watch sexy videos at nza-vids!
Truyện BỨC THƯ HỐI HẬN-Chương 3 - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

Chương 3

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Buổi sớm mai, trong thủ đô Sài Gòn, cũng như trong vùng ngoại ô Bà Chiểu Ngã Năm, sự hoạt động của dân cư tạo thành một quang cảnh náo nhiệt cực điểm . Trên các nẻo đường người đi bộ dập dìu đông đảo, lại còn thêm xe hơi, xe ngựa, xe kéo, xe đạp, tốp qua tốp lại không ngớt. Vì vậy nên sự rủi ro đụng chạm xảy ra thường thường, dầu người ta đã có áp dụng nhiều phương pháp để ngăn ngừa tai họa, nhưng cũng không thể chấm dứt tai họa nổi.
Xe hơi của bác vật Nghiệp là hiệu xe mã lực nhiều, tốc lực mau, nhưng vì sốp phơ nhớ lời căn dặn của ông chủ lớn, nên chú ý cẩn thận, cứ từ từ mà chạy, giữ kỹ lệ luật đi đường, không thèm tranh giành mà qua mặt. Qua khỏi cầu Bình Lợi rồi, xe với bắt đầu chạy mau, nhưng sự mau đó chưa đúng với tốc độ của xe; trên khoảng đường thẳng ngay và trống trải thì chỉ chạy từ 70 tới 80 mà thôi còn gặp xe phải nép mà tránh, hoặc qua mấy xóm đông, hay tới khúc quanh quẹo, thì bớt xuống mà chạy 40 hay 50, có chỗ còn chậm hơn nữa.
Tuy vậy mà khi tới khúc quanh quanh Xuân Trừơng có một chiếc xe cam nhông ở phía Biên Hoà chạy xuống thình lình xông ra như chớp nháng mà chạy không bóp kèn, may anh sốp phơ của Nghiệp lanh mắt lẹ tay, ép sát vô lề nên khỏi đụng. Giữa lúc hai xe tránh nhau, gió phất nghe một cái vù, làm cho cô Loan giựt mình khủng khiếp, chụp tay chồng mà níu chặt cứng.
Nghiệp ngó vợ mà cười và hỏi:
- Em sợ hay sao?
- Em hết hồn tưởng đụng rồi chớ.
- Đừng sợ. Không có sao đâu. Anh Sáu Bình cầm tay bánh thì khỏi lo. Ảnh giỏi lắm, lại chạy xe kỹ lưỡng.
- Chắc ba cho ăn lương lớn.
- Lương lớn hơn hết. Anh Tý Cầu ở bên Vĩnh Hội, có nhà cửa đàng hoàng. Còn anh Sáu Bình ở một căn phố lá trên Phú Nhuận, chỗ ở không được sạch sẽ, lại nỗi bữa đi làm xa quá.
- Sao ảnh không mướn phố gần hãng mà ở?
- Ý! Ở Sài Gòn phố mắc quá, hạng thợ thuyền làm sao mướn nổi mà ở em. Qua thấy cái nhà ba mới mua cho vợ chồng mình đó có 4 dãy nhà bếp dài tới 4 căn, căn nào cũng rộng rãi, mát mẻ. Qua tính một căn để nấu ăn, một căn để cho nhà bếp ở, một căn để cho bồi. Còn dư một căn qua sẽ cho anh Sáu về ở với mình.
– Được lắm, song sợ ảnh có con đông, chật hẹp, ảnh ở không được chớ.
– Để qua hỏi ảnh coi.
Nghiệp kêu Sáu Bình mà hỏi:
- Anh Sáu, anh có mấy đứa con?
- Dạ vợ chồng tôi có một thằng con trai mà thôi.
- Được bao nhiêu tuổi?
- Thưa, 8 tuổi. Nó đã bắt đầu đi học từ khai trường năm ngoái.
- Được lắm. Ba tôi mới mua cho tôi một cái nhà trên đường Bạc Hà, anh biết hôn .
- Thưa biết, cách mấy bữa trước, tôi có đưa bà chủ lớn lên coi thợ dọn dẹp. Nhà rộng rãi tốt quá. Tôi có đi coi cùng hết.
- Đi chơi về đây tôi sẽ dọn về ở đó. Vợ chồng tôi muốn để một cãn dưới dãy nhà bếp cho anh dọn về đó mà ở, anh chịu hay không?
- Dạ, nếu ông bà thương, ông bà cho vợ chồng tôi ở thì khỏe lắm. Tôi mang ơn hết sức, có lẽ nào tôi không chịu. Được ở đó, tôi đi làm gần, mà vợ tôi còn kiếm công việc làm được nữa.
- Vậy thì xong. Để đi chơi về rồi sẽ bàn tính lại.
Câu chuyện chưa dứt thì xe đã tới tỉnh lỵ Biên Hòa. Thấy xe của Hoàng đậu gần trường học mà chờ, Sáu Bính liền tốp máy ngừng lại.
Hoàng mặc bộ đồ thể thao trông rất gọn gàng và mạnh mẽ, bước lại nói với sớp phơ(7) Anh chạy chậm quá. Tôi lên đây chờ nãy giờ gần 15 phút.
- Dạ thưa ông chủ lớn dặn tôi đi vừa vừa đừng chạy mau, nên tôi không dám chạy.
- Trời ơi, cầm xe “Sport” mà đi theo tốc lực bốn năm chục một giờ đặng chờ anh lái thì mỏi mệt quá, tôi chịu sao nổi. Phải đi khá một chút chớ.
Nghiệp mở cửa leo xuống mà nói:
- Vợ em nhát quá, chạy mau nó sợ. Em thấy vậy em không dám xúi anh Sáu chạy. Vậy anh cứ đi trước, thủng thẳng xe em theo sau.
Hoàng cười mà nói:
- À! Có đàn bà điều khiển mà!
Cô Loan nói:
- Đi chơi, chớ có phải đi chuyện gắp đâu mà chạy mau. Đến chiều mình sẽ tới Đà Lạt cũng không hại chi. Đi chậm để xem phong cảnh chơi. Hoàng đưa tay xem đồng hồ, rồi vừa lên xe vừa nói:
- Thôi, tôi chạy trước đa. Lên Dijring(8) tôi chờ đặng ăn bữa trưa. Nghiệp gật đầu rồi cũng lên xe. Hai xe nối đuôi mà chạy.
Ra khỏi tỉnh lỵ đường bằng phẳng, lại ít xe, mà người đi cũng vắng bóng. Sáu Bính cho xe chạy mau hơn; nhưng một lát rồi xe Hoàng cũng mất dạng, không còn thấy chạy trước nữa.
Lúc đi ngang qua mấy vườn cao su nhỏ nhỏ, nằm dọc theo đường, thì cô Loan chỉ mà trầm trồ, cô khen cây trồng ngay hàng thẳng lối, cô khen chủ vườn săn sóc kỹ lưỡng, bởi vậy tuy là cơ nghiệp tạo ra để thủ lợi, chớ không phải để hưởng nhàn, song cảnh thú có vẽ phong lưu, có màu ẩn dật, vừa thanh cao, vừa bí mật thật khả kính, khả ái.
Chừng tới khoảng rừng, cô thấy có lúc cây nhỏ chen với cây to, nhánh lá sum sê rậm rợp, rồi có lúc cây cao đã đốn hết chỉ còn cây thấp lúp xúp mà thôi. Từ nhỏ chí lớn ở vùng đồng bằng, ruộng thì cấy lúa để xay gạo, vườn thì trồng cây để hái trái, cô chưa từng thấy rừng rậm non xanh, bởi vậy thấy rừng lớn mà không người thì cô ngại ngùng, nhứt là thấy núi non chớn chở ở xa xa thì cô hồi hộp.
Nghiệp cắt nghĩa cho vợ hiểu rừng đó là một nguồn lợi lớn của quốc gia, rồi luôn dịp giải bày lề luật về rừng cấm lập ra để bảo hộ cây cối đặng duy trì nguồn lợi ấy.
Nghiệp lại tiếp cắt nghĩa cho vợ hiểu tại sao mà có núi, rồi nói núi cũng không phải là vật vô ích. Núi làm lợi cho loài người về phương diện khác. Tại con người không đủ tài đủ lực mà khai thác, nên nó không giúp ích được mà thôi.
Cô Loan lấy làm vui sướng mà được nghe chồng giải bày những điều mới lạ thuở nay chưa có ai cắt nghĩa rõ ràng cho cô hiểu. Cô ngồi một bên chồng mà trong lòng phơi phới, tai nghe, miệng cười, say sưa mùi hạnh phúc, hớn hở nẻo tương lai, quyết hy sinh tất cả cho người bạn đời trăm năm đặng đền bồi cái công phò trì dìu dắt.
Lên tới đèo Blao, núi rừng càng thêm chớn chở phong cảnh càng thêm xinh đẹp, cô Loan càng thêm say sưa, say sưa với cảnh, mà cũng say sưa với tình đến nỗi cô nhắm mắt ngồi im lìm không nói chuyện được nữa.
Độ cao đã lên nhiều, nên khí trời bắt đầu mát lạnh. Nghiệp vội lấy cái áo choàng cho vợ.
Cô Loan thấy một tốp mọi cái (người thiểu số) mang gùi đi dựa bên đường đi chung với mọi đực. Cô chỉ cho Nghiệp coi rồi châu mày mà nói:
- Tội nghiệp quá! Ở chốn rừng núi, trần truồng, lạnh lẽo, ăn ở cực khổ vất vả, con người sống như vậy thì có vui sướng gì đâu!
- Họ quen rồi họ cũng sung sướng như mình vậy chớ. Tại mình tập quen cái thói ăn cao lương mỹ vị, ngủ nệm ấm gối êm, ở nhà cao cửa lớn, mình thấy họ như vậy mình tưởng là họ khổ. Người ta đã dụ dỗ họ hết sức, muốn dời họ ăn ở như mình. Họ không thèm. Họ yêu tự do của họ hơn là cuộc sống của mình. Nghĩ cho kỹ, tôi không dám chê bai họ.
- Anh ăn học ở xứ văn minh cực điểm . Anh đã chịu cho là văn minh un đúc trí não anh. Tại sao anh chán nản đến nỗi muốn ca ngợi cái thú dã man?
- Những danh từ văn minh với dã man là danh từ trống rỗng không có nghĩa gì hết. Biết sao là văn minh, biết sao là dã man, em? Người đời họ tưởng văn minh là khôn ngoan, dã man là dại dột. Họ lầm to. Thói kêu là văn minh bày ra nhu cầu vô số, để làm cho thoã mãn những nhu cầu ấy, thì con người phải lao tâm cực xác không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Còn thói kêu là dã man không khiêu gợi nhu cầu gì hết, bởi vậy con người thong thả, khoẻ khoắn, khỏi lo, khỏi tính, không tranh hơn, không sợ thua. Em nghĩ lại coi thói nào làm cho con người sung sướng?
Cô Loan mỉm cười chớ không trả lời.
Xe lên tới Dijring, thấy xe của Hoàng đương đậu trước nhà hàng, nên Sáu Bính cho xe ngừng tiếp theo đó.
Hoàng ở trong nhà hàng bước ra nói rằng:
- Trễ hơn nữa giờ. Chạy được vậy cũng là khá rồi đa. Tý Cầu nhảy xuống mở cửa xe. Vợ chồng Nghiệp bước ra, rồi đứng ngó tứ phía mà ngắm cảnh.
Nghiệp dòm đồng hồ rồi nói với Hoàng:
- Mới 10 giờ. Vợ tôi có mua đồ đem theo nhiều. Vậy mình tạm ở đây ăn uống, chơi, rồi chừng 2 giờ mình sẽ lên Đà Lạt.
- Được, được lắm. Mà còn sớm quá nên chưa đói. Vậy mình thả bộ theo đường đây đi một khúc chơi cho dãn cặp giò.
Nghiệp day lại hỏi vợ:
- Em mệt lắm hay không?
- Không, em khoẻ như thường.
Vợ chồng Nghiệp với Hoàng dắt nhau đi chơi, đi chậm đặng thưởng thức phong cảnh non xanh rừng thẳm. Cô Loan khoái lạc hơn hết. Cô nức nở khen cảnh đẹp như tranh vẽ, cô mến yêu non núi khiêu gợi chí thanh cao. Nghiệp thấy vợ có tâm hồn ham an tịnh thì thoả chí vui lòng nên chúm chím cười. Dắt nhau đi hơn một giờ, xem phong cảnh núi rừng chớn chở, dạo khắp cả thị trấn cao nguyên, rồi lần lần trở lại xe đặng sắp đặt việc ăn uống.
Hoàng nói, Hoàng đã hỏi dọ rồi, nhà hàng có lave(9) , rượu chát(10) . Đồ ăn chỉ có “jambon”(11) , trứng gà với đồ hộp chớ không có thịt rừng. May có máy nước lạnh, nên có nước đá chút ít.
Cô Loan lên xe lấy bánh mì, thịt nguội, trái cây, rượu chát, rồi trao cho Sáu Bình với Tý Cầu đem vô nhà hàng. Cô muốn lấy thêm ba tê(12) , cá mòi, nhưng chồng không cho. Nghiệp nói nhà hàng có, thì mình dùng đồ nhà hàng cho chủ vui lòng mới tiếp khách.
Vô nhà hàng, Nghiệp biểu Sáu Bính kêu bồi nhắc hai cái bàn để khít lại, ngồi hết thảy đặng ăn chung với nhau cho vui.
Cả hai anh sốp phơ với thợ máy đều không chịu, họ xin để anh em họ ở ngoài xe mà ăn cũng được. Vợ chồng Nghiệp không cho. Hoàng cũng không đồng ý, buộc phải ngồi chung với nhau mà ăn, vì trong cuộc đi chơi, mọi người đều phải chung vui, không nên phân giai cấp.
Trong lúc bồi đặt bàn sắp dĩa, Nghiệp với Hoàng coi dọn đồ ăn, thì cô Loan đi lại xem tủ kiếng của nhà hàng xin lấy ra cho cô hai chai la ve, vài hộp ba tê và vài hộp cá.
Cô nói cô có bánh mì với rượu chát ngon, nên khỏi mua. Ông chủ nhà hàng biết khách sang trọng, nhưng thấy biểu dọn cho sốp phơ ngồi chung mà ăn, thì ông có sắc ngạc nhiên.
Bàn dọn rồi, vợ chồng Nghiệp với Hoàng ngồi phía ngoài còn ba người kia ngồi phía trong; đồ ăn với rượu cả hai phía đều như nhau, chủ tớ đồng sung sướng vui cười, chủ vui có dịp hậu đãi kẽ cộng sự với mình, tớ vui vì cảm thấy người cao sang mà không khinh rẻ bực hèn hạ.
Nghiệp liếc thấy sốp phơ cũng như thợ máy, cả ba đều lộ ra vẻ cảm tình trên mặt, thì nói:
- Ba anh cứ việc ăn uống cho no, đừng ái ngại chi hết. Chúng tôi là bọn tân tiến, may được thấy xa nghe rộng, chúng tôi ăn ở theo cảnh đời mới không chịu bo bo ôm ấp thói cũ óc xưa, như mấy ông già hồi đời trước. Chúng tôi không chịu ẩn nhẫn, chán nãn cũ rũ. Những tánh đó làm cho con người nhu nhược, yếu đuối không thể sống nổi với cảnh đời cạnh tranh chiến đấu này. Trái lại chúng tôi thờ thiện chí với trí lực. Ở đời, dầu làm việc gì chúng tôi cũng nhắm sự thành công mà làm mục đích. Nhưng đuổi theo mụch đích đó, chẳng bao giờ chúng tôi chịu gian dối, dua bợ hay độc ác, để cho được thành công, chúng tôi tập chí thẳng ngay, cứng cỏi, kiên nhẫn cương quyết. Những điều ấy chẳng cần có học nhiều hay tài cao mới làm được. Mấy anh cũng như chúng tôi, hễ quyết chí thì làm nên, vì lợi khí tiến thủ ở trong tinh thần, chớ không phải ở chỗ học lực. Mấy anh đều biết ba tôi. Hồi còn trai trẻ ba tôi là một người thợ cũng như mấy anh, không học giỏi, cũng không có tài gì hơn. Ba tôi nhờ biết lập chí nên mới thành công. Mấy anh cũng có thể một ngày kia cũng lên địa vị chủ hãng như ba tôi vậy, biết chừng đâu.
Tý Cầu khiêm nhượng nói:
- Chúng tôi đâu dám bì với ông chủ lớn.
- Sao vậy?
- Ông hay lắm mà!
- Anh nói như vậy là tại anh chưa nuôi chí cương quyết, chưa tập tánh cứng cỏi. Anh phải hy vọng mà tiến hoài, tự nhiên một ngày kia anh sẽ thành chủ nhơn. Mấy anh nên biết ở bên Âu bên Mỹ có nhiều người hiện nay làm chủ xưởng đại công nghệ, giàu có bạc ức bạc tỷ, dùng nhơn công đến số muôn, hồi trước họ cũng ở trong đám thợ thuyền như mấy anh mà xuất thân, chớ nào phải nhờ phụ ấm hay là nhờ tài học. Bên Hoa Kỳ có mấy ông thợ thuyền, hoặc nông phu nhờ lập chí mà thành công, sau vượt lên tới Tổng Thống. Kìa như ông Ford, chủ hãng xe hơi đó, lúc khởi đầu ổng là một thợ thuyền như anh Tý đây, chớ nào phải ổng ở trường đại học hay trường công nghệ nào mà xuất thân đâu. Tôi nói thành công nhờ chí, chớ không phải nhờ học, nhứt là không phải nhờ may mắn hoặc cướp giựt. Hoàng muốn trưởng chí cho ba anh em, nên tiếp nói:
- Lời Nghiệp nói với anh em đó là nói ngay vào sự thật chớ không phải nói láo đâu. Mấy anh phải lập chí mới, phải nuôi tâm hồn mới đặng nâng đời sống lên cho cao, đặng tranh sự sanh tồn với thiên hạ cho đắc thế. Hiện nay đời sống của hạng bình dân trong nước mình còn vất vả quá. Phải tiến lên, tiến cho mạnh.
Nghiệp nói:
- Đi ra vùng ngoại ô Sài Gòn Chợ Lớn, tôi thấy bề ăn ở của anh em lao động thật là khốn khổ. Hồi sớm mơi ngồi trên xe tôi có bàn với vợ tôi. Chúng tôi tính cho anh Sáu Bính về ở tạm trong một căn nhà sau của tôi đặng ảnh đi làm cho gần và ở cho sạch sẽ một chút. Nhưng đó là một giải pháp tạm thời và một sự giúp đỡ cá nhơn chớ không phải một cách cải thiện đời dống cho toàn thể thợ thầy giúp công trong hãng. Tôi đã có trù định một giải pháp lớn lao hơn kìa. Tôi có bàn với ba má tôi. Ba má tôi chấp thuận nguyên tắc và quyết sẽ thực hành trong năm nay. Hiện giờ thợ thầy trong hãng tôi gồm lối 30 người. Mà trong số đó chừng có mười người đã có nhà cửa tử tế rồi. Vậy còn vài chục người ở xa xuôi, hoặc chật hẹp lắm. Ba má tôi mới tính kiếm mua trên vùng Chí Hòa một vùng đất cao ráo rộng rãi, rồi cất chừng vài ba chục căn nhà ngói vách ván, để cho thầy thợ trong hãng ai không có nhà thì lên đó mà ở. Ở đó đi làm xa. Bởi vậy tôi tính mua một chiếc cam nhông(13) , đặc biệt để cho anh em dùng mà đi làm. Gần tới giờ làm thì tất cả lên xe cầm lái mà xuống hãng. Chừng mãn giờ thì lên xe mà về với nhau. Xăng nhớt vỏ ruột hãng chịu hết. Anh em chỉ gìn giữ máy móc và cầm lái mà đi. Có lễ anh em được nghỉ việc, thì được lấy xe ấy chở nhau đi Long Hải hoặc Vũng Tàu mà tắm biển. Anh em nghĩ coi làm như vậy thầy thợ trong hãng hoan nghinh hay không?
Tý Cầu ít nói mà nhờ có ly la ve tăng giùm nhiệt độ, nên anh nói lớn:
- Ông chủ lo lắng cho thầy thợ như vậy thì người ta cảm phục sát đất chớ không phải hoan nghinh suông mà thôi. Bọn thợ thuyền chúng tôi tuy thiếu học, song biết ơn nghĩa lắm. Được ông chủ hậu đãi thì ai cũng thí thân nỗ lực mà đền đáp, ráng làm cho hãng thạnh phát thêm đặng chung hưởng với nhau.
Hai anh sốp phơ cũng lên chữ(14) nên vổ tay mà biểu đồng tình. Hoàng nói:
- Anh em tôi đi chơi đây, xin mấy anh em đừng tưởng chúng tôi gây dịp đặng phá của, lãng phí, như mấy công tử hình dạng bảnh bao mà đầu óc trống rỗng đó vậy. Không phải đâu. Chúng tôi đi chơi, song chúng tôi còn nhằm một mụch đích lợi ích, lợi ích cho chúng tôi thì đã đành, mà cũng lợi ích chung cho đồng bào, cho anh em cần lao. Thừa cuộc đi chơi du lịch, chúng tôi sẽ gia công quan sát những nguồn lợi của nước nhà, mà xưa nay hoặc vì vô ý, hoặc vì thiếu sức, nên chưa ai khai thác cho người cần lao có công việc làm, cho đồng bào chung hưởng nguồn lợi. Mang cái danh thanh niên tiên tiến, chúng tôi quyết làm cho xứng đáng cái danh ấy. Chẳng phải lo vinh thân phì gia, bốc lột kẻ quê, hiếp đáp kẻ yếu, trong nhà thì hống hách, ra ngoài thì sợ run, như hồi trước vậy nữa. Chúng tôi là đạo binh tiên phuông, lãnh nhiệm vụ ruồng đường mở nẻo, quyết nâng đỡ quốc gia dìu dắt đồng bào, cải thiện xã hội, dạy dỗ người quê dốt, binh vực người yếu ớt. Nói tóm lại, chúng tôi muốn làm sao cho nước Việt Nam giàu, cho dân Việt Nam mạnh, được ngang hàng với các dân tộc khác mà không hổ, không sợ.
Sáu Bình nói:
- Mấy ông học giỏi mà mấy ông làm như vậy, thì chúng tôi sẵn sàng tiếp ứng phía sau. Chúng tôi sẽ theo sát cánh mấy ông; chúng tôi sẽ hy sinh tất cả không do dự, không mến tiếc chi hết.
Bồi thấy ăn uống xong rồi, nên đem cà phê nóng ra mà rót cho mỗi người một tách.
Hoàng nói:
- À! Cà phê! Cà phê bổn xứ phải hôn? Tôi ưa cà phê lắm, uống một tách không đã. Anh bồi làm ơn lấy ly lớn rót cho tôi một ly mới được. Ê, Nghiệp, nghe nói ở Dijiring nầy người ta có lập vườn cà phê. Hồi nãy đi chơi mình thấy có mấy bụi ở trước nha hành chánh đó coi bộ tươi tốt quá. Để rồi anh em mình kiếm đất lập một vườn cà phê ở đây. Đó là một quyền lợi lớn. Mình trồng thử, như được mình sẽ mở sở ra cho lớn đặng sản xuất cà phê cho trong nước dùng, khỏi phải mua cà phê ngoại quốc nữa.
Nghiệp nói:
- Đất ở đây không bằng vùng Kontum. Lập vườn có lẽ nên ra đó mà làm, chắc thành công hơn.
Cô Loan nói:
- Em thích lập vườn lắm. Hai anh lập vườn cà phê đi. Em sẽ làm quản lý, em ở tại chỗ mà coi vườn cho.
Nghiệp ngó vợ mà nói:
- Ở giữa chốn rừng núi, buồn lắm, em chịu sao nổi?
- Anh tưởng em ham vui, ham coi hát, ham nhảy đầm như họ sao? Em ghét mấy thứ xa hoa đó lắm. Em muốn yên tịnh mà thôi.
- Được vậy thì tốt.
Hoàng thấy đồng hồ đã chỉ 2 giờ nên đứng dậy. Sốp phơ với thợ máy ra xe mà xem xét máy móc vỏ ruột. Cô Loan bước vô trong trả tiền ăn uống cho ông chủ nhà hàng và phát tiền thưởng cho bồi, rồi anh em mới từ giã ông chủ mà lên xe đặng đi Đà Lạt.
Xe Hoàng cũng vẫn chạy trước, nhưng bây giờ Hoàng giao cho sốp phơ cầm tay bánh mà chạy.

-----------------
7 (chauffeur,) người lái xe, tài xế
8 Di Linh
9 (la bière), bia
10 Rượu nho, rượu vang
11 thịt heo muối luộc chín
12 (pâté), bánh nhưn mặn
13 (camion), xe vận tải
14 ngà ngà say
BỨC THƯ HỐI HẬN
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12