watch sexy videos at nza-vids!
Truyện BỨC THƯ HỐI HẬN-Chương 11 - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

Chương 11

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Cang nằm êm một hồi, rồi nhỏ nhẹ nói với vợ:
- Nếu tôi mất Nghiệp, chắc tôi phải chết quá mình ơi.
- Chuyện gì mà mất lận. Xin mình bình tĩnh mà xử trí, đừng buồn đừng giận chi hết. Mình làm phải, lẽ nào con nó phụ bạc mình.
- Cha nó đã phụ bạc mình đó. Con do máu thịt của cha mà sanh. Tôi sợ e con nó sẽ phụ bạc tôi cũng như cha nó phụ bạc mình trước vậy.
- Còn máu thịt của tôi sao mình không kể? Con của tôi đẻ mà. Nó cũng có một phần máu thịt của tôi chớ.
- Làm cho Nghiệp nên người, tôi tốn công phu nhiều lắm. Nghiệp từ nhỏ là tâm trí của tôi. Bây giờ trưởng thành rồi, nó là hy vọng của tôi. Vợ chồng mình ăn ở với nhau mấy mươi năm mà không có chút con nào hết. Tuy vậy mà tôi không buồn. Nghiệp sẽ kế chí cho tôi. Nghiệp sẽ cúng quảy tôi. Cầu con làm chi nữa. Bây giờ Nghiệp bỏ tôi mà đi theo cha ruột nó, thì công phu của tôi tiêu tan, hy vọng của tôi bay mất. Làm sao mà níu lại được? Làm sao mà giữ cho được?
- Có lẽ nào nó đành bỏ vợ chồng mình mà theo cha ruột của nó. Con tôi đẻ, con mình nuôi, chắc nó giống tâm hồn của vợ chồng mình chớ.
- Tôi mong mỏi giữ lắm. Tôi vái van lắm mình ơi.
- Tôi nói thật với mình, nếu Nghiệp nó nhìn Bình là cha nó, thì tôi cấm tuyệt không cho nó thấy mặt tôi nữa, không cho nó kêu tôi bằng má nữa.
- Sao vậy?
- Người ta đã phụ bạc tôi, người ta đã bỏ bê nó, mình cứu vớt tôi mà nuôi dưỡng tôi và dạy dỗ nó, bây giờ nó thành nhân rồi, nó không trả oán cho tôi, nó quên thù của nó, nó trở lại cung kỉnh dưỡng nuôi người ta, quên cả công lao tình nghĩa của mình, con như vậy làm sao mà tôi thương yêu cho được.
- Mình làm như vậy, té ra mình ích kỷ quá, ích kỷ mà lại hẹp lượng nữa. Mình cấm con không được nhìn biết và phải oán thù cha của nó, tôi sợ mình phải mang cái tội làm sái đạo luân thường, vì mình ép con bỏ dẹp niềm phụ tử. Khó lắm mình ơi: tôi lo lắm, vì tôi bối rối lắm không biết đâu là đường phải đi.
Ông Ba Chánh đi chơi về. Ông thấy vợ chồng Cang to nhỏ với nhau mà buồn hiu, ông biết đang bàn tính với nhau về chuyện Nghiệp, nên ông đi luôn vô nhà khép cửa phòng mà nghỉ.
Vợ chồng Cang nói chuyện rù rì với nhau đến khuya rồi mới vô đóng cửa tắt đèn.

***
Mấy bữa rày ở dưới hãng hay về trên nhà cũng vậy. Cang lửng lơ lơ lửng, ít muốn nói chuyện, chẳng bao giờ cười.
Mà hễ ăn cơm tối rồi thì Cang lên xe cầm bánh mà đi. Bữa đầu vợ hỏi Cang đi đâu thì Cang nói trời nực quá nên đi hứng gió, nhưng không rủ vợ đi theo như hồi trước. Cô Huyền biết chồng đương bối rối trong lòng, muốn tìm chỗ thanh tịnh mà suy nghĩ, cô sợ đi theo làm rộn cho chồng, nên cô không đòi đi.

Đến thứ bảy, lúc ăn cơm chiều, Cang dặn vợ biểu chị bếp sáng mai đi chợ mua đồ ăn kha khá vì có khách ăn cơm trưa. Cô Huyền hỏi:
- Khách nào đến vậy?
- Có cậu Hoàng ở Cần Thơ lên. Tôi mời cậu trưa chúa nhựt lên nhà ăn cơm trưa. Tôi cũng có mời vợ chồng thằng Nghiệp vô định tính việc nhà.
Cô Huyền nghe như vậy thì hiểu bữa cơm trưa mai là buổi cơm quan hệ, không biết chồng sẽ xử lý thế nào.
Cô lo quá. Suy nghĩ một chút rồi cô nói:
- Xưa rày lâu mời thầy Hai Thanh lên ăn cơm. Nhơn dịp có cậu Hoàng và vợ chồng thằng Nghiệp, tôi muốn mời luôn thầy Hai.
– Ô ! Được. Thuở nay tôi coi thầy Hai cũng như chú bác tôi. Mà thầy lại là bạn cố giao của cha tôi. Thầy cũng như người trong thân. Vậy má nó sai trẻ mời thầy dự bữa cơm gia đình nầy đặng nói chuyện chơi cho vui.
- Để sáng mai tôi mời.
Qua sáng chúa nhựt, lối 9 giờ, thầy Hai Thanh đã lơn tơn xuống trước. Thầy vừa mới nhậu một chung trà nóng với ông Ba Chánh và hỏi thăm về cách bảo hiểm xe hơi, thì xe của cậu Hoàng với xe của vợ chồng thằng Nghiệp tiếp nhau vô sân đậu nối đuôi.
Hoàng mau mắn chạy vô nhà mà hỏi thăm lăng xăng. Loan đeo theo mừng rỡ cha mẹ chồng, nói cười không ngớt. Còn Nghiệp thì xẩn bẩn một bên ông ngoại rót nước trà mà uống, hỏi sức khoẻ thầy Hai Thanh.
Thấy gia dịch sửa soạn chặt nước đá, Nghiệp kêu vợ mà chỉ và biểu đừng đãi rượu gấp vì còn sớm quá nên cho uống trà thì hợp giờ hơn.
Cô Huyền bước vô trong kêu cho một bình trà. Cô Loan lại tủ rượu mà lấy tách. Cang trầm tĩnh ngồi giữa sa lông, mắt ngó mọi người song không nói chi hết, trên mặt lộ vẻ hiền từ mà kiên quyết. Cang đợi chủ khách đều có đủ mặt trong xa lông, Cang mới kêu Nghiệp mà nói:
- Nghiệp lại ngồi một bên ba đây, đặng ba tỏ việc nhà cho con nghe. Lẽ thì phải để ăn cơm rồi sẽ nói chuyện mới phải. Nhưng còn nhiều thì giờ quá, thôi ba nói đặng nhẹ bụng ăn cơm mới được.
Nghiệp bước lại kéo ghế ngồi một bên cha. Ai nấy thấy Cang nghiêm nghị, biết Cang có việc can hệ muốn nói với con, nên đồng lặng thinh mà ngó, đợi coi Cang sẽ nói chuyện gì.
Cang tằng hắng rồi khởi đầu:
- Nghiệp, ba mới nghe nói hôm con đi chơi, ra tới Nha Trang con có gặp ông Võ Như Bình và con đến thăm ông phải hôn?
- Thưa phải. Con có đến tìm nhà thăm ông Võ Như Bình và ngồi hầu chuyện với ông hơn một tiếng đồng hồ.
- Con biết ông Võ Như Bình là ai không?
- Thưa biết. Ông là cha ghẻ của vợ con, tức cũng là cha ghẻ của anh Hoàng.
- Con biết có bấy nhiêu đó thôi sao?
- Biết có bấy nhiêu đó. Còn gì nữa hay sao ba?
- Còn nữa. Bữa nay có đủ thân tộc bên con và bên vợ con, ba nói ngay cho con biết ông Võ Như Bình đó là cha ruột của con nữa, chớ không phải là cha ghẻ của vợ con mà thôi đâu.
Nghiệp nhướng mắt nhìn Cang trân trân, dường như không hiểu lời Cang mới nói đó. Cô Huyền ngồi thắt thẻo trong lòng. Còn Hoàng với Loan thì ngạc nhiên, day ngó nhau rồi ngó Nghiệp.
Cang thấy bộ tịch Nghiệp nghi ngờ thì nói tiếp:
- Ba nói đó là ba nói sự thật. Ông Võ Như Bình là cha ruột của con. Nếu con không tin lời ba, thì con hỏi má con kia, con hỏi ông ngoại con đó, con hỏi luôn thầy Hai đây kia, coi có quả là sự thật hay không.
Nghiệp vùng đứng dậy đi qua đi lại mà nói lớn:
- Dầu ai nói con cũng không thể tin được. Từ khi con biết cười biết nói, từ khi con biết đi lẫm đẫm thì con chỉ thấy một mình ba đây mà thôi. Nhiều khi ba đút cho con ăn, nhiều lúc ba dắt con đi dạo xóm. Con chỉ biết một mình ba là cha, con không biết ai nữa hết. Mà dầu ông Võ Như Bình thật là cha của con đi nữa, con cũng không cần biết làm chi. Khi đứa con còn nhỏ, bổn phận của người cha là hoạn dưỡng nó, lo cho nó ăn học. Thuở nay chỉ có một mình ba hoạn dưỡng con, ba ra giữa Toà lãnh trách nhiệm làm cha của con, ba chăm nom cho con học tập, ba nâng đở lo lắng cho con học đầy đủ hoàn toàn. Các điều ấy là bằng cớ rõ ràng chứng cho ba là cha ruột của con, một mình ba có cái địa vị ấy mà thôi, không ai được phép tranh với ba, dầu ai có nói cách nào con cũng không thể tin được.
Cang ngồi nghe Nghiệp nói trong lòng vui sướng cực điểm , tuy sắc mặt hân hoan, song cặp mắt rưng rưng giọt lệ.
Cô Huyền cũng phỉ dạ nên cô ngồi ngó con rồi ngó chồng với dáng điệu tự hào, với tấm lòng âu yếm.
Thầy Hai Thanh ngồi phía ngoài cửa, thầy chồm qua nói với ông Ba Chánh:
- Đúng lắm! Bác vật nói thiệt đúng.
Ông Ba Chánh tay vuốt râu, miệng chúm chím cười.
Cang đợi Nghiệp nói dứt rồi chậm rãi nói tiếp:
- Ba cảm ơn con. Những lời tình nghĩa con mới nói ra làm cho ba cảm động vô cùng. Công với tình yêu của ba được con đền đáp với giá ấy, thì ba vui lòng, ba vinh mặt không biết chừng nào. Con ngồi lại, ngồi đặng ba nói hết cho con nghe. Thuở nay cả nhà điều giấu kỹ, ba má và ông ngoại con cũng vậy, không ai nói rõ nguồn gốc cho con biết. Ba má không nói rõ sự thật vì sự thật đó không bổ ích cho cuộc lập thân của con. Biết sự thật rồi con buồn, thôi thà để êm cho vui vẻ với sự giả. Đống tro tàn nhờ tuế nguyệt bao trùm đã mấy lớp rồi, dại gì bươi xới lên cho nó bay bụi dơ nhà. Mấy bữa rày ba má hay con đã giáp mặt với cha ruột của con, hay con cảm động mà thấy người suy sụp, nên muốn ra tay cứu vớt. Tốt lắm, con có lòng nhơn như vậy, ba rất khen con.
Nghiệp chặn mà nói:
- Con đi thăm ông Võ Như Bình là vì con hay ông là cha ghẻ của vợ con, chớ con có biết ông là cha ruột của con đâu. Còn con cảm động chỉ vì thấy ông suy sụp vất vả, chớ không phải tình nghĩa chi hết.
Cang Ðáp:
- Phải rồi. Ba có trách con về sự viếng thăm và cách động lòng đó đâu. Thái độ của con hạp với lễ nghĩa, có chỗ nào sái đâu mà ba trách. Để thủng thẳng ba nói hết cho con nghe. Mấy bữa rày ba hay việc con đã gặp ông Võ Như Bình, ba lo mà cũng buồn nữa, buồn dữ lắm. Ba má hỏi nhau: phải dấu luôn sự thật hay là phải nói ngay cho con biết? Dấu luôn thì có lẽ vợ con vì ăn năn, còn con vì tội nghiệp, vợ chồng con sẽ đem ông Võ Như Bình về nuôi, hoặc sẽ tới lui mà giúp đỡ. Nếu con nuôi dưỡng ông, con lân la ông, thì dưới con mắt của những người biết chuyện cũ, nhứt là đối với ông Võ Như Bình, địa vị của ba má đây kỳ cục quá. Mà con gần với ông thì sớm muộn ông cũng sẽ nói sự thật với con. Con biết sự thật nhờ miệng ông thì bối rối cho con, mà có lẽ con trách ba má nữa, trách ba má ích kỷ để cho con lỗi niềm phụ tử. Mấy bữa nay suy nghĩ kỹ lắm, ba cân phải quấy rồi. Ba cần phải nói ngay ra, không nên giấu giếm, mặc dầu nói ngay ra ba đau đớn, nói ngay ra ba phải san sớt tình yêu của con dành cho người khác.
Nói tới đây Cang ngừng, có ý chờ coi Nghiệp phản ứng thế nào. Nghiệp cúi mặt suy nghĩ rồi ngó ngay Cang mà nói:
- Ba đã nói sự thật, con xin ba nói luôn đi, cho con hiểu tại sao ông Võ Như Bình là cha của con mà ông lại để cho ba thay thế đứng khai sanh và nuôi con?
Cang cười mà đáp:
- Việc đó thì để cho má con, hoặc ông ngoại con, hoặc thầy Hai kia nói cho con nghe mới phải. Ngặt việc đó là việc đã gây buồn rầu cho má con, gây tủi hổ cho ông ngoại con, gây bực tức cho thầy Hai, nên để cho ba người ấy nói, ba vợ vì phiền hoặc vì giận mà nói quá đáng. Ba là người vô can, vậy ba lấy công tâm mà nói rõ sự thật, không vị không hờn ai hết. Chuyện xưa như vầy: lúc má con vừa lớn lên, thầy Hai đây vì tình giao hảo với ông ngoại con, nên đứng làm mai đặng gả má con cho ông Võ Như Bình, khi ấy làm việc chung một hãng với thầy dưới Sài Gòn. Hồi đó Chí Hoà là một xóm hẻo lánh, bởi vậy đám cưới làm sơ sài, không rước lục bộ lập hôn thú. Nãm sau má con sanh con. Mà sanh rồi thì thôi, không ai lo khai sanh cho đủ phép. Con chưa giáp thôi nôi, thì ông Võ Như Bình thi đậu ký lục được bổ xuống đứng thông ngôn cho quan Chủ tỉnh Cần Thơ. Vì ông ngoại con ở một mình, tại con còn nhỏ, nên ông Bình để má con ở nhà lo cơm nước cho ông ngoại con. Cách ít tháng má bồng con xuống Cần Thơ mà thăm, thì ông Bình cứ khuyên má con về, nói không muốn để cho ông ngoại con hiu quạnh. Cách ít tháng nữa má con hay tin ông Bình đã cưới vợ khác, cưới con nhà giàu lớn. Má con bươn bã xuống coi, thật quả ông Bình đã có vợ khác, vợ chồng ở chung trong một căn nhà lộng lẫy. Má con có tới đó, có giáp mặt với bà đó, chắc là bà già vợ của con bây giờ. Má con chán nản trước thói bạc bẽo của nhơn tình, nên nói cho ông Bình biết tình nghĩa dứt rồi, không còn kể vợ chồng gì nữa, nói rồi bồng con về Chí Hoà mà hẩm hút với ông ngoại con. Không phải là hạng đại hiền đại đức, má con làm sao mà biết lấy nghĩa mà đáp với oán, lấy trinh bạch mà đáp với bội bạc, bởi vậy má con giận cùng rồi quyết cải giá, lại quyết lấy chồng hạng thợ thuyền, chớ không ham người có học thức nữa. Bây giờ tới giai đoạn ba ra mặt.
Cang ngừng lại nữa, dường như cảm xúc không kiếm được lời nói cho suôn sẻ. Cử tọa đều chong mắt ngó Cang, nhứt là Nghiệp với anh em Hoàng hồi hộp muốn biết cho gấp cái vai của Cang trong tấn tuồng gia đình thân ái nầy.
Cang nói tiếp:
- Lúc ấy ba làm thợ máy trong một hãng xe hơi của người Pháp dưới Sài Gòn, nhà ở trên phía thầy Hai kia. Ba ở chung với anh bạn làm sốp phơ. Ba chưa có vợ. Mấy chị trong xóm chỉ chọc, nói má con bị chồng bỏ và họ khuyên ba nói mà cưới đặng có nơi nương dựa, có người nấu cơm cho mà ăn. Ba cậy mai nói. Ông ngoại con giục giặc, sợ có cha ghẻ con ghẻ khó lòng.
Ba liền đến nhà mà nói hẵn hòi rằng con nít nào ba cũng thương, huống chi là con của vợ ba; nếu ba cưới má con thì con riêng của nó tức là con của ba, ba sẽ nuôi dưỡng dạy dỗ như con ruột. Ông ngoại con tin lời nên gả. Ba làm đám cưới đủ lễ, có rước chánh lục bộ lập hôn thú theo phép. Ba dọn dẹp đồ về ở chung với ông ngoại con, hễ đi làm về thì ba chăm nom nựng nụi con như con ruột của ba vậy. Chắc con còn nhớ lúc nhỏ ba dưỡng nuôi dạy dỗ con thế nào, ba không cần phải kể công ơn ra đây làm chi. Khi con đến tuổi vào trường học, thì ba đã mở riêng một hãng sửa xe. Chừng con đi thi, người ta buộc phải có khai sanh, ba mới xin Toà lên án chứng nhận ngày và chỗ con sanh, với ba má con là cha mẹ. Tốn công có một chút mà ba hết ái ngại trong lòng, hết sợ tiếng cha ghẻ con ghẻ. Từ đây con là con chánh thức của ba, không ai được phép mỉa mai tranh dành gì nữa. Con học càng ngày càng tấn phát, xưởng xe của ba lần lần thành hãng mua bán xe, nhờ vậy nên con mới được qua Pháp mà học.
Nghiệp dợm muốn nói.
Cang khoát tay mà cản:
- Khoan!..Ba nói chưa hết. Bây giờ con đã hiểu rõ rồi, tại sao ba là cha của con thuở nay, mà ba còn nói ông Võ Như Bình mới thật là cha ruột. Với công nuôi dưỡng từ khi con chưa được dứt sữa, với án Toà ba nắm sẵn trong tay, ba đủ quyền làm cha, không ai có tài gì mà tranh quyền với ba được. Ba cũng không cần phải nói rõ nguồn gốc của con cho con biết làm chi vì con biết thì ba phải sớt yêu, chia kính bớt cho người ta, có hại chớ không có ích chi cho ba hết. Nhưng mà ba phải nói, ba không nên giấu giếm. Ba phải nói vì Võ Như Bình thất thời, suy sụp vất vả ưu phiền, chớ không phải vinh hoa phú quí, lên xe xuống ngựa. Ba phải nói vì ba không đành giả dối với con, khi con gặp người cấu tạo cho con thành hình. Ba phải nói, vì ba không muốn ôm thói ích kỷ mà để cho con lỗi đạo với cha con, là một trong mấy đạo căn bản của xã hội Việt Nam. Được biết người cha rồi, vậy thì con không nên ngó lơ, nhứt là trong lúc người đi lầm đường, nên phải sa chơn vấp ngã. Người dầu có tội lỗi, thì phú Trời định đoạt, phận làm con không phép ghét bỏ đứng sanh thành. Con phải nâng đỡ, con phải cung kính, vậy mới trọn đạo làm con. Con đã học rộng, con đã đủ trí, ba để cho con thong thả tuỳ lương tâm mà xử sự. Ba chỉ xin con hai điều nầy: Thứ nhứt, đừng trách má con sao không thủ tiết, lại giận lẫy mà cải giá. Tức giận là thường tình của con người. Má con không phải là Phật bà mà thoát khỏi thường tình ấy. Thứ nhì, đừng rước ông Võ Như Bình về mà nuôi, vì làm như vậy phạm danh giá của ba má. Ngoài hai điều ấy thì con tự do, con nhìn nhận cha, con giúp đỡ cha, con làm việc chi ba cũng vui hết.
Cử toạ nghe tới đó ai cũng cảm động cực điểm . Nghiệp bước lại quì gối trước mặt Cang, hai tay ôm mình Cang chặt cứng, vừa khóc vừa nói:
- Ba thật là một vị đại đức, một đấng nghĩa hiệp! Ba thật là người cha yêu quí của con. Con không cần nhìn người cha nào hết. Được biết rõ nguồn gốc rồi, cũng như lúc chưa biết, con ráng giữ bình tĩnh, không hờn giận người hất hủi mẹ con. Con không dám khinh rẻ chê bai, chớ buộc con phải cung kính yêu thương, sợ con khó mà làm được.
Cang đỡ Nghiệp đứng dậy mà nói:
- Nhìn hay không nhìn là tuỳ ý con. Việc đó ba không cản, ba cũng không ép. Nhưng ba khuyên con chẳng nên thất kính với người sanh thành, chẳng nên bỏ đói khát người lầm đường suy sụp. Con phải quảng đại, phải rộng dung người thất thế, phải thương sót kẻ sa lầy, đừng cố chấp thói điên cuồng, nên lấy đức mà báo oán.
Cô Huyền với cô Loan cảm động quá, nên mẹ con đều khóc hết. Ông Ba Chánh cứ vuốt râu mà cười.
Thầy Hai Thanh rất hân hoan, thầy nói lớn:
- Thợ máy xuất thân, mà xử sự cao thượng như vầy, thì cần gì học nhiều, cần gì giàu to, cần gì chức lớn. Nãm xưa cô Hai giận chồng bỏ, cô nói thợ thuyền có lẽ biết nhơn nghĩa hơn. Lời nói lẫy mà thật đúng lắm. Anh nhớ không anh Ba.
Ông Ba Chánh gật đầu.
Cậu Hoàng đứng dậy ngó ngay Cang mà nói:
- Thýa bác, cháu với em cháu mồ côi cha sớm quá. Mẹ cháu lại cải giá, giao anh em cháu cho bà ngoại nuôi. Bà ngoại cháu tuy cơm tiền nhiều song là một bà già lục đục trong chốn thôn quê, không thấy xa hiểu rộng. Vì vậy nên anh em cháu thiếu môn giáo dục gia đình. Có lẻ tại sự thiếu đó, nên khi mẹ cháu mất, anh em cháu mới bạc đãi ông già ghẻ, thành ra gắt gao khổ khắc. Hồi hôm em cháu nó thuật chuyện gặp ông Võ Như Bình đưõng vất vả ngoài Nha Trang cho cháu nghe, nó làm cho cháu hồi tâm mà hối hận. Bữa nay cháu được nghe những lời vàng ngọc bác nói với Nghiệp, thật cũng như Bác cầm đuốc mà soi sáng đường lối cho mọi người thấy đường phải noi theo, thấy nẻo dại mà bước tránh. Cháu kính cẩn cảm ơn bác, và xin bác từ nay dạy dỗ dùm anh em cháu cũng như con trong nhà. Bây giờ cháu xin phép bác mà tỏ bày ý kiến của cháu về việc ông Võ Như Bình. Nghiệp không khứng nhìn ông. Mà cháu nghĩ Nghiệp nhìn khó lắm, vì nhìn rồi phải tới lui, thì phạm danh giá của hai bác. Vậy cháu xin lãnh phần chăm nom cha ghẻ cháu, đặng chuộc tội cháu khắc bạc với ông. Cháu ở nhà lớn trên chợ Bình Thuỷ. Cái nhà tại Cái Khế thuộc ngoại ô Cần Thơ, là nhà của bà ngoại cháu sắm cho má cháu với cha ghẻ ở, hiện nay cháu mướn người giữ chớ cháu không ở. Cháu tính rước cha ghẻ cháu về đó và giao cả 400 mẫu ruộng để ông thâu huê lợi ông xài.
Ông ở đó, hưởng huê lợi đó cho mãn đời ông, rồi anh em cháu sẽ làm chủ. Bác nghĩ thử coi, cháu tính như vậy được hay không?
Cang không cần suy nghĩ, liền đáp rằng:
- Cậu Hoàng định cấp cho Võ Như Bình tới 400 mẫu ruộng, nên xét lại coi có phải nhiều quá hay không?
- Thưa thầy, 400 mẫu ruộng thì nhiều thật. Nhưng vì ông nói ruộng ấy là ruộng của ông xuất tiền ông mua, rồi ông mượn má cháu đứng bộ dùm nên cháu giao hết cho ông hưởng mãn đời.
- Nghe nói trong hai mươi mấy năm nay, ông bốc lột thiên hạ dữ lắm nên có lẽ ông có tiền mua ruộng ấy được. Mà bà hưởng hai gia tài huê lợi của bà cũng nhiều, bà cũng có thể xuất tiền của bà mà mua đặng để cho con, nên bà mới đứng bộ chớ. Nếu giao hết sợ e cậu bị lừa gạt.
- Hồi má cháu mất, ông xin để cho ông phân nửa là 200 mẩu.
- Hai trăm thì vừa, ông bà làm bạn với nhau trót 25 nãm, chẳng khác nào hùn với nhau mà lập hội. Nay rã hội thì tài sản chia hai là phải.
- Thôi để kiếm rước ông về rồi sẽ nhứt định. Bây giờ phải cậy người đi rước ông.
Cô Loan nói Tý Cầu biết chỗ ông ở, nên phải cậy Tý Cầu đi dùm. Cang nói Tý Cầu không đủ tư cách mà rước ông được. Thầy hai Thanh, hồi trước có quen với ông. Vậy nên cậy thầy đi với Tý cầu thì phải hơn.
Hoàng suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Lúc nầy cháu rãnh. Vậy cháu sẽ đi với thầy Hai và Tý Cầu.
Đồng hồ gõ 12 giờ. Việc nhà tính đã ổn thoả, Cang biểu vợ với dâu coi dọn cơm ăn. Bữa cơm gia đình này thật là vui, vì mọi người đều phỉ tình mát ruột, không ai còn lo ngại, không ai còn giận hờn, không ai còn hối hận chút nào nữa.
Cách hai bữa sau, cậu Hoàng ngồi xe hơi đi Nha Trang với thầy Hai Thanh và Tý Cầu. Ra tới đó thì Võ Như Bình đã đi mất. Hỏi tên Lung thì nó không biết ông đi dâu. Ông trả nhà cho chủ, ông thôi mướn nó, ông xách hoa ly lên xe lửa mà đi ra phía ngoài. Chủ nhà đã bán cái nhà. Người mua họ đương dở mà chở đi cất chỗ khác. Hỏi cả xóm cũng không ai biết ông Võ Như Bình đi xứ nào mà kiếm.
Cậu Hoàng ở đến ba bữa mà hỏi không ra mối, đành phải trở về Sài Gòn, thầy Hai Thanh ghé nhà mà thuật chuyện đi kiếm không được cho ông Ba Chánh với cô Huyền nghe.
Ông Ba Chánh nói:
- Võ Như Bình trốn đi mấy tháng không muốn cho Nghiệp gặp nữa. Biết xử trí như vậy cũng còn khá.
BỨC THƯ HỐI HẬN
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12