Chương 2
Tác giả: Hoàng Hải Thủy
Chân tôi dừng lại khi óc tôi phát giác ra sự kiện đó. Người đàn ông tôi vừa gặp giống hệt tôi, giống đến nổi chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Nhưng ngay sau đó tôi nghĩ lại. Làm gì có hai người có thể giống hệt nhau ở cõi đời này? Giống nhau vài nét nào đó nhiều hoặc ít thì có thể nhưng hoàn toàn giống hết thì không thể. Ở trong thủ đô đông người rất có thể có tới năm muời người đàn ông giống tôi, trông thoáng tưỏng là tôi. Việc tôi gặp mặt những kẻ giống tôi chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng nếu người đó lại giống tôi cả cách ăn bận, nghĩa là nếu y ăn mặc giống hệt tôi, đó không phải là một cái gì ngẫu nhiên nữa.
Ghi chú của người đánh máy: Mất 1 khúc cuối trang 15 vì bản photocopy bị thiếu
... theo dõi, rình mò từ nửa tháng nay không? Tôi muốn tìm biết và tôi cần phải được biết rõ trong đêm nay.
Tôi do dự. Tôi muốn gọi xe tắc xi trở lại hội quán ngay lúc đó, nhưng lý trí cho tôi biết rằng việc có một kẻ giống hệt tôi không thể nào là sự thật, chắc lúc nãy tôi chỉ nhìn thoáng qua thấy một người hơi giống và vì nhìn thoáng, tôi nghĩ là giống hết sức mà thôi. Tôi bực bội khi thấy rõ thần kinh của tôi bị khủng hoảng vì những chuyện không đâu và tôi lại tiếp tục bước.
Càng đi sau vào trung tâm thủ đô, tôi càng thấy bóng người thưa thớt. Công viên nhà thờ nằm lạnh dưới ánh trăng. Cả khu rộng lớn này dường như chỉ có cái đồng hồ lớn trên mặt tiền cao vút của nhà thờ và tôi là hoạt động. Tôi dừng lại nhìn quanh. Bên kia đường, những khung cửa sổ đóng kín của những toà nhà lầu như những con mắt vô hồn vì đã khép lại , không nhìn. Vắng tanh. Vậy mà tôi vẫn cảm tấy có những cặp mắt nhòm ngó, rình mò tôi. Những cặp mắt không rời tôi lấy nửa phút. Lúc này, tôi còn bị rình mò chặt chẽ hơn trước.
Tôi không gặp một ai, không có bóng một cảnh sát viên hay một người gác đêm nào. Tôi chần chờ ở những ngã tư đường, chờ đợi kẻ rình mò tôi ra mặt. Ðây là thời gian và địa điểm tốt nhất để chúng xuất đầu lộ diện hại tôi.
Nhưng tôi vẫn không thấy ai cả, và cảm giác bị rình mò, bị mắt người nhìn theo vẫn không rời tôi.
Tôi hơi thất vọng khi tôi đi tới cuối đại lộ và nhìn ra dòng sông lớn giờ này mênh mang nước bạc. Bờ sông quanh tôi cũng vắng tanh, tôi đi tới ngồi trên một ghế đá. Một con tàu từ từ trôi ngoài kia giống như một con bò nước trên lưng có ánh sáng. Trăng rằm trải ánh sáng xuống dòng nước bạc, nhiều chỗ trăng vàng đến rực lên như bốc lửa. Cảnh vật vắng và không gian, thời gian yên lặng đến nỗi bàng hoàng và mơ màng như đang sống trong một giấc mơ. Những giấc mơ thường không có tiếng động , không có mùi vị, nóng lạnh , chỉ bàng bạc một màu.
Tôi không nghe, không cảm thấy có người lại gần, mặc dù linh cảm của tôi rất sắc và lúc đó, tôi đang đề phòng, đang chờ đợi có kẻ thù hoặc ít nhất, tôi đang chờ đợi những kẻ đến gần tôi với ý định xấu , xuất hiện. Ðột nhiên, có người ngồi cạnh tôi trên ghế đá và bằng một giọng nói lịch sự, hoà nhã, hỏi xin tôi chút lửa hút thuốc. Một người đàn ông. Khi ánh lửa từ đầu que diêm cháy lên và đưa tới gập đầu điếu thuốc lá trên miệng hắn, tôi trông thấy một khuôn mặt khắc khổ, có nhiều nếp răn và rám nắng, mặt một người suy nghĩ nhiều, khuôn mặt một người sinh trưởng ở thành phố, làn da cằm cạo nhẵn, đôi mắt và hai bên miệng có cái vẻ mệt mỏi của người đọc sách quá nhiều, người sống với sách vở và tư tưởng. Những ngón tay của bàn tay khum khum úp lại che lửa que diêm thon dài, mnng tay cắt xén cẩn thận và sạch. Những ngón tay đó dài, thon nhưng cho tôi cái cảm giác là bàn tay rất mạnh, mạnh một cách kỳ diệu, mạnh và tàn nhẫn - như bàn tay một nhà giải phẫu hoặc một điêu khắc gia. Bàn tay và khuôn mặt nhìn thoáng qua ánh lửa của cây diêm châm thuốc điếu đó cho tôi nghĩ rằng người đàn ông lạ vừa tới ngồi bên tôi đây là một người làm một nghề chuyên môn và tự do nào đó. Ý nghĩ đó càng có vẻ đúng khi tôi nhìn xuống bộ y phục hắn bận. Bộ áo quần hàng đắt tiền màu nâu hạt rẻ, cái nón nỉ cũng màu nâu. Dưới làn hàng áo, đôi vai hắn nở và lớn. Bờ vai đó cho tôi nghĩ rằng hắn có một sức khoẻ khác thường.
- Cảm ơn ông - hắn nói sau hơi khói đầu tiên trong lúc tôi ném que diêm tắt đi - một đêm thật đẹp và hợp với những cuộc phiêu lưu, một đêm có vẻ có nhiều chuyện lạ. Và sau lưng chúng ta, cả một thành phố chờ đợi chuyện lạ. Bất cứ chuyện lạ nào cũng có thể xảy ra trong thành phố này trong một đêm như đêm nay. Một đêm thật đẹp...
Tôi nhìn hắn kỹ hơn. Lời nói của hắn thật lạ và khả nghi, nhất là trong lúc này lúc tôi đang đề phòng người lạ và chờ đợi chuyện lạ, nhưng gã đàn ông này trông có vẻ hiền lành, thật thà và tầm thường quá. Tôi chờ đợi thấy đột ngột hiện ra bên tôi một người Tầu, một người mặt mũi quái dị. Nếu có một gã quái dị hiện ra bên tôi, chắc tôi không đến đổi ngạc nhiên bằng người đàn ông có vẻ rất thường và không có gì là đe doạ này.
Thoạt nghe gã nói, tôi thấy gã có vẻ khả nghi. Nhưng thật ra,có gì khả nghi không? Gã chỉ phát biểu một câu nói rất thường, như người mở đầu câu chuyện bằng một nhận xét về trời mưa, trời nắng vô thưởng vô phạt. Tôi lấy làm lạ có lẽ chỉ vì thần kinh tôi đang bị căng thẳng, có thể vì chính tôi đang chờ đợi cái lạ nên tôi cho rằng lạ và khả nghi mà thôi.
Gã đàn ông tầm thường này không thể biết cái nguyên do thúc đẩy tôi tìm tới ghế đá công viên này đêm nay. Ðôi mắt gã tuy sắc xảo nhưng đó là cái sắc xảo của người học hỏi nhiều, người biết nhiều điều hơn người nhờ sách vở chứ không phải vì kinh nghiệm sống, làm cho tôi hết nghi ngờ gã ngay. Gã chắc chỉ là một ông giáo sư đại học, có thể là người độc thân, có tâm hồn lãng mạn, vì đêm trăng đẹp nên ra đây ngồi, những ông trí thức loại như gã hay nói đến những gì phiêu lưu, mạo hiểm, xa xôi, liều mạng...nhưng thật ra , lại là những người chưa bao giờ ngủ trên những vật có thể nằm ngủ được mà lại không phải là cái giường nệm bộng.
Rõ ràng là không biết tôi đang nghĩ gì về gã, người đàn ông chỉ tay về phía con tàu chạy êm trên sông bạc, nói bằng một giọng nửa thân mật, nửa tâm sự:
- Trong con tầu nhỏ kia chẳng hạn, làm sao chúng ta biết được nó có những gì trong tâm hồn những người nó mang theo? Bao nhiêu thù hận, bao nhiêu ước mơ? Sẽ có bao nhiêu người định làm những việc liều lĩnh trong đêm nay?
Lời nói của gã mơ hồ, nghe thì như là chứa đựng nghĩa lý thâm trầm nhưng sự thực thì chẳng có gì đáng kể. Vì lịch sự và thấy vui vui, tôi cũng dùng ngôn ngữ trừu tượng, mơ hồ để đáp lại:
- Con người muốn làm rất nhiều việc động trời lớn lao. Nhưng may sao có rất ít người có đủ can đảm để thực hiện ý muốn...Nếu con người nhiều can đảm hơn, chắc cuộc sống này sẽ không sống được. Vì loạn.
Rất quan trọng, gã gật đầu:
- Ông nói đúng. Con người muốn thì rất nhiều nhưng có rất ít người dám thực hiện mơ ước của mình. Nếu kẻ nhiều tham vọng mà lại có một trí óc thông minh siêu phàm, người đó rất dễ trở thành một ông Thánh Sống...
Tôi cười:
- Tôi xin lỗi không đồng ý với ông bạn. Xã hội con người hiện tại đi vào giai đoạn có tổ chức đủ chặt chẽ để cho con người sống có trật tự. Thời buổi này và xã hội này không cho phép kẻ thông minh hơn người có thể tạo điều kiện để làm chúa, để có thể ép buộc người khác làm theo ý mình, làm nô lệ cho mình. Thời xưa, thời cách nay cả mười thế kỷ thì có thể...
Có vẻ suy nghĩ, gã yên lặng vài giây và nói sau khi thở ra hơi khói thuốc lá:
- Ông có thể lầm đấy. Cuộc đời này hiện giờ vẫn còn có người nhờ óc thông minh cao tuyệt đỉnh , bắt người khác phải làm nô lệ cho mình...
Gã nói quả quyết như một tín đồ cuồng tín khi nói đến giáo chủ của mình, một vị giáochủ quyền phép tuyệt luân mà gã tôn kính như thần thánh. Tôi nghĩ gã có thể là một tín đồ của một đạo giáo nào đó, những đạo giáo có những kẻ cuồng tín sẵn sàng đổ máu vì những lý do rất vu vơ. Không muốn tranh luận, tôi lạnh nhạt:
- Ông tin như vậy ư?
- Tôi tin. Còn ông - gã hỏi lại tôi - ông không tin gì sao?
- Tôi chưa có dịp nào để tin cả..
- Ông sắp có dịp tốt để tin đó, ông Huy Giang...
Tôi kêu lên:
- Ông biết tôi ư?
Người đàn ông lạ vừa gọi đúng tên tôi. Gã gọi tôi bằng một giọng chắc chắn, không chút nghi ngờ, như gã đã biết rõ tôi từ lâu chớ không phải đêm nay là lần đầu.
Trong giấy phút ngạc nhiên ấy, tôi tưởng tai tôi có thể nghe lầm. Nghe lầm như mắt tôi hồi nẫy đã trông lầm vậy.
Tôi phải hỏi lại:
- Ông biết tên tôi ư?
- Vâng.
Như không coi đó là việc đáng cười, không giải thích tại sao và trong trường hợp nào gã biết tên tôi, người lạ nói tiếp bằng một giọng thành kính:
- Ông Thánh biết rõ về ông chứ không phải tôi. Người biết rõ, biết hết. Người phái tôi tới đây gặp ông đêm nay để đưa ông đi. Ðêm nay ông được đưa tới gặp Người.
Người...? Ông Thánh...? Gã đàn ông này có điên không đây? Gã nói gì lảm nhảm về Thánh thế này nhỉ? Ở giữa thế kỷ 20 chỉ có người và người với nhau làm gì có ông Thánh nào? Ðời này còn có ai được suy tôn là Thánh? Ðời này chỉ còn hai ông Phật Sống ở bên Tây Tạng, nhưng nơi đâu xa đất Phật quá. Người được gã đàn ông này gọi là Thánh đó dường như ở gần ngay đây. Quái dị. Gã chưa làm cho tôi hết ngạc nhiên về chuyện gã nói đúng tên tôi mặc dù tôi chưa bao giờ gặp gã, gã đã nói sang một chuyện khác còn bí mật và làm tôi ngạc nhiên hơn.
Cũng trong giây phút ngạc nhiên, khó hiểu và bực dọc đó, tôi biết: những kẻ rình mò tôi từ nửa tháng nay đã lộ diện. Chúng đã tới. Ðêm nay tôi được thấy rõ kẻ nào tổ chức cuộc rình mò tôi, tôi được biết chúng rình tôi làm gì? Tôi sắp biết chúng muốn gì ở tôi...
Gã dục tôi:
- Chúng ta đi thôi...
Gã đầy vẻ hoà nhã nhưng cùng một lúc, vẻ hoà nhã tràn đầy tự tin và độc đoán. Gã không thèm đếm xỉa gì tới ý muốn của tôi, gã không cần hỏi tôi có muốn đi với gã đêm nay hay không. Gã chỉ bảo tôi đi với gã và gã làm như tôi sẽ phải líu ríu theo lời gã.
- Khoan đã...
Tôi gạt bàn tay ra khỏi tay áo tôi, tôi cũng lấy giọng hoà nhã nhưng cố ý tỏ ra khinh thường gã. Tôi muốn biết gã biết tôi coi gã không khác một tên điên khùng và tôi không thèm chấp gã:
- Người mà anh gọi là...Thánh đó - tôi cười nhẹ như đang nói đến một chuyện đùa vui chứ không phải là một chuyện quan trọng - với tôi, không ...Thánh thần gì cả. Vì Thánh biết tên tôi nhưng Thánh không biết tánh tôi. Tôi không đi đâu hết, nhất là tôi không muốn cùng đi vớii những người tôi không muốn đi. Không có ai có thể bắt được tôi đi đâu hết. Tôi chỉ đi những nơi nào tôi muốn đến, tôi chỉ gặp những người nào tôi muốn gặp. Nhưng...nếu anh chịu nói cho tôi biết anh muốn đưa tôi đi đâu, người muốn gặp tôi là ai và gặp tôi để làm gì? Tôi sẽ xét xem tôi có bằng lòng không và tôi sẽ trả lời anh sau. Trước hết, tôi cần nói để anh biết...tôi không ưa thái độ của anh...
Gã bình thản nghe tôi nói. Rồi bàn tay gã bay ra rất nhanh, nắm chặt cổ tay tôi. Tôi đã từng bị nhiều người khoẻ hung bạo nắm chặt cổ tay nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp người có bàn tay cứng, mạnh đến như gã này. Cổ tay tôi bị nghiến chặt bởi một cái kềm sắt.
Mặt gã sát vào mặt tôi. Tôi rùng mình khi thấy nét mặt gã không có qua một nét gì lạ, không giận dữ, không bực tức. Tôi vẫn đinh ninh rằng khi người ta dùng đến sức lực, nét mặt người ta tự động đổi khác đi. Nếu định luật đó mà đúng thì tức là gã lạ mặt này chưa xử dụng đến hết sức lực của gã, gã có thể bóp nát xương cổ tay tôi nếu gã muốn hoặc nếu gã dùng hết sức.
Giọng nói của gã vẫn trầm trầm, bình thản:
- Anh đã được nói cho biết tất cả những gì anh cần biết. Và anh phải đi với tôi, đi ngay bây giờ..
Gã buông tay tôi ra. Tôi nhẩy bật dậy và run lên vì giận:
- ...Khùng. Bộ anh tưởng anh có thể bắt được tôi phải nghe lời anh ư...?
Tôi có luyện Karaté, không đủ để được cii là một võ sĩ nhưng đủ để phòng thân khi cần đến. Nhưng tôi chưa kịp dơ tay - cổ tay bị nằm của tôi làm tôi đau nhức đến óc - thì hai bàn tay của gã quái dị đã ôm cứng lấy mình tôi. Bây giờ không còn là tay tôi nữa mà là thân mình tôi bị xiết trong một gọng kềm sắt thép. Nều gã xiết chặt lại, tôi có thể chết cứng vì nghẹt thở, vì máu không chảy được từ tim tới chân tay.
Vừa ôm tôi, gã nói nhỏ vào tai tôi như thì thào:
- Anh phải theo tôi. Anh phải đi tới nơi Người muốn anh tới...
Người...! Người ...! Nhưng Người của gã là ai mới được chứ...? Người của gã muốn gì tôi ? Tôi cảm thấy vòng tay xiết ngang ngực tôi nới lỏng và một bàn tay rờ mó tôi rất nhanh. Tuy vòng ôm đã nới lỏng, tôi cũng không sao có thể cựa quậy được. Tôi như một con chim yếu đuối trong bàn tay người. Gã tìm thấy khẩu súng lục trong mình tôi và rút nhanh súng ra khỏi bao. Cũng nhanh như khi ôm tôi, gã buông tôi ra và lùi lại một bước.
Bây giờ thì gã ra lệnh:
- Ði..
Tôi đứng yên, hít thở những hơi dài để tự trấn tĩnh. Tôi cần sự trấn tĩnh để đối phó với tình thế. Tôi kiểm soát rất nhanh tình hình coi tôi có bao nhiêu hy vọng chiến thắng. Tôi không phải là kẻ hèn nhát. Tôi đã có nhiều dịp chứng tõ sự can đảm của tôi, nhưng với tôi, can đảm không phải liều lĩnh, là nhắm mắt xông đại vào kẻ thù như người điên xông vào cản xe tăng, nhào ra trước họng súng. Can đảm, với tôi, cũng như với tất cả những người can đảm thật sự ở cõi đời này , là thái độ bình tỉnh không hoảng hốt trước nguy hiểm, bình tỉnh để tìm cách đối phó chiếm phần thắng về mình. Chịu đựng là một hình thức và là một phần can đảm,chịụ đựng cũng là can đảm. Chịu đựng để phản công chứ không phải là chịu đựng để rồi buông xuôi, chịu thua sau đó.
Tôi biết gã đàn ông bí mật này không phải là kẻ thù chính của tôi. Như gã đã nói cho tôi biết, gã chỉ là một sứ giả, một sứ giả chịu lệnh của một người nào tài trí hơn gã, của chủ gã, đi bắt tôi tới một địa điểm nào đó. Tôi lại biết chắc rằng gã đàn ông này còn có nhiều đồng lõa ở quanh đâu đây. Bọn đồng lõa sẽ xuất hiện khi gã làm một dấu hiệu cầu cứu. Nếu tôi nhào tới đánh gã bây giờ - võ khí của tôi đã bị gã tước mất và rõ ràng là gã mạnh hơn tôi nhiều, vài đòn karaté tài tử của tôi không thể thắng được gã - tôi có hy vọng gì thắng được hay là tôi chỉ hành động như trẻ con? Tôi có sức mạnh hơn người thật như gã còn mạnh hơn tôi gấp bội và rõ ràng là gã vừa cho tôi một bài học về sức mạnh : sức mạnh không đưa con người tới đâu hết, nhất là không giúp cho con người thoát được những hiểm nguy thật sự. Ngoài khẩu súng của tôi, chắc chắn gã đàn ông bí mật này còn có những thứ vũ khí riêng của gã. Rất có thể là gã đang chờ đợi tôi tấn công và tấn công kẻ địch đang chờ đợi mình tấn công là một việc làm dại dột, ngu xuẩn không một người thông minh nào lại làm.
Tôi nghĩ như vậy trong vài giây đồng hồ suy nghĩ rất nhanh đó. Rồi tôi lại nghĩ đến kẻ được nói tới một cách thành kính bằng cái tên "Ông Thánh" và "Người". Kẻ được gọi Thánh đó mới thực sự là kẻ thù của tôi, gã đàn ông này chỉ là một tên tay sai. Bản tánh tò mò đặc biệt của những người phiêu lưu, mạo hiểm bốc mạnh trong tôi, tôi muốn gặp mặt Ông Thánh nào đó.
Tôi còn có thể la lên cầu cứu và bỏ chạy, nhưng tôi thấy hai việc kêu cứu và bỏ chạy đều lố bịch. Gã đàn ông sứ giả này sẽ không để cho tôi la và đồng lõa của gã sẽ không để tôi có thể chạy. Lý do làm tôi không muốn bỏ chạy và kêu cứu chính vì trong thâm tâm, tôi tò mò muốn biết về con người được gọi là Thánh.
Ðây là bờ sông. Gã đàn ông này không thể bắt tôi lội xuống sông theo gã. Dù gã có đưa tôi đi đâu chăng nữa, gã cũng phải đưa tôi trở lại trung tâm thành phố. Ở đây vắng vẻ nhưng trong kia, không xa, ngay sau dẫy nhà cao kia là nơi đông người, có đèn sáng. Tôi chỉ cần đi vào tới đó là kẻ thù không còn làm gì nổi tôi, cần gì phải đứng ở đây mà kêu hoặc phải chạy trốn. Nếu không muốn đi theo gã này, tôi vẫn còn thừa điều kiện để cho gã một bài học đáp lễ khi tôi và gã vào tới trong phố kia.
Tôi rảo bước đi ra khỏi công viên bờ sông. Và tôi ngạc nhiên khi thấy gã yên lặng đi theo tôi, không phản đối và cũng không nói gì hết về hướng đi của tôi.
Cơn giận của tôi tan dần theo bước chân. Càng ra khỏi công viên vắng, tôi càng thấy cuộc gặp gỡ giữa tôi với gã đàn ông kỳ lạ này có nhiều vẻ khôi hài, hoạt kê hơn là đe doạ nguy hiểm. Tôi tò mò tự hỏi không biết vào tới trong kia gã sẽ làm cách nào để bắt tôi phải đi theo gã. Chuyện bắt cóc người ở giữa thành phố đông người - dù là ban đêm - là một chuyệng không thể xảy ra được. Kẻ thù có thể giết tôi bằng cách bắn tôi giữa phố đông nhưng nếu chúng định bắt tôi ngoan ngoãn đi theo chúng thì...không sao có thể được, trừ phi gã này quì xuống lạy tôi thì may ra. Nhưng tại sao gã đàn ông kỳ dị này lại lẽo đẽo đi theo tôi như thế này? Gã cũng phải biết rằng gã không thể bắt tôi đi với gã được chứ. Hay là gã điên thực? Ý nghĩ gặp một gã khùng đêm nay làm cho môi tôi nở nụ cười . Gã điên hay không, gã có nguy hiểm thực hay không? Chỉ vài bước nữa thôi tôi sẽ biết rõ.
Vài phút trước, gã có thể bắt cóc tôi bằng cách đánh cho tôi ngất lịm đi rồi gọi đồng lõa đem xe hơi cho tôi lên, chở đi. Tôi nghĩ đến chuyện tai sạo tôi lại không bị tiếp xúc ở gần nhà hội quán Thám Hiểm. Hay là chúng cần tôi đi theo chúng lặng lẽ , bí mật. Nếu chúng đánh ngất tôi ở ngoài công viên bờ sông, rất có thể có người hoặc có cảnh sát trông thấy. Chúng cũng không muốn lại gần tôi ở gần hội quán vì sợ có người quen của tôi trông thấy.
Trên đường đi ra khỏi công viên vắng, tôi suy nghĩ đến những chuyện đó. Rồi tôi trông thấy bóng một cảnh sát viên đứng gác ở ngã tư đường.
Từ trước, tôi vẫn coi thường cảnh sát, nhất là loại cảnh sát gác đường. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng đến có một ngày, một đêm nào đó tôi phải nhờ đến một chú cảnh sát đứng gác đường can thiệp. Ðêm nay, tôi phải nhờ đến. Tôi thú nhận với chính tôi một cách thành thật và không mắc cỡ rằng hình bóng người cảnh sát đứng kia làm cho gan ruột tôi nở ra, tôi đã hoàn toàn hết sợ.
Tôi đứng lại và chỉ về phía người cảnh sát, tôi nói với gã đàn ông:
- Nè bạn. Có nhân viên công lực kia. Tôi chắc rằng bạn cũng như tôi, chúng ta không thích nhờ đến cảnh sát can thiệp. Tuy nhiên, đôi khi một viên cảnh sát có thể gây ra rất nhiều phiền nhiễu cho những người không biết điều như ông bạn. Bạn nên bỏ khẩu súng trở lại bao của nó trong áo tôi và đi đi. Tôi sẽ để cho bạn yên ổn đi, không nói gì hết. Còn như nếu ông bạn không chịu, tôi sẽ nhờ viên cảnh sát kia giữ ông bạn lại. Họ có thể ghép ông bạn về tội mưu bắt cóc người ngoài công lộ. Nếu ông bạn bị cảnh sát hỏi thăm đền đời tư, tôi e rằng ông bạn sẽ còn bị phiền vì nhiều tội khác. Tôi không phải là một người giận dai, nhất là tôi không muốn nhờ đến cảnh sát. Vậy tôi để ông bạn ra đi thong thả. Nếu muốn gặp tôi, ông bạn có thể đến hội quán Thám Hiểm liên lạc với tôi. Có điều gặp tôi lần sau, ông bạn nên tỏ ra lễ độ một chút. Khi nổi giận, tôi có thể khó chịu và khó chơi lắm...
Gã mỉm cười với tôi, như cười với một đứa trẻ. Nét mặt và đôi mắt gã lại tràn đây ưu ái, hiền từ, nhưng sau câu nói của tôi, gã vẫn không bỏ đi. Gã còn luồn tay gã vào cánh tay tôi và dắt tôi đi thẳng tới trước viên cảnh sát:
- Thôi mà, chú Năm..Còn làm khó anh gì nữa.
Khi đến gần người cảnh sát, gã nói to lên như thế. Rõ ràng gã cốt nói cho viên cảnh sát nghe thấy. Bằng giọng nói cối làm ra vui nhưng vẫn cho người nghe biết là người nói phải chịu đựng, gã nói tiếp:
- Chú đã đi chơi một chầu quá xá rồi. Bây giờ mình về nhà thôi. Ðến mai, anh em mình lại đi chơi nữa. Chú chẳng nên làm phiền ông cảnh sát...Ông ấy còn nhiều việc khác phải làm...
Người cảnh sát bước lên một bước, nhìn hai chúng tôi đi tới. Lúc đó tôi không biết nên cười hay nên quát lên . Trước khi tôi kịp nói gì, gã đàn ông đã đưa cho người cảnh sát một tấm danh thiếp. Người cảnh sát đọc nhanh, mặt lộ vẻ kính trọng., tay để lên vành mũ chào thoáng và hỏi:
- Có chuyện gì không, bác sĩ?
- Rất buồn phải nhờ tới ông bạn - gã đàn ông kỳ lạ đáp - Tôi nhờ ông bạn giúp tôi..Ông bạn của tôi đây hiện đang nghỉ trong dưỡng đường của tôi. Ông nguyên là phi công, một phi công tài ba, song...vì gặp nạn máy bay rớt...nên trí óc bây giờ hơi lộn xộn một chút. Bạn tôi, từ ngày sau tai nạn, cứ tưởng mình là một nhà thám hiểm tên là ..Huy Giang. Thật ra, bạn tôi tên là Nguyễn Tuấn Huy.
Người cảnh sát nhìn tôi, khó hiểu. Anh có vẻ chờ đợi tôi nói một câu gì đó. Anh cười nhẹ như để khuyến khích tôi.
Tôi bực dọc gắt lên:
- Anh nói lảm nhảm cái gì vậy ? Tôi cho anh biết, anh quá lắm rồi nghen. Tôi không nể anh nữa đâu..
Gã đàn ông vẫn cười. Gã nhìn người cảnh sát như để phân vua về thái độ của tôi, gã gật gật đầu và nói ve vuốt tôi y như nói với một người bệnh khó tánh:
- Xin lỗi. Tôi xin lỗi..Chúng mình về đi. Ði chơi lâu quá ở nhà họ lo sợ...
Gã vỗ nhẹ lên vai tôi và quay lại nói với anh cảnh sát:
- Bạn tôi hiền, tốt lắm. Chỉ thỉnh thoảng ông ấy lại bỏ bệnh viện đi chơi lang thang một buổi, để cho chúng tôi phải vất vả đi tìm về thôi. Ông bạn tôi hiền thì hiền thật, song khôn ngoan thì khôn lắm. Mỗi lần trốn đi, ổng lại bày đặt ra một chuyện mới. Tìm được ông ấy là một việc mà đưa được ổng về tới bệnh viện lại là một chuyện khác. Thường thường thì phải tôi đích thân đi đón mới đưa được ông bạn tôi về nhà, người khác đi đón là khổ với ông ấy. Có lần ông bạn tôi la lên là ổng bị bắt cóc...Báo hại người nhân viên của tôi không lanh trí, cãi không lại, bị cảnh sát bắt giữ mất mấy tiếng đồng hồ...Hôm nay, bạn tôi ra đi từ lúc trưa. Tôi biết có chuyện khó nên tôi phải bỏ việc khác để đi tìm đón ổng về. Nhưng lần này, bạn tôi cũng nhận ông là nhà thám hiểm Huy Giang và nghĩ rằng: tôi bắt cóc ổng. Ổng muốn tới nói với ông bạn rằng ổng bị tôi bắt cóc. Ông cảnh sát làm ơn nghe chuyện cho ông bạn tôi hài lòng. Và tôi nhờ ông cảnh sát nói cho bạn tôi yên tâm rằng việc bắt cóc người trong một thành phố của chúng ta là một việc không thể nào xảy ra được. Nhất là không có tên bắt cóc nào lại dám đưa người bị bắt cóc tới nhờ một ông cảnh sát can thiệp như thế này.
Tôi là người thích khôi hài. Khi một chuyện bày đặt gì hay, khéo, dù cho tôi có là nạn nhân của chuyện, tôi vẫn cười như thường. Gã đàn ông sứ giả kỳ bí này đặt chuyện quả là hay, ứng đối thật nhanh. Tôi tự hỏi không biết gã có tài ứng đối hay đây cũng là một thủ đoạn được dặn bảo từ trước. Tôi chịu thái độ rất bác sĩ nhà nghề chịu đựng con bệnh tác quái của gã. Nhưng tôi tin rằng dù có gian ngoan đến mấy, gã cũng chẳng thể làm hại được tôi, nên tôi cười :
- Ông bác sĩ giả hiệu này tưởng tượng hay lắm. Có điều tôi không phải là người cù lần để cho y sỏ mũi muốn dắt đi đâu cũng được. Tôi thực sự tên là Huy Giang. Ở thành phố này có nhiều người biết tôi. Tôi là hội viên của hội Thám Hiểm. Tôi không hề quen biết ông bạn này. Ðêm nay, đột nhiên ông ta đến gặp tôi, bảo tôi đi theo ông ta. Ðâu có bắt người dễ thế được..?
Tôi lại cười và gã đàn ông lại gật đầu với người cảnh sát như để thầm nói:"Ông bạn coi, tôi nói có sai đâu." Người cảnh sát như đã bắt đầu sốt ruột vì vụ lằng nhằng này, tuy nhiên, đối với tôi, anh vẫn có thiện cảm, anh trấn an tôi:
- Nếu tôi là ông, tôi sẽ không lo sợ gì...Vì như bác sĩ vừa nói...bọn bắt cóc người không đời nào dám đưa nạn nhân tới gặp cảnh sát. Bây giờ cũng đã khuya rôì, tôi tưởng ông bạn nên theo bác sĩ đây về nghỉ.
Bây giờ , đã đến lúc tôi phải chấm dứt cái trò đùa vô lý này. Thọc tay vào túi, tôi móc ví ra và chìa ngăn để giấy căn cước vào mặt người cảnh sát:
- Ðọc coi. Những căn cước này sẽ cho ông biết sự thật.
Y đỡ lấy cái ví của tôi, đưa lên ánh đèn, đọc cẩn thận. Rồi y gập ví lại, đưa trả tôi, giọng nói và vẻ mặt trở thành thương hại thực sự:
- Ðọc rồi. Yên trí đi ông bạn...Ông bạn cứ theo bác sĩ về đi. Tôi bảo đảm là không có chuyện gì nguy hiểm xảy ra đâu.
Y quay lại hỏi tên bác sĩ giả hiệu:
- Bác sĩ có cần xe tắc xi không?
Tôi trợn mắt ngạc nhiên nhìn gã cảnh sát. Gã này là đồng lõa của tên bác sĩ giả hiệu định bắt cóc tôi đêm nay hay sao? Rồi mắt tôi nhìn xuống cái ví da gã vừa trao trả tôi. Trong ví có tấm thẻ căn cước. Tôi nhìn và nhì..., tôi như không tin cả ở mắt tôi.
Vì trong ví có tấm căn cước mang hình tôi nhưng đề tên là Nguyễn Tuấn Huy. Cái ví da này giống ví của tôi hệt nhưng rõ ràng không phải là ví của tôi.
Tôi vội lục các túi áo, túi quần.. Trong người tôi không còn qua một vật gì chứng minh rằng tôi là Huy Giang chứ không phải là Nguyễn Tuấn Huy.
Cảm giác an ninh, được bảo vệ, không ai có thể làm hại được tôi ở giữa thành phố đông người này tan biến đi rất mau. Tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi rất có thể bị bắt cóc ở giữa phố đông, bị bắt cóc trước mắt cảnh sát mặc dâu tôi la lên là tôi bị bắt cóc. Tôi bắt đâu thấy rằng rất có thể, tôi bị gã đàn ông bí mật này bắt đi tới những nơi bắt đi tới những nơi gã muốn mang tôi tới mặc dù tôi không muốn.
- Nè ông cảnh sát...
Tôi nói, giọng nói của tôi đã mất những âm thanh vui vui, thích thú. Tôi bắt đầu hoảng sợ và lờ mờ thấy rằng phen này, tôi phải đối phó với một kẻ địch nguy hiểm không ngờ.
- ..Ông đang phạm một lỗi lớn đó - tôi nói tiếp - tôi chỉ mới gặp người này cách đây có mấy phút. Tôi hoàn toàn không quen biết gì hắn. Hắn yêu cầu tôi đi với hắn tới một nơi nào đó nhưng tôi không chịu đi, hắn không chịu nói cho tôi biết hắn muốn đưa tôi đi đâu cũng như hắn không chịu nói ai là kẻ muốn gặp tôi, gặp để làm gì..Khi tôi nhất định từ chối, hắn vật lộn với tôi. Tôi có mang súng, hắn đoạt mất súng của tôi đồng thii tráo cả ví của tôi...Nếu ông khám nay người hắn, chắc chắn ông sẽ tìm thấy cái ví cùng khẩu súng của tôi. Ông không thể để hắn mang tôi đi được, tôi yêu cầu ông đưa cả tôi và hắn về quận.
Người cảnh sát hết nhìn tôi lại nhìn gã đàn ông bí mật nọ. Anh có vẻ khó hiểu và khó chọn được một quyết định. Có thể vì anh thấy tôi không có vẻ điên khùng chút nào, nhất là lời yêu cầu của tôi hợp lý. Mặt khác, gã đàn ông tự xưng là bác sĩ lại rõ ràng là bác sĩ. Gã không có qua vẻ gì có thể nói là một tên gian phi đi bắt cóc người.
Trong lúc anh cảnh sát đang bối rối, gã đàn ông tự xưng là bác sĩ nói bằng giọng hiền khô:
- Tôi sẵn sàng theo về quận và chịu bất cứ cuộc khám xét nào. Có điều tôi phải nói trước là...bệnh nhân có thể nổi cơn hung dữ bất cứ lúc nào. Tôi cần đưa bạn tôi về ngay bệnh viện. Ông cảnh sát gọi dùm cho cái tắc xi vậy.
Tôi ngăn lại:
- Không. Tôi không đi tắc xi. Tôi chỉ bằng lòng đi về quận trong xe cảnh sát có cảnh sát ngồi bên.
Bộ mặt viên cảnh sát tươi lên khi anh thấy một ông bạn đồng nghiệp của anh từ đầu phố bên cạnh đi tới.
- Có ông trung sĩ tới đây. Hai ông chờ cho một lát, để tôi hỏi ý kiến ông trung sĩ coi.
Người trung sĩ cảnh sát phây phây đi tới. Biết là mình đang được chờ đợi, ông ta hỏi ngay:
- Cái gì lộn xộn đó, chú 27 ?
Tôi để ý thấy 27 là con số khắc trên tấm huy hiệu cảnh sát gắn trên ngực áo người cảnh sát trẻ.
Chú 27 kể lại vắn tắt tình trạng của tôi. Người trung sĩ nhìn tôi có vẻ chú ý, tôi mỉm cười với ông:
- Tôi chỉ muốn đi về quận cảnh sát với ông này - Tôi chỉ tay vào gã đàn ông bác sĩ giả hiệu - đi về quận trên một chiếc xe tuần tiễu của cảnh sát...
Gã đàn ông vẫn từ tốn. Gã lại đưa tấm danh thiếp ra cho thầy đội mới tới coi:
- Tôi xin tự giới thiệu...- gã ôn tồn và kiên nhẫn nói - tôi là bác sĩ Hải Tùng. Ðây là địa chỉ bệnh viện của tôi. Tôi sẵn sàng đi về quận nhưng tôi cần phải nói trước rằng bệnh nhân của tôi có thể nổi cơn hung dữ bất cứ lúc nào. Tôi lại không mang theo thuốc cần thiết để trị cho ông ấy . Do đó, nếu các ông trì hoãn việc làm của tôi, nếu có gì đáng tiếc xãy ra, các ông phải chịu trách nhiệm. Ông bạn tôi có những phản ứng bất thường lắm . Ðêm nay, tôi lo sợ muốn đưa bạn tôi về bệnh viện gấp vì...không hiểu ông bạn tôi kiếm ở đâu ra vật đáng sợ này.
Gã móc trong túi lấy ra một vật đưa cho thầy đội cảnh sát. Vật đó là khẩu súng lục nhỏ của tôi.
- Trong nách ông bạn tôi có mang bao súng - gã nói tiếp - Nhờ may mắn tôi lấy được súng của bạn tôi, nếu không thì có lẽ đã lôi thôi to rồi...
Thầy đội tiến lên và mở áo veste của tôi ra coi. Khi thấy dưới nách tôi quả có cái bao da đựng súng, đúng như lời Hải Tùng nói, nét mặt y khác đi. Tôi biết rằng cả hai người cảnh sát này cùng tin lời Hải Tùng hơn là tin lời tôi.
- Ðúng. Khẩu súng này là khẩu súng của tôi - tôi nói - tôi có giấy phép mang súng.
- Giấy phép của ông đâu?- Y hỏi tôi, giọng nghi ngờ.
- Giấy phép mang súng của tôi để trong cái ví đã bị gã này tráo mất - tôi đáp - ông cứ khám người gã sẽ thấy cái ví của tôi.
- Tội quá...Tội quá...
Hải Tùng vừa nói vừa ái ngại nhìn tôi. Trông gã càng lúc càng có vẻ bác sĩ nghề thật sự. Gã có vẻ thương hại tôi và trong lúc đó, tôi cũng thấy thương hại tôi nữa. Tôi lờ mờ cảm thấy tôi thua gã về đủ mọi mặt. Cũng không có gì lạ lùng lắm. Gã đã âm mưu làm vụ này từ nhiều ngày nay trong lúc tôi không ngờ, không đề phòng. Gã lại ôn tồn nói với người trung sĩ:
- Tôi đề nghị thế này vậy...Ðể tránh cho tôi khỏi mất thì giờ đưa bạn tôi về quận cảnh sát, tôi mong các ông kiểm soát bằng cách này..Bạn tôi đây tự nhận ông ta là nhà thám hiểm nổi tiếng Huy Giang và ngụ ở hội quán Thám Hiểm. Tôi đề nghị các ông gọi điện thoại về hội quán Thám Hiểm hỏi ông Huy Giang. Nếu ông Huy Giang có ở đó và trả lời các ông, xin các ông giúp tôi đưa bệnh nhân của tôi mau mau về bệnh viện. Còn như nếu ông Huy Giang không có trong hội quán, tôi xin cùng với các ông về quận ngay để điều tra cho rõ thực hư.
Thầy đội nhìn tôi. Tự tin trở lại , tôi mĩm cười :
- Ðươc lắm - tôi nói - nếu hiện lúc này có ông Huy Giang trong hội quán Thám Hiểm, tôi xin nhận tôi là một thằng điên và tôi tên Nguyễn Tuấn Huy. Tôi xin đi theo ông bác sĩ ngay lập tức...
Tôi, Hải Tùng , viên cảnh sát số 27, đi theo thầy đội tới chỗ đặt máy điện thoại ở đầu đường. Trước khi tôi kịp nói, Hải Tùng đã cho thầy đội biết số điện thoại của hội quán Thám Hiểm. Tôi vững tâm đứng chờ. Làm sao họ có thể tìm thấy tôi trong hội quán cho đươc?
- Phòng tiếp tân của hội quán Thám Hiểm ? - thầy đội nói vào máy điện thoại - Ðây là trung sĩ cảnh sát Trần Mai...Tôi cần ông cho biết..hiện nay có ông Huy Giang, nhà thám hiểm nổi tiếng Huy Giang , ở trong hội quán không? Nếu có làm ơn cho tôi nói chuyện với ông Huy Giang ...
Y vẫn đặt ống nói ở tai, quay lại nói với Hải Tùng :
- Họ đang đi tìm...
Tôi buồn cười đến suýt bật cười thành tiếng. Tôi đang đứng đây với họ mà họ lại chờ đợi tìm được tôi ở trong một toà nhà cách đây cả bốn, năm cây số. Thật là khôi hài...
Tôi choáng váng khi nghe thấy viên trung sĩ nói vào máy:
- Dạ...Ông Huy Giang đó ạ? Thưa không, xin lỗi ông...Không có gì phiền đến ông cả. Xin ông cho tôi nói chuyện lại với anh thư ký phòng tiếp tân..Cám ơn ông...Nè anh..Có đúng ông Huy Giang, nhà thám hiểm, vừa trả lời điện thoại tôi đó không? Ðúng chứ? Xin lỗi mà. Làm gì mà nóng quá vậy? Tôi chỉ cần hỏi coi có đúng ông Huy Giang đó không. Thưa ông Huy Giang...Chúng tôi làm phiền ông là vì ở đây có một người tự nhận là ông.
Tôi dằn lấy ống điện thoại trong tay người trung sĩ cảnh sát để áp lên tai tôi. Tôi nghe tiếng người nói:
- Tôi biết có một người điên vẫn tự nhận là Huy Giang. Thật tội...
Tôi bàng hoàng khi nghe rõ đó chính là tiếng nói của tôi.