watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cay đắng mùi đời-Chương 2 - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

Chương 2

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Tên Hữu về ở với vợ coi bộ không tính đi đâu nữa, nhưng mà cũng không tính làm công việc chi hết, ăn rồi cứ nằm ngay mà ngủ, ngủ đã thèm thức dậy thì vác dù đi dạo xóm.
Chẳng mấy ngày mùa cấy đã dứt, Ba Thời không biết làm việc chi, nên mỗi bữa hễ nước ròng sát rồi thì lội xuống rạch Băng mà xúc tôm bắt cá đem về, bữa nào có ít thì để ăn, bữa nào có dư thì sai con bưng lại đằng xóm mà bán.
Tên Hữu vài ngày thì biểu làm thịt một con gà luộc, rồi xé phay mà uống rượu, nửa tháng biểu làm thịt một con vịt đặng nấu cháo mà ăn. Ba Thời bổn tánh hà tiện, bấy lâu nay nuôi gà nuôi vịt thì trông cho nó lớn đặng bán lấy tiền mua gạo, chớ chẳng khi nào dám làm thịt mà ăn bao giờ, nay chồng biểu thì xót ruột bầm gan, song vì bởi muốn làm cho vừa ý chồng, nên biểu sao nghe vậy chớ không dám cãi. Ðã vậy mỗi lần làm gà, làm vịt, tên Hữu lại đòi uống rượu, Ba Thời phải sai thằng Ðược xách ve lại quán mà mua chịu, khi năm bảy xu, khi một cắc tên Hữu về mới hơn một tháng mà tiền rượu và tiền thuốc hút, Ba Thời thiếu nợ đằng quán tính đã hơn bốn đồng bạc rồi.
Mà tên Hữu chẳng những là làm tốn hao cho vợ mà thôi, lại còn làm nhọc lòng cho vợ nhiều nỗi khác nữa. Mỗi ngày vào ra thấy mặt thằng Ðược thì kiếm chuyện rầy rà, hễ thấy nó ngồi chơi thì chửi rủa vang rân nói rằng: "Ðồ chó, già đầu rồi mà không biết làm công việc chi hết, thứ đồ như vậy nó chết đâu thì chết cho rảnh nuôi tốn cơm chớ ích lợi gì“, còn thấy nó làm công việc, hoặc quét nhà, hoặc cho heo ăn, thì lại mắng nhiếc rằng: "Mầy có làm thì làm cho thiệt tình đó, chớ đừng quẹt lọ, làm lấy có đó tao đánh mầy nát đầu đa, nói cho mầy biết“. Thằng Ðược tối ngày không dám nhích mép, hễ thấy mặt cha thì sợ sệt không dám ngó ngay; kiếm công chuyện mà làm hoài, chớ không dám ở không, ăn cơm thì ăn sau chớ không dám ăn chung. Còn Ba Thời tuy thương con mà không dám hở môi, vì sợ nói ra chồng nó bắt quanh bắt quẹo rồi sanh rầy rà hơn nữa.
Chẳng có bữa nào thằng Ðược khỏi bị bạt tai, hay là khỏi nghe chửi rủa, mà cũng chẳng có đêm nào Ba Thời nằm ngủ mà chẳng khóc thầm. Ba Thời chẳng những là thấy chồng ăn ở khổ khắc với con nên buồn rầu mà thôi, mà nhứt là thấy chồng không tính làm việc chi cứ nằm nhà mà ăn hoài làm cho mình phải mắc nợ mắc nần thì trong lòng lo sợ hết sức.
Bữa nọ, tên Hữu ngồi ăn cơm uống rượu coi bộ vui. Ba Thời mới mở lời hỏi thử coi chồng có tính mùa tới kiếm ruộng đặng mướn mà làm hay là tính làm việc chi khác. Tên Hữu nghe hỏi chau mày lặng thinh một hồi rồi đáp rằng:
- Tao bây giờ không muốn làm ăn chi nữa hết.
- Nếu không làm thì của đâu có mà ăn.
Tên Hữu lặng thinh không trả lời. Ba Thời mới nói tiếp rằng:
- Mấy năm nay mình đi khỏi, tôi ở nhà làm lắt lẻo đi cấy đi gặt, nuôi vịt nuôi heo, tuy không phải là giàu có chi, song nhờ trời nuôi nên khỏi đói khát. Mà thiệt cũng mẹ con tôi hẩm hút, ăn cực ở khổ, nên không tốn hao bao nhiêu, nay có mình về đó thêm một miệng ăn, mà lại còn tốn tiền rượu trà trầu thuốc nữa; nếu mình không chịu làm việc chi hết, thì chắc là tôi nuôi không nổi. Mình mới về hổm nay mà tôi đã mắc nợ đằng quán hơn bốn đồng bạc rồi. Tôi không biết làm sao mà trả cho họ.
- Ối! Mầy đừng có lo mà.
- Không lo sao được. Thuở nay tôi nghèo chớ tôi không chịu nhơ bợn của ai hết. Hồi tôi mới về cất nhà tôi có mượn của anh Hai vài chục đồng bạc, tôi lo hết sức, tôi ráng nuôi một con heo, tôi bán trả đủ cho ảnh rồi tôi mới hết lo. Từ hồi đó đến bây giờ tôi không dám vay hỏi của ai nữa. Hổm nay tôi thiếu mấy đồng bạc đằng quán tôi lo hoài ngủ không yên giấc.
- Mầy có con heo đó chi? Bán con heo đó không đủ trả hay sao mà sợ?
- Tôi nuôi heo đặng bán lấy tiền may áo quần mà mặc, chớ phải tính nuôi đặng bán mà xài hay sao?
- Mầy đừng nói lộn xộn để đó mặc tao tính cho. Tao biết rồi, trong ý mầy thấy tao về hổm nay tốn cơn của mầy nên mầy phiền chớ gì. Vậy chớ mầy nuôi thằng nhỏ đó sao mầy không sợ tốn.
Ba Thời thấy mình nói việc phải quấy mà chồng không biết nghe, lại còn kiếm chuyện nói xóc lại mình như vậy, thì buồn trong lòng, nên đứng dậy bỏ đi ra sau bếp ngồi mà khóc, chớ không dám nói chi nữa.
Thằng Ðược đương đứng sau hè cho vịt ăn, ngó vô bếp thấy má nó khóc, thì nó cũng ứa nước mắt, song không dám vô mà an ủi.
Qua bữa sau tên Hữu ăn cơm sớm mai rồi liền xách dù ra đi. Ba Thời ở nhà mẹ con mới thong thả mà nói chuyện với nhau. Ba Thời kể hết đầu đuôi việc mình xí được thằng Ðược lại cho nó nghe; thằng Ðược tuy còn nhỏ, nhưng mà nuôi dưỡng tho phường lậu hạn , lam lụ, nơi chốn cơ hàn cực ăn, mặc rách đã quen rồi, chẳng hề mơ ước điều chi hết, bởi vậy cho nên nghe Ba Thời thuật chuyện của nó rồi thì nó tuy sợ Ba Thời không nuôi nó nữa mà thôi, chớ chẳng hề để ý tính tìm kiếm mẹ, cha hoặc may thân được sung sướng.
Ba Thời thuật chuyện rồi liếc coi thì thấy con có sắc buồn, nên liền nói tiếp rằng: “Thuở nay, mẹ không muốn nói chuyện đó cho con nghe, là vì mẹ nghĩ, con nghe con buồn, chớ không có ích chi, bởi vì mẹ thương con nên dốc lòng nuôi con như con của mẹ đẻ vậy, nếu nói ra sợ con bớt thương mẹ, rồi lại sợ con nói bậy nói bạ, cha mẹ ruột có hay đến mà nhìn con thì mẹ con ta còn ai đâu mà hủ hỉ. Nay mẹ nói ra đây là tại việc tình cờ làm cho con đã rõ biết ngọn ngành rồi, nên mẹ không lẽ còn dấu con nữa được. Tuy vậy mà mẹ khuyên con chớ nên buồn, ví dầu thế nào mẹ cũng thương con, dầu ngày sau con khôn lớn có tìm được cha mẹ ruột, rồi con phụ bạc mẹ đi nữa, mẹ cũng cam tâm chớ không khi nào phiền trách”.
Thằng được nghe mấy lời thì nước mắt chảy ròng ròng, trong bụng muốn tỏ rằng dầu ngày sau mình được giàu sang đến bực nào đi nữa cũng chẳng phụ phàng tình mẹ, song không biết nói làm sao cho được, chỉ nói có mấy lời nầy mà thôi: “Con không bạc má đâu má sợ. Xin má làm sao nói dùm với tía để cho con ở đây với má hoài, chớ đừng có đuổi con tội nghiệp nghe hôn má”.
Thằng Ðược nói tới đó, rồi day mặt ngó ra ngoài đường thì thấy tên Hữu đi xóm về, lại có dắt về một chú chệt (5) nữa. Ba Thời thấy có khách lật đật bước trái vô trong buồng, còn thằng Ðược thì sợ ở không, cha thấy cha rầy, nên cởi quần áo rồi xách giỏ đi ra mé sông kiếm cá bống kèo mà bắt. Nó bắt được vài chục con cá nhỏ nhỏ, đến mặt trời gần lặn mới xách giỏ trở về. Nó đứng ngoài sân dòm vô nhà thì thấy cha đương nằm tại bộ ván giữa mà ngủ. Nó lén đi vòng dựa hè ra phía sau xối nước mà tắm, rồi bước vô bếp thì thấy mẹ đương ngồi khoanh tay, mặt mày buồn xo. Nó hỏi thăm mới hay tía nó kêu chú chệt tới hồi trưa đó là kêu coi con heo quắn đặng dứt giá mà bán.
Má nó nói chú chệt đã chịu mua hai mươi tám đồng, hẹn đến ngày mai thì chồng bạc mà bắt heo.
Thằng Ðược tuy thương con heo quắn, nhưng mà nghe nói tía nó bán thì nó không dám nói chi hết, lại nghe nói bán tới hai mươi tám đồng bạc, thì chắc có tiền, khỏi lại quán mua chịu nữa, nên nó không hiểu tại sao mà má nó buồn.
Sáng ngày sau, mặt trời vừa mới mọc thì thấy chú chệt hôm qua đó đến nhà, mà bữa nay lại có dắt theo một người Việt Nam mập ú ở trần, tay lại có cầm một cái vòng với một cây đòn. Thằng Ðược rình coi thì thấy chú chệt đếm giấy bạc đưa cho tía nó, rồi thò vòng giựt chưn con heo quắn trói lại khiêng đi. Chệt đi rồi tía nó đưa cho má nó một xấp giấy bạc mà nói rằng: “Ðây này, mầy lấy mười đồng đi trả nợ trả nần gì trả đi, còn mười tám đồng để tao cất đây cho”. Má nó ngồi khóc không nói chi hết.
Từ khi bán con heo quắn rồi thì Hữu ngày nào ăn cơm rồi cũng xách dù ra đi, chừng trở về thì mặt mày đỏ như cắc kè lửa, hơi rượu bay nực nồng. Tên Hữu đi chơi thì thằng Ðược trong bụng mừng thầm, còn Ba Thời thì buồn rầu không muốn nói chuyện. Thằng Ðược không hiểu vì cớ nào mà tía nó đi chơi mà má nó lại buồn, đến đêm nọ, nó nằm nghe vợ chồng rầy lộn với nhau, Ba Thời phiền chồng bán heo lấy mười tám đồng bạc bỏ vô lưng, hổm nay cờ bạc rượu trà tiêu gần hết, chừng ấy nó mới biết tại như vậy nên má nó buồn bực.
Thằng Ðược tính thầm rằng chớ chi mà mình giàu có thì mình kiếm mua một con heo khác cho má mình, đặng má hết buồn, để tía đi chơi, cho mình ở nhà thong thả.
Tên Hữu về nhà ở chẵn hai tháng làm khó cho thằng Ðược, làm rầu cho Ba Thời không biết ngần nào mà kể xiết.
Bữa nọ tên Hữu đi chơi, Ba Thời ở nhà lấy áo quần rách đem ra ngồi dựa cửa mà vá, thằng Ðược xẩn bẩn ngồi một bên mà thỏ thẻ nói chuyện này rồi hỏi bới chuyện khác. Trước sân gà vịt vắng teo, trong nhà chỉ còn có một con heo đen nhỏ mới mua bằng bắp cẳng nằm lim dim dưới sàn với con chó vàng ốm bày sườn đi không muốn bước. Ngoài đồng lúa lên xanh kịt, có mấy đám ruộng cấy lúa sớm đã lác đác trổ bông.
Ba Thời ngồi vá áo mà mặt thì buồn xo, thằng Ðược hỏi cực chẳng đã phải trả lời, chớ không muốn nói chuyện.
Ðến xế trời chuyển mưa, mây giăng đen kịt, gió thổi ồ ào; tên Hữu đi chơi về lại có dắt về một ông già chừng năm mươi tuổi với một đứa con gái nhỏ chừng bảy tám tuổi.
Thằng Ðược vừa thấy cha thì lật đật đi vô buồng, đứng núp sau vách, rồi kề con mắt chỗ lỗ vách rách mà ngó.
Nó thấy má nó chào khách rồi dẹp đồ may đi lấy trầu cau để trên khay cho khách ăn. Nó dòm ông già ấy thì thấy ổng mình mặc một cái áo xuyến dài cũ, trong có áo cổ giữa trắng, dưới mặc quần lãnh đen, đầu bịt khăn be nhiễu đen, chơn đi giầy hàm ếch da láng, người vóc lớn, miệng rộng, môi dầy, râu thưa mà dài lại bạc hoa râm, trán cao, mặt dùn da mà cặp mắt lớn, đôi chưn mày rậm. Còn con nhỏ đi theo ổng tuy nó mặc một cái áo lụa xanh cũ với một cái quần đen cũng cũ, nhưng mà da trắng môi son, đầu xước lược cày, tóc xuống nửa lưng, mặt mày sáng rỡ, nhắm coi chẳng kém chi mấy đứa con gái của hương chức giàu trong làng.
Thằng Ðược lại thấy ông già ấy để lại cái bao bằng vải xanh với một cây đờn trên ván, gần chỗ ổng ngồi đó, nó biết cây đờn ấy kêu là đờn cò, song nó không hiểu hai cái bao ấy đựng vật gì ở trỏng.
Ông già ngồi vừa yên chỗ rồi thì tên Hữu hỏi vợ rằng: “Thằng Ðược đi đâu rồi mầy, biểu nó ra biểu chút nào”. Ba Thời chưa kịp trả lời, thì thằng Ðược trong buồng đà ríu ríu đi ra. Nó đi vừa mới tới đầu bộ ván thì tên Hữu nói với ông khách rằng: “Thằng nhỏ tôi đó! Nó sáng láng quá chớ, ngặt vì tôi nghèo nên không cho nó đi học được, thì uổng biết chừng nào”.
Ông già day lại ngó thằng Ðược rồi thò tay vào túi lấy ra một cặp kiếng con mắt mà mang vô.
Thằng Ðược đứng dựa bên cái chõng mà ngó ổng, còn Ba Thời tuy đã bước vô cửa buồng rồi, song cũng đứng lại mà ngó chừng, không hiểu ông già nầy ở đâu và có ý gì mà lại đến coi thằng Ðược.
Ban đầu chị ta nghi chồng mình tính đợ con cho ông già nầy, rồi sau chị ta nghi ông nầy mất con nên tìm đến mà nhìn.
Ba Thời đang nghi nghi ngại ngại, ông gà giơ tay ngoắt thằng Ðược mà biểu rằng: “Lại đây ông biểu chút, con”. Ba Thời nghe ổng xưng thì biết ổng không phải là cha thằng Ðược, tính đứng nán lại mà nghe coi ổng nói chuyện gì. Tên Hữu day vô buồng thấy vợ còn lấp ló xó cửa bèn biểu rằng: “Mầy coi nấu nước rồi bỏ trà chế cho ông thầy ổng uống chơi”.
Ba Thời quày quả đi vô bếp. Thằng Ðược mắt ngó chừng cha, còn chơn thì đi lần lại gần ông già.
Ông già mang mắt kiếng ngó nó trân trân, tay vuốt cái chóp của nó rồi hỏi rằng: “Cháu mấy tuổi?”. Thằng Ðược nói nhỏ rằng: “Thưa tôi chín tuổi”. Ông già nghiêng tai biểu nói cho lớn một chút. Thằng Ðược phần thì sợ, phần thì đàm vướng cổ, nên nói lớn hơn, mà nói giọng nghe đặc sệt. Tên Hữu trợn mắt biểu: “Nói cho lớn coi nào!”. Thằng Ðược tằng hắng rồi nói: “Thưa, tôi chín tuổi”.
Ông già gật đầu rồi ngó tên Hữu mà nói rằng: “Ðược, tiếng nó tốt, hơi nó ấm mà lại dài, thằng nầy tập ca được. Mà chú em nó nói lại chớ nói giống gì mà mắc quá vậy”.
Lúc ấy Ba Thời ở trong buồng bước ra. Tên Hữu không trả lời với ông già, lại biểu thằng Ðược rằng: “'Thôi đi vô trong cậu Hai chơi đi, chừng nào tao kêu sẽ về”. Thằng Ðược không hiểu việc gì, nghe biểu đi chơi thì vâng lời nên lật đật bước ra đi. Ba Thời kêu lại biểu rằng: “Con vô nói với mợ Haí cho má mượn một nồi trà, con đem về cho má rồi sẽ đi chơi nghe con”. Thằng Ðược dạ một tiếng rồỉ đâm đầu chạy tuốt.
Tên Hữu lấy chổi quét cái ghế nghi rồi đi lấy gối bỏ trên ván mà mời ông già nằm. Ông già không nằm lại biểu con nhỏ đi theo đó ngồi trên chõng mà chơi, rồi day qua hỏi tên Hữu: “Sao chú em nó tính lẽ nào thì tính phứt cho rồi, đặng tôi đi cho sớm”. Tên Hữu đáp rằng: “Không phải bán chác chi mà nói giá cao giá thấp. Hồi trưa tôi vô nhà ông Hương Lộ chơi, tình cờ gặp thầy, tôi thấy thầy ngồi đờn còn con em đây ca theo, nhịp nhàng ăn rập nên tôi khen. Thầy nói thầy muốn kiếm thêm một đứa con trai nữa, thầy nuôi rồi dạy nó đờn ca đặng kiếm tiền cho dễ. Vợ tôi nó có nuôi một đứa con nuôi, mà bây giờ nhà tôi nghèo, nhắm nuôi nó tốn cơm chớ không có ích Iợi gì. Tôi nghe thầy nói như vậy nên tôi mới tính giao nó lại cho thầy nuôi. Thầy nghĩ lại đó mà coi, vợ tôi nuôi từ hồi mới đẻ cho đến bây giờ tốn hao cực khổ biết là bao nhiêu. Nay nó đã được chín tuổi rồi, từ rày sắp về sau nhờ cậy nó được, vậy tôi đòi có hai chục đồng bạc có phải mắc mỏ chi đâu”.
Ông già lắc đầu rồi đáp rằng: “Con Liên của tôi đây là con mồ côi nó ở với cô nó mà cô nó nghèo nên nuôi nó không nổi, tôi cho có mười đồng bạc mà thôi. Nếu chú em nó muốn giao thằng nhỏ cho tôi nuôi đặng tôi dạy học đờn học ca, thôi để tôi trả cho chú em nó cũng mười đồng. Tôi nuôi nó bây giờ tôi phải tốn công mà dạy nó học, chớ là nhờ nhỏi gì được đâu mà phải trả tiền mắc”.
Ba Thời ra lấy bình tích đem đi súc cho sẵn rồi thằng Ðược đem trà về có chế nước cho khách uống, bỗng nghe hai đàng nói chuyện như vạy thì đứng chưng hửng, đợi ông già nói dứt lời bèn hỏi chồng rằng:
- Ủa, mình tính bán thằng Ðược hay sao mình?
- Ừ, chớ để nuôi làm gì.
- Tộì nghiệp lắm mà! Tôi nuôi nó đã tám chín năm nay, mến tay mến chơn, mình bán cũng như mình cắt ruột tôi vậy đa mình à.
-Con của mầy đẻ đó sao? Nếu mầy chịu thiệt con của mầy đẻ thì tao để cho mầy nuôi, tao không bán.
Ba Thời nghe chồng nói xéo mình thì ứa nước mắt, song vì thương con nên ráng gượng gạo kiếm cớ mà cãi rằng:
- Tôi đã có nói với mình rằng tôi chắc thằng Ðược là con nhà giàu sang; áo mền giầy nón nó mặc hồi tôi xí được đó với mặt mũi nó bảnh bao, tay chân nó dịu nhỉu đó mình không thấy hay sao? Bây giờ mình bán nó mình lấy hai chục đồng bạc có phải là nhiều ở đâu, chi bằng mình để mình nuôi nó họa may ngày sau cha mẹ nó tìm mà nhìn nó mình xin một đôi trăm đồng bạc mới khá chớ.
-Mầy cản, đặng để mầy nuôi, có bữa tao nổi dóa tao đập nó chết đây mầy mang họa đa, nói cho mầy biết. Ði coi nấu nước uống, tao tính thế nào tại nơi ý tao, mầy không được phép nói.
Ba Thời thấy chồng trộ trạo thì chảy nước mắt, rồi ríu ríu đi vô bếp, không dám nói chi nữa hết. Lúc hai vợ chồng đương đôi co với nhau thì ông già kéo gối mà nằm. Tuy ổng không rõ gia đạo của tên Hữu nhưng nghe nói đó thì ổng biết anh ta khắc thằng nhỏ lắm, nếu ổng mua nó ổng nuôi thì chắc là tội nghiệp cho vợ tên Hữu, mà cũng là làm phước dùm cho thằng nhỏ. Chừng Ba Thời bước vô bếp ổng mới nói với tên Hữu rằng:
-Tôi coi ý thím nó trìu mến thằng nhỏ lắm; vậy thôi chú nó để mà nuôi, giao cho tôi làm chi rồi thím nó buồn rầu tội nghiệp.
- Không mà! Hễ tôi nhứt định thì tôi cho, cha nó cản tôi cũng không được, lựa là nó. Chẳng dấu chi thầy, tôi nghèo nên trôi nổi xuống Cần Thơ mà làm ruộng. Ở nhà vợ tôi lên trên Chợ Lớn ở đậu nhà người ta mà làm mướn, cách vài năm sau nó trở về nó có bồng về một đứa con, nó nói đứa nhỏ đó là con của họ nó xí được, nó để nó nuôi. Thầy nghĩ đó mà coi, theo thầy vậy thầy có nghi hay không. Mấy tháng nay tôi về tôi thấy thằng nhỏ gai con mắt nên sanh giặc trong nhà hoài, bởi vậy tôi tính kiếm người đặng cho phứt nó đi cho rồi, thì trong nhà mới an ổn lo làm ăn được.
Ba Thời trong bếp chạy ra nước mắt nước mũi chàm ngoàm khóc và thề rằng:
- Nếu không phải con tôi xí được mà tôi nói dối đặng gạt mình, thì xin ông thần trong làng nầy bẻ cổ vặn họng tôi đi.
Ông già thấy Ba Thời khóc lóc thề thốt như vậy thì lồm cồm ngồi dậy mà can rằng:
- Thôi, hai vợ chồng cũng chẳng nên rầy rà mà làm gì. Tôi là người ở xứ lạ tình cờ đền đây, chớ không phải là bà con quen biết chi với hai vợ chồng. Nãy giờ tôi nằm lóng tai nghe thì tôi đã rõ gia đạo của hai vợ chồng hết rồi. Thím em xí được con của họ bỏ rơi, thím em nó bồng về mà nuôi phải hôn, chú em nó đi làm ăn lâu ngày về thấy khi đi thì vợ không có nghén mà khi về vợ lại có con, nên để lòng nghi thím em nó nhà có ngoại tình, rồi vợ chồng sằng sặc với nhau hoài.
Làm đàn ông mà nghi như chú em nó đó cũng chẳng phải lạ gì. Mà nãy giờ tôi nghe hơi thím em nó tức tối trong lòng lắm thì tôi biết chắc thím em nó thiệt tình chớ không có gian đối. Tôi đã trọng tuổi rồi, cũng đáng bực huynh trưởng của hai vợ chồng, tôi đến đây thấy hai vợ chồng cắn đắng với nhau như vậy tôi cũng buồn.
Vậy tôi xin thím nó vui lòng để cho tôi nuôi dùm thằng nhỏ cho, làm như vậy chú em nó mới hết nghi, vợ chồng mới hòa thuận mà lo làm ăn với người ta. Tôi vẫn biết thím em nó nuôi thằng nhỏ tử hồi còn đỏ lắm lói cho đến bây giờ kể đã tám chín năm trường sao lại không thương, bây giờ thím em nó giao cho tôi dắt đi rồi thím em nó chắc là thương nhớ buồn rầu lắm chớ. Mà thím em nó nên nghĩ điều này: Thằng nhỏ thì mặt mày sáng láng lắm, nếu thím em nó để mà nuôi thì bất quá một vài năm nữa thím em nó bắt đi chăn trâu bắt đi mót lúa, rồi chừng nó lớn thì cầm cày, đánh xe càng tộỉ nghiệp cho thân nó. Chớ còn thím em nó bằng lòng để lại cho tôi nuôi thi tôi dạy nó học chữ, học đờn họa may ngày sau thân nó khỏi cực khổ coi có phải là tốt hơn hay không? Chú em nó đòi hai chục đồng bạc, thôi tôi cũng chịu cho đủ hai chục đồng bạc, tôi nuôi nó trước là làm phước dùm cho nó, sau nữa giúp cho hai vợ chồng hòa thuận mà ở đời với nhau, dầu mắc rẻ cũng chẳng nệ gì”.
Tên Hữu nghe ông già chịu trả hai chục đồng bạc thì mặt mày hơn hở, còn Ba Thời nghe lời hơn thiệt thì động lòng nên ngồi khóc dầm dề. Chừng ông già nói dứt lời Ba Thời mới nói rằng:
- Thầy thấy thân tôi thầy thương nên thầy tính như vậy thiệt tôi đội ơn thầy lung lắm. Ngặt vì tôi nuôi nó đã mến tay mến chơn, nếu rứt mà giao cho thầy thì chắc tôi chết chớ chịu không nổi.
Ông già day lại ngó ngay Ba Thời nghiêm nghị rằng:
- Thím nói thím thương nó, nếu thiệt thương thì phải tính làm thế nào đặng ngày sau nó trở nên một người biết nhơn, biết nghĩa, biết hiếu, biết trung, đủ nghị lực mà ở đời cho khỏi người ta khinh bỉ. Chớ thương mà tính làm cho nó chăn trâu, cầm cày, cạo heo pha nước, thương như vậy thì là cố ý làm hại cho nó chớ có phải là thiệt thương đâu”.
Ba Thời cúi đầu lặng thinh không nói chi hết. Tên Hữu đứng dậy ăn trầu rồi nói rằng:
- Nếu nay tôi giao nó cho thầy, thoảng nhưng ngày sau cha mẹ nó nhìn có cho tiền bạc thi ai lãnh tiền bạc ấy?
Ông trề môi đáp rằng:
- Ối! Tôi có cần gì tiền bạc ấy đâu! Nếu ai có nhìn thì tôi chỉ cho họ đến nhà chú em nó rồi họ tính sao họ tính.
Thằng Ðược tay cầm một gói trà ở tróng nhà cậu Hai nó, nó đi về bước đến sân nó sợ rầy nên không dám vô cửa, nó đi dọc theo hè rồi vô phía cửa sau. Ði lại bếp thì thấy siêu nước sôi hơi lên ngui ngút, mà không có má nó ở đó, nó mới đi nhè nhẹ lại núp dựa cửa buồng mà dòm ra ngoài. Nó thấy dạng má nó ngồi trên cái chõng gần đó, nó mới kêu nho nhỏ: “Má, má trà đây né”. Ba Thời nghe kêu liền đứng dậy đi vô bếp. Thằng Ðược chạy theo tay đưa gói trà miệng thì nói rằng: “Mợ Hai, mở nói mượn trà sao mượn hoài, mở biểu lại quán mua mà uống chớ mở không có trà mà cho mượn nữa. May có cậu Hai ở nhà cẩu nghe nói cẩu rầy rồi cẩu lấy cho mượn đó đa”.
Ba Thời mở gói trà ra bỏ vô bình rồi ngồi chồm hổm mà chế nước, không nói chi hết. Thằng Ðược thấy má nó nước mắt nước mũi chàm ngoàm không hiểu có việc chi nên vịn vai má nó mà hỏi rằng: “Sao má khóc vậy má? Tía rầy nữa hay sao?”. Ba Thời không trả lời, song day ngó con một cách thảm thiết lắm, rồi xách bình nước mà đi ra ngoài trước.
Thằng Ðược đứng bơ vơ buồn nghiến, ngoài hè giông gió lá đập ào ào, rồi một lát mưa tuôn như cầm tỉn (6) mà đổ, trời gầm như súng nổ bên tai.
Ba Thời ở ngoài bước vô sập cái cửa sau cho khỏi mưa tạt ướt bếp.
Thằng Ðược xẩn bẩn đi theo mà hỏi rằng: “Ông già nào đó vậy má? Hồi nãy tía biểu tôi đi chơi chừng nào kêu sẽ về, bây giờ trời mưa tôi ở nhà có được hay không má?” Ba Thời sập cửa xong rồi liền day lại ôm con ngồi bẹp xuống đất vừa khóc vừa nói răng: “Cha con nó bán con cho ông già đó rồi, con ôi!”.
Thằng Ðược nghe nói cũng chảy nước mắt rồi nói rằng: “Tôi không chịu đâu má. Tôi ở với má hà”. Ba Thời nghe con nói mấy lời thì đứt ruột nát gan, song cũng gắng gượng mà nói với con rằng: “Con ôi! Con còn nhỏ dại nên con không hiểu, chớ thân má mà nuôi con đây thiệt là thảm khổ không biết chừng nào. Mấy tháng nay tía con nó cứ nghi cho má lấy trai nên đẻ con ra đó chớ không phải là xí được con mà nuôi, bởi vậy cho nên nó ghét con, mà nó lại hành hạ thân má hoài. Thiệt nếu má cự, không chịu giao con cho ông già đó, thì không ai làm sao mà dắt con đi được, song nếu má cản trở thì tía con nó nghi con là con của má đẻ, dường ấy cái danh tiết của má còn gì, vì vậy nên má thương con mà không mở miệng ra được”.
Thằng Ðược ngồi khóc một hồi rồi đứng dậy, mặt chừ bự, lấy vạt áo lau nước mắt và nói rằng: “Thôi má đừng có buồn, đừng có khóc nữa. Tía có bán con thì để tía bán đặng con đi phứt cho rồi, chớ má cản trở để con ở lại đây tía rầy rà hoài tội nghiệp má lắm. Không có sao đâu má sợ! Con đi rồi chừng con khôn lớn con làm ăn có tiền nhiều con trở về con cho má, con không quên má đâu”.
Ba Thời nghe con nói như vậy lại càng tủi trong lòng hơn nữa nên kéo con ngồị xuống rồi ôm nhau mẹ con khóc mướt.
Ngoài sân trời đã hết giông, nhưng mà còn mưa rỉ rả hoài không dứt hột.
Tên Hữu thấy trời gần tối mà mưa không tạnh nên cầm ông già ở lại sáng ngày sẽ đi. Ông già tính đi qua bên Cần Ðước mà thấy ướt át nhắm đi cũng bất tiện, nên chịu ở nán ngủ nhờ một đêm.
Tên Hữu kêu vợ biểu coi nấu cơm làm gà vịt cho khách ăn.
Cơm nước xong rồi, ông già lấy ra hai chục đồng bạc mà đưa cho vợ chồng tên Hữu, và kêu thằng Được ra, rồi biểu nó sửa soạn gói áo quần cho sẵn đặng thức dậy đi cho sớm.
Trời chạng vạng tối thì mưa đã dứt hột. Ba Thời mới đi vô trong nhà người anh lấy hết áo mũ giầy mền và sợi dây chuyền của thằng Ðược mà đem về, tính khuya đưa hết cho con rồi dặn nó sau như cha mẹ ruột nó có nhìn thì đưa đồ ấy ra mà chiếu đối.
Ðêm ấy Ba Thờí không ngủ được, cứ nằm trăn trở nước mắt dầm dề. Thằng Được cũng tức tửi trong lòng, nghĩ rằng còn có một đêm nay thì mình không còn ở với mẹ nữa, phải đi theo người ta mà không biết đi đâu, nên nằm một bên mẹ mà không dám đụng mình mẹ, cứ day mặt vô vách hoài.
Trời rạng đông gà lối xóm gáy vang rân, ông già thức dậy quẹt hộp quẹt mà đốt đèn rồi mở cửa ra sân mà tiểu tiện. Vợ chồng tên Hữu cũng thức dậy theo. Ông già trở vô kêu đứa con gái đi với ổng đó: “Liên, Liên dậy con, sáng rồi dậy sửa soạn mà đi cho sớm, kẻo trưa đi nắng lắm”. Ông lại day qua biểu tên Hữu rằng: “Kêu dùm thằng nhỏ thức dậy đặng nó đi”.
Thằng Ðược đã thức dậy đương đứng sau hè múc nước súc miệng rửa mặt, bỗng nghe tía nó kêu líền lật đật quăng gáo chạy ra. Ông già thấy nó liền biểu: “Lấy áo quần rồi đi con”. Thằng Ðược trở vô buồng, Ba Thời mới đưa cho nó một cái áo vải trắng với một cái quần vải trắng mới mà biểu nó mặc, rồi lại kêu nó mà dặn rằng: “Con ôi! Má để cho con đi đây chắc là má buồn rầu má chết gấp chớ chẳng không. Ðây nè, những đồ này là đồ của con mặc trong lúc xí được con đó. Cái gói giấy đây là sợi dây chuyền của con. Con đừng có bỏ mất mấy món đồ này nghe con, bởi vì đồ đó là dấu tích của con nếu con bỏ mất thì sợ sau cha mẹ ruột con có nhìn không biết lấy gì mà làm tin. Má vái cho con mạnh giỏi ăn chơi…”.
Nói tới đó Ba Thời khóc tấm tức tấm tửi nên không tiếp được nữa.
Ở ngoài, tên Hữu kêu lớn rằng: “Ðược rồi chưa, ra mà đi chớ, làm giống gì mà lục đục hoài ở trỏng vậy”.
Ba Thời té ngồi trên giường, tay trái thì chống giường, còn tay mặt thì lấy vạt áo lau lên mặt mà khóc ngất.
Thằng Ðược xách gói đồ bước ra tới cửa buồng, nghe má nó khóc, nó đứng lại ngó má nó và ứa nước mắt.
Lúc ấy trời sáng mà còn mờ mờ, tên Hữu chạy vô nắm tay thằng Ðược kéo ra ngoài, để đứng dựa bên ông già.
Ông già vỗ đầu nó mà nói rằng: “Con đi với ông, không sao đâu mà sợ”. Ông già vấn thuốc hút rồi đứng dậy biểu con nhỏ đi với ổng đó xách cây đờn, còn ổng lấy dù rồi xỏ vô hai cái bao vải xanh mà mang trên lưng. Ổng vừa muốn từ giã mà đi thì tên Hữu hỏi thằng Ðược rằng: “Mầy xách gói gì mà bùm sùm dữ vậy? Ðưa đây coi nào”.
Tên Hữu lấy cái gói của thằng Ðược rồi mở ra thấy có những áo mền giầy mũ của nó hồi nhỏ đó liền kêu vợ mà nói rằng: “Mầy a, mầy đưa đồ cho nó đem theo làm gì”. Nói rồi liền lấy đồ ấy mà bỏ ra ngoài ván, thấy có gói nhỏ mở ra thấy sợi dây chuyền cũng lấy lại nữa. Tên Hữu coi kỹ thì còn có một cái áo với một cái quần vải đen, mà hai cái tuy chưa rách song cũng đã cũ rồi nên lật đật gói lại mà đưa cho thằng Ðược rồi hỏi ông già rằng: “Hồi hôm thầy nói với tôi thầy qua Cần Ðước. Mà qua Cần Ðước rồi ở đó hay là còn đi đâu? Xin nói cho tôi biết đặng sau như cha mẹ nó có đến mà nhìn nó thì tôi biết mà kiếm thầy”.
Ông già dụ dự một chút rồi đáp rằng: “Sự ăn ở thiệt tôi chưa biết chắc ở đâu, mà không hại gì, nếu chú em có việc muốn kiếm tôi thì qua chợ Cần Ðước hỏi thăm thầy Ðàng thì họ chỉ cho”. Nói dứt lời liền từ giã tên Hữu mà đi, và day mặt vô cửa buồng thấy Ba Thời đứng đó thì nói rằng: “Thím em nó đừng có phiền, tôi nuôi cũng tử tế, không sao mà sợ. Thôi tôi kiếu hai vợ chồng.”
Thầy Ðàng nắm tay thằng Ðược mà dắt đi, con nhỏ xá hai vợ chồng tên Hữu rồi xách cây đờn đi theo sau. Ra tới sân thằng Ðược vùng vằng trì đứng lại mà kêu: “Má ôi! Má”. Ba Thời chạy ra cửa khóc rống lên nghe rất bi thảm. Tên Hữu trợn mắt ngó thằng Ðược, làm cho nó sợ khiếp vía nên dỡ bước đi theo thầy Ðàng không dám kêu má nữa.
Tên Hữu đứng coi đi ra tới đầu bờ rồi mới day lại nạt vợ rằng: “Nín đi nà! Khóc giống gì? Mầy nói không phải con mầy đẻ sao mà khóc dữ vậy... Thứ đồ ngu! Ðồ của thằng nhỏ sao mầy đưa cho nó chi vậy? Nếu thiệt nó là con của họ mầy xí được thì phải để đồ đó lại đặng sau có ai họ nhìn họ mới tìm đến mình, chớ đưa hết cho nó thì mình còn bằng cớ gì mà kể công nuôi dưỡng được”. Ba Thời không trả lời, trở vô trong ván hốt hết đồ của thằng Ðược đó mà ôm vô buồng rồi ngồi khóc rấm rứt.
Thầy Ðàng dắt thằng Ðược ra tới đường quan lộ rồi mới buông nó ra, biểu nó đi trước, còn thầy với con nhỏ thì đi theo sau. Thằng Ðược chơn đi mà mắt ngó lại nhà hoài, nước mắt chảy ròng ròng không dứt, trong bụng thầm nghĩ mình bước tới một bước thì càng xa mẹ, xa nhà thêm một khúc đường; hồi nãy nghe ông gíà nói đi qua Cần Ðước mà Cần Ðước ở đâu? Ông già nầy là ai? Ổng mua mình đem về bắt làm việc gì? Mình có thể nào trở về nhà má nữa hay khỏng?
Thằng Ðược trong lòng quặn đau như dao cắt, trong trí bối rối như tơ vò, bởi vậy cho nên chơn thì đi, mắt thì khóc, mặt thì ngó lại hoài, làm cho người đi chợ họ gặp ai cũng lấy làm kỳ, có người biết nó kêu hỏi nó đi đâu nó cũng không nói. Ra đến chợ Mỹ Lợi thầy Ðàng biểu hai đứa nhỏ đi thẳng lại cầu ngồi mà chờ đặng qua sông Bao Ngược.
Mặt trời ửng mọc, hướng đông chói chói đỏ lòm. Thằng Ðược đứng trên cầu ngó lại xóm Tre thì thấy nhà má nó rõ ràng, thấy mấy bụi chuối sau hè mặt trời chói vàng vàng, thấy cửa chống có người đứng đó nhưng ở xa nên thấy người ấy mặc đồ đen chớ không rõ là ai, thấy con chó vàng đi nghểu nghển trưởc sân rồi đứng chong mỏ ngó ra đường dường như tìm kiếm bạn.
Thằng Ðược đứng ngó hoài không mỏi mắt, mà thầy Ðàng với con Liên đứng một bên thì đứng chớ cũng để cho nó ngó, chẳng hề hỏi một tiếng chi. Chiếc đò chèo qua tới, thầy Ðàng xách đồ và dắt hai đứa xuống đò.
Chiếc đò sớm mơi đi bảy tám người, người nầy hỏi người kia, người kia nói chuyện với người nọ om sòm, song thằng Ðược cũng không khuây lãng cứ ngó về Xóm Tre hoài.
Ðò qua tới mé sông bên kia, thằng Ðược leo lên bờ ngó trở lại bị dàn cây án khuất không thấy Xóm Tre nữa, không biết chỗ nào là nhà mình, rồi ngó tứ hướng thì cỏ cây lạ hoắc, chẳng có xóm nào là xóm biết, chẳng có nhà nào là nhà mình quen thì hồi hộp trong lòng, nên đứng khóc thúc thít.
Thầy Ðàng dưới đò bước lên vỗ vai biểu nó đi, thì nó đánh liều dỡ bước đi theo chớ bơ vơ cảnh lạ quê người, không biết đi đâu mà tính.
Thầy Ðàng tên thật là Trần Cao Ðàng, người gốc sanh đẻ tại xứ Cần Ðước, lúc còn nhỏ trong nhà cha mẹ nghèo lắm, cơm ăn không no, áo mặc không lành. Khi ấy nhà nước mở lập trường mà học chữ quốc ngữ với chữ Tây, nhà giàu không ai chịu cho con đi học. Nhà nước mới tống trát cho các làng dạy phải cấp học trò. Hương chức trong làng sợ quan quở phạt nên năn nỉ với ông thân của Ðàng để cho Ðàng đi học, hương chức với nhà giàu chung đậu với nhau mà chịu tiền cơm bánh áo quần, lại còn cấp dưỡng cho cha mẹ nhà ở được no ấm nữa. Thầy Ðàng nhờ có như vậy nên mới đi học được.
Học hơn mười năm quan bổ làm thầy giáo dạy tại trường Sài Gòn. Dạy học được vài năm gặp dịp quan Tham biện Chợ Lớn cần dùng một thầy thông ngôn, thầy Ðàng mới xin thôi ngạch thầy giáo rồi xin cấp bằng làm thông ngôn. Quan Tham biện thấy thầy giỏi dắn bặt thiệp thì đem lòng yêu thầy; bởi vậy cho nên thầy đứng thông ngôn, nhà thầy tổng làng tới lui nườm nượp. Thầy rước cha mẹ về ở chung với thầy, còn đứa em gái của thầy tên là Ba Sự thì cha mẹ thầy đã gả cho người ở trong làng tên là Phan Hảo Tâm.
Thầy vốn là con nhà nghèo nhưng thầy làm việc quan đắc lộ, kẻ kính người yêu bởi vậy cho nên có một ông Cai tổng giàu có ở gần làng thầy mới kêu thầy mà gả con. Thầy cưới vợ về, vợ chồng ở với nhau hơn mười năm mà không có con. Lần lần cha mẹ hai bên khuất hết. Vợ chồng lãnh phần ăn của cha mỗi năm thâu huê lợi cũng được hai ba ngàn giạ lúa.
Thầy làm việc quan có lương bổng, mà tổng kính phục nên đi lễ vật hàng ngày; đã vậy mà vợ thầy lại có của riêng, nếu thầy thủ phận như người ta thì bước quan lộ của thầy chắc là rộng dầy, mùi phú quý vinh huê chắc là thầy nếm đủ.
Nào dè người đời hễ có may thì có rủi, sự nên hư vinh nhục ngẫm cũng như nước lớn nước ròng. Thầy Ðàng làm việc quan được mười hai năm rủi gặp một quan Tham biện không yêu thầy như mấy ông trước, lại hễ thầy đi hầu trễ thì rầy, thầy làm việc chậm thì quở, Tổng làng dòm thấy quan không yêu thầy nữa thì coi bộ họ cũng bớt kính mến. Thầy nghĩ thế tình lạt lẽo thì thầy buồn thầm, nên thầy gởi đơn xin quan trên đổi thầy qua tỉnh khác. Quan trên đã không nhận lời thầy, mà quan sở tại lại càng khắc với thầy nhiều hơn nữa, thầy tức trí mới xin thôi, rồi vợ chồng dắt nhau trở về Cần Ðước cất nhà mà ở.
Mấy năm thầy làm việc quan, nhà thầy khách khứa đông dầy dầy; thầy học đờn thầy đờn thiệt tươi, nên đêm nào thầy cũng quy tụ những tay đờn giỏi đến hòa chơi với thầy. Hễ đờn đến khuya thì ăn uống vui cười; vợ thầy tuy phải thức khuya coi nấu nướng mà đãi khách, song muốn vừa ý chồng nên chẳng có một tiếng chi phiền trách.
Từ ngày thầy về ở trong làng thì chẳng có ai tới chơi nữa, ban đêm vắng vẻ thầy có buồn thì lấy đờn ra rồi đờn một mình mà thôi, đờn cây này đã thèm rồi đờn qua cây khác. Vợ thầy chẳng có chi cực nhọc như khi trước, nhưng mà coi ý lại bớt trọng thầy. Nhiều khi vợ thầy nghe những bạn đồng liêu của thầy khi trước kẻ làm Huyện người làm Phủ, thì thường hay cằn rằn, hay trách thầy nói rằng tạí thầy ngang tàng chớ chi thầy nhịn nhục mà theo làm việc quan, thì chắc ngày nay cũng được rỡ ràng như ngườì vậy.
Thầy Ðàng bước ra khỏi vòng quan lộ thì trong lòng phơi phới, chẳng hề có ý tiếc một chút gì. Thầy tính nghỉ chơi thong thả một vài năm rồi sẽ liệu chước hoặc kinh dinh công thương hoặc khai sáng nông nghiệp. Chẳng dè vợ chồng về trong làng ở chưa đầy nửa năm mà thầy dòm coi vợ thầy ỷ của riêng nên có ý khinh thị thầy, hễ tính tới chuyện làm ăn thì nó cứ tiếc chức thông ngôn, ký lục, cứ ham làm bà Phủ, bà Huyện hoài; thầy thấy lòng dạ của đàn bà như vậy thì thầy buồn thầm, bởi vậy cho nên thầy cứ bỏ nhà mà đi chơi cho khuây lãng. Thầy đi thì thôi chớ hễ về đến nhà thì vợ kiếm chuyện mà rầy rà. Thầy dọ chắc vợ thầy ngày trước mà yêu mến thầy đó là vì cái chức thông ngôn của thầy nên mới yêu; nay thầy không còn oai quyền nữa nên mới bạc đãi như vậy.
Ngày nọ vợ chồng rầy với nhau, vợ nói nhiều lời phi nghĩa thầy giận bèn viết tờ để mà giao cho vợ, rồi biểu như nói thầy là người không xứng đáng thì lấy chồng khác cho xứng đáng hơn thầy. Người vợ cũng vui lòng lãnh tờ để, coi chẳng chút chi trìu mến hết.
Thầy Ðàng thấy thế tình như vậy thì trong bụng cười thầm, bèn giao hết cửa nhà cho vợ, chỉ lấy có áo quần, đờn sách mà thôi. Mà tưởng dẫu thầy muốn lấy tiền của thầy cũng khó mà lấy cho đặng, bởi vì thầy làm việc quan hơn mười năm, tuy tiền bạc vô nhiều, song vô bao nhiêu thầy xài hết bấy nhiêu, đến ngày xin thôi đi về làng, thầy phải lấy huê lợi của vợ mà cất nhà và mua đồ đạc.
Nay vợ chồng xa nhau đồ đạc cửa nhà ấy có phải của thầy đâu mà thầy dám đòi. May khi trước thầy có cho ít người bằng hữu mượn mỗi người một đôi trăm đồng bạc. Vậy thầy dọn áo quần đờn sách qua nhà em rể là Phan Hảo Tâm mà gởi, rồi tính đi đòi nợ mà xài đỡ.
Thầy lên ở Sài Gòn, Chợ Lớn chơi mấy tháng anh em bạn kẻ thì khuyên thầy xin trở vô làm việc quan lại, người thì biểu thầy xin vô mấy hãng mà làm. Thầy nghĩ rằng mình đi trong quan lộ hơn mười năm đã chán rồi, nay mình được thong thả còn xin trở vô chi nữa. Còn bây giờ mình xin giúp việc cho mấy hãng thì cũng được, mà nếu tránh đường nầy rồi đi đường nọ, đường nào mình cũng không được làm chủ, như vậy thì ngày trước mình xin thôi làm việc chẳng là dại lắm sao?
Thầy suy đi nghĩ lại chín chắn rồi thầy mới nhứt định nếu không có nghề nào mà thầy làm chủ được thì thà thầy đi dạy đờn mà chơi, dầu nghèo hèn thì thầy cam phận nghèo hèn, chớ thầy không chịu quật hạ ai hết. Có thầy Hội đồng ở Bến Lức, vốn là người giàu lớn, khi trước có mang ơn thầy, ngày nọ gặp thầy tại Sài Gòn thì mừng rỡ hết sức, mời thầy đi ra nhà hàng ăn cơm nói chuyện chơi. Lúc ăn uống thầy tỏ hết tâm sự của thầy cho thầy Hội đồng nghe. Thầy Hội đồng nghe hết đầu đuôi rồi nói rằng: “Không hại gì thầy tính buôn bán làm ăn, nếu thầy cần dùng vốn liếng bao nhiêu tôi sẽ giúp dùm cho, không sao đâu mà sợ”.
Thầy Ðàng nghe mấy lời trong bụng mừng thầm, nên rủ anh em quen hùn hiệp với mình đặng lập tiệm trữ đậu mà bán. Anh em ai cũng thương, ai cũng muốn giúp cho thầy làm ăn, song làm việc tại Sài Gòn, Chợ Lớn không ai dư tiền nhiều, bởi vậy cho nên mỗi người chịu hùn năm bảy chục hoặc một trăm đồng bạc mà thôi. Thầy Ðàng thấy anh em hứa hùn, tuy vốn không nhiều, nhưng mà số hùn đông, thì lật đật đi Bến Lức tìm đến nhà thầy hội đồng nói chuyện lại cho thầy nghe, rồi cậy thầy giúp một đôi ngàn đặng có đủ tiền mà lập tiệm. Thầy Hội đồng nói không có bạc sẵn, biểu đợi ít ngày thầy sẽ đem lên Sài Gòn mà giúp cho. Ðợi gần trót tháng mà không thấy chi hết, thầy Ðàng túng thế phải xuống Bến Lức nữa, chẳng dè xuống đó lại không có thầy Hội đồng ở nhà. Thầy bền chí đi xuống luôn năm sáu lần nữa, mà không gặp mặt; thầy biết thầy Hội đồng nói không thiệt thì thầy tức cười thầm, rồi về nhứt định đi dạy đờn mà chơi, không thèm làm nghề chi hết.
Thầy đi trót năm tháng mới trở về nhà em rể. Thầy nghe nói có thầy Phó tổng sở tại vợ chết nên gắm ghé muốn cậy mai đến nói vợ thầy, mà ý vợ thầy cũng thuận rồi nên thầy Phó tới lui hoài. Thầy biết vợ thầy là người tham bạc tham tiền, trọng quyền trọng tước, thì thầy đã khinh bỉ rồi, mà thầy nghe nói mất tiết mất trinh thì thầy lại càng khinh bỉ nhiều hơn nữa.
Từ ấy về sau thầy mang mấy túi đờn lưu linh trong lục tỉnh, trót mười lăm năm trường, khi thì lên Châu Ðốc, khi thì xuống Bạc Liêu, khi thì lại Tây Ninh, khi thì qua Bà Rịa. Tuy có lúc thầy cũng xây xài bẩn chật, nhưng mà dầu khi nghèo cực thầy cũng giữ gìn danh dự, chẳng hề làm cho thấp phẩm giá của thầy.
Lúc sau đây thầy thấy thiên hạ lại ưa nghe ca, thầy nghĩ dầu thầy đờn hay không có ai ca thì chắc thiên hạ cũng ít chuộng, bởi vậy cho nên ra Bà Rịa thầy thấy con Ðoàn Kim Liên mặt mày sáng sủa, mà tiếng nói lại thanh tao, thầy mới xin đặng thầy dạy ca, rồi dắt nhau đi đờn ca cho thiên hạ nghe chơi mà lấy tiền.
Thầy nuôi con Liên hơn một năm thầy dạy nó đã biết đủ điều, mà lại biết được ít bản đờn tranh nữa.
Vì nó có tám tuổi nên đờn ngón chưa được tươi, chớ còn ca thì ai cũng phải khen bởi vì tiếng nó đã tốt mà nó lại chắc nhịp nữa. Thầy trở vô Sài Gòn ở đờn mấy tháng thầy gặp một ông bầu gánh hát cải lương, người thấy thầy đờn tươi, đặt bài ca hay, mà con Liên lại có thinh có sắc thì ái mộ, nên cứ theo năn nỉ với thầy hoài, xin thầy theo giúp dùm, thầy thì làm thầy tuồng còn con Liên thì đứng rạp. Thầy nghe lời khuyển dụ thì cười ngất rồi dắt con Liên đi xuống Gò Công, không thèm trả lời chi hết. Thầy ở Gò Công chơi ít ngày rồi tính đi lần lần về Cần Ðước mà thăm em, nào dè ra tới Mỹ Lợi lại gặp tên Hữu rồi xin thêm thằng Ðược mà nuôi nữa.
Trong mười lăm năm nay thầy ít hay về tổ quán là vì vợ thầy đã cải giá, thầy sợ về vợ chồng gặp nhau tuy thầy không hờn giận, song vợ thầy cũng ngỡ ngàng. Nay thầy dắt hai đứa nhỏ về, thì thầy cũng tính về thăm em vài ngày rồi đi, chớ không phải tính về mà ở đó.
Thầy Ðàng bước vô cửa thì vợ chồng Phan Hảo Tâm mừng rỡ hết sức hỏi căn nguyên con Liên với thằng Ðược rồi lật đật làm gà dọn cơm cho thầy ăn. Phan Hảo Tâm là người cần kiệm, làm ruộng không lớn, song nhờ làm thầy thuốc tổ đãi nên trong nhà có dư giả chút đỉnh; vợ chồng có hai đứa con, đứa con gái lớn đã có chồng về trên Rạch Ðào còn đứa con trai nhỏ thì còn học lại trường Chasseloup Laubat.
Thầy Ðàng thấy em trong nhà thong thả thì mừng thầm; thầy hỏi thăm mọi việc nhà, song chẳng hề khi nào hỏi tới vợ. Lúc thầy ngồi ăn cơm với hai đứa nhỏ, em gái thầy mới thỏ thẻ mà tỏ rằng vợ thầy đụng thầy Phó tổng xưa nay không có con, mà năm ngoái thầy Phó tổng lại tỵ trần, vợ thầy bị sấp con ghẻ rầy rà nên đã trở về nhà cũ mà ở. Thầy Ðàng nghe nói đến chuyện vợ thì chau mày coi có sắc buồn, chẳng hiểu là tại thầy nhớ đến sự bất nghĩa của người xưa, hay là tại thầy động lòng thương bạn cũ mà thầy không nói chi hết.
Thầy ở Cần Ðước mấy bữa thầy đến nhà thăm bà con cùng hết, nhưng mà thầy lánh không chịu đi lại gần nhà cũ của thầy. Thầy vừa tính từ tạ em rồi dắt hai đứa nhỏ mà đi chẳng dè thầy nhuốm bịnh thình lình nên thầy phải nấn ná ở lại mà dưỡng bịnh.
Phan Hảo Tâm lo thuốc cho thầy uống, tuy bịnh thầy không thêm, nhưng mà cũng không giảm chút nào. Phan Hảo Tâm coi mạch rất kỹ rồi nói thầy đau thận, nên cho thầy ăn cơm lạt với chuối hoặc với đường mà thôi, chớ không cho ăn đồ mặn, lại khuyên thầy phải nương náu mà uống thuốc đôi ba tháng thì bịnh mới dứt được. Thiệt thầy cũng chẳng đau chi cho lắm, chỉ đau lưng, nhức tay, mỏi cẳng và có khi lại ran cái ngực mà thôi, song vì bởi thầy ăn không được, nên nằm mới mấy bữa mà trong mình thầy yếu lắm.
Thằng Ðược với con Tiên ở đó cứ ăn rồi chơi, chớ không làm chi; chúng nó buồn, con Liên mới bày ra dạy thằng Ðược ca. Dạy đúng một tháng thằng Ðược đã biết ca đủ bản hết. Thầy Ðàng bịnh mười phần đã giảm được năm phần rồi, mới biểu em mua hai cuốn vần quốc ngữ, ban ngày thì dạy hai đứa nhỏ học chữ còn ban đêm thì dạy chúng nó học đờn.
Con nhà giàu trong làng thấy thầy dạy hai đứa nầy học đờn, thì thừa dịp nên áp tới mà xin thầy dạy dùm. Thầy nghĩ mình còn bịnh chưa đi đâu được mà ở không cũng chẳng ích gì, nên thầy chịu dạy đặng cho hai đứa nhỏ trong nhà học theo cho dễ.
Người vợ cũ thầy bỏ thầy mà lấy Phó tổng gần mười lăm năm nay, nhà cửa phải giao cho một đứa cháu ở giữ dùm, lúa ruộng năm nào góp xong rồi cũng phải nhập với lúa của thầy Phó để mà xài chung. Tuy ở trong nhà thì tôi tớ, ra ngoài đường thì làng dân ai cũng thưa cũng dạ, cũng kêu là bà Phó, nhưng mà có một chút đó mà phải ra công xem xét việc nhà cho người ta, rồi mỗi năm lại phải giao cho người ta hơn hai ngàn giạ lúa nữa, nghĩ thiệt mắc quá. Ðã vậy mà lúc thầy Phó tỵ trần sắp nhỏ con ghẻ lại nói nhiều lời sỉ nhục, đứa thì nói mình thấy thầy Phó giàu nên bỏ chồng mà ám xác đặng giựt của, đứa thì nói vì mình nên thầy Phó mới mang bịnh mà tỵ trần.
Cô trở về nhà cũ mà ở, nghĩ đến việc chồng thì hổ thẹn trăm bề, mang chi cái thói ham tước ham quyền, mà mười mấy năm nay hao tiền tốn của không biết bao nhiêu, lại còn phải mang tiếng lộn chồng, mang điều bạc nghĩa. Cô đương buồn rầu bỗng nghe chồng cũ trở về, tuy cô không dám để lòng trông con chim cũ vào cái lồng xưa, nhưng mà cô nằm ngồi không an, coi ra tuồng như cô thương nhớ thầy lắm vậy.
Ðêm nào cô cũng chong đèn ngồi mà suy nghĩ, nếu thầy Ðàng kêu cửa thì chắc là cô bỏ giầy chạy ra ôm khóc rồi năn nỉ ỉ ôi cho thầy dung thứ tội ngày xưa, mà cô ngồi đợi hoài không nghe ai kêu, duy nghe canh tàn gà gáy vang rân, duy thấy chích bóng trong phòng hiu quạnh.
Cách ít ngày cô lại nghe thầy nhuốm bịnh, cô mới lần đến mấy nhà gần Phan Hảo Tâm mà chơi. Tuy là cô giả bộ đi chơi, song trong lòng cô thì cô quyết hỏi thăm coi bịnh chứng của thầy nặng nhẹ thể nào, và thầy về có tỏ dấu đoái tưởng đến cô chút nào không. Người trong xóm thuật chuyện thầy về có hai đứa nhỏ cho cô nghe, lại nói bịnh thầy nặng lắm, có thể thầy phải ở uống thuốc lâu lâu mới mạnh được.
Ngày nào cô cũng đi qua đi lại ngang trước nhà Phan Hảo Tâm, rồi ghé mấy nhà gần đó khi thì hỏi mua trứng gà, khi thì mướn người đắp đất. Một bữa nọ cô đương ngồi trong nhà bà Cẩn, bỗng thấy thằng Ðược với con Liên đi lại đó chơi. Cô lấy làm mừng mới hỏi thăm chuyện thầy, lại thấy hai đứa nhỏ ngộ nghĩnh cô đem lòng thương nên cô biểu chúng nó đi theo cô lên nhà cô chơi. Thằng Ðược với con Liên bước vô nhà thấy nhà cửa kinh dinh, ghế tủ hực hỡ thì ké né không dám ngồi. Cô hối đứa ở trong nhà chạy đi mua bánh đem về cho hai đứa nhỏ ăn rồi cô mới hỏi rằng: “Hai cháu kêu ông thầy đó bằng giống gì ?”. Hai đứa ngó nhau rồi thưa rằng: “Thưa, con kêu bằng thầy”.
Cô cười rồi nói rằng: “Hai cháu biết hôn? Qua đây là vợ của thầy đó đa, thầy giận qua rồi bỏ đi hơn mười lăm năm nay không chịu về nhà. Hai cháu muốn ở đây với qua hay không. Như muốn thì biểu thầy về đây mà ở, đặng hai cháu sung sướng tấm thân. Ở với qua, qua may áo quần tốt cho mà mặc”.
Hai đứa ngồi lặng thinh không nói đi nói lại chi hết. Chơi một hồi rồi thưa với cô mà về, vì sợ đi chơi lâu thầy rầy. Cô cho mỗi đứa một cắc bạc rồi dặn mỗi bữa lên cô cho ăn bánh.
Hai đứa nhỏ ra đường lấy làm đắc ý nói nói cười cười, hỏi với nhau tại sao thầy có nhà tốt, có vợ yêu như vậy mà lại không chịu về nhà lại trôi nổi dạy đờn làm chi cho cực thân nhọc trí. Tuy cô dặn, song hai đứa nhỏ về không dám nói ra mà hễ năm ba bữa thì giả bộ đi chơi rồi lên nhà cô mà ăn bánh.
Ngày nọ cô thấy Ba Sự, là em thầy Ðàng, đi ngang qua nhà, cô liền mời vô rồi khóc lóc mà tỏ lòng ăn lăn lỗi ngày trước, và xin cô Ba Sự làm phước nói dùm cho thầy hết giận đặng trở về nuôi dưỡng cho thong thả tấm thân. Cô Ba Sự thấy vậy cũng động lòng, nên hứa để đợi anh lành mạnh rồi sẽ kiếm cách mà dọ ý.
Thầy Ðàng uống thuốc hơn bảy tháng mới thiệt mạnh. Con Liên học đờn tranh đờn kìm lào thông còn thằng Ðược thì đờn kìm với đờn cò cây nào cũng đờn gần đủ bản. Hai đứa lại biết đọc biết víết chữ quốc ngữ rồi hết.
Ăn Tết xong rồi thầy mới cột đờn gói sách sửa soạn muốn dắt hai đứa nhỏ mà đi. Tối bữa ấy thầy đương nằm nói chuyện với em rể, thì em gái thầy trong buồng bước ra ngồi bộ ván bên kia têm trầu mà ăn rồi hỏi thầy rằng:
- Anh Hai, anh tính đi đâu nữa hay sao mà ngày nay anh thu xếp đồ đạc đó vậy?
- Ừ, qua tính sáng mai qua đi Bến Tre, Mỏ Cày chơi.
- Ý anh muốn em không dám cãi, chớ thiệt em thấy anh đi em buồn quá.
- Vậy chớ thuở nay đó sao?
- Thuở nay anh mạnh giỏi chẳng nói làm chi. Nay anh hơn năm mươi tuổi rồi, anh đã già yếu mà trong mình lại có bịnh nữa. Anh đi xa như mạnh giỏi chẳng nói gì còn khi ươn yếu thì có ai đâu mà nhờ cậy.
- Chí qua muốn thong thả, một chỗ tù túng qua chịu không được. Mà em biểu qua đừng đi thì tiền đâu có cho qua xài, cơm đâu có cho qua ăn.
Hảo Tâm nghe nói tới đó liền ngồi dậy mà trả lời:
- Anh ăn xài bao nhiêu đó mà anh lo dữ vậy. Anh ở nhà đây vợ chồng tôi nuôi cho.
- Dượng có bụng tốt thì tôi cảm ơn lắm. Song tôi biết dượng đủ ăn chớ không phải giàu có chi. Mấy tháng nay tôi về đây làm tốn cơm tốn nước mà lại còn tốn thuốc men của dượng nữa, tôi nghĩ tới thì tôi ái ngại vô cùng. Tôi chưa đền ơn cho dượng được, nay lành mạnh rồi lẽ nào tôi còn theo mà làm nhọc cho vợ chồng dượng nữa hay sao.
- Anh em mà đền ơn báo nghĩa nỗi gì.
Ba Sự xen vô mà nói rằng:
- Mà bây giờ anh tính đi làm việc gì ở đâu anh nói nghe thử coi.
- Ði ra trước dạy đờn kiếm tiền xài sau chơi luôn thể.
- Dạy đờn vậy chớ ở nhà đây lại dạy không được hay sao? Con nhà giàu họ học hiếm đó, anh dạy họ mà ăn tiền, cần gì phải đi đâu cho mệt.
- Ở nhà buồn lắm, dạy giống gì được.
- Cần Ðước là chỗ nhau rún của mình, về đây sao anh lại buồn? Hay là về ở đây anh nhớ chuyện cũ, anh xét phận anh bây giờ nghèo hèn, còn phận chị Hai thì giàu có, nên anh hổ thầm rồi anh buồn phải không?
- Qua có hổ thẹn chi đâu, qua đắc ý lắm chớ! Cái nghèo của qua đây gia tài của họ đó dầu bán cho hết đi nữa mua cũng không nổi đâu; em đừng có tưởng qua thấy họ giàu còn qua nghèo mà hổ thẹn.
- Hứ! Anh khinh khi người ta quá!... Ðời này có cái chi quý hơn đồng tiền. Phải hồi trước anh chịu nhịn nhục mà làm việc quan, thì ngày nay có lẽ anh đã làm tới Ðốc phủ rồi. Mà nếu anh không chịu làm quan, thì anh nương theo chỉ có lẽ trọn đời anh cũng khỏi cực khổ. Em nghĩ thiệt em tiếc quá.
- Phận em là đàn bà, em đâu có hiểu tâm chí của qua mà em nói.
- Em cũng biết làm đàn ông ở không mà ăn chực của vợ thiệt cũng không tốt gì đó. Mà hồi còn trai tráng anh đủ tài đủ trí, đủ tay đủ chơn, anh không thèm hưởng nhờ của vợ, thôi em cũng cho là phải đi. Nay anh đã già yếu rồi, nếu anh cứ cứng cỏi hoài thì...
- Em đừng có nói quấy như vậy! Con người lúc còn trẻ thì hay làm bậy, đến chừng già rồi mới sửa tánh lại. Phận anh đây, hồi nhỏ anh đã làm phải, bây giờ già rồi em lại biểu anh phải sửa lại mà làm quấy hay sao?
Thầy Ðàng nói tới đó lồm cồm ngồi dậy mà ngó ngay Ba Sự. Hảo Tâm cũng ngồi dậy vấn thuốc mà hút, còn thằng Ðược với con Liên thì đứng dựa tủ thuốc lóng tai mà nghe. Thầy Ðàng tằng hắng rồi nói:
- Thế thì em muốn qua trở lại vợ cũ qua hay sao chớ?
Ba Sự ngồi lặng thinh không trả lời. Thằng Ðược mấy tháng nay ăn bánh lãnh tiền của cô Phó đã nhiều, có lòng ước ao cho thầy chịu trở về với cô đặng ăn mặc cho sung sướng nên nghe thầy hỏi như vậy thì trong lòng hồi hộp trông coi thầy tính lẽ nào. Cách một hồi Ba Sự mới nói rằng:
- Nếu anh chịu trở về ở với chỉ thì tiện lắm. Em biết chắc hễ anh về thì chỉ mừng lắm. Chỉ thấy anh bây giờ già yếu nghèo nàn mà lại hay đau ốm, thì chỉ thương, nên mấy tháng nay chỉ cậy người này người kia nói dùm mà không dám nói. Em nghĩ nếu anh trở về ở với chỉ thì xong, bởi vì...
- Nín! Em đừng nói bậy. Em bưng chén nước em đổ rồi, em hốt lại cho đầy chén được hay không?
- Ở đời có cần gì. Ở đời này miễn là có tiền bạc nhiều thì thôi.
- Hứ? Khéo bày chuyện làm cho tôi mang nhục!
Hảo Tâm thấy anh vợ có sắc giận liền xen vô mà nói rằng:
- Vợ tôi nó tính quấy mà cũng có chỗ phải đó anh. Anh xét lại đó mà coi, nếu anh về ở với chỉ, thì nằm không cũng có của cho mà ăn; thân anh đã sung sướng mà anh em lại gần gũi nhau được nữa.
- Té ra dượng cũng vậy nữa sao?
Thầy Ðàng trả lời có mấy tiếng rồi nằm day mặt vô vách mà ngủ không thèm nói chi hết. Thằng Ðược với con Liên không hiểu vi cớ nào mà nhà tốt vợ đẹp mà thầy không thèm, nên ngó nhau rồi cũng dắt nhau đi ngủ.
Rạng ngày có lái buôn lúa ở lối xóm dọn ghe bạn đi Bến Tre mua lúa đặng chở về Chợ Là mà bán. Thầy Ðàng thừa dịp ấy mới xin quá giang mà đi Bến Tre. Khi thầy ôm đờn dắt hai đứa nhỏ ra khỏi nhà thầy liền nói với chúng nó rằng: “Tao không dè sắp đó là đồ tiểu nhơn. Tao nói thiệt đến chết tao cũng không bước chơn về đó nữa. Mà ngày nào tao có chết bây cũng đừng cho chúng nó hay làm gì”.

Chú thích :

5. người Hoa ở Việt Nam
6. hũ miệng túm, phình to ở giữa, bằng gốm tráng men, dung tích quãng 3 lít, sử dụng số lượng lớn ở các hãng nước mắm.
Cay đắng mùi đời
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6 (Chương kết)