được nước mắt nhưng không ngăn được mẹ đùng đùng đòi tôi giúp mẹ đi làm thủ tục ly dị. Hơi thở nặng mùi khiếp lên được, ghê hơn cả chàng trai tân ăn tỏi nặng mùi ngày xưa. Sau chuyến đi này, mẹ sẽ phục thù đi tìm cho bằng được một tay giàu có thật sự, một nhà tài phiệt thời đổi mới có thể đi karaoke ôm ấp gái non nhưng về nhà vẫn cần một bàn tay chăm chút hiểu biết.
Nhưng rồi mọi sự đảo lộn hết. Lần này người đến vườn nhà tôi là một người cũ. Chính là chàng. Kẻ một mình đi tù vì tội đầu độc vợ ngày xưa. Chàng sáu mươi rồi. Đi tù về vóc dáng vẫn vạm vỡ điềm đạm như ngày nào. Người như thế thì không thể nào đầu độc vợ. Bà Họan Thư ghen quá, điên quá, nghĩ ra cách hại mình, hại chồng. Bà cho bả chuột vào niêu thuốc bắc, kêu mệt, đòi chồng rót thuốc, bê bát đến, cầm bát cho bà uống. Dấu tay ông còn đó, trên niêu thuốc bắc, trên bát thuốc. Nhiều người biết ông vô tội nhưng chứng cứ chống lại ông.
Chàng trở về vào dịp áp Tết. Mẹ con tôi mất hết Tết vì chàng ngã bệnh ngay. Viêm phổi cấp. Mẹ quẳng hết mọi thứ. Đâm bổ vào bệnh viện. Một mình mẹ đi đi về về từ hai đầu, nhà và bệnh viện. Đêm đêm thức trắng ngồi trông bên giường bệnh. Đến cả tôi cũng bị cuốn vào. Thỉnh thỏang, người về từ ký ức, từ cõi sống chết giành giựt, lại mở mắt. Cái nhìn như hỏi, em có tin ngày xưa tôi không thể là người làm việc ấy? Nàng nắm tay chàng, nắm tay như vậy thì dù chàng có ở gần cõi chết lắm rồi, cũng phải cố chống chọi mà tìm về.
Tôi không dám nhìn hai người.
Tự hỏi chẳng lẽ mai kia chàng trở về thì cây hoàng lan trong vườn nhà lại phải hóa thành cây si vĩnh viễn mãi sao?