Phiên Chợ Tết Cuối Cùng
Tác giả: Hoàng Đình Quang
Cho đến tận bây giờ, đã hơn ba mươi năm qua rồi nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ đinh ninh rằng tiết đại hàn phải rơi vào ngày hai mươi sáu tháng Chạp, dù rằng lịch thiên văn không hẳn năm nào cũng vậy. Đó là một ngày gió rét xẻo da cắt thịt, mưa phùn giăng như bột muối trắng trời, còn con đường đất đỏ chen lẫn đá cuội từ nhà tôi ra chợ Ba Hàng lép nhép bùn. Ngày hai mươi sáu tháng Chạp, có thể gọi là hăm sáu Tết được rồi, là ngày mà chợ Ba Hàng họp phiên cuối cùng trong năm. Phiên này ai mua gì, bán gì thì cũng cố mà mua mà bán cho bằng hết, bằng đủ... Đúng ra thì còn một phiên nữa họp vào ngày hăm chín, nhưng là chợ xép (phiên của chợ Đồn Sơn Cốt chuyển ra) lại cận quá rồi, năm nào tháng thiếu, hai chín bắt làm ba mươi, ai bí quá chạy ra mua nắm mùi, củ su hào, tí dầu, tí mắm mà thôi!
Hàng năm, buổi học cuối cùng của chúng tôi là vào ngày hăm nhăm, sau đó khuân bàn ghế gửi để nghỉ Tết. Tối hôm ấy tôi cuộn tròn mình vào cái chăn chiên vùi trong ổ rơm thơm thơm mùi mày lúa mà háo hức chờ cho mau sáng. Tôi nhẩm tính... mình có năm hào trong túi. Với tôi, năm hào cho một phiên chợ là thật to. Ở vành cối xay kia là đôi giày cao cổ tuy đã rách lỗ chỗ và lại cỡ 40 quá to so với đôi chân tuổi mười ba của tôi, nhưng còn tốt chán. Tôi đã tìm được nó ở doanh trại bộ đội trong lúc nhặt pin và cất kỹ chỉ để dùng vào sáng mai, phiên chợ Tết. Năm hào, dứt khoát là tôi phải mua được một cái ong-bun, hết hai hào rưỡi. Có ong-bun, tôi sẽ có một cái đèn pin tự chế bằng ống nứa và nửa quả bóng bàn bởi vì tôi đã có khá nhiều pin nhặt của bộ đội họ vứt đi. Còn lại mua gì tính sau sẽ mua lấy mấy bao diêm bởi vì khẩu súng bắn diêm của tôi chắc chắn là vô địch. Nó được tôi tự chế bằng một cái van xe đạp cũ. Sau khi gỡ bỏ cái hạt gạo, tôi nhét một que diêm vào bít lại, nhồi tiếp thuốc diêm vào bên trong dùng một cái đinh mười phân mài tù đầu đi làm chầy kích nổ. Tất cả được bố trí trên một khẩu súng lục và một đoạn dây cao-su sau khi bật lẫy cò đã đẩy mạnh cái đinh. Diêm bị kích mạnh, cháy cực nhanh tạo ra tiếng nổ không thua gì một phát súng trường!
Trong lúc đang lơ mơ nghĩ về ngày mai hạnh phúc của mình, tình cờ tôi đè phải cái gì nho nhỏ, tròn tròn trong túi áo. À, chiều nay thằng Phúc Trều vừa cho tôi một cái ong-bun đã bị cháy, đứt dây tóc. Nó bày cho tôi cách đánh tráo của bà hàng xén. Tôi thấy cũng hay hay nhưng liệu có an toàn không? Thôi được, để mai hẵng hay. Tôi cọ quậy lần cuối cùng và quyết tâm nhắm mắt!
Đang lơ mơ thì có người kéo chăn làm tôi giật mình dụi mắt, vừa bực lại vừa sợ. Sợ là sợ bố tôi sai đi đâu vào giờ này thì chỉ có mà chết. Nhưng tôi nhìn thấy bố vẫn đang ngồi chẻ lạt giang cạnh bếp. Tiếng con gái thì thào.
- Hoàng ngủ rồi à? Này, chị bảo, này...
Chị Tằm! Tưởng ai, mà sao chị tìm tôi đêm hôm thế này, lại ăn mặc phong phanh thế kia? Chị ngồi sát vào tôi thì thầm:
- Mai em có đi chợ không? - Tôi gật đầu. - Có à? Thế chị bảo này nhá. Sáng mai em ra đón ngõ cho chị, chị bán đắt hàng mau hết. Đến trưa chị cho hai hào mà mua pháo...
Tôi nhỏm dậy, gió lùa hiu hiu vào mặt, vào cổ làm tôi rụt đầu lại:
- Chị bán gì? Lại bòng à? Nhỡ sáng mai u em không gọi, em ngủ quên thì sao?
- Quên là quên thế nào? - Chị kéo dài hai tiếng "thế nào" một cách âu yếm.
- Hay là chị ngủ đây với em, sáng mai cùng dậy!
- Không được, chị còn phải về xay nốt nắm gạo. Em có sang ngủ với chị thì sang...
- Rét lắm, em chả đi đâu. Sáng mai em dậy trước chị cho mà xem...
Tôi lăn đùng ra ổ rơm, nhắm mắt, mặc kệ chị Tằm. Thật ra tôi cũng thích sang ngủ với chị Tằm. Ngủ với chị ấm lắm. Có hôm chị còn ôm chặt lấy tôi, lúc chị phải dậy nấu cám tôi còn cố kéo chị nằm với tôi một lúc. Nhưng từ hôm anh Tuốc chê tôi là quân ngủ với đàn bà, rằng "Một hơi đàn bà bằng ba đống dấm", tôi đâm ngượng, nên chỉ hôm nào rét lắm hoặc đi chơi về khuya sợ không dám gọi bố thì tôi mới sang ngủ với chị Tằm.
Chị Tằm là con gái bác Khuê. Tôi gọi là bác nhưng bác Khuê không có họ hàng gì với nhà tôi. Gia đình bác hồi tản cư chạy Tây từ mãi dưới Hà Đông lên. Sau hòa bình, gia đình bác không về quê nữa mà ở lại chung với nhà tôi trên miếng đất ông bà nội để lại cho bố tôi. Họ nhà tôi nhỏ, bố tôi lại vốn quý người nên coi hai bác như anh chị. Hai bác cũng đối xử với nhà tôi như vậy, mỗi khi nhà tôi có giỗ Tết, bác Khuê gái cũng đội gạo, đem tiền đến đóng như các cô chú tôi. Hai bác chỉ có mỗi chị Tằm, năm ấy chị mười bảy...
Tôi cũng biết tôi là thằng ngỗ ngược. Bố tôi mấy lần dọa khiền cho tôi một trận, nhưng chưa làm được, chỉ vì tôi không ăn trộm, ăn cắp của ai, lại học giỏi. Tôi chỉ học ở lớp, còn về nhà hầu như chẳng mấy khi phải học, chiều nào cũng làm cặp quang sọt đi gắp phân, tối đến ít khi phải dùng đến đèn dầu. Thế mà vẫn lên lớp, vẫn được khen, được cha mẹ khối đứa hàng xóm coi tôi là tấm gương cho chúng. Vậy thì chuyện đi ngủ đỗ hàng xóm là chuyện quá thường, bố tôi còn ba thằng con trai nữa, tha hồ mà quát !
Nghe tiếng guốc của chị ra đến đầu hè tôi biết chị Tằm đã về. Tôi mỉm cười, nghĩ bụng: Chịu khó dậy sớm đón ngõ, sờ tay vào gánh bòng của chị Tằm, được hai hào. Thế là vốn liếng của ta có bảy hào rồi, cũng khơ khớ...
Tôi thấy người lớn vẫn hay hát:
Phổ Yên có phố Ba Hàng
Có Chiêu đãi sở, có nàng Lệ Thanh
Nghe bảo từ hồi xưa, cả dãy phố huyện bây giờ chỉ có một hàng nước, một hàng xén và một hàng cắt tóc, nên người ta gọi là phố Ba Hàng, sau thành tên hành chính. Chiêu đãi sở là cái "sở chiêu đãi" người nhà, thường là vợ của các anh bộ đội thuộc sư đoàn 312. Còn nàng Lệ Thanh là bà Thanh Khoèo, bán quán nước, có anh con trai tên Đắc, làm chân quét chợ Ba Hàng, nên gọi là Đắc Vỏ.
Sáng sớm hôm sau, tiết đại hàn, trời đã gió rét lại mưa phùn nhưng tôi vẫn dậy rất sớm. Sau khi ra đón ngõ và sờ vào gánh bòng của chị Tằm, tôi lẽo đẽo theo chị ra chợ. Tôi dận đôi giày lịch bịch to đùng lòi ra cái ống chân như chân hét, có lẽ giống cái thằng người gỗ Pinôkiô trong truyện tôi đọc ké được ở nhà bà Phán Lan. Trông tôi, ai cũng phải bật cười, nhưng vì rét quá, nhiều bà không há miệng ra được mà chỉ nhủi cái gì đó vào lưng, vào đít tôi mà đi. Từ nhà tôi ra chợ cũng xa, gần ba cây số. Nhìn chị Tằm gánh bòng sao mà điệu thế! Không biết vía tôi thế nào mà chị vừa đặt gánh xuống là có người nhao nhao hỏi mua. Hai hào một quả, người chọn, người moi những quả dưới thúng làm bòng lăn cả ra đất, tôi cũng hăng hái nhặt hộ chị. Có người mua chưa kịp trả tiền, tôi sấn đến đòi ngay, sợ mất. Mãi đến lúc chỉ còn hơn chục quả vẹo, tôi để mặc chị Tằm, lỉnh vào chợ.
Đang chen lấn, thấy hàng bánh chưng, bụng tôi bỗng đói ngấu, tôi liều mình đĩnh đạc mua hẳn một cái, đứng dựa cột lều ăn ngay. Cái bánh chỉ mới hết có hai hào, còn ba hào vẫn mua được ong-bun kia mà! Đi một lúc, vì tin rằng thế nào chị Tằm cũng cho hai hào nên tôi mua một hào kẹo dồi nhai tóp tép. Khi tôi quay ra tìm chị Tằm thì chả thấy chị đâu nữa. Tôi lo quá, còn có hai hào làm sao mua nổi cái ong-bun, nó những hai hào rưỡi kia? Tôi tự trách mình, hai tay thọc túi quần vân vê tờ giấy bạc hai hào mầu xanh nhàu nhò. Bỗng tôi chạm phải cái bóng đèn pin đã đứt dây tóc mà Phúc Trều cho tôi hôm qua, tôi tìm đến bà hàng xén. Đầu tóc bù xù, áo mặc chồng chất hai ba bốn cái, dưới chân là đôi giày to xù, mồm há hoang hoác... trông tôi có vẻ một thằng nhóc du thủ du thực lắm. Chẳng thế mà bà hàng xén tuy bận túi bụi nhưng vẫn liếc tôi cảnh giác. Tôi mân mê cái bóng đèn đến mức chảy nước trong túi áo rồi đánh bạo:
- Bà cho cháu xem cái ong-bun...
Vừa nói tay tôi vừa thọc vào cái hộp đựng bóng đèn, cầm một cái giả vờ giơ lên trời soi xem dây tóc, nhưng thực ra theo lời dạy của thằng Phúc, tôi đã đánh tráo cái bóng đứt dây, rồi chìa ra cho bà hàng xén:
- Cháu trả bà ạ, cháu muốn mua một cái ba von tám... mà chỉ có hai von năm thôi!
Đáng lẽ tôi nên bỏ đi ngay nhưng những bao diêm Thống Nhất hấp dẫn tôi quá làm tôi cứ đứng ngây ra. Bà hàng xén nhìn tôi rồi giật mình cầm cái bóng đèn pin mà tôi vừa bỏ vào hộp, miệng chu chéo:
- Thằng ranh con! Mày lừa bà tráo cái ong-bun cháy... Anh Đắc ơi!
Cũng đáng lẽ tôi phải thản nhiên mắng lại bà ta vu oan giá họa thì tôi lại co cẳng chạy. Được vài bước, tôi bị ngáng ngã. Một bàn tay hộ pháp nhấc tôi dậy, và một khuôn mặt dữ tợn ghé sát mặt tôi": Đắc Vỏ! Lần đầu tiên tôi giáp mặt anh ta, nhưng tiếng đồn về Đắc Vỏ thì tôi đã nghe từ lâu, toàn những chuyện hãi hùng. Trong dư luận người lớn lúc bấy giờ quét chợ là một nghề hèn hạ, nhưng anh ta có quyền hành lớn lắm. Ai vào chợ cũng phải nộp cho Đắc Vỏ một sản vật gì đó: Cà chua, khoai, sắn, lạc, vừng... đó là những thứ nông dân đem vào bán. Còn những tư thương chuyên nghiệp có môn bài thì anh ta là người bảo vệ thường xuyên và đắc lực của họ. Chợ họp năm ngày hai phiên, những ngày không họp chợ, Đắc Vỏ quét dọn khu chợ và bảo vệ cho những cái lều không bị phá hoại.
Không nói không rằng, Đắc Vỏ véo tai tôi lôi xềnh xệch về phía cổng chợ. Trời lạnh, một bên tai tôi không thấy đau nhưng tưởng như đã rụng ra.
Chợ Tết đông như nêm cối, tôi cố trì lại nhưng không được, lòng hoang mang, chỉ sợ tin này mà đến tai bố thì tôi chết đòn. Bỗng tôi nghe tiếng chị Tằm:
- Anh Đắc! Buông thằng bé ra... - Cùng với tiếng thét là tiếng "báp". Cái đòn gánh trên tay chị Tằm vừa giáng vào vai Đắc Vỏ. Anh ta quay lại, và tôi cũng nhìn thấy đôi mắt long lanh, đôi gò má đỏ bừng của chị vì tức giận:
- Anh làm gì thằng bé?
- Ơ, cái nhà cô này... Nó... Nó ăn cắp... - Đắc Vỏ ấp úng.
- Nó là em tôi, nó không bao giờ ăn cắp. Anh có bằng chứng gì không?
- Tôi nghe bà Bóp nói...
Chị Tằm giằng lấy tôi từ tay Đắc Vỏ, kéo đến trước mặt bà hàng xén:
- Đâu? Bà bảo nó ăn cắp cái gì của bà, nói cho tôi nghe nào!
Bà hàng xén cũng bị bất ngờ:
- Tôi nghi nó đánh tráo cái ong-bun...
- Nghi thôi à? Nghi mà dám đổ riệt cho nó, không sợ thụt lưỡi à? Nào bán cho nó mấy cái, nhà tôi thiếu gì tiền ! Em chọn đi, bao nhiêu chị trả...
Tôi đứng ngẩn người:
- Đừng mua của bà này, chị ạ. Sang hàng khác... Mà em cũng chẳng cần mua nữa!
Chị Tằm dắt tay tôi đi, còn quay lại lườm Đắc Vỏ:
- Nhớ mặt con này nhá, lần sau đừng có mà vớ vẩn! Ăn không của người ta quả bòng không nhớ à?
Đắc Vỏ xoa vai cười nhăn nhở.
Tự dưng tôi muốn khóc quá, cứ nấc lên từng nhịp, cũng có lẽ cái bánh chưng làm tôi nóng cổ. Chị Tằm dẫn tôi đến dãy hàng quà, bảo tôi ăn bún riêu, nhưng tôi không ăn, thành ra chị cũng thôi. Chị bảo tôi trông quang thúng cho chị đi mua mấy thứ hàng Tết. Lúc sau chị quay lại, tôi chìa cái ong-bun cho chị xem. Chị hỏi:
- Em mua lúc nào thế?
- Em tráo của bà Bóp đấy!
- Thảo nào! - Chị cười. - Em tôi cũng không vừa, lần sau đừng làm như thế nữa nhé. Không có tiền bảo chị, chị cho...
Gần trưa, hai chị em sắp gánh ra về. Qua cổng chợ, đến dãy mấy ông phó máy, chị bảo tôi ở ngoài, chị vào đứng nhìn những cái coóc-xê treo lủng lẳng trên dây. Chị chọn đi chọn lại mấy cái ướm thử lên ngực... Tôi ngoảnh mặt đi vì sợ phải nhìn vào cái vật kỳ dị ấy của đàn bà. Những miếng vải may chần ba bốn lớp, cuộn lại nhọn hoắt như những cái bù đài, mà những hôm ngủ chung với chị, thỉnh thoảng lại cọ vào lưng tôi, cưng cứng. Tôi không muốn hỏi, nhưng miệng vẫn cứ bật ra:
- Chị mua cái gì thế?
Chị Tằm lườm tôi, mặt đỏ bừng lên:
- Có nói em cũng chẳng biết!
- Em mà không biết! - Tôi cãi lại. - Thế chị có áo mới chưa?
Chị hứ một tiếng rồi cất cái gói giấy xuống đáy thúng, cất đòn gánh, ve vẩy ra về.
Đêm ấy về nhà, nằm một mình buồn và lạnh quá, tôi sẵn cái đèn pin tự chế và đôi giày thủng cỡ bốn mươi, tôi chạy sang chui vào chăn với chị Tằm. Không chờ chị ôm, tôi ghì lấy lưng chị, đầy vẻ biết ơn và thương mến.
Tôi không ngờ đó là phiên chợ Tết cuối cùng. Bởi vì năm sau, chiến tranh nổ ra, chợ họp sơ tán và thưa thớt. Ngày hòa bình, chợ Ba Hàng về trung tâm thị trấn, họp quanh năm, không còn kể phiên, kể lượt. Sẽ chẳng bao giờ còn những phiên chợ Tết như thế nữa. Chị Tằm ơi!...