Những giọt nước mắt muộn màng
Tác giả: Hồng Sang
Cuối năm , cuối năm vẫn là cái mốc của thời gian. Thời tiết bên ngoài hạ xuống thật thấp , chỉ còn 11.F...lạnh...lạnh đến tê tái vậy mà phần đông "Thiên hạ" không sợ cái lạnh tàn nhẫn này , họ mặc áo đôi áo ba tấp nập đi Shopping , ồn ào....chọn lựa...mua sắm...để trao đổi , tặng nhau trong những ngày lễ cuối năm " MERRY CHRITMAS & HAPPY NEW YEAR" Coi như là một công việc trọng đại cần phải làm ở nước Mỹ xa hoa này........
Riêng tôi , có lẽ cũng còn thêm một số bạn bè nữa cùng tuổi và cùng hoàn cảnh , cảm thấy buồn và cô đơn lắm ! Và cũng có một số người họ đi theo các con các cháu đến Shops mà nhìn ngó các con các cháu đang sống trong cái thế giới hồn nhiên của họ...nhìn thấy những khuôn mặt không ưu tư không muộn phiền ....không giống như những nét mặt "về chiều" của chúng tôi.............
Và khi mà nói đến mấy đứa cháu của tôi , chúng là người Việt Nam chính cống , nhưng được sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Nhưng khi gọi tôi thì chúng mãi gọi là Grandma , chứ không bao giờ gọi là Bà Ngoại thân thương mà tôi hằng mong muốn. Và mỗi lần chúng nói tiếng Việt thì chúng phải "rặn" đến tội nghiệp.
Tôi nhớ có một lần thằng con trai của tôi từ Spokane về thăm. Thằng cháu nội chào tôi :
- Hi ! Grandma...
Tôi nói với con trai tôi :
- Dạy nó kêu Bà Nội đi , cho nghe thân thương hơn.
Thế rồi muốn vui lòng Mẹ. thằng con tôi dạy con nó: Chào Bà Nội
Tội nghiệp thằng Mỹ con vòng tay đứng rặn :
- Chà...Bà..Nụi....
Hai Mẹ con tôi cười đến ra nước mắt...
Đến đây làm cho tôi nhớ đến gia đình của chị Huy , anh ấy mất độ vài năm nay , chị ở nhà với cái nghề babysit , tất cả là 5 đứa cháu vừa Nội - Ngoại và cùng trang lứa , chúng đều sinh ra và lớn lên ở Mỹ ,nhưng chị dạy chúng hay lắm . khách khứa đến nhà không cần nhắc nhở tất cả vòng tay thưa ông thưa bà nghe ngọt xớt thấy mà thương.
Ngay cả mấy đứa con và thằng Rễ cũng vậy. đứa nào cũng ngọt ngào hiếu khách...Đến nhà chị ấy tìm thấy rất là Việt Nam. Từ những món ăn ngon , đến tách trà , ly cà phê cũng rất là "Gợi Nhớ Quê Hương"...
Còn như nói về đời sống hiện tại trên xứ Mỹ này , thì ôi thôi tuyệt vời. Không chổ nào chê được , không chổ nào trách được , nhà cửa - xe cộ -mọi thứ tiện nghi...mọi thứ...đủ mọi thứ...
Tuổi trẻ thì cứ thản nhiên đi tới....tiến lên...còn người già thì cứ phải thụt lùi lại , để sống với quá khứ...Quá khứ như hiện về như bừng lên trong tôi...những cô đơn trống vắng cứ gậm nhắm hồn tôi như điệp khúc buồn...
Hơn 40 năm trôi qua , khi tôi rời ghế nhà trường , giã từ áo trắng thơ ngây. để nhận cái thiên chức làm vợ , làm mẹ....40 năm trôi nổi bềnh bồng....
Giờ ngồi đây. Còn lại gì ? có chăng là những nỗi ngậm ngùi , tiếc nhớ, nhớ những người thân yêu lần lượt qua đời , chiến tranh nghiệt ngã , đau thương ly tán , sợ hãi không cho con người ta có đủ thì giờ bình tâm để khóc...Khóc Cha - khóc Mẹ , khóc người thân...
Sự chết chóc đe dọa , sự đói khổ rình rập...Để giờ đây với cái tuổi xế chiều...mới có thời gian , nghiền ngẫm...để mà buồn đau.......
Ngược dòng thời gian...trở về lúc đó , vào năm 1972 năm đó sử sách Việt Nam ghi thêm vào những tên , nào là : "Đại Lộ Kinh Hoàng" nào là "Mùa Hè Đỏ Lửa"..."Tháng Tư Đen"... "Khu Bắn sẻ"..."Đường Mòn Đau Thương".....
"Đường Mòn Đau Thương" này do tôi đặt tên , và cả làng tôi họ cũng đều công nhận....ngày xưa nó mang tên " Đường vào Hang Nai "(đi sâu vào...có một dòng suối thật đẹp...thỉnh thoảng người ta thấy có một đôi Nai đến bờ suối uống nước)
Gia đình Dì Dượng tôi lên đó dựng chòi làm rẩy , khi nghe "lộn xộn" Dì Dượng vội vã bồng trống nhau trên chiếc xe Bò đưa nhau về làng ,trên đường về xe bò cán lên 1 quả mìn....cả gia đình gồm 6 người. 2 vợ chồng + 4 đứa con...chỉ còn sống sót 1 đứa em 8 tuổi , nhưng em bị cụt mất 2 chân. Sau đó em được vợ chồng người Đức trong Hội Từ Thiện đem về Đức làm con nuôi , em được ráp 2 chân giả và đi bằng đôi nạng ,
Còn Dì Dượng và 3 đứa em , cùng 2 con bò được lấp vội vàng 1 nấm mộ chung nhau... C on đường mòn đau thương được đặt tên từ đó.....
1 tháng sau nhằm ngày Thanh Minh , ở làng tôi lại bị 1 quả 105 ly rớt vào ngay chợ , làm chết và bị thương khoảng 40 người ,trong số đó có em trai tôi : Lê Văn Minh...nó chết ở tuổi 18...
-Từ đây một cổ áo quan.
Từ đây một nấm đất vàng lấp chôn.
Đau thương ở lại dương trần.
Cha già Mẹ yếu...lệ tràn đôi mi...
Lúc đó miền Nam sôi động quá , Dân làng đều tản cư về thành phố. Cha tôi đau nặng , nên việc di chuyển không dễ dàng. nên tôi phải ở lại trông Cha và lo nhang khói cho em Minh của tôi. Mẹ tôi thì dắt dìu các em đến Quận Long Thành (cách làng tôi 9 cây số)
MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972
Cha tôi đau nặng liệt giường.
Ì đùng tiếng súng ngoài nương vọng vào.
Dân làng hớt hãi lao xao.
Làm cho xóm nhỏ thêm màu tang thương.
Chiếc lá còn đọng cành sương.
Phải chăng nước mắt xót thương dân lành.
Chiến tranh ơi hỡi chiến tranh.
Sao lại nở đàng cướp mất em tôi.
Em tôi chết hôm tháng rồi.
Vào ngày tảo mộ cũng thời Thanh Minh.
Quả pháo thật quá vô tình.
Rơi ngay giữa chợ rung rinh đất trời.
Người sống...hồn phách chơi vơi.
Người chết ...tan nát rã rời thịt xương.
Cha tôi ngả bịnh liệt giường.
Vừa oán , vừa hận , vừa thương con mình.
Chắp tay kêu tới trời xanh.
Mong ông thương xót mà nhìn xuống coi.
Quan tài được xếp hàng đôi.
Hơn 30 cái...nằm phơi trưa Hè.
Ve sầu chưa dứt tiếng ve.
Thế là họ lại lăm le tìm về.
Cha tôi ủ dột ê chề.
Giục Mẹ lìa bỏ làng quê lên thành.
Mẹ tôi nức nỡ vỗ dành.
Đi thì đi hết , không đành bỏ Cha.
Ông bảo rằng tôi đã già.
Không muốn vướng bận Bà và con thơ.
Bà ơi ! chớ có chần chờ.
Đạn vô tình lắm không ngờ được đâu.
Mẹ tôi lã chã dòng châu.
Ra đi còn ngại cái bầu của Sang.
Thấy đứa con gái có mang.
Vậy mà nó phải lo toan mọi bề.
Cha - Con...ở lại làng quê.
Mẹ tôi dìu dắt trẻ về thành đô....
TỬ THỦ
Các em theo Mẹ đi rồi.
Còn tôi ở lại...đành thôi "giử đồn"
Bóng chiều buông phủ làng thôn.
Tôi ngồi nghĩ lại hết hồn ai ơi !
Mới hai mươi mấy tuổi đời.
Mà tôi phải chịu liên hồi đắng cay.
"Chiến sĩ" "Tử thủ" ...đêm dài.
Cùng Vị "Tư Lệnh" nằm ngay trên giường.
Gian phòng nghi ngút khói hương .
Của thằng "Lính trẻ" "Tử thương" tháng rồi.
Đứa bé trong bụng loi nhoi.
Nhắc tôi nhớ lại chiều rồi ...chưa cơm.
Đêm nay " Trấn thủ lưu đồn"
Một già - một trẻ...một hồn lãng du....
Vài tháng sau Cha tôi , phần bệnh hoạn ,phần vì đau buồn cho cuộc thế. Ông cũng mất đi trong một đêm đầy mưa gió của tháng 7 đau buồn...Những người thân yêu lần lượt ra đi để lại đau thương tiếc nhớ cho những người còn ở lại.......
Trời tháng 7 mưa liên miên , mọi người đang liệm xác Cha tôi. Từng mảnh vải trắng xóa phủ quanh quan tài cùng với vài người thân tiếp sức , nhìn Ông Ngoại với đôi cánh tay già gầy guộc từ từ phủ những tấm vải trắng vào thân xác Cha tôi...Đời đời tôi cách xa Ba bởi màu trắng tang tóc ấy...Nắp quan tài được đậy lại , từng tiếng búa nện đinh làm buốt xoáy lòng tôi...Những ngọn nến lung linh tỏa sáng , vài giọt nến chảy dài xuống nấp quan tài mà tôi cứ ngỡ lệ mình tuôn chảy....Ba đó...tôi đây...mà sao cách biệt đến ngàn trùng. Thôi rồi ! Cánh chim đầu đàn đã gảy...chỉ còn lại một mình Mẹ , thì làm sao chóng chỏi với phong ba bão tố cũng những ngày còn lại...
- Ba đi rồi...Ba đi xa thật rồi...Ba ơi ! Ba ơi ! Tôi gọi Ba trong thảm thiết...tôi gọi Ba trong nghẹn ngào...và thếp đi lúc nào không hay...
Buổi sáng của ngày hôm sau , cũng vẫn là một ngày u ám....mưa gió liên miên...Khi nghe ồn ào bên ngoài tôi choàng tỉnh giấc , thì ra mọi người đang chuẩn bị đưa Cha tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng ,
Trời vẫn cứ mưa...mọi người lo lắng bảo nhau :
- Chà ! nếu mưa hoài...ướt quan tài...sau này các con làm ăn không khá.
Riêng tôi tôi không nghĩ thế ! Tôi nghĩ Ba tôi ra đi đột ngột quá , sớm quá...bỏ lại Mẹ con tôi bơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược , nên động đến lòng trời.....
Những nắm đất vàng thả rơi xuống huyệt , từng nắm từng nắm...mọi người cúi đầu từ biệt Ba tôi , ai ai cũng nước mắt đằm đìa , lấp mộ xong ai về nhà nấy , sau 2 ngày lo ma chay cho Cha tôi ai ai cũng mệt đừ , căn nhà của tôi càng thêm trống vắng....thế rồi những ngày tháng buồn tẻ cứ kéo dài thêm với gia đình chúng tôi ,
Mẹ tôi không còn hăng hái với công việc như xưa , ít la rầy chúng tôi . Mẹ thường ngồi một mình trầm tư , trên gương mặt Mẹ hiện thêm vài nếp nhăn. Mặc dù Mẹ còn rất trẻ....Có lẽ Mẹ quá lo âu cho cái gánh nặng gia đình mà Cha tôi vừa để lại...
Bao nhiêu người thân yêu nằm xuống...Người ta thường bảo : Thời gian là liều thuốc quý , làm xoa dịu được những nỗi đớn đau...
Đến năm 1973 khi nghe hiệp định ngừng bắn , tưởng là sẽ được sống yên....được bảo vệ sự sinh tồn....Người chết thì yên mồ yên mả...Người còn sống thì phải tiếp tục cúi đầu dấn bước quảng đường còn lại...Thật ra...đâu ai biết trước được ngày mai...những ngày sắp tới...trong tương lai....trong sáng hay đen tối...bi thương hay huy hoàng...
Rồi...Đùng một cái...đến tháng tư năm 1975....một vết khắc muôn đời để lại trong lòng muôn muôn triệu triệu người dân Việt Nam. Không bao giờ quên. Tháng tư đen...Tháng tư kinh hoàng...lại phải chết chóc , lại phải chạy loạn...cửa mất - nhà tan - đói khổ - tù tội....viễn ảnh đen tối bao phủ ngút ngàn....
Chiến tranh ơi ! mi hiểu ?
Đã bao nhiêu năm rồi ?
Ta lớn lên mi biết ?
Giữa súng đạn tơi bời.
Khóc than oán hờn - khiếp !
Máu chảy thành sông thôi.
Bao đầu xanh vô tội.
Quấn khăn sô bùi ngùi.
Mắt tròn xoe ngơ ngác.
Khăn sô...rồi...khăn sô...
Con người sống trong hoang mang lo sợ , cây buồn thôi nở hoa....cây buồn thôi kết trái...Những lá trầu sau nhà tôi èo uột không thèm xanh tươi cho lá như xưa...mặc dù tôi và Mẹ cố công gánh nước tưới mỗi ngày...chỉ có 1 năm thôi , mà người và cây cối đều xác xơ xơ xác...Những đồ đạc trong nhà...không cánh mà bay từ từ ra hết nơi chợ trời....cũng không sao lấp đầy mấy cái miệng của gia đình tôi , mấy đứa em và mấy đứa con của tôi không quen thiếu thốn , cực khổ ,cứ thay nhau đau yếu....trong khi đó chồng tôi đang vướng vòng tù tội...không biết bao giờ được về...Theo lời của nhà nước nói là : Học tập cải tạo.....
Đêm đêm nằm trên võng kẽo kẹt ru con...ôm con mà khóc thầm...Mẹ tôi nằm trên bộ ván gác tay lên trán thỉnh thoảng Bà lại thở dài trong đêm khuya thanh vắng....
- Một mái đầu bạc thì nhớ người đã nằm yên muôn đời dưới mồ sâu , còn mái đầu xanh thì nhớ người ra đi biết bao giờ trở lại.....Hai Mẹ con hai tâm sự , tâm sự nào cũng tràn đầy nước mắt....
Trong căn nhà lớn , trống vắng tạo cho tôi cái cảm giác sợ hãi đến bịnh hoạn , nhà rộng và to 3 gian 2 chái. Gian giữa thờ Tổ Tiên , hai bên là hai bàn thờ của Ba tôi và em Minh nghi ngút khói nhang ,bỗng con tôi lên cơn ho dữ dội. Mẹ tôi ngồi dậy đưa chân tìm đôi dép và lần đến bàn thờ đốt nhang khấn vái :
- Ông ơi ! ông phù hộ cho cháu đi ông.
- Minh ơi Minh ! cậu linh thiêng phù hộ cho cháu đi con....
Tất cả những Bà Mẹ trên đời này đều làm thế , nhất là những Bà Mẹ ở vùng thôn quê , chất phác , mỗi khi có việc gì quá tầm tay mình thì phải nhờ đến người "Khuất mày khuất mặt".....
Giá như lúc đó chỉ cần có vài viên thuốc cảm hay 1 chai thuốc ho thì con tôi khỏi ngay thôi. Đàng này...cái gì cũng không , ngoài cơm ra , cái gì cũng không , có khi cơm còn chưa đủ no nữa là....
Có một lần , thằng con trai tôi bị bệnh được ăn cơm trắng (không có độn củ mỳ hay bo bo) chị của nó đứng nhìn với đôi mắt thèm thuồng và bảo :
- Quốc sướng nha ! được ăn cơm trắng , mai mốt chị bệnh Mẹ cũng cho chị ăn cơm trắng sướng ghê.
Lời nói của đứa con gái 6 tuổi , đến mãi bây giờ tôi vẫn còn nhớ.Thành thử ra , khi được đến đất nước này chúng muốn mua , muốn sắm thứ gì tôi cũng không bao giờ ngăn cản chúng....cứ để chúng được bù đấp lại ở tuổi ấu thơ mà chúng quá thiếu thốn......
Trời bên ngoài vẫn lạnh , lạnh ghê lắm...chợt nghe mằn mặn ở bờ môi...tôi lại khóc nữa rồi....NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT MUỘN MÀNG....
Viết xong ngày 23/12/2005.Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ.
hongsang