watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mẹ Ghẻ, Con Ghẻ-Chương 9 - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

Chương 9

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Một buổi sớm mai, ăn cơm rồi, Hương Tồn đạo xe máy đi vô dồng chơi. Vợ Ba Thới đương đứng trước cửa, thấy Tồn tới ngã ba, muốn quẹo vô Suối Cạn, thì kêu mà hỏi:
- Anh đi đâu mà bữa nào cũng vô dồng hoài vậy? Mời anh ghé chơi một chút. Có cha con Hường ở đây nè.
Tồn xuống xe dắt đi vô quán. Vợ chồng Ba Thới niềm nỡ mời ngồi, chế bình trà mới mà đãi khách.
Vợ Ba Thới hỏi thăm Mỹ với Quí, nói sao lâu rồi không thấy con Tốt dắt hai đứa nhỏ vô chơi với con Hường.
Tồn nói đường xe qua lại thường quá, không dám cho con Tốt dắt sắp nhỏ đi chơi xa, dặn nó để chơi lẩn quẩn trong sân cho khỏi lo rủi ro.
Nói chuyện nắng mưa, ấm lạnh, một hồi rồi vợ Ba Thới vừa cười vừa hỏi Tồn:
- Người ta nói anh sắp cưới cô Ba Mùi trong Trường Định, phải thiệt vậy không anh hai?
Tồn chưng hửng hỏi lại:
- Ai bày chuyện nói kỳ cục như vậy?
- Ngoài chợ người ta đồn rùm, ai cũng nói như vậy hết thảy.
- Chắc hôm nọ thấy cô Ba Mùi ra ghé thăm tôi, rồi ở đánh bài chơi một ngày, nên họ đặt chuyện chớ gì.
- Mà có lẽ anh đã có tính, nên họ mới đặt chuyện được chớ.
- Tôi có nói với ai tôi sẽ cưới cô Ba Mùi đâu?
- Anh không nói, mà hai người có ý muốn phối hiệp, người ta ghé mắt tự nhiên người ta hiểu.
- Oái! Họ muốn nói giống gì tự ý họ. Mà dẫu tôi có cưới cô Ba Mùi lại hại gì hay sao mà nói.
- Hai đàng góa hết, ráp với nhau là phải, chớ có hại gì. Lại cô ở với chồng trước không có con, cái đó lại càng tiện cho anh nữa. Ngặt một điều, người ta nói cô là tay bài tứ sắc nhà nghề, cô giỏi có cái nghề đó, chớ ruộng rẫy, vá may, nấu nướng, cô không biết tới.
- Ở đất này giỏi nghề đó cũng đủ nuôi sống.
- Tôi sợ phá sản chớ.
- Hứ! Mấy tháng nay tôi có đánh bài với cô nhiều sòng; bài của cô cao thiệt, nên ít khi thua. Mà đánh bài cao như vậy, dầu có thua cũng mát ruột.
Ba Thới nói:
- Mấy tháng nay tôi thấy anh đi chơi thường quá, nhứt là đi vô trong dồng. Ăn hay thua mà anh đi hàng ngày vậy?
Tồn cười, vừa đứng dậy vừa nói:
- Ở nhà buồn quá nên thả đi chơi. Đánh tứ sắc một hai cắc, khi ăn, khi thua có sao đâu mà sợ.
Tồn từ biệt vợ chồng Ba Thới rồi cưỡi xe đi vô dồng.
Tuy nói lơ là vậy, song lời thiên hạ đồn đó không phải là vô cớ, bởi vì cách vài tháng sau, thiệt quả Hương Tồn cưới cô Ba Mùi, rước cô về ở chung một nhà.
Đám cưới thân mật, chớ không làm rình rang, không nhóm họ, không mâm trầu, không lễ vật chi hết. Tồn đưa cho Ba Mùi ít trăm đồng bạc đặng may quần áo mới, nấu vài mâm cơm cúng chồng trước.
Đến bữa cúng, ngoài Mỹ Huê, Hương Tồn mời vài ông bạn cỡi xe máy đi với ông ta vô Trường Định ăn uống một bữa, rồi kêu xe ngựa rước Ba Mùi về Mỹ Huê. Buổi chiều, Tồn làm vịt gà cúng vợ trước cho Ba Mùi lạy ra mắt, rồi mời ít người trong xóm lại ăn nhậu đặng chứng kiến.
Hương Tồn cưới vợ âm thầm, nhưng cũng đủ cho thiên hạ từ làng trong ra làng ngoài hay biết Tồn với Mùi phối hợp đủ lễ, đủ phép, có đám cưới hẳn hoi, bởi vậy không ai khen chê hay dị nghị chi hết.
Duy có vợ chồng Ba Thới nghe tin ấy thì than với nhau rằng Tồn nhờ Thị Tánh siêng năng kiệm ước, nên gây ra được một sự nghiệp tuy không to tác, song cũng đủ cho gia đình sống theo hạng trưởng giả mãn đời. Nay cưới Thị Mùi mới thanh sanh là một tay bài cao, rồi sợ đây vợ chồng sẽ say mê bài bạc mà sạt nghiệp, hư nhà, uổng công phu của Thị Tánh tiện tặn trót 16 năm, tính làm ra của mà để lại cho con, sợ e con không được hưởng nhờ, vì sẽ bị tay người khác phá tiêu hết.
Vợ chồng Ba Thới đóng không lầm. Tồn rước Thị Mùi về nhà, trong mấy ngày đầu thì vợ chồng đầm ấm, xẩn bẩn ở nhà. Mùi vui chơi làm quen với hai đứa con của chồng, còn Tồn thì coi cho chú Tiền làm cỏ trong vườn, chỉ chỗ cuốc vồng trồng khoai, gieo đậu.
Nhưng thú vui gia đình êm ấm thơi thới, không phải là sở thích của cặp vợ chồng, cả hai đều ưa cái vui khác, muốn cái vui phải pha lộn mừng với lo, may với rủi, ăn với thua, đặng gây cảm xúc từng hồi, muốn đỏ đen cho có đủ thú vị. Tồn hiểu ý vợ nên ra chợ rủ tay bài về nhà cho vợ đánh, mình ngồi coi chơi. Mà ngồi coi ít bữa rồi cũng nhàm, Tồn mới để vợ đánh trong nhà, anh ta vô dồng kiếm gây sòng khác.
Ba Mùi chơi được năm sáu sòng rồi có người mắc bận việc nhà nên không vô chơi được, làm cho thiếu tay, chị ta mới mò ra chợ kiếm mà chơi, thành thử bữa nào cũng vậy chồng đi một nơi, vợ đi một ngã, tối mò mới mò về, có khi ở chơi luôn ban đêm cho tới sáng.
Qua mùa khô, mấy chuồng gà mở lại, thì ông Hương Tồn mê miết luông tuồng, bỏ nhà cửa, quên con thơ, nhà thì bỏ phú cho chú Tiền với thím Bài làm sao thì làm, còn con thì giao cho con Tốt cho ăn, dỗ ngủ, không thèm ngó ngàng tới.
Chồng cứ ta bà, Ba Mùi có vui gì mà ở nhà, bởi vậy mạnh ai nấy đi, không ai trách ai hết.
Tuy vậy mà ăn ở nhau được vài ba năm thì Ba Mùi cũng sanh cho Tồn một đứa con trai đặt tên Sen, nhưng than ít sữa, nên kiếm mướn vú nuôi, mà kỳ thiệt là sợ cho con bú rồi mặc con đeo theo, ngồi sòng không được.
Chừng thằng Quí là con của vợ trước được chín mười tuổi, mà tối ngày nó cứ lo đi bắt dế, hoặc thả rểu ở ngoài bờ. Có người hỏi ông Hương Tồn sao con quá tuổi rồi sao chưa chịu đem nó ra trường cho nó học. Tồn nhớ lại rồi mới dắt Quí ra trường Càng Long, nói với ông đốc học Vĩnh ghi tên vào sổ cho nó học.
Con đi học, Tồn cũng không thèm để ý tới, phú cho thầy giáo làm sao được thầy làm, miễn là mỗi buổi thấy con ôm sách ra đi, hoặc trưa chiều tan học trở về, thì Tồn an bụng hài lòng, tưởng là đạo làm cha đã vuông tròn, mà con có thỏ thẻ xin tiền ăn bánh, ăn hàng, hay mua vở mua viết, thì cho ít cắc bạc, lại than đời nay có con đi học, tốn hao lung quá.
Ba Mùi về ở nhà chồng trong mấy năm đầu, tuy không có tình dan díu với hai đứa con riêng của chồng, song hai đứa chỏ khờ khạo, thiệt thà, nên chị ta không có cớ chi mà oán ghét, chừng chị ta sanh được thằng Sen, thì sự ganh gỗ bắt đầu nhen nhúm trong trí. Thấy Tồn bồng Sen mà nựng nịu thì chị ta hớn hở vui cười, còn bữa nào Tồn rảnh nên vuốt ve Mỹ hay Quí, hoặc kêu hai đứa đó nói chuyện đặng giải buồn, thì chị ta chù ụ, trợn mắt chau mày, dường như muốn chồng dành tất cả tình thương yêu cho Sen, không được chia sớt cho Quí và Mỹ.
Ba Mùi thiếu học, không thông tâm lý, cũng không biết đạo làm mẹ ghẻ đối với con chồng. Khi bước vào nhà chồng đã có sẵn hai đứa con thơ ngây, chúng nó mồ côi mẹ nên khao khát tình thương yêu ôm ấp. Nếu mình thay thế làm mẹ chúng nó, dan díu mến yêu, chăm nom săn sóc, gây chút cảm tình rồi ép buộc chúng nó gọi là má cũng được, chẳng cần gọi là dì. Nếu sau có sanh thêm thằng Sen nữa, thì mình có được ba đứa con chớ có hại gì đâu. Đã không biết có con đường êm ấm như vậy mà đi, lại còn để ganh gỗ phát sanh trong đầu óc nó hấp dẫn lần lần, mà biến tình mẹ con ra phe cừu địch, gây buồn cho người lớn, gieo khổ cho trẻ con.
Mỹ với Quí mỗi ngày một thêm lớn khôn, tự nhiên chúng nhận thấy bà mẹ ghẻ đã không yêu, mà còn ghét chúng nó nữa, bởi vậy chúng nó tự dang xa ra, cho khỏi nghe những tiếng cay đắng hay nặng nề, hoặc khỏi thấy hầm hừ hay chù ụ.
Ba Mùi không thèm nói tới thằng Quí, mà hễ nói tới thì la rầy, còn con Mỹ đã lớn rồi, thì ép buộc nó phải vô bếp phụ với thím Bài rửa chén quét nhà, nói rằng tập cho nó biết nữ công mà kỳ thiệt là đày đọa cho thân nó cực khổ.
Trót hơn 10 năm trường, hai chị em Mỹ và Quí sống trong một cảnh đời lạnh lẽo, sợ sệt, buồn cực, tiêu hiu, có cha mà cha cứ mê sa bài bạc, ít có dịp gần con, có mẹ ghẻ chính là người thù nghịch. Các tình thương yêu dồn dập trong lòng chỉ hướng về hai chị em mà thôi, chớ không phát triển ra chỗ nào khác được. Mà chị em thương nhau thì lấy ý tứ mà tỏ với nhau, hay là dùng cặp mắt mà truyền tin vậy thôi, chớ không dám hở môi, hở miệng.
Không được biểu lộ những yêu, không được thưởng thức thú vui vầy, hai trẻ phải dấu kỹ nỗi lòng ưu phiền, rồi để trí chăm chú về phận sự cho khuây lãng.
Mỹ thì tập nấu ăn, vá áo cho rành rẽ, rồi được 15 hay 16 tuổi thì trong nhà khỏi mướn thím Bài ở nữa, Ba Mùi giao hết mọi việc cho Mỹ lãnh lo.
Còn Quí nhờ học tập chuyên cần, nên trở thành học trò nhứt trong làng Càng Long, được ông đốc học thương yêu, đi thi bằng sơ học được đậu cao, mà đi thi vào trường lớn cũng đậu luôn nữa.
Rất tiếc thay trong lúc hai trẻ sống với đau lòng buồn trí như vậy, ông Tồn làm làng đã lên tới Bồi bái Tồn, mà ông không tìm hiểu nỗi lòng của hai con. Còn Ba Mùi hễ thấy thằng Sen càng thêm lớn, thị chị ta càng thấy ghét Quí với Mỹ, không đổi ý chút nào hết.
Mà muốn nói cho đúng, thì chị phải nói Bồi bái Tồn không có thì giờ mà tìm hiểu nỗi khổ của hai con, còn Ba Mùi không dè đối đãi với trẻ như vậy sẽ bị người ta chê cười, nói mẹ ghẻ khắc bạc.
Tồn mắc đá gà, đánh bạc, có rảnh đâu mà dòm ngó việc trong nhà.
Còn Mùi mắc tứ sắc, câu tôm, nào có ai chê cười mà sợ.
Bài bạc có hai vợ chồng, không làm việc gì sanh lợi, mỗi năm thua, thiếu một mớ, qua mùa gặt, góp lại ruộng phải đong cho người ta một phần lớn mà trừ nợ. Thâm thủng mỗi năm một ít, nhưng nhiều năm hóa ra nhiều, rồi số nhiều ấy còn đẻ thêm tiền lời, thành thử đến khi Quí thi đậu vào trừơng trung học, người ta nói cha có nhiều đất ruộng, con phải đóng tiền cơm tiền học chớ không cho hưởng học bổng, thi Bồi bái Tồn đang lặn hụp trong nợ nần, liệu không thể đóng tiền nổi cho Quí học thêm 4 năm nữa, bởi vậy Quí phải dằn lòng ở bồi cho quan Kinh Lý La-Co mà nuôi thân.
Mẹ Ghẻ, Con Ghẻ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24 (Chương kết )