Chương 6
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Gần đến giờ khai diễn, trước cửa rạp hát thành phố, nam thanh nữ tú tụ tập đông đầy, người chưa mua vé thì chen nhau mà mua, kẻ có mua giấy trước thì đi thẳng vô đặng kiếm chỗ của mình mà ngồi.
Cô Kim với cô Cúc song song đi vô cửa rạp hát, tướng mạo nghiêm trang, trình giấy rồi đi thủng thẳng bước vô, không bợ ngợ, không rụt rè chút nào hết, không cần ngó ai, mà cũng không thèm kể ai ngó mình.
Cô Cúc hỏi:
- Chị mua giấy nhắm hàng ghế thứ mấy?
- Hàng ghế thứ nhì, ngay chính giữa.
Hai cô dắt nhau đi qua phía tay mặt, đặng xuống thang mà vô chỗ ngồi. Vừa tới đầu thang, thình lình cô Cúc thấy thầy Hoàng đương đi thơ thẩn. Trên mặt lộ vẻ vui mừng, cô Cúc kêu lớn:
- Anh Hoàng!
Hoàng day lại cúi đầu chào hai cô, miệng cười chúm chím.
Cô Cúc liền nói với Hoàng:
- Chị giáo Kim là bạn thiết của em.
Hoàng cúi đầu chào nữa. Cô Cúc day qua nói với cô Kim:
- Anh Hoàng giúp việc hãng buôn. Anh yêu em nên tính sẽ cưới em.
Cô Kim chưng hửng, nhưng cũng gượng cúi đầu chào cho khỏi thất lễ.
Cô Cúc vui vẻ nói với Hoàng:
- Em có chuyện riêng, muốn nói với anh. Hồi chiều nầy em đi ngang qua hãng chỗ anh làm, em tưởng gặp anh, té ra đã quá giờ, hãng đóng cửa, anh đã về rồi.
- Qua cũng có chuyện riêng hổm nay muốn nói với em, nhưng không biết làm sao gặp được mà nói.
- Em thi đậu rồi, anh hay không?
- Hay rồi.
- Ai nói với anh?
- Đọc nhựt trình qua thấy tên em.
- Anh mừng hay không?
- Mừng lắm.
- Hổm nay em trông anh dữ quá. Anh tính bữa nào anh đến thăm má em đặng nói chuyện đó?
Hoàng đứng bợ ngợ, ngó quanh quất rồi mới đáp:
- Để bữa khác rồi qua sẽ tỏ tâm sự cho em hiểu... Bữa nay nói không tiện.
Cô Cúc có tánh nóng nảy, nghe lời nói như vậy, cô không thể dằn lòng mà chờ cuộc gặp gỡ khác được, bởi vậy cô liền nói với cô Kim:
- Chị vô ngồi trước đi, một chút nữa rồi em sẽ vô. Em nhớ rồi, hàng ghế thứ nhì, chính giữa.
Cô Kim cúi đầu từ giã Hoàng, rồi bước xuống thang mà đi vô chỗ ngồi.
Hoàng mới nói với cô Cúc:
- Em bước ra ngoài cho qua nói chuyện.
Hai người đi ra cái sân trống chỗ để lúc hạ màn khán giả đứng hút thuốc và hứng mát.
Cô Cúc mau mắn nên nói trước.
Em mới gặp một cảnh khốn nạn hết sức. Hồi chiều em tính kiếm anh đặng thuật lại cho anh nghe, té ra xuống tới hãng thì đã hết giờ nên không gặp anh.
- Em gặp cảnh gì mà khốn nạn?
- Hôm nọ có một người trọng tuổi gặp em, nó nói nó quen với ba em hồi trước. Nghe em nói muốn kiếm việc mà làm, nó hứa sẽ kiếm dùm. Hồi trưa nầy, nó viết thơ biểu em lên nhà cho nó nói chuyện, vì nó đã kiếm được việc cho em rồi. Em tưởng là người tử tế nên em tin, té ra nó là một thằng già dê, nó gài bẫy mà hại em. Em lên nhà, nó ghẹo chọc em. Em chống cự, nó ôm đại em. Em giận em đánh nó rồi em chạy.
- Ở đất Sài Gòn phải dè dặt, đừng tin ai hết.
- Anh nghĩ bây giờ em phải làm sao?
- Làm giống gì?
- Em nên kiện nó hay không?
- Hồi nó ôm em, sao em không la lên, để đi về nhà, rồi có bằng cớ gì đâu mà kiện. Hồi đó em phải kêu lính làm vi bằng rồi bắt liền nó mới đước chớ.
Cô Cúc đứng ngơ ngẩn một hồi rồi mới hỏi:
- Hồi nãy anh nói bữa nào rồi anh sẽ tỏ tâm sự cho em hiểu, tâm sự gì vậy?
- Việc của đôi ta.
- Việc gì thì anh nói phứt đi.
- Bữa nay em mắc xem hát.
- Không cần. Anh nói cho em nghe rồi em sẽ vô xem hát.
- Để bữa khác, không gấp gì.
- Em gấp lắm. Nầy, việc mình hứa hẹn với nhau đó, em đã tỏ thiệt với má rồi.
- Ý! Em nói chi vậy?
- Anh thương em, anh quyết cưới em. Ấy là một việc chánh đáng, có tội lỗi gì đâu mà sợ nên phải dấu.
- Chừng nào qua đi nói rồi em sẽ tỏ thiệt, có muộn gì. Em nói trước như vậy, biết việc có thành hay không?
- Sao lại không thành?... Mà em không thể không nói thiệt được, bởi vì có người khác xin cưới em, nếu em không nói thiệt thì má em gả em cho người khác, rồi anh hỏng còn gì.
- À! có người khác muốn cưới em hay sao?
- Chớ sao!
- Em ưng hay không?
- Khéo hỏi dữ hôn!... Em ưng người khác rồi em bỏ anh cho ai?
- Qua tưởng nếu có người khác xin cưới em thì em nên ưng họ đi.
- Hả? Anh nói cái gì vậy? Anh điên rồi hay sao?
- Không. Qua nói thiệt.
Cô Cúc chưng hửng đứng ngó Hoàng trân trân.
Hoàng sụt lại ít bước, rồi ngồi trên cái băng để gần đó, tay chống trán không nói nữa.
Trong rạp hát tiếng chuông rung leng keng, rồi cây dọng cộp cộp, kéo màn lên khai diễn.
Cô Cúc bước lại cái băng mà ngồi một bên Hoàng rồi hỏi:
- Anh muốn lấy lời hứa lại, không tính cưới em hả.
- Qua khổ tâm lắm em ôi!
- Nếu vì em mà anh phải khổ tâm, thì em buồn lắm vậy.
- Em có sự gì làm cho anh phiền hay sao?
- Không. Qua thương em lắm, làm sao qua phiền em được.
- Vậy chớ tại sao mà anh khổ tâm?
- Tại việc nhà của qua kỳ lắm, khó nói ra được.
- Em xin anh đừng ngại chi hết, nếu có sự chi ngăn trở hôn nhơn của chúng ta, thì anh cứ nói thiệt cho em hiểu. Hễ lấy thiệt tình mà đãi nhau, thì dầu không được yêu nhau, chớ khỏi phiền trách nhau.
- Qua nói thiệt sợ em buồn.
- Nếu anh dấu em, thì em lại không buồn hay sao?
- Dầu sớm hay muộn gì rồi qua cũng tỏ thiệt tâm sự cho em hiểu. Thà là tỏ trước càng hay hơn.
- Anh cứ nói đi đừng ái ngại chi hết.
- Qua nói thiệt với em, qua có tánh ưa đánh bạc. Mấy tháng nay, qua đi theo anh em mà chơi, thứ bảy thì vô nhà xẹt, chúa nhựt thì lên trường đua, qua thua nhiều quá, mắc nợ cùng hết. Nợ đòi gắt, hôm đầu tháng qua phải tỏ thiệt cho cha mẹ qua hay đặng qua xin tiền mà trả cho người ta thì đi làm mới yên được.
- Anh thiếu nợ chừng bao nhiêu?
- Bốn năm ngàn. Cha qua rầy dữ quá, nói để cho chủ nợ giam thân qua, chớ không có tiền đâu mà trả. Má qua cũng rầy, nhưng tối lại theo dỗ qua, nói có quen với một bà điền chủ lớn ở dưới Rạch Giá. Bà ấy có một đứa con gái, tuy đen đúa một chút, song có tiền nhiều. Nếu qua chịu cưới cô gái ấy, thì má qua sẽ lén cha qua mà ra bạc cho qua trả nợ.
Hôm tuần trước, bà điền chủ ở Rạch Giá đó có dắt đứa con gái lên tại chành lúa của cha qua ở trong Bình Đông, mà hỏi giá lúa đặng bán một chài. Má qua có cho qua thấy mặt mẹ con bà điền chủ. Cô gái ấy thật đen đúa xấu xa lắm, chừng họ về rồi, má qua hỏi ưng hay không. Em nghĩ thử coi câu hỏi ấy làm khổ tâm cho qua là dường nào. Qua đã thương em, nên hứa sẽ cưới em. Qua chịu cưới cô Rạch Giá rồi bỏ em hay sao? Còn như không chịu thì làm sao có tiền mà trả nợ. Hễ không trả nợ được thì phải trốn mà đi xứ khác, không thể ở đây, rồi cũng không gần em được. Biết làm sao?
- Anh cưới cô Rạch Giá đó đi.
- Em chịu để cho qua làm như vậy hay sao?
- Chịu.
- Em không thương qua nữa hay sao?
- Vì em thương anh lắm nên em mới chịu chớ.
- Cảm ơn em, có nguy mới thấy rõ lòng dạ nhau. Em lấy lòng quảng đại mà cứu qua như vậy, thì đối với qua, tình của em mới thiệt là nặng. Qua thề có trời đất, dầu qua được giàu sang đến bực nào đi nữa, qua cũng chẳng bỏ em đâu. Hễ qua giàu thì cũng như em giàu, đôi ta sẽ chung hưởng với nhau.
- Giàu là vợ anh giàu, chớ không phải anh, thế thì em làm sao mà chung hưởng cho được.
- Em đừng lo. Cô ấy là gái ruộng, cô có hiểu việc gì đâu. Hễ qua vô hủ nếp rồi thì mặc dầu qua tung hoành, mười cô như vậy cũng không ngăn trở sự hành động của qua được. Hổm nay qua suy nghĩ hết sức, thấy có một thế ấy là hay hơn hết. Em xét thử coi có phải hay không?
- Phải lắm!
- Còn phận em thì em liệu làm sao?
- Anh khỏi lo cho phận em.
- Người ta buộc qua hễ cưới vợ rồi thì qua phải xuống Rạch Giá để coi ruộng, chớ người ta không cho qua làm việc nữa. Em ở trên nầy em kiếm việc mà làm, lâu lâu qua về thăm em, em chịu như vậy hay không?
- Ý anh muốn em làm vợ bé anh hả?
- Đôi ta là bọn thanh niên tân học, sao em còn nhiễm cái thành kiến cũ kỹ như vậy?
- Thành kiến gì?
- Theo bọn thủ cựu hủ lậu, người đàn bà nào mà có chồng cưới hỏi đủ lễ, có hôn thơ hôn thú rành rẽ, thì người ấy là vợ chánh, dầu chồng không có tình gì hết, họ cũng chiếm cái địa vị ấy. Nếu chồng có tình với một người đàn bà khác, dầu người đàn bà ấy được yêu, được trọng hết sức đi nữa họ cũng kêu là “mèo” hoặc “ vợ bé”. Cái thói đó xưa quá, cái thành kiến ấy bậy quá. Phải lật ngược đi mới được.
Người nào được chồng yêu nhứt thì người ấy là vợ chánh, chẳng cần phải có cưới hỏi, chẳng cần phải có hôn thú. Xét cho kỹ thì lễ cưới là một giả cuộc, hôn thú là một tờ giấy lộn, không có ý nghĩa gì hết, bởi vì không phải nhờ lễ cưới với hôn thú mà vợ chồng yêu nhau, còn như vợ chồng không yêu nhau, thì lễ cưới với hôn thú có ích về chỗ nào.
Qua thương em, em thương qua, thì em là vợ chánh, dầu người dưới Rạch Giá có làm lễ cưới, có lập hôn thú cũng không nghĩa gì. Qua nói thiệt với em, nếu qua cưới vợ dưới Rạch Giá thì là cưới tiền, chớ không phải cưới vợ. Vợ của qua là em đây. Hễ qua có tiền thì cũng như em có, qua sẽ sang sớt cho em.
Hoàng nói tới đó rồi đưa tay ra tính nắm tay cô Cúc. Cô hất tay Hoàng rất mạnh, rồi đứng dậy gọn gàng, chỉ tay ngay mặt Hoàng mà nói:
- Thằng điếm!... Khốn nạn, khốn nạn lắm!
Cô Cúc vội vã xây lưng đi vô rạp hát.
Hoàng kêu nói với:
- Em! Em!... Trở lại cho qua nói chuyện....
Cô khoác tay mà đáp:
- Thôi, gớm lắm!
Rồi cô đi luôn. Cô vừa tới thang vô chỗ ngồi thì hát cũng vừa hết lớp, nên họ hạ màn, rồi đèn bựt cháy lên. Cô dòm thấy cô Kim thì xâm xâm đi lại đó và ngồi cái ghế trống một bên cô nọ.
Cô Kim hỏi:
- Em nói chuyện gì mà lâu dữ vậy?
Cô Cúc lắc đầu, rồi lấy khăn lụa trong túi ra lau nước mắt, chớ không trả lời.
Cô Kim thấy bạn như vậy thì biết bạn có việc buồn về tâm sự, song đương ngồi giữa đám đông, không tiện hỏi nữa, nên cô làm lơ.
Cô Cúc ngồi cúi mặt, nước mắt cứ tuôn ra hoài. Người ta đã kéo màn lên hát tiếp, mà cô cứ để cái khăn đậy cặp mắt, không xem hát được. Mấy người ngồi gần ai cũng lấy làm lạ, nên liếc mắt ngó cô.
Cô Kim khó chịu, nghĩ thầm nếu ngồi lâu nữa, thì bạn mình sẽ làm trò cười cho thiên hạ, bởi vậy đợi hát hết lớp, hạ màn rồi cô liền đứng dậy rủ bạn về. Cô Cúc ríu ríu đi theo mà ra, mấy người ngồi gần đều chông mắt ngó hai cô.
Ra ngoài đường, hai cô cứ theo đại lộ Bonard mà đi, cô Kim không hỏi, mà cô Cúc cũng không nói tiếng chi hết.
Lên khỏi rạp hát bóng, cô Kim thấy có một cái băng đá vắng vẻ, không ai ngồi, bây giờ cô mới nói:
- Thôi, mình ngồi đây hứng mát một chút. Còn sớm không cần phải về gấp.
Cô ngồi rồi cô Cúc cũng ngồi theo, sắc mặt vẫn còn ưu sầu, nước mắt vẫn còn rưng rưng chảy.
Cô Kim vịn tay lên vai cô Cúc mà hỏi:
- Có việc chi mà em ưu sầu dữ vậy? Bây giờ không có ai, đâu em tỏ thiệt cho chị nghe thử coi.
Cô Cúc lắc đầu và tức tủi nên khóc nức nở.
Cô Kim hỏi tiếp:
- Em không tin lòng chị hay sao, nên có việc buồn mà em dấu chị, em không chịu nói cho chị biết?
- Em khốn nạn lắm chị ôi!
- Sao mà khốn nạn?
- Em lầm một thằng điếm nữa.
- Ạ! Nó gạt em, nó hứa cưới em, rồi bây giờ nó không giữ lời hứa phải không?
- Phải. Mà nó còn đê tiện hơn nữa, là nó ham giàu nên nó mới bội ước.
- Đó là tình thường của đàn ông con trai đời nay có lạ gì.
- Nó lại dụ dỗ em, nó nói dầu cho nó có vợ khác sang giàu, song nó vẫn thương em hoài, chẳng bao giờ nó bỏ em. Nó khuyên em kiếm việc mà làm, hễ nó có vợ giàu rồi thì nó sẽ lấy tiền bạc của vợ nó mà sang sớt cho em.
- Ý! Cái đó không nên làm. Người để ý muốn làm việc như vậy là tiểu nhơn lắm.
- Chị thấy hay chưa?... Theo lời nó nói với em hồi nãy, thì em hiểu ý nó muốn em trai gái với nó, rồi nó kiếm tiền mà cho em.
- Khốn nạn thiệt!
- Té ra thiên hạ họ giả dối nhơ nhớp hết thảy. Thằng già Dương kia, hễ mở miệng thì tuôn ra những lời nhơn nghĩa mà nó giả dối hết sức, rồi thằng nhỏ Hoàng nầy, là người em yêu, em trọng, em quyết kết bạn trăm năm, giàu nghèo có nhau, sống thác có nhau, nó cũng giả dối như vậy nữa, thế thì còn biết ai mà tin!... Tình!... Nghĩa!... Ấy là cuộc mơ mộng... Ấy là tiếng để dùng mà lừa gạt thiên hạ, chớ không có nghĩa gì...
Cô Cúc tức tủi quá nên khóc dầm, không nói được nữa.
Cô Kim để cho bạn khóc một hồi cho hả hơi ức uất rồi cô chẫm rãi nói:
- Trong đời tuy có nhiều kẻ đê tiện, song cũng còn có người cao thượng, em chẳng nên thất chí, thất tình.
- Ối! Ai cũng vậy hết thảy, em chẳng còn tin ai nữa hết. Đời giả dối quá, chẳng nên sống mà làm gì. Em sẽ chết, chết đặng hết đau đớn tức tủi.
- Chị khuyên em đừng có giận cùn mà làm bậy.
- Ái tình là ý nghĩa của sự sống. Ngày nay khối tình của em đã tan rã, thế thì em còn sống làm chi nữa, mà chị khuyên em phải sống.
- Sự sống còn nhiều mục đích khác cao thượng lắm, chớ nào phải sống đặng say sưa với ái tình mà thôi đâu.
- Em không có mục đích nào khác nữa.
- Em còn trẻ, em chưa lịch duyệt thế cuộc, nên em mới nói như vậy. Trong một ít nữa rồi em sẽ thấy sự sống có nhiều mục đích tốt đẹp nồng nàn hơn ái tình thập bội.
- Không chắc.
- Người có cái óc đê tiện như thầy Hoàng vậy, hễ mở miệng ra thì mình đã thấy cái tâm hồn của họ liền. Chị không hiểu tại sao mà em kết ái tình với người đó được, nên bây giờ em phải buồn rầu.
- Mới gặp em lần đầu nó nói chuyện nghe thâm thúy cao thượng lắm; rồi trong mấy tháng nay, mỗi tuần nó đều có đón em một lần mà nói chuyện, lần nào nó cũng thề thốt sẽ cưới em, nó trông em học cho rồi đặng nó cậy mai đến cầu hôn. Em tưởng nó là người tử tế, em có dè đâu.
- Phận em là gái, em phải dè dặt chớ.
- Dè dặt nỗi gì! Chị nghĩ thử coi, như thằng cha già Dương đó làm sao mình biết trước tánh tình nó được mà đề phòng.
- Lời em nói nghe cũng có lý. Quân tiểu nhơn nếu ló đuôi cho người ta thấy, thì người ta tránh hết, rồi nó gạt ai được; bởi vậy chúng nó phải trao chuốt bề ngoài, chúng nó làm mặt người cao sang, làm cho có vẻ người quân tử, chúng nó mới gạt gẫm thiên hạ được. Thôi, em được biết trước cái óc đê tiện của thầy Hoàng mà tránh, ấy là may cho em lắm, em phải mừng, chớ không nên buồn. Nếu thẩy không ló mòi xấu cho em biết, thẩy cưới em, thì em phải mang người chồng khốn nạn ấy trọn đời, càng khổ cho em lắm. Em đừng có buồn, em phải quên người ấy đi.
Cô Cúc khóc nữa và nói:
- Chị chưa nhiễm cái bịnh ái tình, nên chị mới khuyên em như vậy. Đừng buồn sao được, quên làm sao được!
Trót mấy tháng nay, chẳng có giờ nào mà hình dạng người ấy không có trong trí em, chẳng có đêm nào mà em không mơ mộng những hạnh phúc vợ chồng. Em ngó cảnh đời chỗ nào cũng vui vẻ xinh đẹp.
Thình lình giấc mộng vỡ tan, làm cho em thấy vật gì cũng dơ dáy xấu xa hết thảy, thế thì làm sao mà em không buồn cho được... Em buồn lắm chị ôi! Em phải chết. Nếu em không chết thì em phải điên. Chị chưa có tình với ai thì làm sao mà chị biết cái vui sướng của ái tình, thì làm sao mà hiểu cái đau đớn của sự thất tình.
Trước kia vui sướng lắm chị ôi! Tại vui sướng nên bây giờ mới đau đớn nhiều như vậy, chị hiểu chưa?
Cô Kim thấy bạn đau khổ quá thì cô động lòng nên cô ứa nước mắt. Cô chẳng biết lấy lời chi khuyên giải cho công hiệu, cô cứ nắm tay cô Cúc ngồi lặng thinh mà ngó xe qua lại.
Cô Cúc cũng ngồi trơ trơ không nói nữa.
Cách một hồi lâu, cô vụt đứng dậy lau nước mắt và nói cứng cỏi:
- Thôi, đi về chị. Ngồi hoài ở đây hay sao.
Hai cô kêu hai chiếc xe kéo mà đi về.
Cô Kim đưa cô Cúc về tới nhà, đợi bà phán mở cửa cho cô Cúc vô rồi cô mới chịu trở ra xe mà về Cầu Kho.