watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hành hương - tác giả Hoàng Đình Quang Hoàng Đình Quang

Hành hương

Tác giả: Hoàng Đình Quang

C ông việc của tôi ở thành phố Hồ Chí Minh chưa lần nào lại vất vả như chuyến công tác cuối năm này. Vụ việc phức tạp đến nỗi trưa ngày hăm bảy Tết mới họp để các bên ký vào biên bản. Sự việc cũng không đơn giản, mặc dù trước đó, chúng tôi đã phải vất vả hơn một tháng trời thu thập số liệu, chứng cứ để kết luận. Có người ghé vào tai tôi: “Các ông nhè nhẹ tay một chút, vé máy bay ra Hà Nội đã chuẩn bị sẵn rồi! Anh em trong này cố gắng để ông về ăn Tết với gia đình, một cái tết xứng đáng với công lao của ông!”. Tôi hiểu câu nói “chân tình” này, nhưng không thể được. Họ cố tình rây rưa, trì hoãn để chúng tôi nản lòng, chấp nhận một kết luận như ý họ. Chiều hăm tám, năm nay tháng Chạp thiếu, thành ra hăm chín rồi, biên bản đã được ký nghiêm túc. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm, về phòng khách, nhìn giường chiếu xếp gọn ngay ngắn, không có chăn màn, phích nước như mọi ngày, máy điện thoại cũng đã gỡ. Họ đuổi mình đi đây, cũng phải thôi, công việc xong rồi, lại năm hết tết đến, ai còn hầu mình nữa. Tôi hỏi chị phục vụ, nhưng chị tránh mặt, mãi sau mới nói nhỏ: “Chú có ra Hà Nội thì đi lè lẹ lên!”. “Sao vậy, chị Ba?”. “Tôi không biết, nhưng ngày mai là ba mươi rồi!”.
Tình cảnh của tôi lúc này mới đáng ngại làm sao, không còn vé máy bay, vé tàu cũng không kịp ra trước tết. Lòng tôi như lửa đốt, không biết vợ tôi và hai cháu Tết này, vắng tôi rồi ra sao? Chạy đến mấy chỗ quen biết, họ cũng nghỉ rồi, có gặp được, họ cũng lắc đầu, chỉ được cái tốt mời nhậu. Nhưng lòng dạ tôi còn gì mà uống, mà ăn...
Đang thất thểu trên vỉa hè, chợt có chiếc ô tô du lịch biển số tư nhân đậu xịch trước mặt tôi. Từ trong xe, một người đàn bà đẫy đà, nhô đầu qua cửa kính đon đả:
- Cậu Vận! Chết thôi, sao giờ này mà còn láng cháng ở đây?
Hóa ra chị Ngọc, chị họ con ông bác ruột tôi.
- Công việc sáng nay mới xong, em đi chạy vé máy bay nhưng không còn. Tôi nói gần như mếu.
- Vào đây, đứng ở ngoài ấy cho chết nắng. Chị nhích vào nhường chỗ cho tôi, rồi giục tài xế. Chạy đi chú Triều, về qua công ty cái nhá. Tôi tưởng cậu ra lâu rồi kia chứ? Làm cái gì? Làm lấy sống hay là làm lấy chết mà các cậu cố kiết thế? Liệu có bỏ tù được hết cái đám ấy không? Thế thủ trưởng của cậu đâu mà đem con bỏ chợ thế này?
Trước những câu hỏi dồn dập của người chị họ vốn tính tình đã táo tợn, bỗ bã, ruột gan tôi lạnh toát:
- Họ hứa mua giúp vé máy bay cho em, nhưng giờ chót...
Chị Ngọc cười rung cả xe:
- Giờ chót cậu cho họ vào xiếc chứ gì? Hèn nào, nó cho cậu đi máy ủi là phải. Tôi nói thế có đúng không? Tôi nghiệp cậu em tôi, cán bộ nhà nước đã bạc cả đầu rồi mà còn ngây thơ. Thôi, không tài nào kiếm nổi vé cho cậu được đâu, trừ phi cậu là Tổng Bí thư hay Thủ tướng đi công cán thì họa may. Ở trong này ăn Tết với chị một năm cho vui. Cũng là “đắm đò giặt mẹt”, chứ bình thường ngày dưng cậu còn ngại đến chỗ chị nữa là ngày tết...
- Em lo quá, không biết tết nhất này, không có mình ở nhà, mẹ con các cháu xoay xở ra sao...
- Cái gì?
- Lại còn họp họ nữa. Em nghe ông cụ Hoàn Cả nói năm nay muốn bổ sung cuốn gia phả.
Chị Ngọc móc bao thuốc 555 ra rút một điếu rồi chìa cho tôi. Nghe tôi nói thế, chị nhèn điếu thuốc ra khỏi miệng, nhổ phì phì rồi nhìn tôi với cái nhìn giễu cợt:
- Sao cậu khéo lo thế? Gần chục năm cậu vào bộ đội, rồi đi B, đi C, mút chỉ cà tha, dễ thường ở nhà người ta chết cả đấy? Nói cậu đừng giận, tôi là tôi nói thẳng, nói thật. Cán bộ nhà nước các cậu quen thói dạy đời, coi mình là quan trọng lắm. Đụng một tí thì bận quá, thì khó quá. Đến cả vợ con, cha mẹ, họ mạc cũng phải nể vì, nhìn các cậu cứ như ông thánh ấy...
Tôi nhìn chị, dở cười, dở mếu:
- Chị cứ nói quá. Công việc nó vậy chứ nào ai muốn...
- Nói chơi vậy thôi, tết này ở trong này cho nó biết mùi Tết Sài Gòn. Ngoài tết ít người đi lại rồi tôi bảo chúng nó lấy vé cho mà ra. Đâu? Quần áo, tư trang để đâu rồi? Nhà khách hả? Giờ này không biết có còn ma nào không. Cậu Triều này, đưa chị em tôi về công ty rồi cậu chạy lên nhà khách Thủy sản lấy hành lý của cậu Vận đem về giúp giùm chị nghe...
Cậu lái xe còn trẻ, để hàng ria mép thưa thớt, khẽ gật đầu dạ. Tôi phân trần:
-Thế cũng được, nhưng chị cho em về qua nhà khách để em chào mấy người phục vụ. Hơn tháng trời, họ chăm lo hầu hạ mình, lẽ nào lúc chia tay không nói với nhau được một câu chân tình...
Chị Ngọc nhìn tôi cười ruồi ý nhị, tôi tảng lờ coi như không biết, không hiểu. Thế là, sau gần hai chục năm thống nhất đất nước, lần đầu tiên tôi ăn Tết ở nhà chị tôi và cũng là cái Tết đầu tiên ở Sài Gòn.

******


Sáng mồng một, trời âm âm nóng. Tôi dậy sớm. Thật ra suốt đêm, từ sau giao thừa cho tới sáng, tôi không tài nào ngủ được. Tôi vào toa-lét rửa mặt mũi rồi vào thắp chín nén hương trên ba cái bát hương, khấn bác cả và ông bà nội. Chị Ngọc là con gái bác Cả, anh ruột bố tôi. Năm 1954 bác đem cả nhà vào Nam, lúc ấy chị Ngọc mới độ chín, mười tuổi còn anh Ngân mười bốn. Năm 1975, vợ chồng anh Ngân cùng với bác gái di tản sang Mỹ, ở nhà còn bác trai và vợ chồng chị Ngọc . Mấy năm sau bác Cả sống với bà vợ hai, rồi qua đời để lại bà vợ xấp xỉ tuổi chị Ngọc một mình, không con cái. Bây giờ thì bà dì ghẻ ở với chị Ngọc, làm bà, làm mẹ, làm bạn và làm người giúp việc trong nhà. Chị Ngọc thường đùa, chả biết giữa em với dì ai đi trước ai? Thôi thì dì sống với nhà em và các cháu, ăn uống chẳng bao nhiêu, sống chúng nó nuôi, chết chúng nó...thiêu! Bà chỉ cười, nom tủi tủi. Thấy tôi về ăn tết với gia đình chị Ngọc, bà rụt rè, lo giường chiếu, chăn màn, nước tắm cho tôi với một vẻ cúc cung quá đáng, làm tôi cũng ngại. Tôi thì vẫn gọi bà là bác Cả cho thân tình. Chị Ngọc lấy chồng là sĩ quan quân đội Sài Gòn, lúc giải phóng thành phố, anh chồng về nhà ôm theo đứa con gái lớn đi di tản sang Mỹ. Mấy năm sau anh viết thư về muốn xin cho chị đi theo diện đoàn tụ gia đình, chị viết thư trả lời ngay. Trong thư chị bảo anh là ông có muốn đoàn tụ thì về đây, chứ tôi không đi đâu cả. Còn nếu ông sợ mẹ con tôi khổ thì có tiền gửi về, ông muốn lấy vợ thì cứ lấy, chẳng phải ngại. Sao? Lại sợ chính quyền Mỹ không cho lấy vợ à? Rõ ngớ ngẩn, hai nước đang ghét nhau dến đào đất đổ đi lại tôn trọng con dấu của nhau đến thế kia à? Mà chính quyền Việt Nam đời nào lại xử cho tôi ly dị ông khi tôi không muốn?
Khoảng mười giờ trưa, chị Ngọc dẫn đầu phái đoàn đi chúc tết những người trong họ. Chị bảo: “Cậu Vận đi xe ô tô với tôi và dì Nhẫn, còn tất cả đi bằng xe máy!”. Trong lần ấy tôi mới thấy các ông, các bà họ nhà tôi trong này ai cũng nể trọng chị Ngọc. Cũng đúng thôi, chị tuy là gái nhưng con ông trưởng tộc, anh con trai lại đang lưu lạc xứ người. Hơn nữa, tính tình chị giảo hoạt, quyền biến. Nhớ lần con gái chị lấy chồng bên Mỹ, quay hẳn mấy cuộn băng vedéo gửi về cho mẹ. Chị ngồi xem được một chốc rồi phảy tay đứng dậy:
- Tưởng thế nào! Hoá ra bên Tây bên Mỹ cũng chẳng hơn gì bên ta. Chúng mày xem đấy, có các vàng tao cũng chả đi. Ở bên này mà biết cách làm ra tiền lại chả sướng bằng tiên.
Đoàn người đi đến đâu trở ra lại nối thêm vào, rùng rùng toàn xe gắn máy. Hóa ra họ hàng hang hốc nhà tôi cũng to thật. Mãi đến chiều tối mới về đến nhà chị Ngọc, tôi mệt muốn bã cả người. Tết nhất gì mà trời đất nóng như rang như luộc, lại rượu mạnh, thuốc thơm, đi đến nhà ai cũng kiểu cách, chỉ mong cho về đến nhà mà tháo cái caravatte ra khỏi cổ... Tôi tắm rửa xong ngồi bó gối xem tivi. May cũng nhờ có đài trung ương nên nhìn cảnh tết nhất ngoài bắc cũng đỡ buồn nhưng lại càng nhớ nhà. Chị Ngọc thấy tôi ngồi ỉu xìu thì bảo:
- Nhớ nhà, nhớ vợ con hả? Thôi, ngồi xuống đây làm mấy ván cho vui.
Cả nhà bày ra đánh chắn, hai mẹ con chị Ngọc, bác cả Nhẫn, hãy còn thiếu một chân, nên chị Ngọc vời mãi. Tôi không thích nhưng đánh chắn bằng quân bài tổ tôm thì tôi cũng biết. Phải cái không thuộc quân nên cứ phải nhìn chữ, thành ra xòe bài rộng quá, lộ hết. Kết thúc, mọi người đứng dậy vặn lưng rôm rốp, chị Ngọc thua mất hơn trăm ngàn, chắc là con chị nó ăn. Tôi thì đánh kém, nên được mọi người chiếu cố, chị Ngọc đặt tiền cho, nên không được, không thua. Bà cả Nhẫn cũng khoe: “Năm mới thế mà may, tôi cũng ăn được hai chục, cậu ạ!”.

******


Tôi nhờ chị Ngọc mua vé máy bay hộ để mùng ba hoặc mùng bốn quay ra Hà Nội, nhưng chị giữ tôi lại:
- Mùng bốn đi Chùa với chị, vui lắm. Chắc cậu thì chẳng tin vào chùa chiền đâu, nhưng cứ đi cho biết, cho vui. Chùa này linh lắm lắm, cầu được ước thấy nhá! Năm nào chị và mấy người bạn thân cũng phải đi bằng được. Mà ngôi chùa xây cũng đẹp, cậu cũng nên đi cho biết...
Biết chị có ý tốt, nhưng tôi nản quá, đến mức thôi đành chịu, chẳng nói, chẳng cãi, chẳng tranh luận. Thế mới biết anh em tôi, họ hàng tôi đông đảo là thế nhưng chẳng ai bằng chị Ngọc. Chúng tôi, phần đông làm việc nhà nước, lương lĩnh ba cọc ba đồng, ai trông cũng đạo mạo, cũng bảnh bao như nhiều văn hoá lắm, nhưng cứ hèn hèn thế nào. Nói năng lúc nào cũng cố giữ ý, giữ tứ, cũng sợ mất lòng người nghe, nhưng hóa ra trêu ngươi thiên hạ. Mấy năm nay, sự đời cũng có cái đổi thay, thành ra cái nghèo lòi đuôi ra, cố giữ sĩ diện mà không xong. Đã hèn lại nghèo, cuối cùng rồi ai bảo sao cũng nghe, rõ tội.
Tôi bảo chị Ngọc rằng tuy tôi không tin vào cái sự “cầu được, ước thấy” nơi cửa Phật nhưng tôi không báng bổ chùa chiền, có lẽ cũng tại sợ. Tôi tôn trọng Trời Phật là vì họ răn dạy người đời, trong đó có mình rằng chớ ăn gian nói dối, đừng vu oan giá họa, không được lừa thầy phản bạn, cái nhân sinh ra cái quả, chẳng phải luân hồi mấy kiếp mà đời người cũng ngắn ngủi như con cá, lá rau, mới sáng đó đã chiều đây... Chị cười hinh hích:
- Chị là chị đến vay vốn nhà chùa làm ăn, sang năm lại trả, “của chùa vay một trả mười”, còn cái lời mình hưởng, chị chẳng hơi đâu mà nghĩ sâu như cậu. Cứ nghĩ vẩn vơ, dông dài như thế thì còn lúc nào mà làm ăn, mà tranh đấu...
Chiếc xe cá mập mười bốn chỗ ngồi, máy lạnh êm ru ghé sát vào thềm nhà. Trên xe đã có mấy bà lố nhố, ai cũng quần nhung áo gấm, ăn nói tự nhiên. Tôi lên xe, ngồi cạnh người đàn ông duy nhất trong đám bạn chị Ngọc. Kể không có tôi, thì ông ta là con gà trống trong đám các mợ gà mái dầu. Tôi chợt bật cười về cái ý nghĩ hơi lưu manh của mình. Chị Ngọc giới thiệu: “Bác sĩ Duy Cương, bác sĩ riêng của bọn chị, một phật tử trung thành!”. Ông ta mặc bộ vét màu trắng, tàu tàu, chiếc cà-vạt hơi mảnh, xiết lấy cái cổ lộ hầu to tướng. Bàn tay ông lạnh, ẩm và lỏng, kèm thêm cái nhớm đít và “Cám ơn”, nghe không rõ giọng Nam hay giọng Bắc. Còn tôi thì chị Ngọc lớn giọng:
- Giới thiệu với quý vị, cậu Vận, em con ông chú tôi, ở Hà Nội vào công tác. Vì nhỡ tàu nên cậu ấy mới ở ăn tết với chúng tôi. Nghề nghiệp là cán bộ thanh tra Nhà nước...
Tôi hơi sượng cúi mặt, ông bác sĩ lại bắt tay tôi vẫn bằng bàn tay lạnh và lỏng “Cám ơn”. Một bà gầy nhô lưỡng quyền gần che lấp mắt, giọng khàn khàn: “Úi dùi ui! Thanh tra chắc là ngon lắm nhỉ?”. Chị tôi cười hà hà, rồi dài giọng:
- Vâng, ngon lắm nên mới bị người ta cho tàu bay giấy mà về nhà ăn tết với mẹ đĩ. Tôi thì tôi biết tỏng tòng tong rồi. Này nhá: Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì? Cứ có phong bì là nó thanh kiu!
Cả xe cười ồ! Tôi cũng cười, đúng là câu ca đáng buồn cười thật. Ông bác sĩ lại quay phắt vào tôi bắt tay, có chặt hơn tý chút: “Cám ơn!”.

******

Xe chạy nửa ngày đường mới tới nơi. Ngôi chùa to và đẹp thật. Tôi mua thẻ nhang vào chính điện định cắm nhưng người bảo vệ thu lại, phát cho tôi đúng một cây, bảo đừng đốt nhiều. “Khói bỏ mẹ, ai mà chịu nổi. Đừng tưởng cứ đốt nhiều nhang là Phật thương đâu nha. Này kìa, bà kia, dúi cháy áo người ta...!”. Trai thanh gái lịch, ăn mặc rất mốt, phơi cả một khúc bụng, lúi húi móc gà luộc, bia lon, thuốc 555... ra cúng Phật. Tôi đứng ngắm vị Bồ tát quan âm đẹp thánh thiện, trong đầu cũng nghĩ những điều uớc muốn thầm kín. Xong tôi ra xe hút thuốc với bác tài, chờ các bà còn đi lễ, cầu tài, mượn vốn.
Cậu lái xe này cũng trẻ người nhưng tính tình có vẻ nhu mì. Xe này là của gia đình sắm chạy thuê cho khách du lịch. Cậu ta bảo thỉnh thoảng vẫn chạy cho cô Ngọc, cô chịu chơi lắm. Sao chú không vào trong này mà làm ăn? Cô Ngọc nhiều vốn lại quen biết rộng, cháu đi cháu biết, có cả dân tư bản, Đài Loan, Nhật Bản không! Đang nói chuyện, chợt có một cậu bộ đội, trẻ lắm, trẻ như trẻ con, dáng bơ phờ bụi bặm đến gần tôi lễ phép:
- Dạ, có phải xe chú về thành phố?
Tôi gật đầu. Cậu ta lí nhí:
- Lát nữa chú cho cháu về thành phố được không? Cháu có giấy đây...
Cậu lục lọi trong cái ba lô lộn ngược ra một mớ giấy tờ, rồi chìa cho tôi xem giấy. Hoá ra anh chàng này là lính biên giới được đơn vị cho đi phép về thăm quê ở Lục Ngạn, Hà Bắc.
- Chị dâu cháu ghi thư vào nói mẹ cháu ốm nặng, chị mong cháu về. Cháu được thủ trưởng cho phép, rồi cuốc bộ suốt đêm qua. Ra tới đây, không còn xe đò. Phải chờ tới khuya nay mới có chuyến. Cháu xin chú...
Tôi trả lại anh lính tờ giấy, bảo cậu ta:
- Xe này không phải của tôi, tôi cũng là khách thôi. Em thử hỏi anh lái xe kia...
Cậu ta ngần ngừ rồi đi về phía tài xế. Được mấy bước, nghĩ sao tôi gọi giật lại: “Để tôi hỏi cho!”. Anh tài xế không dám từ chối mà ngần ngại:
- Xe thì còn chỗ đấy nhưng mà cháu sợ cô Ngọc.
- Nếu chú đồng ý thì để tôi nói chị Ngọc cho.
- Vâng tùy chú.
Cậu ta cám ơn tôi rối rít rồi nhét cái ba lô lộn ngược xuống gầm chế, chìa bao thuốc Jet ra mời tôi. Tôi châm lửa và hỏi:
- Em đi bộ đội lâu chưa?
- Dạ, được hơn một năm rồi, đây là lần đầu cháu được đi phép. Vội quá chẳng mua được cái gì. Với lại chú bảo, lính tráng như chúng cháu cũng chả có tiền mà mua. Cháu cần về nhanh cho mẹ cháu mừng. Chỉ sợ mẹ cháu chết mà cháu không được gặp...
Các bà lễ chùa đã ra, họ gọi tôi đi ăn trưa trong cái quán tuy không đồ sộ nhưng cũng vào loại khá sang. Tôi khều cậu bộ đội:”Đi ăn cơm với chúng tôi”, nhưng cậu ta lắc đầu cười ngon lành:
- Cháu ăn từ sáng còn no lắm. Chú cứ đi ăn đi, được chú cho đi nhờ là may cho cháu lắm rồi.
Cơm nước xong, mọi người lên xe, tôi bảo cậu bộ đội ngồi vào phía trong, còn tôi ngồi giữa giáp với ông bác sĩ. Chị Ngọc ngồi trên hàng ghế trước ngang với tài xế, quay xuống, hô to:
- Còn thiếu ai nữa không? Cậu Vận đâu? Lên rồi hả? Nào thôi, xe chạy đi. Chợt chị dựng ngược lông mày. Ê, ông tướng nào kia? Ai cho lên xe?
Chị Ngọc nhìn chằm chằm vào cậu ta rồi quay sang tài xế. Anh ta thản nhiên nhìn ra phía trước, làm như không nghe. Đến lúc chị Ngọc “hử” một tiếng rõ to thì anh ta quay lại:
- Cháu... cháu không biết.
- Thôi xuống đi, ông. Chị Ngọc gằn giọng.
- Cháu... cháu là bộ đội đang làm nhiệm vụ ở biên giới. Cháu xin các ông, các bà cho cháu quá giang về thành phố để kịp mua vé tàu ra Bắc. Mẹ cháu ốm nặng...
- Không có bộ đội bộ đùng gì hết, đây là xe nhà, chứ không phải xe đò. Xuống!
Nghe tiếng chị Ngọc, tôi biết là chị giận lắm. Chắc cậu bộ đội cũng nghĩ thế, nên cậu ta nhớm dậy, cúi xuống gầm ghế, moi cái ba lô lộn ngược. Tôi thấy nghèn nghẹn trong ngực, kéo áo cậu ta ngồi xuống, nhớm lên phía trước, nói với chị Ngọc:
- Cậu này quê ngoài Bắc, là bộ đôi đóng quân ở biên giới, có mẹ ốm nặng. Bây giờ hết xe đò, phải chờ đến ba giờ khuya. Em xin chị cho nó đi nhờ về thành phố...
Chị Ngọc tròn mắt, nhìn tôi như nhìn người lạ từ cõi nào lạc tới. Chị ngoảnh lên, lầm bầm: “Không khéo lại là thằng trấn lột. Rõ rách chuyện. Thôi, chạy đi bác tài”. Tôi chợt cảm thấy nhoi nhói ở đâu đó trong lòng. Nhìn anh bạn trẻ, tôi chợt nghĩ về mình. Tôi cũng đã từng có những lần lỡ đường, phải nài nỉ người ta, mà không khỏi bị xúc phạm. Có điều, thế hệ chúng tôi còn mang trên lưng cái ba lô con cóc lòng thòng dây dợ, túi nhỏ túi to, chứ không biết lộn ngược như những cậu lính trẻ hôm nay. Chiếc xe chuyển động cũng chừng như khó nhọc hơn. Bà lưỡng quyền nhô cất giọng xoe xoé:
- Dạo năm rồi tôi đi Đà Lạt mà gặp một bọn trấn lột kinh hồn lắm nha cô. Chúng nó có hai thằng cũng mặc quần áo y chang mấy cha bộ đội xin quá giang. Nào ngờ lên xe chúng xin tiền, ai không cho chúng “uýnh”. Một cậu thanh niên bị tụi nó “dzục” xuống đường vì không chịu “ói” cái đồng hồ tich-tắc. Kỳ đó, may tôi không đeo cái vòng cẩm hai cây, nếu không chúng dám chặt tay tôi mà lấy quá...
Lời của bà ta ráo hoảnh, giọng chì chiết làm cho mấy bà bạn lắc đầu thè lưỡi. Ông bác sĩ “cám ơn” thở dài sườn sượt. Tôi liếc thấy cậu bộ đội đi nhờ đã ngoẹo đầu vào cửa kính mà ngủ. Xe chạy được chừng một giờ thì thủng bánh, anh tài lặc lè xách cái thùng sắt xuống. Cậu bộ đội đi nhờ tỉnh ngủ, xin tôi nhẹ nhàng xuống phụ với tài xế, lát sau tôi đã thấy tiếng cười khúc khích của anh tài. Thay xong bánh xe, cậu ta lên xe, lấm tấm mồ hôi, một vệt mỡ pha gỉ sắt quẹt ngang trán. Xe chạy lại, không khí đã bớt im lặng hơn. Người ta đã vui vẻ kể cho nhau nghe những chuyện vừa thấy trong chùa. Tôi cũng bắt chước cậu bộ đội, ngả lưng ra sau ghế nhắm mắt lại, dập dềnh theo nhịp xóc của xe. Thế rồi tôi cũng thiu thiu...
Bỗng tôi giật mình, đầu dập mạnh về phía trước, do xe phanh gấp. Tiếng đập cửa thình thình, và không đợi có người ngồi bên trong mở, cánh cửa kéo xoạt, mở toang. Bước lên xe là một tay bặm trợn, có vẻ mặt nhằng nhịt sẹo, trên tay lăm lăm quả lựu đạn US màu xanh bóng loáng. Thôi rồi, kẻ trấn lột thực thụ, không phải câu chuyện của bà lưỡng quyền nhô vừa mới kể. Cũng không phải mơ ngủ, y hằm hằm mặt:
- Ai có tiền, vòng vàng bỏ ra cho. Y cười hềnh hệch, ngửa cái mũ bẩn thỉu ra trước mặt. Đây không muốn giết ai, mà chỉ cần sự biết điều.
Tôi thấy chị Ngọc “biết điều” trước tiên, móc túi bỏ vào một xấp tiền:
- Ngần này đủ rồi đấy, xin ông xuống cho...
Tên trấn lột cười khẩy chìa cái mũ sang bà lưỡng quyền nhô, bà ta đờ người, ú ớ. Tên cướp ngày dí quả lựu đạn vào trán, làm bà ta tháo vội chiếc nhẫn vàng khá to ra. Xong xuôi, y đến hàng ghế tôi, ông bác sĩ ngoẹo vào tôi như một cái xác lạnh toát. Tôi còn đang lúng túng chưa biết cách nào, chỉ lo ông bác sĩ chết. Tên cướp tuồng như có ái ngại tí chút, nó chỉ đứng yên, vẻ sốt ruột nhưng không dí lựu đạn vào tôi. Cậu bộ đội quài qua người tôi, đưa hai tay lắc đầu ông bác sĩ. Bất ngờ, cậu ta vọt đứng dậy, đầu đụng trần xe một tiếng kịch khô khan. Bàn tay cậu tóm gọn cổ tay tên cướp, vặn mạnh làm nó kêu lên một tiếng đau đớn:
- Dang ra, tao cho chết hết bây giờ!
Trong một khỏang chật hẹp như thế, mà cậu ta vẫn đánh mạnh vào gáy tên cướp làm nó ngã vật ra sàn xe, quả lựu đạn lăn ra. Có tiếng thét:
- Đừng đánh nó! Coi chừng lựu đạn nổ chết hết giờ...
Tôi cũng hoảng, trái lựu đạn này của Mỹ, nó mà nổ thì sát thương không biết chừng nào. Bằng này con người ngồi trong chiếc xe chật hẹp, chắc là chết hết. Nhưng cậu bộ đội đi nhờ đã nắm gọn quả lựu đạn trên tay, cười:
- Xin các bà đừng lo. Lựu đạn giả thôi mà. Đoạn cậu xốc cổ tên cướp lên, xoay mặt hắn lại. Thiếu tiền nhậu phải không? Mấy lần rồi?
Tên cướp lí nhí trong cổ, rồi ngoan ngoãn nhặt trả lại những thứ vừa cướp. Bấy giờ các bà mới hoàn hồn, thi nhau lên tiếng, ai cũng đanh thép:
- Đánh cho nó một trận nhừ tử để nó không còn chân tay mà đi cướp!
- Lôi cổ nó đến nộp cho đồn công an!
Tên cướp sụp xuống trước mặt cậu bộ đội:
- Đại ca, xin đại ca tha cho. Lần sau em không dám tái phạm.
Cậu bộ đội hướng về phía chị Ngọc:
-Thưa các bà, các bác, cháu đề nghị tha cho tên này. Sức lực nó yếu lắm, dân xì ke, liều mạng vậy thôi, chứ nó nhát lắm. Đánh nó hay giao nó cho công an cũng được, nhưng khổ cho nó, mà rồi chắc gì nó tốt hơn hay lại... Còn mày, không bao giờ làm như thế nữa, hiểu chưa? Lừa người ta không dễ đâu, tao nhìn tao biết là đồ dỏm mà. Xuống xe ngay, còn quả lựu đạn dỏm này để tao quẳng nó đi...
Tên cướp lủi mất, anh tài xế vừa cho xe chạy vội vừa thanh minh:
- Thấy nó chặn đầu xe, cháu cũng bất ngờ, bụng nghi nghi, không dừng lại sợ nó làm ẩu thành tai nạn… Ai ngờ, nó dám liều vậy.
- Lần sau chú không được dừng xe, có hư hỏng đâu tôi đền. Chứ như vừa rồi, sinh mạng bao nhiêu con người... Chị Ngọc nghiêm giọng.
Ông bác sĩ lúc này cũng đã tỉnh lại, lần tay tôi, thều thào “Cám ơn!”. Nhưng câu chuyện có vẻ nhạt nhẽo. Tôi nhìn sang, người khách đi nhờ đã lại ngoẹo đầu vào cửa kính mà ngủ.

******


Xe chạy vào thành phố, đèn đường và hàng quán khách sạn sáng choang. Cậu bô đội đi nhờ hỏi tôi:
- Đây là đâu hả chú? Đến ga chưa ạ?
- Tôi cũng lạ lắm, không biết gì về thành phố này cả. Để hỏi anh lái xe xem.
Từ trên, chị Ngọc ngoảnh xuống, thông báo:
- Đến thành phố rồi đấy. Ông bộ đội quá giang đâu, xuống đi...
Cậu ta nhanh nhẹn bước ra, giọng lễ phép:
- Cháu xin cám ơn các bà, các ông, cám ơn bác tài cho cháu quá giang. Chúc các vị bình an...
Có tiếng bà lưỡng quyền: “Thôi, đi đi, còn dài dòng vòng vo”. Cậu ta làm như không nghe thấy, nắm tay tôi thật chặt. Trong bóng tối, tôi nhìn vào cặp mắt sáng rực rỡ của cậu ta, thầm mong cho cậu may mắn. Ông bác sĩ cũng bắt tay cậu kèm theo câu “cám ơn”. Xe chạy, tôi nhìn ra cửa kính, thấy cậu ta đang ngơ ngác trước bạt ngàn người xe và ánh đèn sặc sỡ. Bên cạnh cậu, chỉ có một cây cột điện im lặng, nhưng ghi đậm vào trí nhớ của tôi.
Về nhà, tôi chưa thay quần áo, bảo thằng Hùng con trai lớn chị Ngọc:
- Cháu có bận gì không? Lấy xe chở cậu đi đằng này tí...
Tôi cảm thấy xe chạy chậm quá, mặc dù thằng Hùng chạy xe lạng lách khá điệu. Đến đoạn đường khi nãy, không thấy ai trên cái mô đất vỉa hè công cộng. Tôi bảo Hùng chạy đi chạy lại mấy lần, nhưng chỉ có cây cột điện thì vẫn còn đó, nó in trong trí nhớ của tôi. Hùng sốt ruột: - Cậu tìm ai? Có hẹn à?
- Không. Không có ai đâu. Về thôi...

Các tác phẩm khác của Hoàng Đình Quang

Cánh Đồng Lưu Lạc

Triết lý thợ hồ

Phiên Chợ Tết Cuối Cùng

Người thợ sửa giày góc phố

Một người Sài Gòn

Lan huệ sầu ai

Đi Qua Giao Thừa

Anh Dậu của tôi

Phản Trắc