Hà Nội, con thuyền, phù sa
Tác giả: Hồ Anh Thái
Đôi khi tôi tự hỏi cái ngày Lý Công Uẩn đến vùng bờ bãi phù sa ven sông Hồng, thấy những ráng mây vàng như một con rồng bay vút lên, chính ngày đầu tiên ấy ông đã ngắm con rồng Thăng Long trên mình ngựa hay trên thuyền?
Hình như một con thuyền có lẽ hợp hơn với người đầu tiên đến chọn đất xây dựng nên Thăng Long. Không loại trừ sự tô vẽ của người đời rằng ông ngồi hùng dũng trên một thớt voi hoặc một con ngựa chiến. Nhưng dải đất phù sa nâu đỏ ven dòng sông cũng đỏ đòi người đến khám phá ra nó phải cưỡi trên một con thuyền đè trên đầu sóng. Những hồ nước khắp trên đất Thăng Long cũng muốn rằng người đầu tiên đến đây phải có một con thuyền. Phải là thuyền cơ. Mãi đến thời Hồ Quý Ly, như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh miêu tả, cả vùng Thăng Long vẫn còn mênh mông hồ nước. Phương tiện phổ biến và an toàn vẫn là thuyền. Những con thuyền chập chờn luồn lách trong sương, qua lau sậy, mang chở trên đó bao nhiêu nỗi niềm, cả những mưu đồ bá vương.
Phải là thuyền. Sông dài bãi rộng. Trên bến dưới thuyền. Chài lưới. Canh tác lúa nước. Buôn bán vùng kẻ chợ. Người ấy cảnh ấy kéo dài ra đến một nghìn năm, đến bây giờ. Người bây giờ ngồi mà hình dung cứ tự đoan chắc với mình rằng Lý Công Uẩn ngày đầu đến đây bằng thuyền.
Chắc là thế. Bằng thuyền.
***
Có lần tôi ngồi nghe chuyện nhà văn Tô Hoài, cũng là một nhà Hà Nội học trực nghiệm đáng tin cậy. Nhân chuyện người Hà Nội gốc, ông nói rằng hiếm có lắm, Hà Nội gốc họa chăng chỉ có mấy anh chàng đánh cá ven sông Tô Lịch.
Ừ nhỉ, ngay như nhà văn Tô Hoài đấy thôi. Ông vẫn được coi là một nhà văn hiếm hoi người Hà Nội còn lại với chúng ta từ đầu thế kỷ trước, nhưng mà trước năm 1945 vùng Nghĩa Đô quê ngoại ông hằng đi về vẫn còn thuộc tỉnh Hà Đông. Hà Nội khi ấy chỉ là một mảnh bé xíu của nội thành Hà Nội bây giờ.
Hà Nội gốc bây giờ tạm chấp nhận tiêu chuẩn có ba đời sinh ra ở Hà Nội. Ông nội tôi sinh ra ở đây, cha tôi sinh ra ở nơi đây, và tôi nữa sinh ra ở nơi đây. Thế thì tôi là người Hà Nội, cho dù những năm chiến tranh ly tán, cha mẹ tôi có phải bỏ Hà Nội dắt dìu nhau đi kháng chiến chống Pháp, cho dù những năm chống Mỹ có phải bồng bế tôi đi sơ tán về miền quê. Cho dù gốc gác tôi ở Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên, hay từ những tỉnh đồng bằng Bắc bộ không xa. Hay từ những nơi thật xa Nam bộ.
Nghe thế thì hiểu rằng Hà Nội gốc ba đời ở móng chân vẫn còn giắt bùn sông Hồng. Đầu thế kỷ XX vùng phố cổ bây giờ nước sông Hồng vẫn còn mấp mé liếm vào bến đỗ, rồi theo thời gian mới dùng dằng rút dần ra xa. Người Hà Nội gốc khi ấy vẫn phải làm nghề chài lưới. Bà buôn vẫn phi lăn xả xuống bến lội bùn lấy hàng lên. Ông đồ ông ký sao cũng có lúc phải lội nước lên thuyền hoặc lội qua bãi sông ngập nước mà về nhà. Hà Nội gốc mà móng chân vẫn giắt bùn là như vậy. Lá ngọc cành vàng, danh gia vọng tộc thật là một huyễn tưởng mong manh.
Thế thì người Hà Nội là những ai? Cũng như mọi thủ đô trên thế giới này thôi. Chưa đến London cứ tưởng người London nói tiếng Anh theo "kiểu thủ đô" rất chuẩn. Chưa đến Paris cứ tưởng người Paris chỉ toàn người sinh trưởng ở thủ đô hoa lệ. Những đô thị ở nước Mỹ thì khỏi nói, New York, Chicago, San Francisco, Los Angeles... Tất cả đều là những tụ điểm tập hợp dân tứ chiếng hay người tứ xứ cũng vậy. Khó mà tìm ra ở họ một mẫu số chung.
Hà Nội có lẽ cũng vậy thôi. Gốc gác ba đời ít ỏi đã nói ở trên. Đa số người Hà Nội bây giờ là "ngoại kiều". Những Thanh kiều, Nghệ kiều từ miền Trung ra. Từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình lên. Từ phưng Nam tập kết đến. Tinh hoa gốc rễ hun đúc ở đây. Tinh hoa từ mọi miền mang tới, giao kết hợp chủng mà tạo nên người Hà Nội. Lâu dần cứ cái gì thanh lịch, hào hoa, cao nhã, tinh tế... thì mặc nhiên đều được coi là của người Hà Nội. Chẳng cần phi rạch ròi phân định "của tôi trả tôi" làm gì.
Người Hà Nội là người sống trên dải đất ven sông Hồng. Người Hà Nội cũng là người Việt tới tận từng phân vuông vậy.
***
Những nơi đô thị như Paris, London, New York là nơi quần cư của người tứ xứ. Tiếng Anh tiếng Pháp đại trà ở những nơi đó khó mà coi là khuôn vàng thước ngọc. Hà Nội thì sao? Xu hướng đô thị hóa và quản lý đô thị khá lỏng lẻo mấy chục năm qua cũng đang làm tiếng Hà Nội có phần nào hỗn độn. Như giao thông. Như nếp sống bày bừa làng xã đang biến Hà Nội thành một cái làng có đường phố, sự quá ti về số lượng người không điều tiết sớm, một ngày nào đó người ra vào thành phố hàng ngày cũng bị hạn chế như phải đăng ký xe máy hôm nay vậy.
Còn nhớ đầu những năm 1980 người ta nhận thấy hiện tượng này: những người líu lo "Hà Lội thanh nịch và lên thơ" thuộc hai loại: hoặc là dân ngoại thành, hoặc là dân chợ giời. Các chàng các nàng chíp chíp kiu kiu trong vòng bán kính mười kilômét tính từ Bờ Hồ, ban ngày cấy lúa trồng rau trồng hoa, tối đến huỳnh huỵch đạp xe đến vũ trường, cứ dép lê mũ cối mà đăngxinh. Vừa đăngxinh vừa bô bô một thứ tiếng Hà Nội đố nhau xem đó là nờ cao hay nờ nùn.
Nhưng tại sao lại là dân chợ giời nữa? Đám thanh niên chúng tôi hồi ấy tự giải thích thế này: đa số dân chợ giời cũng từ các miền quê mới đổ tới. Ngay cả dân gốc gác vài đời định cư ở chợ giời cũng quen dần lời ăn tiếng nói kiểu này. Một người khách mang hàng vào chợ là một con mồi. Cả một toán người ùa tới quây con mồi vào giữa, mồm năm miệng mười, mua tranh bán cướp. Những kẻ trả giá dìm giá ấy chỉ là "chân gỗ", có nhiệm vụ uy hiếp cho con mồi hoang mang nhụt chí. Rốt cục chỉ có một kẻ chủ mưu đứng ra mua giá hời. Đám "chân gỗ" hầu như đều cố tình phạm lỗi phát âm elờ enờ, gây cảm tưởng quê kệch chất phác. Bao nhiêu người đã đứng khóc giữa chợ giời vì cái thứ tiếng "hà lội" quê mùa ngớ ngẩn ấy.
Nhưng bây giờ, liệu có thể coi là Hà Nội đang tràn ngập cái thứ tiếng mà cách đây vài ba chục năm còn là tiếng ngoại thành, tiếng chợ giời?
Nói như thế không có nghĩa là ca sĩ ngày nay không còn luyện thanh phát âm nhả chữ theo giọng Hà Nội. Tiếng Hà Nội vẫn còn đó. Hồn Việt tiếng Việt vẫn phi nương vào giọng phát âm Hà Nội để biểu đạt âm thanh ở mức đẹp nhất. Một thứ tiếng trong trẻo, nhẹ nhõm, nhẹ đến mức phạm luật phát âm, người nghe khó phân biệt xờ với sờ, chờ với trờ - "xắt xon chung hiếu", "chương chình xản xuất". Nhưng cái nhẹ nhõm khiếm khuyết vẫn được yêu, như người ta yêu cái dịu dàng có phần yếu đuối của thiếu nữ. Các diễn viên thanh nhạc mọi miền khi hát lên vẫn hát bằng tiếng Hà Nội. Hai tiếng "Hà Nội" phát ra đẹp nhất có lẽ là từ giọng soprano Lê Dung khi chị hát Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương. Sinh thời Lê Dung nói với đồng nghiệp: "Tôi không phải là người Hà Nội, chúng ta đây cũng hiếm có ai gốc Hà Nội, nhưng hai tiếng Hà Nội khi hát lên thì nhất thiết phải sang phải đẹp".
Đâu phải ai cũng nghĩ được và làm được như vậy. Ca sĩ đằng trong nếu không nỗ lực một cách có ý thức thì phát âm vẫn ngòng ngọng, chơn chớt, như Tây nói tiếng ta, như "Tây Annam nói tiếng Annam". Khán giả không sành thì lấy làm thích thú cái giọng phát âm ngồ ngộ "như Tây". Đến lượt một số ca sĩ sinh trưởng Hà Nội có sẵn giọng nói trời cho, ảo vọng ăn khách xui họ cũng nắn tiếng méo giọng theo kiểu ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Nghe họ hát mà có cảm giác bị pha tiếng. Sự báng bổ xúc phạm nhất còn không bằng pha tiếng kia mà.
Còn nữa, có một vị chức sắc lên tivi nói: "Hôm nay tôi hoan nghênh các i-em làm xanh sạch đi-ẹp chi-o thành phố". Tiếng địa phương mang vào Hà Nội thì tiếng nào cũng nặng, nhưng nghe một nhà quản lý ở Thủ đô "yêu quê hương qua từng âm tiết nhỏ" như thế, lại ưu tư: giá mà điều chỉnh từ cái nho nhỏ như phát âm cho dân dễ nghe hơn? Một chính khách đúng nghĩa còn là một diễn viên, một nhà hùng biện. Nhập gia tùy tục thì đâu có sợ tự làm mất gốc.
Tiếng Hà Nội không ngừng phát triển, như mọi sinh ngữ, sinh âm khác. Tiếng Hà Nội 1954, tiếng Hà Nội 1975. Hai thứ tiếng ấy vào đến phưng Nam có bảo tồn đến mấy cũng không trụ vững được trước sức xâm nhập của môi trường và sự phát triển của ngôn ngữ. Lạ. Người Nam bộ tập kết ra Bắc hai mươi mốt năm ít thấy pha tiếng, nhưng người Bắc vào Nam dăm bảy năm tiếng đã cưng cứng khê khê như giọng Thanh. Lạ nữa. Tiếng Hà Nội 54 vào Nam rồi du cư sang Tây sang Mỹ, xa cách thế càng quyết tâm bảo lưu bảo tồn bảo thủ. Đi khỏi Hà Nội 1954, rời khỏi Sài Gòn 1975, ngôn ngữ sống trong lòng đôi ba người như một tiêu bản sống chia rẽ chiến tuyến. Một người phiên dịch trong cộng đồng mở miệng nói: Ngôi nhà này hiện đại nhỉ. Bị chấn chỉnh ngay: Đấy là nói giọng Cộng, phải nói là: Tòa Binđinh tân kỳ nhỉ. Nói sông núi đẹp tươi thì bị chỉnh thành ngôn ngữ của nửa thế kỷ trước: Non sông cẩm tú... Cố níu giữ tính chiến tuyến và giai cấp của ngôn ngữ. Còn giọng, nhiều ông bà già Việt Kiều đến bây giờ vẫn còn nói giọng 1954. Nghe lạ. Buồn cười. Quê quê thế nào. Tên cụ là Dư, chắc thế, cứ nhất quyết đòi viết đúng trong văn bản là Rư, phát âm cũng rung bần bật cả lưỡi lên, R-R-R-Ư, ngày xưa nhà cụ ở phố Thợ Ruộm, chứ không phải Thợ Nhuộm. Nhà văn Tô Hoài mỉm cười: Tiếng Hà Nội ngày xưa đấy. Vậy ư? Nhưng tiếng Hà Nội bây giờ khác rồi: tròn, sáng, trong, vang, sang, nhẹ. Lại vẫn nhà văn Tô Hoài: Nhưng hơi điệu.
***
Điệu. Có lẽ vì véo von ngữ điệu. Lại nhẹ nữa. Ô hay nhỉ, tiếng nói càng phát triển lại càng nhẹ nhõm đi, nhưng thời đại thì ngày càng vạm vỡ, xô bồ. Cái ăn Hà Nội trong văn Vũ Bằng, Thạch Lam thanh cảnh tinh tế là vậy, nhưng bây giờ... Đến cả các nàng nói giọng nhẹ nhàng yểu điệu cũng đã có văn hóa ẩm thực khác.
Món ăn Hà Nội thời nay có lẽ cũng là sản phẩm của một thứ "hợp chủng thị". Đã dậy mùi sặc sỡ như Trung. Đã nhiều gừng nhiều ớt như Nam. Đã nhiều sả như Thái, ngọt như Tàu, gây gây như Ý... Chuyện ở trên, các ca sĩ Hà Nội cố uốn giọng phát âm như ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Chuyện ở đây, ẩm thực mọi miền được tiếp thu dễ dàng. Cả hai chuyện đều cho thấy người Hà Nội thật cởi mở, thật dễ tiếp thu những gì ở bên ngoài mình.
Miếng ngon Hà Nội vẫn còn đó. Nhưng đời sống đô thị chuyển vần tốc độ chóng mặt, thức ăn khó mà chỉ dành cho thiểu số người ngâm nga nhấm nháp bên lề dòng chảy. Ăn uống cũng nhanh lên, mạnh lên, hùng hục, quần quật. Nhiều sáng kiến ẩm thực cho phù hợp thế sự. Bát phở thời bao cấp không phải ai cũng có tiền mà ăn mỗi tháng một lần, đến độ trí thức không còn nhớ định nghĩa "phở là gì?". Vào quán phở chỉ ăn thuần phở thôi cũng đã là một sự kiện. Đôi ba kẻ phe phẩy, giàu có nhờ buôn bán, gọi thêm vào bát phở quả trứng gà chần, thứ nhất để tăng lượng prôtit bổ béo, thứ hai để chứng minh đẳng cấp có tiền. Bát phở đẳng cấp cứ thế mấy chục năm, giờ thành món quen vị quen miệng. Phở trứng. Người sành ăn thì không sao quen được cái thứ phở giàu xổi tanh tanh ấy. Phở không chịu dừng lại, mấy bà bán phở còn sáng kiến thả những viên thịt vào bát phở gà phở bò thành phở tổng hợp, phở mọc. Phở còn đi xa hơn, sang cộng đồng người Việt ở Âu Mỹ. Món ăn Âu ăn Thái vào Việt Nam phải điều chỉnh thế nào cho vừa miệng dân ta thì phở Việt Nam ở Paris ở Cali cũng phải cải biên như thế. Khối lượng cũng phải tăng lên ngồn ngộn trong những cái bát to như cái chậu. Phở ăn nóng cho đến thìa nước dùng cuối cùng là điều không thể thực hiện được.
Các chàng các nàng yểu điệu bây giờ ăn rau sống là ăn cả cây húng cây kinh giới um tùm sum suê. Xà lách rau diếp món chính thì ít. Rau thơm ăn hương ăn hoa thì thành món chính rậm rạp. Trong ẩm thực giá trị cũng bị đảo ngược, bị "đánh tráo khái niệm" như cách lập ngôn trong phê bình văn học thời thượng. Ẩm thực thịt vịt thịt ngan cưỡi lên cả đám giỗ đám cưới. Ban đầu nó được các cô Ôsin giúp việc "thế nào cũng được" hồn nhiên mua bán nấu nướng bày lên. Dần dần nó được các ông bà chủ nhà "để yên xem sao" quen mắt quen miệng. Lâu lâu sau nó được người Hà Nội "nhẹ dạ dễ dãi" chính thức cho gia nhập văn hóa ẩm thực thủ đô.
Nói thế biết thế, nhưng miếng ngon Hà Nội vẫn còn. Trong những người sành, thanh tao. Hiếm lắm. Nhưng hồn cốt văn hóa bao giờ cũng được bảo tồn nhờ một số ít. Dường như vậy.
***
Gia phong trong những nhà số ít ấy giờ đây ngẫm lại thực ra lại mang tính toàn cầu. Trọng trung hiếu lễ nghĩa. Biết lắng nghe người đối thoại, biết đàm phán và biết thuyết phục. Không thuyết phục được thì khôn khéo biết để cho đối tượng ra đi trong danh dự. Ăn thanh tao, mặc thanh lịch, bước đi dáng đứng thanh nhã. Chữ thanh thường làm đầu. Bao giờ xử sự cũng tự nhiên, tự nhiên như người Hà Nội. Thoải mái. Tự tin. Không thích kẻ thu mình. Ăn uống không xô bồ hấp tấp nhưng cũng không cảnh vẻ kiểu cách. Bát cơm bát phở phải ăn bằng hết, không được bỏ thừa một chút làm phép. Chúng tôi ngày ấy được giáo dục bằng chữ thanh, vào đời làm ăn là ổn ngay. Ra nước ngoài bỡ ngỡ chưa biết rõ tập quán địa phương, chỉ việc xử sự như cha ông dạy bảo là hòa nhập tự tin được ngay. Không bị sốc văn hóa. Không bị mặc cảm mình vụng về quê mùa.
Chữ thanh đôi khi hiểu thái quá mà thành ra sáo ra sĩ. Sĩ diện. Thời bao cấp có nhà buôn gian bán lận, cơm gà cá gỏi nhưng rổ rác phải phủ rau lên trên để che xương cá xương gà, sợ hàng xóm dị nghị. Mốt kín đáo. Thời trước nữa thì trái lại, có giai thoại người Hà Nội nghèo, trước khi mang sọt rác ra đổ nơi công cộng lại phải phủ lên trên đôi ba cái vỏ trứng. Ra điều ta không nghèo. Mốt sĩ.
Người bốn phương tụ về, chỉ mượn cái bãi đất sông Hồng mà làm nên Hà Nội. Người ở đâu về đây lâu rồi cũng dần dần ra người dễ chan hòa, khoáng đạt. Trong cả nếp nghĩ. Trong cả nếp sống. Dễ. Thảng hoặc dễ đến mức không kiên quyết bảo vệ điều mình tin. Nhiều khi dễ, gặp cái gì hơi khó là lảng là chuồn. Thật êm. Dễ thì xơi khó thì lặn một hơi. Nam chuồn Hà lủi Thái thì bay. Hà ở đây là chỉ người Hà Nội.
Nhưng dễ bên này dao động sang phía bên kia quả lắc thành ra khó. Người khó thì thật là quyết liệt. Thời tiết khí hậu không ôn hòa bình ổn như phương Nam. Nóng đến điên người mà rét có thể chết người. Cư dân chịu tác động khí hậu ấy địa lý ấy nên cũng không sôi nổi ồn ào dễ dãi như người phưng Nam. Cái kiểu tuẫn tiết của người anh hùng miền Trung trong thành Hà Nội là đúng kiểu Hà Nội. Ôm bom ba càng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh dường như cũng là cách chết thật là Hà Nội. Chết vì tình cũng phải là kiểu lá ngọc cành vàng, là kiểu chết tương tư Tố Tâm tiểu thuyết. Trong văn chương cái quyết liệt Hà Nội dễ thấy trong khí phách Nguyễn Trãi. Trong chua xót tận cùng Nguyễn Du. Trong cay chua vẻ ngoài khao khát bên trong Hồ Xuân Hương. Những người nhắc tên dường như chứng minh cho một giả thiết dân gian: người Hà Nội thành danh đều phải là kết tinh văn hóa mọi miền; người tứ xứ, người khu Tư khu Năm muốn thành danh đều phải xa quê mà đến với Hà Nội. Như thời nay người muốn làm ăn đều phải quy về đầu mối Sài Gòn. Hà Nội nữa.
***
Tôi có lần ra giữa sông Hồng dự một đám tang đặc biệt. Của một nhà thơ. Đặc biệt. Vì mong muốn cuối cùng của người quá cố là sau khi hỏa táng, di hài ông được thả xuống sông Hồng. Hình như mong muốn ấy chỉ có ở một con người thật lãng mạn. Tôi chắc là ông cũng đã biết nhiều về Phật giáo, Hindu giáo và văn minh Ấn Độ. Người Ấn từ thượng cổ gắn với những dòng sông lớn. Họ gọi đó là sông thiêng. Sinh ra được rửa tội trong dòng sông thiêng là may mắn lớn. Cả đời người một lần tắm nước sông thiêng là được giải thoát. Chết đi thì tro than nhất thiết phải về với sông. Về với sông tức là về với sông cha đất mẹ.
Chắc là ông nhà thơ đất Việt kia cũng an nghỉ với giấc mơ lần cuối cùng phiêu du trên dòng sông Cái màu đỏ. Tôi tuổi tứ tuần vương vấn mãi từ chuyến tiễn đưa trên sông Hồng hôm ấy. Không có ai được dự đám tang mình. Nhưng dường như tôi đang tiễn đưa chính mình trong hành trình cuối cùng của mình. Giống như thế. Con cháu tôi sẽ mang cái bình gốm ấy trên tay ra bờ sông Hồng. Nhúm tro ấy sẽ tan hòa trong dòng nước. Cũng có thể là một con thuyền giấy sẽ chở nhúm tro tàn ấy trôi một quãng sông Hồng. Chiếc thuyền giấy sẽ rơi vào một xoáy nước, bị dìm đắm, kết cục tất nhiên cho bất cứ một con thuyền nào hôm nay vẫn còn thong dong trên sông. Chính ở chỗ chiếc thuyền giấy buông mình đầu hàng số phận, tôi sẽ li ti lắng xuống cho một lớp phù sa sẽ tôn lên thành bờ bãi mới. Cũng có thể vào bụng cá, cá thì cũng lại về với sông cha đất mẹ.
Người mê tín bảo đừng có hỏa táng. Nóng lắm. Gọi hồn không được. Hồn nào về được cũng đều kêu nóng lắm. Chẳng hóa ra niềm tin tâm linh của người Ấn là sai, họ chẳng có một linh hồn nào còn lại từ đống tro tàn hỏa táng hay sao? Chẳng hóa ra những người được mai táng gọi hồn lên không có ai kêu dưới ba thước đất nằm rất lạnh? Bị cả triệu triệu sâu bọ côn trùng quấy quả? Giấc ngủ ngàn thu có cả cá trê bẹp đầu sùng sục xông vào?
Người Hà Nội bây giờ có mê tín hơn xưa? Tiền cho vàng mã khói hương ngày một ngày rằm đã thành một ngăn dành riêng trong vỏ não? Người Hà Nội ấy khó quen với việc rải tro xương xuống sông Hồng. Thì cũng phải dành lại một phần mộ, một chỗ nho nhỏ cho con cháu tưởng nhớ. Như thể không có một nấm đất con con thì đời sau sẽ không còn ký ức. Thì chẳng lẽ lại đem tro đi rải xuống sông, chết là xóa sạch mọi dấu vết? Như thể còn nhìn thấy một tấm bia thì người chết vẫn còn.
Không, người có danh lẫn người vô danh khi đến thế giới này đều chỉ là đứa hài nhi vô danh. Vậy khi ra đi cũng nên vô danh như hài nhi của một vòng đầu thai mới. Cái gì còn lại đều là cái khó nhìn thấy. Chẳng phải cứ tượng đài bia đá là còn.
Tôi lại vẫn nghĩ rằng hành trình cuối cùng của Lý Công Uẩn cũng là trên một con thuyền. Sau đó là dòng sông Hồng. Sau đó là phù sa.