PHẦN V - Chương 22
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Phan Vĩnh Xuân từ chức ký lục, thông ngôn lần lần thăng tới chức Tri Phủ. Trót một khoảng đời gần 18 năm, luôn luôn ông tùng sự Tòa Bố Mỹ Tho. Từ chức nhỏ tới chức lớn, trong quan trường ông giữ một mực thanh liêm chánh trực, thương dân quê nên không nỡ hại dân quê, lo phận sự nên không lỗi về phận sự.
Còn về đời tư của ông, thì ông không ưa lòe lẹt, không ham bạc tiền, vui chơi với thú cầm thi, kết bạn với người quân tử. Ông tu tâm dưỡng tánh, không màng lợi danh, cứ ôm nhân nghĩa, không bợ ai mà cũng không sợ ai, không vị ai mà cũng không ghét ai.
Đối với người cũng như đối với ông, ông chỉ làm bao nhiêu đó mà thôi. Bền chí thanh cao lánh xa tục lụy.
Thế mà trong xóm đui mù, người nào còn được một con mắt thì người đó làm chúa tể. Vĩnh Xuân sáng suốt hơn người chút đỉnh, mà danh thơm bay khắp gần xa.
Ở Cần Thơ người ta đã nghe danh Vĩnh Xuân làm quan thanh liêm ngay thẳng, học giỏi, văn hay, đờn ngón tươi, thi tao nhã. Hay tin Vĩnh Xuân sắp đổi lại, đám quan trường cũng như hạng điền chủ ai cũng trông coi quan Phủ mới xử dân khắc kỷ thế nào mà được tiếng thiên hạ ngợi khen đến thế.
Quan Phủ Vĩnh Xuân đi tàu qua tới Cần Thơ mới 2 giờ chiều. Ông kêu hai chiếc xe kéo, một chiếc chở các hoa ly, còn một chiếc ông ngồi, tay cầm cây đờn kìm yêu quí thuở nay nên ông đem theo đặng lúc nào buồn thì có sẵn mà giải muộn. Ông biểu xe chạy lại nhà hàng bun-ga-lô, ông vô nói với chủ nhà hàng, người Pháp, cho ông mướn một cái phòng rộng rãi, mát mẻ, đặng ông ở đỡ năm ba bữa. Ông cũng cho hay ông sẽ ăn cơm tại nhà hàng, như bữa nào ông không ăn thì ông sẽ nói trước.
Chủ nhà hàng kêu bồi và đưa chìa khóa biểu dọn một phòng lớn trên lầu. Bồi đem hoa ly và đờn lên lầu. Quan Phủ trả tiền xe rồi đi lên sau với chủ nhà hàng.
Vĩnh Xuân coi phòng rồi ngó ra phía mé sông Hậu Giang, thấy sông rộng, nước mênh mông thì đắc chí nên cám ơn ông chủ. Ông chủ hỏi khách lại đây chơi hay có việc chi. Vĩnh Xuân nói ông là Tri phủ, đổi lại làm việc với quan Chủ Tỉnh. Chủ nhà hàng được biết khách là một công chức cao cấp thì niềm nở, dặn bồi phải chăm nom tử tế, khách cần dùng thứ chi thì phải làm cho khách vừa lòng luôn luôn.
Vĩnh Xuân thay đồ đi tắm cho mát, rồi biểu bồi cho một ly sữa nước đá. Ông nằm nghỉ gần 4 giờ mới thay đồ, bịt khăn đen đàng hoàng, kêu xe vô tòa Bố đặng trình diện với quan Chủ Tỉnh.
Quan Chủ Tỉnh tiếp quan Phủ Vĩnh Xuân rất vui vẻ, ông nói Cần Thơ chia ra năm quận, đã mấy răm rồi quận nào cũng có đặt quan Việt chăm nom làng tổng, nhưng tại tòa Bố cần phải có một viên quan Việt thông thạo, giỏi giắn để phụ trách với ông mà xem xét chung công việc của các quận, các tổng, các làng, đặng chỗ nào bê trễ thì thôi thúc cho mau, chỗ nào lầm lạc thì sửa đổi cho đúng đắn. Tại như vậy nên ông mới xin với quan trên bổ thêm một viên Tri Phủ trẻ tuổi và nhậm lẹ. Ông xin quan Phủ hết lòng phụ tá với ông ít năm đặng sắp đặt cơ quan hành chánh trong tỉnh được chu đáo. Ông lại nói ông đã định cấp cho quan Phủ cái nhà lầu nhỏ nhỏ nằm ở phía sau Toà Bố. Ông đã có dạy sở Công Chánh sơn phết lại sạch sẽ cho quan Phủ dọn ở, ông liền dùng dây thép nói mà hỏi quan Trường Tiền đã khởi công sửa soạn cái nhà lầu cho quan Phủ hay chưa. Quan Trường Tiền trả lời rằng thợ đã khởi công hai bữa rồi, trong ba ngày nữa thì dọn ở được.
Quan Chủ Tỉnh dắt quan Phủ xuống từng dưới mà giới thiệu với quan phó Chủ Tỉnh rồi luôn địp đem ông đi coi cái nhà định cấp cho ông.
Mấy thầy trong Tòa Bố thấy quan Phủ còn trẻ quá nên liền cãi với nhau, người nói tuổi chừng 30, kẻ đoán 35, không dè Vĩnh Xuân lại tới tứ tuần, nhưng nhờ ăn điều độ, không uống rượu, không hút thuốc, không ta bà sáng đêm, không sa mê ong bướm, nên sức khoẻ vẫn đầy đủ, tinh thần vẫn tráng cường, không già, không mỏi.
Chừng trở lại Tòa Bố, quan Phó mới dắt chỉ phòng làm việc của quan Phủ. Quan Chánh kêu thầy Đáng là thông ngôn của ông, biểu đem quan Phủ đi giới thiệu với mấy thầy rồi ông từ giã nói quan Phủ muốn bữa nào bắt tay vào việc cũng được. Quan Phó nói ngày mai ông biểu sở Công Chánh cho người dọn dẹp phòng giấy của quan Phủ cho đàng hoàng rồi mốt sẽ làm việc.
Tan hầu, Vĩnh Xuân trở về nhà hàng, lấy giấy viết một tin điển đặng sáng bữa sau đánh về Mỹ Tho cho ông Kinh Lương hay, nhà nước đã cấp cho một nhà lầu đương sơn phết trong ba ngày nữa thì ở được. Ông cậy ông Kinh cho Ba Khai hay và biểu dọn đồ chở qua liền, hễ đồ tới thì nhà cũng sơn xong.
Lúc nầy ở bun - ga - lô không có khách đông, chỉ có hai vợ chồng người Pháp với một người Pháp khác đã già, coi máy điện trong châu thành ăn cơm tháng tại nhà hàng. Ăn cơm tối rồi, ba người Pháp ngồi tại phòng khách đánh cờ uống rượu chơi để giải trí.
Vĩnh Xuân lên phòng thay đồ mát, thấy mặt trăng tỏ rạng đã lên cao được vài sào, dọi ánh sáng xuống vàm sông Cần Thơ làm rực rỡ mặt nước đương lao xao dưới gió. Ngoài vàm là sông Hậu Giang, rộng lớn mênh mông, nao nao dòng nước đỏ. Một chiếc tàu kéo một đoàn ghe đi ngược nước, thổi súp lê vang rân. Vài cánh buồm trắng thấy xa xa, nương theo chiều gió mà tiến.
Nhìn quang cảnh, Vĩnh Xuân cảm hứng ông mới kéo cái ghế xít đu ra để ngoài hành lang rồi lấy tây đờn kìm ra nằm ngó trăng, ngó nước mà đờn. Giọng to réo tắt, tiếng nhỏ rì rào, hiệp nhau làm mê mẩn tâm hồn của người nghe, rồi dường như đưa trí người ra biển cả xa xuôi, hoặc lên mây xanh vòi voi.
Vĩnh Xuân đương say sưa với cảnh thú, không hay có hai người lên thang lầu rồi nhẹ bước đi lại chỗ ông nằm đờn. Chừng ông nghe động, ông day mặt lại, thì thấy thầy Đáng, thông ngôn của quan Chánh Chủ Tỉnh, mặc âu phục đi với một người lớn tuổi bịt khăn đen mặc áo dài.
Ông buông đờn, đứng dậy tiếp chào. Thầy Đáng nói: „Thưa quan lớn, em ra thăm coi quan lớn ở đây có điều chi bất tiện hay không. Thầy Cai Tổng sở tại hay quan lớn mới lại nên theo em ra mừng quan lớn“.
Quan Phủ bắt tay cám ơn thầy Đáng với thầy Cai, mời khách vô phòng mà ngồi, kêu bồi biểu lấy ly với la de nước đá đặng đãi khách. Ông nói ở đỡ tại đây ít bữa, đợi đồ chở xuống rồi sẽ dọn nhà. Ở đây rất thanh tịnh, lại có cảnh nên thơ. Bởi vậy ông vừa lòng lắm. Thầy Cai nói nếu ở đây có điều chi bất tiện thì thầy xin mời quan Phủ vô nhà thầy mà ở đặng chờ sơn nhà. Quan Phủ cám ơn, nói ở đây tiện lắm. Rồi đó ông hỏi thăm những thân hào, chức sắc tại châu thành, hỏi cho biết dặng chừng sắp đặt bề ăn ở xong rồi, ông sẽ đi thăm cho biết nhau.
Thầy Đáng cưòi mà nói:
-Mấy năm rồi anh em tôi có nghe danh quan lớn ưa thú phong lưu, đờn tươi, thi cứng. Hồi nãy lên thang hai bà con tôi nghe tiếng đờn, có đứng lại lóng nghe nuột chút, thiệt quan lớn đờn hay quá.
-Ở Mỹ Tho buồn, tôi tập đờn để giải muộn. May ở đó nhằm đường qua lại của mấy ông nhạc sư. Tôi nhờ mấy ổng chỉ giùm, tôi tập nhiều năm rồi đờn nghe được. Không biết ở đây có ai học nho giỏi, đờn hay, thi tao nhã hay không thầy Cai ?
Thầy Cai Tồng đáp:
-Bấm, không có. Bên Trà Mơn có vài người học nho, nhưng khá khá vậy thôi, chớ chưa dám sánh với bực danh nho thi bá. Tôi nghe nói thuở xưa quan thanh liêm đi phó nhậm chỉ có một cây đờn cầm với một con hạc, thế mà tới đâu cũng bố đức cho dân lạc nghiệp an cư. Đời nay không có hạc thì quan lớn đi phó nhậm với một cây đờn, tôi tưởng cũng đủ rưới ân đức cho nhơn dân xứ Cần Thơ nhuần gội.
-Thầy Cai đem tôi mà sánh với quan đời xưa sao được. Nước đã mất chủ quyền, dân đã thành tôi mọi. Tôi làm quan, song cũng là một tay sai của người ta, lịnh trên dạy phải làm sao, tôi phải làm theo như vậy. Tôi cũng như anh đầu bếp nấu cơm, chủ nhà đưa mắm muối biểu phải nêm cho thiệt mặn. Tôi tráo trở làm cho lạt bớt đặng dễ ăn. Đó cũng đủ nát trí khôn rồi. Khỏi bị rầy, bị quở ấy là may, mong gì làm cho người ăn khen canh ngọt ngon được.
-Thuở nay mới được nghe lời đạo nghĩa. Quan lớn nói như vậy thì đủ biết tổng làng dân giả sẽ nhờ đức quan lớn nhiều. Hèn chi danh thơm của quan lớn bay khắp Lục Tỉnh thiệt phải lắm.
Thầy Cai Tổng với thầy Đáng nói chuyện một hồi nữa rồi cáo từ mà về để cho Vĩnh Xuân nghỉ.
Sáng bữa sau, Vĩnh Xuân kêu xe kéo lại sở Bưu Điện đánh dây thép cho ông Kinh Lương rồi đi dạo châu thành một vòng.
Trưa bữa đó, ông Kinh được dây thép. Ông biểu thằng Ca ở với bà Hương văn cầm qua Chợ Cũ đưa cho Ba Khai coi.
Ba Khai thắng xe qua liền. Cậu nói ghe bạn cậu đã sắp đặt sẵn sàng, ghe thì ghe nhà, còn bạn đều là tá đến, tá thổ của cậu. Cậu bàn tính với bà Hương văn và vợ chồng ông Kinh rồi định sáng bữa sau cậu cho ghe bạn qua dọn đồ mà chở, đến chiều ghe lui đi trước. Trong hai ngày ghe sẽ qua tới Cần Thơ, thì nhà đã sơn phết xong, bạn dọn đồ lên được. Bà Hương văn với cháu Tân ở bên nây đến bữa kia cậu sẽ đưa đi tàu đặng coi dọn nhà giùm cho quan Phủ. Bà Hương văn nói thím Tư Cam với thằng Ca đều chịu đi theo, vậy nên để Ca thco ghe chở đồ, còn thín Tư Cam thì đi tàu với bà.
Ba Khai về đặng gom bạn. Đến xế bà Chủ Thiệu qua mời bà Hương văn, hễ mai dọn đồ thì chị sui với cháu Tân qua nhà bà mà ở, rồi Ba Khai sẽ đưa đi sau. Bà hương văn từ chối xin để ở bên nây với bà Kinh, nhưng bà hứa trước bữa xuống tàu mà đi, bà sẽ qua chơi với chị sui một ngày đặng từ biệt.
Sáng bữa sau, Ba Khai qua coi dọn đồ. Đồ lặt vặt thì vô thùng đặng chở cho gọn. Đến xế đồ chở xong hết, Ba Khai đưa tiền cho đà công đem theo đặng mua ăn dọc đường, rồi cho lui ghe, có thằng Ca theo. Đà công nói trưa mốt ghe sẽ tới Cần Thơ.
Ba Khai mời bà Hương văn với vợ chồng ông Kinh sáng mai qua nhà ở chơi một ngày. Ông Kinh than già yếu, ngồi lâu không tiện, nên ông cáo từ, để bà Kinh đi với bà Hương văn.
Sáng một lát, xe qua rước hai bà với Vĩnh Tân. Bà Chủ Thiệu tiếp khách với tấm lòng thân ái, vui vẻ cực điểm.
Hai bà khách vừa ngồi, bà Chủ kéo Vĩnh Tân lại đứng một bên đặng vuốt ve cháu ngoại, thì cô Cẩm Nhung ở trong buồng bước ra, cô mặc quần lãnh đen với áo xuyến đen. Cô xá bà Hương văn với bà Kinh, nước mắt tuôn dầm dề, không mở miệng nói được. Cô đứng ngó Vĩnh Tân trân trân, rồi tức tủi rồi kéo con lại cái ghế gần đó, cô ngồi, để con đứng truớc mặt. Cô vừa khóc, vừa nói: „Dữ quá! Đã tám chín năm rồi, má mới được giáp mặt với con đây! Mà cũng nhờ có ba con xin xá tội cho má, nên hôm nay má được hưởng cái phước nầy !“.
Cẩm Nhung khóc quá, nói không được nữa.
Vĩnh Tân đứng trơ trơ nhìn mẹ, dường như nhìn người dưng, không hiểu chi hết.
Bà Hương văn với bà Kinh đều cảm động, thấy Cẩm Nhung năm nay ốm yếu, má cóp, sắc phai, chớ không phải đẹp đẽ phương phi như trước nữa.
Cẩm Nhung nắm tay con mà nói tiếp: „Má có lỗi với cha con, lỗi lớn lắm, không thể tha thứ được nhưng mà ba con quảng đại, ba con xin giảm hình phạt cho má. Con là máu thịt của má, má xin con nghĩ công má mang nặng đẻ đau, con đừng khinh rẻ má tội nghiệp nghe hôn con. Tám chín năm nay má đau khổ nhiều lắm rồi. Má vẫn biết, dầu ba con xá tội cho má, phận má thì cũng phải đền tội đến già, kiếp nầy má không được phép mong mỏi vui sướng nữa. Má chỉ xin con đừng phiền má, lâu lâu cho má gặp mặt đặng má thăm một chút vậy thôi. Tô nước đã đổ xuống đất rồi hốt lại làm sao cho đầy được. Má không dám ép con phải kính, phải thương má, má chỉ xin con đừng khinh rẻ, đừng giận hờn vậy thôi“.
Cô nói dứt lời liền kéo Vĩnh Tân mà ôm trong lòng, kề mặt hun hai gò má con, rồi buông ra, đứng dậy xá bà Hương văn và bà Kinh mà trở vô buồng.
Bà Hương văn thấy Cẩm Nhung bị hình phạt tinh thần còn nặng nề đau đớn hơn hình phạt của mẹ và anh gia cho cô nữa, bởi vậy bà động lòng quá, chịu không nổi, nên bà kêu cô mà nói : „Con đứng lại cho má nói một ehút. Ngày vợ chồng con phải xa nhau, thì thằng Tân mới dược có ba tuổi. Má nghĩ tình mẹ con của Tân, thì má bất nhẫn, nên má than vắn thở dài. Ngặt tai họa lớn quá ép buọc vợ chồng phải rời rã, nên phải chịu vậy, chớ má cũng như cha thằng Tân không nỡ hờn giận con. Bây giờ má biết con đau khổ nhiều lắm, mà con lại ăn năn hối hận. Vậy má với cha thằng Tân không dứt tình mẫu tử của con đâu. Mai nó đi với má qua Cần Thơ. Con ở lại mạnh giỏi, đừng buồn rầu nữa. Má hứa, má sẽ dạy dỗ Tân cho nó biết công ơn sanh thành, nó không phụ tình mẫu tử. Hễ có dịp trở lại đây, thì má sẽ dắt Tân theo đặng nó thăm bà ngoại, mẹ và mấy cậu mợ nó, con hãy an lòng“.
Cẩm Nhung cảm ơn mẹ chồng cũ và khóc mà đi vô buồng.
Tân theo chơi với Ba Khai. Bà Hương văn với bà Kinh ở chơi đến chiều xế mới đưa về. Bà chủ với Cẩm Nhung đưa khách ra xe. Bà Hương văn biểu Vĩnh Tân xá bà ngoại với mẹ mà từ giã. Bà Chủ cho Tân 200$,00, biểu để dành mua bánh ăn đi học. Cẩm Nhung ôm con hun hít một hồi rồi mới để cho con lên xe.
Ba Khai hứa sáng bữa sau cậu sẽ qua sớm.
Thiệt bữa sau mặt trời chưa mọc thì bà Chủ với Ba Khai đã ngồi xe qua tới.
Đồ đạc của bà Hương văn chỉ còn có hai cái rương nhỏ. Gần 7 giờ rưởi, Ba Khai với thím Tư Cam lấy xe chở đem trước xuống tàu Cần Thơ. Ba Khai để thím Tư Cam ngồi coi chừng đồ. Cậu lên mua giấy tàu rồi ngồi xe trở lại nhà ông Kinh. Ông Kinh trặt chưn đi đưa không được. Ông nhắn với bà Hương văn nói với quan Phủ ông có gởi lời cầu chúc hoạn lộ thanh bình, quan yêu dân chuộng.
Ba Khai kêu thêm một chiếc xe kéo đặng cậu đi với Vĩnh Tân, để xe ngựa cho ba bà đi. Bà Chủ với bà Kinh quyến luyến với bà Hương văn và Vĩnh Tân, đến lúc xe lửa lại, hai bà mới từ biệt trở lên cầu, để cho Ba Khai đưa qua tới Cần Thơ.
Hai giờ chiều tàu tới Cần Thơ thì ghe chở đồ cũng vừa mới tới. Ba Khai coi đem đồ lên cầu tàu, biểu thím Tư Cam ngồi đó coi chừng đồ. Cậu kêu xe kéo đi với bà Hương văn và Vĩnh Tân lại bun - ga - lô kiếm quan Phủ.
Vĩnh Xuân nghỉ trưa mới thức dậy, thấy mẹ, thấy con, thấy anh vợ bước vô thì mừng quá, hỏi đói bụng hay không đặng biểu bi dọn đồ ăn. Ai nấy nói có ăn dưới tàu nên không đói. Ông mới biểu bồi làm bốn ly cà phê sữa rồi uống với nhau mà nói chuyện.
Nghe nói ghe đồ cũng đã tới rồi và thím Tư Cam còn ngồi giữ rương đằng cầu tàu. Vĩnh Xuân nói nhà sửa soạn xong rồi từ hôm qua, để trống hầu đánh, ông sẽ xin tội đẩy xe đem đồ dọn liền. Ông biểu một người bồi lại cầu tàu hỏi thím Tư Cam rồi kêu xe kéo chở rương với thím lại nhà hàng. Ông lại dặn mở thêm một cái phòng nữa cho bà con ở đỡ tại đây, mai đồ dọn xong rồi sẽ về nhà mới.
Ông thay đồ đặng lại Tòa Bố mà xin tội dọn nhà, biểu Ba Khai đi theo cho biết nhà mới.
Xuống từng dưới, Vĩnh Xuân dặn chủ nhà hàng cho thêm một phòng nữa và chiều nay có thêm ba người ăn cơm.
Ông dắt Ba Khai lại coi cái nhà lầu cấp cho ông. Ba Khai khen nhà tốt, trước có sân trồng hoa, chung quanh nhà có cây sao lớn cho tàn mát mẻ. Ông dắt luôn lại Tòa Bố nói với quan Phó cho tội xuống mé sông xe đồ lên dọn nhà.
Ba Khai xin về đặng kiếm chỗ dời ghe đậu gần nhà mà đem đồ lên cho, mau.
Tội xe đồ lên, Ba Khai với ba người bạn chèo chực sẵn trên nhà mà sắp đặt thứ nào để trên lầu, thứ nào để từng dưới. Thằng Ca với thím Tự Cam cũng lại phụ coi dọn, thím Tư Cam đặc biệt lo dọn đồ trong nhà bếp, nhà chia ra nhiều căn, có chỗ nấu ăn, có chỗ bồi bếp ngủ, có kho chứa gạo, củi.
Đến chiều Vĩnh Xuân về, ghé coi thì đồ đạc đã dọn xong rồi hết. Thằng Ca lại nhà hàng chở rương và rước bà Hương văn với Vĩnh Tân lại coi nhà mới. Bà Hương văn thấy nhà cửa tốt, rộng rãi, mát mẻ thì bà mừng vô cùng. Từng dưới, phía ngoài, có phòng tiếp khách, một bên là phòng việc và đọc sách, phía trong một bên là phòng ăn, có phòng tiếp khách đàn bà, còn một bên là phòng ngủ.
Vĩnh xuân định ông sẽ ở từng dưới, để từng lầu thờ ông bà và bà Hương văn với Vĩnh Tân ngủ. Ba Khai do theo ý đó mà chỉ cho mấy người bạn khiêng dọn, đến tối đã xong xuôi hết.
Vặn đèn điện cháy các phòng từ nhà lầu xuống nhà bếp sáng trưng. Thím Tư Cam với thằng Ca vui lòng hết sức.
Vĩnh Xuân đưa tiền cho thím Tư Cam dặn thím sai thằng Ca ra chợ mua cơm và đồ ăn về hai người ăn và ở coi nhà. Ông nói ngày mai bà con còn phải ăn cơm ở nhà hàng trọn ngày đặng bà Hương văn có thì giờ mua gạo củi, nước mắm. Tối mai sẽ ngủ nhà mới rồi ngày mốt sẽ đi chợ nấu ăn tại nhà.
Vĩnh Xuân nói nhà đã dọn xong, ông hỏi tiền chở đồ tốn hao bao nhiêu đặng ông trả rồi cho ghe về. Ba Khai nói: “Ghe nhà, bạn nhà, không tốn chi hết. Mà tôi đã hứa chở đồ qua cho dượng, thì dượng còn nói làm chi“. Vĩnh Xuân nói thôi để ông thưởng công mấy anh em. Ba Khai nói cậu đã cho tiền đủ năm người rồi đặng khuya họ lui ghe mà về, khỏi cho nữa. Vĩnh Xuân không nghe cứ lấy 50 đồng đưa cho đà công biểu chia cho mấy anh em, nói đó là của ông thưởng riêng.
Mấy người bạn cám ơn rồi từ giã xuống ghe đặng khuya nhổ sào lui cho sớm.
Vĩnh Xuân mời mẹ với Ba Khai trở lại nhà hàng ăn cơm. Vĩnh Tân được ở nhà tốt thì vui mừng, nhưng cứ theo hỏi cha chừng nào mới đi học được và trường gần hay xa.
Ăn cơm tối rồi, bà Hương văn với Vĩnh Tân ngủ chung một phòng, còn Ba Khai ngủ chung với Vĩnh Xuân. Khai với Xuân kéo ghế xít đu ra hành lang nằm hứng gió, hưởng trăng, nhìn trời, xem nước, đàm đạo với nhau rất khuya.
Ba Khai cảm xúc nên nói: „Dượng lấy nhơn nghĩa mà ở đời, lấy quảng đại mà xử sự, nên ngày nay Trời, Phật mới ban cho dượng một phần thưởng rất xứng đáng, trên được quan yêu dưới được dân mến. Tôi thấy dượng hiển đạt, tôi vui mừng vô cùng. Bữa nay tôi tỏ thiệt với dượng vì tôi ái mộ thanh liêm ngay thẳng của dượng nên ngày trước tôi mới đốc má gả Cẩm Nhung cho dượng. Tại mạng số nó vô phước nên Trời, Phật khiến cho có tai họa đặng vợ chồng xa nhau và đặng nó không được chung hưởng vinh hoa với dượng. Nó có tội, tôi với má lấy gia pháp mà trị nó rất gắt gao. Năm dượng thi đậu Huyện, dượng xin tôi với má hỉ xả cho nó. Thể theo lòng quảng đại của dượng, mấy năm nay tôi dung chế nhiều, cho nó mặc hàng lụa và cho nó được lên nhà trên, nhưng không cho đi chơi đâu hết. Thiệt nó biết thân, mà lại ăn năn, nên chẳng muốn đi đâu, hết ham vui chơi. Hôm ghe chở đồ đi, má có mời bác đem Vĩnh Tân qua mà ở chơi một ngày. Cẩm Nhung xin má cho nó thấy mặt con nó một chút rồi mẹ con lìa nhau. Nó gặp con nó than khóc, làm cho bác với bà Kinh đều cảm động. Nó xin bác lâu lâu cho phép nó gặp con nó một lần, đặng nó bớt đau khổ. Bác cầm lòng không đậu, nên bác chịu cho. Vậy tôi xin dượng liệu coi có nên để cho Vĩnh Tân nhìn mẹ nó hay không. Đó là quyền của dượng. Tôi thấy rõ Vĩnh Tân thấy mẹ thì nó lơ lãng như thấy người dưng, còn Cẩm Nhung đau khổ nặng nề hơn là cách tôi với má phạt nó nữa“.
Vĩnh Xuân suy nghĩ rồi ngồi dậy mà nói: „Tình mẹ con là tình thiên nhiên, nếu mình dứt thì mang tiếng ác. Huống chi Vĩnh Tân là con trai lại lớn rồi, dầu gần mẹ cũng không hại gì. Vậy từ rày sắp tới hễ có bãi trường thì tôi xin má tôi đem nó qua ở chơi với bà ngoại nó ít bữa đặng nó gần mẹ nó“.
Hơn nữa, anh Ba về kêu thợ chụp hình, chụp chơn đung của cô Cẩm Nhung mà gởi cho tôi một tấm. Tôi sẽ cậy má tôi giao cho Vĩnh Tân cất, đặng nó nhớ hình dạng cua mẹ nó cho quen”.
Ba Khai cám ơn và hứa về sẽ làm y theo lời dặn.
Sáng bữa sau, bà Hương văn với Vĩnh Tân đòi về nhà mới mà ở, đến giờ ăn cơm thì lại nhà hàng ăn mà thôi. Ba Khai cũng đi theo đặng coi sắp đặt đồ đạc cho đàng hoàng.
Vĩnh Xuân trả bớt một cái phòng, chỉ để hờ một cái đặng nghỉ trưa với Ba Khai rồi chiều tối ăn cơm rồi sẽ trả luôn mà về nhà mới.
Quan Phủ đi làm việc. Bà Hương văn dắt thím tư Cam đi mua gạo, mua củi, lo mua đồ đặng bữa sau nấu ăn.
Ba Khai dặn thằng Ca coi nhà, cậu dắt Vĩnh Tân đi chợ chơi. Cậu thấy có bàn viết nhỏ coi đẹp lại vừa cho Vĩnh Tân ngồi học. Cậu mua liền cho cháu, lại mua một cái đèn điện đặng để trên bàn viết cho ban đêm cháu học. Cậu mướn xe chở về dọn trên lầu một chỗ yên tịnh cho cháu ngồi học thảnh thơi, gần cửa phòng ngủ của cháu.
Ăn cơm tối ngoài nhà hàng rồi, Vĩnh Xuân trả tiền cơm, tiền phòng mấy bữa rồi kêu xe chở hoa ly và cây đờn về nhà mà ngủ.
Ba Khai lục lạo hồi chiều kiếm mua được một hộp trà Thiếc Quan Âm, về nhà mới cậu biểu thằng Ca nấu nước, cậu bỏ trà mới mà chế một bình rồỉ ngồi tại phòng đọc sách uống với Vĩnh Xuân.
Vĩnh Xuân đắc ý lấy đờn mà đờn vài bài. Đêm ấy hai anh em thức nói chuyện chơi với nhau đến 11 giờ rồi phải nghỉ, đặng khuya Ba Khai dậy sớm xuống tàu mà về.
Bánh mì với cá hộp đã có mua sẵn hồi chiều. Nghe đồng hồ gõ 5 giờ, bà Hương văn kêu thím Tư Cam với thằng Ca thức dậy nấu nước chế cà phê và dọn đồ cho Ba Khai lót lòng.
Quan Phủ với Vĩnh Tân cũng thức dậy ăn uống với Ba Khai. Bà Hương văn thấy Khai thành thiệt lo lắng cho con cháu bà, nên bà quyến luyến theo nói với Khai. Bà có lời cầu chúc chị sui an vui, mạnh khoẻ và mời chị sui khi nào rảnh rang thì qua Cần Thơ ở chơi ít bữa với bà.
Cha con Vĩnh Xuân đưa Ba Khai xuống tàu. Lúc phân ly, Ba Khai cặp dang díu nắm tay Vĩnh Tân ráng noi gương cha mà học cho giỏi, ăn ở thanh cao, cuối năm nay phải thi đậu đặng trở qua học trường lớn Mỹ Tho có cậu với bà ngoại chăm nom, bảo bọc.
Vĩnh Xuân cũng gởi lời kính chúc bà Chủ cùng bà con lớn nhỏ mạnh khoẻ, rồi tàu súp lê mở đây chạy ra vàm.
Thấy còn sớm, Vĩnh Xuân dắt con đi dạo chơi một vòng, dắt đi ngang trường học chỉ cho con coi, rồi dắt trở về nhà, do những đường tắt cho gần đặng con biết mà đi học.
Đến sáng thứ hại, Vĩnh Xuân mới đem Vĩnh Tân lại tường xin ông đốc học ghi tên con vào sổ cho con học lớp nhứt tiếp theo trường Mỹ Tho.
Thế thì hai cha con đều nhập tịch theo người Cần Thơ, con đi học.