Chương 4
Tác giả: Hoàng Thu Dung
Như Hạnh mở tập ra. Thấy bài thi còn ghép trong tập, cô trong mắt ngẩn ngơ. Vậy là lúc sáng thi xong, cô không nộp bài mà lại… cất vào tập. Sao điên dữ vậy hả trời?
- Điên ơi là điên.
Vừa thay đồ, cô vừa lẩm nhẩm một mình. Nếu cô Oanh không cho nộp bài thì có mà toi đời.
Cuộn tròn bài thi trong tay, cô nhảy lóc cóc xuống cầu thang. Định đến lấy xe thì cũng vừa lúc gặp anh Duy dẫn xe ra. Anh nhìn cô:
- Hạnh đi đâu vậy?
- Em đến nhà cô nộp bài thi.
- Bài thi gì?
Như Hạnh ngượng ngập cười:
- Sáng nay thi xong, em quên nộp bài thi, giờ mới nhớ. Em định đến nhà năn nỉ cô nhận giùm.
Duy nhướng mắt ngạc nhiê. Như Hạnh tưởng anh sẽ bảo cô láu táu. Nhưng anh chỉ nói gọn:
- Để anh cho quá giang.
Duy đưa cô đến nhà cô Oanh. một mình cô đi vào nhà. Trái với lo sợ của cô, cô Oanh nhận bài một cách dễ đàng, chỉ khẽ mắng cô đãng trí. Như Hạnh thở phào nhẹ nhõm.
Khi cô trở ra đường thì thấy Duy đang nói chuyện với một cô gái. Cô ta ngồi trên chiếc Spacy màu trắng, dựng xe song song với anh Duy. Như Hạnh lưỡng lự không biết đứng bên đây đợi or qua đó? Cuối cùng, cô đi qua đường.
Cô gái quay lại nhìn cô. Như Hạnh cũng nhìn lại. Tim cô chợt thót lên như bị ai bóp mạnh, mặt tái nhợt vì xúc động dữ dội. không bao giờ cô tin có lúc mình sẽ đối diện vè trò chuyện với cô gái đẹp chết người này. Không, không bao giờ cô chấp nhận chuyện đó.
Như Hạnh đứng chôn chân một chỗ, cô không biết được mặt mình lúc đó ra sao. Cô nghe Duy nói một cách lơ mơ:
- Đây là Như Hạnh, em gái anh. Còn đây là Mỹ Phượng, bạn thân nhất của anh đó Hạnh. Em làm quen với chị Phượng đi.
Cô gái nở một nụ cười dịu dàng, và nhìn cô đăm đăm. Nhìn không chớp đôi mắt cô, như cố tìm một nét quen nào đó, nhưng cô ta không nhớ nổi.
Như Hạnh cảm thấy môi mình cứng ngắt. Cô ngó Duy rồi cô gái. Cô nghe cô ta nói thánh thót:
- Hạnh dễ thương quá! Xinh ghê!
- Cám ơn chị.
Giọng cô khô khốc, cảm thấy mình run rẩy vì uất ức kỳ lạ. Thấy Duy nhìn mình chăm chăm, cô căm ghét nhìn lại anh, rồi bật thốt:
- Anh Duy về trước đi, em muốn ở chơi với cô một lát.
Nói rồi, không biết mình làm gì và cũng không cần nghe hai người kia gọi mình. Cô đi nhanh qua đường và mở cổng nhà cô Oanh:
- Sao em trở lại đây? Có gì không Hạnh?
Như Hạnh cứ dứng trước mặt cô Oanh như mất hồn. Rồi cô liếm môi:
- Dạ… không có gì. Thưa cô, em về.
Cô lại đi ra cổng. Anh Duy và cô gái kia không còn ở đó. Cô lẳng lặng đi một mình dưới hàng cây, tưởng như ngực mình có thể nổ tung vì cảm giác căm ghét, tức giận, cay đắng và… bất lực. Nước mắt tuôn ròng trên mặt. Cô vừa đi vừa khóc tấm tức một mình (nghe cứ như là “Em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương” dzị)
Cô lang thang ngoài đường đến tối, với cảm giác cô đơn ghê gớm. Cô hiểu rằng mình không thể trở lại ngôi nhà dì Ngân nữa, không thể sống gượng ép để ở đó để nhìn mặt anh Duy nữa. Tại sao anh không yêu ai khác cô gái đó? Anh ác lắm! Cuộc đời bày nhiều trò ác với cô lắm.
Đến khuya, mệt rã rời và mỏi chân, cô lếch thếch trở về nhà. Người mở cổng cho cô là anh Duy:
- Em đi đâu từ chiều giờ vậy Hạnh? Sao em phản ứng nông nổi quá vậy? Anh lo điên lên được.
- Cám ơn sự quan tâm.
Như Hạnh lầm lì đi lên phòng. Duy chận cô ở giữa lối đi:
- Em xuống ăn cơm, rồi an hem mình nói chuyện.
- Không, cám ơn.
Cô lách người đi về phòng mình, dáng điệu câm lặng như chiếc bóng.
Khóa cửa lại, cô nghe tiếng Duy gõ nhẹ Ở ngoài:
- Hạnh! Ra đây nghe anh nói chút đi. Em đừng làm vậy, không nên đâu. Nghe anh nói không?
- Yêu cầu đừng làm phiền thôi.
- Lẽ ra anh nói với Hạnh chuyện này lâu rồi, nhưng không có dịp. Anh biết anh không tế nhị chuẩn bị tinh thần cho em. Bây giờ biết rồi, em nghe anh khuyên một điều, được không?
Chịu hết nổi, Như Hạnh hét lên:
- Tôi không muốn nghe.
Cô khóc òa lên, tiếng khóc như vỡ ra vì một nỗi tủi hận. Duy thở dài:
- Đừng làm vậy Hạnh, có gì đâu em khóc dữ vậy. Mở cửa cho anh đi.
Như Hạnh không trả lời, cô bỏ đi lại cửa sổ đứng. Duy kiên nhẫn gõ cửa một hồi, cuối cùng anh về phòng mình.
Như Hạnh khóc một lát rồi nguôi dần. Cô thút thít thay áo đi ngủ. Cửa phòng lại gõ nhẹ, rồi giọng dì Tư khẽ khàng:
- Cô Hạnh ơi! Cô Hạnh!
Như Hạnh mở cửa:
- Gì vậy dì Tư?
- Cậu Duy bảo tôi mang cơm lên cho cô nè. Cô bệnh hay sao vậy?
- Con không ăn, không thèm ăn.
Vừa nói, cô vừa đẩy chiếc khay ra. Dì Tư ngạc nhiên:
- Cô sao vậy?
- Dì đem xuống đi, con không ăn đâu.
Đóng cửa phòng xong, cô đến ngồi trước bàn học. Bây giờ mới nhớ từ chiều giờ mình chưa ăn gì, đói run cả tay chân. Nhưng cô nhất định không ăn, chết luôn cũng được.
Cô không bỏ được cái tật trẻ con của mình là giận thì bỏ ăn. Ngày xưa, mỗi lần giận mẹ, cô không thèm ăn cơm, để ngúng nguẩy bắt mẹ phải chiều ý. Bây giờ cũng vậy. Nhưng cô không hề muốn ngúng nguẩy với anh Duy. Có được gì đâu.
Sáng dậy, cô định lên sân thượng tập thể dục. Nhưng gặp Duy ở hành lang, cô lẳng lặng quay trở vào phòng mình.
Mấy ngày liên tiếp, cô tìm cách tránh mặt Duy. Về nhà, cô đi thẳng lên phòng gài cửa lại. Và suốt ngày lang thang ngoài đường với Kha. Mấy lần anh bảo cô giải thích về thái độ của mình, nhưng cô vẫn lặng thinh.
Chiều nay về nhà. Cô thấy Mỹ Phượng trong phòng khách. Lần đầu tiên Như Hạnh thấy cô ta đến đây. Cô ta nhìn Như Hạnh chăm chăm không giấu giếm, rồi nói nhỏ nhẹ:
- Hạnh đi học về hả? Ngồi chơi Hạnh.
Như Hạnh im lặng. Duy nói đỡ:
- Nó đi học về mệt, em đừng để ý.
Nhưng Mỹ Phượng khăng khăng:
- Có gì đâu mà mệt. Chị muốn làm quen với Hạnh mà. Lại đây ngồi chơi đi cưng.
“Cô ta có nhận ra mình không, tại sao lại nói chuyện với mình? Rõ ràng cô ta muốn tìm hiểu cái gì đó”. – Như Hạnh nghĩ thầm. Cô chiếu đôi mắt lạnh lùng nhìn Mỹ Phượng:
- Cám ơn. Tôi nhức đầu lắm. Xin lỗi chị.
Nói xong, không cần biết cả hai phản ứng ra sao, cô đi lên lầu. Hưng đứng chờ cô ở cửa. Hắn hất mặt:
- Hạnh thấy người yêu của anh Duy rồi, phải không?
- Rồi.
Hưng theo cô vào phòng:
- Để mình nói Hạnh nghe chuyện này. Nhưng Hạnh hứa phải bình tĩnh, đừng nổi nóng nghe. Chuyện này có liên quan tới Hạnh đó.
Như Hạnh quay phắt lại:
- Biết rồi, khỏi giới thiệu về thân thế người đó. Tôi rành chị ta hơn anh em mấy người, và rành cả mẹ của họ nữa. Mấy người đừng nói gì hết.
- Kìa Hạnh! Sao lại gây với mình? Mình có lỗi gì đâu.
Ừ, Hưng có lỗi gì đâu. Cô nhớ có lần Hưng bảo không thích người yêu của anh Duy, nhưng cô không để ý.
- Tôi là như vậy đó. Nhỏ mọn, hay gây… Nhưng ít ra mẹ con tôi cũng không làm gì ác. Đừng nói tới tôi nữa, hãy lo giùm số phận của anh mấy người kìa.
- Hạnh có thấy Hạnh bất công với mình không?
- Tôi không thầy gì ngoài việc muốn thay đồ. Mấy người làm ơn lịch sự giùm chút đi.
Cũng như Duy hôm nào, Hưng thở dài đi ra. Hắn có vẻ ngao ngán vì vẻ gai góc của cô. Mặc kệ! Gì đi nữa, cả hai anh em hắn cũng không bị vướng bận vào cô nữa đâu. Bây giờ thì không còn gì phải phân vân nữa.
Cô mím môi ngẩng cao đầu. Cô không hề tiếc nuối khi rũ sạch những tình cảm đối với gia đình này. Vì rồi cũng có ngày cô ta về đây với vị trí con dâu. Mà cô thì không thể hít một bầu không khí với người mà cô căm thù.
Như Hạnh ngồi phịch xuống giường, vò nát góc mềm mà vẫn không hay. Cô tưởng trái tim có thể nổ tung vì uất ức. Tại sao số phận lại bắt mẹ cô phải thống khổ vì mẹ con Mỹ Phượng chứ? Bà ta cướp của cô người cha, một mái gia đình. Khi cô tìm được một gia đình thứ hai thật sự yêu thương cô, thì con gái bà ta lại xuất hiện và có thể vững vàng hất cô ra khỏi mọi người. Bất công lắm!
Bất giác, cô đấm mạnh tay xuống gồi, thở dồn dập vì tim đập quá mạnh. Cô còn trẻ con quá, nên không đủ sức chịu đựng cảm giác uất giận. Càng không thể yên lặng mà nghe đau lặng lẽ. Nhất là khi ở dưới kia Mỹ Phượng chưa ra về.
Như con thú non trong cơn giận, co đứng bật dậy, cầm chiếc gối ném mạnh vào tường. Cô giậm chân, hết đứng bên bàn lại lao đến đến bên cửa sổ, rồi trở lại ngồi phịch xuống ghế, úp mặt xuống bàn khóc nức nở.
- Đừng làm như vậy Hạnh! Có gì đâu mà em phản ứng dữ dội như vậy?
Như Hạnh ngẩng phắt lên khi nghe giọng của Duy, dịu dàng như nói với một đứa bé. Cô ghét cái cách dỗ dành của anh!
Cô hất mặt lên, lau sạch nước mắt:
- Đề nghị đi ra ngoài giùm tôi!
- Hạnh nghe anh nói đi. Đành rằng em không thích Mỹ Phượng và bác Diễm, nhưng Mỹ Phượng muốn kết bạn với em và…
Như Hạnh ngắt lời:
- Và anh đừng phân trần, bênh vực gì chị ta cả. Anh thấy đó, tôi đã mắng nhiếc chị ta đâu. Thậm chí một câu xúc phạm cũng không. Trong khi tôi ước sao mình có thể vô giáo dục để bảo với họ rằng: họ là đồ cướp giật. Có bao giờ anh bị mất mát đâu. Nếu có, anh sẽ hiểu được nỗi bất hạnh tôi phải gánh chịu, lúc đó…
- Nhưng em còn nhiều người thương yêu em. Còn mẹ anh, Hưng và cả anh nữa.
Như Hạnh nhìn Duy lạnh lùng:
- Anh đừng bảo nếu chọn giữa người yêu và cô em gái vớ vẩn nhặt được ngoài đường, anh sẽ bỏ đi người yêu.
Cô hếch mũi:
- Trong đời tôi, nếu có người nào tôi thù ghét nhất, thì đó là mẹ con họ. Tôi không thể gọi chị ta bằng chị dâu đâu. Và cũng sẵn sàng cắt phăng mọi quan hệ liên quan đến họ. Tôi là người như vậy đó. Ti tiện lắm. Tôi chấp nhận làm người ti tiện chứ không thích giả dối.
Duy yên lặng nhìn Như Hạnh, anh khẽ lắc đầu. Nãy giờ đứng theo dõi những cử chỉ của Như Hạnh, anh không ngờ cô phản ứng quyết liệt như vậy. Tự nhiên anh thấy thương cô. Con chim bé nhỏ còn ngây thơ quá. Cô vùng vẫy chống đối để rồi được gì ngoài thua thiệt. Anh đâu thể bỏ rơi Mỹ Phượng để làm cô vui lòng.
Nếu không chấp nhận được Mỹ Phượng để phải bỏ đi, Như Hạnh cũng sẽ mất mát như mẹ cô ngày xưa. Cuối cùng cô được gì ngoài thiệt thòi, cô đơn. Anh muốn cô hiểu điều đó để gạt bỏ tỵ hiềm và hòa đồng với Mỹ Phượng, nhưng cô bướng bỉnh quá.
Thấy Duy cứ đứng đó nhìn mình, Như Hạnh lẳng lặng bỏ đi ra ngoài.
Cô lại lang thang ngoài đường đến tận khuya, cảm thấy bất lực với nỗi thống khổ của mình. Cô không hay Hưng đi phía sau chỉ cách cô một đoạn. Hắn mỏi nhừ chân, nhưng vẫn kiên nhẫn “hộ tống” cô. Hưng rất sợ cô quẫn trí rồi làm một điều gì đó dẫn đến bi kịch cho chính bản thân cô.
Sáng hôm sau, Như Hạnh bỏ học hai giờ cuối. Cô đến nhà hàng tìm dì Ngân. Thường buổi sáng, dì Ngân ở đó trông coi mọi việc, đến trưa mới về. Thấy cô, dì có vẻ ngạc nhiên:
- Con đi đâu vậy?
- Con tìm dì nè.
- Có gì gấp không, sao không đợi về nhà?
Như Hạnh ngồi xuống chiếc ghế trước quầy thu tiền. Ở đây mà nói chuyện nghiêm chỉnh thì khó thật. Nhưng nói ở nhà thì càng khó hơn. Cô muốn từ giã một cách nhẹ nhàng. Vì nế dì Ngân hỏi tại sao, chẳng lẽ cô bảo bởi vì cô không chấp nhận Mỹ Phượng.
Có lúc cô cảm thấy cay đắng khi cả dì Ngân cũng giấu cô. Hay là dì xem chuyện đó không quan trọng. Đúng rồi. Có ai nếm trải nỗi bất hạnh mới thông cảm giùm người khác. Làm sao trách được nếu gia đình dì Ngân không hề thù oán Mỹ Phượng. Việc dì mang về nhà cô con dâu như vậy có gì là trái lí. Chỉ có cô là bẽ bàng mà thôi.
Ừ, tại sao bắt mọi người phải quan trọng chuyện cá nhân cô nhỉ? Nếu mình không chấp nhận, thì mình hãy tự rút lui. Có ai ép.
Thấy dì Ngân nhìn mình chăm chú. Như Hạnh liếm môi, cô “đọc thuộc” lại bài nói dối soạn sẵn:
- Con đến xin phép dì trước. Ngày mai lớp con đi thực tế. Xong ròi về, con sẽ ở chung nhà nhỏ bạn con. Ở một mình nó không dám, vì vậy con…
Dì Ngân cắt lời:
- Có nghĩa là con không ờ nhà mình nữa, phải không? Con gái có nhà không ở mà định đi lông bông đâu? Dì không đồng ý chuyện đó đâu.
Như Hạnh định nói thì một cô tiếp viên đến đưa phiếu và tiền. Dì Ngân vừa bỏ tiền vào tù, vừa khoát tay:
- Con về nhà đi, đừng có lộn xộn. Trưa về dì nói chuyện, bây giờ dì bận lắm.
Như Hạnh miễn cưỡng đứng dậy. Vậy là không thể cám ơn dì Ngân, đành đi một cách lặng lẽ, vô ơn. Làm sao dì Ngân biết đây là lần cuối cùng cô gặp dì… Tự nhiên Như Hạnh rớt nước mắt. Cô vội lau mắt thật nhanh. Dì Ngân thoáng thấy cử chỉ của cô, gọi giật lại:
- Chuyện gì vậy Hạnh, nói gì nghe coi? Nè…
Nhưng Như Hạnh dã chạy tốt ra cửa.
Về nhà, cô lên phòng chuẩn bị đồ chờ Kha. Thật ra thì cô đã dọn mọi thứ từ đêm qua, bây giờ chỉ có việc lấy đi. Cô nhìn đồng hồ rồi ra ban công đứng ngó xuống đường.
Dưới đường, Kha và tên Phước dựng xe chờ cô. Như Hạnh khẽ vậy tay bảo đợi rồi trở vào phòng. Cô khệ nệ mang chồng sách xuống trước, rồi lại trở lên mang chiếc rương.
Cô gặp Duy ở giữa cầu thang. Anh vừa đi đâu về và có lẽ đã gặp Kha ngoài cổng. Duy nghiêm khắc nhìn Như Hạnh:
- Em không được đi như vậy, anh cấm em. Đừng có trẻ con quá, em nghe không?
Như Hạnh nhìn Duy, lạnh lẽo:
- Cám ơn mọi người đã đối xử tốt với em. Chào anh.
Nói rồi, cô lẳng lặng đi xuốn. Duy nhảy xuống vài bực thang chặn cô lại:
- Em làm gì vậy? Em có hiểu mình đang làm gì không? Đì về phòng!
Giọng nói uy quyền của Duy không làm cô chùn bước. Cô lách người tránh anh và bước xuống nữa. Duy nắm vai cô lắc mạnh:
- Anh không cho phép em cư xử trẻ con như vậy. Đi về phòng ngay!
Lần đầu tiên Như Hạnh thấy anh có vẻ nóng nảy. Nhưng điêu đó không làm cô ngạc nhiên hay suy nghĩ gì khác. Cô nhìn chiếc va li trên tay bị Duy giữ lại, rồi nhìn thẳng vào mắt anh:
- Nếu anh không cho em mang theo đồ, em nhờ bạn em đến lấy sau.
Và lấy hết sức, cô đẩy anh qua một bên chạy xuống. Đến cuối cầu thang, cô nghe Duy lên tiếng:
- Thôi được, cứ làm theo những gì em muốn, rồi em thấy mình nông nổi.
Anh bước xuống, đưa va li cho cô:
- Em đi đi. Khi nào cảm thấy hối hận về tính bướng bỉnh của mình, thì hãy trở lại đây. Lúc đó em sẽ hiểu em đã gây cho mọi người cảm giác gì.
Nói rồi, anh quay người đi lên. Như Hạnh chẳng suy nghĩ gì nhiều, cô xách va li ra cổng.
Kha nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô, thương hại:
- Bây giờ đổi ý còn kịp. Em trở vào nhà đi, nhị ca mang đồ vào cho.
- Nhị ca nghĩ em khóc vì tiếc hả? Không có đâu, không hề.
- Người lúc nãy là cậu ba nhà này phải không? Anh ta bảo nhị ca không nên để em làm bậy. Kể ra anh ấy nói cũng có lý. Em bỏ đi là dại đó Hạnh.
Như Hạnh bướng bỉnh:
- Em cũng không mong mình là người biết tính toán khôn ngoan. Nhị ca đừng nói nhiều nữa.
Kha khẽ lắc đầu như chịu thua. Anh hất mặt ra hiệu cho Phước, rồi nổ máy.. Như Hạnh nhìn đăm đăm phía trước. Cô không thấy anh Duy đứng trên ban công nhìn xuống, cũng không hiểu việc làm của cô làm anh ray rứt.
Bà Ngân trở mình nằm nghiêng một bên. Chuyến đi vía núi Bà ở Châu Đốc bị lật xe làm bà bị thương cả tuần nay. Không đến nỗi trầm trọng lắm, nhưng vết thương thật nhức nhối khó chịu.
Trong nhà trở nên lặng lẽ từ khi Như Hạnh bỏ đi, bây giờ bà lại nằm một chỗ. Không khí như lạnh lẽo nặng nề hơn.
Mấy ngày đầu, bà cảm thấy buồn. Nhưng càng ngày cái buồn trở nên chịu không nổi. Bà thèm có bàn tay săn sóc của một đứa con gái, được nghe tiếng cười giòn tan và những bước chân nhảy nhót ngoài hành lang. Cái vắng lặng đối với người bệnh thật đáng buồn. Nó làm bà có cảm giác mình sắp bước vào tuổi già.
Cửa phòng bị đẩy nhẹ, rồi Duy bước vào:
- Mẹ cần gì không, con làm cho mẹ?
- Bật ti vi cho mẹ xem. Mà thôi, mẹ không xem gì đâu. Ngồi xuống đây cho mẹ hỏi.
Duy ngồi xuống cạnh giường. Anh biết mẹ mình muốn hỏi gì rồi “Con có gặp con Hạnh không?”. Đó là câu hỏi thường xuyên từ lúc mẹ anh bị thương nằm một chỗ. Câu hỏi làm anh khốn khổ với cảm giác mình có lỗi.
Thật ra, bà Ngân không biết tí ti gì về Mỹ Phượng, vì Duy luôn cố giấu thân thế của cô. Anh biết nói ra, bà sẽ có ác cảm với người anh yêu. Vì cả anh cũng thấy dị ứng với mẹ của Mỹ Phượng, huống chi là mẹ anh.
Lúc học ở phổ thông, Duy đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp tuyệt vời của cô. Anh chỉ yêu chứ chưa nghĩ đến chuyện xa xôi là tìm hiểu gia đình cô. Đến khi biết mẹ Mỹ Phượng là bà Diễm - người phụ nữ phá nát hạnh phúc của gia đình bé Hạnh, Duy mới bàng hoàng rối rắm. Anh giấu kín cảm giác chán nản của mình. Thật ra Mỹ Phượng cũng không biết mẹ anh thân thiết với gia đình Như Hạnh ra sao.
Lúc Như Hạnh về đây, Duy rất lo lắng tối bời. Chuyện đó chỉ có mình Hưng biết. Nhiêug lần hai anh em bàn bạc định giới thiệu Mỹ Phượng với Như Hạnh và làm hai người thân nhau, nhưng thấy Như Hạnh vô tư quá nên anh ngại. Anh cũng hy vọng Như Hạnh không biết Mỹ Phượng là ai. Không ngờ cô đã biết nhiều hơn anh nghĩ.
Lúc cô đi rồi, Duy không còn cách nào khác hơn là kể hết với mẹ. Bà Ngân không phản đối quyết liệt như anh nghĩ, nhưng rõ ràng là không bằng lòng. Bà chỉ nói nhẹ nhàng:
- Chuyện tình cảm của con, mẹ không cản. Nhưng khi cưới một người vợ thì phải nghĩ cho kỹ. Mẹ chỉ khuyên một điều: Hãy nhìn vào bà mẹ cô gái để biết đức hạnh của cô ta ra sao. Ông bà ta ngày xưa đã nói ít khi sai lầm.
Câu nói giày vò Duy đên khốn khổ. Anh yêu Mỹ Phượng, nhưng cũng không dại khờ ngu ngốc đến mù quáng. Mẹ Mỹ Phượng là người phụ nữ phóng đãng, trác táng và cũng vô cùng bản lĩnh. Biết mình sắp hết thời xuân sắc, bà quyết định dừng chân ở ba Như Hạnh. Rồi bằng nước mắt và giọng nói dịu dàng, thánh thót, bà buộc ông bỏ rơi vợ con… Và từng bước hai ngôi biệt thự, hàng sản xuất đồ nhựa và vườn cà phê ở Bảo Lộc… đều lần lượt do bà đứng tên. Tất cả mọi thứ lẽ ra của Như Hạnh, nhưng đã thuộc về Mỹ Phượng. Duy biết điều đó một cách sâu sắc. Và anh cũng bất lực tự hỏi tại sao trời xui đất khiến anh đứng ở giữa hai cô gái đối nghịch đó?
- Con nghĩ gì đó Duy?
Duy thở dài:
- Con đang tìm cách nói để Như Hạnh tự nguyện trở về.
Bà Ngân cười như không tin:
- Nhưng nó có chịu gặp con không?
Duy im lặng. Đâu phải anh và Hưng không làm chuyện này. Nhưng Như Hạnh cứ như một nhà ảo thuật biến hoá trong chớp mắt khi chạy trốn. Đã mấy lần chờ cô ở cổng trường không được, Duy vào tận lớp học gọi cô. Nhưng Như Hạnh từ chối gặp anh một cách dứt khoát. Duy phải chịu thua. Bây giờ anh biết chắc mình sẽ tìm cô lần nữa, nhưng không nghĩ ra cách nào.
Duy thờ dài, đầu cúi thấp, anh luồn tay vào mớ tóc rối tung:
- Con thấy bình thường Như Hạnh có vẻ hồn nhiên, không ngờ chuyện này con bé làm dữ như vậy.
Bà Ngân cau mày:
- Không dữ đâu Duy. Mẹ thấy nó phản ứng vậy là đúng. Ngay mẹ cũng không đồng tình mà. Có điều mẹ là mẹ của con, nên mẹ phải dung hòa. Nếu mẹ bị bà Diễm cướp trắng như vậy, liệu con có thương được con Phượng không? Con đừng mù quáng quá.
Duy hơi bất mãn:
- Mẹ nghĩ con mù quáng sao?
Bà Ngân nhìn cậu con trai thật lâu. Duy có vẻ khổ tâm không ít. Bình thường tính nó kín đáo trầm lặng, vậy mà lúc sau này nó có vẻ lầm lì và càng ít nói. Bà khẽ lắc đầu:
- Mẹ chỉ tiếc lúc này không có con Hạnh ở gần mẹ. Nhà gì lặng câm. Lúc nó ở đây, nghe nó ca hát suốt ngày quen rồi.
Duy ngước nhìn mẹ, rồi quay đi chỗ khác. Đâu phải anh không thấy điều đó. Anh cũng không ngờ mình bị Như Hạnh chi phối nhiều như vậy. Có những lúc đi đâu về, anh cứ nghĩ bước vào phòng khách sẽ thấy cô một mình loay hoay cắm bình hoa, và hát nho nhỏ một bài anh nghe đến thuộc lòng:
“Đời em là chim én bay, đời em là hương tỏa đâu đây…”
Duy nhớ cả có những lúc mình vô tình hát theo cô… Rồi hình ảnh cô nhảy nhót trên lối đi, để rồi hai chân bước riu ríu và mắt ngó chớp chớp như sợ sệt khi gặp anh. Mãi đến sau này, cô bé mới hết sợ anh. Và khi hết sợ rồi, thì cứ mon men đeo theo anh nói chuyện, vòi vĩnh… Thậm chí bắt anh phải phân xử khi cô và Hưng cãi cọ…
Có quá nhiều hình ảnh đầy ấn tượng về cô, làm sao Duy không ray rứt.
Nhưng vì cô mà để mất Mỹ Phượng, thì Duy không thể.
Anh chậm rãi đứng lên, nhìn đồng hồ:
- Giờ này chắc tan trường rồi, để con đến ký túc xá xem con bé có ở đó không?
Bà Ngân không nói gì, Duy đi ra ngoài. Không kềm được, anh quay lại nhìn mẹ. Vẻ nghiêm khắc của bà làm anh thấy khổ sở vì cảm giác tội lỗi. Nhưng anh phạm lỗi gì ngoài việc yêu một cô gái có bà mẹ thiếu đạo đức. Mỹ Phượng đâu thể chịu trách nhiệm về việc làm của bà mẹ. Cô ấy vô tội kia mà.
o O o
Duy gõ nhẹ cửa phòng. Không có tiếng trả lời. Trong phòng vẳng ra tiếng cười nói ầm ĩ. Một giọng nói lạ át hẳn tiếng cười:
- Mi ác đức quá, có ngày trời phạt mi nghe Hạnh. Từ lúc mi về đây, không ngày nào tụi ta được yên lấy một ngày. Bộ không quậy, mi không chịu nổi hả?
- Tao không hiền ở đâu nó nghĩ ra lắm trò thế. Hèn gì nãy giờ nóng muốn chết mà không hiểu tại sao. Con này phải nện cho một trận mới được.
Giọng Như Hạnh nghịch ngợm:
- Ê, khoan! Ngồi dậy nổi không mà nện. Phụ nữa sinh non yếu lắm, đừng có hung hăng.
- Con quỷ! Con quỷ!
- Trời ơi! Nhột…
Những tiếng cười ré lên, cồng với tiếng la chói lói làm ồn cả một góc hành lang. Duy gõ cửa mạnh hơn, nhưng vẫn không ai nghe. Ở cuối hành lang, chợt một cô gái đi lên, la oang oang:
- Sao mất tiêu lò than của tui rồi? Mới đốt chưa kịp ủi đồ ai lấy đi.
Cô ta thò đầu vào phòng gần đó:
- Qúy vị có ai thấy thau đựng than của tui đâu không?
- Lấy thứ đó làm chi.
Cô ta đi về phòng đầu dãy. Thấy Duy đứng ở đó, cô ta nhướng mắt:
- Anh tìm ai vậy?
- Như Hạnh.
- Sao anh không gọi lớn lên? Tụi nó đang giỡn, không nghe đâu.
Nói rồi, cô đập cửa ầm ầm, gọi lớn:
- Nhỏ tiểu quỷ! Có khách nè. Ở đó lo giỡn.
- Ai thế?
- Không biết. Ra để người ta chờ nãy giờ kìa.
- Chờ chút.
Có lẽ Như Hạnh chải lại tóc. Duy nghe tiếng cô gái lúc nãy hỏi:
- Phòng này có ai thấy lò than của tui đâu không?
- Cái này phải không?
- Ủa! Sao nó lại ở đây? Ai đem lên vậy?
- Nhỏ Hạnh chứ ai. Nó để ở dưới gầm giường tao kìa, báo hại nóng gần chết, có ngủ nghê gì được đâu. Làm ơn mang về giùm đi. Khổ quá!
Như Hạnh nhảy xuống giường, ra mở cửa. Thấy Duy, cô mở lớn mắt nhìn rồi đăm đăm ngó chỗ khác:
- Anh kiếm có chuyện gì không?
- Sống ở đây, Hạnh thoải mái lắm phải không? Thấy em vui vẻ, anh cũng mừng.
- Tránh cho người khác vướng víu vì mình, ai mà không vui hả anh. Nhưng anh có chuyện gì vậy?
Duy chưa kịp trả lời, cô đã nhìn đồng hồ:
- Xin lỗi anh nha. Tôi còn phải đi tắm để đi học. Trễ giờ rồi. Bye!
Không để Như Hạnh biến vào phòng, Duy giữ tay cô lại. Anh nghiêm nghị:
- Anh không có ý định làm phiền Hạnh, chỉ đến nói cho em biết mẹ anh đang bị té xe. Em nên cư xử sao cho đúng là người có ăn học. Anh về.
Nói rồi, Duy quay người bỏ đi. Như Hạnh đứng sững nhìn theo anh. Cô sợ thót tim vì cái tin vừa nghe. Cô muốn hỏi, nhưng không bết phải làm sao vì Duy đã bỏ đi. Lòng hoang mang rối bời, co trở vào phòng quýnh quáng thay đồ. Cô cảm thấy tay mình hơi run, cảm giác lo sợ cũng giống như hai năm trước, khi cô cầm tờ điện tín báo mẹ bệnh. Tại sao dì Ngân bị thương mới được chứ? “Lạy trời! Đừng cho dì Ngân chết. Đừng chết dì Ngân ơi…” Bất giác, cô khóc mếu máo, miệng méo xệch trông thật buồn cười.
Như Hạnh hít mũi, chạy bay xuống nhà xe, vừa chạy vừa quẹt nước mắt. Tự nhiên cô thấy tức sao lúc nãy anh Duy không đợi cô. Bây giờ biết gặp dì Ngân ở đâu.
Chỉ có cách về nhà để hỏi. Cô đạp xe thật nhanh. Gặp gió ngược mệt phờ cả người. Về đến nhà cũng gần cả tiếng. Cô dựng xe ngoài sân chạy bay lên phòng dì Ngân.
Cô đẩy nhẹ cửa, mặt vẫn còn sợ hãi, cô hé miệng thở hổn hển. Nghe tiếng chân cô, mọi người quay ra. Như Hạnh điếng người nhận ra hai người phụ nữ ngồi gần dì Ngân là bà Diễm và Mỹ Phượng. Cô muốn bỏ đi lập tức, nhưng cơn sợ làm cô quên ý định của mình. Cô nghiêng đầu tìm dì Ngân, rồi hấp tấp đến bên giường. Bà Ngân kéo tay cô ngồi gần mình hơn:
- Sao mới về đã khóc rồi? Dì không sao đâu mà sợ.
Như Hạnh ráng nín, nhưng nước mắt cứ chảy giọt. Cô thút thít:
- Lúc nãy nghe anh Duy nói, con tưởng dì bi nặng lắm. Con sợ dì chết… híc… híc…
Dì Ngân cười sung sướng:
- Ai cần cô lo cho tôi. Chiều nay có học không?
- Dạ có.
- Đi về phòng ngủ một chút rồi đi học đi. Chiều về dì hỏi chuyện. À quên! Con chào khách đi chứ. Mới về đã lo khóc rồi.
Như Hạnh quay lại nhìn bà Diễm, ánh mắt đầy căm ghét. Bà ta vội cười với cô, giọng ngọt lịm:
- Con khỏi phải khách sáo, người nhà cả mà.
Mỹ Phượng cũng nhẹ nhàng:
- Bác Ngân không sao đâu. Mấy ngày nay chị cũng lo chết được. Không đêm nào chị ngủ được vì lo đấy.
Thấy Như Hạnh lặng yên, vẻ mặt như sắt lại. Bà Ngân vội đẩy nhẹ cô:
- Về phòng ngủ đi. Lát nữa bảo anh Duy đưa đi học. Chiều về là vào ngay cho dì nói chuyện, nghe không?
- Dạ.
Không chào hai người khách, Như Hạnh đứng dậy cầm giỏ lên, đi một mạch ra ngoài. Cô như không thấy Duy nãy giờ vẫn ngồi yên quan sát từng cử chỉ của cô. Biết mình đã tỏ ra vô giáo dục. Nhưng cô không cần điều đó, và cô ghét đên hết mức vẻ mặt ôn hòa cùng giọng nói ướp quá nhiều đường của bà ta. Người đàn bà quỷ quyệt, mụ phù thuỷ độc ác, bà yêu tinh chuyên ăn thịt trẻ con… Cầu trời khi chết, bà sẽ sa vào hỏa ngục.
Như Hạnh ra ngoài rồi, bà Diễm cười mềm mỏng:
- Tội nghiệp! Cháu nó lo chị quá. Không phải con đẻ mà thương như thương mẹ, thật hiếm thấy.
- Con nít mà chị. Ai thương nó thì nó sẽ đáp lại. Số nó bất hạnh nên gặp người cha không ra gì, nghĩ vậy nên tôi thương nó hết mực để đền bù. Mấy ngày con bé bỏ đi, tôi nhớ nó đến phát ốm. Bây giờ thấy mặt nó là khỏe ra.
Bà Diễm cắn môi, rồi hùa theo:
- Con bé dễ thương như vậy, chị cưng cũng phải.
Bà Ngân cố tình thở dài:
- Số nó bạc phước, phải gặp người cha có lương tâm thì đâu đến nỗi… Con bé ngoan đến thế mà lại kém phước.
Mặt bà Diễm vẫn thản nhiên, đầy vẻ thân ái:
- Chị nhân đức quá, con bé được chị thương cũng may mắn.
- Thấy hoàn cảnh của nó như vậy, sói còn chạnh lòng, huống chi là người hả chị?
Duy nhìn mẹ chăm chú. Anh không ngờ bình thường bà Ngân tính mềm mỏng vui vẻ, hôm nay lại có thể nói những câu châm biếm cay độc như vậy. Rõ ràng bà không những không ưa mà còn khinh ghét cả bà Diễm lẫn ba Như Hạnh. Cách nói gai góc phủ lớp nhung mềm của mẹ làm anh thấy ái ngại cho bà Diễm, dù anh thừa nhận mẹ mình không thể trách được.
Duy tìm cách phá tan không khí căng thẳng ngấm ngầm giữa hai người, anh lên tiếng:
- Lúc nãy Phượng bảo đi đâu đó, để anh đưa em đi nghe.
Bà Diễm lập tức đứng dậy, giọng đầy xã giao:
- Nãy giờ đến lâu làm chị mệt thêm. Chị nằm nghỉ cho mau khỏe nha, để mẹ con tôi kiếu. Duy ở lại săn sóc mẹ đi con. Bác với Phượng đi được rồi.
- Dạ, chị về. Cám ơn chị tới thăm, phiền chị quá.
- Có gì mà phiền hả chị? Mình là người nhà cả.
Bà Ngân làm thinh nhìn mẹ con bà Diễm đi ra. Duy tiễn hai người ra cổng. Bà Diễm quay lại:
- Con lên nhà đi, bác về nghe.
- Dạ.
Ngồi lên phía sau yên xe, bà nghiến răng:
- Con mụ đó miệng lưỡi cũng độc địa lắm. Tưởng tao không hiểu thâm ý của bả sao? Tao nhịn cho bà lấn tới đó. Mai mốt đám cưới xong rồi, bà sẽ lãnh hậu quả.
- Mẹ nói lãnh hậu quả gì?
- Hừ! Con bả nằm trong tay mẹ con mình chứ bay đi đâu mà bả dám xiên xỏ mẹ. Còn con ranh nhỏ kia nữa? Đồ hỗn láo!
Mắt Mỹ Phượng cũng long lên:
- Hồi nãy thấy nó khinh khỉnh với mẹ con mình, con muốn tát cho nó một cái hết sức.
- Mày phải giục thằng Duy lo cưới lẹ đi. Coi chừng mụ già đó gài con Hạnh cho thằng Duy. Lúc đó thì mày mất bồ mà mẹ cũng khổ nữa.
- Mắc gi đến mẹ mà mẹ bảo khổ?
- Im đi! Con nít biết gì.
Thật ra Phượng chẳng biết gì về nối lo của bà Diễm. Bà đã bí mật vay mấy trăm triệu hùn vốn với tình nhân cũ xây dựng một khách sạn tầm cỡ quốc tế. Nhưng mấy tháng công việc chẳng thấy tiến triển gì cả, và bóng ông ta cũng biệt tăm. Bà đã điên cuồng xục xạo tìm ông ta khắp nơi. Tuần trước, một bà bạn nói với bà, ông ta đã mở một cơ sở bán vải ở Campuchia và sống với vợ bé trong một ngôi nhà khá khang trang. Cả tuần nay bà rối bời bời. Giận bầm gan tím ruột, nhưng đành câm lặng chịu đựng.
Chẳng lẽ qua tận bên ấy hỏi tội hắn? Cũng không dám thưa kiện vì sợ chuyện sẽ rùm beng lên, chỉ xấu mặt bà chứ được gì?
Bà Diễm cảm thấy cay đắng ê chề. Từ xưa nay, bà chỉ dùng nhan sắc lung lạc những trái tim yếu đuối và quen được họ cung phụng. Giờ đây chưa già lắm, bà đã bị tên đàn ông bị bà bỏ rơi gạt gẫm. Giận đến uất người mà đành ngậm tăm.
Nhưng bà không còn thời giờ để tức giận, vì còn phải đối phó nợ nần. Thật ra trí thông minh và bản lĩnh của bà chỉ thành công trong việc quyến rũ đàn ông. Còn sự khôn ngoan trong kinh doanh thì bà không hề có, cũng không có ai tin cậy để cố vấn. Chưa bao giờ bà bị khổ sở như vậy.
Cách đây ba ngày, ngân hàng đã đòi thu hồi lại số tiền cho vay vì đã quá hạn. Giấy tờ thế chấp là vườn cà phê ở Bảo Lộc. Giờ đây bà chỉ có thể bán quách nó đi để giải quyết nợ nần. Vì vốn đầu tư vào hang sản xuất đồ nhựa do ông Huỳnh quản lý, bà chỉ đứng tên mà thôi. Thật ra bà chẳng sợ Ông Huỳnh nổi giận. Bà biết là gan ông rất bé trước uy lực của bà. Nhưng để mất một vườn cà phê lợi lộc như vậy, làm sao bà không tiếc. Trên đời này có gì đáng mê hơn tiền chứ?
Mỹ Phượng không biết bà đang cần đến cô. Trước mắt, bà chỉ cần cô vòi vĩnh Duy đưa ra khoảng trăm triệu. Bà tin anh đủ khả năng làm việc đó. Ông bà Minh giàu có, việc đưa vốn cho Duy làm ăn đâu có khóc. Bà sẽ cố vấn cho Mỹ Phượng qua mặt Duy. Chuyện đó cũng đâu đến nỗi khó. Phần còn lại, bà sẽ hỏi vay mấy bà bạn. Chỉ cần giữ được vườn cà phê, còn thì mọi việc sẽ lo sau.
Mỹ Phượng quay lại, la lớn:
- Con hỏi mẹ khổ cái gì? Nãy giờ mẹ nghĩ gì vậy, hỏi mấy lần cũng không nghe?
Bà Diễm khoa? lấp:
- Thì mẹ lo chuyện của con.
- Lo gì?
- Mẹ không hiểu sao ra trường hơn năm nay mà nó không chịu làm đám cưới. Trong khi con ranh kia thì kè một bên. Con không sợ nó thay đổi sao?
Mỹ Phượng cười tự tin:
- Con mà sợ bị bỏ rơi à? Mẹ có chiêm bao không đấy? Thế từ đó giờ, có ai dám nghĩ chuyện bỏ mẹ chưa?
Bà Diễm không trả lời. Vẻ mặt Phượng toát lên một vẻ tự hào lồ lộ. Từ nhỏ cô đã rất hãnh diện về thành tích của mẹ. Mẹ đã làm khuynh đảo bao nhiêu gia đình và luôn thành công. Điều làm cô khâm phục nhất là mẹ đã chiếm được dượng Huỳnh lẫn tài sản đồ sộ của dượng, đến nỗi ông ta bỏ mặc vợ con mà quỳ dưới chân mẹ. Đâu phải ai cũng làm được điều đó.
Còn cô thì thừa hưởng nhan sắc tuyệt xảo của mẹ, được truyền thụ những mánh khóe tinh tế để tạo cho mình sức quyến rũ mãnh liệt. Chỉ cần cô muốn là có thể khuất phục được những trái tim sắt đá nhất. Được cô yêu, Duy hẳn phải hãnh diện lắm rồi. Anh mà đủ sức bỏ rơi cô sao? Lúc ấy thì trái đất sẽ nổ tung.
Tiếng bà Diễm vang lên bên tai đưa cô về thực tại:
- Con phải tìm cách trói buộc thằng Duy mới được. Sao không bảo nó bỏ ra vài trăm triệu mở một công ty gì đó, rồi con quản lý? không lẽ mày không đủ sức làm chuyện đó sao?
Mỹ Phượng nhăn mặt:
- Mở công ty gì? Con có biết gì đây mag quản lý. Con đang tức ảnh muốn chết đây nè.
- Tức cái gì.
- Ba má ảnh kêu ảnh về quản lý nhà hàng rồi ổng bả giao đứt luôn mà ảnh không chịu kìa.
- Sao vậy?
- Ảnh muốn mở công ty riêng, hùn vốn ông bạn nào bên Úc, con đâu có biết.
Bà Diễm mừng khấp khởi:
- Sao mày ngu quá vậy? Nó mở công ty cũng tốt chứ sao. Trước sau gì thì công ty đó cũng là của mày.
Mỹ Phượng bĩu môi:
- Xì! không thèm.
- Sao vậy?
Mỹ Phượng nhún vai, thật ra có nói, mẹ cô cũng không hiểu. Cô thích làm bà chủ một nhà hàng sang trọng hơn. Vì vậy mà cô mới có điều kiện phô cho nhiều người biết nhan sắc và cách ăn mặc mô–đen. Cô có thể tỏ ra uy quyền với những tiếp viên trong nhà hàng. Còn nếu Duy có một công ty, cô chỉ có thể làm cái bóng mờ bên anh, bởi cô đâu biết cách quản lý những việc lớn lao đó. Và nhân viên trong công ty cũng đều là dân trí thức, làm sao cô dám ra mệnh lệnh đối với họ.
Bà Diễm thấy Mỹ Phượng cứ lặng thing, bà nổi nóng lên. Nhưng đang cần đến cô, nên bà nén giận kiên nhẫn:
- Sao vậy, nói cho mẹ nghe đi? Mẹ là mẹ của mày mà mày không tin hà?
Mỹ Phượng nói một cách miễn cưỡng. Bà Diễm nghe đến cũng không nén được, bà rít lên:
- Mày ngu thì cũng ngu ít ít thôi, ấu trĩ quá vậy con ngốc. Chỉ ham mê chưng diện chứ không thấy gì hết. Ngu quá trời đi!
Mỹ Phượng gắt:
- Nói ra để mẹ chửi hả? Biết vậy không thèm nói.
- Thì mày cứ dụ cho nó lấy tiền mở công ty, còn thực hiện hay không sau sẽ hay. Lúc đó mẹ làm cố vấn cho mày, lo gì.
- Mẹ nói cái gì vậy? Làm gì mà dụ ảnh lấy tiền?
Bà Diễm vội lái đi:
- Nếu nó mở thêm nhiều cơ sở làm ăn thì con sẽ giàu có chứ sao.
Mỹ Phượng vẫn vô tình:
- Nhưng có muốn cũng không được. Ba ảnh không đưa ra một xu nào. Nếu có tiền thì ảnh làm lâu rồi
- Vậy hả? Vậy thì thôi.
Bà Diễm thất vọng đến chán nản. Xem như không hy vọng nhờ gì được Mỹ Phượng cả. Thậm chí, nếu nó biết vườn cà phê bị bán, chắc nó sẽ làm ầm ĩ với bà. Từ lâu rồi, Mỹ Phượng cứ nghĩ sau này cô sẽ thừa hưởng một gia tài đồ sộ của ông Huỳnh. Nếu mất một thứ cô sẽ không tha thứ cho bà đâu. Giờ đây bà mới hối hận vì đã cho cô biết điều đó. Mỹ Phượng là đứa con gái ích kỷ. Bà hiểu điều đó hơn ai hết.