Chương 2
Tác giả: Hoàng Ngọc Tuấn
Sau một vài lần thăm hỏi, tôi dần dà cũng biết tông tích về Mơ Nữ. Chính nhờ em, mỗi chữ mỗi lời như một nét chấm phá trên khoảng trống không, tự làm hiện rõ từng chút hình ảnh của em.
Mơ Nữ. Em dần dần ra khỏi cõi mơ mù mờ, cho tôi nghe thấy hơi thở sống động của một người thiếu nữ mỗi lúc càng thêm gần gũi.
Gia đình em trước kia ở một tỉnh cao nguyên, bây giờ đã dọn về một thành phố miền biển. Quê ngoại của em là phố Huế ven sông Hương, nhưng em chỉ mở mắt chào đời ở đó, chưa kịp lớn để trở thành một người con gái Huế. Theo cha mẹ thay đổi chỗ ở luôn, Mơ Nữ đã từng làm một cô bé rừng xanh trên miền sơn cước Nhưng thời đó cũng chỉ ngắn ngủi thôi.
Mơ Nữ bắt đầu lớn lên, bắt đầu biết yêu thương những điều ngoài mái nhà quen thuộc. Bắt đầu biết yêu đất đai, tên những con đường, những cảnh sắc chung lối bên cạnh em hàng ngày. Em bắt đầu nhận ra, thông cảm được tiếng nói của thiên nhiên, là nhờ ở biến cả. Từ sơ khai cho đến ngày cuối cùng, em đã là một người con gái xứ biển. Chập chững lớn khôn và hưởng đầy dưỡng chất của ánh nắng mặt trời tươi tắn và gió bao la sâu đậm của trùng khơi.
Biến nuôi em thành người. Người em mang đầy chất rong xanh của biến. Giờ đây, em nói em mong muốn suốt đời được sống với quê nhà miền biển của em, mái nhà em không ngớt yêu dấu từ năm xưa cho đến hôm nay và mãi mãi. Chẳng có mái nhà thứ hai nào có thế săn sóc em mọi điều với một tấm lòng rộng lượng ngang hàng với bậc sinh thành. Chẳng bao giờ em lìa xa thế giới đó được. Tôi đã nghe tâm sự của em:
Em đã từng biết núi rừng
Trùng điệp màu xanh u hoài hoang dã
Có hôm em chạy lên đỉnh đồi cao
Đế nhìn thấy hết vẻ buồn của thung lũng
Nhưng đó là chút mùa thơ đã qua mất lâu
Một ngày kia theo mẹ theo cha trong chuyến xe chiều
Em chưa biết khóc nhưng cũng thấy nao nao
Xe lăn đi trên đường đất đỏ nâu em vẫy tay chào dãy núi.
Thế là những cánh rừng xanh đã rủ nhau bỏ đi như những ngày tuổi nhỏ. Rừng chỉ còn là kỷ niệm. Rừng như sữa ngọt cho thời nằm trong nôi êm ấm. May mắn thay cho Mơ Nữ, chút rừng hoang dại còn sót lại trong em, đã thấm trong dòng máu, bồi bổ cho em một trái tim thèm vươn lên như ngọn đỉnh cao và mãi mãi chất phác như một màu sơn dã.
Dầu ngày nay, người bạn biển đã ôm em vào lòng với vòng tay khít khao nồng nàn hơn cả. Một lần, em đã kể cho tôi nghe hoạt cảnh rộn ràng mỗi ngày:
Quê nhà em nhỏ bé và tiêu điều lắm
An phận bên bờ đại dương vắng vẻ
Khách phương xa chẳng thấy về đây
Du khách đi Nha Trang, Đà Lạt hay Vũng Tàu
Không ai biết ở đây có một vùng biển lớn
Sóng cả hiền hòa sớm mai rước đoàn thuyền đánh cá
Hoàng hôn trả về đầy lưới chở niềm vui
Của cải biển cho chia xẻ cho mọi nhà
Chợ búa chiều chiều ôi thôi ... sò mực cá
Má và em mua về, đầy một giỏ
Bữa cơm tối thơm mùi nước cá
Bánh tráng, ớt cay, rau muống xanh chẻ nhỏ
Tiếc là anh chẳng có ở đây
Em muốn mời anh một bữa cơm nhà
Thi cùng em xem ai ăn được nhiều được ít
Ai ăn mau được gọi là anh cả
Ai chậm như mèo cũng ... được gọi là Nhỏ thương
Và anh sẽ thắng vì em nhường cho anh thắng
Cuộc sống tôi vất vưởng ngày lại qua ngày. Ghé vội vàng qua những quán cóc trên vỉa hè, những bữa cơm ấm áp vui vẻ giữa mái gia đình tôi đã bỏ mất lâu rồi. Kể từ ngày tôi dại dột để nhạt phai tấm lòng rung động đối với những hương màu đơn sơ thân thiết bên người. Tôi đã xa lìa mái ấm. Tôi đã xa sông, quên biển, bỏ rừng mà đi. Ngày nay, tôi được gì sau những năm tháng lêu bêu giữa dòng đô hội chếch choáng như men rượu mạnh quay cuồng.
Tôi mất gần hết mùa xuân xanh mà vẫn chưa tìm ra một màu ý nghĩa mới. Tôi sống không kịp dừng lại tĩnh tâm để đón nhận một chút mật dịu dàng của đất đai ứa rơi ngào ngạt không hề keo kiết đối với ai. Chỉ những đôi môi khô khan không biết hứng lấy nguồn nước mát của trời, mới nông nổi than van mùa nắng hạn.
Cám ơn Mơ Nữ. Em nhẹ nhàng dẫn dắt tôi vào ngõ hoa nằm rõ ràng trước mặt mà bấy lâu tôi như kẻ mù lòa quờ quạng không nhìn thấy lối.
Lời nói của em, một chút lời trắng trong mà vẽ lên sắc thắm muôn màu lộng lẫy. Biển ngày nay của em, là kỷ niệm của tôi ngày xưa. Ngoài kia, em bay ngợp trong làn gió mát, là ở đây những giọt mồ hôi nóng bức mệt mỏi của tôi, cũng được đôi chút ráo khô.
Buổi sáng được nghỉ học
Ba bận đi làm má mắc đi chợ
Những người lớn đều bị giam trong phòng sở
Chỉ còn một mình em được tự do ngoài bờ biển
Biển của riêng em trời lộng của riêng em
Sóng cứ phá tan những lâu đài trên cát
Chứ làm sao xóa được mơ mộng ủ riêng mình
Ngọn triều lên gửi cho em hằng hà vỏ sò ốc biển
Mà hôm nào em đã kết thành hai con búp bê
Một cho em để chặn những lá thư của anh
Đặt trên bàn em khỏi bị gió vào trộm mất
Còn con kia em đã gửi cho anh.
Đường xa có làm rơi vài nếp áo ...
Nhà của Mơ Nữ, cũng như nhà tôi ngày xưa, nằm ngay trên bãi biển. Tiếng sóng đại dương là nhạc khúc vô tận của người láng giềng. Mặt trời rạng đỏ bình minh là tiếng chuông đồng hồ báo thức. Đồi cát bao la cũng quen như vường nhà. Bóng xanh êm ả của mây trời như tấm màn che mát ngoài khung cửa.
Như tôi ngày xưa, giờ đây Mơ Nữ là vì vua của một vương quốc vĩ đại chẳng thấy đâu là biên giới. Quân lính của em là những chú dã tràng rộn rịp lăng xăng chạy khắp nơi trên bãi cát rồi luống cuống dưới bước chân em, nấp trốn trong động nhỏ ăn sâu vào lòng đất. Có thể kế thêm những bông cỏ tròn xoay như chong chóng thường theo gió thổi chạy lăn quay dọc theo bờ biển. Đất miền biến ít loài hoa nhưng tôi còn nhớ có một thứ hoa dại nhỏ nhắn màu hồng nào thường mọc trong bồn cỏ. Tôi đã quên tên loài hoa ấy, chỉ nhớ là chúng sinh sống dễ dàng và vương vãi đầy trên đất cát giống như cây trứng cá hay keo tây. Thôi, tôi gọi hoa đó là cung nữ thị tỳ, săn sóc và làm cho em vui mắt trong những ngày tôi chưa có dịp về miền cát ấy.
Dưới bóng mát của gốc dương, trên nền cát lấm tấm nhiều cành nhỏ vụn rơi và trái khô, thêm một đoạn cuối cho tôi trong lá thư đã dài nhưng không bao giờ đủ:
Anh thấy đó trước khi biết anh
Em chỉ có biến và rừng là bạn thiết
Chúng dễ tính và dễ thương hơn anh rất nhiều
Vì em có thể tha hồ kể lể với người chị sóng
Tất cả mọi điều không một chút ngại ngần
Còn với anh thì còn lâu à
Cho em giữ lại một chút gì thầm kín
Nói ra hết e rằng anh lên mặt làm oai
Anh đã nói xưa kia anh từng sống
Ven bờ Ghềnh Ráng trên núi Ban Mê
Giữa phố phường có lúc nào anh nhớ lại
Bên biển bên rừng anh thương mến bên nào
Như em hơn một lần tự hỏi
Bên biển bên người em thương nhất bên nào
Rồi đã trả lời thật là ba phải
Rằng thương tất cả chứ chẳng riêng ai
Mơ Nữ đã nhắc lại cho tôi quãng đời thơ dại êm ái. Ngày xưa, cao nguyên biển cả tôi gánh nặng hai vai không chút than phiền. Vì cả hai đều là bạn hữu. Hồi nhỏ, tôi thường cùng bạn bè công kênh nhau, có khi cắn răng cõng nặng suốt buổi chiều trong trò chọi đá vẫn cười vui thích thú như thường.
Thửa ấy tôi sống hơn hai năm ở Ban Mê Thuột, một thị trấn miền Tây Nguyên trùng trùng những cánh đồn điền cà phê thượng hạng. Ban Mê Thuột, thành phố Buồn Muôn Thuở. Mảnh đất đỏ nằm sâu kín trong lòng rừng xanh này, lẻ loi và buồn rầu như chẳng có ai biết đến, và cũng chẳng thèm biết đến ai. Ban Mê Thuột, Biết Mình Ta, có lần tôi đã gọi thầm như thế, trong những chiều thơ thẩn bên một bờ suối vắng.
Đáng tiếc là không có Mơ Nữ bên tôi ngày đó. Để tôi dắt em lên những con dốc cao gập ghềng, miệng thở phì phò hơi khói trong trời lạnh giá. Để tôi đem em lên những rẫy bắp đầy trái tươi tốt mọc rậm rạp gần như che khuất đến đầu người, bẻ trộm vài trái rồi bỏ chạy mặc cho mấy người Thượng đuổi theo kêu la ơi ới. Đi xa khỏi trung tâm thành phố một chút, chúng ta có thể chơi trò trốn tìm với nhau suốt buổi trong vườn cây cà phê mọc đều hàng hàng lớp lớp giống nhau như hệt, biết có em ẩn núp sau một thân cây nào.
Rồi những cơn mưa miền núi trút xuống thật là khủng khiếp. Đường xá ngập đầy bùn, bánh xe đạp học trò chẳng tài nào lăn nổi. Khi mưa tạnh, mọi người vẫn chưa thể đi lại dễ dàng trên lớp đất sình lầy và trơn như mỡ. Em phải bỏ đôi guốc cao gót của em đi đế khỏi bị hút chặt vào bùn đến đứt quai. Chúng ta sẽ lội nước bằng chân không, hay dùng cà khêu qua những vùng lầy.
Em muốn đòi thêm chi nữa. Chờ nắng ấm lên chút trên nền trời tươi, đường đi sẽ mát êm nhờ hai tàn cây cổ thụ. Vườn mọi nhà thơm lừng mùi hương bông sứ trắng. Vườn nhà tôi có thêm một màu trắng xóa lả tả trên cao. Đó là cây bông gòn khi gặp gió lớn, những chùm bông nhỏ tách mình tan tác phất phơ bay tràn ngập trắng như tơ trời.
Em có định đến thăm nhà tôi không. Nhà tôi tuy chẳng có "giàn thiên lý" nhưng vườn trồng thật nhiều cây đu đủ, thế nào cũng có một vài trái chín ửng vàng. Và một rặng mía voi dày bao quanh trước nhà, thứ mía to bằng bắp tay, ngon ngọt biết bao và cũng vì thế mà đã làm tôi gãy mất vài chiếc răng tham lam ngấu nghiến. Vườn nhỏ nhưng cũng có trồng vài thứ ớt xanh, rau quế, bạc hà...Trên mái nhà cao một chuồng bồ câu gọi nhau gù gù suốt ngày. Chúng ta sẽ bắt chước chúng gọi nhau gù gù suốt đời. Em thích không. Mơ Nữ?
Em đã trả lời làm tôi chợt tỉnh, ra khỏi giấc mơ quấn lại một cách viễn vông cuộn chỉ thời gian.
Anh nói chi những điều đẹp quá mà không có được
Hồi đó em đã quen biết anh đâu
Nên làm sao "gọi gù gù" với anh trên rừng thơ mộng đó
Và thuở ấy chắc anh còn trẻ nít lắm
Em lại nhỏ hơn suốt ngày không rời áo mẹ
...Làm sao nhỏ lại hoài hoài
Làm sao về sống với ngày xa xưa.
Ừ nhỉ. Tôi quên mất rằng, ngày tóc tôi còn hớt kiểu "gáo dừa", tóc em còn kết bím, ta đã quen biết nhau đâu. Tôi ở nơi rừng xa, em nơi miền đất biển lạ. Mỗi người còn đang cuộn mình no say trong mỗi niềm hạnh phúc chan chứa mà riêng rẽ của mình. Chẳng cần xin ai chia cho bớt một chút niềm vui san sẻ.
Khi ở tuổi còn thơ, ta đã là bài thơ chứ chẳng cần biết chi đến những lời tình thơ ca ngợi. Còn nhỏ, cần gì lời ngọt ngào xưng tụng từ môi người lạ. Tuổi thơ, giỏi lắm là mới viết đúng tên mình trong vở học chứ đâu phí thời giờ viết nên câu ẩn tình trên thư dày giấy mỏng.
Tuổi thơ, cũng giống như núi rừng hoang dã trong lành và vững mạnh một cõi, không cần biết đến thung lũng mềm mại nào hết. Thời nhỏ đó, ta sống vui tươi cao ngạo cô đơn mà chẳng cần biết đến hai tiếng cô đơn, mầm xanh vốn có tràn trề chứ không cần ngửa tay xin ai bồi dưỡng.
Càng thêm tuổi, ta càng sợ hãi và mềm yếu.
Những người lớn tuổi như tôi, thiếu thốn biết mấy và buồn bã biết mấy.
Bởi thế. Mơ Nữ, từ ngày đánh mất hương rừng tôi cần có em như một vùng đất khô thèm mong một mạch nước chảy qua âm ỉ trong lòng, để đủ sức hát vang tiếng ca yêu đời ầm ĩ.
Rồi tôi về bên Ghềnh Ráng. Ở miền núi lưng chừng, cao hơn những tảng đá nằm chồng chất lên nhau, là ngôi mộ của Hàn Mặc Tử khuất trong lớp cỏ dày.
Bờ biển chạy từ ngọn hải đăng đến đầu mõm núi bên kia, cả chân trời xa thấp thoáng hàng trăm thuyền buồm đánh cá. Về sau, từ ngày hải cảng mới thiết lập, mỗi ngày có nhiều thêm những chiếc tàu lớn nhả khói xám nối đuôi nhau chạy vào hành lang sát ven núi, tấp nập cập bến.
Những ngày tôi còn ở đó, biển êm dịu và vắng lắm. Sớm mai vầng dương mới phơn phớt màu hồng lênh láng trên màu nước xanh lơ đàng xa, tôi đã một mình ra biển. Giống như Mơ Nữ ngày nay, hồi đó tôi cảm thấy yên trí hài lòng. Vì cho rằng biển cả của riêng tôi. Mặt nước ban mai phẳng lặng, làn sóng chỉ gợn nhẹ lung linh như một tấm lụa mềm uyển chuyển mơn man trong gió. Thuyền ra khơi làm việc sớm, trên bãi chỉ còn những vỏ thuyền hư nằm úp mặt phơi nắng, vài người đàn bà khâu lưới và trẻ con còn ngủ say dưới những mái nhà lá lụp xụp, lười biếng thức dậy nô đùa trong hơi lạnh buổi sáng.
Sớm tinh mơ. Biển lặng lẽ trong sạch. Hơi thở nho nhỏ cô tịch nghe mơ hồ như một lời ru ngại ngần khiêm tốn. Ngoài tôi ra, ít người lắng nghe tiếng ru êm nhẹ nhàng đó. Đến khi mặt trời thắm đỏ bao trùm cảnh vật, hơi nóng cuồn cuộn thúc dục trong người, tôi nhảy vào lòng biển lặn ngụp trong làn nước mát.
Chiều xuống dần. Nước biển rút đi xa để lại cả một bãi cát ướt vương vãi đầy rong rêu, san hô và những con sò nằm dấu mình dưới một lớp cát cạn. Đây là lúc bọn trẻ con từ trên bờ ùa ra, đổ xô nhau lội nước ở những chỗ cạn và khom mình như người gặt lúc, mò mẫm đào xới trong cát tìm sò.
Ban đêm. Biển trở lại với riêng tôi. Gió mạnh từ xa xăm kéo vào hú lên xào xạc qua những canh dương liễu và tàu lá dừa. Mặt nước đen thẫm trông có vẻ bao la kỳ bí hơn. Có những đêm trăng, trời mờ như ngà, nhuộm bàng bạc ánh sáng xôn xao chan hòa cùng làn sóng uốn lượn. Đêm trăng biệt tích, ngàn sao nhỏ nhấp nháy như pháo bông ngày hội lễ, sao rải từng đốm sáng lập lòe, thỉnh thoảng có một hai vì sao chói sáng nhất, nổi bật với ánh chớp lấp lóe như đang đánh một tín hiệu tưng bừng đầy ý nghĩa nào của trời đêm.
Biển đêm kêu gọi tôi cho hồn chắp cánh bay biệt vào vòm trời sâu hút chẳng thấy đâu là ngõ lối. Tôi thả mình chìm trong đáy nước sâu thẳm, tôi buông mình trôi lượn lờ vào cõi bồng bềnh phiêu lãng chẳng thấy đâu là bến bờ dừng nghỉ.
Dĩ nhiên là vào ngày ấy, tôi chưa có Mơ Nữ đứng bên cạnh, đóng góp cùng tôi hơi ấm của tình người trong ngọn gió đêm sắc lạnh đâm suốt vào lòng.Tôi chỉ một mình. Chỉ một mình tôi như chiếc bóng nhỏ chập chờn trên nền cát hưởng lấy trọn vẹn bàn tay vuốt ve trìu mến của đêm thâu, và cũng chỉ một mình gắng sức chống chọi với nỗi cô độc ghê rợn không cùng của bầu trời trút xuống.
Bạn thiết của tôi hồi đó là những huyền thoại từ ngày xưa về biển. Trên một đại dương trôi khắp cùng trái đất kia, biết bao câu chuyện hoang đường, biết bao cuộc tình say đắm và tan tành theo ngàn lớp sóng. Cuộc viễn du vĩ đại của Ulysee, giương cánh buồm giang hồ trên khắp cùng chân trời sóng biển, qua những hải đảo kỳ ảo lạ lùng, chiến đấu mãnh liệt với bão tố, với quỷ dữ, với tiếng hát du hồn ma quái của yêu tinh hiện hình thành những nàng mỹ nữ.
Mối tình của Tristan và Yseult cũng khởi đầu bùng nổ trên một con thuyền lênh đênh giữa lòng biển vắng. Định mệnh xui khiến hai người uống nhằm chén rượu gắn bó, chén tình duyên tửu nồng nàn đã kết chặt đôi nhân tình vào trong một cuộc tình cay đắng trắc trở. Giờ hấp hối, Tristan vẫn còn ngóng trông ra biển, mỏi mòn chờ đợi một cánh buồm trắng của hy vọng và tình yêu trở về. Và Yseult đã theo cánh buồm trắng nôn nóng đến với chàng, nhưng người đời giả dối đánh lừa chàng rằng chỉ có một cánh buồm đen tăm tối xuất hiện, chàng tuyệt vọng lìa đời. Cũng trên mặt biển đầy sóng gió ấy, Khắc Chung xông pha vào khói lửa đón Huyền Trân Công Chúa trở lại quê nhà. Bao năm nay, này gạt lệ đi làm Hoàng Hậu xứ người xa lạ. Rồi tình cũ nối lại, đường về nhà gần, đôi nhân tình chọn một đường đi dài nhất. Cuộc hành trình say sưa trong sóng nước quên hẳn bến bờ, buồm hạ xuống cho thời khắc bên nhau kéo dài thêm chút nữa.
Biển lặng cho người nguồn sống. Biển xanh mơ màng xui khiến người yêu đương thắm thiết. Và nhiều khi biển giật dữ nổi sóng đòi lại mạng người chìm sâu dưới đáy. Bởi vì biển cũng như người, thèm sống, khát yêu và ngàn đời không thoát được màng lưới thắt chặt kéo vào cõi chết.
Dầu có thế nào chăng nữa, tôi vẫn một lòng yêu biển như Mơ Nữ. Như tôi đã yêu tất cả những nét đẹp của trần gian. Và nhiều khi, đất đai bị chật chội đầy ứ vì phố nhà, xe cộ, rác rưởi dơ bẩn xâm chiếm, thì lúc ấy, đại dương rộng rãi như trời, trong suốt như bích ngọc, chính là cửa ngõ giải thoát tôi ra khỏi không khí nhiễm độc ao tù.
Em bằng lòng chưa, Mơ Nữ. Tôi vẫn thương mến rừng, nhưng hết lòng yêu biển trên tất cả. Như em. Chúng ta có một quá khứ được nuôi nấng bổ dưỡng. Thời thơ ấu đã uống dòng sữa ngọt của sơn khê và ngày nay thấm nhập thông suốt bài học tự do vô hạn của biển cả.
Nhưng cũng đừng quên sông, nghe Mơ Nữ. Dầu quê ngoại em là xứ Huế, nhưng em chưa biết gì hết về dòng sông Hương. Dầu thành phố quê nhà của em ngày nay có một con sông Mường ngắn ngủi, nhưng con sông đó thua kém biển quá nhiều ở một miền đất duyên hải.
Phải là ở Huế, sông mới được mọi người thương mến và kính trọng. Sông ở đây mới chính là mạch máu. Sông Hương là mạch chính chảy về tim, và những nhánh phụ lưu của nó là những mạch con rẽ chạy trăm đường nuôi sống cho toàn thân thể.
Có lần Mơ Nữ đã nhắc tôi:
Anh hãy kể cho em nghe đi
Về đất Thần Kinh nơi anh sinh trưởng
Về chốn cố đo cổ phố nội thành
Mà lâu nay em chỉ biết qua sách vở
Về thôn Vỹ Dạ "có nắng hàng cau nắng mới lên"
Tiếng chuông Linh Mụ vang xa khi gà vừa gáy sáng
Bến nước ngày xưa vua ngự suốt đêm tàn,
Đò có đưa anh qua sông Hương lần nào
Chung lối với những gì trên vách thành rêu cũ
Tên của anh và tên của ai
Chắc chắn không phải là tên của em
Vì anh chưa quen em vào ngày đó
Anh có gửi cho ai chiếc nón bài thơ
Bài thơ thiên hạ làm hay của chính anh nắn nót
Ở đây có lần em nghe hát câu ca dao
"Cầu Trường Tiền sáu vài mươi hai nhịp
Anh qua không kịp tội lắm em ơi"
Em thầm nghĩ chắc anh đã đuổi theo ai không kịp trên cầu
Và đã lần nào về nhà dối mẹ rằng bay mất áo.
Mơ Nữ, em đã nói thế thì tôi còn biết kể gì cho em nữa. Em hãy chú trọng đến dòng sông chứ đừng cần hỏi han gì đến một kẻ đi trên bờ, là tôi ngày đó.
Tôi xa sông đã lâu, nhưng chẳng bao giờ quên sông, quên nhà cũ nằm trên bến đá trổ ra một khúc sông vắng. Tôi đã sinh thành và trưởng thành ở Huế. Dầu ngày nay sau nhiều năm xa cách, tôi trở nên một đứa con bội bạc không nhớ gì hết về những tên đường và hàng cây của quê cũ. Ở xa quá, tôi không theo kịp nhịp sống tuy có vẻ đều đều, nhưng vô cùng biến đổi của quê nhà. Và khi ta không theo dõi chờ trông mỗi phút giây từng chút nở lặng lẽ của một đóa hoa quỳnh, ta chẳng thể nói cho ai nghe về vẻ đẹp của loài hoa ấy.
Tôi nhớ rất ít về Huế. Nên tôi không thể nói cho em nghe đầy đủ về mảnh đất sâu thắm đó. Tôi không biết nói gì hơn ngoài những lời nuối tiếc, ngợi ca về con sông thân tình của tuổi nhỏ. Dầu ngày nay sông không phải của riêng tôi nữa. Sông không phải là sông ngày xưa. Thời gian trôi, làn nước trôi không ngừng, khúc sông tắm mỗi chiều trước nhà này có lẽ đà trôi xa mất biệt đến tận ngoài cửa biển.
Tôi và em, hãy nhớ đến sông vì đó cũng như lòng mẹ mát êm ôm ta vào lòng hồi nhỏ. Trong hương ấm mùi hơi quen đó, hạnh phúc no đủ khiến tôi thèm muốn bay theo những hương sắc kỳ ảo xa xôi hơn. Sông gợn màu nước mơ màng, đưa gió lén lút quyến rũ tôi mơ đến cuối chân trời, chỗ mất tích thăm thẳm vô bờ của dòng nước.
Như thế, sông nuôi hồn lãng mạn, mời gọi những chuyến lên đường đón đau và cao đẹp. Sông chịu định mệnh của một người ở lại với bờ lau bến cũ mà gượng cười bày tiệc cho những cuộc chia ly. Sông xui khiến những đứa con cưng phóng khoáng của nó viễn du thỏa chí trong cõi đời lồng lộng to lớn và chẳng mong một ngày trở về của tên đãng tử.
Em thấy không, Mơ Nữ? Những đứa con tài ba nhất, những đứa con biết thương sông Hương nhất, là những người đã rời xa sông một thuở. Dầu thỉnh thoảng có trở về vào đôi ngày cuối năm, nhưng rồi cũng ra đi trở lại. Đó là những kẻ biết nghe lời nhủ thầm thì của dòng sông, hiểu được ý nghĩa thâm sâu của dòng nước đen huyền trong đêm tối.
Tôi là một trong những người ấy. Tôi sẽ không như ngày nay nếu ngày xưa không được tắm đẫm mình trong lòng sông Hương bát ngát đó. Lặn ngụp và tôi luyện trong chất nước mềm mại, lúc nào cũng chan chứa, lắng nghe, đón tận đáy tất cả những gì thả vào lòng sông, rồi trầm tĩnh, lắng đọng .... Cho đến khi bốc lên trên mặt nước xuất hiện trước mặt mọi người, thì lúc nào cũng sẵn sàng dâng hiến tất cả những màu tươi đẹp nhất.
Mơ Nữ đề nghị:
Rồi một ngày kia anh đưa em về thăm quê anh nghe
Thăm sông Hương và làm quen với núi Ngự
Để sông núi khỏi trách chúng ta bội tình quên gốc.
Ngày trở về không quan trọng. Hãy nhớ đến sông, đừng quên lời dặn dò của sông, là đủ. Dầu có trở về, tôi cũng chẳng bao giờ làm người lái đò nhẫn nhục suốt đời trên bến cũ được nữa.
Tôi chẳng bao giờ là người con quán xuyến an phận trong nhà. Sông Hương chỉ là bến nhỏ mà đại dương còn rất nhiều bến lạ.