watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đi Qua Giao Thừa - tác giả Hoàng Đình Quang Hoàng Đình Quang

Đi Qua Giao Thừa

Tác giả: Hoàng Đình Quang

Tôi vừa mở mắt, trời đất hãy còn lờ nhờ tối đã thấy Thuật bưng về hai chậu cúc vạn thọ, miệng cười toe:
-Đại hạ giá, mày biết cặp vạn thọ này nhiêu không Bình? Có tám ngàn...
Tôi định thần, lắng nghe tiếng động ầm ì, lao xao bên ngoài, thầm nghĩ: Đây là Sài Gòn, đây là nhà Thuật, và sáng nay đã là ba mươi Tết... Thế là mình lại thêm một cái tết xa nhà. Tôi rửa mặt, giúp Thuật trưng hai chậu vạn thọ ra phòng khách rồi nhìn sang bên kia đường. Một nồi bánh chưng nghi ngút khói trên hè, tiếng trống lân lùm bùm, giục giã. Cái tâm trạng vừa người lớn, vừa trẻ thơ bỗng lâm râm lan tỏa trong lòng tôi. Người lớn ở nỗi buồn man mác, vương vấn nỗi sầu xa xứ, nhất là trong những ngày đoàn viên, quây tụ. Nhưng nỗi háo hức trẻ thơ cũng bừng bừng ập tới, nói vón hòn, kéo cục trong từng hồi trống múa sư tử, từng đụn khói mập mờ bên trên nồi bánh chưng, tỏa mùi lan man trong ký ức.
-Mày ở nhà, tao đi lòng vòng chút, đỡ buồn. Tôi bảo Thuật
-Nhớ về sớm, trưa nay bà già cúng tất niên... Đi đâu lấy xe máy mà đi nè!
Tôi ừ ào nhưng không lấy xe mà lững thững trôi theo dòng người hối hả, mải mê sắm Tết. Đi mãi, như một người lãng tử, thỉnh thoảng ngẩng lên bắt gặp một gương mặt lạ, tôi bỗng mỉm cười, mà chẳng mấy khi nhận được nụ cười đáp lại, dù chỉ thoang thoảng. Bất thần tôi dừng lại và nhận ra trước mặt là nhà ga xe lửa. Tim tôi thót lại: đường về nhà tôi đây rồi. Cả tháng trước tôi đăng ký mua vé về quê nhưng không được, người đông quá, xe lửa phục vụ không xiết. Thấy tôi bần thần, Thuật bảo: Thôi, Tết này mày về Sài Gòn ăn Tết với tao. Má tao quý mày lắm, có mày thế nào bả cũng mừng hết lớn. Tôi gật đầu, mãi trưa hăm tám, hai thằng mới nhảy xe đò từ Rạch Giá lên thành phố. Đêm nằm nghe tiếng rao mì gõ lách chách, tiếng rì rầm ngoài xa... lòng tôi se lại, muốn rơi nước mắt...
Nhà ga vắng vẻ, không còn cái cảnh ầm ĩ như mấy hôm trước. Tiện chân tôi vào đại sảnh thấy mấy người đứng tha thẩn. Chắc cũng cảnh như tôi. Một ông già nhìn tôi rồi hỏi bằng giọng miền Trung, khá nặng:
-Cậu đi tàu à? Còn chuyến chót, mười một giờ...
Tôi im lặng, nhìn đoàn tàu nằm say ngủ, vẻ mệt mỏi.
-Vẫn còn tàu hả bác Hai?
-Còn. Nhưng đón giao thừa trên đường. Cậu đi không?
Tôi gật đầu, tiến lại quầy vé, mua một vé nằm ra Hà Nội. Mua rồi, tôi mới thấy hối hận, vì giờ tàu chạy đã sát lắm rồi, mà trên người tôi chỉ có bộ quần áo đang mặc. Kệ! Tôi đến quầy bưu điện gọi cho Thuật, báo tin tôi sẽ lên tàu sau mười lăm phút nữa. Nói má thông cảm...
Trên khoang bốn giuờng nằm, ngoài tôi và ông già miền Trung còn có một chị phụ nữ chừng tuổi bốn mươi và cô con gái. Họ ăn mặc nhìn thấy xuềnh xoàng, cẩu thả nhưng lại là hàng hiệu chín cống, có lẽ rất đắt tiền. Chúng tôi gật đầu chào nhau thân thiện.
-Tôi xuống Quảng Nam, còn chú? Đi Hà Nội hả? Tôi gật đầu, rồi nhìn hai mẹ con người đàn bà đồng hành:
-Chị xuống ga nào?
Chị cười, nụ cười buồn buồn, còn cô con gái nhí nhảnh, đáp lời tôi bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ:
-Con cung đi Ha Nọi!
Tàu chuẩn bị chạy thì Thuật ào tới, quẳng cho tôi cái túi xách:
-Đi đi! Chúc thượng lộ bình an. Gửi lời thăm cả nhà. Vào nhớ có quà miền Bắc...
Tôi nắm tay Thuật qua cửa sổ, nghẹn ngào gật đầu. Chuyến tàu cuối cùng trong năm vắng khách, hình như ai cũng có cái vẻ thảng thốt. Tôi lôi tờ báo cũ ra đọc được một lúc thì ngủ mất. Lúc tỉnh dậy đã thấy đoàn tầu đang băng qua những ngọn núi trọc của miền biển duyên hải. Ông già miền Trung ngồi im như tượng, còn hai mẹ con người đàn bà bận hàng hiệu thì thi nhau ngoái cổ ra cửa sổ, chỉ trỏ những cánh rừng cao su trơ trụi lá vàng. Thỉnh thoảng họ lại nhìn nhau, rồi cùng hướng về phía biển đông xa thẳm.
Nắng hanh chiều nhợt nhạt rồi chuyển sang màu tím sẫm. Tôi tụt xuống tầng dưới, ngồi cạnh ông già. Bất chợt, tôi nhận ra nơi cổ ông có một vết sẹo đen, chạy hút vào trong cổ áo. Vẻ mặt căng thẳng và cái nhìn mệt mỏi của ông lão khiến tôi buột miệng hỏi một câu vô tình:
-Bác đói chưa?
Ông ngoảnh lại nhìn tôi, khẽ lắc đầu:
-Không! Tôi không muốn ăn gì. Đêm nay thế nào nhỉ? Ông hỏi tôi nhưng cặp mắt mệt mỏi lại hướng vào người đàn bà đối diện. Chị im lặng cúi xuống tìm một thứ gì đó trong chiếc túi du lịch căng phồng. Cô con gái thấy ông lão nhìn, thì quay sang ngó mẹ, nói bằng một câu gì rất nhỏ, tôi không nghe rõ. Có lẽ đó là một câu tiếng nước ngoài. Lát sau, chị lấy từ trong túi ra một đòn bánh tét dài chừng gang tay, lễ phép:
-Bác với cậu hãy dùng tạm...
Tôi cầm đòn bánh thay ông già:
-Sao hôm nay nhà tàu không bán cơm phục vụ hành khách nhỉ?
-Hồi nãy, lúc cậu ngủ, người ta có hỏi xem ai dùng gì thì họ đem tới. Tôi nói chúng tôi không ăn gì, nên họ đi rồi.
Con tàu vẫn miệt mài trên hai thanh ray đường sắt, như thể nó cố sức bon về phía đích. Vào những khúc cua ngoằn ngoèo, nó như anh chàng chạy đường dài đuối sức, khệnh khạng, ngả bên này, nghiêng bên kia. Loáng cái, trời đã tối sập xuống, bóng đèn điện đỏ quạch lóe lên, rồi lại tắt, phải đến hai ba lần mới chịu sáng hẳn. Khoang giường nằm bỗng dưng ấm hẳn lên, chúng tôi như đang ngồi xích lại gần nhau.
Lúc này tôi mới nhìn kĩ cô bé đang ngả đầu trên vai mẹ, đôi mắt xanh biếc vẫn dõi ra cửa sổ, thỉnh thoảng lại chớp chớp, tỉnh táo. Hai bím tóc vàng lắc lư theo nhịp con tàu, còn chiếc mũi cao thì phập phồng như để hít thật nhiều mùi gió biển. Bỗng nó lay vai mẹ chỉ về một chấm sáng đang nhấp nháy ngoài xa:
-Mẹ! Sao Trời kìa...
Người mẹ nhìn tôi như muốn nhờ giải thích, tôi hỏi ông già:
-Ngoài kia là biển phải không bác?
-Phải! Biển đấy. Cái chấm sáng đó là ngọn đèn câu. Không biết ai mà giờ này còn ở ngoài ấy? Tưởng mình cực, ai dè còn có người cực hơn!
Ông già thở dài một nhịp, rồi như ẩn ức điều gì, gặp dịp tuôn ra:
-Nghề câu biển lựa đêm ba mươi tối trời như vầy mới có ăn. Hồi tôi còn khỏe cũng ham đi lắm, có đêm câu được con cá trên năm chục ký. Toàn thân màu vàng óng, rực rỡ. Ai cũng bảo đó là con cá vàng...
-Bác có vẻ thuộc vùng biển này nhỉ?
-Thuộc hết, cả dưới biển lẫn trên bờ, từ đây ra mãi ngoài Vũng Quất, Đà Nằng... Hồi đó tôi là bộ đội, hồi đánh quân Mỹ ấy. Ông già ngưng một chốc, nhìn cô gái tóc vàng, tuồng như nghĩ ngợi xem có nên nói thêm một câu gì đó nữa không. Người đàn bà hiểu ý, chị nói như để thanh minh:
-Ba cháu là một người Mỹ, trong Hội chữ thập đỏ...
-Cháu được bao nhiêu tuổi rồi?
Cô bé nhìn mẹ rồi trả lời ông già:
-Dạ, con mười tám...
-Cháu đẹp lắm! Cháu có hiểu ông nói gì không?
-Dạ hiểu! Ông là một người anh hùng!
Câu nói hồn nhiên của cô bé khiến ông già và tôi cùng cười to, mẹ cháu cũng cười. Còn cô bé thì hồn nhiên ngả đầu vào vai mẹ. Lát sau cô bé nói thêm:
-Ông là một anh hùng du kích, phải không? Người anh hùng du kích Việt Nam không giống những anh hùng bên Mỹ...
-Thế à? Anh hùng bên Mỹ thế nào mà cháu bảo khác với Việt Nam?
-Họ mặc quần jean, áo da, bắn súng ru lô bằng hai tay, nhảy từ nóc nhà này qua nhà kia, phóng ô tô trên siêu tốc, ào ào... Cô bé tròn mắt làm điệu bộ dữ tợn. Còn anh hùng du kích hiền khô à! Họ cởi trần bôi sình lên người rồi đột nhập căn cứ quân đội Mỹ... Phải không ông?
-Cháu hiểu đúng đấy, nhưng người du kích không phải lúc nào cũng hiền khô đâu. Cháu có thấy vết sẹo này không? Ông già vạch một bên vai áo, để lộ vết sẹo đen dài, như thể đỏ bóng xuống dưới ngọn đền nhà tàu, đỏ quạch. Ông đánh nhau với một tiểu đội Mỹ, bị chúng đâm vào mặt, nhưng ông tránh được, nên nhát dao chếch xuống vai. Ông đã giết chết người lính tội nghiệp đó, rồi bị bắt trói, treo tòn teng trên sợi dây từ máy bay trực thăng...
Cô bé rùng mình:
-Sao ông thoát?
-Ông không thoát, mà bị giam giữ đến ngày hòa bình...
Chị phụ nữ lắng nghe câu chuyện của ông gà, rồi cũng góp chuyện:
-Chắc giải phóng rồi, bác làm lớn?
-Không! Ông lắc đầu. Tôi có tham gia một chức vụ nhỏ ở xã, rồi sau đó nghỉ để mần ruộng. Tôi không thích hợp với quyền lực, chức vụ. Mình gốc gác nông dân mà, phải không cậu?
-Bác đi làm ăn gì trong này mà về muộn quá vậy. Tôi hỏi với một chút tò mò.
-À, năm rồi quê tôi bào lũ triền miên, ruộng vườn tan nát hết trơn, không có việc gì làm, ở không thì đói, mà lại buồn. Nghe người ta vô Nam bộ làm mướn tôi cũng đi theo. À, mà tôi ra tận đảo Phú Quốc làm mướn cho người ta đó, cậu! Cắt mực, hái tiêu... nhiều việc lắm. Mải làm kiếm chút tiền về tết, nào ngờ lên Thành phố, không mua được vé tàu, tính ăn tết vỉa hè rồi chớ... Rồi ông vỗ vào cái bọc để dưới chân, khoe có ít tiêu sọ, người chủ biếu về làm quà...
Mọi người im lặng, theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Chỉ có tiếng gió ù ù, xen với tiện thở gấp của con tàu. Cô bé lai tóc vàng có vẻ buồn ngủ, nó duỗi cặp chân trần trắng lóa sang gác lên tấm ván tôi đang ngồi. Bỗng đoàn tầu chạy chậm lại rồi kéo còi liên hồi. Có chuyện gì chăng? Tiếng loa ọc ạch trên vách:
-Kính chào quý vị hành khách đang có mặt trên đoàn tàu S7, trong chuyến hành trình dọc đất nước Việt Nam, và cũng là chuyến tàu xuyên qua giao thừa, để tiến vào năm mới. Bây giờ đang là giờ khắc thiêng liêng! Toàn thể cán bộ, nhân viên trên tàu kính chúc hành khách sang năm mới được an khang thịnh vượng. Sau đây, đoàn tàu sẽ có quà mừng năm mới gửi đến quý hành khách. Món quà nhỏ, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ giúp một chút sưởi ấm lòng những người đang trong cảnh tha hương...
Tự dưng tôi bật khóc. Không sao giữ nổi nước mắt. Cô bé tóc vàng nhìn tôi tò mò:
-Sao chú khóc? Chú không có nhà để về à?
-Không! Tôi cảm thấy xấu hổ. Không, tôi có nhà chứ. Tôi khóc vì hạnh phúc, vì luôn được ở bên đồng bào mình...
Bây giờ thì đến lượt người đàn bà ngồi đối diện với tôi rơi nước mắt... Nhân viên trên tàu đem đến cho chúng tôi một mâm quà có chiếc bánh chưng, gói mứt và một chai rượu màu. Cô nhân viên mặc rất đẹp, lễ phép rót rượu mời chúng tôi phải uống! Không ai khóc, nhưng cũng không ai cười, tất cả đều trầm mặc. Uống hết cốc rượu, bất ngờ, ông già du kích đứng dậy, nói bằng một giọng nghèn nghẹn, khá văn vẻ:
-Tới nhà tôi rồi, tôi phải xuống đây! Chúc hai mẹ con chị với cậu đây tiếp tục cuộc hành trình...
Tàu dừng trong năm phút, tôi bảo ông già:
-Bác cứ xuống đất trước đi. Cháu đưa cái gói này qua cửa sổ cho bác...
Tôi cúi xuống tưởng cái bọc khá nặng, nhưng bị mất đà, vì nó quá nhẹ Những hột hồ tiêu lạo xạo trong túi vải, tỏa mùi cay nồng. Tôi nhoài hẳn người ra cửa sổ, đưa cái bịch cho ông lão. Ông còn đứng một lúc, hướng cặp mắt mờ, hấp háy nhìn lên, và nói với cô gái tóc vàng:
-Cháu đi vui nhé! Nếu gặp những người anh hùng nước Mỹ, nói ông gửi lời chào. Hẹn có ngày gặp lại...

Tàu chuyển bánh, tôi chỉ nhìn thấy khuôn mặt và cả cái dáng nhỏ bé của ông già như chạy giật lùi về phía sau, phía của quá khứ. Cô bé bật hét lên: Ông ơi! Ông về đâu?
Tôi ngồi xuống, uống nốt cốc rượu rồi đi nằm. Không ngủ được, mọi ý nghĩ cứ đổ dồn về một mối: Bình! Mày đã hai mươi bốn tuổi!
Tôi tỉnh giấc, nhìn qua cửa sổ thấy phong cảnh miền Bắc. Sắp tới ga cuối cùng rồi! Sắp về đến nhà rồi. Kể từ khi tốt nghiệp đại học, theo một người bạn xin việc vào tận Kiên Giang, làm cho một cơ xưởng máy thủy, hôm nay tôi mới trở lại nhà mình. Lại là ngày mồng một tết. Buồn vui lẫn lộn.
Tàu chạy chầm chậm vào ga Hàng Cỏ. Tôi ngồi ôm cái túi của mình, mà thấy người đàn bà vẫn thản nhiên ngó ra cửa sổ. Tôi luôn muốn hỏi chị một câu, nhưng nghĩ không tiện, lại thôi. Nhưng trước khi chia tay, tôi phải hỏi:
-Chị xuống Hà Nội, có người nhà à?
Chị lắc đầu, im lặng. Dường như thấy thế là bất tiện, chị nói nhỏ. Quê tôi ở Vĩnh Long, lấy chồng sang Mỹ. Hai mươi năm rồi. Tuy ở quê nhà không còn bà con nhưng tôi vẫn dẫn con gái về quê hương cho nó biết. Mà phải về vào dịp tết...
-Chị ra ngoài này thăm ai?
-Không! Tôi chỉ đi thôi, đi cho hết chiều dài đất nước mình. Khi nào con tàu quay lại, hai mẹ con tôi lại mua vé trở về...
Tôi thấy mình không nỡ chia tay người mẹ Vĩnh Long và cô gái tóc vàng. Nhưng phía kia, ra khỏi thành phố này đã là làng tôi, là mái nhà của tôi. Tàu dừng hẳn, tôi bước đi mấy bước, gần xuống bậc thang cửa toa, ngoảnh lại, vẫn thấy họ ngồi yên. Tôi quay lại nắm tay cô bé:
-Xuống! Xuống đi với anh. Anh chỉ cho nhiều thứ của đất nước mình lắm!
Cô bé bị kéo đi nhưng vẫn níu tay tôi lại, ngoái cổ nhìn mẹ, như dò hỏi. Người đàn bà tỏ ý bằng lòng, gật đầu nhè nhẹ.
Tôi hiểu rằng, đó là cái gật đầu mà chị dành cho không chỉ đứa con gái lai tóc vàng của chị, mà còn dành cho cả tôi.

Các tác phẩm khác của Hoàng Đình Quang

Cánh Đồng Lưu Lạc

Triết lý thợ hồ

Phiên Chợ Tết Cuối Cùng

Người thợ sửa giày góc phố

Một người Sài Gòn

Lan huệ sầu ai

Hành hương

Anh Dậu của tôi

Phản Trắc