PHẦN III - Chương 14
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Nhà văn gặp hồi cảm hứng nên nói: "Ngày vui ngắn chẳng đầy gang". Tại vui nên nói bướng cho xuôi câu vậy thôi, chớ ngày trời nếu có vắn hay dài thì vắn dài chút đỉnh, đâu có văn quá như vậy.
Trong xứ mình có câu tục ngữ: Tháng 5 chưa nằm thì sáng, tháng 10 chưa cười thì tối. Nói như vậy thì trúng, chớ không phải nói bướng. Trái đất vừa lăn tròn, vừa xây xung quanh ngặt trời, rồi có tháng nằm ngay, có tháng nằm xéo. Tháng 5 xứ mình nằm ngay, được mặt trời giọi lâu, nên ngày dài hơn đêm. Mà sự dài hay là vắn đó bất quá khác nhau lối một giờ đồng hồ, chớ không lâu hơn, nhứt là không thế thâu ngắn còn không đầy một gang được.
Tuy vậy mà thiệt khi mình được thạnh thời đắc thế, sao mình thấy ngày tháng đi qua mau lẹ vô cùng, mới đầu tháng đó rồi tới cuối tháng, mới ăn Tết đó rồi lại thấy gần tới Tết nữa.
Mẹ con Vĩnh Xuân sum hiệp an vui cùng nhau trong một căn phố nhỏ mà không chật, không tốt mà cũng sạch hơn cái chòi lá ở dưới chợ Giồng Ông Huê. Mẹ vui mà gói bánh bán lấy lời để cung cấp cho gia đình. Con vui mà làm việc mỗi tháng lãnh lương phụ thêm cho mẹ. Mẹ con an thân khoẻ trí mà sống với chuỗi ngày thảnh thơi, sung sướng, vô tư, vô lự, bất hoặc, bất cụ (không nghi, không sợ), ngày làm tối ngủ, không trông mau tối mà cũng không muốn mau sáng làm chi, thì ngày tháng lại trôi qua, mà qua rồi kế lại nữa, lẹ làng hết sức, mới đó mà đã được 5 năm rồi.
Bà Hương văn rèn tập cho thím Tư Cam gói bánh ú, bánh tét khéo và ngon cũng như bà. Đã lâu rồi bà chỉ ra tiền cho thím mua nếp, mua đậu mua củi, mua lá chuối với dây lác rồi thím làm một mình, bà coi chừng vậy thôi, khi nào vui hay gấp bà mới ra tay mà tiếp với thím. Thấy bán bánh lời mỗi tháng trên 50 đồng luôn luôn, bà tăng tiền công lần lần cho thím lên tới 10 đồng, thím khoái chí vui lòng nên cần mẫn công việc, lo lắng như việc của thím mà hứa sẽ ở giúp bà đền mãn đời cho tròn ân nghĩa.
Bà Hương văn đã có trở về chợ Giồng hai lần, lần đầu Vĩnh Xuân cậy về thăm Hai Tỷ với vợ chồng Ông Giáo Huân, luôn dịp thăm mồ mả của ông Hương văn với Cúc Hương và trả 30 đồng bạc lại cho bà Giáo.
Bà có tiền dư rồi, bà cậy bà Kinh dắt bà vô nhà ông chủ phố mà nài phứt tủ, giường, ván, ghế của ông cho mượn năm trước. Ông chủ phố nói đồ chút đỉnh, không đáng giá bao nhiều, nên ông xin biếu luôn cho thầy thông dùng, ông không lấy tiền, mà cũng không đòi lại. Bà không biết nói thế nào mà trả tiền cho được, nên phải thay mặt cho con tỏ lời cám ơn rồi đi về với bà Kinh.
Bà nghĩ con bây giờ đã có chức phận với người ta, mấy ông, mấy thầy hay tới nhà thăm, vậy sửa dọn trong nhà đặng cho khách tới rước tử tế.
Không thèm nói cho Vĩnh Xuân hay, bà đặt đóng một cái tủ thờ bằng cây gõ để thay cho cái bàn thờ cây dầu cũ kỷ khó coi. Bà mua lư với chưn dèn thau mà chưng coi cho đẹp.
Bà mua một cái đèn treo đặng ban đêm đốt cho sáng. Mỗi tháng bà mua thêm lột món, thành thử trong mấy năm thì trong nhà có đồng hồ treo gõ giờ nghe bon bon, có tủ kiếng cho Vĩnh Xuân đựng sách, có bàn gõ với 6 cái ghế để cho khách ngồi, có thêm một bộ ván gõ lớn lót trong buồng để nằm chơi cho mát.
Còn Vĩnh Xuân làm việc mãn năm đầu thì được thăng chức, lương lên mỗi tháng 30 đồng. Cách hai nãm sau được thăng chức lần thứ nhì, lương thêm 5 đồng nữa là 35 đồng, trừ tiền hưu trí hết 1$75, còn lãnh lỗi tháng được 33$25, dầu mẹ bỏ nghề bán bánh đi nữa cũng có đủ tiền cho mẹ con sống thong thả.
Đã vậy mà năm sau thầy Sử, đứng thông ngôn cho quan Chánh Tham Biện, bị đổi về Sàigòn. Quan Tham Biện chọn Vĩnh xuân làm thông ngôn thế cho thầy Sử.
Từ đó Vĩnh Xuân ít có tiếp xúc với hạng bình dân nữa, người hầu mỗi ngày là làng, tổng với điền chủ, còn làm việc thì phần nhiều làm công việc hành chánh của tổng với của làng.
Một đêm Vĩnh Xuân hòa đờn với ông Kinh Lương một hồi rồi hai người uống trà nói chuyện chơi. Ông Kinh Lương nói:
-Thầy đứng thông ngôn cho quan lớn Chánh xưa nay làng tổng họ chịu.quá. Họ nói thầy vui vẻ, không có dọa nạt làng, chuyện gì thầy cũng cắt nghĩa rành rẽ nên dễ làm việc lắm.
-Lên đó tôi buồn quá. Ở dưới ông Phó tôi chịu hơn.
-Sao vậy ? Được đứng thông ngôn cho quan lớn Chánh danh vọng lớn quá, ai cũng muốn, sao thầy lại buồn ?.
-Ở dưới Ông Phó, tôi được tiếp xúc với hạng tay lấm chưn bùn, tôi có thể dạy dỗ họ, nên có ích hơn nhiều.
-Thì lên trên thầy dạy dỗ làng, tổng.
-Tôi nhận thấy hạng đó khó giáo hoá lắm. Làng thì cứ nghe lời tổng, tổng biểu sao họ làm vậy, không dám cãi. Mà tổng thì cứ dạ dạ vâng vâng, muốn cho làng và dân cứ ngu dại hoài đặng dễ sai khiến. Tình thế như máy làm sao mà giáo hoá được.
-Ai làm sao mặc họ, thầy đã giữ được thanh cao chánh trực, ai cũng quí trọng thầy chớ có ai nói xấu thầy đâu.
-Tôi nghe có người chê tôi dại chớ.
-Ôi ! Thứ chim yến chìm tước xẩn bẩn theo hàng rào, giống đó làm sao mà biết nổi tâm chí của chim hồng, chim hộc bay liệng trên mây xanh. Thầy quên câu: "Thiên nhơn chi nặc nặc bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc" hay sao ? Một cái gật đầu của một người quân tử quí hơn lòng dạ của một ngàn đứa tiểu nhơn, thầy cứ thủ phận chánh trực thanh cao của thầy mà vui thú phong lưu, đừng thèm ngó việc đời làm chi mà bực tức.
Năm nay Vĩnh Xuân đã đờn được đủ bản, nhịp chắc, ngón tươi. Còn thi thì thầy làm đã tao mà lại lẹ, bởi vậy ban đêm như không hòa đờn thì cũng họa thi với ông Kinh hoặc xem truyện rồi nghị luận nhơn vật xưa mà uống trà.
Lúc ấy có cụ Huấn Trai, người Gò Công có danh xuy tiêu réo rắc hơn hết trong đất Việt Nam, cụ mới sang làm chủ một khách sạn tại Mỹ Tho để ở dưỡng nhàn. Cụ nghe ông Kinh Lương với thầy Xuân thi hay đờn giỏi, cụ đến làm quen. Ba người hòa đờn họa thi với nhau nuột bữa, tặng nhau là đồng chí tri âm, rồi lâu lâu mời nhau hội ẩm luận đàm kim cổ.
Cụ Năm Diệm, ở Chợ Giữa, cụ hay về cây tỳ bà, có khi cụ cũng được ông Kinh mời xuống hòa chơi. Mà có cụ Mộng Liêm, một danh nho ở Sa Đéc, cụ cũng lui tới đặng đàm tâm, ngôn chí.
Năm đó, đêm Trung Thu, lại nhằm tối thứ bảy. Cụ Huấn Trai tính qui tụ mấy cây đờn hay trong đất Gia Định đặng xuống thuyền dạ du trong sông Cửu Long một đêm để hòa đờn và ngâm thi chơi. Cụ viết thơ mời: cụ Ký Hiệp Bà Chiểu hay về cây độc huyền, ông Từ Thức ở Rạch Lá hay về cấy đờn tranh, ông Tư Khôi ở Chợ Giồng hay về cây đờn cò, cụ Năm Diệm ở Chợ Giữa hay về cây tỳ bà, cụ Ký Quờn ở Long Hồ hay về cây đờn kìm. Mấy nhạc sư đều trả lời chịu hết.
Cu Huấn Trai mới mời ông Kinh Lương với thầy thông Xuân, chiều rằm ra khách sạn đặng dự tiệc với khách xa, rồi xuống thuyền đi du hồ sáng đêm mà thưởng nguyệt.
Tối bữa đó bà Hương văn coi thím Tư Cam hấp bánh rồi bà biết ông Kinh đã đi ăn tiệc với Xuân, bà mới lại nhà bà Kinh nằm nói chuyện chơi. Hai bà tánh ý giống nhau nên 5 năm nay ở gần nhau thì hòa thuận với nhau luôn luôn.
Nói chuyện dông dài một hồi rồi bà Kinh sực nhớ chuyện bà gặp gỡ tình cờ hồi sớm mơi, bà liền ngồi dậy mà nói:
-Hồi sớm mơi tôi đi chợ tôi gặp bà Chủ Thiệu. Bà nói để bữa nào bà rãnh qua nhà tôi rồi cậy tôi dắt lại thăm chị.
-Bà Chủ Thiệu là ai ở đâu, tôi không biết.
-Bà ở bên Chợ Cũ, góa chồng mà giàu lắm.
-Thuở nay tôi không quen.
-Nếu chị không quen mà bả muốn đến thăm thì chắc là hoặc bả muốn làm sui, hoặc bả có việc rắc rối sao đó, bả muốn cậy chị nói với thầy thông giúp bả.
-Hai chuyện đó mà nói với tôi thì chắc ăn trét hết. Nói chuyện làm sui sao được. Mấy năm nay bà thấy cháo chan. Xuân có tỏ ý muốn cưới vợ đâu. Nó đã khôn lớn rồi chớ đâu phải còn nhỏ hay sao mà tôi ép được. Còn nếu muốn cậy nó giúp việc gì thì nói ngay với nó. Thiệt tình tôi không dám xen vô việc của nó.
-Vì thầy thông có tiếng thanh liêm, bà Chủ sợ nói không được nên mới cậy chị. Mà việc đó chị không chịu giúp là phải, bởi vì người ta cậy giúp chắc là việc không được ngay ngắn, mình giúp mình mang tiếng. Còn việc làm sui, cái đó tôi nghĩ mà thôi, chớ không chắc. Bà Chủ Thiệu có bốn năm người con, nghe nói đã có vợ, có chồng rồi, không biết bả còn con gái nhỏ hay không. Hồi sớm mơi gặp giữa chợ, lại tình cờ quá, nên tôi bất ý tôi không có hỏi.
-Bả muốn thăm tôi thì để cho bả thăm có hại chi đâu. Bả có cậy việc chi, nếu mình liệu phải thì mình sẽ giúp, còn không phải thì thôi.
-Ừ, để bả qua thăm coi bả muốn việc gì. Mà nhắc tới việc trăm năm của thầy thông, tôi nghĩ cô nọ chết đã lâu rồi, có lẽ sự thương nhớ đã nguôi ngoai rồi chớ. Sao chị không ướm thử lòng thầy coi. Chị đã già rồi thầy phải cưới vợ đặng chị có cháu nội nựng nịu chơi cho vui. Người chết rồi thì thôi. Sống lại sao được mà chờ.
-Mấy năm nay tôi có nói với nó mấy lần. Tôi nói có thương con Cúc Hương thì để bụng, bề nào cũng phải lo lập gia thất với người ta. Mỗi lần tôi nói thì nó ngồi lặng thinh rồi buồn hiu, vì vậy nên tôi ít muốn nói tới việc đó.
-Để có dịp tôi sẽ gợi ra tôi nói. Mà tôi nói thì chị phải tiếp với tôi nghe hôn.
-Đâu, bà có giỏi thì bữa nào bà nói thử coi. Bà nói rồi tôi tiếp với. Tôi cũng muốn nó có đôi bạn đặng tôi biết con dâu một chút.
Rồi đó hai bà bàn với nhau về sự cưới dâu giàu hay nghèo, lớn tuổi hay nhỏ tuổi, lanh lợi hay thiệt thà, nói chuyện đến l l giờ khuya mới phân tay đi ngủ.
Vĩnh Xuân với ông Kinh thưởng nguyệt Trung Thu đến gần sáng mớí về. Hai người rất vui lòng mà được hòa đờn với nhạc sĩ trứ đanh, được xướng họa với văn nhơn thi bá, uống trà nói chuyện coi bô thức cả đêm mà không biết mệt.
Sớm mơi thứ hai, bà Kinh đi chợ mới về, bà chưa kịp thay áo thì thấy bà Chủ Thiệu ngồi chiếc xe ngựa hai bánh bọc cao su ngừng ngay cửa, rồi bà leo uống đi vô nhà.
Bà Kinh mừng rở, ra cửa tiếp rước mời ngồi, kêu chị bếp đem trầu nước đãi khách. Anh xa phu xách vô một giỏ xoài. Bà Chủ Thiệu nói:
-Ở vườn đi thăm chị đem, không có vật gì mà cho. May hồi chiều hôm qua thấy có cây xoài voi trái vừa mới chín, tôi biểu bầy trẻ lựa hái vài chục đặng đem cho ông bà nuột chục và cho bà già thầy không một chục đặng làm quen. Cây xoài nầy ngon lắm, để bà ăn thử mà coi.
-Vườn của bà xoài nhiều lắm mà.
-Dừa với cau thì nhiều, còn xoài có năm sáu cây mà thôi. Bà cho tôi mượn vài cái dĩa bàn đặng tôi sắp ra cho bà một chục.
Bà Kinh kêu chị bếp biểu đem ra hai dĩa bàn. Bà chủ sắp mỗi dĩa 6 trái xoài voi, trái nào cũng nương nưởng no tròn và chín đỏ.
Bà Kinh ngó hai dĩa xoài mà nói:
-Xoài đầu mùa mà tốt trái quá.
-Nhờ đất tốt. Lại hồi trước ông Chủ tôi ổng lựa giống xoài ngon ổng ương mà trồng nên mới tốt trái như vậy đó.
-Bữa hổm bà nói bà muốn đi thăm bà già thầy thông Xuân. Tôi về tôi có nói chuyện lại với bả.
-Không biết bữa nay có bả ở nhà hay không.
-Có lẽ có mà. Để tôi biểu con bếp lại hỏi coi.
Bà Kinh kêu chị bếp biểu lại coi có bà Hương văn ở nhà hay không. Chị đi coi rồi về nói bà Hương văn đương nằm.
Bà Kinh nói: "Chị đó sớm mơi hay đi chợ lắm. Như bà Chủ muốn thăm đặng làm quen thì đi liền, sợ dần dà chỉ đi khỏi. Chỉ cũng vui vẻ lắm. Bà gặp chắc bà ưa liền".
Bà Chủ Thiệu xách giỏ xoài đi theo bà Kinh mà lại nhà bà Hương văn.
Hồi nãy bà Hương văn thấy xe ngừng ngay nhà bà Kinh rồi một bà ăn mặc sang trọng đi vô thì bà phát nghi. Chừng chị bếp lại hỏi coi có bà ở nhà hay không đặng khách lại mà thăm thì bà biết chắc bà Chủ bên Chô Cũ muốn đến làm quen, bởi vậy bà quét bàn, quét ván, sửa soạn tiếp khách.
Bà Kinh bước vô tiến dẫn: "Có bà Chủ bên Chợ Cũ qua thăm tôi. Nghe chị ở gần đây nên cậy tối dắt lại thăm chị đặng chị em biết nhau, vì chị lên ở đây mấy năm rồi mà không có dịp gặp nhau".
Bà Hương văn cười và nói: "Tôi. kinh chào bà Chủ, chị em tưởng tình đến thăm nhau, thiệt tôi cảm ơn hết sức. Mời bà Chủ với bà Kinh ngồi bên ván đây, ngồi ăn trầu. Tôi ít đi đâu, nên về ở đây đã 5 năm rồi mà chưa quen với mấy bà".
Thím Tư Cam bưng chén với bình trà ra. Bà Chủ nói nhỏ biểu cho mượn vài cái dĩa rồi sắp chục xoài voi mà biếu bà Hương văn, nói xoài nhà mới chín được mấy cây, nên đem cho bà Kinh với bà Hương văn mỗi nhà một chục ăn lấy thảo.
Bà Hương văn cám ơn, khen xoài tốt trái, mời khách uống nước rồi hỏi:
-Bà chủ ở bên Chợ Cũ mà ở lối nào ?
-Nhà tôi ở dựa đường đi Bến Tranh, từ ngã tư lại đó chừng vài trăm thước, bên phía tay trái.
-Chắc có vườn lớn, vì phía đó là phía vườn.
-Thưa phải. Vườn tôi phía sau giáp với mé sông.
-Vậy thì vườn lớn lắm. Bà Chủ có con cháu đông hay ít ?
-Tôi được hai trai hai gái. Con gái lớn tôi gả nó lấy chồng làm thầy giáo trên Sài gòn. Thằng con trai kế đó tôi cưới vợ cho nó rồi bắt nó ở với tôi mấy năm nay. Thằng con trai nhỏ tôi cũng lo vợ cho nó hồi nãm ngoái rồi cất nhà cho nó ra riêng ở bên Bến Tranh đặng nó coi miếng vườn và sở ruộng của tôi ở bển. Còn con gái út tôi cho nó lên ở với chị nó trên Saigon đi học ba năm rồi tôi mới đem về đặng tập cho nó biết công việc trong nhà. Con gái học chữ cho biết vậy thôi, không cần phải học nhiều.
Bà Kinh hỏi:
-Cô út năm nay được bao nhiêu tuổi ?
-Nó mới 19 tuổi.
-Tuổi đó đã gả lấy chồng được rồi.
-Nó còn khờ quá bà à. Phải tập cho nó biết nấu nướng vá may rồi mới dám gả nó chớ.
-Đời nay nhà có tiền thì mướn bếp nấu ăn, áo quần thì có thợ may, cần gì mà phải biết nấu, biết may.
-Dầu không giỏi, mình cũng phải biết đặng bày biểu cho người ta làm chớ.
Bà Chủ Thiệu lại day qua hỏi bà Hương văn:
-Không biết bà chị đây được mấy người em ?
-Tôi có một đứa chen ngoẻn đó.
-Té ra bà chị có một mình thầy thông ?
-Tôi sanh có một mình nó, chừng nó được 13 tuổi ổng mất rồi thôi.
-Bà chị có một người con mà người con đích đáng quá. Vậy cũng là có phước, cần gì phải có con đông. Mấy năm nay ở đây từ nhơn dân đến làng tổng ai cũng khen cũng kính hết sức, học giỏi, bặt thiệp, mà lại vui ẻ thanh liêm, quí không biết chừng nào.
-Nhờ hồi nhỏ nó học chữ nho rồi thầy nó tập tánh cho nó như vậy đó. Lên đây nó gần ông Kinh. Ông dạy thêm nó học đờn học làm thi, nó mê mết rồi không muốn gì nữa.
-Tôi xin mời bà chị với bà Kinh khi nào rảnh đi qua nhà tôi chơi cho biết nhà.
-Có bà Kinh đi thì tôi đi theo, chớ tôi có biết nhà đâu.
-Như chắc bữa nào đi được thì nói cho tôi biết rồi tôi biểu trẻ đem xe qua rước.
Bà Kinh nói:
-Chưa chắc bữa nào đi được, nên không dám hẹn. Thôi, xe rước làm chi. Hễ bữa vào đi thì chị em tôi kêu xe kéo mà đi cũng được.
Nói chuyện dông dài một hồi nữa rồi bà Chủ Thiệu từ mà về. Bà xách cái giỏ không đi trước. Bà Kinh với bà Hương văn đưa ra tới xe. Bà Chủ ân cần mời qua nhà nữa rồi mới lên xe mà đi.
Hai bà trở vô, bà Kinh mới nói với bà Hương văn:
-Không có cậy việc chi hết, thì chắc là muốn làm sui chớ gì.
-Không có đâu bà. Hồi nãy bà mở hơi nói con út đã gả được, thì bà Chủ nói nó còn khờ, rồi nói qua thằng Xuân, thì bả không động tới chuyện vợ con thằng nọ. Thế thì bả không để ý tới việc làm sui đâu.
-Ừ, để rồi chị coi mà. Tôi nói vậy mà có đa. Người khôn lanh họ có mưu kế đủ kiểu. Mới nói chuyện với chị lần đầu, bả chưa dám ló mòi cho chị hiểu ý sâu của bả, bả mời chị qua nhà chơi, bả bẹo con bả cho chị thấy rồi đợi coi ý chị thế nào bả mới nói chớ.
-Xuân tôi năm nay tới 27 tuổi. Còn con nhỏ của bả mới 19, nhỏ hơn Xuân tới 8 tuổi, có lẽ nào bả muốn gả. Chị không tin lời tôi, thôi mai mốt tôi với chị qua nhà thăm bà Chủ chủ một lần coi. Mình đi chơi một lát, coi con nhỏ ra làm sao. Đừng nói cho thầy thông biết chuyện gì hết. Người ta thăm mình thì mình thăm lại mà trừ cho khỏi thất lễ.
-Được Bữa nào rảnh bà đi được thì tôi đi với bà. Đi chơi cho biết vậy thôi, có hại gì.
Cách vài bữa sau, sớm mơi ông Kinh với Vĩnh Xuân đi làm việc rồi, bà Kinh lại rủ bà Hương văn đi qua Chợ Cũ chơi. Hai bà thay đồ rồi kêu hai chiếc xe kéo mà đi.
Bà Kinh biết nhà nên tới cửa ngỏ bà biểu xa phu quẹo vô sân.
Một ngôi nhà nguy nga hiện ra trước mắt bà Hương văn Thanh, nhà lớn, nhà cầu, nhà dưới, lẫm lúa, kho chứa dừa khô; chung quanh thì vườn tược sum sê, trong sân thì bông hoa đủ màu, đủ thứ.
Hai bà xuống xe và biểu xa phu chờ. Hai bà bước lên thềm. Có một cậu trai từ 25 tới 30 tuổi, bước ra chào và nói: "Cháu xin mời hai bà vô. Má cháu ở đằng sau. Xin hai bà ngồi tạm đây đặng cháu vô thưa cho má cháu hay".
Bà Hương văn đứng ngó quanh quất trong nhà thì thấy đồ đạc hực hở, ghế bàn tủ ván thứ gì cũng lộng lẫy. Thiệt là một nhà giàu có sang trọng, thuở nay bà chưa hề bước chân vào cái nhà nào tốt đẹp như vậy.
Hai bà đương đứng coi đồ đạc thì bà Chủ Thiệu, mặc áo cụt lụa trắng, ở dưới nhà cầu đi lên. Bà thấy hai bà khách quen thì bà mừng rỡ, hối người con trai lấy áo dài cho bà, mời khách vô bộ ván lớn phía trong mà ngồi, kêu người nhà đem trầu nước.
Bà chủ đứng và mặc áo dài cho đủ lễ. Bà Kinh bước lại coi cá lia thia tàu nuôi trong cái thùng kiếng nó lội vởn vơ. Bà Hương văn rờ rẫm bộ ván gõ lớn, dày cui, mà thành chung quanh lại cẩn ốc xa cừ coi thiệt đẹp.
Một cô thiếu nữ mặc quần lụa trắng, áo tím dài, tóc bới vén héo, chưn mang giày thêu, cô bưng một mâm đem ra, có ba cái tách với một bình trà; cô để trên ván rồi chấp tay xá hai bà khách. Cô trở vô trong bưng ra một ô đồng đựng trầu cau với bình vôi và hộp thuốc xỉa, cau tươi bửa sẵn, ruột trắng non thấy muốn ăn.
Hai bà khách ngồi ngó trân cô nọ, mặt mày sáng rỡ, tướng đi dịu dàng môi đỏ như thoa son, mặt trắng như giồi phấn.
Bà Kinh hỏi bà Chủ:
-Phải cháu út đây hay không ?.
-Nó đó.
-Bà nói 19 tuổi mà vóc cháu đã trộng đến.
-Nó giống ổng hồi trước. Ổng cao lớn người dữ.
-Còn cậu hồi nãy, phải con lớn của bà hôn ?.
-Phải. Vợ chồng nó ở với tôi.
Bà Chủ thấy có người đi qua đi lại ngoài vườn hoa, bà kêu con bà nói: "Cẩm Nhung à, con ra coi ai đằng trước kia con".
Bà Kinh ngó ra rồi nói: "Hai ngứời kéo xe của hai chị em tôi".
Bà Chủ nói: "Té ra hai bà đi xe kéo. Cẩm Nhung a. Con ra trả tiền xe rồi biểu họ về đi con, để hai bà ở đây chơi lâu lâu, chừng. về bầy trẻ đưa xe nhà cho hai bà về".
Bà Kinh cản không được. Cẩm Nhung cứ vâng lời mẹ mà trả tiền xe cho xe đi.
Bà Hương văn thấy nhà cửa kinh đinh, đẹp đẽ quá, bà ái ngại nên ít nói chuyện. Uống nước ăn trầu rồi bà Kinh tỏ ý muốn đi xem vườn chơi. Bà Chủ mời khách đi xuống nhà cầu rồi băng qua nhà bếp mà ra vườn. Cẩm Nhung với người anh trai đi theo sau.
Lúc đi ngang qua nhà bếp, bà Hương văn thấy nhà cửa minh mông, mà từ trên xuống dưới đều sạch sẽ thì bà kính phục vô cùng. Chừng ra vườn bà thấy dừa trồng ngay hàng, có cau chen lộn, mà cau hay dừa cũng đều có trái sai oằn, lại vườn lớn ngó mút con mắt. Còn chung quanh nhà thì trồng xoài, mít, mận, quít, cam có một cây xoài thanh ca trái chín đỏ, còn mấy cây mít thì trái lòng thòng từ trên xuống dưới.
Bà Chủ kêu người con trai mà nóí: "Cây xoài thanh ca chín rồi kia con. Con biểu bầy trẻ lựa mấy trái chín đều bẻ vài chục đặng cho hai bà đem về ăn thử. Mít coi bộ cũng có chín. Con lựa đốn vài trái nghe hôn con".
Bà dắt khách đi vòng ra trước sân mà xem bông, xem kiểng. Bà Hương văn mê mết, thầm nghĩ nhà giàu họ ăn ở sung sướng như thần tiên, mình nghèo phải chịu dơ dáy cực, khổ làm sao mà bì với họ cho được.
Chừng trở vô nhà, bà Chủ mời hai bà khách ở ăn cơm rồi xe sẽ đưa về. Bà Kinh từ chối, nói đi không có dặn trước ở nhà, sợ ông Kinh chờ về ăn cơm. Bà Chủ nói để bà sai người cỡi xe máy cho hai nhà hay. Hai bà khách đều cãn, nói để khi khác, vì đi không có sắp đặt trước ở nhà.
Bà Chủ mới nói: "Thôi, để bữa nào tôi qua tôi mời trước rồi tôi cho xe qua rước hai bà qua ăn cơm ở chơi với tôi một ngày nghe hôn. Tôi ở bên nầy buồn quá, muốn có chị em tới lui nói chuyện chơi cho vui".
Bà Kinh đòi về đặng lo cơm nước cho ổng.
Bà Chủ kêu con biểu người đánh xe bắt kế xe ngựa đem ra đặng đưa khách về, trên xe đã có để sẵn một giỏ xoài với hai trái mít lớn,
Khách từ giã lên xe. Bà Chủ với hai con đưa khách ra xe. Bà thấy xoài với mít thì nói hai bà về chia với nhau, đi vườn về phải có trái cây chút đỉnh coi mới được. Bà sực nhớ nhánh cau ăn hồi nãy bà Kinh khen ngon, bà hối Cẩm Nhung vô cắt ít chục trái mà gởi cho hai bà.
Có xoài, mít và cau đủ hết rồi xe mưới chạy.
Xe ngừng ngay cửa thì hai bà thấy ông Kinh với Vĩnh Xuân đã về trước rồi, đương đứng trong nhà mà ngó. Hai bà leo xuống phụ với anh đánh xe đem đồ vô. Ông Kinh bước ra hỏi đi đâu mà có xoài, mít đủ thứ như vậy. Bà Kinh nói bữa hổm bà Chủ, bên Chợ Cũ, qua thăm cho xoài voi. Bữa nay hai chị em qua thăm bà lại. Bà cứ cầm ở nói chuyện biểu con hái xoài mít mà cho, rồi mới cho xe đưa về.
Bà Hương văn lấy thúng sang xoài qua đặng trả cái giỏ cho anh đánh xe đem về.
Ông Kinh với Vĩnh Xuân khen xoài tươi và lớn trái. Hai bà chia hai ra, rồi ai đem phần nấy vô nhà.
Trong lúc ăn cơn trưa, bà Hương văn thuật chuyện đi thăm nhà bà Chủ Thiệu cho con nghe, bà khen nhà cửa nguy nga, đồ đạc lộng lẫy, vườn tược rộng lớn, bề ăn ở sung sướng giàu sang. Bà khen đủ điều nhưng không nói bà Chủ Thiệu có đứa con gái út mới 19 tuổi, tên Cẩm Nhung, đẹp đẽ lại bãi buôi, ăn nói dễ thương, đi đứng yểu điệu.
Còn đằng nhà bà Kinh thì bà nói chuyện với ông, bà khen bà Chủ Thiệu giàu sang, khen Cẩm Nhung có sắc đẹp. Bà nói có lẽ bà Chủ Thiệu muốn làm sui với bà Hương văn, nhưng chưa dám nói ra, tuy Vĩnh Xuân lớn hơn Cầm Nhung tới 8 tuổi, song cặp đó xứng lắm, trai học cao, gái có sắc, trai có danh dự, gái có bạc tiền, không ai thua kém ai, có tiền biết trọng tài danh, có đức được hưởng hạnh phúc. Ông Kinh nghe nói nhằm lý thì ông xuôi theo, nhưng ông khuyên, bà phải dè dặt., thủng thẳng bàn với bà Hương văn, xúi bà lấy chữ hiếu mà khêu gợi lòng thảo thuận của Vĩnh Xuân, nói chữ hiếu trọng hơn chữ tình, mà cũng đứng trước chữ nghĩa. Phải nói thế nào cho Vĩnh Xuân chịu cưới vợ, rồi đó để ông sắp đặt cho.
Cách ít bữa, bà chủ Thiệu qua thărn bà Kinh vơi bà Hương văn nữa. Lần nầy bà nói đến mốt là ngày giỗ ông Chủ. Bà xin thỉnh hai bà qua ăn cơm với bà một bữa. Sớm mơi bà cho xe qua rước ăn cơn rồi chơi tới chiều trời mát xe sẽ đưa về. Vì bà góa bụa, con thì khờ khạo, nên đám giỗ chỉ có con cháu trong nhà mà thôi, chớ không có người ngoài, bởi vậy bà không dám mời ông Kinh với thầy Thông, sợ không có người xứng đáng tiếp đãi khách.
Bà Hương văn cũng như bà Kinh thấy bà Chủ càng ngày càng muốn nhen nhúm tình thân thiết, hai bà tính đi thẳng tới đặng dò xét thâm tâm của bà Chủ, nên cả hai đều chấp thuận lời mời, không làm bộ ngại ngùng, không mại hơi từ chối.
Đến bữa hẹn, mới 8 giờ thì có xe qua rước. Hai bà dặn hai chị bếp ở nhà lo cơm nước rồi thay đồ lên xe mà đi.
Thiệt quả không có khách nào lạ, trừ ra vợ chồng người con trai tên là Ba Khai, với Cẩm Nhung ở trong nhà, chỉ thêm có cô Hai Bình là con gái đầu lòng, cô có chồng làm thầy giáo trên Sài gòn, cô về cúng cha, có vợ chồng người con trai nhỏ, là Tư Thông, ở bên Bến Tranh về và có người em trai của ông Chủ là Hương Thân Huế ở dưới Chợ Gạo lên mà thôi.
Bà Chủ tiếp rước hai bà khách rất niềm nở. Bà dặn Cẩm Nhung phải xẩn bẩn ở gần bà đặng hầu trà nước để cho mấy chị coi nấu nướng và mấy anh lo cúng quải.
Cẩm Nhung đã trắng sẵn bữa nay lại mặc một bồ đồ hàng trắng, hàng tốt, may khéo, cổ đeo một cây kiềng vàng chạm với một sợi dây chuyền, một tay đeo một chiếc vàng, một tay đeo một chiếc neo, nên sắc càng tăng vẻ đẹp, bộ đúng bực sang giàu.
Bà Hương văn tuy không co ý phụ bạc Cúc Hương, song bà ngó Cẩm Nhung, ngó nhà cửa, rồi bà chẳng khỏi so sánh, nghĩ đi xét lại thiệt Cẩm Nhung đẹp hơn Cúc Hương nhiều mà nhà bà Chủ cũng giàu có sang trọng hơn Hia Mỹ thập bội. Nếu Vĩnh Xuân cưới được Cẩm Nhung rồi dắt nhau về Chợ Giồng mà thăm Ông Giáo Huân với Hai Tỷ thì thiên hạ mới thấy rõ nhà nghèo học giỏi quí hơn nhà giàu, lại vợ chồng Hia Mỹ mới tiếc con mà thêm hổ thẹn nửa.
Làm mẹ ai cũng muốn cho con được giàu sang vinh hiển. Bà Hương văn nghĩ con bà đứng thông ngôn cho quan Chánh Tham Biện, vinh vang ở đất Mỹ Tho, nếu nó cưới Cẩm Nhung, đã có sắc đẹp lại có tiền nhiều, thì danh nó càng nổi lên cao, thân nó càng được sung sướng. Muốn khoe khoang với người xứ sở, nhứt là muốn làm bỉ mặt kẻ khinh khi con nhà nghèo, hai cái muốn đó cứ trạo trực trong lòng bà, khiến cho bà thầm vái vong linh Cúc Hương xúi giục bà Chủ gả Cẩm Nhung cho Vĩnh Xuân đặng kiếp nầy Vĩnh Xuân được hưởng một chút mùi đời, rồi kiếp sau sẽ cùng Cúc Hương sum hiệp.
Cúng rồi bà Chủ biểu dọn một mâm trên ván ở nhà trên cho bà đãi hai bà khách, còn mấy mâm thì dọn trên bàn ở nhà cầu cho con bà đãi ông chú và ăn chung với nhau cho vui.
Lúc ăn cơm bà Chủ ép khách mỗi bà uống hết nửa ly rượu chát trắng, nên mặt đỏ phừng phừng. Ăn rồi người nhà bưng dọn hết, ba bà mới nằm chung trên bộ ván nói chuyện chơi. Bà Hương văn có chén nên nằm một chút thì bà ngủ khò, không nói được chuyện gì hết.
Bà Hương văn ngủ môt giấc thiệt dài hơi rượu đã tan hết, bà mở mắt đòm trên văn phòng không có bà chủ nhà mà cũng không có bà Kinh. Trong nhà vắng hoe, chỉ nghe phía nhà dưới có tiếng nói chuyện nho nhỏ. Bà khát nước nên ngồi dậy rót một tách nước mà uống.
Cẩm Nhung ở nhà cầu đi lên, thấy khách uống thì lật đật đi riết lại mà nói: "Thưa, để con chế nước nóng cho bà uống ".
Bà đưa tay mà cãn, vừa cười, vừa nói:
-Thôi con. Nước còn nóng. Bà uống đủ rồi. Nằm ngủ quên một chút, hai bà dậy đi đâu mất.
-Má con với bà Kinh đi chơi sau vườn.
-Vườn lớn mà lại ở gần chợ. Quí quá. Huê lợi chắc nhiều lắm.
-Thưa, con không hiểu được bao nhiêu. Má con với anh Ba con biết.
Bà Chủ với bà Kinh trở vô, thấy bà Hương văn đã thức dậy, bà chủ biểu Cẩm Nhung chế bình trà mới vá bưng bánh ra đặng ăn uống nước.
Bà Hương văn nói uống chút rượu nên buồn ngủ nằm ngủ quên. Bà Kinh nói: "Thấy chị ngủ, hai chi em tôi đi coi vườn chơi".
Ba bà ăn bánh uống nước, nói chuyện ruộng đất, vườn tược, đến xế mát rồi bà Kinh xin cho cáo từ mà về.
Bà Chủ biểu Cẩm Nhung kêu thắng xe rồi hai mẹ con đưa khách lên xe mà đi. Xe về tới nhà, người đánh xe bưng vô một quả bánh, nói bà Chủ gởi kiếng hai bà. Bà Kinh cười, cứ lấy hai cái dĩa lớn mà sắp ra hai phần, rồi trả quả cho người đánh xe đem về.
Bà Kinh thay đồ rồi bà thấy còn sớm mới bưng dĩa bánh lại cho bà Hương văn. Bà ngồi một bên bà Hương văn mà nói nhỏ: "Rõ ràng rồi chị à. Bà Chủ muốn làm sui với chị. Hồi trưa chị ngủ đó, bả mời tôi ra sau vườn chơi, rồi bả tỏ thiệt người con trai lớn của bả yêu tánh nết của thầy thông, nên cứ theo nói bả nên gả Cẩm Nhung cho thầy thông. Bả cậy tôi dọ ý chị, như chịu thì vợ chồng tôi đứng làm mai giùm, bả sẽ gả liền".
Bà Hương văn lộ sắc mừng mà nói:
-Con nhỏ thiệt dễ thưng quá bà há ? Lần trước qua chơi, tôi không để ý cho lắm. Lần nầy nó xẩn bẩn một bên hoài, tôi ngó nó kỹ lưỡng, tôi nói chuyện với nó rồi tôi động lòng thương nó. Nếu bà chủ muốn gả mà Cẩm Nhung không chê Xuân lớn tuổt, thì tôi ưng bụng lắm. Được dâu như vậy thì quí lắm rồi, còn kén chọn ở đâu cho hơn nữa được. Ngặt nhà bà Chủ giàu có, còn phận mẹ con tôi thì không có tiền. Làm sui với bả phải sắm lễ vật cho xứng đáng, phải làm đám cưới cho hẳn hòi, tôi theo bả tôi sợ mệt lắm.
-Chị đừng lo. Tôi đã nói trước với bả rồi. Tôi nói thầy thông thanh liêm không chịu bốc lột làng tổng, không thèm vơ vét của dân, bởi vậy thầy vui mà chịu nghèo, làm việc lãnh lương đủ nuôi mẹ mà thôi, chớ không có sức nuôi vợ nữa được, vì vậy nên thuở nay thầy không tính cưới vợ. Bà Chủ nghe tôi nói như vậy thì bả cười ngất. Bả nói mấy năm nay bả kính phục thầy thông là vì bả nghe tánh thanh liêm đó nên bả mởi gả. Bả nói bả gả dễ lắm, bả không đòi nữ trang hay bạc tiền chi hết.
-Bả nói như vậy, nhưng Xuân cưới vơ nó cung phải sắm lễ vật coi cho được chớ.
-Bả nói tận tình như vầy: trước bữa cưới bả trao bông tai với vòng vàng cho mình đem qua trình giữa hai họ cho người ta ngó thấy. Bả sẽ đưa tiền cho chị mua áo. Còn thầy thông muốn đặt tiệc ngoài nhà hàng mà đãi mấy ông mấy thầy thì bả chịu tiền cho. Bả không muốn để cho thầy thông tốn hao chi hết. Còn việc thầy thông sợ không đủ tiền nuôi vợ, việc ấy thầy cũng khỏi lo. Bả sẽ cho con gái bả mỗi tháng đôi ba trăm đặng nó phụ với thẩy về việc ăn xài trong nhà. Bả còn nói ý bả muốn thầy thông hễ cưới rồi thì vợ chồng về nhà lớn ở, mỗi buổi hầu có xe đưa thầy đi, rước thầy về. Nếu thầy chê ở bển xa thì bà Chủ sẽ kiếm mua bên nây một cái nhà hoặc một căn phố lầu để cho vợ chồng thầy ở cũng được.
-Nếu bả gả con mà bả làm dễ cho mình như vậy thì khoẻ cho mình lắm. Mà tại sao bả dễ quá như vậy.
-Tạ bả ái mộ tánh nết thầy thông chớ sao.
-Bả làm như mua rể tôi sợ Xuân nó không chịu.
-Chuyện tôi nói vơi chị nãy giờ đó mình để bụng, hai chị em mình biết mà thôi, nói cho thầy thông hay làm chi. Làm đám cưới thì tôi với chị lo, biểu thẩy đừng lo gì hết.
-Việc đó để sau rồi chị em mình sẽ liệu làm cho kín đáo cho Xuân không biết, mà người ngoài cũng không hay gì hết. Bây giờ điều mình phải lo trước hết là nói làm sao cho Xuân chịu cưới vợ đã. Bà muốn nó cưới Cấm Nhung, tôi củng đành bụng rồi, nếu Xuân cứ từ chối, không khứng cưới vợ, thì mình làm sao được.
-Khó là tại chỗ đó. Tôi tính như vầy: Để tối thứ bảy tới đây tôi mời chị với thầy thông lại nhà tôi chơi. Tôi nói trước cho ông Kinh biết rồi vợ chồng tôi khởi đầu nói chuyện trăm năm của thẩy. Chị thừa dịp nói tìếp với vợ chồng tôi. Như thẩy thối thác, không chịu tính đôi bạn thì chị làm giận làm buồn, chị bắt tội không thương mẹ cha, tính bỏ cho tông môn tuyệt hậu, chị lựa lơi kiếm thế mà nói cho thầy động lòng. Chừng thầy nghe lời chị thầy chịu cưới vợ, chừng đó tôi mới chỉ chọc con gái bà Chủ rồi vợ chồng tôi lãnh làm mai dông.
-Bà tính như vậy thì được lắm. Để thứ bảy làm thử coi. Tôi nói thiệt với bà, lần nầy tôi sẽ làm dữ, nếu nó không chịu thì tôi sẽ lấy quyền bà mẹ mà rúng ép cho được tôi mới nghe.
-Ừ, chị phải nói cho gắt, thẩy mới sợ mà nghe lời chớ. Huống chi cô gì đó cổ chết đã lâu rồi, chớ phải còn sống hay sao mà chờ cổ.
-Năm đó thi đậu, con nọ có cho nó chiêm bao mà dặn nó phải cưới vợ đặng nuôi mẹ. Vây mà chờ giống gì nữa.
-Ừ, còn việc đó nửa. Chị nhắc lại cho thẩy nhớ.
-Tôi sẽ nhắc. Đó là một cớ nó hết cãi được.
Bà Kinh thấy dạng ông Kinh mới Vĩnh Xuân đi làm về gần tới, bà lật đật đi vô nhà.