Chương 11
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Cách sau một tháng. Bữa chúa nhựt, lối 8 giờ sớm mai. Trời mưa từ hồi khuya cho đến chừng đó mà vẫn còn lâm râm hoài, chưa chịu dứt hột. Đường sá ướt át, cây cỏ loi ngoi, người ít đi, xe ít chạy, làm cho cảnh có vẻ im lìm buồn bã, chớ không náo nhiệt vui vẻ như bữa khác.
Bà phán Lan ngồi trong nhà ngó ra sân, bà nhớ con, nên trong lòng đương ưu sầu, mà thấy cảnh buồn bã như vậy thì bà càng thêm bát ngát. Khi không mà con mình nó gây họa làm chi!... Tình!... Tình!... Tình rồi như vậy đó, mà nó dám nói ái tình là cái ý nghĩa đẹp nhứt của sự sống, nếu sống mà không nếm được ái tình thì sống vô vị!
Thầy đội An hứa sẽ tìm cho được kẻ sát nhơn để gỡ tội cho nó. Đến bữa nay đã quá một tháng rồi, mà tìm chưa ra mối, thế thì còn trông mong gì nữa. Còn ông trạng sư Xương nói quả quyết, dầu thế nào ổng cũng cứu nó được, mà sao cách ba bữa rày, mình ghé hỏi thăm ổng thì thấy bộ ổng buồn lo quá. Ổng thất chí ngã lòng hay sao?
Bà phán đương suy nghĩ tới đó, kế thấy xe của ông trạng sư Xương ngừng rồi ông bươn bả đi vô nhà.
Bà phán tiếp chào, ông Xương hỏi:
- Thưa thím, cô giáo Kim chưa lại đây hay sao?
- Chưa. Cô có hẹn lại đây hay sao?
- Thưa có. Cô hẹn 8 giờ nầy hội nhau để bàn tính công việc.
- Từ hồi sớm mai cho tới bây giờ chưa thấy cô lại... Hổm nay ông có gặp thầy đội An hay không?
- Thưa, cháu có gặp hồi trưa hôm qua.
- Thầy có nói đã tìm được mối manh gì hay không?
Ông Xương ngồi buồn hiu, không trả lời. Cách một hồi lâu ông mới thở dài mà nói:
- Chưa tìm được mối manh gì hết....
Bà phán ứa nước mắt mà than:
- Nếu vậy thì chắc con Cúc sẽ bị án!
Ông Xương thấy vậy không muốn để cho bà phán thất chí, nên ông vội vã nói quả quyết:
- Dù thầy đội An tìm không ra manh mối cũng không hại gì. Cháu đã lập thế khác sẵn rồi để cứu em Cúc. Xin thím đừng lo.
- Nó đã khai với tòa rằng tự tay nó đâm ông Dương chết. Nếu không bắt được đứa sát nhơn thiệt, để bác lời khai vô lý của nó, thì làm sao mà gỡ nó ra được.
- Cháu có thế gỡ được.
Cô Kim ở ngoài đường đi vô một tay che dù, một tay ôm một gói sách với nhựt báo. Ông Xương lật đật bước ra cửa, rước ôm cái gói dùm cho cô. Cô chào bà phán rồi hỏi ông Xương:
- Chờ em lâu lắm hả?
- Không. Tôi cũng mới tới đây.
- Em đi trễ, xin anh tha lỗi. Từ hồi 7 giờ cho tới bây giờ người ta lại nhà em nườm nượp dành nhau lãnh tiểu thuyết đem đi bán. Em mắc lo sắp đặt việc đó cho rành rẽ nên em phải lại trễ.
- Tiểu thuyết xuất bản rồi đây hả?
- Thưa, phải . Em đem lại ít chục cho ông với bà phán xem.
Cô Kim mở gói lấy đưa cho ông Xương với bà phán mỗi người một quyển “Mảnh gương trinh”, là tiểu thuyết của cô Cúc trước tác, mà ông Xương chịu tiền in cho cô Kim xuất bản để bán đặng vận động gỡ tội cho tác giả.
Ông Xương cầm xem trong xem ngoài rồi hỏi cô Kim:
- Nhà in họ giao sách cho cô hồi nào?
- Sớm mai hôm qua. In như vậy ông xem đẹp hay không?
- Đẹp lắm. Ngoài bìa có vẻ mỹ thuật, còn ở trong thì in chữ rõ ràng. Nhứt là tên của tác giả Lê Thị Thu Cúc in ở trên, hễ ngó vô thì thấy liền, nên xem được quá. Cô đã bắt đầu bán hay chưa?
- Bán rồi. Em đã gởi bán từ hôm qua. Ông có biết từ hôm qua tới sớm mai này em bán được bao nhiêu rồi hay không?
- Chừng một trăm.
- Ông lầm to! Ông nói sai tới mười phần. Em đã bán một ngàn quyển rồi, bán nội Sài Gòn đây.
- Cha chả! công chúng hoan nghênh nhiệt liệt đến thế hay sao? Nếu vậy thì cô in có 5 ngàn quyển, tôi sợ không có đủ mà bán.
- Chắc chắn phải xuất bản lần thứ nhì, bởi vì 5 ngàn quyển in rồi đó sẽ hết trong tuần lễ tới đây.
- Mau quá vậy hay sao?
- Thưa, phải. Hôm nay em tiếp được thơ của mấy chục nhà bán sách dưới Lục tỉnh, nhà nào cũng dặn trước hễ sách ra thì phải gởi cho họ bán, chỗ biểu gởi một trăm, chỗ biểu gởi hai trăm. Buổi chiều nầy rảnh, em sẽ gói sẵn đặng sáng mai em gởi cho họ. Gởi đi Lục tỉnh rồi thì còn có bao nhiêu đâu.
- Tôi không dè người ta yêu tác giả quá như vậy. Em Cúc chưa có tên trong làng văn, mới xuất bản quyển tiểu thuyết đầu, mà được người ta hoan nghênh dường ấy, thiệt thuở nay ít ai có cái vinh hạnh như vậy. Tôi cậy cô xuất bản : “Mảnh gương trinh”, ý tôi muốn lấy đó làm tài liệu, đặng chừng tòa xử, tôi vịn mà bào chữa cho em Cúc, chớ tôi không tính bán được. Nếu người ta dành nhau mà mua, thì em Cúc sẽ có lợi lắm.
- Thưa phải. Sẽ có lợi về tiền bạc mà còn lợi về danh giá nữa.
Bà phán hay thiên hạ hoan nghinh tiểu thuyết của con, thì bà mừng thầm, song bà nói:
- Tôi muốn cho nó được ra khỏi khám mà thôi, chớ tôi không cần lợi gì hết. Cũng tại tiểu thuyết nên nó mang họa đó, tôi nhớ hoài, không bao giờ tôi quên được.
Ông Xương cười mà đáp:
- Thưa thím, mà có lẽ cũng nhờ tiểu thuyết mà cháu sẽ cứu em Cúc được.
- Tại sao vậy?
- Nếu cùng đường thì cháu sẽ trình quyển tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” cho tòa xem, đặng tòa thấy cái tâm hồn trinh bạch của em Cúc, là gái chủ tâm sùng bái danh tiết hơn các hạnh khác, thà chết chớ chẳng chịu để mất trinh.
- Nó viết cuốn đó nó nói giống gì ở trổng không biết.
- Em Cúc không có đọc cho thím nghe hay sao?
- Không.
- Vậy xin cô giáo thuật sơ cho thím hiểu một chút.
Cô Kim day qua ngó bà phán mà nói:
- Thưa bác, quyển “Mảnh gương trinh” hay lắm, câu văn giản dị, ý tứ hạp thời, đã vậy mà truyện tích lại cao thâm, ai xem cũng đều phải cảm xúc. Trong truyện, em Cúc tả cái đời vất vả của cô Quỳnh là một gái có học, nhưng vì nhà nghèo nên phải xuất thân đi kiếm việc mà làm, đặng nuôi một mẹ có bịnh với một bầy em khờ dại.
Trót hai năm trường cô Quỳnh phải chịu thảm khổ hết sức, nhiều khi người ta thừa cơ hội ấy, muốn dùng tiền bạc mà mua trinh tiết của cô, nhưng mà cô bền chí vững lòng, thà cam chịu cực khổ tấm thân, chớ không chịu để lem luốc danh giá. Mua không được, người ta mới bày mưu gạt gẫm. Một bữa, người ta sắp đặt, rồi gạt cô đến một cái nhà nọ vắng vẻ, mới dùng sức mạnh mà ép duyên cô. Cô cùng thế, liệu thoát thân không khỏi, nên phải dùng kế làm bộ thuận tùng, rồi tìm cớ đâm chết đứa vô loại, và tự tử luôn cho khỏi tù tội. Rủi vết thương của cô tuy nặng, song không đến nỗi làm cho cô chết liền được, nên người ta chở cô vào nhà thương, rồi quan lương y cứu cô khỏi chết. Hễ khỏi chết thì phải đền cái tội sát nhơn, theo pháp luật của xã hội. Tuy vậy mà ra giữa tòa, các quan nghị án nghĩ vì cô Quỳnh phải bảo thủ thân danh nên mới phạm tội, lại xét tánh tình của người bị giết không đáng thương tiếc, bởi vậy tòa lên án tha bổng cô Quỳnh, công chúng đều ngợi khen pháp luật công bình, đều kính trọng thái độ cao thượng của gái nghèo mà biết giữ trinh tiết. Truyện trong tiểu thuyết của em Cúc là vậy đó; thâm thúy lắm, thâm thúy vì hạp với luân lý mới, hạp với trí ý của người đời nay.
Bà phán lắc đầu mà nói:
- Chuyện giống như chuyện của nó bây giờ. Tại viết chuyện như vậy, rồi cảm nhiễm trong trí, nên nó mới làm như vậy đó. Mà cô Quỳnh khỏi tội, không biết rồi đây nó có khỏi tội hay không?
- Pháp luật công bình lắm, xin bác hãy tin cậy đừng có nghi ngại. Cô Quỳnh thiệt có giết người toan hiếp dâm, mà cô còn được hưởng ân huệ của pháp luật thay. Em Cúc vì thất tình em quyết tự tử, nên em tình nguyện nạp mình, chớ không phải em giết ông Dương, thế thì làm sao mà bị tội được.
- Mà tại sao họ đã biết cuốn tiểu thuyết của con Cúc, nên sách in vừa rồi thì họ áp mua dữ vậy?
- Hổm nay cháu quên thưa chuyện đó cho bác hay. Công chúng hoan nghênh sách của em Cúc, ấy là nhờ ông trạng sư đây. Ổng biểu cháu đem quyển tiểu thuyết giao cho nhà in, thì ông liền mướn các báo Pháp Việt cổ động trước. Đây cháu có để dành những bài đã đăng trong nhựt báo đây, đặng em Cúc về, cháu sẽ giao lại cho em xem. Làm quảng cáo như vầy, thì làm sao thiên hạ không đợi tiểu thuyết xuất bản cho mau đặng mua mà đọc.
- Làm quảng cáo là làm sao?
- Từ ngày xảy ra chuyện ông Dương bị giết rồi em Cúc bị bắt, thì các nhựt báo Sài Gòn đều đăng tin, nói ông Dương gởi thơ dụ em Cúc đến nhà rồi toan hiếp dâm. Em Cúc không chịu, ông làm dữ, em Cúc phải chữa mình, rủi đâm trúng chỗ nhược nên ông tuyệt mạng.
Có một hai tờ báo nói vụ ông Dương bán lúa mới lấy 11 ngàn đồng bạc hồi sớm mai, còn bao nhiêu tờ báo khác đều nói vụ hiếp dâm mà thôi, lại công kích thái độ đê tiện của ông Dương, và ca tụng tánh nết trinh bạch cứng cỏi của em Cúc. Thừa dịp dư luận đương xôn xao ái mộ em Cúc, ông trạng sư mới mướn các báo quảng cáo quyển tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” của em Cúc, và khuyên đồng bào hãy mua quyển ấy mà xem cho biết tánh chí của tác giả là người hiện nay đương bị tù tội cũng như trong tiểu thuyết. Công chúng thường có tánh hiếu kỳ, bởi vậy ai cũng trông quyển “Mảnh gương trinh” xuất bản đặng mua mà đọc. Sách bán mau là nhờ vậy đó.
- Làm như vậy té ra mình chịu con Cúc đâm ông Dương chết hay sao? Hễ chịu tội thì làm sao mà khỏi bị án cho được?
Ông trạng sư Xương cười mà đáp với bà phán:
- Thưa thím, ý cháu muốn trổ nhiều cửa đặng ra cho dễ, nếu cửa nầy nghẹt thì mình ra cửa khác. Điều cần nhứt là phải tìm cho ra kẻ sát nhơn đặng đánh đổ lời khai dối của em Cúc. Nếu tìm không được, thì cháu sẽ viện hai lẽ gỡ tội:
1- Mất số bạc 11 ngàn, mà dấu tay cạy tủ thì không phải dấu tay của em Cúc.
2- Em Cúc thất tình loạn trí, nên không tin lời em khai.
Ví như viện mấy lẽ đó gỡ tội không được, thì cháu sẽ dùng viên đạn cuối cùng, nghĩa là cháu sẽ công kích thái độ dã man của kẻ cưỡng dâm, cháu sẽ đem thái độ đê tiện ấy mà so sánh với thái độ trinh bạch của tác giả quyển “Mảnh gương trinh”.
- Ông làm luật sư, ông liệu xem nên cãi thế nào thì ông nhứt định, miễn là cứu con nhỏ được thì thôi. Tôi giao tánh mạng nó cho ông.
- Cháu tính như vầy: Quyển “Mảnh gương trinh” đã xuất bản rồi. Vậy thì ngày mai cháu sẽ đem mà tặng cho mỗi nhà báo một quyển mà cậy bình phẩm, nhứt là cậy vận động cho gắt, công kích ông Dương, ngợi khen em Cúc, làm cho dư luận sôi nổi, đặng cháu nhơn lấy đó mà luận biện để gỡ tội.
Cô Kim hỏi ông Xương:
- Ông vô thăm em Cúc được, em muốn ông xin phép đem quyển “Mảnh gương trinh” với mấy tờ nhựt báo cổ động đây vô khám mà cho em Cúc xem chơi.
- Ý! Không nên. Em Cúc sẽ nhơn việc mình làm đó rồi phấn chí khai giống gì nữa, thì làm sao tôi chữa cho nổi.
- Ông tính dấu, không cho em Cúc biết hay sao?
- Dấu thì phải hơn.
- Không biết chừng nào tòa sẽ xử vụ em Cúc?
- Tòa đã tra vấn xong rồi hết. Em Cúc thú tội thì cuộc tra vấn dễ quá. Có lẽ tòa đại hình nhóm kỳ tới đây sẽ xử liền.
- Chừng bao lâu nữa?
- Tháng tới đây.
- Từ nay cho tới ngày xử, ông có hy vọng sẽ tìm ra đứa giết ông Dương hay không?
Ông Xương ngồi lặng thinh một hồi mới đáp:
- Hy vọng thường làm cho mình bớt sự buồn. Vậy mình phải nuôi hy vọng luôn luôn.
Cô Kim thấy bộ ông thì biết ông đã hết hy vọng về khoản đó, song cô sợ bà phán hiểu rồi bà buồn, nên cô không dám kéo dài câu chuyện.
Ông Xương lấy gói tiểu thuyết và nhựt báo của cô Kim đem lại hồi nãy, rồi từ giã, ôm ra xe mà về, để cô Kim ở lại nói chuyện mà giải khuây cho bà phán.