Ngày gặp gỡ
Tác giả: Hồ Dzếnh
Ngày nhỏ, mỗi lần chán chúng bạn, tôi vẫn hay lại bên mẹ tôi cầu khẩn người kể lại sự cưới xin giữa người và ba tôi, rồi để tôi đem thuật lại với hàng xóm. Tôi còn nhớ nơi mẹ tôi ngồi kể chuyện là một cái hè bằng đất nện trước nhà. Từ đó, tôi vừa nghe chuyện, vừa nhìn ánh nắng chiều nghiêng xế, và những bóng lá lung linh. Có khi đương giữa câu chuyện, tôi véo má mẹ tôi mà hỏi:
- Đố mẹ biết bao giờ đến Tết? Đố mẹ biết con được bao nhiêu tiền phong bao?
Mẹ tôi khẽ gỡ tay tôi ra, lặng lẽ nói tiếp và lặng lẽ ru tôi ngủ mất lúc nào! Tuy nhiên, trong giấc mơ kỳ dị, tôi vẫn hình dung được cả đám cưới, chú rể là là ba tôi, cô dâu là mẹ tôi và, ... tôi là người dự lễ! Dần dần tôi lớn lên. Qua mẩu đời sum họp của hai người sinh ra tôi, tôi nhận thấy một định mệnh khe khắt, một duyên phận tăm tối và buồn rầu. Vì thế, tôi được biết rằng phần nhiều, hay tất cả cũng được, những bà mẹ Việt Nam đều phải đau khổ ngay từ lúc lọt lòng. Mọi sự do “Trời” định, các tâm hồn đó chỉ biết vâng theo một cách nhẫn nhục, một cách lặng lẽ, một cách chua xót vô cùng! Bao nhiêu thế kỷ rồi, những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hàng ngày, tầm thường và nhỏ mọn. Cuộc hôn nhân của mẹ tôi, đến nay, tôi mới thấm thía được hết cái đơn giản, cái nghi lễ của nó.
Và đến ngày nay, tôi mới hiểu mẹ tôi hơn lúc nào hết, người con gái lái đò trên sông Ghép ngày xưa, người mẹ Việt Nam một cách dịu dàng và cao quý.*
* * Cách đây hơn năm mươi năm.
Một buổi chiều mùa hè vàng rực.
Trên bờ sông Ghép lặng lẽ của tỉnh Thanh Hóa, dân làng Ngọc Giáp bỗng thấy bóng một người ngoại quốc, tay xách một gói vải xanh và đầu chụp chiếc mũ rơm đã vàng ỏng.
Người khách lạ có chiếc trán rất lạ: nó nhỏ nhưng nhô ra một cách bướng bỉnh. Nhất là đôi mắt, sắc như dao, bén như nước, nhìn vật gì thì như hút lấy vật ấy. Hai đặc điểm đó nhất định không được tạo bằng thủy thổ Việt Nam, mà là bằng tinh hoa của một dân tộc khác. Một vẻ gì xương xương, rắn rắn độn khắp mình người khách, biến cái thân thể thoạt trông thì gầy kia ra sự chịu đựng khó nhọc, ở đấy, một nghị lực bền vững tiềm tàng.
Khách mặc một bộ quần áo bằng lĩnh Quảng Đông, nguyên màu đen, nhưng sau khi trải nhiều phong trần, đã đổi sang màu xám kệch. Y phục ấy gợi được trong lòng người gặp, bao nhiêu là cảm giác thanh thú, hương vị xa xôi. Từ đằng xa, những gợn lụa phơ phất như những gợn gió trùng dương, và khi lại gần thì gió trùng dương lại chỉ toàn xông lên một mùi cá mặn!
Linh hồn Trung Quốc phát lộ ra trong từng bước đi, điệu đứng, trong sự trầm mặc, trông tìm, trong cả cách đưa năm đầu ngón tay có móng dài vẩn ghét lên gãi sồn sột chiếc đầu gần như húi trọc tếch.
Đêm về trong những bước nhẹ, hắt hiu bốc hơi lên mặt sông. Nắng tắt dần dần chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn của Giang Tây, Hồ Bắc, hoàng hôn ở đây ưu hoài như một chinh phụ nhớ chồng.
Và như một gã giang hồ chạnh lòng khóc nước.
Tuy nhiên, đôi mắt trong và sáng kia không hề vẩn bởi mầu sắc thê lương, vẫn quắc lên nhìn những đợt sóng nhuyễn nhàng bò quanh mấy con thuyền ngái ngủ. Cử chỉ lạnh lẽo đó thật là trái hẳn với cảnh sông nước buồn rầu, cái cảnh tầm thường nhưng đã làm chuyển dời bao nhiêu cuộc đời ngang dọc.
Khách ngồi xuống vệ cỏ, không để ngắm cảnh chiều, mà để tháo cái gói vải từ bao lâu vẫn đeo ở tay, lấy ra một gói cơm nắm. Rồi không dao, không đũa, khách bẻ ngoắt nửa nắm cơm, đưa lên miệng, trong khi mấy ngón tay lần gỡ từng miếng cá khô. Đôi lúc khách ngừng nhai, chép miệng cho thấm xuống đáy lòng cái hương vị đậm đà của bữa cơm lưu lạc.
Chỉ sau mươi phút, không còn một miếng cơm, một khúc cá nào sót lại trên mảnh lá chuối héo. Tất cả lương thực ngọt ngào trôi qua cổ họng, đảo lộn trong cái dạ dày vô bệnh, để biến thành những dòng máu hùng cường luân lưu nuôi mạch sống, và nuôi lớn mãi cái chí nguyện giang hồ.
Ăn xong, khách xoa tay đứng dậy, bước xuống bến sông rửa mặt và vốc nước uống, rồi lại trở lên nằm, đầu gối trên bọc hành lý. Tất cả những công việc ấy như đã được ấn định theo một phương pháp, nên có mạch lạc và quy củ hẳn hoi. Khách nằm rất bình tĩnh, tay chân duỗi thẳng, mặt hướng lên không gian, tâm thần nhập định. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy loáng trên bụng khách một lưỡi dao nhọn như lá bùa hộ mệnh đặt ở đấy từ bao giờ.
Trời quang lấp lánh sao, hứa một đêm phẳng lặng. Gió sông lên đầy. Làng mạc, xa xa, chìm mờ trong bóng tối, đôi lúc để lọt ra vài tiếng chó sủa ma. Mấy điểm đèn hạt đậu run trên sông như những con mắt buồn từ kiếp trước. Bỗng, giữa khoảng triền miên rộng rãi, ngân đưa một điệu hát lơ lửng bay trên dòng nước, một điệu hát đò đưa, trầm trầm, lặng lẽ:
Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền,
Muốn về bên ấy nhưng duyên lỡ rồi!
Nhịp hát gần lại và xa đi theo chiếc thuyền nhỏ, cô độc, ảo não, trong sự tỏ bày kín đáo của một tấm lòng thương nhớ mênh mông.
Ở trên bờ sông bên này, người khách đã đứng dậy, tay nắm chuôi dao, mắt nhìn cái vệt lửa của chiếc thuyền đặt mờ trên mặt nước.
Thuyền hình như lại gần, vì sóng vỗ vào mạn đò mỗi lúc một mạnh. Và sau khi nhận đúng là một chiếc đò chở khách, người lữ hành của đất nước Trung Quốc hò lên:
- Tồ ui! (Đò ơi!)
Sóng nước trả lời lại cái giọng kêu quái gở bằng một bóng vang lạnh lẽo. Tiếp đến tiếng từ dưới sông vọng lên, cái tiếng nhỏ nhẹ của người con gái xứ Trung Bộ:
- Ai gọi đò?
Một phút yên lặng. Người khách lạ khó nhọc lắm mới kiếm được câu trả lời:
- Ng... ộ... ộ! À “tui tây” (À tôi đây!)
Nói xong khách xăm xăm bước xuống đò, trước vẻ ngạc nhiên vô cùng của thiếu nữ.
Đò quay mũi, thiếu nữ yên lặng chèo. Tiếng sóng khua, làm rộn vào lòng nàng một nỗi lo sợ kín đáo. Vừa chèo, nàng vừa liếc nhìn người khách lạ mà thoạt trông, nàng có cái cảm tưởng hãi hùng như gặp một tên giặc cướp tàu ô ghê gớm.
Đò đã ra giữa sông. Một làn gió thổi mạnh. Người khách lạ lúc này đã như rời bỏ những tư tưởng riêng, bắt đầu ngoảnh lên nhìn thiếu nữ. Đó là một cái nhìn rất lẹ, nhưng rất chắc, cái nhìn vẽ rõ ra một sự quyết định, khiến thiếu nữ bậm môi lại, và tuy trong bong bóng sao mờ mờ, e thẹn nhìn lảng ra ngoài xa... Một thoáng cười chạy qua môi khách, làm dịu hẳn vẻ hung tợn vừa rồi khiến thiếu nữ sợ hãi.
Là vì lần đầu tiên trong đời, nàng chịu cái nhìn sắc mắt đó. Nó không tìm ở người nàng những điểm đẹp đẽ, mà chỉ cốt khám phá những điều kiện cần thiết cho sự gây dựng hạnh phúc gia đình, sự vững bền của nòi giống. Và biết đâu, trong khi nghĩ đến những gương cần mẫn đã từng lấp lánh phản chiếu cái đẹp huyền bí, thần thánh của góc trời phương Đông, người lữ hành kia đã không quan niệm người đàn bà Việt Nam như đã quan niệm người đàn bà Trung Quốc?
Cho nên, dưới bóng sao đêm ấy, trên dòng sông khuya, người con gái Việt Nam đã che đôi má ửng hồng trước một người khách lạ và cùng lúc không hiểu sao, nàng thấy ngậm ngùi chua xót...
- Nhà “nị” ở đâu?
Người con gái ngơ ngác một lúc lâu, rồi mới hỏi:
- Nị? Nị là gì? Tôi không hiểu.
Khách cũng ngẩn người trong vài phút mới tìm được cách cắt nghĩa:
- Nị là... nị! Là...
Một ngón tay theo câu nói bỏ dở, chỉ thẳng vào thiếu nữ khiến nàng không nhịn được cười:
- A! Nị là cô?
Khách lộ vẻ sung sướng đột ngột như người học trò không thuộc bài vừa được bạn nhắc:
- Cô ở đâu?
Thiếu nữ mỉm cười, đưa tay chỉ một cái xóm nhỏ gần đấy, nơi hắt hiu sáng vài chấm đèn dầu lạc loáng thoáng qua hàng rào tre thưa mỏng. Trong đêm, vẳng đưa tiếng chầy giã gạo, đều đều rơi vào giữa cảnh tĩnh mịch, như kéo giãn thời khắc buồn bã không bao giờ tàn.
Đò ghé bến.
Người khách toan đưa đồng xu cầm sẵn trong tay cho thiếu nữ, bỗng lại ngần ngại:
- Cho “tui” ngủ một đêm ở nhà cô nhé?
Thiếu nữ đặt con sào lên thành đò, ấp úng:
- Ông hỏi mẹ tôi ấy. Tôi không biết!
Nói đoạn nàng bước vội đi trước, nhưng đôi lúc chậm chân lại, vì biết người khách đương rảo bước theo.
Đến một cái ngõ tre, thiếu nữ cất tiếng gọi:
- Mẹ này, có ông khách “Tàu” xin ngủ trọ.
Một bà cụ trạc năm mươi tuổi, tay cầm chiếc đèn con, từ trong nhà đi ra:
- Ai? Ai mà trọ với ngủ?
Người khách lạ cúi đầu chào bà cụ một cách kính cẩn. Bà cụ đáp lễ xong, quay lại bảo người con gái:
- Con xem dọn nhà trên, rồi nhường cái giường cho ông ấy nằm.
Bà cụ nói vừa dứt, cô gái đã vùng chạy vào bóng tối, đem theo cái mặt chắc là phải đỏ hơn ban nãy nhiều.
Trong khi ngồi tiếp chuyện khách, bà cụ thành thực hỏi:
- “Chú” đã xơi cơm chưa, để tôi bảo cháu nó nấu?
“Chú” khách cũng thành thực trả lời:
- “Tui” ăn cơm rồi. Tui ăn ở ngoài bờ sông!
Câu trả lời tự nhiên và ngờ nghệch đó khiến bà cụ mỉm cười và khiến cô gái đương ngồi đun nước gần đấy, cũng sặc cười theo.
Nhìn cả hai miệng cười cùng một lúc, người khách ngơ ngác đưa mắt liếc hai bà con chủ nhà:
- Cười? Cười “tui”?
Bà cụ đỡ lời:
- À, cháu nó thấy ông lạ.
Đêm ấy là đêm đầu tiên trong cuộc đời giang hồ, người lữ khách đặt lưng trên chiếc giường tre ẽo ợt, giữa những tiếng và hình ảnh khác hẳn với những cái quen biết ở quê hương.
Mái nhà tranh lợp sơ sài, để chảy xuống mặt khách một dòng ánh trăng hạ tuần, và ngừng lại ở đấy thành những đồng hào mới long lanh.
Gió thổi trong vườn cau, xào xạc.
Tịch mịch dễ làm đuối lòng người. Lữ khách lúc này, đã thấy chết chí phiêu lưu, bôn tẩu, để cảm khái trong niềm thương nhớ, trong giây phút chạnh lòng tưởng đến một mảnh đất xa xôi.
Lữ khách ngạc nhiên ghé tai vào cõi yên lặng, cái yên lặng mênh mông và u uất, không bị phá bởi một tiếng súng bắn cướp nào như ở quê hương.
Mấy tiếng tù và khuya rúc lên, bay vào gian nhà vắng. Lắng biết mọi người đã ngủ yên cả, vị thần tử của giang sơn Trung Quốc vắt chân chữ ngũ, khe khẽ ngâm một bài thơ cổ, qua nỗi xúc động đột nhiên tụ lại trong người:
Uỵt loọc, vú thày sướng mủn thín,
Coóng phống, dì phổ, tui sàu mìn,
Cú chấu sèng ngồi Hồn Sán sì.
Dề pun, chống séng tâu hác sin.
(Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền...) (1)
Ngay lúc ấy, từ gian buồng bên nổi lên mấy tiếng gì như chuột rúc. Lữ khách, thấy đứt mạch cảm hứng, càu nhàu trong bóng tối:
- Ấy dà! Cẩm tố xỉ a! (Chà! Lắm chuột thế!)
Nhưng đó không phải là tiếng chuột rúc. Đó là tiếng người con gái chở đò ban tối cười qua hai làn môi kín đáo khép lại.
Chú thích:
(1) Bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, đời Đường.1 – 1940
Rút từ tập truyện ngắn Chân trời cũ
Nhà xuất bản Á Châu. Hà nội, 1946.