Con ngựa trắng của ba tôi
Tác giả: Hồ Dzếnh
Ba tôi lúc mới đặt chân lên đất nước này thì vốn liếng không ngoài mấy đồng bạc. Cũng được đúc theo khuôn khổ kiên nhẫn và cần kiệm như bao nhiêu bạn đồng hương khác, ba tôi hơn họ ở chỗ sớm biết tìm học chữ Pháp.
Tôi biết không được tường tận lắm về sức học của ba tôi, bởi tôi sinh ra quá chậm và khi cái tuổi lên mười bắt đầu mở hai con mắt ngờ nghệch của tôi ra xung quanh, thì ba tôi mất. Ba tôi bị bệnh đau xương trong một khu rừng ở Thanh Hóa, sau nhiều năm trời lăn lộn gian nan, và mất đi vào một buổi sáng, lúc tôi còn bận gỡ nốt một đoạn dây thả diều. Tôi nhận cái hung tin ấy với một tấm lòng bình tĩnh vô hạn, vì tôi chưa từng được chứng kiến một cuộc ly tán nào xảy ra trong gia đình tôi, từ ngày tôi cất tiếng khóc chào đời.
Hôm ấy, người vú già bảo tôi:
- Ông “già” rồi cậu ạ.
Tôi không hiểu nên đáp trơn tru:
- Không già mà lại có râu!
- Không, già là mất, là chết kia.
Tôi vẫn nhìn vú, bình thản:
- Thế mất thì phải làm thế nào u?
- Cậu phải chít khăn trắng, phải chống gậy, phải khóc nữa.
Tôi không hiểu làm sao lại có thể khóc được. Khóc được với tôi, chỉ có khi nào bị đánh. Tôi lo lắng tìm cách để khóc, khóc cho nhiều như mẹ tôi trong những ngày giỗ chẳng hạn. Tôi đem duyên cớ nỗi lo lắng nói với một người bạn nhỏ, thì hắn bảo rằng thế nào tôi cũng khóc được, vì “ngày xưa” hắn cũng đã khóc được một lần như thế rồi. Chúng tôi đem chuyện đám ma ra bàn với nhau, cuối cùng, cả hai đều thấy có những ý nghĩ vui vui. Nó nghĩ đến khi được mặc áo mới, chít khăn mới, còn tôi nghĩ đến những bữa cỗ bày ra để mời mọc xóm giềng.
Hồi ấy, chúng tôi chưa “văn minh” như bây giờ, để có được một tấm lòng tám chín tuổi đã biết suy nghĩ hay thao thức. Chúng tôi sống bình yên với cảnh đời thay đổi, chưa từng để ý đến những cảm xúc bâng khuâng gợi lên bởi một mảnh ao hay một tấm lá. Cái vui của chúng tôi là cái vui của con diều no gió và cái nhớ viển vông chỉ có thể hơi làm buồn được những lúc vắng nhà.
Vậy, tôi đã đợi ngày rước linh cữu ba tôi về - ba tôi mất ở trong nhà thương - với những ý nghĩ hoàn toàn ngây dại như trên.
Tôi chỉ nhớ rõ một buổi sáng năm ấy, nhưng không biết về mùa nào, mới sáng tinh sương, tôi đã bị đập dậy bởi những tiếng kêu hoảng hốt của người vú già:
- Cậu! Cậu dậy mau! Về đến nơi rồi!
Đoạn vú cõng tôi một mạch chạy ra cổng làng. Khi chúng tôi đến nơi thì đã thấy hiện ra một đám người trắng lồ lộ. Ảnh ba tôi được phủ lụa điều, được bốn người khiêng lên như kiệu, và theo sau cái bài vị sơn đỏ, mẹ tôi và anh tôi đi đếm từng bước. Tiếng khóc mà tôi lo lắng từ mấy ngày nay làm sao cho có, thì lúc này tự nhiên bật ra, khi tôi thấy cái gì không còn nữa trong cái gì đang còn trước mắt tôi.
Đó là những tiếng khóc lần đầu tiên tôi biết, tiếng khóc sau này khi tắt đi, còn vẳng lại một điệu thở dài chua xót trên ngày tháng bơ vơ của tôi. Mẹ tôi thấy tôi thì bù lu, bù loa lên, bế xốc lấy tôi, và đôi lúc đứng lại để xịt mũi hay lau nước mắt.
Tôi nhận thấy mấy cây cột nhà đứng bơ vơ hơn trước, bóng tối mau chiếm lấy sân và lòng tôi hay nhớ thương, ngao ngán.
Trong hơi lạnh lẽo bốc lên trước lúc gà vịt nhảy chuồng, bốn ngọn nến cùng nháy mắt trên chiếc bàn thờ mới dựng, thay chỗ cho nơi kê bàn đèn thuốc phiện ngày xưa. Tôi bắt đầu sợ bóng tối, rùng mình tưởng rằng ở đâu đây, vẫn còn rè rè những tiếng dọc tẩu kéo ngày xưa.
Một tình thương mất đi, vừa khơi lũng xuống tháng ngày tôi sống.
*
* *
Như trên kia tôi đã nói, tôi biết ba tôi quá chậm. Bảy năm một, ba anh em chúng tôi thi nhau ra đời, tài trí và tính tình khác nhau xa quá. Khi tôi bập bẹ biết nói thì anh cả tôi đã trưởng thành, và anh hai tôi cũng bắt đầu giật sợi dây diều xuống cùng với cái tuổi bay lượn của anh để vào trường. Tôi lớn lên giữa sự chiều chuộng nưng niu của một gia đình có thể kể vào bậc khá.
Thoạt đầu ba tôi làm thông ngôn cho một viên chức nhà đoan, rồi sau xoay ra lập một ty muối. Dần dần, vì công việc phát đạt, ba tôi góp phần cổ đông buôn gỗ. Những cuộc kinh doanh hồi ấy, tóe ra tiền, nảy ra bạc, nhờ ở cái thời mà mọi người chưa bị ngạt hơi vì sinh kế như bây giờ.
Tôi không hiểu rằng ba tôi đã học chữ Pháp với ai, bằng cách nào, vì một người chưa nói sõi tiếng Việt Nam đã “thạo” cái tiếng ngoại quốc ấy, kể cũng kỳ!
Đó là một sự hân hạnh lớn lao cho nhà tôi. Công nghiệp của ba tôi xưa, thường được mẹ tôi kính cẩn thuật lại, có khi đang thuật, người đưa mắt nhìn lên bàn thờ ba tôi... Ngày nhỏ, mỗi lần chạy chơi đâu về tôi thường mò lên gác, nằm yên lặng bên cạnh khay đèn, mũi hít từng hơi dài làn khói xanh thơm phưng phức, như khi chạy ra đường cái đón lấy cái mùi “ét xăng” dễ chịu tỏa lại sau chiếc ô tô. Tôi tò mò đưa mắt ngắm mấy quyển sách chữ Pháp đặt cạnh đấy, mà ba tôi ít khi rời ra.
Ngoài cái sung sướng, hãnh diện có một người cha khác thường, thỉnh thoảng một vài cái xe ngựa đỗ lại ngoài cổng, đem đến nhà tôi những người ngoại quốc, lại làm tôi nghĩ ngợi về cái gia thế hẳn không phải là tầm thường của chúng tôi. Tôi thấy ba tôi nói chuyện với họ một cách dễ dãi quá. Người luôn luôn gật đầu, mỉm cười, khiến tôi nghĩ đến sự dồi dào chữ nghĩa ở bên trong khối óc hẳn phải rộng mênh mang! Thường thường, những buổi đàm luận rất thân mật kia đều được kết thúc bởi một bữa tiệc có bánh bích quy và rượu sâm banh.
Tôi thường hỏi anh tôi:
- Ba học ở đâu mà giỏi thế anh?
Anh tôi vênh mặt lên:
- Mày tưởng ba vừa chắc? Ba giỏi gấp trăm tao kia!
Chắc chắn là ba tôi phải giỏi, không còn ngờ gì nữa. Ba tôi đã có thể vào làng Tây được rồi. Nhưng tôi còn muốn biết thêm nữa, tôi muốn biết về mấy quyển sách đẹp đẽ mà ba tôi hay đặt lên ngực, khi mắt người lim dim, môi người mấp máy!
Nghe tôi hỏi thêm, anh tôi gắt với một vẻ tự phụ:
- “Lăngga făngxe, đíchxonne” (1), hỏi mãi!
Nhưng những điều dẫn giải ấy không gạch được vào óc tôi một nét sáng gì cả. Tôi đành phục ba tôi vậy. Cái con người kỳ lạ ấy là cả một sự khó hiểu với tôi, khó hiểu như cái ngôn ngữ xa lạ kia không biết nhờ ở một phép bí truyền gì, lại có thể kết được ý nghĩ trên đôi môi chỉ quen mấp máy thứ tiếng phương Đông.
Sau này, đem chuyện ba tôi ra khoe với các bạn cùng lớp, tôi bị họ chế giễu:
- Ba mày có nói tiếng Tây... giả cầy!
Mặc dầu, tôi vẫn tin ở tài trí của ba tôi, vì hàng ngày những bạn ngoại quốc vẫn đến, vẫn vui vẻ nói chuyện và vẫn vui vẻ ra về.
Hai năm sau đấy, một chuyện phi thường vụt xảy ra trong gia đình tôi: anh hai tôi đậu bằng Cơ thủy Pháp - Việt. Đậu được cái bằng Cơ thủy, vào hồi ấy, người ta có thể được bổ dụng ngay rồi. Anh tôi về nhà, tay xun xoe đốt một bánh pháo tép, đá vào đít tôi một cái, rồi chạy tọt lên gác báo tin mừng cho ba tôi. Thực là long trọng! Mấy người ngoại quốc ngồi cạnh đấy rối rít xoa đầu anh, xì xồ nói những gì làm anh đỏ mặt. Tự nhiên tôi cảm thấy hổ thẹn, ghen tỵ khi tôi thấy anh sung sướng chạy nhảy khắp nhà.
Tôi bảo anh tôi:
- Anh cũng không giỏi bằng ba đâu. Ba sắp mua cho em cái xe đạp ba bánh kia!
Anh tôi quay lại:
- Ừ thì mày có xe đạp ba bánh. Tao có tiền đây này.
Đoạn anh dằn lên nền gạch cho tôi nghe tiếng kêu coong coong của đồng bạc mới long lanh. Tức quá, tôi chạy lại bên ba tôi, khóc tấm tức:
- Bắt đền ba đấy. Ba không cho con tiền, ba cho anh Hai.
Ba tôi bế tôi vào lòng, rồi móc túi cho mấy đồng hào con mới tinh.
Thuở nhỏ, tôi chỉ được sống mấy năm sung sướng. Cái cơ nghiệp của ba tôi, những người nối tiếp là mẹ tôi và dì ghẻ tôi không giữ vững nổi. Chúng tôi sớm bị đuổi ra khỏi cuộc đời sung túc.
Trong tất cả những kỷ niệm ba tôi để lại, cái làm tôi nhớ nhất và tôi không hiểu tại sao lại nhớ đến thế, là con ngựa kim hoa trắng của ba tôi.
Những buổi trưa hè oi ả, mệt nhọc mang ba tôi từ những cánh rừng xa về, nó vui mừng hí lên khi nhận thấy cái mái nhà thân thiết trên đấy đậu mấy con chim bồ câu. Chân nó đập lên những lối đi quen biết, mồm nó ngoạm những cây cỏ ngon lành. Tôi chạy ra đón ba tôi và thường thường người giao cương cho tôi cột nó lại. Dưới cánh những con muỗi bay vo ve, nắng hoa xôn xao, da nó động đậy, mỡ mượt trong một vẻ đẹp đẽ, oai nghiêm riêng. Rồi những buổi trưa không còn có trong đời tôi nữa, tôi theo người nhà dắt nó đi tắm, đánh nó bơi qua sông. Tôi sung sướng cười vang trên mặt nước lòa nắng, cưỡi trên mình con ngựa kim hoa mà tiếng hí quen quen, tôi chắc đã lâu ngày rồi, không còn rền qua cánh đồng ngập cỏ nữa.
Bây giờ đời tôi chỉ còn lại những trời quạnh vắng, những buổi trưa đột nhiên vọng một tiếng gà gáy lạ lùng. Tôi thoáng thấy bóng người cưỡi ngựa về sau hàng rào, đi ngược lại thời gian, run run như chỉ đợi một hơi gió mơ hồ là biến mất.
Mẹ tôi bán dần dần nhà cửa, ruộng vườn để trả nợ, và cả con ngựa trắng cũng bị đổi lấy tám mươi đồng. Hôm mẹ tôi định bán nó đi, tôi thấy lòng buồn vô hạn. Tôi không mấy lúc rời cái buồng nhốt nó ra nữa, lưu luyến như đứa trẻ con bị đuổi khỏi căn nhà cũ, còn tiếc rẻ những chốn ăn nằm, đồ đạc quen thân. Tôi cầm một nắm cỏ đút vào mồm con ngựa trắng, vỗ vào mớ lông bờm trắng toát của nó. Từ ngày ba tôi mất đi, nó gầy gò thiểu não, mắt nó ướt và có ghèn, thỉnh thoảng cất tiếng hí không nhất định, mà tiếng hí mới buồn thảm làm sao!
Hôm người đến mua dẫn nó đi, tôi khóc bảo mẹ tôi:
- Mẹ đừng bán nó cho người ta. Mẹ để cho con.
Mẹ tôi thở dài:
- Nhà còn chả tiếc nữa là ngựa. Không bán đi thì xé xác ra mà trả nợ à?
Con ngựa ấy ngày nay đã chết. Cũng như ba tôi để lại cái danh vọng tàn của những ngày rực rỡ, nó cũng đã từng nổi tiếng một thời về nước kiệu hay.
Anh Hai tôi thường trêu tôi:
- Đồ người không nhớ người, lại nhớ ngựa. Rõ dở hơi!
Mà tôi dở hơi thật. Trên đường đời, tôi đã nhiều lần dở hơi như thế, và chắc sẽ phải dở hơi suốt đời...
Ngày nay, mỗi lần đi qua cánh đồng ngập cỏ, tôi vẫn còn phảng phất ngửi thấy mùi ngựa, nghe thấy tiếng ngựa, và hình dung một bộ yên cương vắng chủ, ngơ ngác đâu đây...
Chú thích:
(1) Từ điển tiếng Pháp.
2-1940
Rút từ tập truyện ngắn Chân trời cũ
Nhà xuất bản Á Châu, Hà Nội - 1946